TRIỀU LA VỸ
Giừng có chửa!
Bà giáo trề môi. Cả làng Vệ nhốn nháo.
Tôi hớt hải chạy ra trại Nòn tìm Giừng.
Minh họa: Tô Trần Bích Thúy
Nó đang ngồi đan gióng. Vừa đan, nó vừa tủm tỉm cười. Trời ơi, cái bụng đã lùm lùm thế kia, mày còn cười được sao hả Giừng?
Giừng sống một mình ngoài trại Nòn, dưới chân núi Vệ. Cha mẹ mất sớm. Ngày ngày Giừng đan giỏ giừng sàng thúng mủng mẹt gióng bằng tre rồi đem vào làng đổi gạo.
Giừng đẹp hồn nhiên như cây lúa Giao Chỉ vừa mới nhú đòng.
Giừng chửa hoang!
Đàn bà làng Vệ nghiến răng, bóng bà giáo khệnh khạng to đùng như bóng núi trước sân. Đàn ông làng Vệ im thin thít, bóng già làng nhỏ thó bé mọn run rẩy như bóng cau góc vườn.
Giừng bị cấm vào làng Vệ. Tội nghiệp nó. Giừng có chung chạ với thằng cha nào của làng Vệ này đâu. Không lẽ Giừng đã mang thai trăng?
Đêm nào em cũng mơ thấy trăng. Giừng vừa nói vừa cười hồn nhiên.
Trăng lừng lững như bóng núi Vệ, không u nghiêm dễ sợ như nhiều người vẫn tưởng. Giừng thích cuộn tròn trong lòng cái bóng hiền lành ấy, nghe thầm thì thầm thì từ ngàn cao những câu chuyện cổ.
Trăng ở Nòn kỳ lắm. Đi tới đâu cũng để lại dấu chân người. Giừng thường chạy theo trăng, ướm thử chân mình vào đấy và cười khúc khích.
Tôi đã thử rình theo Giừng mấy đêm trăng liền mà có thấy dấu chân nào đâu. Hay Giừng bị con ma nào ám?
Nhà tôi ở rìa làng Vệ, cũng chẳng xa trại Nòn mấy. Tôi hay ghé chơi trại Nòn xem Giừng đan gióng. Giừng khéo tay lắm. Mai mốt đứa nào ưng Giừng chắc là phúc bảy đời.
Mắt Giừng lúng liếng lá răm. Da Giừng trắng mịn. Mồ hôi của Giừng có mùi thơm là lạ quyến rũ. Tôi ngờ Giừng được thế là nhờ tắm trăng dưới ao tám vú.
Ao nằm sau trại Nòn, dưới chân núi Vệ, bao quanh bởi những núm đá kỳ dị hình vú đàn bà. Nước ao trong văn vắt. Cạnh ao, trên một tảng đá trải dài bằng phẳng như chiếc chiếu con là một dấu chân người khổng lồ. Ao thiêng lắm, nên cả làng không ai dám đến.
Một tối đánh liều tôi theo Giừng ra ao, tênh hênh ngâm mình dưới trăng. Sóng vỗ voàm voạp lạ lắm như tay ai đang mân mê vuốt ve vờn vọc từng núm đá hình vú đàn bà. Tôi nhìn đôi chũm cau chớm lớn đang hườm hự chả hê của Giừng và đôi bầu vú căng cứng mây mẩy của mình cứ run lên dài dại dưới trăng mà lòng dềnh lên một niềm đê mê khó tả và một nỗi sợ hãi mơ hồ.
Đó là lần duy nhất tôi tắm dưới ao thiêng. Sau lần đó, thi thoảng tôi mơ thấy mình bị bóng trăng đè ngữa xuống chiếu đá. Tôi giật mình thức giấc nghe tê tức trên hai bầu ngực, còn lòng thì cứ rộn rạo phập phồng.
Cạnh trại Nòn, sát chân núi Vệ có một vườn cà hoang lâu đời. Gốc cà to lắm. Lá cành rậm rì. Những trái cà mùi hăng nồng, to bằng bát ăn cơm, tròn lẳng lòn trước gió, trông ngồ ngộ kỳ kỳ.
