TRẦN ĐỨC TĨNH
Có người đã từng chửi tôi là đồ chó, chẳng biết tại sao mà họ lại chửi tôi thậm tệ thế?
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Tôi rất sợ những người mặc áo trắng, nhất là những y tá, mỗi lần nhìn thấy các cô đến bên cạnh là người tôi lại run lên lật bật. Ở bệnh viện tôi luôn trốn dưới gầm giường, tôi không dám bước ra sân bởi vì ngoài đó có rất nhiều người mặc áo blouse trắng. Thỉnh thoảng tôi lại bị lôi ra như con cún lúc mới mang về nhà, họ cho tôi đi đái. Tôi cũng rất sợ đái, vì lần nào đái chim tôi cũng bị ăn vài roi đau điếng, thành ra tôi thích đái luôn ngay chỗ mình nằm. Tôi không biết lý do làm sao mà họ cứ bắt tôi ra để vụt. Làm người khổ lắm tôi muốn được làm chó. Nếu được làm chó chắc chắn tôi sẽ không bị vụt đâu, thậm chí tôi còn được tắm xà bông rồi bế lên nằm ghế sô pha suốt cả ngày. Tôi sủa “Gâu! Gâu!” để người ta biết tôi là chó, họ sẽ không mang ra vụt nữa.
Người ta bảo tôi là gã tâm thần, suốt ngày cứ sủa “Gâu! Gâu!” rồi lại chui tít trong gầm giường, nhất là thấy cô y tá bước vào phòng là tôi nhe hàm răng trắng muốt ra dọa cắn:
- Yên nào! Tôi sẽ không đánh anh đâu mà sợ.
- Ằng! Ằng!
Tôi định lao ra đớp vào đùi cô ta.
- Nào! Cún con của chị! Ra đây chị yêu nào? Chị sẽ không đánh đâu, chị bế cún con đi tắm nhé.
Tôi lắc lắc cái mông rồi ngoan ngoãn bò ra khỏi gầm giường.
- Ngoan nhá! Chị tắm rồi lên giường ngủ cho thơm nhá, cún đái hết ra gầm giường khai lắm.
Tôi nghĩ mình đã thành công rồi, vì chỉ có làm chó mới được cưng chiều như vậy. Cô y tá dắt tay tôi đi dọc theo dãy hành lang, vừa đi tôi vừa sợ nem nép sát bức tường. Ngoài hành lang lúc ấy cũng không có bóng áo trắng nào, chỉ thấy nhiều người mặt mũi nhăn nhó ngồi trên những chiếc ghế nhựa. Họ nhìn tôi bằng ánh mắt liếc xéo, tôi tin rằng họ đang sợ tôi cắn, nhưng tôi sẽ không cắn để họ được yên thân. Vào đến phòng tắm cô y tá chốt cửa lại, qua ánh đèn thủy ngân tôi phát hiện hình dáng mình xơ xác trong gương. Cô y tá dụ cởi hết quần áo tôi ra rồi nhấn xuống chiếc chậu nhựa, cơ thể tôi trần truồng cảm thấy rất thoải mái. Cô bảo tôi ngồi xuống để cô phun nước ấm từ vòi hoa sen vào đầu, rồi tiếp đó cô phun khắp cơ thể tôi, nước chảy đến đâu người tôi dễ chịu đến đó. Đúng là làm chó có khác, tôi sắp sửa sạch sẽ như những con chó cảnh, tôi lại được vuốt ve chạy nhảy khắp nhà. Rồi tôi sẽ sủa toáng lên cho mà xem. Có một điều tôi mới nghĩ ra, làm chó phải biết mừng, biết ôm lấy người. Tôi ôm lấy chân cô y tá. Cô vỗ vỗ vào đầu tôi:
- Yên nào! Để chị tắm cho sạch sẽ đã.
Thích thật! Tôi kêu lên “Ư! Ử!”, rồi với hai chân trước lên ôm ngang người cô y tá.
