Màu yêu trong đồng tử thơ Linh

09:10 23/04/2009
NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP1. Khi chạm vào cơn lốc và những điệu rock thơ mang tên Vi Thuỳ Linh, bất chợt tôi nhớ đến câu thơ dịu dàng và sâu thẳm của Paul Eluard: Trái đất màu xanh như một quả cam. Với P. Eluard, tình yêu là một thế giới tinh khiết, rạng rỡ và ngọt ngào: Đến mức tưởng em khỏa thân trước mặt. Còn Vi Thuỳ Linh, nếu ai hỏi thế giới màu gì, tôi đồ rằng nàng Vi sẽ trả lời tắp lự: Màu yêu.

Yêu chính là nhịp mạnh, là năng lượng cơ bản cháy lên trong đồng tử thơ Vi Thuỳ Linh. Xem ra, Vi Thuỳ Linh muốn chinh phục độc giả và tạo ra độc giả của mình bằng cách yêu của lửa, bằng sự mê đắm của một người tận hiến: Nở tận cùng đến chết. Cả ba tập thơ Khát- Linh- Đồng tử là sự kế tiếp của một hành trình bền bỉ và tự tin: hành trình tình yêu. Như thể, chỉ một phút không yêu, Linh sẽ thấy ngày tận thế.

2. Nhưng đâu riêng gì Vi Thuỳ Linh mới tự coi mình là tín đồ của tình yêu. Đàn chị của Linh, nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng hết sức mãnh liệt: Làm sao được tan ra-Thành trăm con sóng nhỏ-Giữa biển lớn tình yêu-Để ngàn năm còn vỗ. Hai chữ ngàn năm trong con sóng của Xuân Quỳnh đã đẩy khát vọng hòa nhập thành bất tử. Tuy nhiên, thuộc thế hệ 8X, những dòng nham thạch cảm hứng thơ Vi Thuỳ Linh tuôn trào với cường độ mạnh hơn nhiều. Nó chuyển động với nhịp điệu hối hả. Nó hiện hữu trong hơi thở thường ngày: Em mặc những vân tay anh, hằn vết. Nó đạt tới đỉnh cao bằng khoái cảm hàm chứa sự sinh sôi: Những cặp chân khóa chặt nhau khước từ chân lý... Đây mới thực là câu thơ mang chất giọng Vi Thuỳ Linh. Một câu thơ khỏe khoắn và mang âm hưởng nữ quyền. Vi Thuỳ Linh muốn truyền đến độc giả ý tưởng nghệ thuật đẹp: Tình yêu luôn có khả năng sinh tạo nhiều chân lý mới! Tôi nghĩ, về phương diện “nổi loạn” và “tinh thần phục hưng”, Vi Thuỳ Linh đã phần nào tiếp nối được nguồn nhựa sống phong phú và mãnh liệt của bà chúa thơ Nôm họ Hồ cho dù chưa hẳn cây bút này đã tự ý thức được điều đó. Chỉ có điều, trong thời internet và hội nhập toàn cầu, Linh và các nhà thơ cầm bút thời hậu chiến được hưởng một không gian sáng tạo cởi mở hơn nhiều. Họ được phép nói to những suy nghĩ cá nhân, được tự do bày tỏ những khát khao thầm kín nhất. Thời thế và bản lĩnh, trong tinh thần duy mỹ và tận lực vì nghệ thuật đã giúp Vi Thuỳ Linh tạo được phong cách mang dấu ấn độc đáo. Chị dám đề cập đến vấn đề tính dục và coi nó như một đối tượng thẩm mĩ, một nguồn cảm hứng không vơi cạn:

Liên tục từ em
Những ký hiệu, màu sắc âm thanh
Khuếch tán mọi con đường thơm của thế gian
Dành cho Anh một hành tinh non tơ
Tình yêu- như uyên ương khỏa thân mưa
Thân cuốn thân tranh lụa trắng.
Nhà thơ coi niềm khát yêu như một phương diện biểu đạt sức sống:
Muốn thêm một đêm anh trồng em
Muốn thêm nhiều đêm anh trồng em
Hối hả sống hình dung ngây ngất
Em thèm được sinh sôi như đất
Em thèm thở bằng hơi thở anh...

