Mai vàng trước ngõ

08:38 02/02/2010
TRẦN CÔNG TẤNTôi có hai người bạn gái học cùng một trường, ngồi chung một bàn. Tôi ngồi giữa. Bên trái là Kim Mai, bên phải là Hồng Trinh. Tính nết hai cô khác nhau: Trinh luôn nói, cười. Mai thì lặng lẽ. Chỉ giống nhau ở chỗ cả hai cùng xinh đẹp và yêu mến tôi.

Ảnh: Internet

Chúng tôi có nhiều ước mơ. Hẹn nhau sẽ thực hiện sau khi xong đại học. Nhưng bước vào năm cuối cấp 3, thì mỗi đứa một nơi. Đầu năm học, bố Trinh gọi con vào trung tâm thành phố đóng phim hay làm du lịch gì đó. Giữa năm, mẹ Mai gọi con về đi học ngành dệt. Cuối năm đó, tôi đến tuổi đi bộ đội. Sau ba tháng tập luyện, tôi được điều đi đánh Pôn Pốt ở Kămpuchia.

Đêm hôm trước ngày tôi rời Hóc Môn, cả hai cô bạn đều đến chia tay. Hồng Trinh đi xe máy đến trước, đèn pha chiếu sáng choang, bóp còi inh ỏi. Xe dừng ngay giữa sân, Trinh vẫn ngồi trên xe, réo gọi:

- Thiện đâu! Không ra dìu em xuống xe à?

Má tôi hỏi: "Đứa nào đó?". Tôi cười, trả lời: "Bồ của con". Má tôi ngạc nhiên: "Tao tưởng cái con kia - con nhỏ ít nói, hay đến cuốc vườn giúp má. Nó là con Mai mà!".

- Vâng. Kim Mai - Tôi trả lời qua quýt với má rồi ra đón Trinh.

Vừa ngồi xuống ghế, Trinh mắng tôi như tát nước:

- Anh là ngờ nghệch lắm. Đi lính mà làm gì? Đang học ngon lành, sắp vào đại học, lại đùng đùng đi lính. Giá mà biết trước sớm, em chạy "lo" cho là Thiện yên chí ở nhà học tiếp. Còn tương lai của chúng mình nữa chứ. Sao anh dại dột thế?

Má tôi nghe Trinh nói vậy, cũng bùi ngùi:

- Trận mạc gì lại ra đi lúc Tết sắp đến. Tôi bảo cứ ở nhà ăn Tết xong xuôi hẵng đi. Hắn nói đang vào chiến dịch mùa khô. Phải đi ngay mới kịp. Mùa khô, mùa ướt mắc gì đến con?...

Thấy má tôi sụt sùi, Trinh bật khóc, kéo tôi ra sau vườn. Tôi đỡ Trinh ngồi xuống chiếc chõng tre, bên cạnh bụi xa-ri um tùm. Chổ này mát mẻ kín đáo. Tôi âu yếm ôm Trinh vào lòng, hôn lên đôi mắt, lên môi em mặn ướt xót xa. Trinh khóc nhiều lắm, lâu lắm, tấm tức mãi không thôi. Tôi chỉ biết dỗ dành Trinh bằng trăm ngàn cái hôn nồng thắm. Cuối cùng Trinh cũng nguôi ngoai, em ôm chặt lấy tôi và nói trong nước mắt:

- Thôi đã lỡ rồi. Ngày mai anh cứ đi đi. Ở nhà em sẽ chờ anh. Trăm năm em cũng đợi. Ngàn năm em vẫn chờ. Nhỡ mai kia anh về có đui què, mẻ sứt gì em cũng không bỏ anh...

Nghe Trinh nói vậy, tôi xúc động đến ứa nước mắt. Mãi tới khuya chúng tôi mới rời được nhau, khi xe Trinh đã phóng vút đi, tôi vào nhà thấy má đang loay hoay cắm cành hoa mai vào bình. Mùi hoa ngào ngạt đến bâng khuâng, cành mai vàng rực rỡ dưới ánh điện. Năm nay mai nở sớm thật. "Mai nhà ai cho thế hay má mua?" Tôi bỡ ngỡ hỏi. Má tôi ngạc nhiên:

- Vậy ra mày chưa gặp nó à. Bông của nó đem tới đó. Con Mai bảo mày rất thích loại bông này. Ít nữa nó sẽ trồng cho một gốc trước ngõ nhà mình. Má bảo mày ở sau vườn. Nó chạy ra ngoài ấy lâu lắm mà...