- Cún! Hư!
Cô y tá nựng tôi! Tôi chồm lên ngang vai rồi liếm vào mồm, cô ngã ngửa ra, tôi tiếp tục vồ lấy. Tôi hôn cô. Tôi hít cô. Tôi kiên quyết không rời cô.
Tôi không có ý thức, mà cũng chẳng biết đạo đức là gì? Tôi đã tấn công cô y tá, đấy là họ bảo tôi thế. Có người bàn thiến hai hạt dái của tôi, nhưng tôi là chó không quan trọng có hay không có dái, tôi chỉ thích được người âu yếm, không ai đánh tôi. Điều này thì tôi đã nhầm. Vị bác sĩ trẻ thay việc của cô y tá, anh ta lôi cổ tôi từ trong gầm giường ra, tôi cắn vào tay, mõm tôi bị tát liên hồi. Bác sĩ quyết định không thiến dái của tôi nữa, họ gọi gia đình lên chăm sóc tôi. Là chó tất nhiên tôi không biết gia đình là gì, tôi không có tư duy như con người, chó cũng chẳng cần văn hóa nốt, bản năng của loài chó tự hình thành trong quá trình sống. Từ khi sống ở bệnh viện tôi không thấy có con chó nào là mẹ tôi. Một hôm người ta dẫn đến trước mặt tôi một bà già, họ nói đấy là mẹ tôi thì vô lí quá, tôi là chó mà mẹ là người. Bà nhìn tôi và khóc. Tôi thương bà quá, tại làm sao mà bà lại khóc, tôi bò tới bên bà hít mũi rồi dũi dầu vào lòng, bà lại càng khóc nhiều hơn. Có thể là tại tôi động viên bà chưa tốt, càng an ủi nhiều bà càng khóc. Thôi! Tôi chui vào gầm giường và ngủ say như chết. Tại sao cái bà già này cứ quanh quẩn bên tôi chứ? Lúc tôi ngủ bà còn lấy khăn nóng lau khắp cơ thể tôi nữa. Tất nhiên là tôi không cắn bà bởi bà không làm tổn hại đến tinh thần của tôi, ngược lại bà tận tụy chăm sóc tôi. Tôi bắt đầu có cảm tình với bà thực sự, ở bên cạnh bà tôi không bị ai đánh bao giờ, cảm giác run rẩy cũng dần dần hết đi.
Đừng ai nói loài chó không biết suy nghĩ, những ngày sống cùng bà già ấy tôi luôn nghĩ đến cô y tá, tôi nhớ bóng dáng duy nhất của cô không lẫn cùng ai được. Loài chó có trí nhớ khủng khiếp lắm đấy, tôi nhớ mùi mồ hôi cô y tá đã ngấm sâu vào các tế bào thần kinh của tôi. Tôi chỉ muốn rời xa bà già túc trực bên tôi ngày đêm, tuy đôi mắt tôi lim dim nhưng cái mũi cứ vểnh lên hít hít mùi trong gió, đầu óc tưởng tượng đến cảnh mừng quýnh cùng cô y tá ấy. Cuối cùng bà già cũng mệt, hình như tôi nghe bà nói với ông bác sĩ là vừa bỏ nhà đến đây để trông nom con trai, bà lo đàn lợn vừa đẻ không có ai chăm sóc, chồng bà điếc đặc nói phải như quát vào tai. Bà không khóc nữa mà nằm co quắp trên chiếc giường inox ngủ thiếp. Nhớ cô y tá quá nên tôi không còn biết sợ là gì nữa, tôi lấm lét ra khỏi phòng đánh hơi đến nơi cô y tá ở. Vừa thấy cô đang ngồi ghi chép sổ trong phòng tôi liền lao vào ngửi. Đầu tiên tôi dí mũi vào người cô đang ngồi trên chiếc ghế sô pha, cô không đánh mà hai bàn tay vò mạnh vào tận chân tóc tôi:
- Cún của chị mấy ngày đi đâu đấy? Đừng xồn xồn lên với chị nhé, người ta cười cho đấy. Chị yêu em mà! Khi nào khỏi bệnh chị sẽ đem cún về nhà nuôi nhá. Nghe không?
