Ma quỷ trong lòng ta

14:51 12/05/2009
THÁI BÁ TÂNTháng trước, ở phường B. thị trấn Đức Giang, huyện Gia Lâm, nơi tôi về nghỉ hưu mấy năm nay, đã xẩy ra một vụ trọng án có nhiều tình tiết rất kỳ lạ, có thể nói bí ẩn không sao giải thích nổi, đến mức cuối cùng người ta quay sang cho rằng nhất định phải có yếu tố thần linh ma quỷ trong vụ này.

Thần linh, ma quỷ là gì thì chẳng ai biết, chẳng ai nhìn thấy bao giờ, khoa học chính thống có thái độ gần như phủ nhận, ấy thế mà ai cũng thích nói, thích nghe, nhiều khi tranh cãi nẩy lửa về đề tài này. Đề tài muôn thuở của những người rỗi rãi và thường yếu bóng vía. Vụ án ở Đức Giang là cái cớ tốt để người ta quay lại với nó.

“Ai bảo không có ma? Có quá đi chứ. Nhiều nữa là khác! - một trong mấy người đang ngồi uống bia ở quán Hải Xồm, hùng hổ nói, bàn tay múp míp vuốt vuốt cái đầu hói đến tận gáy. - Chỉ những người học vấn ít mới không tin chuyện ma. Ma là cả một thế giới có thật tồn tại ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Chừng nào khoa học hình sự chưa tiếp cận được cái thế giới ma ấy thì vụ Đức Giang vừa rồi còn lâu mới sáng tỏ”.
“Ma với quỷ quái gì! - một người khác bác lại không kém phần hăng hái. - Hiện trường giả đấy. Thế mới cao tay!”

Một vài người nữa chen vào, thế là cả nhóm tự lúc nào không biết chuyển sang nói chuyện ma, người bảo có, người không, rất sôi nổi như phần lớn các cuộc tán gẫu vô bổ khác bên cốc bia. Để minh họa, người ta đem ra kể đủ chuyện, của mình và của người khác, ai cũng cam đoan là có thật nhưng ai cũng biết phần lớn là bịa. Có thể câu chuyện dưới đây cũng vậy, tuy nó được kể trong một trường hợp khác, cụ thể là trong một lần chúng tôi, mấy ông già về hưu kinh tế khá giả, tới khu vui chơi Cầu Đôi ở Đông Anh “câu cá thể thao”, tức là ăn uống nhiều, tán gẫu nhiều, câu ít, mà có câu được con nào lại thả ngay xuống nước con ấy. Một trò giải trí mà theo cách nhìn nhận thẳng thắn của nhiều người là ngớ ngẩn và mang tính trưởng giả.

Theo yêu cầu của người kể, tôi sẽ không nói tên ông ra đây, vả lại điều ấy không quan trọng đối với người đọc. Chỉ cần biết đó là một người đã đứng tuổi, một cựu quan chức cao cấp đáng kính về nhiều phương diện.

Lúc ấy là những năm đầu Mỹ mở rộng chiến tranh ra Miền Bắc. Cách Phủ Lý độ mấy cây số về phía Nam có một ngôi chùa nhỏ bình thường, cả cái tên cũng bình thường, chùa Dền. Trong chùa chỉ có một ông sư già trụ trì và một ni-cô trẻ do thất tình hay vì lý do nào đấy vừa mới cắt tóc đi tu. Cầu Phủ Lý bị máy bay đánh phá nhiều lần nên chùa Dền cũng chịu vạ lây, may chưa lần nào bom rơi trúng chùa, và người dân các làng lân cận vẫn tới hương khói đều đặn. Ông sư đã già nhưng khỏe, ngoài giờ chay tịnh, ông giúp ni-cô trồng trọt trên mảnh đất hai sào sau chùa. Hai người sống nhờ vào nó, chứ đồ tế lễ của người cúng viếng chẳng là bao, vì bản thân họ còn chưa kiếm đủ ăn.

