Lâm thâm nước mắt ngày vui

09:57 05/08/2009
CHÂU DIÊNĐơn vị của tôi đi bộ từ một tỉnh miền Trung, lên qua Mường Phăng thì Điện Biên đã giải phóng. Sau một tháng đi bộ nhưng gần như chạy bộ, chúng tôi được phép nghỉ lại hai ngày ở một bản, hồi đó bản này nằm khá sâu trong rừng, nhưng nay thì nó đã ở bên một nhánh đường mới làm dẫn ra phố huyện Tuần Giáo để nối vào con đường số 6 chạy tuốt lên Điện Biên Phủ.

Nhà văn Châu Diên - Ảnh: vnmedia

Thời đó, không có chuyện nghỉ là nằm ườn ra đâu. Nghỉ là thay đổi hoạt động. Không có một tẹo tèo teo thời giờ nào đủ cho ai đó ngồi một mình nghĩ vơ nghĩ vẩn đâu. Nhưng cũng chẳng có gì nhiều nhặn để thay đổi, vì vậy cứ nói đến nghỉ là nghĩ ngay đến chuyện liên hoan. Mệt thì cũng liên hoan cái đã. Mà đã liên hoan thì thế nào cũng có tiết mục diễn kịch lửa trại. Và hễ đã diễn kịch thì thế nào tôi cũng phải đóng vai nữ. Cái ông chính trị viên đại đội của tôi là một ông thích kịch. Và chẳng rõ vì sao, ông bao giờ cũng chủ trương kịch là phải vừa cảm động vừa vui. Mà muốn vui thì tốt nhất là cố nhét vào một vai nữ. Nhất hạng khi vai nữ lại do một anh lính đóng thì vui càng thêm vui. Nguyên cái việc người ta vừa xem diễn vừa bàn tán xem  "ai đóng nữ đấy nhỉ" là đã đủ vui rồi, chả cần cốt truyện hấp dẫn lẫn diễn viên tài ba. Ấy vì thế mà tôi chẳng được nghỉ ngơi gì đã được chính trị viên lôi ngay vào cuộc tập kịch.

Tôi bảo anh:
- Xin phép thủ trưởng cho em sang bản bên kia, em có người nhà trong đại đội dân công nhắn sang lấy thư gia đình.
- Thôi đi ông tướng, đừng có bịa chuyện, lại lần mò sang cô dân công nào bên đó chứ gì?
- Thật sự là em có thư mà...
- Sao khi gặp người ta không đưa thư ngay, lại vẽ vời bắt qua bên đó lấy?
- Nào ai ngờ là anh em gặp nhau trên đường chiến dịch?
- Anh em thật hay anh em kết nghĩa đấy?
- Báo cáo thủ trưởng, không phải anh em ruột, nhưng gọi là người làng thôi thì cũng đúng mà gọi là anh em họ cũng được, ở làng chúng em nhà nào mà chẳng có tí họ hàng với nhau... Em không biết nói sai đâu thủ trưởng ạ. Ở quê, em đã có người hứa hẹn rồi.
- Cậu này, lính mà dài dòng. Tôi chọn cậu đóng vai con gái quả là tinh đời. Được rồi, tôi tin cậu. Nhưng tập ba lần cho nó thuộc vở hòm hòm rồi cho cậu đi.

Vở kịch đúng là cảm động và vui. Lạy giời đất, chính trị viên của tôi giá mà sau đó anh không giẫm phải mìn, thì sau này chắc là phải có chân trong giới kịch. Cầu cho anh yên nghỉ! Cầu cho mọi người không bao giờ quên anh!