Tôi là một con chó bị bệnh á? Người tôi vẫn khỏe hừng hực mà lại bảo tôi có bệnh. Điêu! Tôi chẳng bao giờ tin hết, là chó như tôi biết đọc chữ của người viết, tôi biết đếm tiền và còn biết loài người hay nói dối nữa. Loài chó như tôi chỉ sống theo trực giác thôi.
Vị giáo sư già đã nói với cô y tá như thế này: “Nó nghĩ nó là chó thì cô cứ gọi nó là chó, gọi nó bằng cái tên như mọi người hay gọi con cún cưng của mình ấy, loài nào đi chăng nữa cũng cần có tình yêu thương. Cô chịu hi sinh cho viện này là phương thuốc chữa tốt nhất cho bệnh nhân. Nó muốn hít thì cô cứ để cho nó hít, cô muốn nó không lấn áp mình thì hãy làm cho nó thoát hết mọi ẩn ức ra ngoài. Trong quá trình điều trị, tinh thần của bệnh nhân cần được giải phóng, mình đừng gây ức chế thần kinh thì bệnh nhân sẽ không phá phách. Tôi tin cô sẽ giúp tôi trong công trình nghiên cứu này”.
Tôi là một con chó có giá trị thật sự, nhờ có vị giáo sư già kia can thiệp mà ít khi tôi bị người ta đánh. Tôi không còn cảm giác sợ sệt mỗi khi đi đái, tôi không đái ở gầm giường mà vào nhà vệ sinh vếch chân lên tường phóng, đường nước đái được tự do thoát tôi cũng cảm thấy khoan khoái, tôi hiền như cục đất chẳng cắn ai nữa. Khi tôi đói bà già xuống nhà bếp mang cơm về cho tôi ăn. Khi tôi chuẩn bị phá phách thì cô y tá gọi vào phòng, chẳng mấy chốc cô đã điều trị cho tôi thoát khỏi cơn cường thịnh. Loài chó cũng có quyền được giao cấu chứ, tôi biết muốn giao cấu được cùng đối tượng thì phải có hứng thú. Vị giáo sư, tôi chẳng thể làm phiền được ông ta, ý đồ của ông đang muốn cho tôi làm đúng một con chó thuần chủng, ông có khả năng biến từ chó thành người. Cái giá trị của tôi là đối với vị giáo sư thôi.
Tôi cám ơn vị giáo sư già vô cùng, ông không cho người ta thiến tôi, mà ý định của ông cũng không nuôi tôi để giết. Nghe nói ông nuôi tôi để làm công trình nghiên cứu, hay sau này sẽ sử dụng vào một việc gì đó, làm chó cũng phải là chó chính nghĩa, bọn chó lai người ta chỉ nuôi để chơi bời không thể sử dụng vào công việc. Tôi là loài chó được vị giáo sư đó khen ngợi rất nhiều. Tôi tự nhủ sẽ tuyệt đối trung thành với ông, sẽ không bao giờ để bất cứ kẻ nào tấn công ông. Ông nói tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Một hôm ông hỏi tôi: “Này cún có muốn được làm người không?” Tôi chưa bao giờ làm người nên không chắc dám khẳng định. Vị giáo sư lại nói: “Nhiều người tài giỏi lẫy lừng, mà không làm nổi một con chó tốt. Cớ sao một con chó như cậu mà không làm được một con người. Cậu hãy làm một con người bình thường thôi, tôi không yêu cầu làm người cao cả”. Câu gọi là “cậu” ấy là ý cưng chiều của vị giáo sư đối với tôi, người ta vẫn gọi loài chó là “cậu vàng, cậu cún” đầy rẫy ra đấy thôi. Tôi biết làm việc gì cũng cần phải có một niềm tin, mình phải đặt niềm tin lên hàng đầu để quyết định hành động cho chính xác. Tôi hứa với vị giáo sư rằng mình làm được một con người. Tôi chia tay bệnh viện, chia tay bà già để trở về với mặt biển. Vị giáo sư nói với mọi người: “Trước lúc mất trí nhớ nó là cái gì thì nay trả nó về nguyên cái đó”.
