Lịch sử lí luận phê bình văn học Việt Nam(*)

15:29 11/04/2014

LÊ QUỐC HIẾU

Trong các bộ phận của khoa nghiên cứu văn học Việt Nam hiện nay, không thể phủ nhận lý luận, phê bình là lĩnh vực có nhiều thay đổi rõ rệt. Một loạt những công trình nghiên cứu lịch sử lí luận, phê bình văn học “trình làng” trong những năm qua[1], đủ để nhận thấy tham vọng khái quát, đánh giá của các nhà nghiên cứu sau mỗi chặng đường phát triển của văn học.

Trong công trình mới xuất bản Lịch sử phê bình văn học Việt Nam, PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh cùng các đồng nghiệp tại phòng Lý luận, Viện Văn học đã thể nghiệm thành công bước đầu, xây dựng cuốn sách đầu tiên nghiên cứu “lí luận, phê bình văn học như một chỉnh thể độc lập, có lịch sử riêng kéo dài từ khởi đầu cho đến ngày hôm nay”. Căn cứ vào thực tế nền văn học nước nhà, nhóm nghiên cứu đã không xét hai đối tượng lí luận và phê bình theo hai hướng độc lập, thường thấy trong những công trình trước đó mà “viết gộp lịch sử lí luận với phê bình” theo từng giai đoạn cụ thể. Cuốn sách được viết trên một tinh thần, quan điểm mới khi cho rằng lịch sử lí luận, phê bình văn học dân tộc đồng thời cũng là lịch sử thay thế nhau của các quan niệm văn học và các phương pháp tiếp cận văn học thông qua các tác gia, từng giai đoạn. Dĩ nhiên, nhóm tác giả cũng rất chú ý đến những sự kiện quan trọng khác như: các cuộc tranh luận văn học; các sự kiện văn học, văn hóa, lịch sử có tác động mạnh đến đời sống lí luận, phê bình một thời. Trên tinh thần đó, mỗi giai đoạn được trình bày theo hai phần: phần tổng quan mô tả những nét chính bối cảnh đời sống lí luận, phê bình; phần còn lại - những lối tiếp cận văn học, nhấn mạnh vào tư tưởng và phương pháp phê bình của các tác giả tiêu biểu.

Không cấu trúc thành hai phần “lí luận” và “phê bình”, cũng không đi theo hướng tiếp cận thể loại, từ điểm nhìn lịch đại, cuốn sách được cơ cấu thành bốn phần, 16 chương tương ứng với bốn giai đoạn phát triển của văn học dân tộc. Cách kết cấu như vậy, cho thấy sự lớp lang, mạch lạc đồng thời đảm bảo được tính hệ thống, tính cân đối, phù hợp với sự triển diễn mang tính lịch sử của đời sống lí luận, phê bình.

Phần thứ nhất trình bày “những quan niệm văn học và lối phê bình thi học thời trung đại”. Ở giai đoạn đầu thời kì trung đại, hầu như thiếu vắng những quan niệm văn học được phát biểu trực tiếp bằng thể văn nghị luận. Kết luận này dựa trên những cứ liệu xuất hiện sớm nhất vào thế kỉ XV: Tựa Lĩnh Nam chích quái (Lý Tế Xuyên) và tựa sách Việt âm thi tập tân san (Phan Phu Tiên)... Bức tranh “lí luận” và lối phê bình giai đoạn này được khái quát dựa trên các phạm trù: chức năng của văn học (“văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”); tác giả và tác phẩm (văn/thơ là người), quá trình sáng tạo (tâm - cảnh, tâm - lời); tiêu chí đánh giá văn học (tính tự nhiên, chân thực). Từ những vấn đề cốt lõi này, công trình đi sâu hơn vào thực tiễn vận động của những quan niệm văn học, khái quát các quan niệm văn học thế kỉ XIV - XV, giới thiệu tư tưởng văn nghệ Nguyễn Trãi, như một đại diện tiêu biểu, trên các bình diện: vai trò và trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ; tài năng và cảm hứng nghệ thuật; khái quát hoạt động nhà của bác học Lê Quý Đôn với tư cách nhà sáng tác, nhà lí luận, nghiên cứu phê bình. Đồng thời, công trình cũng giới thiệu một “hệ thống” quan niệm văn học ở thế kỉ XVIII - XIX với những đại diện tư tưởng tiên tiến như: Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Lê Hữu Trác, Ngô Thì Vị, Phan Huy Chú… Bên cạnh đó, sự xuất hiện của thi thoại với các tên tuổi Nguyễn Đức Đạt (Nam Sơn tùng thoại), Miên Thẩm (Thương Sơn thi thoại)… được coi như một bước phát triển của lí luận, phê bình.

