Làng quê yêu dấu

15:38 22/04/2013

NGUYỄN NGỌC LỢI  

Lúc này trời đã tối, ăn xong một lúc tôi cầm đèn ra vườn. Trong sân, chồng tôi loạng choạng dắt xe máy ra đạp.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Người đã gầy nhỏ, lại có tuổi, cái xe máy trong tay cứ run lên bần bật mà ông vẫn ham đi. Nếu như trước đây tôi sẽ nói “sức yếu rồi, đi ít thôi” hoặc “ông lại đi à?”, và rồi ông sẽ im lặng hoặc “mặc tui, mụ hỏi chi”. Nhưng bây giờ thì không, tôi không hỏi nữa. Cả năm nay, với ông tôi đã là người câm điếc. Bởi chồng tôi muốn thế. Gần đây, rất nhiều đêm ông đi không về. Người làng xì xào “ông Vạn có bồ”. Tôi cứ mặc, ông muốn làm chi thì làm, đi với ai thì đi. Sống với người chồng bất đắc hàng chục năm, thuộc tính thuộc nết, quen rồi, giờ đây tôi đâu còn nghĩ đến chuyện ghen tuông.

Đợi cho ánh đèn xe khuất hẳn sau bụi chuối đầu ngõ tôi mới bấm đèn ra vườn. Mấy con gà thật tệ, không bữa nào tôi không phải soi bắt từng con. Đang chăm chú soi đèn lên cây trứng gà tôi chợt nghe có tiếng bước chân đi vào. Ai đó? Không có tiếng trả lời. Ai đó rứa? Cũng không trả lời. Tôi quay ra. Đèn trong nhà hắt sáng tới cuối sân. Bóng một người lừng lững từ đầu ngõ bước vào. Dáng còn trẻ, quần áo bộ đội ướt sũng, đầu không mũ...

Ôi! Ngực tôi bỗng nhiên đau thắt. Anh Triển, sao anh lại ở đây... Tôi ú ớ, tay thả rơi cái đèn rồi bước đến. Anh... Sao anh lại...? Anh ướt hết rồi... Anh nhìn thẳng vào tôi, hai mắt sáng rực. Hiền, Hiền à... Miệng anh mấp máy, vẻ mặt như sáp nặn... Răng Hiền bỏ đi? Ngoài nớ vườn tược ai trông, ai nhang khói cho bà?

Giọng nói âm âm như từ cõi nào vọng lại. Khuôn mặt lúc tỏ lúc mờ. Bóng anh lồng lộng, nhập nhòa... Anh nhớ làng lắm, mùa ni là mùa sim ổi... Dạ, em cũng nhớ lắm... Em nhớ... Tôi lập cập trả lời.

Lâu lắm rồi tôi mới được xưng tiếng “em”. Tiếng “em” lúc này đưa tôi trở lại với làng Đồi quê tôi. Trong phút chốc tôi nhớ làng đến quặn thắt. Tôi nhớ làn khói chiều vờn trên mái rạ của những ngôi nhà bên chân núi um tùm. Làng tôi hướng ra đồng, phía sau có vườn mít, vườn sơn trà và những đám ổi rừng mà hễ đến mùa quả chín, mùi ổi mùi na gọi về râm ran tiếng chào mào, sáo sậu. Quanh làng, sát bờ tre nước ngập lưu cữu, suốt ngày nghe tiếng cá quẫy và tiếng đớp mồi tóp tóp. Người ta thả những chiếc lờ to có dây cột vào gốc sung gốc mưng để rồi cuối ngày kéo lên những chú rô đen trũi, những con diếc cỡ chiếc dép. Lũ chúng tôi lớn lên từ những bát cơm gạo đỏ, từ những quả mít non hông chín ăn với những nồi cá đồng ủ trấu, mục đến giòn tan.

Tôi lớn lên đã không còn bố, nhà chỉ còn hai mẹ con. Mẹ tôi mới ngoài bốn mươi nhưng trông già trước tuổi bởi quanh năm áo sờn váy vá, mặt mày luôn hớt hải. Nhà tôi bị quy địa chủ vì có hơn mẫu ruộng, có trâu, có mâm thau nồi đồng, có nhà ngang nhà dọc. Sau vụ đấu tố bố tôi ốm nặng rồi mất, tiếp đó là đứa em gái bị cảm hàn chết. Cái nhà dọc ba gian ngói cùng một số bát đĩa mâm nồi bị tịch thu chia cho nhà khác. Mãi đến năm mười bốn mười lăm, khi nghe có người nói vậy, tôi gặng hỏi thì mẹ cũng chỉ thở dài. Tiếng thở dài của mẹ là sự xác nhận, để rồi sự thực đó đã thổi vào tâm hồn tôi một luồng gió lạnh. Tôi buốt ruột khi thấy mẹ tất bật ngược xuôi, sớm tối vô ra thui thủi. Bởi thế mà hết lớp bảy tôi nhất quyết bỏ học, ở nhà kiếm công điểm, bắt cá mò cua, cắt cỏ, kiếm củi... giúp mẹ. Thế rồi tuổi thơ đi qua lúc nào, đám con gái mười lăm mười sáu chúng tôi áo nâu quần vải mà tóc đứa nào cũng mượt, da đứa nào cũng hồng và ánh mắt lúc nào cũng lấp lánh như sao.