Cái lực sống luôn phải giành quyền kiểm soát với lực chết vốn là phát hiện của Freud đã được Vi thùy Linh chuyển thành thi ca. Tôi thực sự không hiểu sao nhiều người lại dị ứng với chất libido trong thơ Vi Thuỳ Linh khi mà ai cũng biết rằng tình yêu vừa có sự cao khiết về mặt tinh thần vừa phải mang màu trần thế. Thậm chí, trong quá trình đi tận cùng đam mê trần thế, người ta sẽ bắt gặp sự ngây ngất trong hòa hợp thiên thần. Một triết gia Đức có lần từng nói: Chạm tới cơ thể khỏa thân là chạm tới bầu trời. Vậy thì việc Vi Thuỳ Linh đưa vào thơ mình cảm giác Hãy giấu vào em cơ thể của Anh nào có lỗi gì. Chung quy, “tội” của Linh là cách yêu của nàng quá mạnh. Nhưng khốn nỗi tình yêu dịu dàng thì nhiều người đã nói. Vậy bạo liệt là nẻo đến của Linh. Linh muốn chết trong yêu. Yêu để biết thế nào là chết. Suy cho cùng, đó cũng là dấu hiệu của một bản lĩnh, thể hiện một cách nhìn thế giới, một phương thức phô bày bản ngã xuất phát từ một niềm tự tin:

Em miêu tả mình kỹ càng trong những bài thơ không có chữ Hết
Thơ cho những người phụ nữ thoát ảo ảnh cam chịu buông xuôi
Cự tuyệt vai trò thứ yếu
Chẳng chịu lượng sức mình
Vì trái tim đa tình bẩm sinh...

Cái tôi trong thơ Vi Thuỳ Linh là cái tôi dồi dào cảm hứng lãng mạn. Một cái tôi lúc nào cũng đòi yêu và đòi được yêu. Phía nào cũng phải hết mình. Bên nào cũng phải tận lực. Đó chính là thời điểm bản ngã được giải phóng tối đa. Cảm quan nghệ thuật ấy dĩ nhiên buộc Linh phải gây hấn với những cách yêu chừng mực, những giai điệu thơ quá nghiêng về êm ả. Những cơn lốc tình, lốc chữ, lốc ý trong thơ Vi Thuỳ Linh như nhà thơ Dương Tường nhận xét thực chất là ý thức khẳng định quyền được yêu sống, quyền tự do cá nhân. Đây là biểu hiện của tư duy nghệ thuật hiện đại: Tôi nhìn thế giới bằng đôi mắt của tôi! Biện chứng tình yêu trong thơ Linh là ở chỗ, yêu là động lực để tích tụ năng lượng thơ ca, thơ ca là con đường để phóng chiếu tầm mắt tình yêu nhằm tôn vinh vẻ đẹp Người. Linh muốn dùng sức mạnh của ngôn từ để biểu đạt sức sống:

Trên lưng Anh
Bơi mải miết ngón tay em dài trắng
Môi em trườn đêm căng
Duỗi chân dài, em nối những ranh giới, những núi đồi, sông biển, nhịp nhịp qua cầu đùi muốt...

Người đọc dễ nhận thấy đây là những câu thơ màu sắc sex khá đậm. Nhưng đó là những câu thơ đẹp thanh thoát và giàu sức gợi vì ngôn ngữ thân xác gắn chặt với nhịp thở của tình yêu. Những câu thơ như thế khá nhiều trong Đồng tử:

Cho em nắng óng cất từ màu da anh
Cho em tiếng cười từ khóe môi rộng lượng Anh
Cho em ngủ ngon trong vòng ôm định phận của Anh.