Nghe theo lời của vị giáo sư tôi lên xe để họ cho tôi đến nơi được làm người, họ sẽ dùng phương pháp hóa kiếp cho tôi chăng? Ôi! Biết thế này thì tôi chỉ làm chó cho xong. Chắc rằng họ sẽ đưa tôi đến quán cầy tơ bảy món rồi trói quặt hai chân trước về sau, hai chân sau buộc túm vào rồi treo lên một cây cột nào đấy. Mõm tôi cũng sẽ bị buộc chặt vào để không còn cắn được ai, nhưng không biết họ sẽ lấy tia hồng hay tia tím của tôi. Trước lúc chết họ còn bóp dái tôi một lần nữa chứ, có khả năng còn ăn thêm cả nhát búa vào gáy. Làm con chó tôi nghĩ như vậy đấy nhưng không phải ý nghĩ nào cũng đúng. Họ đưa tôi đến một nơi rất lạ, hai bên đường đi toàn vách núi đá dựng đứng, không có quán thịt cầy nào ở đấy. Đến một bãi rộng họ dừng xe lại và thả tôi xuống. Tôi nhìn thấy những chiếc tàu và bao nhiêu là người, họ reo hò chạy đến đuổi bắt tôi. Tôi rất sợ vì nghe theo lời vị giáo sư già ở bệnh viện kia mà chưa hình dung ra làm thế nào để trở thành người được. Nhưng chết ai mà chẳng sợ, chết là mốc tột đỉnh đưa con chó như tôi được trở thành con người. Chết! Chết là điểm nút cuối cùng của sự sống. Tôi thấy có rất nhiều cách chết, đừng để những người kia xé xác tôi thành trăm mảnh, tôi lại phải chịu đau đớn về thể xác, thà cho tôi ăn một hột mã tiền song béng số phận. Tôi cúp đuôi lại chạy, họ không ngừng dồn tôi đến sát mép nước. Tôi không có lối nào để thoát khỏi họ, phía trước tôi là mặt biển, tôi nghĩ ngay đến một cách chết, tôi sẽ nhảy xuống đó để tự kết liễu cuộc đời chó của mình.
Sau cú nhảy quyết định ấy, tôi đi xuống dưới mặt nước thật, đúng như vị giáo sư nói, tôi đã trở thành người. Không có bóng dáng đồng loại nào bên cạnh tôi cả, xung quanh tôi toàn nước là nước, có cả rêu nữa, rất nhiều cá vây quanh. Tôi là một con người, nhưng chưa biết bổn phận của mình như thế nào, ngay cả ngôn ngữ tôi không biết mình nói thứ tiếng nào, chỉ có một mình tôi, làm gì có ai để mà giao tiếp. Tôi tiếp tục đi dưới đáy biển, chân tôi không đeo dép, đủ thứ phế tạp chồng chất trên nền cát, có lẽ chúng trôi từ các dòng sông trong đất liền đổ ra, hoặc họ ném chúng từ trên các con tàu xuống, thỉnh thoảng tôi phải vuốt mặt vì cái túi bóng chụp vào đầu, dưới biển khó phân biệt chất trong suốt hơn ở trên không khí. Tôi cứ đi, trong tay tôi không có la bàn và cũng chẳng có hải đồ, vị trí đứng tôi cũng không biết được tọa độ. Phải đến gần một ngày tôi đi bộ, từ khi mặt trời chiếu thẳng vào mắt, đến khi ánh sáng xa dần phía sau lưng, tôi đang tiến về hướng đông. Buổi tối dưới biển thật kỳ lạ, ánh sáng phát ra từ nhiều phía, và cuộc chiến hỗn loạn cũng bắt đầu xảy ra. Những con cá vược hau háu lao vào đớp lũ cá con, những con cá dát ánh bạc lao cheo chéo như vệt đạn ngang dọc bao quanh thân thể tôi, tất nhiên không có viên đạn nào găm thẳng vào mình. Tôi không có vũ khí cũng chẳng có thứ gì để tự vệ. Khả năng cơ động của tôi kém cỏi