Mai Văn Hoan từ “Ảo ảnh” đến “Giếng tiên”

17:14 10/06/2009
NGÔ MINHĐến tập thơ chọn Giếng Tiên (*), nhà thơ - thầy giáo Mai Văn Hoan đã gửi đến bạn yêu thơ 5 tập thơ trữ tình, trong đó có hai tập thơ được tái bản. Đó là tập đầu tay Ảo ảnh, in năm 1988, tái bản 1995 và tập Hồi âm, in năm 1991, tái bản năm 2000. 15 năm xuất bản 7 đầu sách (2 tập tiểu luận) và đang có trong ngăn kéo vài tập bản thảo tiểu luận nữa, chứng tỏ sức sáng tạo sung mãn đáng nể trọng của một thầy giáo vừa dạy học vừa sáng tác văn chương.

Nhà thơ Mai Văn Hoan lúc mới vào nghề

Thời buổi tự bỏ tiền in thơ này, hầu hết nhà thơ chỉ dám in 500 cuốn đã "toát mồ hôi hột" vì không bán hết, thế mà thơ Mai Văn Hoan in tập nào cũng 1000 cuốn, rồi tái bản thêm ngàn cuốn nữa, vẫn bán hết, mặc dù anh ít khi bán theo cách bắt ép các giám đốc doanh nghiệp hay thủ trưởng cơ quan phải bấm bụng mua, như nhiều tác giả thơ các tỉnh lẻ thường làm. Thơ Mai Văn Hoan thường gửi bán ở các nhà sách ở Huế, Đà Nẵng. Có khi vợ nhà thơ còn treo tòng ten thơ của chồng bên cạnh những gói lạc rang, mực nướng, bánh phồng tôm v.v... trong quán xép của mình ở bên đường Ngô Quyền - Huế. Thế mà cũng có rất nhiều người mua. Một điều lạ lùng nữa là hơn chục năm nay, thơ Mai Văn Hoan luôn được các bạn trẻ là sinh viên, học sinh đang tuổi yêu đương thuộc lòng và chép tặng nhau trong sổ tay học trò. Nhiều cô giáo dạy văn cũng mê thơ tình Mai Văn Hoan. Có cô còn cao hứng họa lại từng bài một sau khi đọc tập thơ Giai điệu thời gian của nhà thơ. Đám cưới nào có Mai Văn Hoan dự là người ta "bắt" nhà thơ phải đọc thơ! Nói theo chữ của các nhà phê bình thì thơ Mai Văn Hoan có độc giả, là thứ thơ có hiệu quả.

Tại sao thơ Mai Văn Hoan có nhiều người thuộc và nhiều người mua đọc? Đọc tập thơ chọn Giếng tiên, ta có thể cắt nghĩa được phần nào sự cuốn hút bạn trẻ của thơ Mai Văn Hoan. Trước hết, thơ Mai Văn Hoan là thơ làm để tặng, chứ không phải làm để khoe chữ nghĩa, cấu trúc hay làm để vô Hội Nhà văn! Gặp người đẹp mê thơ, thế là anh bị "hớp hồn", thậm chí không gặp người đẹp, chỉ nhận được những lá thư gửi từ "Quy Nhơn bé nhỏ" thôi, anh cũng tương tư đầy ắp cả một tập thơ! Gặp cái liếc mắt cũng thao thức suốt đêm làm bài thơ tặng. Tặng được rồi, được người đẹp khen rồi, lại thấy chưa đủ, lại thao thức làm thêm bài khác. Vì làm để tặng, để chinh phục trái tim người đẹp, nên thơ Mai Văn Hoan thường dùng lối tự sự, ngôn từ dân dã, dễ hiểu, đa số thơ anh viết theo lối bắt vần của thơ truyền thống như lục bát, năm chữ, bảy chữ...: Sao biển sẽ thay tôi / Ngắm nhìn em trang điểm / Sao biển sẽ thay tôi / Ngồi bên em trò chuyện... (Sao biển) (Để có bài thơ này, tác giả đã mang một cánh sao biển từ Huế, nhảy xe đò đi về hơn 1200 cây số trong hai ngày nghỉ cuối tuần để tặng sinh nhật người đẹp. Sống chết vì yêu, vì thơ như thế mới đáng đồng tiền bát gạo!). Chính vần nhịp bằng trắc đó là thứ bùa ngải giúp thơ dễ len vào cõi sâu kín hồn người. Để đạt được sự truyền cảm trực tiếp đến người đọc. Mai Văn Hoan rất chú trọng cấu tứ thơ. Thơ anh có tứ mạnh, tạo ra thích thú đối với người đọc. Ví dụ, bài thơ Ngọn gió và biển cả tả nhà thơ bị "tiếng sét ái tình": Tôi lặng đứng nhìn theo em xao xuyến / Như ngọn gió vừa đi qua mặt biển/ Biển trào lên những đợt sóng xô bờ. Ai cũng tưởng bài thơ sẽ kết thúc ở sự nhớ nhung, tiếc nuối, nhưng hình tượng thơ đoạn kết lại phát triển ngược lại, rất ấm áp tình đời:
                        Tôi đâu biết chính em là biển cả
                        Âm thầm trách tôi - Ngọn gió vô tình!