Vườn cà này linh lắm. Những đêm trăng tròn dân làng Vệ thường nghe có tiếng chân người. Ai cũng sợ xanh mặt. Thần núi đấy. Họ thì thầm vào tai nhau. Đàn bà, con gái, trẻ nhỏ bị cấm ra đường vào những đêm như thế.
Nhưng con Giừng thích ngủ dưới gốc cà, giữa lõa lồ ánh trăng khuya.
Tôi không dám theo ngủ với Giừng. Tôi sợ. Nhưng cứ mỗi lần bất chợt bắt gặp mắt Giừng nhìn bâng quơ ra vườn cà rồi tủm tỉm cười một mình, tôi lại thấy người bứt rứt, rần rực, khó ở.
Hay Giừng đã mang thai núi Vệ?
Ngày lại ngày, bụng Giừng to dần trong những tiếng xì xào chì chiết của cả làng.
Giừng không cần gạo của làng Vệ. Giừng ăn cà hoang thay cơm.
Bụng Giừng càng lớn, Giừng càng phổng phao xinh đẹp.
Một đêm tối trời, Giừng chuyển dạ.
Một thằng bé bụ bẫm ra đời.
Tôi lăng xăng cắt rốn, làm tã bên bếp lửa hồng trại Nòn.
Mẹ tròn con vuông. Hú vía. Không biết, nếu không có tôi mẹ con Giừng sẽ ra sao.
Đặt tên thằng cu là gì chị Út?
Gióng. Tôi buột miệng.
Gióng, sao lại Gióng? Út sợ đặt tên khác làng Vệ bắt vạ à?
Vạ cái vú cô thì có. Tôi mắng yêu. Mai mốt thằng cu nhớn, cô không muốn nó nhớ nghề sinh nhai của ông bà và mẹ nó phỏng?
Tôi nói rồi quay mặt đi, tay lén chùi nước mắt. Mai này biết phận mình, con có tủi thân không, Gióng ơi?
Thằng Mẹt nhà tôi cười giòn tan. Gióng, Gióng… Giừng và Gióng. Mẹ Giừng. Em Gióng. Vui quá, vui quá…
Mới đó mà đã ba mùa rẫy.
Thằng Mẹt nhà tôi không thèm chơi diều nữa. Nó cất diều vào bồ thóc. Nó bảo chơi một mình chán lắm. Nhưng nó lại nằng nặc đòi tôi làm thêm một con diều tre nữa. Tự tay nó phết hồ, dán giấy và gắn cây sáo trúc lên thân.
Diều cho em Gióng chơi đó mẹ. Nó bảo diều của nó và em Gióng sẽ bay cao nhất, tiếng sáo trúc sẽ lảnh lót véo von nhất làng Vệ này.
Nó đưa diều cho Giừng giữ.
Mai mốt em Gióng biết đi, cô Giừng cho Mẹt dẫn em ra đồng thả diều nhé.
Ừ chơi ngoan. Nhưng anh Mẹt không được bắt nạt em Gióng đấy.
Nhất định thế rồi, cô hứa nhé.
Cô hứa.
Hứa lời hứa của hoa cỏ may ngoài đồng cỏ nhé cô. Ai hứa rồi nó sẽ bám hoài trên áo, bám vào cả giấc mơ luôn đấy. Thằng Mẹt vừa huyên thuyên vừa khúc khích cười.
Lời hứa hoa cỏ may, thề đấy, ông nỡm ạ. Giừng vừa mắng yêu vừa khúc khích cười theo.
Tôi nhìn ra đồng cỏ. Nắng đã nghiêng qua vai núi Vệ. Hoa cỏ may tím nôn nao một vạt đồng.
Nhưng thằng Mẹt đợi hoài mà em Gióng vẫn chưa chịu biết đi.
Năm ấy cả xứ mất mùa đói kém.
Giặc phương Bắc chực vào cướp.
Giặc mạnh và hung bạo vô cùng. Nghe đâu nó chỉ dùng súng nước bắn chơi mà quan quân ngoài biên ải đã phải cong đuôi chạy re, mặt xanh còn hơn đít nhái.
Một lũ ăn hại nhát chết. Vua bụm miệng chửi đổng một mình, rồi tức tốc cho loa đi khắp nơi cầu hiền tài.