hơn loài cá, nhỡ may kẻ thù tấn công tôi thì đành chấp nhận. Tôi vừa là một con chó biến thành người nhờ cái chết khi tự nhảy xuống biển, bây giờ tôi đã là người rồi chẳng may bị loài cá ăn thịt thì sẽ biến thành gì nhỉ? Giả dụ có biến thành loài cá cũng được, nhưng cá đã đớp vào bụng rồi mà biến thành cá là điều khó xẩy ra, may chăng tôi sẽ thành loài giun, sán sông ký sinh cơ thể khác. Như lời vị giáo sư đã nói chỉ cần tôi là một con người bình thường là quá đủ, nhưng một con người như thế nào đi chăng nữa cũng cần phải biết mình là ai?
Tôi cứ mò mẫm đi mãi trong bóng đêm. Nói là bóng đêm bởi theo cách phán đoán logic của tôi là vậy, chỉ có ban đêm những con tàu mới phải bật đèn sáng, những thứ ánh sáng chói lòa ấy, tôi không thể vươn tới được bởi trọng lực của cơ thể luôn đè nén tôi dưới sát lớp cát này. Cuối cùng mọi hy vọng của tôi cũng đã tìm thấy, một con tàu đang sừng sững ngay phía trước, ky tàu áp chặt xuống lớp cát dày nên rất khó lay chuyển. Hình như con tàu này vẫn có người ở bên trong. Tôi đi một vòng xung quanh thấy một góc boong tàu bị vỡ toang hoác, chắc là những viên đạn trong trận chiến vừa rồi đã găm thủng. Tôi vén một miếng tôn thì bên trong rơi loảng xoảng, một người cầm súng M16A1, một người mang súng AKMS. Hai người chĩa súng thẳng vào ngực tôi, phía trong im lìm chẳng có ai cả.
- Chúng tao đợi mày ở đây đã lâu. Một người nói.
Tôi vừa vượt qua một làn đạn dày đặc mà không có viên nào làm tổn thương, hai khẩu liên thanh này dù có phát huy tối đa hỏa lực cũng chỉ được dưới trăm viên.
- Các anh cứ bắn tôi đi. Tôi nói.
- Tất nhiên là bọn tao sẽ không bắn mày. Chúng tao chỉ muốn biết mày là ai thôi? Hắn huơ huơ đầu súng như muốn thanh minh hành động chĩa súng vừa rồi.
Tôi nói với họ là thực lòng cũng chưa biết mình là ai.
Hai người dẫn tôi vào khoang, họ chỉ cho tôi xem mọi thứ trong con tàu, những kiện hàng vẫn còn nguyên xi, tôi không biết trong đó chứa gì, khoang nào cũng đầy ắp. Tôi đi khắp một vòng, đến cuối cùng là một khoang nhỏ kê hai chiếc phản và những bộ quân phục đã cũ. Một người hỏi tôi có đói bụng không? Đã hơn một ngày tôi nhịn ăn, phải đi suốt không được nghỉ ngơi, bụng tôi đói cồn cào, nhưng mắt tôi lại buồn ngủ. Tôi muốn trèo lên phản ngủ nhưng họ không đồng ý, cả hai người cùng bắt tôi lý giải, tại sao chú mày có mặt dưới đáy biển? Người mang AKMS nói: “Đấy, cho chú mày xem, hàng hóa bọn anh vẫn giữ cẩn thận”. Người mang M16A1 cũng xen vào nói: “Chú thấy cả con tàu này vẫn còn nguyên xi, chỉ có một lỗ thủng, bây giờ chúng ta phải cùng nhau nâng cấp nó thành con tàu lớn, chú thấy thế nào?” Đúng rồi! Tôi reo lên, tại sao các anh tâm lý thế? Tôi đang mơ con tàu của mình đi được ra biển lớn. Có các anh giúp nhất định con tàu của tôi sẽ tiếp tục ra khơi, chúng tôi chụm tay rồi họ mới cho đi ngủ. Tôi lên phản, hai người cùng nhau đi nấu cơm. Ăn xong tất cả bắt tay vào việc.
