Mắt nàng Daphne

09:57 24/05/2016

HẠO NGUYÊN

1.
Năm đầu đại học, tôi tình cờ quen chị trên một chuyến tàu từ Đà Nẵng ra Huế. Mới nhìn đã biết chị lớn tuổi hơn tôi, dù có thể vẫn đang là sinh viên.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Hôm đó là ngày đầu hạ. Tôi về quê rồi đón tàu chợ ra lại Huế. Những chuyến tàu chợ là phương tiện tuyệt nhất đối với lũ sinh viên nghèo: nếu khôn khéo, chúng tôi có thể trốn vé được, hoặc nếu bị người soát vé bắt gặp thì cũng chỉ phải nộp một số tiền nhỏ hơn nhiều so với tiền vé.

Lên ga ở Đà Nẵng từ lúc bốn giờ chiều, nhưng tàu chợ nên đi rất chậm. Lúc đó đang là mùa cao điểm thi đại học, các chuyến tàu chợ phải nằm ở các ga dọc đường lâu hơn để nhường đường cho các chuyến tàu bắc nam chở thí sinh đi thi. Tàu chợ nên rất đông và hỗn tạp. Lũ sinh viên trốn vé tàu. Những bà bán hàng xuyên tỉnh. Những tay buôn lậu. Rồi cơ man là heo gà vịt chung toa với người. Giữa sự nhốn nháo ấy, tôi thấy chị lặng lẽ ngồi trong một góc toa, chăm chú nhìn tôi.

Hơn tám giờ tối dừng lại ở ga Truồi, thấy có một chỗ trống gần chị do người ngồi bên đã xuống tàu, tôi ghé lại ngồi.

Trong ánh đèn yếu ớt của toa tàu, đôi mắt chị sáng lên kỳ lạ.

- Em là Z, phải không?

Tôi ngạc nhiên nhìn chị:

- Ủa, sao chị biết tên em?

Đôi mắt chị vẫn sáng kỳ lạ. Chị chạm nhẹ vào tay tôi, thì thầm:

- Chị biết em từ lâu lắm rồi, Z ạ!

2.

Hồi đó tôi trọ ở đường Phan Bội Châu, đoạn gần Bến Ngự. Từ ga Huế xuống phòng trọ khá gần. Tôi ở chung với Y, sinh viên Đại học Nghệ thuật. Hai thằng tình cờ gặp nhau trong quán cơm bụi, rồi rủ về ở chung, đơn giản là đỡ tốn tiền thuê nhà.

Mỗi đêm khuya, khi phố đã vắng lặng, Y lại rủ tôi ra sân ngồi đốt thuốc. Từ phòng trọ đã tắt điện, giọng Khánh Ly trong album Sơn Ca 4 vang lên như từ vực thẳm: Đêm ta nằm bóng tối che ngang, đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm, gọi thì thầm…

Tôi hỏi Y sao lại thích cái đĩa nhạc âm u ấy. Y cười lặng lẽ, rồi bảo đời thằng nào mà chả âm u, thêm tí âm u nữa cũng không vì thế mà chết.

Có lẽ bởi vậy mà những bức tranh Y vẽ cũng âm u như tâm hồn hắn, như những đĩa nhạc hắn thích.

Ban đầu tôi cũng ngại, nhưng rồi nghe riết thành quen. Tôi cũng chẳng quan tâm đến việc tâm hồn tôi có trở nên âm u hay không.

Mà trong tôi liệu có cái gọi là tâm hồn? Tôi không dám đoan chắc.

3.

Tôi ngồi im lặng bên chị suốt từ Truồi đến ga Huế. Tính tôi kiệm lời, đặc biệt là với phụ nữ lại càng bối rối nên không biết nói gì. Chị cũng im lặng, chỉ có ánh mắt với những tia sáng kỳ lạ cứ chăm chú nhìn tôi. Tôi có hỏi làm sao chị biết tôi nhưng chị chỉ lắc đầu, cười rồi bảo sẽ đến lúc tôi biết. Thế là tôi lại lặng thinh.

Khi tàu đến ga Huế đã gần hai giờ sáng. Hành khách ai cũng mệt và đói, mặt mày tối om. Riêng chị vẫn đôi mắt lấp lánh kỳ lạ, khi xuống ga cứ nhìn tôi như muốn nói điều gì. Tôi dùng dằng nửa muốn về ngay phòng trọ vì quá mệt, nửa muốn chờ chị nói. Nhưng cuối cũng chị cũng chỉ mỉm cười, lại chạm nhẹ vào tay tôi rồi nói:

- Hẹn gặp lại Z nhé!

4.

Về đến phòng trọ thấy vẫn còn sáng điện. Tôi gõ cửa, Y ra mở.

- Sao mày ra trễ thế?

- Tàu dừng suốt.

Tôi mệt mỏi ném ba lô xuống đất, nằm vật ra giường, rồi ngoái nhìn Y.

- Mà sao mày thức khuya vậy?

- Đang vẽ.

- Vẽ gì đấy?

- Bí mật. Sau này tao sẽ tặng mày bức tranh này.

- Thế à?

Tỏ vẻ vậy thôi, chứ tôi không mặn mà lắm với ý tưởng sẽ được tặng tranh, nhất là tranh của Y. Nhưng không nói gì thì sợ mất lòng bạn.

Tôi nằm một lát rồi đi tắm. Tắm xong vào phòng, nhìn đồng hồ đã gần ba giờ sáng. Y vẫn cặm cụi ngồi vẽ. Tôi vừa ngáp vừa nói:

- Thôi đi ngủ. Mai tao phải qua nhận việc bên nhà sách.

Vì đang nghỉ hè nên tôi nhận việc làm thêm để kiếm tiền. Có một nhà sách tư nhân nhận tôi vào chân bán hàng.

Y bảo tôi cứ ngủ trước. Tôi càu nhàu điện sáng thế thì bố ai ngủ được. Hắn cười bảo mới gặp người đẹp mà sao khó tính thế. Tôi vừa đặt mình xuống liền bật dậy:

- Sao mày biết? Có ai kể à?