Trong tập thơ này, Anh bao giờ cũng xuất hiện dưới dạng viết hoa. Đó là một thái độ biệt nhãn, một hình thức thờ phụng tình yêu. Phải chăng Linh muốn làm như L. Aragon khi ông coi Elsa như một nguồn cảm hứng bất tận trong cuộc đời cầm bút của mình? Sau mười năm kiên trì theo con đường đã chọn, với tập thơ thứ ba, Vi Thuỳ Linh muốn mở rộng cảm hứng nhằm gửi đến người đọc một thông điệp giàu tính khái quát: Tình yêu là phát minh vĩ đại nhất của mọi thời bởi đó là nguyên nhân sinh ra thế giới. Nơi ấy cho ta hạnh phúc đến sôi trào, nghiêng đổ: Em uống Anh- ly rượu mạnh. Nơi ấy cũng là nơi ta tìm thấy sự bình yên tuyệt đối: Trên ngực anh, em an lành. Thực thể tình yêu trong thơ Vi Thuỳ Linh mang nhiều màu sắc và cung bậc khác nhau. Nó không nằm im lìm như những giải thích từ điển. Nó là một cây đời sung mãn, tràn căng nhựa sống. Tôi muốn lần theo những dòng chữ của Linh để tái dựng cấu trúc bộ gien xuyên suốt cõi yêu của nàng: khát khao và hối hả - dâng hiến và chiếm đoạt - hòa hợp và sinh thành... Thực ra, không ít trường hợp, khi mà thi hứng lãng mạn quá mạnh không kịp tiết chế, Linh rơi vào trạng thái ồn ào. Nhưng tôi nghĩ, với cách trình bày thế giới bằng đôi mắt tình yêu và ý thức muốn đập vỡ những rào cản, kị húy giả tạo để nói lên tiếng nói sâu nhất của một cái tôi lúc nào cũng khát thèm, Linh đã đưa ra một quan niệm nghệ thuật giàu tính nhân văn: ẩn trong em, nữ thần Aphrodite- Đến với mọi người bằng sóng chữ tình yêu. Không chỉ nói nhiều đến khoái cảm yêu đương, Linh bắt đầu nhận thấy hình hài những đứa con trong giấc mơ làm mẹ, trò chuyện với chúng trong niềm ngây ngất: Anh- em cùng các con hóa thành những giọt tím bay giữa ba chiều sự sống. Linh triết lý về nhân sinh và khẳng định tình yêu có khả năng cứu rỗi con người: Thế giới lung linh khi ta nhìn bằng mắt trong bác ái.

Tôi nghĩ, những nỗ lực trên đây của Vi Thuỳ Linh cho thấy chị đang tìm cách tạo ra sự đa dạng trong giọng điệu và mài sắc hơn cái nhìn nghệ thuật của mình. Đó là lý do vì sao trong Đồng tử đã xuất hiện những khúc đồng dao, xuất hiện nhiều câu thơ nói về thế sự. Linh bắt đầu suy ngẫm về các giá trị trong đời sống thường nhật, lắng nghe tiếng vọng ngày mai qua cảm nhận về kết quả tình yêu- những đứa con trong mơ và nụ cười hài nhi trong trẻo. Linh muốn chứng minh mình đang chín dần sau quãng thời gian năm năm náu mình trong im lặng. Năm mươi chín bài thơ mà Linh cố gắng chọn lựa trong tập Đồng tử cho thấy Linh không định đoạn tuyệt với thơ sau hai lần sóng gió. Và Linh đã trở lại! Trở lại để chứng minh một tình yêu song trùng vẫn còn nguyên vẹn: yêu Anh và yêu thơ. Tất thảy đều mãnh liệt, hết mình. Tất nhiên, đó là sự mãnh liệt và hết mình theo kiểu của Linh.