Dãy núi phía tây, cách một cánh đồng là nơi chúng tôi thường lên cắt cỏ, lấy củi. Gặp ngày không có việc hợp tác là đám con gái vai quang sọt, tay dao liềm kéo nhau đi. Ra khỏi làng, con đường mòn ngoằn ngoèo giữa cánh đồng có tiếng cá quẫy, có tiếng nước chảy róc róc rì rào, và trên đầu có trời cao mây trắng, có gió nồm nam lộng thổi làm bay bay những mái tóc xanh. Tám chín đứa gái quê đuổi nhau rồi thả sức cười vang trên suốt quãng đường như trẻ nít.

Một buổi cuối chiều, khi mặt trời úa vàng gác núi và gió đông rười rượi thổi ráo những giọt mồ hôi, đoàn củi cỏ về đến giữa đồng thì tôi nghe bước chân thình thịch sau lưng. Rồi giọng cái Hoa, mi chết nha, có người ngó theo đến mòn con mắt rồi nha... Mi nói chi? Không quay lại, tôi hỏi. Họ ở mô? Nhà ở sau lưng tề, hai ba bữa ni, tau thấy anh ta cứ nhìn... Anh mô? Trai làng Hậu chứ ở mô... Làng Hậu a? Làng Hậu là chỗ chúng tôi vừa về qua, ở đó tôi chỉ biết mỗi anh Tạo vì anh Tạo đang tìm hiểu chị Thục cạnh nhà tôi. Tôi nói mi tào lao, tau nỏ quen ai trên nớ Tào lao... Cái Hoa đai giọng, để mai mốt coi tau nói có đúng không nha.

Sau chuyến đi đó là tới vụ cấy, phải một dạo không vào núi, chuyện cái Hoa nói tôi quên khuấy lúc nào. Một tối sang nhà chị Thục chơi tôi gặp anh Tạo, đi cùng là một người trẻ hơn, cao cao, trăng trắng, dáng học trò. Anh nhìn tôi rất lạ khiến tôi nóng ran hai gò má. Anh Tạo cười cười, đây là Triển bạn mình. Sắp là sinh viên... Như đoán được ý tứ, chị Thục bảo ta ra đường chơi. Vừa ra đến ngõ, chị Thục cầm tay anh Tạo chạy biến, để lại tôi và anh trong đoạn ngõ vắng có ánh trăng loang lổ, có hương hoa mộc hoa ngâu thoang thoảng nồng nàn.

Chúng tôi mến nhau ngay hôm đó. Và tình yêu cũng đến với chúng tôi rất nhanh, cứ tự nhiên như hơi thở, như nước uống như cơm ăn. Tôi và anh thường xuyên gặp nhau. Có xa xôi gì, đoạn đường vài cây số giữa cánh đồng trở nên thân thương, là sợi chỉ hồng nối làng Hậu với làng Đồi. Cây gạo già giữa đồng đang kỳ đơm nụ để rồi ra tháng ba sẽ lại đỏ rực như những đốm lửa giữa trời. Tình yêu đầu đời như quả chín lứa đầu giữa mùa đông năm ấy. Cái bếp xiêu vẹo trống trước hở sau được dựng trên nền nhà cũ là nơi hai đứa thường ngồi hít hà mùi rơm mùi khói trong những chiều đông. Thế rồi cơm gạo mới, cá kho nồi đất, dưa cải vàng ươm, ba mẹ con ăn trong tiếng gió bấc hùn hụt sau tấm nong chắn cửa... Rất nhiều lần tôi cùng anh chọc muỗm, hái sơn trà, hái ổi. Anh thích những khóm mẫu đơn rừng có màu hoa rực đỏ mọc dọc lối lên đồi. Anh thích khóm hoa nhài mà bố tôi đã trồng từ lúc ông còn sống bên bờ sân mà hễ xuống là anh ngồi sụp, tay nâng nhẹ chùm nụ trắng ngà xinh xinh lên mũi hít hà. Anh cùng tôi đi trên những đoạn đường làng rợp bóng tre có chích chòe hót vang trên vòm lá, xa xa, tiếng cu gù gợi cảnh xa vắng thanh bình. Anh đón tôi cùng vào núi hái củi, cắt cỏ. Anh xuống dói lại mái nhà có những viên ngói xộc xệch lâu ngày, cùng tôi gặt giúp mẹ mảnh ruộng phần trăm chỗ đám ruộng sâu. Tối tối, ngọn đèn nhỏ soi sáng khoảng giữa, câu chuyện của tôi và anh tưởng như không thể dứt, đến lúc tiễn chân nhau cứ mãi dùng dằng. Nhiều hôm tôi và anh đứng mãi dưới vòm tre, im lặng nghe mưa rơi tí tách với nhịp tim dập dồn trong lồng ngực. Rung động đầu đời dâng trào như sóng từ cái nắm tay, từ nụ hôn rụt rè trao gửi.

