Lửa đêm

08:35 30/12/2009
HOÀNG THÁI SƠN        Đời bắt nguồn từ những hoàn cảnh không ngờ tới (LOUIS ARAGON)Từ bên này con lạch, Sung bước chậm rãi, thỉnh thoảng anh lại đưa mắt ngó qua bên kia. Nhiều lúc anh bước quá chậm, hay dừng hẳn lại khiến An phải kêu lên.

Minh họa: Trần Thanh Bình

- Kìa chú Sung. Lưới chùng hết rồi! Sao cứ ngẩn người  ra thế? Hay là nhớ em Ngân?

- Tôi đang nghĩ và thương con cá vàng bị sa lưới !

An giật mạnh dây néo cho mạch căng đều :

- Lúc nào cũng độc cái câu ấy. Cá vàng nào ?

- Xem hồi sau sẽ rõ.

Sung cười, lại tiếp bước, rướn người về phía trước.

Một vài chú cá nghe động vụt bay lên khỏi mặt nước, toan vượt ra ngoài, nhưng số phận đã ném chúng rơi trở lại trong vòng tay lưới quét.

Đồng trưa sau vụ gặt như rộng ra, lác đác chỉ mấy cánh cò và chị am An. Mấy cai ao nông sờ và con lạch chạy dọc sát đường tàu đã bị họ khuấy lên đục ngầu, chẳng cá tôm nào sinh sôi cho kịp. Thế nhưng ngày nào họ cũng rủ nhau ra đây kéo lưới. Phần vì thời buổi nông nhàn, phần mỗi người có lý do riêng để không ai muốn ngồi nhà ngó mặt những người khác trong gia đình. Đến với đồng ruộng, thoáng đãng, lộng gió, cả hai như thấy hồn phơi phới.

Mười tám tuổi, An từ làng Đò bên kia sông theo chồng về làng Thượng. Chuyện lấy chồng của An là một khúc tình buồn. An mồ côi cha từ lên bốn, rồi mẹ tái giá, gửi con lại cho ông ngoại năm cô vừa lên bảy. Làng Đò là một địa chỉ bị bỏ quên của công cuộc tiến hóa xã hội. Cả làng không ai học hành gì nên hồn. Đàn ông sống chết với nghề rừng, chở thuyền thuê, vượt đất thuê, kéo lưới dọc những đoạn sông nông choèn, mò bắt từng con hến đen sì nhỏ bằng cái móng tay là công việc của đám đàn bà con trẻ.

An về sống với ông ngoại, được ông đeo cho cái vòng vía nặng chịch. Mười bảy tuổi, cái cổ ba ngấn trắng ngần mịn lẳn của An vẫn bị trói chặt với cái vòng oan nghiệt ấy. Mảnh sân đất bé tẹo nhà An mòn nhẵn bước chân của đám con trai từ năm nàng vừa bén tuổi mười lăm.

Nhưng cuộc đời nàng đã được an bài bởi một lá số tử vi : chồng nàng phải là một người đàn ông góa bụa, không thể là một chàng trai tơ! Trời!...Sao thế hở ngoại! An đã khóc cạn nước mắt, nhưng ngoại đã quyết rồi, như đinh đóng cột. Rồi ngoại lần mò dắt về cho đứa cháu yêu một anh chàng đúng tiêu chuẩn ấy. Đó là một gã chuyên nghề lái trâu, lái lợn, lái chó ở chợ huyện. Phiên chợ nào Khủng cũng say bò lê bò càng, không hiếm bữa đánh người, rồi bị người đánh. Hắn đã một lần vợ, nhưng người phụ nữ ấy đã phải lặng lẽ ra đi không lệ làng phép nước vì không thể sống nổi với tay chồng vũ phu, nát rượu. Thế đấy, và đến lượt An đem tấm thân ngà ngọc trời phú của mình ném sóng soài dưới làn roi, dưới những cái phạt ngang của bất kể thứ gì, từ đoạn củi gộc, đoạn dây thừng, đến thanh tre dẫn chó khét mù mà Khủng vớ được lúc bốc máu tam bành hoặc nổi cơn ghen mơ hồ trước sắc đẹp của An. Bọn trai làng vẫn ví vợ chồng hắn là "Bông hoa lài cắm bãi cứt trâu". Hắn biết hắn không xứng với An, và hắn đã trả thù sự mất cân đối giữa hai người bằng những việc làm của một kẻ vô học. Chỉ như vậy, hắn mới thỏa mãn, chỉ lúc đã đánh vợ đến run tay thì cái mặt to bè sần sùi mụn cá của hắn như mới nhẹ nhàng ra được.