Ra thế. Mai đã ra tìm tôi sau vườn và đã chứng kiến cuộc chia tay của tôi với Trinh. Mai đã lặng lẽ ra về. Đúng tính cách của Mai nhường nhịn, không xen vào hạnh phúc của người khác. Hôm sau, tôi ra đi mang theo nhiều kỷ niệm của cả hai người bạn gái.

Cuộc chiến đấu của chúng tôi ở vùng Phai Lin rất quyết liệt để bảo vệ mỏ ngọc quý của nhân dân Kămpuchia. Nhiều bạn tôi đã ngã xuống. Trong một trận đẩy lùi cuộc tấn công của địch, tôi bị đạn pháo gẫy một chân, hai tay bị dập nát và mù một mắt. Suốt thời gian ở mặt trận, thỉnh thoảng tôi nhận được thư của Trinh. Hoàn cảnh ở xa Tổ quốc, thông tin chậm chạp khó khăn. Những lá thư Trinh đã làm tôi mãn nguyện.

Thư Trinh viết rất dài, kể nhiều chuyện đổi mới ở quê hương và nhắc lại những lời đêm chia tay, mong ngóng ngày tôi trở về. Bạn bè trong tiểu đội rất quý những bức thư đó và họ đọc đến thuộc lòng. Có người còn làm cả thơ ca ngợi, mối tình thủy chung Trinh dành cho tôi. Có điều tôi rất ngạc nhiên là Trinh làm Hải sản, Hải quan hay buôn bán gì đó mà giàu có rất nhanh. Nghe nói em đã xây nhà lầu và mua sẵn để dành cho tôi một chiếc "Đơ-rim" láng cóng. Chuyện tôi bị thương bạn bè giấu mãi rồi cũng lộ. Tin đó đã đến tai Trinh và Mai. Trinh đã gửi ngay cho tôi một lá thư dài mười tám trang, vừa trách móc vừa xót đau khi biết tôi mất một mắt và gãy nát chân tay. Em vẫn hứa như đêm chia tay là dù có sao cũng vẫn đợi chờ... Còn Mai - theo thư má tôi kể: Khi biết tin tôi bị thương, Mai đến ôm má và báo tin: "Con đã tình nguyện xin đi chiến đấu ở Kămpuchia. Qua bên đó con sẽ di tìm để chăm sóc anh Thiện".

Thành thương binh nặng, tôi được chuyển về nước. Một năm sau, vết thương ổn định, tôi được vào trại thương binh an dưỡng. Mặc dầu vượt qua được què quặt nhưng hai tay tôi cong quèo, dị dạng. Còn mắt thì hõm vào, sâu hoắm, bước đi phải nhờ đôi nạng gỗ. Ở trại, tôi được chế độ ưu đãi có người nuôi riêng. Nhưng tôi muốn về nhà với má nên gắng sức luyện tập. Khi chân tay đỡ lóng ngóng, tôi lao vào học nghề thợ mộc. Tôi nghỉ phải học lấy một nghề để kiếm sống rồi xin về, vừa đỡ cho nhà nước khỏi phải nuôi, lại còn giúp đỡ được mẹ già. Còn chuyện yêu đương lãng mạn của tôi thì đã lùi vào quá khứ. Trinh đã hốt hoảng khi gặp lại tôi ở bệnh viện và sau đó em lãng dần. Nghe đâu sau lần ấy không lâu Trinh đã cặp bồ với một anh chàng "xuất nhập" gì đó và hiện đang ở nước ngoài với chồng. Tôi đã nghĩ đến Mai, nhưng em ở Kămpuchia chưa về. Mà có được gặp Mai thì cũng chỉ là bạn. Tôi chẳng mong đợi gì khi nghĩ đến hoàn cảnh tàn phế của mình.

Thời gian vùn vụt trôi qua. Một năm sau tôi đã trở thành thợ mộc thực thu. Cả trại thương binh đón má tôi lên, mừng cho bà cụ và liên hoan tiễn tôi về với gia đình. Tôi nhớ buổi sáng ba mươi Tết năm ấy, khi ngồi với má trên xích lô trở về xóm làng quê tôi. Ngược chiều xe tôi là một rừng mai biết đi kìn kìn ra chợ hoa ngày Tết. Tôi nói với má: "Nhà mình cũng phải cố mua một nhành mai". Má cười: "Ừ. Mua. Nhưng phải chờ đến mười giờ đêm nay ra mua, mới rẻ"...