Qua rằm tháng giêng năm đó mẹ tôi đột ngột đổ bệnh. Tối đó ông chú nát rượu của tôi nghe tin sang thăm. Cùng đi với chú là một người đàn ông. Ông này là chủ cái lều vịt cắm bên kia dãy ao chuôm từ lúc đồng vừa gặt xong. Chiều chiều chú tôi vẫn xắn quần lội qua đó uống rượu. Chú tôi trao cho tôi cái túi vải nằng nặng từ ngoài sân rồi hất hàm:

- Trứng vịt của anh Vạn, tráng lên cho bà ăn.

Lúc đó quả trứng sao mà hiếm thế, tôi mừng quýnh quáng mang cái túi vào bếp. Hai người đàn ông bước vào nhà. Tôi nghe giọng chú lè nhè:

- Có anh Vạn đến thăm nì, ả dậy đi.

Ông chăn vịt có lẽ chỉ thua chú tôi vài tuổi, người xương xương, mặt quắt, da mai mái, thấp nhỏ, áo trắng bỏ trong quần, dúm dó, nói giọng nghe lạ tai. Tôi lên nhà vặn to ngọn đèn. Chú tôi ngồi trên cái giường ở gian bên kia. Còn ông Vạn cứ loay hoay, kiểu vừa muốn ngồi vừa không, ánh mắt xeo xéo sang tôi.

Lại nói nhà tôi nhà ngói, ba gian thấp nhỏ. Gian giữa có hậu lâu đặt bàn thờ. Cái giường tàu mọt kêu kèn kẹt, lúc sống bố tôi thường nằm, ở bên kia. Gian bên này đặt cái giường tre của mẹ con tôi. Hôm đó vừa chập tối thì chú tôi lại đưa ông Vạn đến. Ông Vạn một tay ôm cái phích Rạng Đông, tay kia ôm một gói giấy vuông vuông. Vào nhà, ông Vạn đặt hai thứ xuống cái chõng trước bàn thờ rồi leo lên cái giường tàu ngồi cùng chú tôi. Rồi chú tôi nói, giọng hôm nay có vẻ nghiêm trang:

- Ả chịu khó ngồi dậy...

Từ bếp, tôi đi lên thắp đèn, nói:

- Mẹ cháu... Tôi định nói mẹ mệt không dậy được, chưa hết câu chú tôi đã nạt:

- Mi biết chi. Để người lớn nói chuyện.

Tôi bỏ xuống bếp, bụng không khỏi ấm ức. Chợt ngoài ngõ có bước chân đi vào. Từ hôm mẹ ốm, tối tối nhà tôi vẫn có đôi người sang thăm, bữa thì hàng xóm, bữa thì bạn. Bưng bát thuốc theo cửa ngách đi lên, chưa kịp ló mặt ra chỗ có ánh đèn thì tôi nghe tiếng ông chú:

- Định nói với ả chuyện lo cho con Hiền thì lại gặp anh ni... Anh là... Triển phải không?... Tui biết anh! Biết cả hoàn cảnh nhà anh.

Hóa ra là anh Triển, tôi chưa kịp mừng đã thấy lo khi nghe thêm mấy tiếng e hèm của chú. Bởi mỗi lần, khi nói điều hệ trọng chú tôi đều e hèm kiểu ấy. Khựng lại sau ngạch cửa, một tay ôm lấy ngực, tôi thở dồn... Chú tôi bắt đầu:

- Tui nghe nói, anh... anh có tình ý với con Hiền...

Chú tôi định nói gì với anh đây? Tôi ôm ngực rón rén nép sau tấm cửa nách.