Hỏi xong tôi đã thấy mình vô lý. Tôi vừa gặp chị trên chuyến tàu đã về đây ngay. Làm sao ai đó có thể kể với Y được.

Y nhìn tôi thích thú:

- Tao biết. Thế thôi. Mày hỏi làm gì? Mà tao còn biết nhiều điều khác nữa, Z ạ.

Tôi tỉnh như sáo nhìn Y chằm chằm. Nhưng hắn vẫn không nói gì. Bực mình quá, tôi lại nằm xuống, mắng hắn cho thỏa:

- Mày thì biết gì. Dóc tổ.

Chỉ nghe Y cười khẩy. Tôi trùm chăn kín mặt, rồi giấc ngủ như cơn lũ ào đến. Trong đêm đó, thi thoảng tôi giật mình vì sự trở lại của cảm giác lạ lùng lúc chị chạm tay tôi trên chuyến tàu, mở mắt ra thì căn phòng đầy bóng tối, lại rơi vào mộng mị, thấy chị nắm tay tôi, thì thầm:

- Đi với chị, Z nhé. Lên đây, chị cho em thấy.

5.

Nhà sách nằm trong Thành Nội. Công việc không vất vả, nhưng cứ phải đứng và đi lại suốt nên khá mỏi chân. Được cái là lương cao hơn nhiều so với số tiền ba mẹ chu cấp hằng tháng, gần gấp ba lần. Tôi yên tâm rằng vào năm học thì ba mẹ sẽ đỡ gánh nặng vì tôi. Đó cũng là thời gian tôi đọc sách nhiều nhất. Cứ có sách mới về là anh chủ bảo tôi đem về đọc trước nắm nội dung để còn biết giới thiệu cho khách. Vậy là có cơ hội đọc cơ man là sách mà không tốn tiền.

Thấy tôi đọc như con nghiện, một bữa Y bảo:

- Mày đọc vừa thôi. Đọc nhiều quá không tốt cho đầu óc.

- Yên tâm, tao không tẩu hỏa nhập ma đâu mà lo.

- Không phải. Đầu óc mày ních đủ thứ của người khác rồi thì mày không thể đẻ ra cái chi riêng của mày được.

Tôi không cần lý lẽ đó của Y. Tôi cần đọc, càng nhiều càng tốt, để bán sách, và để khỏi phải tốn tiền mua sách.

Thấy tôi bất cần, Y thở dài:

- Đời mày đã khốn nạn rồi, bập vào mấy thứ độc hại đó làm gì?

Tôi làm thinh đọc, không muốn tranh luận với hắn. Càng ở lâu với Y, tôi thấy hắn có những lúc quái gở không hiểu được.

- Thôi, việc mày mày lo. Đừng trách sao bạn bè không khuyên bảo.

Tôi cười khẩy, đúng điệu cười của Y mỗi khi hắn chế nhạo tôi.

6.

Bẵng cả gần một tháng kể từ chuyến tàu đó, tôi không hề có thêm manh mối gì về chị. Công việc ở nhà sách ngốn khá nhiều thời gian, tối về lại phải tranh thủ đọc nên tôi cũng ít khi nghĩ về chị. Chỉ thi thoảng trong mơ, cảm giác lạ lùng lúc chị chạm tay lại khiến tôi thon thót giật mình. Những lúc như thế, nếu Y còn thức để vẽ, đều thấy hắn nhìn tôi thương cảm.

Một buổi chiều thứ hai, lúc đó tương đối vắng khách, khi tôi đang chốt sổ bán hàng để chuẩn bị giao ca cho người khác thì nghe tiếng chào:

- Z khỏe không?

Tôi giật mình nhìn lên. Chị.

Chị đang đứng trước mặt tôi, vẫn đôi mắt lấp lánh kỳ lạ. Không hiểu sao tôi cứ tưởng mình đang chiêm bao.

Ngẩn ra mấy giây rồi tôi cũng mở miệng được:

- Em khỏe. Chị khỏe không? Chị tìm sách gì?

Chị cười rồi lắc đầu.

Tối đó về phòng trọ thì thấy Y đã chuẩn bị sẵn rượu và đồ nhắm. Tôi ngạc nhiên:

- Ở đâu ra thế? Mà nhân dịp gì?

Tôi cố đoán, không phải sinh nhật, cũng chả phải lễ lạc.

- Tiệc rượu chúc mừng mày đấy.

Tôi trố mắt nhìn Y. Mừng cái gì?

- Mày gặp lại chị ấy rồi, đúng không?

Tôi hoang mang. Hay là hắn và chị có mối quen biết từ trước?

- Ngồi xuống đây.

Tôi ngồi xuống. Y rót rượu rồi bảo tôi uống. Bất đắc dĩ tôi phải cầm ly. Trong lòng vẫn lùng bùng không hiểu vì sao Y biết chuyện tôi gặp chị chiều nay, lại cả chuyện trên chuyến tàu đợt trước nữa.

- Mày và chị ấy đi đâu?

Y hỏi bâng quơ như chỉ để tôi phân tâm.

- Thì ăn tối, café. Tao mới nhận lương.

- Thế à?

Y lại rót rượu. Nhìn hắn không có vẻ gì nhiệt thành của một kẻ đang chúc mừng bạn mình. Mà có gì để chúc mừng?

Rượu được một chặp, Y bật cassette. Vẫn Sơn ca 4. Hắn im lặng nghe nhạc, rót rượu cho hai thằng, rồi uống.

Tôi chịu không nổi, phải lên tiếng:

- Mày và chị ấy quen nhau trước à?

Câu trả lời của Y khiến tôi chưng hửng:

- Không hề. Nhưng tao biết. Đã bảo mày đừng hỏi vì sao tao biết mà.

Tôi chả biết nói gì, nhưng bỗng dưng có cảm giác rờn rợn như thể đang ngồi với một tay phù thủy.

Y nhìn tôi:

- Tao đã bảo mày bớt đọc sách đi cho đầu óc nó sáng ra mà mày không nghe. Có thằng nào nhờ đọc sách mà sống xong cái sống của mình đâu Z.