Nhà ông Thú lớn bé có tới mười một miệng ăn, lúc nào cũng rầm rập như tầu vào ga. Lẽ thường vợ chồng Khủng nên ra riêng tư, nhưng cái nghèo và thói quen bằng lòng với một cuộc sống không biết gì là văn minh đã khiến họ yên tâm quây quần bên nhau dưới một mái nhà. Sung thua Khủng nửa giáp tuổi. Anh đi bộ đội, hết nghĩa vụ, chuyển qua làm công nhân lâm trường; được mấy năm thì mất việc, phải về, chưa biết lúc nào người ta mới gọi trở lại. Phải đi xa về mới nhận ra mọi điều hay dở ở nhà lâu nay vốn rất quen mắt. Cái gì cũng cũ kỹ, tù đọng, như mốc lên, như bám đầy bụi bặm của nếp sống lạc hậu từ ngày xưa, nhất là thái độ sống cam chịu của mọi người. Nhìn ai anh cũng thấy họ vừa đáng thương, vừa đáng giận, đáng phải hét vào tai họ một tiếng thật to cho họ tỉnh ra...

Trong những băn khoăn của Sung, tình cảm của An là nỗi day dứt ngày một ám ảnh tâm trí anh. Việc gì An phải ăn ở với một kẻ khùng ngộ như thế? Nết na ấy, sắc đẹp ấy lẽ ra phải được nở sôi nhựa sống trên những nụ cười tươi chứ đâu phải là hàng hàng nước mắt! Sung thấy quá thương An và ngày càng trở nên thành kiến với Khủng. Cho đến một lần, cay cú vì làm ăn thua lỗ, lại quá chén, Khủng vô cớ gây sự rồi lột sạch áo quần vợ, đánh  đòn giữa ban ngày, giữa đông đủ người thân, thì anh không thể chịu nổi nữa. Sung đã phải dùng một ngón võ khóa tay ông anh lại, ném vào góc nhà, trong lúc Khủng sùi bọt mép lảm nhảm chửi bới.

Từ đó, rất nhiều đêm Sung trằn trọc, tấm thân mảnh mai đầy đặn của An cứ lởn vởn trong anh. Trong một cơn mê, anh thấy An trần truồng lộn từ trên cao xuống, quay tròn rồi rơi vào vòng tay anh. Nàng nép sát vào ngực anh, run rẩy. Cơn mê ấy là kết quả của đôi mắt đầy hàm ơn và giàu thiện cảm của An dành cho anh, từ khi nàng nhận ra trong nhà này còn có người hiểu thấu nỗi lòng mình. Đó lại là người đàn ông hơn mình hai tuổi.Sung là em chồng, An là chị dâu; nhưng với An,Sung cao cả quá, đẹp quá, một con người nàng chưa từng gặp. Sung trở thành chỗ dựa tin cậy, khiến An thấy yên tâm và yêu đời hơn. Thất học, suốt đời không cất đầu nổi khỏi những đè nén của mặc cảm về số kiếp, của những lo sợ, chưa lúc nào An ý thức đầy đủ về mình. Thế mà giờ đây nàng như được mở mắt ra, để nhìn người và nhìn lại chính mình. Rồi nàng nghĩ tới những điều chưa bao giờ dám nghĩ. Có phải trời bắt mình suốt đời gắn bó với một kẻ gàn dở như Khủng không?Mình sẽ phải chết, nếu yêu thương một người đàn ông trẻ trai, tử tế? Chao ôi! Nếu có được tấm chồng xứng đáng, rồi mặc cho trời đánh thánh vật, mình cũng sẵn chịu, cũng sung sướng hơn cảnh tù đày này!... Trong lòng nàng, giữa rạn vỡ của những định kiến, những cam chịu, những nếp nghĩ cũ cằn, bỗng lóe lên vài tia sáng lạ. Giá mình có tấm chồng như người đàn ông này? Giá Sung là... Trời ơi ! Chú Sung ! Chú đừng để tâm điều tôi nghĩ quẩn, nó đầy tội lỗi, nó trái với luân thường. Hơn nữa, chú thì cần gì một đứa như tôi. Đến như con bé Ngân vừa trẻ, vừa đẹp chú còn chê nữa là. Nó đeo lấy chú như ăn phải bùa, ấy thế mà chú cứ lơ lơ láo láo như không có nó trên đời là như thế nào? Vì sao chú không lấy vợ đi?Trước kia còn thấy nhắc tới đám này đám nọ, tự dưng độ này cứ lẵng lặng, có lúc như đứa mất hồn ấy là nghĩa làm sao?

"Tôi thương con cá vàng sa lưới". Chú nói với tôi câu ấy lần thứ mấy rồi? Cá vàng cá bạc nào mới được!