- Nì, tui nói để anh biết. Con Hiền cháu tui không đến phần anh mô. Hắn có nơi có chốn rồi cha.

Anh đứng sững như trời trồng, từ trong tối nhìn ra tôi thấy mặt anh xám lại, môi giật giật... Còn chú tôi, ông đưa tay chỉ xuống cái chõng, nơi có cái phích và gói giấy vuông vuông rồi chỉ sang ông Vạn.

- Anh ni nì. Anh ni mới lo được cho mẹ con hắn nì!... Là người nhà nước cha...

Ông Vạn nghênh nghênh mặt, tay xoa xoa cằm vẻ bất cần trông rất dễ ghét. Tôi ghét cả những tiếng “cha” từ miệng chú tôi. Tiếng “cha” nặng chịch như đá, đầy vẻ quyền thế.

- Còn anh... Chú tôi tiếp, anh có lo được cho mẹ con hắn không mà dám... Thôi! Từ rày anh đừng đi lại nữa. Xuống đây nữa là nỏ được mô cha.

Choang!

Bát thuốc trên tay tôi rơi xuống vỡ tan. Tôi chết lặng! Những lời nói sỗ sàng và tàn nhẫn như ngọn roi phũ phàng quất thẳng vào mặt tôi, quất xuống tình yêu đầu đời của tôi và anh. Giây sau tôi bừng tỉnh và kịp thấy bóng anh quay ngoắt... Tôi vùng ra sân rồi vụt ra ngõ, qua cổng ra đường. Đường làng đen hun hút, gió lạnh vun vút trong vòm cây, phía trước tiếng chân anh xa dần. Tôi lao theo, bước chân như không bén đất. Vừa chạy tôi vừa gào tên anh. Ra tới cuối làng, con đường mất hút bóng, ngoài kia là cánh đồng mênh mông tối và trên nền trời mờ mờ hình những cành gạo xương xẩu như những bóng ma quều quào dưới màn mưa bụi tháng ba.

Tôi bồn chồn mong anh sẽ quay lại. Biết vậy, chú tôi nói, lấy thằng nớ mần răng được. Mi con địa chủ, hắn lại là học sinh tiểu tư sản, loại dài lưng tốn vải. Hoàn cảnh mẹ con mi... phải dựa vô anh Vạn tê. Người ta là công nhân, có lương có bổng...

Mặc chú nói, thời gian ngắn sau sau, khi mẹ có phần đỡ, tôi lên nhà anh. Nhà vắng vẻ, trong chuồng con bò mẹ đang nhai nắm lúa chét ai đó mới quăng vào. Con chó vàng sủa mấy tiếng rồi đi lại hít hít bàn chân tôi. Mẹ anh làm gì sau vườn đã quay vào. Bà nhìn tôi, ánh mắt rầu rĩ, nói: Hắn đi bộ đội rồi.

Không còn nhớ là đã kịp chào mẹ anh chưa, tôi buột miệng kêu thảng thốt quay lui. Vậy là anh đã rời hẳn khỏi cuộc đời tôi từ tối hôm đó. Yêu anh, tôi đã mường tượng cuộc sống tương lai. Lấy nhau rồi anh vào đại học hay đi bộ đội cũng được. Nếu như tôi kịp có con càng vui, mẹ con bà cháu tôi sẽ chờ anh. Vậy mà... Ra đến đường cái tôi gặp anh Tạo. Anh Tạo cười cười, chua chát: “Lên làm chi cho khổ người ta...”. Chẳng biết nói sao, tôi chỉ muốn khóc. Anh Tạo nói tiếp, khóc chi mà khóc, sướng rứa mà còn... Rồi anh Tạo quay đi, được mấy bước ném lại một câu lạnh người: “Chỉ tội thằng Triển! Đã mất con chó me lại mất cả người yêu...”. Tối đó tôi đem chuyện thuật lại với chị Thục. Chị Thục buồn buồn, đúng đó, Triển xin bố mẹ bán con chó me để có tiền thuốc thang cho bà, rứa mà... Trời ơi, khổ thân anh Triển. Tôi chỉ muốn gào lên. “Mà răng anh Tạo bữa ni nói với em ác rứa?”. Tôi nói trong nước mắt. “Tau với anh nớ cũng thôi nhau rồi”. Tôi hỏi tại ai. Chị nói không tại ai cả! Không hợp.