Ở phần hai, công trình tập trung tái hiện diện mạo lí luận, phê bình hiện đại, bắt đầu từ giai đoạn 1900 - 1945. Nếu như giai đoạn 1900 - 1932 là thời kì chuyển mình, hoạt động lí luận và phê bình hướng về “cội nguồn” và “duy tân” thì giai đoạn 1932 - 1945 đầy tràn sự thăng hoa, rực rỡ với những tư tưởng mới mẻ, bùng nổ nhiều cuộc tranh luận kéo dài, đồng thời, xuất hiện một đội ngũ những nhà lí luận, phê bình chuyên nghiệp. Một loạt những kiệt tác phê bình kinh điển xuất hiện như: Phê bình và cảo luận (Thiếu Sơn, 1933); Hồ Xuân Hương, tác phẩm thân thế và văn tài (Nguyễn Văn Hạnh, 1936); Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh, 1942), Nguyễn Du và Truyện Kiều (Trương Tửu, 1942), Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (Trương Tửu, 1945); Văn học khái luận (Đặng Thai Mai, 1944)… Những công trình này đã đặt nền móng cho các phương pháp phê bình mới như: lối phê bình tiểu sử học (chương VI), lối phê bình ấn tượng chủ quan (chương VII), lối phê bình khoa học (chương VIII)…

Phần ba, cuốn sách tập trung giới thiệu hai khu vực văn học miền Bắc và miền Nam trong giai đoạn 1945 - 1985 với hai thể chế, ngữ cảnh chính trị-văn hóa, ý thức hệ, đường hướng hoạt động khác nhau.

Ở miền Bắc, đời sống lí luận, phê bình chịu ảnh hưởng của mỹ học, lí luận Mác-xít và các thiết chế quản lí văn nghệ của nhà nước. Theo các tác giả, chỉ tính riêng trong giai đoạn này, đã nổ ra bốn cuộc tranh luận văn nghệ: Hội nghị tranh luận Việt Bắc, 1949; Phong trào Nhân văn Giai phẩm, 1958; Tranh luận về tính người trong văn học, 1962; Tranh luận về “hiện thực phải đạo”, 1979. Với sự tác động, chi phối của cơ chế quản lí, tư tưởng mĩ học Mác-xít, những cuộc tranh luận văn nghệ trên không nằm ngoài nỗ lực vượt thoát, “đi chệch” khỏi “đường bay” đã được thiết đặt. Ngoài ra, trong giai đoạn này, hiện thực nghệ thuật và phương pháp nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa là những “phạm trù trung tâm của mĩ học và phê bình Mác-xít ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam”. Những tư tưởng này là cơ sở hình thành, “di dưỡng” phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa. Mặt khác, chủ nghĩa lịch sử là một phương diện quan trọng trong triết học và phê bình văn học Mác-xít. Do vậy, các công trình phê bình, khảo cứu đều thấm nhuần tinh thần lịch sử. Tiêu biểu phải kể đến: Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (Trương Tửu, 1958); Lược thảo lịch sử Việt Nam (nhóm Lê Quý Đôn, 1958)…

Khác với miền Bắc, đặc trưng lí luận, phê bình văn học miền Nam Việt Nam trước năm 1975 chịu sự tác động sâu rộng của ngữ cảnh văn hóa - xã hội (thể chế chính trị; bản sắc di dân; ý thức hệ mới; báo chí Sài Gòn; đội ngũ sáng tác…). Thực tại này đã kiến tạo/hình thành nên một “dòng văn học riêng” thấm đẫm bản sắc, tâm thức di dân đồng thời phát sinh nhiều dòng phái, nhiều xu hướng, với đội ngũ tác giả và số lượng tác phẩm đông đảo, phức tạp. Đây còn là giai đoạn du nhập, thử nghiệm hàng loạt những phương pháp phê bình mới mẻ. Bên cạnh ba khuynh hướng nổi bật trong đời sống lí luận, phê bình văn học miền Nam những năm 60 gắn với những đại diện tiêu biểu như: phê bình hiện sinh - Nguyễn Văn Trung, Trần Đỗ Long Vân, Thế Phong…; phê bình phân tâm học - Nguyễn Văn Trung, Tạ Tỵ, Đặng Tiến, Uyên Thao…; phê bình cấu trúc luận - Trần Thiện Đạo, Trần Thái Đỉnh, Đỗ Long Vân…; và các phương pháp phê bình khác như: kí hiệu học, thi pháp học, mĩ học tiếp nhận, nữ quyền luận, hiện tượng luận, phê bình văn mới, phê bình xã hội học… Ảnh hưởng của lí luận phương Tây đặc biệt là Pháp cũng tác động không nhỏ đến diện mạo văn học đô thị miền Nam giai đoạn này.