Sung không gỡ được lưới. Đến lượt An. Biết nước sâu, không thể xắn quần, An cứ thế lội dần xuống nước. Chẳng hiểu vì sao Sung bó tay, chứ lưới chỉ vướng nhẹ vào một cái gộc nhỏ? Chỉ thoáng cái,An đã làm xong, bước lên bờ, ướt rượt tới cổ. Áo quần dính sát người, cái eo lưng tròn gọn lộ ra, bộ ngực đầy ắp lộ ra với đôi chỏm vú gai nhọn. Hai người thu lưới, đem vắt nhùng nhằng lên cái cọc trụ rơm rạ cho nhỏ nước trước khi về. An xổ món tóc bị ướt ra đập đập vào lòng bàn tay, bụi nước li ti bắn tung tóe lên mặt Sung ngồi bên cạnh.

- Vì sao chú không gỡ được chỗ lưới bị mắc? - An đấm vào vai Sung - Đồ quỷ! Lần sau tôi chả dại.

- Quỷ nào thế ?

- Đừng có vờ nữa.

An đỏ mặt nhớ lại lúc lội dưới lạch lên, toàn thân ướt rượt, còn Sung thì lăn ra cỏ mà cười, lại còn chụm hai bàn tay lên mắt, nói đùa: "Tươi lên, tôi chụp kiểu ảnh hoa hậu đi kéo lưới".

- Người ta thì thật, không ngờ có kẻ giả chết.

- Chẳng qua là tôi vụng - cái gì tôi chả vụng.

- Vụng à?... Ừ, mà phải, cũng có cái vụng thật.

- Cái gì thế?

- Tự hiểu lấy.

- Chịu!

- Là chuyện lấy vợ ấy - An nhìn Sung - Đúng chưa?

- À, cái số trời định mà - Sung cười khì - Trông tay đây thì biết.

Sung xòe tay, chỉ lằng nhằng cho An xem đâu là đường đời, đâu đường tình duyên, đường công danh sự nghiệp...

An trừng mắt :

- Sao chú bảo không có số siếc gì hết? Sao chú nói ngu dốt đẻ ra thần thánh và ma quỷ, và tôi lấy ông Khủng là một trò ngốc?.

Sung phải thú thật :

- Tôi đùa thôi, chứ không có số hệ gì đâu.

- Nếu thế thì lấy vợ đi, đừng đổ cho số kiếp nữa.

- Lấy vợ thì phải yêu đã.

- Thì ai cấm!

- Tôi muốn nói là tôi chưa gặp được người đáng yêu.

- Tôi nói thật, một đống tuổi rồi. Vậy chờ gì nào? con bé Ngân nó ngoan thế, còn đòi tiên nữa sao?

- Tôi có cảm tình gì với cô ta đâu!

- Thế cái Hoài xóm dưới?

- Cũng vậy.

- Thế cô gì ở đơn vị cũ, cái cô trồng rừng ấy? Bảo là nó chờ chú, nó viết thư luôn đấy thôi.

- Không yêu ai hết, tôi đi tu!

- Nói vậy mà nghe được. Phải chọn lấy một đám, kẻo già rồi ma nó cũng nhắm mắt bỏ chạy cho xem.

- Đùa đấy, chứ tôi chọn rồi, tôi yêu một người, yêu hết mình.

- Ai vậy? An mừng rỡ, giọng như reo - Ai? Nói đi !

- An! Tôi thương An! Tôi yêu An, không ai ngoài !

An ngớ người nhìn Sung. Nghe giọng điệu và nom sắc mặt, An hiểu rõ rằng Sung không đùa chút nào.

- Trời !


An kêu lên rồi bỏ chạy ra đằng sau đống lưới. Hai tay ôm ngực, An thấy nghẹt thở, mắt hoa lên, tim muốn vọt ra ngoài. Sung chậm rãi bước theo. Anh nắm lấy đôi tay An đang run run.

- Tôi thương An mà. Tôi nói nghiêm chỉnh đấy.

Phải mất một lúc. An mới tạm hoàn hồn, giọng hãy còn hổn hển :

- Sợ lắm! Chúng mình là ...

- Tôi hiểu. Nhiều lần tôi tự hỏi vì sao tôi yêu An, nhưng không trả lời được, và càng đau khổ hơn, nếu chưa thổ lộ hết nỗi lòng cho An rõ. Tôi nói thực lòng. Nếu cho tôi là điên rồ, thì An hãy cứ tát vào mặt tôi đi ! -Anh buông tay An ra, còn An cứ cúi đầu lúc càng thấp xuống - Tôi vẫn nghĩ mình không phá hoại hạnh phúc của An, vì rõ ràng An không có hạnh phúc! Tôi không cướp đoạt tình yêu của người anh đáng thương và đáng giận của minh, vì anh ấy chưa bao giờ biết có tình yêu cả. Anh ấy không yêu ai hết, ngay cả chính mình. Công bằng mà nói, những người như anh tôi, đừng nên dính vào bất kỳ người đàn bà nào mà làm khổ người ta, và bản thân anh cũng chẳng sung sướng gì! Còn An. Nếu An ghét tôi, hoặc sợ hãi, thì dù sao cũng nên đi mà kiếm lấy một tấm chồng xứng đáng, không nên giam mình như thế, phí tuổi xuân, phí một đời con gái... Vấn đề như vậy. An hiểu tôi không?