Bấy giờ thì một mình chèo chống, tôi lo đến héo ruột. Đỡ được mấy hôm bệnh mẹ tôi nặng trở lại. Chẳng biết bị bệnh gì, người bà gầy xọp đi rất nhanh, da vàng bủng và bụng căng chướng. Nhà cửa đã lạnh lẽo càng lạnh lẽo thêm. Thế rồi ông Vạn đến. Cứ như sự việc đã rồi, ông bảo tôi nấu thêm cơm, giục tôi sắc thuốc. Rồi ông cùng ngồi ăn. Thuốc được tự tay ông rót mang lên ép mẹ tôi uống. Đến cả gần tháng trời như thế. Thực sự tôi không còn biết ra sao nữa, mọi việc đều phải nghe ông Vạn sai bảo, sắp đặt. Chú tôi chiều chiều lại sang, với hươu rượu trong tay, miệng vẫn lè phè:

- Hiền nì... Mẹ mi nghe chừng khó qua. Mà ơn anh Vạn không nhỏ mô cha. Mi coi ra răng đó cho phải...

Tôi không biết phải gọi ôngVạn bằng gì đây. Bao nhiêu ngày rồi tôi lúng túng. Một lần gọi bằng chú Vạn thì chú tôi nạt. Chẳng lẽ gọi là ông? Anh Triển đã đi mà không một lời nhắn lại. Tôi biết anh hận, sẽ cho tôi là kẻ bạc tình, tham của... Còn tôi, đôi lúc cũng cảm thấy hận anh. Sao anh không để cho tôi kịp thanh minh. Nhưng hận rồi tôi lại thương anh. Tâm tư tôi rối bời trong sự nhớ thương, hờn tủi. Tôi thấy mình oan uổng, thấy mình trong sự thúc bách ê chề. Tối đó, mẹ gọi tôi vào giường, bằng giọng nói thều thào đứt quãng: “Nợ người ta nặng quá rồi... Con ơi... lấy chi mà trả. Con coi mần răng... kẻo không kịp...

Tôi đành cắn răng nhận lời lấy ông Vạn. Đám cưới chạy tang chẳng có lấy một tiếng cười. Bạn bè mấy đứa sang một lúc rồi cũng buồn bã ra về. Mấy mâm cơm ông Vạn bỏ tiền sắm sửa ăn trong chiều mưa chạng vạng. Tôi bưng vào cho mẹ bát canh. Mẹ nhếch một nụ cười héo hắt: “Dừ mẹ... mẹ có... có đi cũng được rồi...”.

Tối đó ông Vạn dọn đồ về nhà tôi. Gia tài ông mang theo là cái rương gỗ có mấy bộ quần áo cũ và cái xăm xe đạp còn buộc kĩ cùng hai mét phíp bảo cho tôi may quần. Hai hôm sau thì mẹ tôi mất. Tôi đau đớn quấn lên đầu tấm khăn tang, lăn lóc bên linh cữu mẹ. Nghĩa địa tận sau làng Hậu. Tôi oặt oẹo bám vai đứa bạn, lại đi trên đoạn đường quanh co giữa cánh đồng, lại qua cây gạo đỏ hoa, qua những ruộng lúa có tiếng cá quẫy lóc bóc... Qua nhà anh tôi không dám nhìn vào. Tôi khóc một phần thương mẹ, phần thương mình, thương anh.

Thế rồi những ngày làm vợ tôi như người mất hồn. Trước mắt tôi lúc nào cũng chỉ là hình bóng anh. Đêm đêm, mặc cho ông Vạn dày vò tôi cũng chỉ nghĩ đến anh. Lòng tôi thầm kêu lên, anh Triển ơi. Anh ơi...

Lấy được tôi rồi ông Vạn trở thành người khác. Tiêu chuẩn hàng tháng ông mang về mấy lạng đường, dăm cân gạo mốc và khi thì mấy cân mì bột, ít cân khoai cùng ba lạng thịt nửa nạc nửa mỡ. Đường tự tay ông đóng lọ cất, thịt thì ông vào bếp tự làm tự nấu. Ông tỉ mẩn gạn đến giọt mỡ cuối cùng dính chảo. Lâu lâu ông mới bảo tôi xào một bữa rau. Lúa đồng đang trỗ nên đàn vịt phải nhốt. Bữa nào cho vịt ăn ông cũng bớt mấy cân lúa mang về cất riêng để bán. Ông nhớ chính xác từng quả trứng mang về, lúc nào bảo ăn tôi mới dám nấu. Dạo này chú tôi không có rượu uống, hễ gặp tôi là ông chửi đổng “quân ăn cháo đái bát”. Dù ông bóng gió hay có chửi thẳng vào mặt thì tôi cũng phải chịu. Tôi cắn răng chịu đựng, cắn răng làm nghĩa vụ của một người vợ, phải lo vun vén gia đình. Lương chồng chồng giữ, bảo để lo việc lớn. Chuyện ăn uống ông nói đã có tiêu chuẩn, chỉ còn tôi... Ừ, phần tôi thì gạo cũng đã có, thức ăn thì rau trong vườn, con ốc con dam ngoài đồng. Chuyện vợ chồng, mấy tháng đầu thì còn quấn quýt anh anh em em, dần dần, ban ngày thì ra lều vịt, tối về ăn xong ông lại đi. Khuya về hùng hục một lúc rồi ông lăn ra ngủ. Tôi cứ âm thầm chịu đựng. Sự nhớ thương tôi nén tận đáy lòng. Vậy rồi, cho dù cuộc sống vợ chồng có cay đắng ghẻ lạnh thì sau ba năm tôi cũng có với ông hai đứa con.