Sống xong? Tôi quá mơ hồ trước khái niệm này của Y. Nhưng rồi tôi cũng chả muốn nói thêm với hắn. Càng ngày hắn càng quái đản.

Hai thằng lặng lẽ uống hết chai rượu. Y nghe nhạc. Tôi nghĩ về chị, về cảm giác lạ lùng lúc chị chạm vào tay tôi.

Dọn dẹp xong, tôi tắm. Vào phòng nhìn đống sách chưa đọc, tôi lừng khừng một lát rồi chặc lưỡi đi ngủ. Y bảo tôi tắt điện ngủ trước, hắn đi lang thang một tí. Tôi ừ kệ mày, về sớm nhé.

Rồi Y đạp xe đi. Rồi tôi chìm vào giấc ngủ. Thấy chị, đứng trên một cầu thang, mắt lấp lánh nhìn xuống tôi và đưa tay ra cười:

- Đi với chị, Z nhé. Lên đây, chị cho em thấy.

7.

Chị thường hẹn tôi vào tối thứ hai hằng tuần. Chị cũng đang đi làm thêm, đánh đàn piano trong các phòng trà. Cuối tuần đông khách hơn ngày thường, nên chị xin nghỉ tối thứ hai. Tôi sẽ chở chị đi loanh quanh đâu đó trong thành phố, rồi ghé quán ăn vặt, rồi chở chị về phòng trọ.

- Em gọi chị là Daphne nhé?

Có lần, đang ngồi một quán cafe bên bờ sông Hương, tôi bất ngờ có ý tưởng đó và hỏi chị.

- Daphne? Tại sao là Daphne?

Tôi kể chị nghe về tiên nữ Daphne trong thần thoại Hy Lạp.

- Nhưng sao gọi chị là Daphne?

Tôi không biết vì sao. Nàng Daphne biến thành cây nguyệt quế. Tôi hình dung chị cầm một nhành nguyệt quế, đứng trên cao và vẫy gọi tôi:

- Lên đây với chị. Chị sẽ cho Z thấy!

Quán café mở nhạc dìu dịu. Những đôi trai gái lặng lẽ ngồi và thi thoảng hôn nhau. Tôi ngồi bên chị, nàng Daphne, chìm trong ảo tượng về đôi mắt chị sáng rực rỡ trong một điện thờ Hy Lạp. Và chị, nàng Daphne, mặc váy trắng, xõa tóc, chân trần thanh mảnh đi trong điện thờ thơm ngát hương nguyệt quế.

8.

Một tối vừa về đến phòng trọ của chị thì trời đổ mưa to. Tôi phải vào phòng chờ ngớt mưa. Ở Huế, những nhà trọ mà sinh viên thuê ở thường đóng cửa trước mười giờ đêm, trừ khi có người thân ở quê đến thăm phải ở lại. Hôm đó đã chín giờ rưỡi mà vẫn mưa tầm tã, tôi sốt ruột ngồi đốt thuốc. Đội mưa về, lỡ cảm bỏ việc ngày mai thì hỏng.

Căn phòng bé tí chừng mười mét vuông. Chị ngồi ngay mép giường, chỉnh lại âm thanh cây đàn piano. Tôi ngồi chỗ bàn học của chị, dòm lên giá thấy toàn sách nhạc lý và các hợp tuyển piano, chẳng có gì đọc để chờ mưa ngớt. Chợt chị bảo:

- Z biết vì sao chị biết tên Z không?

Tôi giật mình quay lại nhìn chị. Mắt chị long lanh kỳ lạ.

- Không, em không biết.

Chị cười.

- Ừ, làm sao em biết được.

Chị lại nhìn tôi. Cứ mỗi lần chạm ánh nhìn đó, ruột gan tôi lại nôn nao tiếng lách tách của những chiếc lá khô chạm phải mưa rào.

- Chị đã gặp em từ lâu rồi, trước chuyến tàu hôm đó.

Tôi ngạc nhiên nhìn chị. Sao tôi không nhớ nhỉ?

- Không. Chị lại cười âu yếm. Không phải ngoài đời thực đâu.

Tôi ngẩn người ra. Chẳng lẽ trong mơ? Chị đang lừa em phải không?

Chị đậy nắp đàn piano, lại gần bên tôi, chạm nhẹ vào tay tôi. Toàn thân tôi run lên cảm giác lạ kỳ lúc những ngón thon dài ấy chạm vào những ngón tôi.

- Trong mơ, đúng là trong mơ, Z ạ.

Tối đó tôi về, thần trí không còn chút tỉnh táo. Làm thế nào tôi đến trong mơ của một người con gái mà tôi chưa từng biết và người ấy cũng chưa từng biết tôi?

9.

Y bảo hết mùa hè hắn sẽ chuyển chỗ ở. Tôi hỏi vì sao. Hắn bảo ở đây chật chội quá, nhiều khi mất cảm hứng để vẽ. Tôi bảo nếu mày không thích ở với tao thì để tao chuyển, việc gì phải đuổi khéo thế. Y nhìn tôi rồi cười phá lên. Ông tướng ạ, ông đang yêu nên hơi nhạy cảm quá quy định đấy. Tôi đỏ mặt nhìn hắn.

- Yêu? Yêu ai?

- Thôi đi. Nhìn cái vẻ mặt của mày sau mỗi lần gặp chị ấy là biết tỏng.

Tôi định gân cổ lên cãi, song lại tự thấy không đủ lý để cãi với hắn. Nhưng tự trong sâu thẳm, tôi biết, giữa tôi và chị không phải là tình yêu nam nữ thông thường. Nó mang màu sắc của một cái gì đó khác thường, thậm chí là bất thường hơn rất nhiều.

Tôi chuyển đề tài:

- À, mà mấy bức tranh mày vẽ đâu cả? Hôm trước còn thấy mà?

- Tao tặng một thầy trên chùa rồi.

Tặng cho thầy chùa? Tôi ngạc nhiên nhìn Y. Thầy chùa nào chịu treo những bức tranh âm u của hắn?

- Thực ra không phải tặng. Nói sao nhỉ?