An từ từ ngước nhìn Sung. Mắt họ gặp nhau. Sung đặt tay lên hai bầu má nóng rực của An.Từ cặp mắt An,cặp mắt to tròn như huyền ảo hiên hình hai ngấn nước.

Những bộc bạch của Sung khiến nàng vợi bớt nỗi băn khoăn. Trái tim cần được mơn trớn vuốt ve của người đàn bà trong nàng hãy còn để ngỏ chờ đợi tình yêu suốt những tháng năm qua. Và giờ đây tình yêu đã đến, muộn màng nhưng vẫn đầy mẫn cảm. Nàng nhanh chóng nhận ra từ lâu nàng đã đứng bên lề một cuộc tình trái khoáy nhưng chẳng có gì lạ lùng, chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên cả... An gục vào vai Sung...

Thì ra tình yêu có trăm ngàn lối đi. Không phải tất cả đều chung bước trên con đường có ngọn đèn lí trí soi rọi lắm khi sáng suốt đến lạnh lùng. Trong bản hòa tấu phức điệu của ái tình, vốn có những giọng đàn rất riêng, mà thiếu nó, thì tất cả sẽ trở nên bằng phẳng, đơn điệu, nhàm chán... Tấm lưới ướt sũng An bíu chặt trong tay đổ xuống, cuốn lấy hai người, vùi họ vào trong mùi tanh của cá, của bùn lầy và mùi ải của rơm rạ. Họ trộn hơi thở vào hơi thở của nhau, trộn máu vào máu của nhau, như họ sinh ra vốn để dành cho nhau vậy.Sau lưng họ, phía trên con lạch, chuyến tàu chiều rầm rộ kéo qua, mặt đất như nảy lên, nhưng cả hai không hề hay biết!

Cuộc tình vụng trộm nào cũng khôn ngoan nhưng có khi rất khờ. Một ngàn lần họ hôn nhau trót lọt ngay trước mặt người thứ ba, thì đến lần lẻ một tiếp sau, sẽ trở thành mũi dùi Mao Toại. Bà Thú nổi danh là người lù đù, không phân biệt được gà nhà và gà hàng xóm đã có lần bắt gặp "chị em chúng no" ôm cứng lấy nhau. Lúc đó chừng tám giờ đêm. Nhà ông láng giềng vừa sắm chiếc ti-vi đen trắng chạy ắc quy. Sự kiện văn hóa nổi bật này đã tụ tập cả xóm lại để trầm trồ. Nhà ông Thú dĩ nhiên cũng kéo sang đó cả.Bọn An và Sung qua xem một lúc rồi bấm nhau về. Lợi dụng bóng tối, hai đứa ôm nhau ở góc khuất ngay cổng ra vào, nào có ngờ bà Thú đang xắn quần ngồi xổm một bên từ bao giờ. Chết rồi...Nhưng mà may. Bà Thú vốn ưa chuộng hòa bình, nên bà chỉ chỉ thị "Từ nay chúng bay chừa đi!". Song bà không hoàn toàn cho Sung "trắng án". Hôm sau, bà gọi Sung ra góc vườn, buộc anh phải chấp nhận xây dựng với Ngân, vốn là người bà dày công vun đắp. Bà đe nếu không nghe, nhất định bà sẽ nói toạc mọi chuyện. Chưa bao giờ Sung thấy mẹ ghê gớm như vậy, nên bà nói gì anh cũng gật. Từ đó, hai bên gia đình đi lại, và đã chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành lễ hỏi. Ông Thú khoái ra mặt, coi như đã đặt được hàm thiếc cho con ngựa bất kham; chỉ bực là độ rày con An cầm lấy cái gì, là y như rằng làm rơi vỡ cái đó. Có lẽ nó quá mừng rỡ trước việc Sung sắp lấy vợ chăng, chứ xưa nay nó vốn nhẹ tay nhất nhà.