Miền Nam giải phóng, cả làng cả nước vui, nhưng với từng nhà có nhà vui nhà buồn. Riêng tôi... có điều gì đó nằng nặng trong lồng ngực. Tôi vụt nhớ đến anh. Tôi nhớ anh đi đúng vào lúc chiến trường ác liệt... Hình như đến hôm nay vẫn chưa có tin... Chiều đó, tôi đang nấu cơm, ông Vạn đi đâu về đứng giữa sân nhìn nhà nhìn vườn, nói: Soạn sửa bán nhà về quê thôi... Tôi bước ra, “khi trước ông hứa...”. “Tui hứa ở đây phải không? Hì hì, chẳng lẽ o muốn tui làm con chó chui gầm chạn à. O muốn tui tiệt nòi tiệt giống à?” Vậy là tôi phải xa làng Đồi từ đó.

Mươi năm trước tôi dắt con lớn về thăm quê. Hết bom đạn bao năm rồi mà làng tôi chỉ mới có thêm vài nhà ngói, đường làng vẫn tre hóp ao chuôm. Đoạn đường nối làng tôi làng anh cứ vẫn lầy lội dấu chân trâu bò... Và giờ đây, nghe anh nhắc tôi lại nhớ làng đến quay cuồng. Tôi nắm chặt tay anh, nói hào hển: - Anh vô nhà đi, vô đi anh. Bữa mô ta về thăm làng, nghe anh... Điều vừa buột ra có phải từ miệng tôi. Lời của tôi lúc này là lời của tuổi mười bảy, lời của ngày nào... Cục than hồng tưởng chừng đã tắt sau bao nhiêu tro bụi của thời gian nay đột nhiên bùng sáng.

Chợt có một luồng sáng dọi thẳng vào mặt tôi. Rồi giọng đàn ông oang oang:

- Mụ đứng đây mần chi? Chờ thằng mô?

Ông Vạn! Giọng nói của ông Vạn... Tôi giật bắn người.

Ông đứng chắn trước mặt tôi. Sau lưng ông, mặt nước của dòng sông mé bên trái mà lúc này bỗng dưng sáng bừng lên như một dải gương.

Anh đã biến mất như chưa hề xuất hiện.

Tháng 8 năm 2012  
(SH290/04-13)








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHAN TUẤN ANH- Anh ơi lên xe đi, xe chạy suốt Bắc Nam đấy.- Có đi Vinh hả anh, bao nhiêu tiền vậy?- Ôi dào! mấy chục ngàn thôi, lên nhanh đi anh ơi.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUYĐiện thoại di động trong túi rung lên báo tin nhắn đến, Luân uể oải mở ra xem. Khuya rồi sao còn ai nhắn tin nhỉ? Một số máy lạ với một dòng tin lạ hiện ra: “Bạn ơi tôi không biết bạn là ai nhưng tôi muốn bạn biết tôi sắp lìa xa cuộc sống này. Tôi đang tuyệt vọng”.Đúng là đồ khùng! Đồ dở hơi!

  • HOÀNG TRỌNG ĐỊNHPhòng giam chật chội, tối tăm...  Gần trần có một lỗ thông hơi. Bên ngoài lỗ thông hơi là bức tường tôn xám xỉn. Khe hở dài chừng 10 mét, rộng chừng 3 tấc, nằm song song và gần sát với mặt đường bên ngoài. Đứng trong phòng giam, từ lỗ thông hơi nhìn qua khe hở của bức tường, chỉ có thể thấy những bước chân người đi.

  • NGUYỄN TRƯỜNGThấy tôi ngồi chăm chú đọc thư, miệng cứ tủm tỉm cười, vợ tôi mới giả giọng, hỏi đùa:- Có việc chi thích thú mà cười một chắc rứa?- Có chuyện vui bất ngờ đấy em ạ! - Tôi vừa trả lời vừa kéo tay vợ ngồi xuống, rồi đọc lại một mạch toàn văn bốn trang thư của ba tôi từ Huế mới gửi vào.