Phần bốn là phần khá đặc biệt của cuốn sách. Đặc điểm, vai trò của nền lí luận, phê bình giai đoạn “nhạy cảm” (từ 1986) được nhóm tác giả định danh: “Từ phản tư đến hội nhập”. Chưa bao giờ ý thức/nhu cầu “phản tư” - “sự tự phản tỉnh, tự phê phán của giới lí luận, phê bình đối với các giá trị cũ” lại cấp thiết như lúc này. Ý thức, giai đoạn “phản tư” thể hiện qua việc đánh giá lại các hiện tượng văn học quá khứ (phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn) và nhận thức lại một số vấn đề: văn học và hiện thực; văn học và chính trị; vấn đề con người trong văn học… Thời kì “hội nhập” được định hình ở việc giới thiệu và ứng dụng (việc du nhập) hàng loạt các lí thuyết phương Tây với các xu hướng ngôn ngữ học, xu hướng phê bình sự đọc và xu hướng tâm lí học. Hai hình thái “phản tư” và “hội nhập” của lí luận, phê bình giai đoạn này một mặt cho thấy sự phát triển, vận động mặt khác cũng chứng tỏ khả năng thích ứng, hội nhập của một nền văn học. Hai phương pháp phê bình nổi bật trong giai đoạn này là Thi pháp học và Ngữ học gắn liền với tên tuổi các nhà nghiên cứu như: Trần Đình Sử, Đỗ Đức Hiểu, Phan Ngọc…

Trong thời đại “văn hóa số”, “nghệ thuật số”, công trình này đã “không quên” bàn luận đến sự tác động của công nghệ truyền thông đối với đời sống lí luận, phê bình. Những trải nghiệm, tiếp nhận, sáng tạo, diễn giải nghệ thuật đã gần như bị thay đổi triệt để trong thời đại kỹ trị. Và như vậy, hoạt động lí luận, phê bình - một khu vực đầy hoạt biến của đời sống văn học không chỉ có những “xáo trộn”, “biến đổi” về cấu trúc mà còn về cách thể nghiệm, thực hành văn hóa nghệ thuật.

Qua công trình Lịch sử lí luận phê bình văn học Việt Nam, nhóm tác giả đã khảo sát, đánh giá những diện mạo khác nhau của đời sống lí luận, phê bình bao quát trong một thời gian liên tục, kéo dài từ thời kì khởi đầu cho đến hiện tại. Lí luận, phê bình đã được nghiên cứu như một chỉnh thể độc lập, có sự phát triển tự thân trong khu vực sôi động của đời sống văn chương. Công trình xứng đáng là một thử nghiệm thành công cho mục tiêu này. Cuốn sách thực sự cần thiết cho các nhà hoạt động văn học, nghiên cứu sinh và sinh viên ngữ văn.

L.Q.H
(SDB12/03-14)


..............................................
(*) “Lịch sử lí luận, phê bình văn học Việt Nam” (Nxb. Khoa học Xã hội, 2013).

[1] Về một số vấn đề lý luận văn nghệ cơ bản đang được tranh luận qua công cuộc đổi mới (1987 - 1992) (Lê Bá Hán chủ biên); Lý luận phê bình văn học Việt Nam giai đoạn 1986 - 2000 (Trần Đình Sử); Lí luận, Phê bình văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX - 1945 (Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên, 2005); Mấy mươi năm phát triển của lí luận văn học Việt Nam (Phương Lựu, 2006); Hai mươi năm lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học - Thành tựu và suy ngẫm (Trần Đình Sử, 2006), Văn học Việt Nam thế kỉ XX (Trần Mạnh Tiến, 2008), Lí luận - Phê bình 1975 - 2000, quyển 5, tập XII đến tập XVII (Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì, biên soạn, 2010); Lí luận phê bình từ “phản tư” đến hội nhập (Trịnh Bá Đĩnh, 2010; Lí luận phê bình và đời sống văn chương (Nguyễn Ngọc Thiện, 2010)…








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Theo định nghĩa hiện nay, trường ca là một tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình.