3. Đã có thể nói đến trường chữ của Vi Thuỳ Linh trong chặng đường mười năm nàng Vi tự nguyện dấn thân vào nghệ thuật. Linh thành thật tin rằng tình yêu và sức mạnh vô song của nó là khởi đầu của mọi khởi đầu. Niềm tin ấy và ý thức vượt thoát khỏi sự sáo mòn chữ nghĩa đã giúp Vi Thuỳ Linh có nhiều câu thơ đẹp, lạ, giàu sức gợi: Mặt trời thoát y vì em trẻ lắm, Hãy phủ thơ khắp thế giới của em... Dày đặc trong thơ Vi Thuỳ Linh là những động từ gây cảm giác mạnh nhằm diễn tả niềm khát khao hòa trộn. Linh không chọn cách yêu e lệ “nâng án ngang mày”. Cái mà Linh cần là cảm giác Cuồng phong thân người. Đó là nguyên nhân cơ bản nhất làm nên trữ lượng tình cảm phong phú của Vi Thuỳ Linh trong thơ. Như con ngựa không chịu bó mình vào những dây cương thể loại và những nguyên tắc vần điệu thông thường, Vi Thuỳ Linh lấy hơi thở tình yêu làm điểm tựa để kiến tạo nhịp điệu câu thơ. Nhịp điệu thơ Vi Thuỳ Linh là nhịp của cơn gió tình đồng vọng. Trong Đồng tử, Linh nói nhiều về âm nhạc, dùng nghệ thuật để cảm nhận nghệ thuật. Nhưng thực ra, rốt lại, đó vẫn là cách yêu của Linh. Té ra, chữ yêu trong cái nhìn/ đồng tử của Linh rộng hơn ta tưởng. Đó không đơn giản là tình yêu trai gái mà sâu hơn, Linh muốn trình bày quan niệm sống: khi yêu, con người có khả năng nhân đôi mình; khi yêu thế giới này sẽ đẹp hơn bội phần. Đó là ý thức muốn mở rộng vùng địa chấn thơ ca của Vi Thuỳ Linh. Nhưng dường như có lúc trong Đồng tử, Linh chuẩn bị cho điều này chưa thật chín. Chính nó đã hạn chế chiều sâu triết lý của thơ Linh. Trong những trường hợp ấy, Linh chỉ mới dừng lại ở mức tạo nên những câu thơ thông minh mà chưa đủ để trở thành một thông điệp thẩm mĩ có khả năng gây ám ảnh. Xin dẫn một ví dụ: Cuộc sống còn nhiều đẹp lắm- Ta tin điều ấy như mình tin ta- Chợp mắt ngủ trong tay- say sưa sen đường thơ... Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, khi biết mở rộng và không ngừng nâng tầm văn hóa thơ, Vi Thuỳ Linh đã ý thức được sự trường vốn trong sáng tạo. Theo tôi, đây là tín hiệu thật đáng mừng, nhất là khi Linh mới tuổi hai lăm. Vâng, mới hai lăm tuổi, Linh sẽ còn góp cho thơ ca nhiều điều mới mẻ. Xin loài người hãy hiểu, trong bản đồ thơ đương đại, từ ấy đã có Vi Thùy Linh!

N.Đ.Đ

(202/12-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VĂN TẬN - HOÀNG THỊ ANH ĐÀO Thế kỷ XV - XVII, các nước phương Tây bước vào thời kỳ tích lũy nguyên thủy tư bản, những cuộc phát kiến địa lý đã mở ra một cuộc “cách mạng thương mại” thực sự ở châu Âu và đưa đến việc thiết lập mạng lưới giao thông mậu dịch hàng hải xuyên đại dương nối liền châu Âu với phương Đông.

  • BỬU Ý Tháng 11-1985, Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải thưởng Nobel cho Claude Simon, nhà văn Pháp theo trường phái mệnh danh là tiểu thuyết mới quy tụ những tên tuổi khác như A-lanh Ro-bơ Gri-dê (Alain Robbe-Grillet - người chủ xướng và lập thuyết), Na-ta-li Xa-rốt (Nathalie Sarraute), Mi-sen Buy-to (Michel Butor), Ro-ber Panh-Jê (Robert Pinget) v.v…

  • NGUYỄN VĂN HẠNH …Xa rời cuộc sống, xa rời con người, xa rời chủ nghĩa nhân văn vốn là linh hồn của văn học nghệ thuật trong sáng tạo, nghiên cứu, giảng dạy văn chương là mối lo lớn và là nguyên nhân sâu xa khiến cho văn chương mất sức sống, mất sức hấp dẫn vốn có…

  • LƯỜNG TÚ TUẤN Mỗi ngôn ngữ tự nó là một nghệ thuật diễn đạt của tập thể.                                 (E.Sapir)

  • ROLAND BARTHES Lôgic học dạy chúng ta biết cách phân biệt thích đáng ngôn ngữ-đối tượng với siêu-ngôn ngữ. Ngôn ngữ-đối tượng chính là chất liệu phục tùng sự nghiên cứu lôgic; còn siêu-ngôn ngữ là ngôn ngữ, không tránh khỏi có tính cách nhân tạo, trong đó ta tiến hành sự nghiên cứu này.

  • TRẦN THIỆN KHANH Chúng ta sống trong một thế giới đầy những quy ước. Có quy ước công khai, thành văn; có quy ước ngầm, bất thành văn. Quy ước nhiều và có sức mạnh đến mức chúng ta tưởng chính nó làm ra chúng ta.

  • TRIỀU NGUYÊN 1. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan được một số nhà nghiên cứu xếp vào loại truyện ngắn hài hay truyện ngắn trào phúng.