  • VIỆT HÙNGGa H. một đêm mưa phùn ảm đạm.Khách chờ tàu nằm la liệt dọc các hành lang.Tôi bước vào phòng đợi, trong tâm trạng không vui mà cũng chẳng buồn. Tìm một chỗ ngồi bất kỳ…

  • TRẦN KIÊM ĐOÀN Ngôi nhà một thời là tổ ấm trên đồi bỗng trở thành rộng gấp đôi, gấp ba và vắng vẻ như một tòa lâu đài cổ từ khi Bé Út dọn ra khỏi nhà để lên miền Bắc học. Đứa con 18 tuổi trên đất Mỹ nầy rời nhà đi học xa thường có nghĩa là đang bước vào đời, ra khỏi vòng tay cha mẹ, thật khó lòng về lại. Những bước tiếp nối là học ra trường, kiếm việc làm, chọn nhiệm sở như cánh buồm đưa tuổi trẻ ra khơi. Bất cứ nơi nào có thể an cư lạc nghiệp trên 50 tiểu bang sẽ là nơi đất lành chim đậu. Tuổi thành niên tiêu biểu của văn hóa Âu Mỹ là tự lập, gắn liền với  vai trò chuyên môn và xã hội chứ không phải quanh quẩn với đời sống gia đình.

  • ĐỖ PHẤNĐêm rất khuya dưới chân núi H. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một con đò bằng tôn móp méo xác xơ. Chẳng hiểu ban ngày trông nó thế nào. Có lẽ đây là chiếc đò bị cấm lưu hành? Không thể có mặt ở bến vào ban ngày. Cũng là cấm làm phép. Dòng suối không có chỗ nào đủ sâu để có thể chết đuối.

  • ĐỖ KIM CUÔNGBây giờ bạn bè ít được gặp anh lang lang trên phố. Thảng hoặc dăm bữa nửa tháng, có khi hơn mới tóm được anh. Ấy là khi anh phải ra khỏi nhà đi nạp bài cho những tờ báo mà anh thường cộng tác, hoặc đi nhận nhuận bút một vài bài thơ lẻ in trên báo.

  • VŨ NAM TRỰC           Truyện ngắn

  • TRẦM NGUYÊN Ý ANHÔng Nhâm bước chầm chậm theo con đường tráng xi-măng ngoằn ngoèo trong con hẻm nhỏ. Căn nhà ông ở cuối xóm, một trệt, một lầu... mới tinh. Cánh cửa sắt đóng im ỉm. Ông ngồi bệt xuống nền xi-măng vì chân ông đã mỏi. Lẽ ra, khi mấy đứa con ông chưa bàn nhau cất lại căn nhà, ông đã có thể đẩy cánh cửa rào bằng tre và đàng hoàng bước vào nhà mình.

  • XUÂN CHUẨNĐể rồi tôi kể cho ông nghe về lai lịch cái quạt, để ông ông khỏi coi tôi là Thằng Bờm có cái quạt mo. Cái thời quạt điện quạt đá, máy lạnh mà cứ bo bo cái quạt kè, thỉnh thoảng lại đạp phành phạch như mẹ hàng cá thách lên giữa chợ. Cũng chẳng có gì li kỳ, hay mùi mẫn rơi lệ, chỉ là chuyện đời tầm phào.Hai ông trải chiếu ngồi giữa sân, nhâm nhi chén trà, ông Thân nói với đại tá Tiến về hưu như vậy khi đại tá ngỏ ý thích cái quạt kè của ông.

  • TRẦN THỊ TRƯỜNG  Bim chào đời vào lúc kém 19 phút. Trăng hạ tuần phun nhẹ màu đục của sữa vào bầu trời. Hôm sau trời lất phất mưa. Bố nói với bà ngoại trước khi đi làm: "Nếu không thấy con về thì bà giúp con cùng nhà con nuôi cháu". Câu nói ám ảnh làm trí tưởng tượng của bà ngoại nhiều lần thắt lại. Sau này nhiều khi bà ngoại sợ cả cái bóng của mình.

  • NAM TRUNG Ông Hãnh cứ đi tới đi lui trong phòng khách nhà ông, vừa đi vừa quạu cọ lẩm bẩm: thằng Hùng nó nói vậy là nó có ý coi thường mình, nó dám trứng khôn hơn vịt. Rồi mày sẽ biết tay ông. Ông sẽ cho mày còn lâu mới được vào Đảng, ông sẽ bác tất cả những đề xuất về mày...