Tôi đang chổng mông thổi lửa nồi cám lợn thì thằng Mẹt xồng xộc chạy vào. Nó đòi đi đánh giặc.
Mắt đang cay xè vì khói, nước mắt nước mũi tèm nhèm, nghe nó nói chưa hết câu tôi đã mắng té tát.
Mày là thằng con nít ranh, đi đái còn ướt đũng quần, nấu nồi cám lợn còn bị khê, ở đấy mà đòi giặc với giũ.
Nó nhìn mặt tôi chằm chằm, giọng như người lớn.
Mẹ nói mà nghe được à. Thằng giặc ỉ lớn hiếp nhỏ, đi tới đâu cũng cướp phá. Con không đi đánh, nó vào cướp hết làng, còn ruộng đâu mẹ trồng cà trồng lúa, còn đất đâu cho thằng Gióng thả trâu thả diều hả mẹ.
Tôi cắn nhẹ môi dưới. Mầy biết lớn rồi đó Mẹt.
Mẹt tám tuổi. Nội nó, cha nó ngày xưa mới lên mười đã đi lính cho vua. Cái xứ này giặc giã liên miên. Trẻ trâu trẻ nhớn đều mê đánh giặc. Hăng phết. Sống chết không màng. Ngực cứ đỏ như son. Chỉ tội đám đàn bà côi cút. Chỉ thương bọn con gái lỡ thì. Tôi chép miệng thở dài, giọng nghe chừng đã hết nẫu ruột vì xót con.
Xứ này đánh giặc có nòi rồi. Thôi con đi đi, đánh cho cừ vào, đừng làm hổ danh làng Vệ ta nhé.
Thằng Mẹt cười tít mắt, chạy lon ton ra sau nhà.
Con Giừng hớt hải từ đầu ngõ chạy vào, giọng đứt quãng.
Chị… Út ơi. Thằng… Gióng nhà em…nó…nó…
Nó bị làm sao. Tôi hoảng hốt.
Nó cười nói được rồi… Mừng quá Út ơi.
Mắt con Giừng đỏ hoe, nhưng cái miệng nó cười tươi lắm. Tội Giừng quá. Thằng Gióng ba năm nay nằm như khúc thịt thừa không nói không rằng. Suốt ngày nó nằm ngửa trên chiếu đá, mắt nhìn trừng trừng lên bầu trời cao. Tới bữa ăn, mẹ nó vạch áo đút ti vào miệng, nó bú một hơi rồi nằm lăn ra ngủ khì. Tôi thấy xót lòng lắm. Con Giừng gầy rạc xương. Chắc mầy tủi thân với cái của nợ này lắm phải không Giừng?
Đêm nào em cũng nằm mơ thấy Gióng to cao hùng dũng ngồi trên ngựa chiến, bay từ nóc nhà này sang nóc nhà khác. Xung quanh Gióng là các tướng nhà trời, ai cũng oai phong lẫm liệt. Giừng vừa nói vừa mơ màng nhìn theo những bông nắng đang nhảy nhót nghịch ngợm ngoài hiên.
Tôi nuốt cục nghẹn xuống ngực. Lạy các ông tướng nhà trời đừng làm khổ dân đen nữa!
Dân làng Vệ còn công kênh em trên vai, diễu khắp làng rất là thành kính nữa. Mắt Giừng sáng lấp lánh.
Cô sắp thành bà mẹ anh hùng rồi đấy. Tôi trề môi cố kéo giọng mình dài ra.
Con Giừng bất chợt nhìn sững tôi rồi ôm mặt khóc hu hu.
Em đếch cần là anh hùng, đếch cần làm mẹ tướng nhà trời. Em chỉ cần như chị Út, như bao bà mẹ tầm thường khác thôi. Em cần Gióng. Em cần con em bình thường như bao trẻ trâu trẻ nhớn khác. Sao để thành ông này ông kia con phải sống vô hồn, bỏ cười bỏ khóc thế này Gióng ơi…
Tôi ôm Giừng vào lòng, nước mắt dàn dụa. Tôi không ngờ Giừng có nhiều trăn trở đớn đau làm vậy. Khốn nạn thân em.
Giờ thằng Gióng mới thực sự làm người.
Nhờ có giặc mà nó biết cười biết nói!