Nhưng quân bất trị vẫn hoàn bất trị. Chuyện thật dở cười dở mếu. Ông Thú chọn khắp chợ huyện mua cái thủ lợn đẹp nhất cho đám hỏi. Cái thủ được luộc chín treo trên giàn bếp đợi hôm sau cùng mâm trầu rượu rước đến họ nhà gái. Nào ngờ sáng ra thì đã bị xẻo mất tai, mũi má, để trơ cái sọ dị dạng với hai hàm răng nhe ra như cười. Hỏi, không ai biết lí do. Thì còn ai vào phá đám nữa. Nhưng mà Sung không nhận. Nó đổ cho ma xó, nó nói rằng đó là điềm xấu báo trước một cuộc tình đứt gánh. Và thế là chấm dứt luôn mọi chuyện. Bầu không khí trong nhà lại sôi lên. Ông Thú cả ngày càu nhàu như nuốt phải bọ xít. Khủng nhân đó cũng ậm ợ dạy thằng em dăm ba câu của ông anh cả. Bà Thú, như đã nói, vốn sợ lôi thôi, nên tuy giận con lắm, nhưng cũng đành chấp nhận thua cuộc. Cả nhà không thấy ai cười, trừ có cô dâu, nhưng cô ta cười khúc khích một mình bên giếng nên không ai biết.

Để tránh mẹ nghi ngờ, bọn Sung và An không đi kéo lưới với nhau nữa. Thường Sung đi một mình với tay lưới sải, có khi đi thả đêm, hay gặp cá to. Được dịp gần nhau là hai người mắt trước mắt sau to nhỏ chuyện trò. Nhưng như cá trong lưới, lần ngả nào cũng vướng. Rút cục, họ bàn thế này :

- Hay ta trốn vào Nam làm ăn ? - Sung đề xuất.

- Đúng rồi - An vỗ tay - Nhưng làm gì, ở đâu?

- Lo gì ! -Sung khoe - Bạn lính của anh có đứa giờ làm ông chủ ở Tây Nguyên, ở Đắc Lắc. Ta vào trước hết làm thuê cho nó.

- Làm thuê à ?

- Ừ, hái cà phê, cuốc bỏ hoang, trăm thứ việc. Vào đó thành dân tứ chiếng, lộn xộn mà vui lắm.Anh thấy rồi.

Sung hăng hái vẽ ra một tương lai sán lạn cho An xem, rồi kết luận :

- Anh nghĩ không còn con đường nào khác. Đàng nào anh cũng không thể ở đây được nữa, cả em cũng vậy. Anh tính bỏ đi từ lâu, chứ đâu phải bây giờ.

Tưởng An vui mừng, không ngờ mặt nàng ỉu xìu ngay xuống :

- Thôi chết, em quên mất. Là em không đi được !

- Sao? Sợ rồi chứ gì ?

- Ngoại em đã ngoài tám mươi, người yếu lắm, mắt lại mờ. Dăm bữa nửa tháng không thấy em về thăm, là ngoại ra bờ sông ngồi ngóng. Em lớn lên trong vòng tay ngoại. Không thể bỏ ngoại mà đi đâu được, tội ngoại lắm!

- Thế con cháu cụ đông không?

- Vừa vừa, nhưng ngoại thương em hơn cả. Anh nghĩ xem, có thể ngoại chết mà vắng em được không?

- Gay nhỉ.

- Hay là anh cứ đi một mình?

- Còn em? Không lẽ em chịu sống mãi cảnh này?

- Mặc em! Thương em thì để trong lòng. Anh cứ đi đi, vào trong đó gặp đám nào ưa, thì xây dựng đi cho xong cái nợ đời và đừng bao giờ quay về lại nữa. Chuyện chúng mình coi như chấm dứt ở đây. Em buồn lắm, khổ lắm, nhưng tính sao?

Cả hai im lặng. Lát sau, Sung nói, giọng buồn, pha chút lạnh lùng :

- Vậy thì tôi đi một mình. Cũng có thể tôi đi và không bao giờ về nữa!

Thả lưới xong, An lần mò đi tìm rạ ở các bờ ruộng. Rạ đã ải hết, vất vả lắm mới gom chất được một đống cao ngang đầu người. Đồng vắng hoe, đêm tối sầm, chỉ nghe tiếng cá đớp móng dưới lạch chen trong tiếng côn trùng ri rỉ. Ngồi bên đống rạ, nghĩ gần nghĩ xa mà An muốn khóc. Chính chỗ này đây, lần đầu tiên hai đứa đã trao gửi hết cho nhau... Tất cả giờ đây đã thành kỉ niệm. Giờ đây An chỉ còn trông đợi một chuyến tàu. Không rõ Sung ngồi toa nào? Lúc nữa tầu qua đây, hẳn Sung sẽ không quên nhìn về làng, nhìn lại con lạch, nhớ lại nơi hai đứa cuộn vùi trong đống lưới ướt át, bùn lầy trơn nhẫy...