Các bài thơ Ngựa bất kham hay Phiên toà đặc biệt cũng được cấu tứ bất ngờ và có hậu như thế. Chữ nghĩa trong các bài thơ này của Mai Văn Hoan không có gì là đặc biệt cả, chỉ là một câu chuyện tếu trong tình yêu: - Hôm qua về khuya em bị mẹ la/ Nghe nàng nói chàng biết mình có lỗi... Nên Chàng lặng lẽ ra trước vành móng ngựa... Nàng trở thành "quan chánh án" nghiêm minh. Nhưng rồi họ lại quên mất "tội lỗi", lại thức khuya làm mẹ đợi vì "bị can" "chánh án" hôn nhau. Rồi tứ thơ được đẩy tới, bất ngờ vỡ ra thành một "chân lý" tình yêu không ai cưỡng được, làm người đọc thích thú:
                        Cả "chánh án" lẫn "bị can" đều biết mình có lỗi
                        E hôm sau phải lập lại phiên toà!

Có người cho rằng thơ Mai Văn Hoan dễ dãi, đơn giản. Theo tôi, đằng sau sự giản dị đó là một trái tim đa cảm, nồng cháy, là sự run rẩy trong từng câu thơ. Sự nồng cháy đó tạo ra những nhịp sóng điện từ lan truyền mà chỉ có những trái tim yêu của những người trong cuộc mới cộng cảm được: Chỉ cần một que diêm / Thế là thành ngọn lửa / Cớ sao em lần lữa / Điếu thuốc vẫn còn nguyên! (Điếu thuốc và que diêm). Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, thơ Mai Văn Hoan "có lực đẩy của ngọn gió tàng hình, mở ra cánh cửa giấu kín bao bí mật của tình cảm". Trong thơ tình Mai Văn Hoan có nhiều câu thơ ám ảnh người đọc như: Chính tôi cũng không ngờ / Yêu vầng trăng se giá (Trăng mùa đông); Họ biết đâu tượng đá chết hai lần (Tượng đá); Hoa vàng qua bướm vàng không nỡ đậu (Màu hoa ấy) v.v... Duy nhất Mai Văn Hoan có một lần rất tỉnh táo trong thơ, trái ngược với khí chất đam mê tửu sắc của anh, nhưng đó là sự tỉnh táo của một tình cảm hơn hơn tình yêu trai gái, là tình người. Câu thơ thật thà mà đọc lên thấy xót xa, đồng cảm:
                        Nên bây giờ tôi quyết định chia tay
                        Dẫu điều đó có làm em đau khổ
                        Tôi sẵn sàng chịu bao lời phẫn nộ
                        Để cứu em thoát địa ngục đời tôi
                                                            (Tự thú)