  • (Phát biểu ý kiến góp phần vào nội dung Đề án Nghị quyết về “Xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH...” của Ban Tuyên giáo Trung ương).

  • 1. Cuốn sách về nhà tình báo nổi tiếng - anh hùng Phạm Xuân Ẩn (PXÂ) của giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman, khi được xuất bản bằng tiếng Việt có thêm phụ đề “Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn”.

  • Lâm Thị Mỹ Dạ là một nhà thơ trưởng thành trong phong trào chống Mỹ. Nhắc đến thơ chị, người ta thường nhớ đến những bài thơ mang đậm âm hưởng sử thi như Khoảng trời, hố bom, hoặc dịu dàng, nữ tính nhưng không kém phần thẳng thắn như Anh đừng khen em, hoặc nồng cháy yêu đương như Không đề…

  • "Không có cách khác, thưa ngài. Tất cả cái gì không phải văn xuôi thì là thơ; và tất cả cái gì không phải thơ thì là văn xuôi"(Gã tư sản quý tộc, Molière). Trên đây là định nghĩa "thâm thúy" của thầy dạy triết cho ông Jourdain, người mà đã hơn bốn mươi năm trời vẫn sai bảo người ăn kẻ làm, vẫn hằng ngày trò chuyện với mọi người bằng "văn xuôi" mà không tự biết.

  • Trong những vấn đề mới của lý luận văn học hiện nay, các nhà nghiên cứu thường nói đến chức năng giao tiếp của văn học. Khi nói văn học có chức năng giao tiếp thì cũng có nghĩa cho rằng văn học ở ngoài giao tiếp.

  • PHONG LÊ …Không đầy hai thập niên đầu thế kỷ, trong những thức nhận mới của đất nước, nền văn chương- học thuật của dân tộc bỗng chuyển sang một mô hình khác- mô hình quốc ngữ, với sức chuyên chở và phổ cập được trao cho phong trào báo chí, xuất bản bỗng lần đầu tiên xuất hiện và sớm trở nên sôi nổi như chưa bào giờ có trong ngót nghìn năm nền văn chương học thuật cổ truyền…

  • Vừa qua bà văn sĩ Nguyễn Khoa Bội Lan ở Phú Thượng (Huế) đột ngột gọi dây nói cho tôi than phiền về những chi tiết sai với lịch sử trong bài Phạn Bội Châu với Hương Giang thư quán của  Chu Trọng Huyến đăng trên Tạp chí Sông Hương số 116 (10. 1998)

  • Chúng tôi cho rằng trong lịch sử văn học Việt chỉ có Chí Phèo mới là một hình tượng đích thực. Chí Phèo là hiện thân của sự tồn tại vĩnh cửu của bản ngã VÔ CAN. 

  • Đó là bản đàn Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lần cuối trong ngày tái hợp. Bản đàn chứa đầy những mâu thuẫn nghịch lý, bởi vì cũng như bao lần trước, lần này vẫn là bản “bạc mệnh” năm xưa. Nhập hồn Kim Trọng, Nguyễn Du bình luận:                Lọt tai nghe suốt năm cung                Tiếng nào là chẳng não nùng (*) xôn xaoTác quyền và nghệ nhân biểu diễn vẫn là nàng Kiều chứ không còn ai khác, nhưng thật lạ:                Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?Kim Trọng, tri âm và trong cuộc vẫn không khỏi "hồ đồ", huống gì chúng ta, những người đến sau Nguyễn Du muộn hơn hai thế kỷ? 

  • Có thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc. 

  • NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP1. Đội ngũ các nhà văn trẻ mà tôi nói tới trong bài viết này là những cây bút sinh ra sau 1975. Biết rằng trong văn chương, khái niệm trẻ/ già chỉ là một khái niệm có tính “tương đối” vì già hay trẻ đều phải nỗ lực để tạo nên những tác phẩm xuất sắc, vị trí của họ phải được đánh giá thông qua tác phẩm chứ không phải từ những chiếu cố ngoài văn học. 

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTrong văn chương, cách gọi “chủ nghĩa” này hay “chủ nghĩa” khác đều không ổn, thậm chí có hại vì vô hình trung như thế là cách buộc nhà văn theo “một con đường” vạch sẵn mà từ hơn nửa thế kỷ trước, Hải Triều đã lên án...