Một đêm nọ, lúc này đã khuya, nhà sư đang ngồi lần tràng hạt như thường lệ trong phòng riêng của mình phía trong sân chùa, thì chợt thấy như có ai đi ngang qua cửa sổ. Trời mưa phùn dai dẳng đã mấy ngày liền. “Chắc mình nhầm, - ông nghĩ. - Ai có thể vào đây vào giờ này, mà vào thế nào được khi cổng chùa đã đóng? Ni-cô thì càng không phải vì cô ấy luôn đi ngủ sớm”. Ông quay lại với công việc buồn tẻ của mình, định chốc nữa cũng sẽ lên giường. Nhưng chỉ mấy phút sau, cái bóng ấy lại xuất hiện, lần này bước chậm hơn, như cố ý để ông nhìn thấy, và ông đã kịp nhận ra đó là một người phụ nữ. “Lạ thật!” - ông bỏ chuỗi tràng hạt xuống chiếu, lòng chưa hết ngờ vực. Khi “người ấy” đi ngang lần nữa thì ông đứng dậy, mở cửa bước ra ngoài.

Mưa đã nặng hạt hơn. Gió từ cánh đồng vắng bên cạnh thổi mạnh, làm những giọt nước lớn rơi xuống mặt và cổ nhà sư. Tiếng côn trùng râm ran khắp nơi. Trời tối nên ông không nhìn thấy gì.

“A di đà Phật. Ai đấy?” - ông hỏi. Không có tiếng đáp. Khi ông định quay vào thì chợt thấy có cái gì trăng trắng bên gốc nhãn già đối diện. Đúng là cái bóng lúc nãy. “Ai đấy?” - ông tiến thêm mấy bước nữa, hỏi to. Vẫn không trả lời, tuy nhiên cái bóng màu trắng đang bước đi. Vị sư già đi theo, khi ông bất ngờ đứng lại, nó cũng đứng lại. Hình như nó muốn dẫn ông đi đâu đấy. Lúc này, do đã quen với bóng tối và nhìn kỹ hơn, ông biết đó là một phụ nữ mặc đồ trắng suốt từ chân đến đầu. Là người tu hành lâu năm, lại già, nên ông không sợ, chỉ thấy tò mò, nghĩ bụng một khi có người đến gọi ông thế này thì chắc phải là việc hệ trọng. Thế là ông lặng lẽ đi theo. Người đàn bà bước ra ngoài qua chiếc cổng con để mở sau chùa mà ông nhớ rất rõ đã được cài then cẩn thận từ lúc trời chưa tối.

Một chốc sau họ tới đồng Vạc. Cánh đồng lúc này vừa thu hoạch khoai lang xong, lổn nhổn đất bị xới tung, gặp mưa lâu ngày dính bết dưới chân. Người đàn bà áo trắng rõ ràng đang muốn dẫn vị sư già đi theo mình. Đi đâu ông không biết, phần vì trời tối, phần vì họ không đi đường chính mà men theo các bờ ruộng nhỏ. Gặp chỗ trơn khó đi, người kia cố ý dừng lại chờ. Cuối cùng, nơi họ tới hóa ra là nghĩa địa làng Hưng Dũng, cách chùa Dền có lẽ phải gần một cây số. Đến đây chợt nhà sư không thấy người đàn bà kia nữa. Đang ngơ ngác không hiểu vì sao thì bỗng có tia chớp khan lóe lên. Ông nhìn thấy nghĩa địa có mấy ngôi mộ mới, rất mới, nhiều que hương còn cháy chưa hết, chắc vì mưa. Trên một trong những ngôi mộ đó ông thấy có cái bọc trăng trắng. Mấy giây sau có tiếng trẻ mới sinh đang khóc từ đấy vọng lại.

“A di đà Phật!” - vị sư già để bàn tay phải lên ngực, khẽ nói. Ông đưa mắt nhìn quanh khi có tia chớp khác. Vẫn không thấy người đàn bà áo trắng bí ẩn kia đâu. Thế là ông rõ: Người ấy dẫn ông đến đây vì đứa bé này. Nhưng sao bà ta không tự bế nó vào chùa? Xưa nay không ít trường hợp người ta làm thế lúc cùng quẫn, khi có điều kiện họ đến xin lại con. Mà sao đứa bé lại nằm đây, giữa đêm hôm mưa gió thế này? Nó là con nhà ai?...