Suốt cả buổi sáng bà con lối xóm đến thăm. Ai cũng thương, cũng quý và ái ngại cho tôi. Nghe họ thì thầm với nhau: "Hòn đạn mũi tên ác độc quá! Thằng Thiện con bác Hai trước kia đẹp trai là thế mà bây giờ...". "Con bồ giàu thế cũng bỏ chạy mất tiêu rồi..."

Thật tan nát ruột gan... Xế chiều, buồn quá, tôi xách hòm đồ nghề thợ mộc ra trổ tài với má. Nhà có bao nhiêu chân ghế, chân bàn khập khiểng què quặt, tôi đục đẽo, cưa cắt, chắp ghép cho lành lặn hết. Mặt trời sắp lặn, má tôi mua được nếp, gà đem về, bà đứng sững nhìn mớ thành phẩm đồ gỗ ngổn ngang giữa sân, mỉm cười sung sướng:

- Mồ tổ cái thằng! Vậy là bây kiếm được nghề nuôi má rồi đó nghen.

Tôi vô cùng sung sướng với niềm vui bé nhỏ của má. Nhưng ngay lúc đó có một niềm vui lớn hơn ập đến với tôi. Thọat tiên, con Mực vẫy đuôi rồi lao ra đường. Tôi nhìn theo ra ngõ, bỗng tháy một cành mai lớn, nở vàng rực rỡ đang di động trên bờ rào chè tàu nhà tôi. Rồi cành mai trùm kín cả ngõ. Cành mai vụt chạy tới phía tôi với tiếng kêu tha thiết:

- Anh Thiện!...

"Mai"! - Tôi cũng kêu lên. Cái bào rời khỏi tay, tôi chới với nắm được một bàn tay mát rợi, rối rít hỏi:

- Mai! Em về hồi nào? Em từ đâu về?...

Mai bật khóc. Khóc như trẻ con. Tôi đứng ngây người ra đấy chẳng biết phải làm gì nữa. Má tôi đỡ lấy cành mai, bà cũng sụt sùi:

- Vào nhà đã, các con!...

Chuyện tình của chúng tôi chỉ đơn giản có thế. Hiện nay Kim Mai làm thợ dệt. Còn tôi thợ mộc. Chúng tôi đã có hai con. Cháu trai tên Ngọc Quý. Cháu gái là Phai Lin. Anh muốn hỏi giống mai vàng ấy à? Đó là một loài hoa chung thủy với mùa xuân. Bây giờ thì tôi không chỉ ước mơ mua một cành, mà Kim Mai đã trồng hẳn một cây. Từ năm ngoái, trước ngõ nhà tôi cây mai ấy đã nở vàng rực. Nếu anh thích, Tết này mời anh đến chơi vào sáng ba mươi, vợ chồng chúng tôi xin biếu anh một cành đẹp nhất về chưng đón Tết...

T.C.T
(120/02-99)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • SƯƠNG NGUYỆT MINH

    Ngõ phố nhỏ lòng vòng, chật hẹp. Miên vừa ép xe đạp Thống Nhất vào bên tường nhà ẩm ướt rêu xanh mọc tránh một ông ba Tầu gánh hàng tào phớ thì lại đụng phải chị gánh hàng hoa bán rong.

  • ĐẶNG THÙY TIÊN

    Tôi nhẹ nhàng lách cửa đi vào. Giờ này hẳn Ngài1 đã đi nằm. Tôi phải cố gắng nhất có thể để không làm phiền Ngài trong lúc nghỉ ngơi.

  • VIỆT HÙNG

    Bây giờ thì ở Việt Nam đã có "Đài hóa thân hoàn vũ" (nói đơn giản là lò thiêu những xác chết).

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

    - Thôi, hai bà cháu về đi không mưa ướt hết!

  • CÁT LÂM

    1.Về thôi mẹ ơi, nơi đây đã chẳng còn gì ngoài đống đổ nát nữa rồi. Về với gió Hồ Tây để nghe lồng lộng trong buổi mùa đông như mẹ kể. Về với đàn sâm cầm nhởn nha mặt nước. Chẳng có gì cho mình cả, chỉ trừ có nỗi dằn vặt mỗi ngày một nhiều hơn. Về thôi mẹ ơi, về với bà ngoại, ông ngoại, để một lần con được biết mình vẫn còn có họ hàng, có quê hương.