*
Bỗng dưng con tàu nghiêng ngả, tiếng bước chân chạy bồm bộp trên boong, có tiếng người hô hét, tàu bị kẻ lạ mặt tấn công! Tôi vùng dậy tìm khẩu AKMS nhưng không thấy đâu, cả khẩu M16A1 cũng biến mất. Ngoài cửa người chạy nháo nhác, toàn bóng người cởi trần, không có người nào ở đây, mà cũng chẳng ai để ý đến tôi, họ khẩn trương nhổ neo cho tàu ra khơi cứu người gặp nạn.
Tôi đã ngủ thiếp đi hơn một ngày, dĩ nhiên là ngủ trong con tàu chìm dưới đáy biển, ky tàu đã vùi sâu vào lớp cát như móng nhà cắm vào lòng đất... Đến bây giờ tôi thức giấc nhưng không thấy cơm đâu cả? Những người trên con tàu này hoàn toàn xa lạ, cuộc đánh lộn cũng đã trôi qua trước lúc tôi ngủ rồi, không thể lại có một cuộc đụng độ mới trong giấc ngủ của tôi. Với lại ky tàu đã ăn sâu vào nền cát rồi nhưng con tàu vẫn lắc lư, dù thế giới này có thay đổi đi chăng nữa, nó vẫn phải tuân thủ theo quy luật của hiện thực khách quan chứ. Chỉ qua một giấc ngủ ngắn mà cả con tàu đã biến mất hoàn toàn thật là vô lý. Sau một giấc ngủ ý thức có thể thay đổi nhưng vật chất không thể mất đi. Từ một con chó tôi đã biến được thành người, rồi tôi lặn sâu vào lớp vỏ của bề mặt. Lúc bơ vơ dưới đáy biển, tôi đã dẫm đạp lên vô số tầng lớp văn hóa, tôi chưa nhận thức được chính bản thân mình. Lúc gặp được những người trong con tàu cảm giác về một con người của tôi bắt đầu được hình thành, họ đã dẫn tôi cách nhìn ra mặt biển. Trải qua một giấc ngủ tôi đã nổi lềnh bềnh trên mặt biển, đó là thực tại hiện hữu đích thực mà tôi phải chấp nhận. Tôi đẩy cửa bước ra boong, con tàu đã nhổ neo tiến ra khơi, những người trên boong toàn là bạn cùng thuyền. Tôi đã là một con người bình thường rồi đấy, từ trong tiền kiếp tôi chỉ là một con chó, tôi đã hoàn thành sứ mệnh của loài chó đúng theo lời nhận xét của vị giáo sư già.
Bây giờ là người rồi tôi hoàn toàn có đầy đủ tố chất, chức năng tư duy của bộ não cũng như những con người khác đang cùng hành trình trên con tàu này.
Đoàn tàu đang đi thì trời bất ngờ nổi dông, những chiếc vòi rồng phun nước đen ngòm cả mặt biển, sóng dâng cao cuồn cuộn, con tàu chồm lên dựng đứng rồi bổ nhào, đồ đạc kêu loảng xoảng trên boong, phía cuối đuôi tàu có một chiếc thùng phuy bị tuột xích, nó lăn nghiêng ngả chuẩn bị rơi xuống biển. Từ trong sâu thẳm của bản năng con người, tôi lao tới thì có tiếng gọi giật giọng từ đằng sau:
- Anh N! Không được làm vậy. Chính chiếc thùng đó đã văng vào đầu và hất anh xuống biển.