  • - Cứ trừ dần đi dần đi, có thể còn lại là em, ôi Man Nương (Phạm Thị Hoài) - Đi tới tận cùng của cái vô thức, cùng với nhà thơ, hãy tìm thấy lại giấc mơ nguyên thủy (G. Bachelard).

  • NGUYỄN THỊ TỊNH THY 1. “Người trần thuật kiểu tác giả” hay “tình thế trần thuật của tác giả” là một thuật ngữ được đưa ra năm 1955 bởi nhà nghiên cứu văn học người Áo F.K.Stanzel và sau đó được tu chỉnh bởi J.Kristéva, G.Genette và J.Lintvelt.

  • INRASARA Khả năng nhận diện và tâm thế đón nhận cái mới ít liên quan đến thế hệ. Dù thế hệ mới nhờ ưu thế tuổi tác, dễ làm quen với cái mới, cái xa lạ. Dễ làm quen thôi, chứ chưa chắc đã chấp nhận, nhất là với cái mới trong văn chương. Sự thể cả bốn thế hệ người viết nhận định về thơ tân hình thức và sáng tác hậu hiện đại giai đoạn qua, là minh chứng(1).

  • TRẦN XUÂN AN …Ngẩng đầu/Im lặng/Ai hỏi nhà/Tôi chỉ xuống chân…

  • NGUYỄN THI VÂN Kỷ niệm 150 năm ngày sinh Tagore Trong quá trình tìm kiếm các bản dịch tiếng Hà Lan của đại thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941) trong những năm làm việc tại Hà Lan, nghiên cứu gia Liesbeth Meyer đã phát hiện một số thư trao đổi giữa Tagore với Frederik van Eeden (1860-1932) một trong những người Hà Lan đầu tiên đã giới thiệu thơ Tagore đến với xứ xở hoa tuy líp.

  • PHẠM PHÚ PHONG Đối với sự tồn tại và phát triển của một nền văn học không thể không kể đến đội ngũ những người sáng tác trẻ. Đó là lực lượng sung sức, giàu nhiệt tình và báo hiệu những năng lực mới cần được liên tục bổ sung.

  • AN-ĐRÂY ĐÊ-MEN-CHI-ÉP(Phát biểu của nhà thơ An-đrây Đê-men-chi-ép - Tổng biên tập Tạp chí “Tuổi trẻ” trong cuộc hội thảo về thơ nhân Đại hội các nhà văn trẻ Liên Xô lần thứ VIII.)

  • PHAN TUẤN ANH“Ôi, có lý và phi lý lẫn lộn vào nhau, lý trí trong điên loạn” [6,39].

  • TRẦN THIỆN ĐẠONếu như Viện Hàn lâm Thụy Điển, đầu tháng mười năm ngoái, rốt cuộc đã trao giải Nobel 2010 cho nhà văn Pêru Mario Vargas Llosa hụt biết bao nhiêu lần trước đó(1), thì nay, Viện không còn có thể vớt vát được nữa.

  • PHONG LÊ Trở ngược lại buổi đầu của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới, ta đều thấy lực lượng viết của văn học “vô sản - cách mạng” - như tên gọi ở giai đoạn hình thành của nó, cơ bản được cấu tạo từ hai nguồn.

  • Lời người dịch: Nhà thơ Slam Lisa Martinovic đồng ý cho chúng tôi chuyển dịch bài viết ngắn này, khởi đầu giới thiệu với bạn đọc một phong trào thơ trình diễn Mỹ. Đây là một phong trào thơ được nhà thơ Marc Smith sáng lập tại Chicago.

  • TRẦN KIÊM ĐOÀNMấy tháng trước ngày cơn đại sóng thần - grand tsunami - vỡ trào quét vào vùng biển Ấn Độ vào năm 2004, tàn phá vùng duyên hải của 12 nước ven biển và giết hại 230 nghìn mạng sống, người ta chú ý đến hiện tượng thiên di của các loài động vật.

  • NGUYỄN QUÂNLà một người vẽ mà lại yêu thơ, khi đọc liên tưởng của tôi trước hết là liên tưởng của con mắt. Cái chúng ta quen gọi là hình ảnh, hình tượng thơ … với tôi trước hết là cái có thể nhìn thấy trong đầu, khi đọc thơ.