(Lần đầu tiên tôi thấy có người dùng thành công từ quyết định, một từ của hành chính ở trong thơ!). Thơ Mai Văn Hoan được các "nàng" cất giữ như của quý, vì trong từng bài thơ, câu thơ có tên tuổi từng người đẹp cụ thể, như: Cô bé HIỀN và THANH mảnh làm sao; PHƯƠNG ấy nhiều HOA sao tôi không biết; Đêm thầm gọi HỒNG NHUNG ơi!.Chiếc bình hoa anh cắm / Chỉ một nhành CÚC thôi v.v. và v.v.... (Những chữ in hoa là tôi nhấn mạnh để nhắc bạn đọc những tên NGƯỜI ẩn hiện trong thơ Mai Văn Hoan!). Đó là sự bí ẩn đằng sau mỗi câu thơ mà chỉ tác giả hay người được tặng thơ "bật mí", người viết bài này mới biết, nếu không họ sẽ cùng nhau mang xuống mồ!

Trong Giếng Tiên, ngoài mảng thơ tình, còn có một mảng thơ sâu sắc khác mà lâu nay bạn đọc ít gặp trong các tập thơ của Mai Văn Hoan. Đó là những bài thơ về đất nước, về thời niên thiếu của Bác Hồ ở trường Quốc Học, viết về cha, mẹ, bạn bè, về nhân tình thế thái, hay thơ thù tạc như các bài Người bước vào lớp học, Tìm mộ bài. Trước nhà tù Lao Bảo. Mộ gió, Phủ Tùng Thiện Vương, Trước mộ Trần Tế Xương, Thăm nhà thơ Xuân Hoàng, Viếng mộ Trịnh Công Sơn v.v... Dọc mảng thơ này mới hay, Mai Văn Hoan cũng luôn trăn trở suy tư chuyện đời. Năm 2000, do bức bách phải dời chỗ ở khỏi trường Hai Bà Trưng, vợ chồng Mai Văn Hoan phải vay gần trăm rưỡi triệu để dựng cái nhà hai tầng ở Trường Bia, gần núi Ngự Bình. Nợ nần đến giờ vẫn chưa trả hết, nhưng bù lại anh có bài thơ Độc tọa với Ngự Bình viết trên sân thượng ngôi nhà mới, rất khẩu khí: Xưa tiên thơ Lý Bạch / Độc tọa với Kinh Đình/ Nay ta lên sân thượng/ Độc tọa với Ngự Bình. Trong khuya, một mình, ngồi trầm ngâm như núi: Đó là dáng dấp của những bậc kẻ sĩ xưa đang nghĩ chuyện đời:
                        Một đời không luồn cúi
                        Chẳng vướng bận chức quyền
                        Chỉ trầm ngâm như núi
                        Rượu thơ với bạn hiền

Trong bài thơ ĐạoĐời tặng sư thầy MĐTTA ở Huyền Không Sơn Thượng, Mai Văn Hoan ngẫm về Đời và Đạo rất thâm trầm và nhân bản: Tôi ngụp trong cõi thế / Sư ở chốn Huyền Không / Ta chỉ là hạt bụi / Giữa đất trời mênh mông... Với từng cặp đối ảnh giữa đạo và đời, ý thơ đã chạm đến cõi vô vi trời đất: Thơ Thiền - sư thoát tục / Thơ tình - tôi đa mang / Thỉnh thoảng trên sách báo / Sư cùng tôi chung trang / Bây giờ mới gặp mặt / Danh đã biết lâu rồi / Không không và sắc sắc / Bên nhau đạo với đời. Vâng đạo với đời vẫn bên nhau, vẫn chỉ là một, ở ngay trong tâm của nhà thơ!