Y gõ tay lên bàn, vẻ đăm chiêu.

- À, mày có biết mấy đứa trẻ sinh ra khó nuôi thì người ta làm gì không?

Tôi lắc đầu. Chuyện đó có liên quan gì đến mấy bức tranh?

- Người ta gửi cho chùa, không, chính xác là đem bán cho các sư thầy. Các sư thầy sẽ ban tên mới cho nó, đúc chuông cho nó, rồi mấy bà mẹ mới đem về nuôi. Như vậy họ tin đứa bé sẽ dễ nuôi hơn.

- Vậy…

- Ừ, mấy bức tranh của tao cũng vậy. Một bữa sư thầy đó thấy tao ngồi vẽ trên đàn Nam Giao nên lại xem. Rồi thầy bảo gửi hết tranh đó cho thầy.

- Mày đồng ý à?

Hỏi xong tôi mới thấy thừa.

- Ừ. Chuyện này có nói mày cũng không hiểu đâu.

10.

Một ngày chủ nhật, cả hai đều rảnh rỗi, Daphne hẹn tôi đi phá Tam Giang. Hôm đó chị mượn được chiếc xe máy. Vậy là đèo nhau đi.

Quá trưa về đến phòng chị, cả hai mệt lử. Chị bảo tôi rửa ráy rồi nằm nghỉ. Tôi bảo không buồn ngủ. Chị bảo vậy ngồi đó đọc sách. Chị mệt quá. Tôi bảo không sao, chị cứ ngủ đi, em về. Chị bảo chị muốn tôi ở lại một lát.

- Chị muốn cho Z thấy cái này.

Bất giác một cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống tôi. Điệu bộ và giọng nói của chị hệt như tôi đã từng mơ hai lần trước.

Chị nằm xuống giường.

- Z lấy hộ chị lọ thủy tinh trên đầu giá sách.

Tôi nhìn lên. Một cái lọ thủy tinh sáng long lanh.

- Đem lại cho chị.

Tôi lại gần. Chị đang nằm.

- Làm gì vậy chị?

Trước sự sững sờ của tôi, chị lấy đôi mắt của mình ra, nhẹ nhàng đặt vào lọ thủy tinh. Tôi ú ớ nói không nên lời.

- Không sao, chị không sao.

Những ngón thon dài của chị chạm vào tay tôi như muốn trấn an.

- Z ngồi xuống đây.

Tôi không biết phải làm sao, đành ngồi xuống.

- Không sao đâu.

Bàn tay chị vẫn nắm lấy tay tôi, những ngón tay như mất đi sinh khí.

- Khi đi ngủ chị phải luôn tháo đôi mắt ra. Ngủ thì đâu cần đôi mắt, đúng không?

Tôi nhìn chị. Hai mí mắt đã khép lại. Và phía trong đó là hai hốc mắt trống rỗng. Còn đôi mắt của chị thì đang ở trong lọ thủy tinh, vẫn lấp lánh kỳ lạ. Tôi ngồi đó, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

- Chị sinh ra đã như thế. Khi đi ngủ, nếu không lấy đôi mắt ra thì chị không thể nào ngủ được. Cứ như thể đôi mắt của chị không bao giờ ngủ.

Tôi để yên tay tôi trong tay chị, chăm chú nhìn. Đôi mắt, rời khỏi cơ thể chị, vẫn lấp lánh. Hai đồng tử đen tròn ngập tràn ánh sáng vẫn hướng về tôi, như thể chị đang nhìn.

- Z đừng nói với ai điều này. Nếu người ta biết được, chị sẽ khó sống lắm. Chỉ mình Z biết thôi, hiểu không?

Một tay tôi siết chặt những ngón tay chị, tay kia ôm lọ thủy tinh vào ngực, tim tôi như muốn nổ tung.

- Z ngồi yên đấy, đừng đi nhé. Giữ đôi mắt của chị.

Chị thì thầm. Tôi khẽ siết tay chị tỏ ý vâng lời.

- Ngồi đấy Z nhé. Chị ngủ đây.

Giọng chị nhỏ dần, nhỏ dần, rồi chị chìm vào giấc ngủ. Tôi vẫn ngồi đó, tưởng chừng mình có thể hóa đá được, để vừa trông chừng giấc ngủ của chị, vừa trông chừng đôi mắt lấp lánh trong lọ thủy tinh.

11.

Từ sau hôm đó, tôi đến phòng chị nhiều hơn, và cố ở lại đến gần giờ chị ngủ, giúp chị lấy lọ thủy tinh để đặt đôi mắt vào, rồi ngồi đó canh chừng cho chị ngủ.

- Cảm ơn Z nhiều!

Chị thì thầm như thế mỗi lần nhắm nghiền mắt. Tôi nhẹ nhàng nắm những ngón tay của chị. Được rồi. Có em ở đây rồi. Chị cứ ngủ đi. Và thường thì không mất quá nhiều thời gian để chị chìm vào giấc ngủ. Cảm giác như cả sự sống của chị là để mang đôi mắt ấy, nên khi lấy đôi mắt ra rồi, chị hầu như không còn sinh lực. Nhìn chị mỏng manh như chiếc lá non, phập phồng thở. Chị mơ gì trong đó? Một người con gái, khi đi ngủ mà thiếu đôi mắt, liệu có mơ những mộng bình thường? Và đôi mắt của chị, khi rời khỏi chị, liệu có nhìn thấy bình thường như chị hay không?

Tôi ngồi bên giường, nhìn chị ngủ. Đường viền đẹp đẽ của đôi mắt khép lại, che kín một cách hoàn hảo hai hốc mắt trống. Khuôn mặt thanh tú và bình an như thể suốt đời chưa từng gặp một ác mộng nào. Trong tay tôi là lọ thủy tinh với đôi mắt đẹp của chị. Tôi những muốn ru đôi mắt ấy ngủ. Nhưng có vẻ đúng như lời chị nói, đôi mắt ấy không ngủ bao giờ, đôi mắt ấy không bao giờ thiếu được ánh sáng.