Buổi chiều lúc anh ra đi, chúng ta không nói được với nhau lấy một câu nào! Anh Sung ơi! Ngọn lửa này sẽ thay lời tiễn biệt. Em đã vin cớ ra đây thả lưới để được chia tay anh lần cuối, để gửi anh ngọn lửa đêm âm thầm cháy trong lòng hai đứa bấy nay...

Thời gian trôi chậm chạp khiến An vô cùng sốt ruột. Hay đêm nay không có tầu vào? Lẽ nào? Nhưng rốt cuộc nàng vẫn toại nguyện. Đầu tiên chỉ nghe âm âm xa xôi, rời rạc, rồi tiếng động lúc một rõ dần, rồi một quầng sáng xuất hiện quét dọc đường ray đang run lên. Con tầu lù lù đi tới. An đánh diêm. Ngọn lửa xanh lét lóe lên, nhưng hơi thở mạnh của nàng làm nó phụt tắt. Chập hai que làm một, An quẹt mạnh. Lần này An bình tĩnh hơn, nên chỉ tích tắc, rạ bén lửa nổ lép bép rồi cuồn cuộn cháy. Cả một khoảng đồng được soi sáng chập chờn theo cơn gió. Bên cột lửa, An giơ cao hai tay lên trời, vẫy vẫy theo con tầu, bóng nàng đổ dài trên mặt nước lung linh ánh sao. Cột lửa có ngọn gió cổ vũ uốn lượn reo phần phật lúc một bốc cao. Con tầu giảm tốc độ, bò dần vào chiếc cầu đầu cửa lạch. An nhón cao chân, mê mãi vẫy tay, toàn thân lắc lư, trong khi ngọn lửa hạ thấp, rồi lùi dần, thả vào màn đêm những tàn bay vạch sáng. An cứ đứng ngóng vào bóng đêm, cho đến khi con tầu của nàng bị nuốt chửng vào trong mênh mông. Buồn não ruột, An ngồi bệt xuống cạnh đống tàn tro đang bịn rịn vương tơ vài sợi khói. Thế là hết. Vĩnh biệt! Ngàn lần vĩnh biệt!... Mình còn ngồi đây làm gì? An tự nhủ rồi uể oải đứng đậy đi thu lưới. Vừa đặt chân xuống mé lạch, bỗng An khựng lại. Có tiếng khua nước bì bõm phía trước. Ai ra đây làm gì lúc này? Người hay ma?

- Ai thế? -An cất giọng cứng cỏi hỏi.

- An ơi ! Sung ! Sung đây mà!

Thật sao? Rõ ràng đúng giọng Sung rồi. Anh vừa nói vừa thở.An chạy ào xuống, không cần biết dưới chân nước nông hay sâu, bùn lầy hay gai góc.

- Trời ! Anh Sung à ? Ôi anh Sung! Anh nhảy tầu à?

Không có tiếng trả lời. Chỉ có tiếng bì bạch vỗ nước. Làm sao thế này? An lao tới, gọi lạc cả giọng. Thì ra Sung đã bị vướng lưới ngã dúi dụi trong khi ào chạy tới với người tình đau khổ.

Tháng 5-1998
H.T.S
(122/04-99)


 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHAN TUẤN ANHLớp Lý trong một chiều nhốn nháo. Vài đứa con gái ngồi sụt sùi cho nhân vật nữ trong phim trên ti vi chết sớm và nguyền rủa đạo diễn như một tay giết người. Những đứa con trai thì tiếc rẻ cho một vài pha bóng hụt tối qua, để lại hậu quả là mất hẳn một "tháng lương" mà nhẽ ra đã có thể lĩnh sáng nay tại... chủ quán.

  • NGUYỄN VIỆT HOÀLGT: Khi ánh sáng phản chiếu từ mặt trái đồng tiền ùa vào cánh cửa làng mở rộng, “sức nóng” của nó gần như thiêu rụi mọi nền tảng đạo đức một bộ phận không nhỏ đám thượng lưu gồm cả quan viên hương lý. Căn bệnh mà tác giả Nguyễn Việt Hoà mổ xẻ trong truyện ngắn dưới đây, dẫu chưa cao tay để diệt bằng hết những vi-rút-làng, song việc ngăn chặn một đại dịch bắt đầu là có thể...S.H

  • TRẦN HẠ THÁP1/ Người đàn ông đang huơ rìu. Liên tục những bi củi tươi bị xé phanh, toang toác. Gió lạnh một buổi tàn đông, sắp Tết nhưng trên khuôn ngực mồ hôi loang lổ như mưa. Xóm lò heo. Buổi sáng chưa mở mắt đã hỗn độn, mù trời hơi nước. Cái thế giới được khoanh vùng bằng tiếng kêu bi thiết các con vật thảm tử. Mùi phân chuồng phát tán, nghẹt thở. Tiếng người lê la trả giá, mặc cả. Tiếng cười rộ lên đắc ý trộn lẫn tiếng chửi thề tục tằn đe doạ. Đâu đó, mơ hồ giọng trẻ con khóc và tiếng ru hò ngái ngủ xa xôi…