Nhà sư đứng hồi lâu dưới trời mưa với những câu hỏi như thế trong đầu. Nhưng đạo của kẻ tu hành là cứu nhân độ thế, cho dù hoàn cảnh thế nào. Thế là ông cúi xuống bế đứa bé lên tay và quay về chùa. Ông chạm vào người nó thấy lạnh buốt. Nó không khóc nữa, nhưng hơi thở rất yếu. Tuy không nhìn thấy gì, ông đoán nó mới sinh được vài ngày, có thể vài giờ. Ôm chặt đứa bé vào lòng, ông cố đi thật nhanh, chỉ sợ nó chết khi chưa kịp về đến chùa. Lúc này ông lại nhìn thấy người đàn bà áo trắng lặng lẽ đi phía trước, rõ ràng để dẫn đường. Mấy lần ông cố ý rảo bước để hỏi mà không lần nào đuổi kịp, cho đến khi tới gần chùa thì cái bóng áo trắng ấy biến mất hẳn.

Vị sư già gọi ni-cô dậy pha sữa cho đứa bé rồi làm những gì họ có thể làm để cứu nó. Sáng hôm sau ông cho cô vào làng Hưng Dũng hỏi xem hư thực thế nào, thì được người ta cho biết tuần trước có chiếc xe đâu từ Thanh Hóa ra Hà Nội, lúc qua đây không may trúng tên lửa máy bay Mỹ. Cả năm người trên xe đều chết và được chôn ở nghĩa địa làng, trong đấy có một phụ nữ khoảng hơn ba mươi tuổi đang bụng to vượt mặt, chắc sắp đến ngày sinh. Ni-cô được sư cụ dặn trước không nói gì về việc ông nhặt đứa trẻ ngoài nghĩa địa, nên không người nào biết nó là ai, càng không thể nghĩ nó là con của người đàn bà đã bị chôn xuống đất những mấy ngày trước đó.

Nó là một đứa bé gái, được nuôi lớn bằng tình yêu của hai nhà tu hành và bằng sữa của một bà nông dân mới sinh con trong làng mà ni-cô một ngày hai lần bế tới xin bú nhờ. Năm tháng trôi qua, nó hầu như chẳng khác mấy những đứa trẻ bình thường, hơn thế lại xinh, cái xinh đẹp của một cô bé có dáng người gầy gò thanh tú, nước da rất trắng với đôi mắt to đượm buồn. Vẻ buồn ấy càng tăng thêm khi suốt ngày im lặng. Vì nó bị câm, câm từ lúc mới lọt lòng.

Cô bé cứ thế lớn lên trong cảnh chùa u tịch cùng vị sư già. Người con gái thất tình kia hoàn tục từ lâu và nghe nói đã tìm thấy lại hạnh phúc. Vì câm nên cô bé chẳng bao giờ hỏi bố mẹ mình là ai, cũng chẳng ai có thể cho cô biết điều ấy. Thời gian lặng lẽ trôi qua, cũng lặng lẽ như thế cô bé lớn lên thành cô gái xinh đẹp có thể nói nhất nhì cả vùng Phủ Lý. Nhưng cô và vị sư già của cô chẳng quan tâm đến vẻ đẹp trần tục ấy, vì mọi cái đã được quyết định - cô sẽ suốt đời là người của Phật để một ngày không xa thay sư cụ trông coi ngôi chùa này...

Âëy thế mà một việc tầy đình đã xẩy ra, làm đảo lộn tất cả. Số là năm cô mười bảy tuổi, một thằng khốn nạn cưỡng hiếp cô, và cô đã treo cổ tự vẫn ngay sau đó. Vị sư già thấy thế ngất đi, chứng đau tim vốn có lâu nay cũng làm ông chết theo. Do vậy người ta không bao giờ biết được tên khốn nạn nỡ làm hại cuộc đời cô bé khốn khổ kia là ai...

“Tôi chính là tên khốn nạn ấy!” - người kể im lặng một lúc rồi khẽ nói thêm, không quay sang nhìn mọi người đang chăm chú lắng nghe, phần nào hơi sững sờ trước câu tự thú chân thành ấy. Ông cũng không tỏ ra xúc động, hình như đã chuẩn bị từ lâu cho cuộc nói chuyện này.

Chúng tôi im lặng chờ nghe tiếp, vì biết rằng một khi ai đó đã bắt đầu câu chuyện xám hối của mình thì chắc chắn không bao giờ dừng lại giữa chừng.