Vua đang làm một con ngựa sắt, một áo giáp sắt, một cái mũ sắt và một cây roi sắt để Gióng lên đường đánh giặc.
Đất nước đang nguy nan Gióng ơi. Ngày hội làng, bọn nó giành giựt nhau để được ngồi ghế cao chiếu rộng, xâu xé nhau để được ăn mâm cao cỗ đầy. Sao việc cứu nước cứu nhà trọng đại dường ấy phải cầu đến một đứa con nít lên ba, miệng còn hôi sữa?
Gióng vụt lớn.
Bao nhiêu nong cơm, bao nhiêu nong cà của làng Vệ, của tất cả làng Vệ, đều không làm Gióng đủ no. Gióng ăn khỏe quá. Gióng lớn nhanh quá. Thoắt cái mà Gióng đã là một thanh niên tuấn tú oai phong.
Ngựa sắt đem tới trại Nòn cũng vừa lúc giặc tràn vào cướp phá vùng núi Trâu. Gióng nhảy lên mình ngựa, vung roi sắt, thúc ngựa phi lên trước. Ngựa sắt hí vang trời, miệng hừng hực lửa. Thằng Mẹt nhà tôi ngồi sau lưng Gióng cũng vung chiếc cào tre lên cao, thật là dũng mãnh. Trai tráng khắp nơi ùn ùn chạy theo chân Gióng. Khí thế bừng bừng.
Giặc chết như ngả rạ. Tin thắng trận dồn dập. Tôi và Giừng ôm nhau khóc. Chúng tôi mừng tíu tít trong nỗi sợ hãi vô hình.
Giặc tan. Tôi và Giừng tất tả chạy khắp nơi tìm con. Đâu đâu cũng tan hoang. Đâu đâu cũng nghi ngút khói. Những con đường lở lói sình lầy đầy xác chết. Những lũy tre cháy vàng hườm nham nhở tả tơi dưới ánh chiều tà.
Dưới chân núi Sóc, bên gốc cây đa ngàn tuổi chúng tôi ôm chiếc áo của Mẹt và Gióng mà khóc không thành tiếng.
Chiếc áo chăn trâu thường ngày của thằng Mẹt nhà tôi chi chít vết đâm. Máu khô đóng thành vệt trên những chỗ rách nham nhở.
Cái áo lót bằng lụa mà làng Vệ đã may cho Gióng ngày lên đường đánh giặc rách toạt một mảng lớn ở bụng. Nơi này áo giáp sắt không kín, chúng tôi đã buộc thêm rơm vào. Máu chưa kịp khô còn đỏ thẫm trên vệt rách hình lá tre khô bay phần phật tả tơi trước gió.
Mẹt ơi, Gióng ơi. Các con đang ở đâu? Đi đâu mà không kịp một lời chào mẹ? Hay ngựa sắt đã đưa các con về trời?
Tôi và Giừng bất chợt nhìn nhau, rồi nhìn xuống tay mình. Trong lúc vội vã chạy tìm con, không hiểu sao tôi và Giừng ai cũng cầm theo một con diều tre phết giấy có gắn một cây sáo trúc trên thân.
Hai chiếc diều tre chấp chới bay trên đỉnh núi Sóc, nhỏ bé nhưng đầy kiêu hãnh trên nền trời đỏ rực một màu máu lúc hoàng hôn. Tiếng sáo vi vu trầm bổng. Mắt Giừng đỏ hoe. Mắt tôi cũng nhòe đi vì gió. Bất giác chúng tôi nghe có tiếng gọi từ trên cao. Kìa Mẹt và Gióng đang cười đùa hồn nhiên trên lưng những con diều tre. Trên tay mỗi đứa tím sững sờ một nhánh hoa cỏ may. Chúng ơi ới gọi, chúng vẫy tay với chúng tôi. Rồi biến mất vào vòm trời cao vút cùng với ngân nga tiếng sáo.
Mùa hạ, tháng tư.
Nắng giòn như má con gái vừa mới dậy thì.