Tôi nhận ra mình rồi. Tôi là N, chủ thuyền. Trong một lần ra khơi, tôi đã bị chiếc thùng phuy văng vào đầu và hất nhào xuống biển. Tôi đã bị mất trí nhớ không biết bản thân mình là ai. Vị giáo sư già đã áp dụng một phương pháp điều trị đặc biệt cho tôi. Đây có thể sẽ là công trình nghiên cứu cuối cùng của ông. Cả sự nghiệp ông đã điều trị thành công nhiều bệnh nhân bằng các biện pháp can thiệp sinh, hóa học. Lần này ông đánh thức tôi từ bản năng gốc của con người. Căn cứ vào kết quả giám định thì cơ quan thần kinh trung ương của tôi bị chấn động mạnh bởi sức va đập cơ học, bộ não của tôi bị chấn thương vùng thần kinh điều hành, tất cả các bộ phận khác trên cơ thể tôi đều hoạt động tốt chức năng.
Sau hành trình dài lênh đênh một tháng trên biển, con tàu của tôi đang trở về đất liền. Tôi phát tín hiệu thông báo. Mọi người vui mừng vì tôi đã hoàn toàn hồi phục, họ đang đợi tôi ở đấy. Tất nhiên, trong đám người đón tôi có cả vị giáo sư và cô y tá.
*
Lẽ ra câu chuyện tôi đã dừng lại ở đây, nhưng vì yêu mến quá nên tôi đành viết tiếp. Tôi sẽ viết từ sâu thẳm trong lòng mình, từ những rung động tận tầng đáy biển, xin dâng lên bề mặt những vầng hoa sóng dạt rào giữa trùng khơi. Mặc dù tôi ý thức được rất chuẩn mực, nhưng máu thịt của tôi cứ trào lên một mùi hương rất lạ, chỉ đến bến bờ tôi mới lý giải được điều khó nói, nhưng tôi tin vị giáo sư sẽ phân tích được, và cô y tá đang cầm hoa sẵn sàng tặng tôi ở đó…
T.Đ.T
(SH284/10-12)
PHẠM THỊ ANH NGA
Sao em vẫn chưa tin là chúng mình đã thực sự yêu nhau?
ĐÀO QUỐC MINH
Gốc mai trắng đã hơn trăm tuổi. Đó là nhất chi mai, còn gọi bạch mai, hàn mai, nhị độ mai.
NGUYỄN ĐẠI DUẪN
Đã cuối tháng Chạp mà nắng còn như đổ lửa. Nắng mùa khô ở Lào thật khó chịu, lúc thì nóng nực, lúc thì lất phất mấy ngọn gió khô khốc.
1.
Ở xóm Bà Tàu, mỗi lần nhắc tới cái ác của Quản Ló thì ai nấy thảy đều tội nghiệp và cảm thông bà Tám Hội Đồng, má đẻ Quản Ló. Vì, “Sanh con ai nỡ sanh lòng/ Nuôi con ai chẳng vun trồng cho con” (Ca dao). Và, như lời người xưa: “Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh”.
TRẦN THÚC HÀ
Ngọn núi Quảng Đại Sơn thuộc huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải bên bờ biển phía tây nước Cao Ly. Núi không cao lắm, cách thành trì Ủng Tân một quãng ngắn. Trên đỉnh núi có tảng đá bằng mà rộng.
THU LOAN
Ông đã sống ở thị xã Cao nguyên những năm 80. Nhấp nhô những con dốc cao cao. Đường lổn nhổn sỏi đá. Đạp xe như cóc nhảy vì ổ gà.