  • NGUYỄN NGỌC LỢITôi diện bộ "téc gan" quân nhu, dắt súng vào người, dặn dò cậu lái xe rồi hoà vào dòng người đi ra sân bay. Được giao nhiệm vụ về nước sắm hàng, gặp một sự kiện quan trọng, tôi không muốn bỏ lỡ dịp được chứng kiến. Thị xã Lộc Ninh năm 1973 đã trở thành thủ đô của chính phủ cách mạng.

  • THÁI BÁ TÂN…Con chim hung dữ màu đen là trọng tâm của bức tranh, được ông giành hết tâm sức miêu tả rất sống động. Trong tranh, nó đang bám chân vào ngực Prômêtê, xoè hai cánh giữ thăng bằng, chiếc mỏ khoặm ngậm một miếng tim vừa moi từ lồng ngực khổng lồ của chàng…

  • NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNMọi người đến Huế với những lí do khác nhau. Riêng các văn nghệ sĩ thì thường đến để tìm cảm hứng sáng tác. Tuy nhiên ý tưởng của mỗi người thì mỗi khác, chẳng ai giống ai. Họa sĩ Vĩnh Trung và nghệ sĩ Hải Lý là một trong những trường hợp như vậy.

  • XUÂN ĐÀIChuyện thằng Thanh con cô Ngoan ở làng Đông cuối tháng này tổ chức đám cưới với con Thuý con cô Lâm ở làng Nổi, dân xã Vĩnh Sơn ai cũng tỏ tường. Cái đận cô Lâm có chửa, điều tiếng khắp làng, người ta đoán già đoán non về cha của đứa bé. Đoán vụng đoán trộm, thì thầm nhỏ to sau lưng, chứ thấy bóng cô đi ngang qua là họ im bặt. Nó mà nghe được nó tế cho! Nó vén mồm, vén váy, réo tên cúng cơm ba đời nhà mình ra mà chửi.

  • PHẠM THỊ XUÂNChị Xoan trở mình nhè nhẹ, sợ làm đứa cháu giật mình thức giấc. Chị quay mặt  vào tường như cố tránh cái ánh sáng xanh dịu phát ra từ ngọn đèn ngủ. Chị nhắm kín mắt nhưng vẫn không sao ngủ được. Đầu óc chị rối bời bao ý nghĩ. Có một cái gì day dứt, một cái gì tiếc nuối, một cái gì hẫng hụt vừa đi vào cuộc đời chị. Chị bỗng thấy lòng mình trống trải đến vô vị...

  • PHẠM THỊ XUÂNLGT: Ấn tượng của một nữ tác giả mới lần đầu tiên gửi tác phẩm đến cho TCSH thật khá đậm đà. Ấy là Phạm Thị Xuân, một phụ nữ ở độ tuổi đã qua thời thanh xuân, đang công tác tại một đơn vị y tế huyện Quảng Điền.

  • QUÝ THỂCó ai đến nhà chơi, bà cụ Tuần chỉ mép tấm phản gỗ mời ngồi, bà nói:- Giang sơn của "bầy choa" (chúng tôi) chỉ có chừng ni. Không ghế bàn, xa lông, sập gụ tủ chè chi cả, chịu khó ngồi đỡ, ông bà mô áo quần trắng trẻo sạch sẽ sợ dơ, thì ngồi lên đây. Bà cụ xoè cái quạt giấy cũ đã rách, lộ ra mấy cái nan tre lót cho khách ngồi. Nhưng không ai nỡ ngồi lên cái quạt giấy của cụ.

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO...Sáng hôm ấy bà con xóm đạo đi lễ rất đông. Người ta nhìn thấy một vệt sao băng vào lúc trời tảng sáng. Họ cho rằng Chúa thấu hiểu được nỗi đau đang dày xéo trên thân thể Xoan. Nhưng cũng chính vì thế mà bố cô lại quay về làm chính con người liêm khiết hồi xưa. Thiên đường cũng có những con đường riêng để người ta sám hối.

  • XUÂN ĐÀI 1. Mỗi lần từ quê trở về Sài Gòn, sống bên chồng và hai đứa con, tôi không nguôi nhớ đến chị. Năm nay chị đã ngoài bốn mươi, không chồng, không con, lủi thủi ra vào trong ngôi nhà một gian hai chái. Ngôi nhà vừa được xây dựng cách đây gần ba năm bằng số tiền chị tằn tiện, chắt bóp mười mấy năm và tiền vợ chồng tôi phụ giúp chút đỉnh. Vài ba năm, vợ chồng con cái chúng tôi mới về thăm chị một lần. Chị mừng, chị vui, trò chuyện với các cháu suốt ngày. Chị quấn quýt lũ trẻ, lũ trẻ cũng quấn quýt chị.