“Lúc ấy tôi đã là một người đàn ông trưởng thành, gần bốn mươi tuổi, một cán bộ có cỡ ở Phủ Lý. Thế mà tôi đã làm cái điều tội lỗi ấy. Làm thế nào thì có lẽ chẳng cần nói ra đây, vì tự thân việc đó sẽ mang tính nguỵ biện. Tất nhiên có yếu tố hoàn cảnh, có rượu, có “giây phút mềm yếu dẫn đến sa ngã” như người ta thường nói, nhưng tôi đủ tỉnh táo để tự biết tôi là thằng khốn nạn. Tiếc rằng tôi chưa bao giờ đủ dũng cảm để tự nộp mình đền tội...”

“Sao bây giờ bỗng dưng ông đem chuyện này ra kể? - ai đó lên tiếng hỏi. - Ông giữ kín nó hàng chục năm nay, tất nhiên có thể làm vậy với những năm còn lại”.

“Thì một phần cũng vì cái vụ Đức Giang này và những chuyện ma quỷ của các vị. Tuy nhiên, lý do chính là tôi không thể tiếp tục im lặng được nữa. Tôi không thể mang nó xuống mồ cùng cái chết. Mà tôi sắp chết rồi. Bác sĩ bảo giỏi lắm chỉ kéo dài thêm dăm tháng. Tôi bị ung thư cuống họng. Vợ con chưa biết đâu, nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ biết. Việc này thì được, còn cái việc kia thì tôi muốn giấu họ. Vì họ thôi chứ chẳng phải vì tôi. Điều ấy dễ hiểu. Kể ra được thế này, tôi nhẹ hẳn người, dù có thể bây giờ các vị đang khinh bỉ tôi. Chẳng sao. Tôi đáng bị khinh bỉ và trừng phạt. Các vị thấy đấy, hóa ra tôi, một con người, thậm chí còn được coi là người tốt, mà lại xấu hơn cả ma. Ma, nếu có thể gọi người đàn bà đáng thương kia là ma, còn cố gắng đẻ con cả sau khi chết và đưa nó ra khỏi mồ nhờ người đời nuôi hộ. Âëy vậy mà tôi đang tâm giết nó...”

“Ông có tin vào ma quỷ không? Vào cái người ta hay gọi là ân oán chẳng hạn?” - một người nữa hỏi.

“Không! - ông kia đáp vẻ dứt khoát. - Lúc đầu quả tôi có tin, và rất sợ. Tôi sợ hồn ma mẹ con cô câm và vị sư già sẽ bắt tội tôi. Tôi thấp thỏm chờ đợi những tai họa ghê gớm. Cuối cùng chẳng có chuyện gì xẩy ra, và như các vị biết, tôi được thăng quan tiến chức, vợ con, kinh tế bình thường như mọi người. Nghĩa là chẳng có ân oán hay ma quỉ nào cả. Nếu có, chỉ có ma quỉ trong lòng ta. Chính ma quỉ đã xúi tôi gây tội ác, và rồi ma quỉ đã bắt tôi trả giá âm thầm suốt bao năm nay. Không nói các vị cũng biết tôi đã ân hận, đau khổ dường nào, nhất là khi luôn phải lo che giấu điều ấy. Năm nào rằm tháng Giêng tôi cũng lén về Phủ Lý thắp hương cho mẹ con cô ấy và nhà sư già. Vâng, tôi nghĩ thế đấy. Không có ma quỉ nào ở đời này cả. Chỉ có ma quỉ trong lòng mỗi chúng ta mà thôi. Trong các vị cũng có, nhưng may các vị thắng được chúng, còn tôi thì không!”

Hà Nội, 8.5.2002
T.B.T
(171/05-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • THÁI NGỌC SAN

    Hình ảnh của Hảo trên sân ga làm cho tôi đau đớn. Nàng giống như một nữ tu kín trong ngày ép xác, cả người trùm kín trong chiếc áo khoác và tấm khăn choàng nỉ đen, hơi sương giá tháng ba như những mũi kim găm vào da thịt làm mặt nàng tím ngắt.

  • TRẦN THÚC HÀ

    Đoàn Mã Kỳ đã tìm thấy vùng núi thiêng. Đến được đấy còn phải đi một quãng xa. Mã Kỳ chọn đám đất trống, tầm nhìn quang, buông tay nải, tựa lưng vào gốc cây lớn, cởi dép cỏ, duỗi đôi chân sần sùi vết xước còn tươm máu nghỉ sức.