Tôi cứ ngồi như thế, đến mười giờ đêm, rồi nhẹ nhàng mở bàn tay chị ra khỏi tay tôi, đặt xuống giường, nhẹ nhàng đặt lọ thủy tinh lên đầu giường chị, để sáng mai chị có thể dễ dàng lấy đôi mắt lại. Và tắt điện, bấm chốt cửa trong rồi khép cửa ra về. Ra về mà lòng không lúc nào không tự hỏi, trong bóng tối của căn phòng, liệu đôi mắt ấy có lấp lánh không?

12.

Y rủ tôi lên ngôi chùa nơi những bức tranh của Y đang tạm trú. Tạm trú, đó là chữ dùng của Y.

Hai thằng đạp xe đi mướt cả mồ hôi, mất gần nửa buổi sáng mới đến nơi. Ngôi chùa nhỏ, nằm im lìm giữa khuôn viên toàn cây lâu năm.

Sư thầy đang quét sân, thấy chúng tôi đến, A Di Đà Phật rồi lặng lẽ quét tiếp. Y ra dấu bảo tôi, hai thằng A Di Đà Phật rồi ngồi bên bậc thềm chờ.

Quét xong, thầy bảo:

- Hai đứa vào trong đi, để thầy rửa tay rồi vào.

Y dẫn tôi vào chánh điện thắp hương chư Phật rồi vào thư phòng. Trong phòng chỉ treo hai bức, một bức là tranh của Y, đối diện là một bức thư pháp chữ “Phật”. Tôi nhìn Y dò hỏi, hắn chỉ lắc đầu.

Y vừa pha trà xong thì thầy vào. Cả ba im lặng uống trà. Rồi Y bảo thầy cho con nghe kinh Kim Cang một chút. Thầy gật đầu. Y bỏ đĩa vào đầu máy, tiếng tụng trầm ấm vang lên. Cả ba lại ngồi trong im lặng, chỉ có tiếng tụng kinh và tiếng mõ đều đều từ đầu máy.

Xong cữ trà cũng là lúc nghe hết đĩa tụng kinh. Y bảo tôi xuống bếp. Hai thằng nấu cơm chay. Ăn trưa xong, lại vào ngồi pha trà uống. Xong Y nói tôi ra dạo ngoài vườn, hắn và thầy có chuyện cần nói. Tôi lang thang trong vườn, đến dưới gốc một cây khế to ngồi nghe chim hót. Lòng tự hỏi thầy và Y sẽ nói chuyện gì. Rồi lại tự hỏi giờ này chị đã ngủ trưa chưa. Không có tôi ngồi bên cạnh, liệu chị có yên lòng ngủ khi rời khỏi đôi mắt?

Những câu hỏi luẩn quẩn khiến tôi mỏi trí. May mà một lát sau Y đã gọi tôi về.

Suốt đường về, Y cứ im lặng một cách khó hiểu. Tôi cũng đoán chắc có chuyện gì đó hắn không thể tâm sự, nên cũng đành lặng im. Về đến phòng trọ, nhìn khuôn mặt Y xanh mét như sắp ốm. Tôi lo lắng:

- Sao vậy? Ốm à?

- Không, không sao.

Y phẩy tay rồi vào phòng, nằm thừ ra giường, vừa đốt thuốc vừa nhìn trân lên trần nhà. Tôi lặng lẽ vo gạo nấu cơm. Tối nay tôi có ca ở nhà sách.

13.

Tối đó trăng sáng. Chị hẹn tôi café. Quán nhô ra mặt sông, trăng về trên sóng như không có thật.

Chúng tôi ngồi im lặng, nghe nhạc và ngắm trăng. Từ chị tỏa ra một mùi hương lạ lùng, giữa đêm trăng và tiếng nhạc xa xôi càng thêm liêu trai.

Thi thoảng chị chạm nhẹ vào tay tôi, những ngón tay như muốn nói điều gì đó. Tôi cố tập trung tâm trí để đoán nhưng rồi bất lực.

Về đến phòng chị, như mọi khi, tôi lấy lọ thủy tinh cho chị. Vừa lên giường, chị hỏi:

- Có phải Z muốn đem đôi mắt về một đêm?

Tôi ngại ngùng nhìn chị. Trước vẻ bình thản của chị, tự dưng tôi thấy mình lố bịch.

- Nhưng…

- Không sao. Nhiều lúc chị cũng tự hỏi khi chị ngủ rồi, Z về rồi, trong bóng tối của căn phòng, liệu đôi mắt chị sẽ như thế nào.

Tôi ngồi im lặng, nghe hơi thở chị như những đợt triều xa.

- Tí chị ngủ rồi Z cứ mang về một đêm.

Tôi gật đầu, rồi kéo chăn lại cho chị. Khuôn mặt chị sáng trong và bình an như vầng trăng vừa lên khỏi đường chân trời. Rèm mi khép lại làm sống lại trong ký ức tôi hình ảnh một cô bé xinh xắn, vừa nhoẻn cười tinh nghịch, vừa buông rèm cửa trước đôi mắt tò mò của tôi, và bảo anh đi đi, đừng nhìn vào đây, không được nhìn vào đây, em phải giữ tất cả bí mật này khỏi đôi mắt anh. Cô bé nào, ở nơi nào đó, một buổi chiều nào đó, không thể nhớ nổi.

Đang trôi mông lung trong ký ức mơ hồ ấy thì giọng chị kéo tôi lại:

- Em đừng chạm vào đôi mắt chị. Nhớ nhé, đừng chạm vào mắt chị.

14.

Tôi không bao giờ có cơ hội hỏi về những điều sư thầy đã nói với Y trong buổi trưa hôm đó. Tôi cũng không biết những bức tranh của Y ở ngôi chùa đó sẽ ra sao.

Một bữa tôi đi học về thì không thấy Y ở phòng nữa. Lúc đó đã vào năm học. Như Y nói, hắn sẽ chuyển chỗ ở, nhưng không hề nói cụ thể lúc nào và chuyển đi đâu, chỉ để lại trong phòng một bức tranh, và tờ giấy ghi mấy chữ nguệch ngoạc: Tặng mày bức tranh này. Cố gắng sống xong cái sống của mày Z nhé.