  • TRẦN THỊ TRƯỜNGNgày trăng tròn lẻ. Tháng Trung Thu năm Đại Bảo thứ 3.Người hai lưỡi bảo là ngày Sao Thổ phạm vào Thái Âm.Người ngắn lưỡi nói Sao Chổi mọc ở phương Tây.Người dài lưỡi bảo có tinh vượn đen ăn mặt trời, ngày Nhật thực, nếu không yểm kỹ sông Nhị đang nảy vàng ròng sẽ ngừng.Động đất.

  • VIỆT HÙNGTrước đây, anh là người lừng danh, một tay "cua - rơ khét tiếng" trên xa lộ. Đã một thời anh chỉ biết chiến thắng. Người ta từng mệnh danh, anh là người sinh ra để đua xe đạp, anh không hề có đối thủ. Anh xem thường sự chiến thắng của mình, cho nó là điều hiển nhiên. Anh coi ánh hào quang của vòng nguyệt quế chỉ có tác dụng tô điểm thêm cho vẻ đẹp của mình mà thôi. Bởi, không có nó, anh vẫn là một thần tượng chẳng gì "khuất phục nổi".

  • NGUYỄN THÁNH NGÃĐêm nay trăng nhão, không biết là đêm trăng gì. Ở xa nhìn về đồi Kà Mạ vẫn một khối đen sì. Nếu có ai nhướn mắt nhìn thật kỹ sẽ thấy cái khối đen sì ấy nhô lên như một cái đầu người đôi mắt lấp láy đom đóm. Thỉnh thoảng gió hất cái đầu tóc rối bù xù bay về phía ruộng. Tiếng chim cú kêu mỗi lúc một thê lương, ớn lạnh từng đốt xương sống...

  • THÁI BÁ TÂNTháng trước, ở phường B. thị trấn Đức Giang, huyện Gia Lâm, nơi tôi về nghỉ hưu mấy năm nay, đã xẩy ra một vụ trọng án có nhiều tình tiết rất kỳ lạ, có thể nói bí ẩn không sao giải thích nổi, đến mức cuối cùng người ta quay sang cho rằng nhất định phải có yếu tố thần linh ma quỷ trong vụ này.

  • PHẠM THỊ ANH NGA                  Truyện ngắn...trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể nào biết được...

  • PHAN VĂN LỢIBuổi giao lưu và trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi viết truyện ngắn do Hội Nhà văn tổ chức đã tiến hành được gần nửa giờ. Gã nhấp nhỏm trên chiếc ghế kê phía sau cánh gà sân khấu, bồn chồn không yên. Chừng thông cảm với tâm trạng của gã, cô gái phục vụ mặc áo dài đỏ bưng tới cho gã ly nước, nhẹ nhàng nói: "Chú cứ yên tâm ngồi nghỉ cho khoẻ. Giải A bao giờ cũng trao cuối cùng, chú ạ!"

  • KHẢI NGUYÊN Pa-ri, mùa hạ năm 198...Vườn Bách thảo giữa thành phố kề sông Xen phía tả ngạn. Ông đến đây như một kẻ lánh đời, sợ nơi đông người. Thật ra, phần lớn đường phố Pa-ri trong giờ làm việc không ồn, không thừa thãi người đi nhong như ở Việt Nam. Em ông ở quê ra Hà Nội chơi đứng ngắm dòng người và xe nườm nượp qua lại cứ tự hỏi: những con người này đi đâu, về đâu mà tuôn mãi như là chẳng ai về nhà cả, như là cái "nghiệp" trời đày phải đi.

  • ĐỖ KIM CUÔNGNhiều năm trôi qua tôi đã trở thành người đàn ông đứng tuổi. Có một mái ấm gia đình, vợ con hạnh phúc. Nhưng mỗi lần nghĩ về nàng, một người đàn bà chỉ kịp quen trên chuyến đò từ Huế ra Phong Điền, chia tay nàng để nhiều năm sau, tôi mới được gặp lại nàng trong một hoàn cảnh khác, tôi vẫn giữ nguyên một cảm giác hết sức lạ lùng. Một ý nghĩa luôn ám ảnh tôi khá kỳ quặc rằng: Tôi đã bị nàng hiểu lầm, là một chàng lính giải phóng “hám gái, dại khờ”... Bởi vì sau vụ việc ấy, chính tôi cũng rủa thầm mình là ngu ngốc.