Tôi về thăm đền Sóc lúc hội Gióng vừa tan. Nắng trưa tròn bóng cứ trổ đầy hoa tre trên từng bậc rêu. Bên thềm đền Mẫu, tôi ngạc nhiên khi gặp một người đàn bà xinh đẹp phúc hậu đang ngồi chải tóc. Rồi nhìn vào ánh mắt ngỡ ngàng xen lẫn háo hức của tôi bà rì rầm kể tôi nghe câu chuyện về nàng Giừng. Tôi ngồi thẫn thờ xúc động, quên cả chào người đàn bà kỳ lạ đang lặng lẽ khuất dần trên đường lên đền Thượng. Câu chuyện cứ ám ảnh tôi mãi. Đêm đó, bên bếp lửa bập bùng, tôi thuật lại câu chuyện nàng Giừng với một già làng Phù Đổng với mong muốn nhận được một sự cảm thông nhưng chỉ nhận từ bà một cái lắc đầu ngờ vực. Rồi bà nhìn tôi bằng ánh mắt hoang mang khó chịu. Cô không thấy tre đằng ngà đang cháy như lửa ngoài lũy làng kia sao. Bà nói như hét. Thật là nhảm nhí hoang đường.
T.L.V
(TCSH358/12-2018)
PHAN THỊ THU QUỲVợ chồng Bình và Lựu đang sống ở Kim Long một làng ven sông Hương thơ mộng, nổi tiếng có quán ăn ngon, khách lui tới tấp nập. Cả hai người lòng buồn tê tái khi Bình có lệnh đổi vô Tây Nguyên. Tốt nghiệp đại học Luật xong Bình bị chính quyền cũ bắt vô lính, chạy mãi được làm lính văn phòng tại quê, nay phải đi xa thật lo lắng, buồn nản. Mai Bình phải lên đường cấp tốc. Ôi! Rủi ro, khác gì một hoạn nạn đến.
THÁI NGỌC SANSau khi trở về quê cũ một thời gian bà Phán trở thành trung tâm chú ý của mọi người. Trước hết là bọn con nít. Chúng cứ hô váng lên “mệ Phán muôn năm” mỗi khi bà mua kẹo vung vãi cho chúng.
PHẠM PHÚ PHONGTôi ngồi bất động, tựa như nuốt phải một cây gậy, người cứng đờ, im lặng, cho đến khi bản nhạc chấm dứt. Nguyễn Hương cũng im lặng ngồi đối diện góc tường, châm thuốc hút. Mới mấy năm không gặp, bây giờ trông anh đã khác hẳn. Đầu tóc hớt cao, lưỡng quyền nhô ra. Thời gian đã kịp cày xới, để lại trên trán anh những đường rãnh nhỏ.
PHẠM XUÂN PHỤNGĐúng ra, ông cụ Trần Bảo phải có đủ tám người con và người con cuối cùng phải có tên là VÈ mới đủ bộ. Bây giờ gọi tên bảy người con của cụ, nghe cứ thiếu thiếu chút gì: Đờn, Ca, Múa, Hát, Thơ, Ka, Hò. Chấm hết! Tức anh ách, tức nghẹn ngào!
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH Tặng anh Tạ Công ThắngMọi thứ, mọi tình huống có thể diễn ra bất cứ lúc nào như bản chất trôi chảy của cuộc sống cho dù bạn không hề mong muốn. Như truyện ngắn này, tất cả được phát hiện, ngắm rọi trong một ngày đẹp trời.
NGUYỄN QUANG LẬPĐời tôi có chi mà kể ông, sau khi thoát chết hàng trăm trận, vốn có chút ít kinh nghiệm tác chiến, được học qua học viện quân sự cao cấp, tôi về làm tư lệnh sư đoàn, thế thôi.
TRẦN THÙY MAIDường như chẳng bao giờ Hà Nội lại rét cắt da như mùa đông năm ấy. Tôi và Ngân chuẩn bị ra xuân sẽ cưới nhau.
LÝ HOÀI XUÂNChị Hạnh hơn tôi những mười tuổi; nghĩa là năm chị biết nhảy cò cò, chơi ô quan thì tôi “oa oa” cất tiếng chào đời. Nghe đâu khi tôi còn ngậm vú mẹ, thỉnh thoảng chị bồng tôi đi chơi nhà hàng xóm.