15.

Tôi gói lọ thủy tinh vào giữa các lớp vải mềm rồi bỏ vào cái túi chị đưa cho. Trên lưng tôi, dọc đường về, không biết đôi mắt chị có khi nào nhắm lại?

Đợt đó Y đang về quê nên tôi có thể đưa đôi mắt về phòng mà không sợ lộ bí mật của chị. Tôi nhẹ nhàng đặt lọ thủy tinh lên bàn, đóng cửa rồi tắt điện ngồi nhìn. Trong bóng tối, lạ lùng, đôi mắt vẫn sáng lấp lánh, cái nhìn của đôi con ngươi vẫn đầy sống động.

Tôi vừa nhìn đôi mắt chị, vừa ước ao có chị ngay giây phút này để kể với chị điều đó. Chắc chị sẽ nhoẻn cười và chạm tay vào tôi để biểu ý vui mừng. Nhưng thật tiếc là giờ chị đang ngủ. Không sao, sáng mai tôi sẽ kể.

Ngồi mãi cũng mỏi, tôi ôm lọ thủy tinh vào giường, đặt xuống gần gối và nằm nghiêng ngắm nhìn. Đôi mắt chị như hai tinh cầu, sáng dịu dàng trong đêm tối. Liệu đôi mắt ấy có thấy tôi? Tôi tự hỏi thế. Vì đôi mắt ấy sáng nên tôi có thể nhìn thấy trong đêm. Nhưng đôi mắt ấy có thấy tôi, hoặc thấy đôi mắt tôi, khi mà cả tôi và đôi mắt tôi đều chìm trong bóng tối?

Tôi nằm im, cố thở thật nhẹ. Có lúc tôi nhìn sát vào lọ thủy tinh, nhưng chỉ thấy những đốm sáng trong đôi con ngươi, tuyệt không thể biết trong đó phản chiếu những gì. Đôi mắt chị nhìn tôi, nhưng có thấy tôi không? Khi đôi mắt rời khỏi cơ thể chị rồi, tôi có còn ở trong đó nữa?

Những câu hỏi khiến tôi tò mò quá đỗi, đôi lần tôi định lấy đôi mắt ra để nhìn kỹ hơn. Nhưng lời căn dặn của chị khiến tôi ngại ngần.

Tôi nằm mãi bên cạnh đôi mắt của chị, không để ý gì đến đêm trôi. Giấc ngủ của tôi hình như đã bị ai đó chặn lại. Tôi hoàn toàn tỉnh thức.

Giữa căn phòng tối om, đôi mắt của chị vẫn nhìn tôi, hệt như đêm đó trên chuyến tàu, chị nhìn tôi và hỏi có phải là Z không.

Mình sẽ mở ra xem sao. Chỉ một lát thôi. Miễn là thật nhẹ nhàng. Cuối cùng tôi đã quyết định như vậy. Lúc đó trời đã trở sáng. Đã nghe ngoài đường có tiếng xe máy của những người bán hàng sớm chợ Bến Ngự.

Tôi mở nắp lọ và không mấy khó khăn để lấy đôi mắt ra. Dù không còn trong cơ thể chị, không được che phủ bởi rèm mi đen, không được bao bọc bởi đường viền đẹp đẽ của bờ mắt, nhưng đôi mắt vẫn quyến rũ không cưỡng lại được.

Trên bàn tay run run của tôi, trong bóng tối, đôi mắt nhìn tôi như muốn nói điều gì đó. Nhưng tôi không chú tâm đến. Trong một thoáng ngắn ngủi, tôi tưởng như vừa thấy một nét buồn bã lướt qua đôi mắt ấy.

Tôi đưa lên nhìn thật sát, gần như là con ngươi của mắt tôi và con ngươi của mắt chị chạm nhau.

Và tôi nín thở. Tôi đã thấy trong đôi mắt lấp lánh của chị là hai chấm tối đen của mắt tôi.

Đã có câu trả lời, tôi thở một hơi dài thỏa mãn. Không nhìn nữa, tôi khẽ hôn lên đôi mắt ấy, và đưa lại vào lọ. Lúc đôi môi tôi chạm vào đôi mắt chị, cảm giác ướt lạnh như chạm vào nước.

Tôi ôm lọ thủy tinh vào ngực, đầy yêu thương và hối hận. Nếu chị biết tôi đã chạm vào đôi mắt chị, không những thế mà còn hôn nữa, chắc chị sẽ giận lắm. Nhưng tôi biết phải làm sao?

Trên ngực tôi, đôi mắt rất yên lặng. Tất nhiên rồi, đôi mắt thì không nói. Tôi vỗ về mình và đôi mắt ngủ, dù vẫn biết rằng chỉ mình tôi ngủ thôi. Đôi mắt chị, trong đêm muộn này, sẽ canh chừng giấc ngủ của tôi, như tôi đã từng canh chừng cho chị.

Không gian của đêm về sáng không dưng mà buồn rười rượi. Tôi cố không nghĩ ngợi gì. Sáng mai phải lên sớm để trả lại chị đôi mắt.

16.

Đêm đó, trong giấc ngủ muộn nặng trĩu, tôi thấy chị.

Chị lặng lẽ đến bên tôi, khuôn mặt đầy tuyệt vọng.

- Chị đến để mang đôi mắt về. Z đừng tìm chị nữa. Sao lại chạm vào đôi mắt? Chị tiếc quá, Z ơi!

Tôi định hỏi sao chị không chờ tôi đem lên cho chị, sao tôi đừng tìm chị, sao chị tiếc, nhưng chị lắc đầu không cho tôi nói gì. Rồi chị lấy lọ thủy tinh với đôi mắt trong đó.

Tôi nhìn.

Ánh lửa trong đôi mắt đã tắt.

Tôi hoảng hốt nắm tay chị nhưng chị trốn bàn tay tôi. Rồi chị đi như bay ra khỏi phòng. Tôi không thể nào níu kịp.

Sau lưng chị, những cánh nguyệt quế rơi lả tả.

17.

Tôi mất chị từ đó.