Mai Văn Hoan là thạc sĩ văn chương, anh rất am tường lý luận văn học, anh lại dạy các lớp chuyên văn của một trường chất lượng cao nổi tiếng của Huế: Trường Quốc Học, nhưng quan niệm về thơ của anh lại rất giản dị: Cứ ném thơ ra giữa cuộc đời, nếu nó là thơ thì nó sống, nếu không là thơ thì nó chết! Bài thơ viết trong quán cà phê anh viết tặng một người đẹp"... hồn nhiên như một bông cẩm chướng", nhưng chưa hề quen biết. Viết xong bài thơ, anh chép vào vỏ bao thuốc lá rồi bỏ lại trên bàn, chân cứ bước ngập ngừng khi đến cửa / Trên môi còn đắng ngọt vị cà phê. Thế mà bài thơ đã đến được nơi cần đến. Người đẹp đọc thơ rồi tìm đến anh, rồi hai người say nhau, tất nhiên anh lại có thêm nhiều bài thơ mới. Trong bài thơ Một lứa bên trời viết tặng bạn thơ đồng hương Lê Xuân Đố, Mai Văn Hoan cũng bộc bạch quan niệm của mình về thơ: Hiện đại hay cổ điển/ Siêu thực hay đa đa / Nếu trái tim lãnh cảm / Cũng vứt đi thôi mà / Cứ nói điều gan ruột / Hay, dở có thời gian / Mong sao đừng bỏ cuộc / Dù còn chút hơi tàn. Đúng là thơ phải có nơi đến, có hiệu quả thơ mới sống lâu với cuộc đời. Muốn thế người thơ phải sống chết với thơ. Đó là quan niệm, tất nhiên thơ Mai Văn Hoan không phải bài nào cũng hay, không phải bài nào cũng đến được trái tim độc giả như anh mong muốn. Thơ anh dân dã, thiệt thà, có khi nôm na trong câu chữ, nhiều khi nặng về diễn tả, không kiệm lời, nên những người thích thơ siêu thực hay trường phái cách tân, coi "làm thơ là làm chữ", làm thơ là làm cấu trúc, thì không thích. Đó là chuyện thường tình, vì mỗi nhà thơ có một đối tượng độc giả riêng của mình. Trộm nghĩ thơ làm cho con người gần nhau hơn, yêu nhau hơn đã là quý lắm rồi!

Cách đây mấy năm, Mai Văn Hoan đã có lần làm thơ tưởng tượng về một Ngày thi ca: Tôi là gã si tình không biết / Cái ngày nào là ngày của thi ca / Nhưng tôi tin đó là ngày rất tuyệt / Như cái ngày trời đất mới sinh ra (NGÀY THI CA). Tiên tri của anh đã thành hiện thực, khi Hội Nhà văn Việt Nam lấy ngày Rằm Nguyên Tiêu hàng năm làm NGÀY THƠ VIỆT NAM. Và lá cờ thơ đã được kéo lên trên nóc chiếc thuyền rồng sang trọng trên sông Hương linh ứng, đúng như ao ước của nhà thơ - nhà giáo Mai Văn Hoan!

Huế, Rằm Trung Thu, Quý Mùi
    N.M
(177/11-03)

--------------------------
(*) GIẾNG TIÊN - thơ Mai Văn Hoan, NXB Thuận Hoá, 2003.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐỖ TẤN ĐẠT

    (Nhân đọc tập thơ “Nhật ký gió cuốn” - Nxb. Văn học 2018 của tác giả Phạm Tấn Dũng)

  • VƯƠNG TRỌNG  

    Với người làm thơ và bạn đọc Việt Nam, hầu như ai cũng biết thơ Đường luật phát sinh từ đời Đường Trung Quốc cách nay trên một thiên niên kỷ, nhưng không nhiều người biết thơ Tứ tuyệt cũng khởi sinh từ đời nhà Đường.

  • PHẠM PHÚ PHONG    

    Trong bài thơ mở đầu cho tập thơ đầu tiên Cái lùng tung (2007) của Trần Văn Hội, anh có viết rằng: “có những điều anh chưa nói với em/ đó là sự lặng im trong thơ anh” (Đó là sự lặng im), không chỉ là dự cảm, là sự ướm thử mà là định mệnh, là thi mệnh thể hiện quan niệm nghệ thuật của tác giả, trở thành tuyên ngôn cho cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật, xuyên suốt cuộc đời và thơ ca Trần Văn Hội.