VŨ THANH HOA1. Bà thầy bói xòe bàn tay có các móng tô đỏ trầy xước, vuốt nhẹ những con bài úp lên nhau thẳng tắp, đoạn bà nhắm mắt, miệng khấn lầm rầm...
LÊ MINH KHUÊ- Anh thấy cậu như thằng bị điện giật ảnh hưởng não bộ thần kinh suốt mấy ngày ù lì ủ rũ. Sao từ hôm bay về Miami đến nay cậu đốc chứng thế. Thật khác hẳn mọi lần. Nghĩ đi nghĩ lại thấy thời gian cho mỗi đời người đâu có bao la bát ngát mà thấy thằng như cậu không tính đếm đong đo rồi yêu đời mà sống.
DƯƠNG THÀNH VŨTiếng súng đã ngưng bặt từ lúc trời sẫm tối. Bị kẹt lại ở khu vực giáp ranh ngoại ô thành phố, người lính ẩn mình vào hàng rào dâm bụt, ở góc vườn sau một ngôi nhà tường xây mái ngói theo kiến trúc cổ truyền.
Nhà văn Dạ Ngân nghỉ việc công sở mấy năm nay, trở về tổ ấm của mình lặng lẽ “chép” lại những vết son trên chặng đời đã qua. Truyện gửi tới Sông Hương dưới đây là góc nhìn rất hẹp về chiến tranh song mở ra trước độc giả nhiều ngã rẽ với một Xuân nữ lỡ mang kiếp đào hoa mà bạc phận cho những người đàn ông từng “hành quân” qua cuộc đời chị. Trân trọng giới thiệu.S.H
CAO LINH QUÂNCó một con Dã Tràng sống ngoài bãi biển Nha Trang.
HÀ KHÁNH LINHĐàn ông tích khí là ngọc, đàn bà tích khí là tặc. Cha nói với mẹ như thế về cô, rồi khen cô suốt một đời trinh bạch, mà vẫn giữ được nết hạnh đoan trang, hiền hòa, dịu dàng và vui vẻ, chứ không khó tính như những phụ nữ có hoàn cảnh tương tự.
NGÔ THỊ KIM CÚCCó ba người bên trong căn phòng nhỏ ấy, căn phòng tập thể dành cho cán bộ độc thân, rộng không đến mười mét vuông. Cửa phòng đóng kín, để chỉ có họ với nhau, cùng những đồ dùng khiêm tốn.
ĐÔNG HÀThả xuống con đường đất đỏ lô hàng cuối cùng xong, tôi rồ ga chạy nhanh vào phía nhỏ hơn của con đường dài ngoằng từ đây về rẫy. Năm mươi cây số cho ba chục phút giữa hun hút rẫy rẫy và rẫy không khó, nhưng sẽ lớ quớ nếu tay lái chệch vào gốc cây đâu đó trong bóng tối chập choạng nhô ra. Nơi đó An đang đợi tôi.
HÀ KHÁNH LINHNgười lính canh chuyển dịch thế đứng của mình trong phạm vi một viên đá lát, khẽ ngửa mặt nhìn vầng trăng vừa ra khỏi đám mây đang dịu dàng tỏa ánh sáng xanh biếc xuống thanh đoản kiếm - chuôi nằm gọn trong lòng tay anh, mũi cắm xuống mặt đá.
NGUYỄN NGỌC LỢIVùng quê đó mấy năm nay có nhiều người đổi đời nhờ nghề mua bán đồ đồng nát. Sắt thép nhôm nhựa, mua đi bán lại cũng thành nhà thành xe... Người ta đập nhà cũ xây nhà mới, mua ô tô, lên đời xe máy... làng xóm đêm ngày rộn rịch chuyện làm ăn buôn bán.
TRẦN THÙY MAILàng tôi nằm ven bờ sông Hiếu, một ngôi làng nhỏ nép sau lũy tre xanh, trông xa như một đám mây dày màu xanh lục nổi lửng lơ trên mặt nước. Tưởng chừng tuổi thơ tôi gắn liền với tiếng lá tre khua xào xạc: sau này, khi tôi đã đi rất nhiều nơi, mỗi lần vọng tưởng về quê, cái âm thanh mơ hồ buồn buồn ấy cứ gieo vào hồn tôi một cảm giác gì mênh mông, khó tả.