  • HOÀNG THÁI SƠNKhi tôi lớn lên thì nội tôi đã mất từ lâu nhưng thỉnh thoảng dân làng vẫn nhắc đến người với niềm cảm mến về những chuyện không ít ly kỳ. Ông tôi rất khoẻ, người tròn vo, đen như sừng, tục danh Cu Trắt - phương ngữ vùng quê tôi nghĩa là nhỏ và rắn chắc. Ông ham mê võ thuật, thạo côn quyền, thuở trai thường đóng vai ông địa trong đám múa lân. Đám múa năm nào hễ thiếu ông là coi như nhạt trò, dân làng chẳng ai buồn xem. Người ta đồn ông tôi tài ba lỗi lạc, như có thể đi trên lửa, nhảy qua nóc nhà, còn những thứ chui vào hậu cung đình làng mà không cần dở ngói là xoàng... Kho chuyện về ông ngày càng dày do mồm miệng dân gian thêu dệt thêm, tuy nhiên trong đó nhiều chuyện là có thật.

  • PHAN XUÂN HẬUTôi trở về quê sau mười năm xa cách. Quê tôi nằm cuối con sông Vẹn, con sông này là nhánh của sông Dinh, bắt nguồn từ dãy núi Gám, chảy qua bến Dền. Nơi đây xưa kia là kinh đô của vua Dền. Vua Dền tụ tập lực lượng chống lại nhà Trần khi đó đang trấn áp nhà Lý. Vua Dền là hậu duệ của Lý Thái Tổ, ông không chịu sự chuyên quyền của vua tôi Trần Thủ Độ bèn lập căn cứ ở miền Tây Yên Thành, tức quê tôi, và Dền là kinh thành của ông, dân quen gọi ông là vua Dền.

  • NGUYỄN VĂN VINHTết Mậu Thân năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi. Soi gương, tôi thấy y xì một con bé tóc lơ xơ hoe nắng, xấu tệ.

  • CHÂU DIÊNĐơn vị của tôi đi bộ từ một tỉnh miền Trung, lên qua Mường Phăng thì Điện Biên đã giải phóng. Sau một tháng đi bộ nhưng gần như chạy bộ, chúng tôi được phép nghỉ lại hai ngày ở một bản, hồi đó bản này nằm khá sâu trong rừng, nhưng nay thì nó đã ở bên một nhánh đường mới làm dẫn ra phố huyện Tuần Giáo để nối vào con đường số 6 chạy tuốt lên Điện Biên Phủ.

  • NGUYỄN TRƯỜNGLàng Hạ nằm phía hạ nguồn sông La Ngà. Đất chật. Người đông. Đói nghèo thành nếp. Hồi hai bên đánh nhau, nơi đây là vùng địch hậu. Giải phóng hơn chục năm mà làng Hạ đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói. Không ít người bỏ làng đi xa chẳng thèm ngoái cổ nhìn lại. Vậy mà hơn mười năm lại đây, nhờ vực dậy cái nghề tơ tằm truyền thống vốn có từ xưa, làng Hạ đang trở thành một làng nghề giàu có nhất nhì trong vùng. Nhà cũ lỗi thời phá đi xây mới. Đường làng bùn lầy được thay bê-tông. Trường tiểu học tranh tre nứa lá hồi nào nay lên hai tầng. Điện lưới dọc ngang khắp làng đã đẩy năng suất ươm tơ kéo sợi lên cao chưa từng thấy. Chất lượng tơ tằm đạt chuẩn xuất khẩu. Hàng bán chạy hơn cả tôm tươi. Thu nhập người dân ngày một cao.

  • LÊ TRÂMNgồi với tôi và Kh là một đôi nam nữ còn khá trẻ. Chàng thanh niên, theo lời gã, vừa mới về từ Thái Lan sau khi trúng một hợp đồng béo bở. Gã là đại diện của một công ty xuất nhập khẩu nổi tiếng ở bên ấy.

  • NGÔ TỰ LẬPCó lẽ tôi đã ngủ rất lâu trước khi bị lay dậy một cách dữ dội. Tôi cố nằm thêm, mặc dù đó không phải là thói quen của một người lính cũ. Thường thì tôi bật dậy ngay. Trước khi tôi vào lính, cha tôi, một đại tá từng trải ba cuộc chiến tranh, chỉ dặn mỗi một câu: “Hãy chồm dậy ngay tiếng còi báo động đầu tiên!”. Lời dạy của ông tôi làm theo trong suốt thời gian tại ngũ và cả khi giải ngũ. Nhưng có những lúc ta không làm chủ được mình. Tôi thấy mình đau ê ẩm và phải một lúc khá lâu sau tôi mới chậm chạp mở mắt.