  • (Một đôi chỗ cần lưu ý)

    CHU TRỌNG HUYẾN

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    (Đọc Phấn hoa, tiểu thuyết của Phạm Ngọc Túy, Nxb. Thuận Hóa, 2019)


  • Trước khi Thơ Mới ra đời, Huế là một trung tâm có nhiều tác giả Thơ Đường nổi tiếng. Sau khi Thơ Mới ra đời và phát triển mạnh mẽ Thơ Đường vẫn thịnh hành cho đến ngày nay.

  • ĐỖ LAI THÚY
     

    Khi mọi thần thoại gãy đổ,
    thơ chính là nơi thần linh trú ngụ.

                (Saint John Perse)
    Tôi không tiến đi đâu cả,
    Tôi là hiện tại.

                (Pablo Picasso)

     

  • TRẦN THÙY MAI    

    (Nghĩ về tập nhạc mới của Trần Ngọc Tuấn)

  • HỒ THẾ HÀ

    Gần nửa thế kỷ liên tục sáng tạo, Nguyễn Quang Hà đã tự tạo cho mình chứng chỉ nghệ thuật vững chắc ở thể loại văn xuôi và đạt được những giải thưởng danh giá do các Tổ chức văn học uy tín trao tặng: 

  • UÔNG TRIỀU  

    Trước kia tôi mê F.Dostoevsky và đánh giá ông là một nhân vật vĩ đại. Tất nhiên bây giờ ông vẫn là một nhà văn vĩ đại bất chấp cảm giác của tôi thế nào.

  • Việc đọc sách đang bị văn hóa nghe nhìn thu hẹp trước sự phát triển không ngừng của công nghệ, nhất là đối với thế hệ trẻ trước cơn bão của mạng xã hội.

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Rừng sâu có trước các dân tộc,
    sa mạc đến sau con người

                (F.R.de Chateaubriand)

  • HUỲNH NHƯ PHƯƠNG 

    Trong năm học đầu tiên sau ngày hòa bình (30/4/1975), tất cả các thầy, cô giáo ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn đều chưa được dạy học trở lại. Những giáo sư tên tuổi và những giảng viên trẻ cùng ngồi chung trong giảng đường tập trung học chính trị. Một số khác đã đi ra nước ngoài trong những ngày biến động trước đó.

  • VŨ THÀNH SƠN   

    Thơ Vũ Lập Nhật cho chúng ta một cảm giác mất thăng bằng, một thế đứng chông chênh nguy hiểm, như thể khi bước vào thế giới thơ của Vũ Lập Nhật là chúng ta đang bước vào một thế giới khác, một thế giới song song không biên giới; ở đó, trật tự, định luật vạn vật hấp dẫn, sự sáng suốt của lý tính như bị thách thức.

  • THÚY HẰNG  

    Xoài xanh ở xứ sương mù” là tập tản văn dày 340 trang do nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành cuối năm 2018. 

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH 

    Chân trời là giới hạn của tầm mắt, dẫn đến ảo tượng về sự giao nối giữa trời và đất. Do vậy, chân trời vừa hữu hạn, vừa vô hạn.

  • ĐÔNG HÀ  

    Tôi yêu thơ Nguyễn Trọng Tạo từ những năm còn là sinh viên. Tuổi trẻ nhiều háo hức, về tình yêu, về non xanh và tơ nõn. Nhưng khi bắt gặp những câu thơ chảy ngược trong tập Đồng dao cho người lớn, tôi lại choáng váng. 

  • NGÔ MINH

    Có một ngày nhạt miệng, thèm đi. Đi mãi mới hay phố cũng thiếu người. Có một ngày nằm dài nghe hát. Rồi ngủ quên trong nỗi buồn nhớ mông lung.

  • NGỌC THẢO NGUYÊN

    Buổi sinh hoạt được đặt tên là Tọa đàm bàn tròn về thơ. Đây là buổi sinh hoạt mang tính chất thử nghiệm của Phân hội văn học (lại một cách nói rào đón nữa chăng?)