Cả Y tôi cũng không gặp lại.

Bức tranh Y tặng đến giờ tôi vẫn còn giữ.

Bức tranh vẽ một người con gái, hai hốc mắt sâu hoắm, đen ngoàm, đang hướng về phía chân trời. Phía đó có hai chấm nhỏ chấp chới. Nhìn kỹ thì thấy một đôi mắt có cánh lấp lánh, đang bay về phía bóng đêm.

Vừa bay vừa bốc cháy.

H.N
(TCSH327/05-2016)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HOÀNG TRỌNG ĐỊNHPhòng giam chật chội, tối tăm...  Gần trần có một lỗ thông hơi. Bên ngoài lỗ thông hơi là bức tường tôn xám xỉn. Khe hở dài chừng 10 mét, rộng chừng 3 tấc, nằm song song và gần sát với mặt đường bên ngoài. Đứng trong phòng giam, từ lỗ thông hơi nhìn qua khe hở của bức tường, chỉ có thể thấy những bước chân người đi.

  • NGUYỄN TRƯỜNGThấy tôi ngồi chăm chú đọc thư, miệng cứ tủm tỉm cười, vợ tôi mới giả giọng, hỏi đùa:- Có việc chi thích thú mà cười một chắc rứa?- Có chuyện vui bất ngờ đấy em ạ! - Tôi vừa trả lời vừa kéo tay vợ ngồi xuống, rồi đọc lại một mạch toàn văn bốn trang thư của ba tôi từ Huế mới gửi vào.

  • VIỆT HÙNGGa H. một đêm mưa phùn ảm đạm.Khách chờ tàu nằm la liệt dọc các hành lang.Tôi bước vào phòng đợi, trong tâm trạng không vui mà cũng chẳng buồn. Tìm một chỗ ngồi bất kỳ…

  • TRẦN KIÊM ĐOÀN Ngôi nhà một thời là tổ ấm trên đồi bỗng trở thành rộng gấp đôi, gấp ba và vắng vẻ như một tòa lâu đài cổ từ khi Bé Út dọn ra khỏi nhà để lên miền Bắc học. Đứa con 18 tuổi trên đất Mỹ nầy rời nhà đi học xa thường có nghĩa là đang bước vào đời, ra khỏi vòng tay cha mẹ, thật khó lòng về lại. Những bước tiếp nối là học ra trường, kiếm việc làm, chọn nhiệm sở như cánh buồm đưa tuổi trẻ ra khơi. Bất cứ nơi nào có thể an cư lạc nghiệp trên 50 tiểu bang sẽ là nơi đất lành chim đậu. Tuổi thành niên tiêu biểu của văn hóa Âu Mỹ là tự lập, gắn liền với  vai trò chuyên môn và xã hội chứ không phải quanh quẩn với đời sống gia đình.

  • ĐỖ PHẤNĐêm rất khuya dưới chân núi H. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một con đò bằng tôn móp méo xác xơ. Chẳng hiểu ban ngày trông nó thế nào. Có lẽ đây là chiếc đò bị cấm lưu hành? Không thể có mặt ở bến vào ban ngày. Cũng là cấm làm phép. Dòng suối không có chỗ nào đủ sâu để có thể chết đuối.

  • ĐỖ KIM CUÔNGBây giờ bạn bè ít được gặp anh lang lang trên phố. Thảng hoặc dăm bữa nửa tháng, có khi hơn mới tóm được anh. Ấy là khi anh phải ra khỏi nhà đi nạp bài cho những tờ báo mà anh thường cộng tác, hoặc đi nhận nhuận bút một vài bài thơ lẻ in trên báo.

  • VŨ NAM TRỰC           Truyện ngắn

  • TRẦM NGUYÊN Ý ANHÔng Nhâm bước chầm chậm theo con đường tráng xi-măng ngoằn ngoèo trong con hẻm nhỏ. Căn nhà ông ở cuối xóm, một trệt, một lầu... mới tinh. Cánh cửa sắt đóng im ỉm. Ông ngồi bệt xuống nền xi-măng vì chân ông đã mỏi. Lẽ ra, khi mấy đứa con ông chưa bàn nhau cất lại căn nhà, ông đã có thể đẩy cánh cửa rào bằng tre và đàng hoàng bước vào nhà mình.

  • XUÂN CHUẨNĐể rồi tôi kể cho ông nghe về lai lịch cái quạt, để ông ông khỏi coi tôi là Thằng Bờm có cái quạt mo. Cái thời quạt điện quạt đá, máy lạnh mà cứ bo bo cái quạt kè, thỉnh thoảng lại đạp phành phạch như mẹ hàng cá thách lên giữa chợ. Cũng chẳng có gì li kỳ, hay mùi mẫn rơi lệ, chỉ là chuyện đời tầm phào.Hai ông trải chiếu ngồi giữa sân, nhâm nhi chén trà, ông Thân nói với đại tá Tiến về hưu như vậy khi đại tá ngỏ ý thích cái quạt kè của ông.

  • TRẦN THỊ TRƯỜNG  Bim chào đời vào lúc kém 19 phút. Trăng hạ tuần phun nhẹ màu đục của sữa vào bầu trời. Hôm sau trời lất phất mưa. Bố nói với bà ngoại trước khi đi làm: "Nếu không thấy con về thì bà giúp con cùng nhà con nuôi cháu". Câu nói ám ảnh làm trí tưởng tượng của bà ngoại nhiều lần thắt lại. Sau này nhiều khi bà ngoại sợ cả cái bóng của mình.

  • NAM TRUNG Ông Hãnh cứ đi tới đi lui trong phòng khách nhà ông, vừa đi vừa quạu cọ lẩm bẩm: thằng Hùng nó nói vậy là nó có ý coi thường mình, nó dám trứng khôn hơn vịt. Rồi mày sẽ biết tay ông. Ông sẽ cho mày còn lâu mới được vào Đảng, ông sẽ bác tất cả những đề xuất về mày...