  • NGUYỄN THỊ KIM HÒA

    I.
    “Linh hồn tội lỗi hãy rửa sạch trong dòng nước thịnh nộ của các thần
    Trái tim tội lỗi hãy tẩy xóa trong luồng gió thịnh nộ của các thần.”

  • LÊ THỊ KIM SƠN  

    Dì luôn hỏi nó “Vậy có ác hôn con? Có ác hôn con? Lũ chim ngoài kia được bay tơi bời vui vẻ, mình bắt nhốt con này trong lồng vầy có tội nó hôn con?”.

  • TRIỀU NGUYÊN

    Ông Tự ngước mắt lên nhìn bàn thờ. Cái bát hương đặt chính giữa từa tựa chiếc bình sứ lớn, hình như được trang trí bằng một cái đầu con rồng thì phải.

  • THÙY LINH

    Nhìn quanh không thấy ai để ý, Ái lặng lẽ trở về phòng của mình. Tiếng cười đùa của đám thanh niên đang tụ họp giữa sân bám riết lấy Ái.

  • LÊ THỊ BÍCH HỒNG

    Tôi sinh ra và lớn lên giữa một miền gió cát. Cát trộn lẫn đất, cát bồi lên gò, cát treo tít ngọn cây, cát phủ mái tranh, cát tung nhói mắt…

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
                          Truyện ngắn

    Tôi rất thương Mẹ mỗi lần nhìn thấy khối cơ thể ấy vỡ vụn ra, nát tan từng mảnh trong ngôi miếu cũ.

  • XUÂN ĐÀI

    Sáng nay, ông Phúc tiếp chuyện cô gái điếm. Anh trung sĩ dẫn cô gái vào phòng Ban chỉ huy.

  • NGUYỄN ĐẠI GIANG

    Tôi nhận được thư điện tử từ Hà Nội: Anh về ngay, mẹ sắp mất. Sửng sốt, thẫn thờ, bàng hoàng vì cách đây một tháng, bà cụ còn khỏe lắm. Hơn nữa còn hai ngày nữa là tết.

  • HỒ TRUNG LIÊN

    Vẫn còn đêm. Tôi choàng dậy bật điện. Ánh sáng lao ra hòa vào lớp trăng mỏng tràn xuống từ ngọn núi phía trước.

  • TRẦN THÚC HÀ

    Khi về đến mảnh đất quê hương, điều trước tiên là tôi đi tìm chị. Chị Hoài của tôi! Chao ôi, cả chục năm ở nước ngoài, học hành công tác không phút giây nào tôi không nghĩ đến chị.

  • CAO NGUYỆT NGUYÊN

    Tối nay Thanh không về thì mâm cơm, cút rượu, ánh sáng này thành vô nghĩa hết. Đâu có phải bà Miền trưng cho mình.

  • HỮU PHƯƠNG

    Nắng gắt. Những đợt gió Lào đầu tiên ồ ồ thổi qua cánh đồng đất cát, cuốn bụi mù mịt, ném cát vào mặt lão Điểu.

  • VĂN THÀNH LÊ

    1.
    Trời lạnh.
    Màn sương mịn, dày đặc. Như không thể mịn và đặc hơn được nữa.
    Xứ sở này vốn thế.

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNG

    Nhà chị tôi cách trường Nguyễn Hoàng  khoảng  400m.  Hè  năm 1970,  tôi  ra  ở  nhà  chị  để  thi  vào trường Nguyễn Hoàng. Thời đó học trò trường tư chỉ có 5% được thi tuyển vào lớp 10 của trường.

  • DIỆU ÁI

    1.
    Đang học năm thứ ba, em bảo sẽ lấy chồng. Mệ nhất quyết không chịu. Mệ sợ em lầm lỡ nên mới vội vàng như thế, cứ cầm tay nấn ná hỏi dồn. Chứ không, có ăn học đàng hoàng mắc mớ chi học hành chưa xong đã vội chuyện chồng con, hả con.

  • NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ

    Mái tóc nàng mọc từ nhiều loài cỏ dại. Dài quá lưng. Nhiều người trầm trồ, nhiều người dè bỉu:
    - Như ma ấy, cắt đi.

  • TRỊNH SƠN

    Cuộc chiến không thể nào dừng lại. Nó đã không tự bắt đầu, nên cũng chẳng cớ gì phải tự kết thúc.