  • NGUYỄN ANH NHẬT

    Trong Thế chiến thứ hai, một đội quân điện thính viên có nhiệm vụ nghe ngóng điện đài của đối phương luân phiên nhau hàng ngày trời.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Những người già bảo chúng tôi ở Ái Tử có nhiều ma, ngày xưa chiến trận diễn ra liên miên, nhiều người bị chết mất thây. Những cuộn cát xoáy do gió cuốn lên mỗi lần mù mịt là ma đi kiếm ăn.

  • PHƯƠNG HÀ

    Thằng Mạnh lẹ làng cắt quả bí đao đang lủng lẳng trên giàn. Nó nheo mắt lại vì nắng, trán lấm tấm mồ hôi.

  • VIỆT HÙNG

    Chàng cho rằng mọi việc cũng chỉ tại những chiếc đồng hồ quay ngược.

  • VŨ NGỌC GIAO

    Năm Luyến lên sáu tuổi cả nhà phát hiện nàng bị bệnh mộng du.
    Cứ vào quãng gà gáy canh hai Luyến lại bật dậy vén màn, mở cửa lững thững đi ra vườn.

  • LÊ VI THỦY

    Đêm.
    Tiếng nhạc vũ trường khiến gã quay cuồng. Chai Armagnac vơi dần. Những cái ly được nâng lên hạ xuống cùng với tiếng cười rôm rả. 

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Ngay cả ở đất Cố Đô, không mấy ai biết ở chân núi Ngũ Tây có một vườn mai vàng. Chủ vườn mai ấy là hai cha con ông già mù.

  • VIỆT HÙNG

    Khi ấy, là khoảng thời gian mà trong tôi, cảm giác trống rỗng đến ghê sợ đang xâm chiếm. Với tôi lúc đó, chẳng còn gì để đáng coi là đẹp...

  • NGUYỄN NGỌC LỢI

    Đầm sen ấy có từ bao giờ, bà không thể biết. Nhưng bà biết đích xác ngày nó tàn, tận mắt chứng kiến cả một đầm nước loi thoi tàn úa những cọng, những tán lá mốc xỉn màu rỉ sắt đổ gục, mặt nước hồ bàng bạc những cuống lá buồn thảm. Và cái đầm sen ấy đã được kết thúc bằng những chuyến xe nối đuôi nhau ào ào trút đất.

  • PHẠM GIAI QUỲNH

    1.
    Đóng nắp hòm thư đã bong phần gỉ sét bên ngoài, cô nhét mấy lá thư vào trong nhà - qua khe cửa. Vì cô đã chốt khóa rồi nên không muốn phải mở cửa ra một lần nữa.

  • HƯƠNG VĂN

    Màn  đêm  đã  tràn  ra  mặt  biển. Màu nước đen như màu mực, lênh loáng, mênh mông. Bãi bờ vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng thở của biển.

  • ĐINH PHƯƠNG

    1.
    Tôi nói với Vân về việc từ nay sẽ không nói đến cái chết của Ẩn nữa, chấm dứt một cơn mộng dài đẵng ai cũng phải quên đi.

  • LÊ KIM SƠN

    Nàng biết không, ta đã nhìn thấu nàng từ rất lâu trước đó? Buổi tắm trăng ngơ ngác một mình, cái tinh khôi như đóa hoa mới hé, chỉ mình ta chế ngự được thời gian, cái khoảnh khắc lãng đãng muôn trùng, đã trói trái tim tội nghiệp của ta bên nàng mãi mãi.

  • HOÀI NAM

    Người ta vẫn xì xào tới tai tôi rằng, tôi là một con ngốc. Thì đã sao! Tôi không cảm thấy bị xúc phạm mà ngược lại nó đem đến cho tôi cảm giác được an toàn yên ổn. Ai lại đi ganh tị, đố kị với một con ngốc? Làm thế chẳng khác nào tự túm tóc nhấc mình khỏi mặt đất.

  • HOÀNG THU PHỐ

    1.
    “Khi ánh sáng một lần nữa soi chiếu, ta bỏ lại tàn lụi thế giới này”.(*)