  • HOÀNG THÁI SƠNKhi tôi lớn lên thì nội tôi đã mất từ lâu nhưng thỉnh thoảng dân làng vẫn nhắc đến người với niềm cảm mến về những chuyện không ít ly kỳ. Ông tôi rất khoẻ, người tròn vo, đen như sừng, tục danh Cu Trắt - phương ngữ vùng quê tôi nghĩa là nhỏ và rắn chắc. Ông ham mê võ thuật, thạo côn quyền, thuở trai thường đóng vai ông địa trong đám múa lân. Đám múa năm nào hễ thiếu ông là coi như nhạt trò, dân làng chẳng ai buồn xem. Người ta đồn ông tôi tài ba lỗi lạc, như có thể đi trên lửa, nhảy qua nóc nhà, còn những thứ chui vào hậu cung đình làng mà không cần dở ngói là xoàng... Kho chuyện về ông ngày càng dày do mồm miệng dân gian thêu dệt thêm, tuy nhiên trong đó nhiều chuyện là có thật.

  • PHAN XUÂN HẬUTôi trở về quê sau mười năm xa cách. Quê tôi nằm cuối con sông Vẹn, con sông này là nhánh của sông Dinh, bắt nguồn từ dãy núi Gám, chảy qua bến Dền. Nơi đây xưa kia là kinh đô của vua Dền. Vua Dền tụ tập lực lượng chống lại nhà Trần khi đó đang trấn áp nhà Lý. Vua Dền là hậu duệ của Lý Thái Tổ, ông không chịu sự chuyên quyền của vua tôi Trần Thủ Độ bèn lập căn cứ ở miền Tây Yên Thành, tức quê tôi, và Dền là kinh thành của ông, dân quen gọi ông là vua Dền.

  • NGUYỄN VĂN VINHTết Mậu Thân năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi. Soi gương, tôi thấy y xì một con bé tóc lơ xơ hoe nắng, xấu tệ.

  • CHÂU DIÊNĐơn vị của tôi đi bộ từ một tỉnh miền Trung, lên qua Mường Phăng thì Điện Biên đã giải phóng. Sau một tháng đi bộ nhưng gần như chạy bộ, chúng tôi được phép nghỉ lại hai ngày ở một bản, hồi đó bản này nằm khá sâu trong rừng, nhưng nay thì nó đã ở bên một nhánh đường mới làm dẫn ra phố huyện Tuần Giáo để nối vào con đường số 6 chạy tuốt lên Điện Biên Phủ.

  • NGUYỄN TRƯỜNGLàng Hạ nằm phía hạ nguồn sông La Ngà. Đất chật. Người đông. Đói nghèo thành nếp. Hồi hai bên đánh nhau, nơi đây là vùng địch hậu. Giải phóng hơn chục năm mà làng Hạ đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói. Không ít người bỏ làng đi xa chẳng thèm ngoái cổ nhìn lại. Vậy mà hơn mười năm lại đây, nhờ vực dậy cái nghề tơ tằm truyền thống vốn có từ xưa, làng Hạ đang trở thành một làng nghề giàu có nhất nhì trong vùng. Nhà cũ lỗi thời phá đi xây mới. Đường làng bùn lầy được thay bê-tông. Trường tiểu học tranh tre nứa lá hồi nào nay lên hai tầng. Điện lưới dọc ngang khắp làng đã đẩy năng suất ươm tơ kéo sợi lên cao chưa từng thấy. Chất lượng tơ tằm đạt chuẩn xuất khẩu. Hàng bán chạy hơn cả tôm tươi. Thu nhập người dân ngày một cao.

  • LÊ TRÂMNgồi với tôi và Kh là một đôi nam nữ còn khá trẻ. Chàng thanh niên, theo lời gã, vừa mới về từ Thái Lan sau khi trúng một hợp đồng béo bở. Gã là đại diện của một công ty xuất nhập khẩu nổi tiếng ở bên ấy.

  • NGÔ TỰ LẬPCó lẽ tôi đã ngủ rất lâu trước khi bị lay dậy một cách dữ dội. Tôi cố nằm thêm, mặc dù đó không phải là thói quen của một người lính cũ. Thường thì tôi bật dậy ngay. Trước khi tôi vào lính, cha tôi, một đại tá từng trải ba cuộc chiến tranh, chỉ dặn mỗi một câu: “Hãy chồm dậy ngay tiếng còi báo động đầu tiên!”. Lời dạy của ông tôi làm theo trong suốt thời gian tại ngũ và cả khi giải ngũ. Nhưng có những lúc ta không làm chủ được mình. Tôi thấy mình đau ê ẩm và phải một lúc khá lâu sau tôi mới chậm chạp mở mắt.

  • PHẠM THỊ CÚCTừ những ngày thơ bé còn cắp sách đến trường cho đến khi đã bước vào đời, con cái đã khôn lớn và trưởng thành, trong ký ức của tôi vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh sinh động và kỳ diệu của hàng ngàn con cò trắng rợp cả cánh đồng bát ngát, những cánh rừng và vườn cây trĩu nặng vô vàn chim chóc, hình ảnh chim cò thân thiết đậu cả trên vai người, trên đầu người, quẩn dưới chân người... là chuyện của Vùng Đồng tháp Mười qua những trang viết hấp dẫn của các nhà văn Sơn Nam và Đoàn Giỏi.

  • MAI NINHTrong khoảng giữa buổi chiều thăm viếng cơ sở và dạ tiệc, tôi chạy về nhà thay quần áo. Dưới vòi nước ấm, tôi nao nao xúc động nhớ lại từng khuôn mặt bạn bè. Ngoài một hai người thỉnh thoảng gặp nhau nhờ ở lại nơi này sau khi tốt nghiệp, còn hầu hết thì sau một phần tư thế kỷ đã qua đi, bây giờ mới tái ngộ. Làm sao không ngẩn người trước những tên bạn ngày xưa mặt mũi căng hồng tí tửng nhố nhăng, giờ đây làn da gấp nếp, râu ria đạo mạo, ra dáng sếp lớn sếp nhỏ cả rồi. Và dấu chân chim của thời gian càng rõ rệt hơn nữa, nơi những cô đầm bạn gái của tôi.