NGUYỄN NGỌC LỢI
Nửa chiều đó Huế mưa. Tiết cuối thu nắng nhẹ, đẹp suốt dọc đường, vậy mà đến Huế, xe vừa dừng bánh thì mưa đổ xuống. Mưa quất rào rào, gió thốc hơi nước lọt qua khe cửa buôn buốt lạnh. Lái phụ từ phía đầu xe gọi khách xuống.
TRẦN BĂNG KHUÊ
1.
“Tôi đảm bảo câu chuyện mà tôi sắp kể đây hoàn toàn bắt đầu bởi một giấc mơ. Một giấc mơ kỳ quặc, chúng là những bức tranh lạ lẫm không đầu không cuối, không hề có bất kỳ sự kết nối nào”.
LÊ ANH HOÀI
Hàm có mặt trong một đêm thơ của một câu lạc bộ mang tên “Vĩnh Cửu”. Bà cô của Dung làm chủ tịch câu lạc bộ này.
PHẠM NGỌC TÚY
1.
Tám mươi bảy tuổi, bà rên rỉ, chép miệng suốt ngày. Giọng nói còn tốt, đầu óc chưa lú lẫn, nếu không có cô cháu gái một hôm ghé xuống nhà thăm phát hiện ra bà đau nằm một chỗ, thỉnh thoảng hay lên về bới xách không biết sẽ còn chuyện gì xảy ra nữa?
DIỆU PHÚC
Năm tôi lên bốn, chị đã lên mười. Người ta nói chị mãi là đứa trẻ bốn tuổi. Tôi không hiểu vì sao lại thế.
KIỀU BÍCH HẬU
1. Ngày cuối tuần, Andras bồn chồn đi đi lại lại trong căn hộ của mình trên tầng bốn toàn nhà cổ tại phố Bartok Bela.
MCAMMOND NGUYEN THI TU
Cuộc sống là như bước chân lên một con thuyền mà nó chuẩn bị ra khơi và chìm
(Shunryu Suzuki)
LTS: Bạn đọc đã từng quen biết Phạm Thị Hoài qua tập truyện "Mê lộ" và tiểu thuyết "Thiên sứ" (tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa đề “La messagère de Cristal", do Phan Huy Đường dịch, Nxb Phụ nữ ở Paris phát hành. Nxb Turino (Ý) cũng dự định cho ra mắt tác phẩm này bằng tiếng Ý vào tháng 5 sắp tới, đồng thời Nxb Rowohl (Đức) cũng đã ký hợp đồng in 12 nghìn bản tiếng Đức.
TRẦN TRUNG CHÍNH
Tám mươi lăm phần trăm dân thành phố chúng ta, chưa cần hỏi ý kiến về tình trạng vệ sinh thành phố, đều kêu rằng: "Thành phố rất bẩn".
TRẦN BẢO ĐỊNH
1.
Thấy sóng lắp liếm bờ chờ con nước nhảy, lão Bảy nói:
- Sớm mai, con ở nhà!
- Ở nhà chi, tía?
TRU SA
Viết riêng cho một người
Đèn tắt là hết, chỉ còn đôi mắt tỉnh bơ cùng tiếng thở nhẹ. Đường ray vẫn đầy đá dăm, thứ vật lót giúp bánh tàu không đổ nhào.
NGUYỄN THẾ HÙNG
Anh Thuyên nhà bên xóm Bến sang xóm tôi cưới chị Linh. Chị Linh xinh, da trắng, tóc dài nên nhiều anh trong xóm tôi mê, vậy mà chị lại đi lấy người xóm Bến.
PHAN TRUNG HIẾU
Cha con tôi trú trong một căn nhà tuyềnh toàng cạnh đường cái quan. Mái nhà tranh cũ kỹ, đen xỉn một gam màu lạnh giữa nhà nhà mái tôn, mái ngói, gạch ốp sáng choang. Cũng chả lấy thế làm buồn.
HẠ NGUYÊN
Đêm thứ mười tám tôi mới lọt được vào căn nhà của em. Bấy giờ đang quá khuya và sự vắng ngắt như nhìn xói vào làm tôi kinh sợ.