Chính trị viên bữa đó đã bịa ra câu chuyện kịch như thế này. Cô gái tên là Lụa, chính trị viên giảng cho chúng tôi, tên cô gái này trùng tên cô Lụa trong vở kịch  "Anh Sơ đầu quân" của ông Nguyễn Huy Tưởng, nhưng trong vở này cô Lụa đi dân công và bị thương. Một anh bộ đội trẻ đi ngang, liền dắt trộm một con trâu của đồng bào để cô ngồi lên cho đỡ mệt và tự anh dắt trâu đưa cô về trạm quân y. Đó là tội vi phạm kỷ luật rất lớn, vì theo đúng lời thề quân đội nhân dân, không ai được tơ hào cái kim sợi chỉ của dân, thế mà đây lại tơ hào hẳn một cái to đùng bằng cả một con trâu. Nhưng anh bộ đội trẻ trót thương và yêu cô Lụa, anh tìm cách cho cô cưỡi lên lưng trâu, đưa cô trót lọt về quân y. Người dân mất trâu đi mách cấp chỉ huy. Mọi người chắc mẩm khi anh bộ đội kia về thì thế nào cũng bị thi hành kỷ luật. Trên đường trở về đơn vị, anh đã trúng bom địch và hy sinh. Còn con trâu thì quen đường đã chạy về với chủ. Người chủ đến gặp cấp chỉ huy xin tha kỷ luật anh bộ đội trẻ, và cũng là lúc nhận được tin anh bộ đội mới hy sinh...

Đúng là điềm gỡ hay sao ấy, chính trị viên nhất định đòi đặt tên cho vở kịch là "Lâm thâm nước mắt ngày vui". Anh xếp đặt cho câu chuyện xảy ra vào ngày chiến thắng, và đúng ngày chiến thắng thì có người bị thương và có người trúng mìn. Thủ trưởng quân sự không cho vở kịch được đứng cái tên đó. Bảo là đặt tên thế nó sái. Sái là gì? Sái là sái, thế thôi, không đặt tên như vậy, chả ai đặt tên kịch như vậy hết. Sau đành thoả hiệp đặt cái tên vui vui, "Con trâu bị thương ở đít". Vì trong vở kịch có chi tiết anh bộ đội trẻ tán cô dân công, "con trâu bị thương ở đít nhưng anh bảo đảm nó đủ sức chở em về trạm quân y, em đừng lo..."

Nhưng trong câu chuyện này, đúng vào cái ngày sắp diễn kịch ấy, chính tôi mới thực sự là kẻ lâm thâm nước mắt ngày vui.
Tập kịch xong, đã thấy cô em từ bản bên kia sang. Cô sốt ruột chẳng hiểu vì sao chờ mãi mà không thấy tôi qua. Vừa gặp nhau, cô nói Mự nhớ eng lắm và mấy tiếng quê đó làm cho người tôi như tan ra. Ờ, thế mà đã ba năm rồi đó. Ba năm rồi kể từ ngày tôi cầm tấm giấy chứng nhận đặc cách tốt nghiệp phổ thông 9 năm, rồi đi tòng quân. Giờ đây, cái gương mặt tròn căng da ngăm đen kia đang làm tôi nhìn lại và thấy hết, cái bến sông với những cô gái có gương mặt căng tròn thế kia, những chuyến chở củi với những tay chèo có gương mặt căng tròn thế kia, những câu hát vui ghẹo loang đi trên mặt sóng từ khoé miệng những cô gái giặt lụa có những gương mặt căng tròn thế kia...

Tôi ngây người không biết vì mải nhìn em hay chỉ là vì chờ em đưa thư cho. Nhưng cô chỉ im lặng dắt tay tôi lôi ra phía đồi sim, rồi kéo tôi ngồi xuống bên cạnh. Hương vị người con gái kề sát bên mình khiến tôi chợt nhớ tới điều cần nhớ:
- Thư đâu, cho anh xem nào.
- Gì mà vội thế?
- Thư ai viết cho anh?
- Thì cứ đôi hồi đã, em khắc nói... Mà anh phải bình tĩnh kia... Không được đùng đùng lên đâu đấy... Em nói thật nhé... Ba bốn năm anh đi, anh có đoái hoài về nghỉ phép lần nào đâu... Từ bữa đó biết bao nhiêu đổi thay, anh có ở nhà cũng chẳng hiểu hết, phương chi là xa nhà xa làng nước...
Tôi bắt đầu cảm thấy có điều gì không ổn trong những lời rào đón của cô em họ.
- Chuyện cái Cảnh với anh hử?
- Còn cảnh vẻ gì nữa, chị ấy cắt đứt anh rồi...
- Sao kia?
- Tuyên bố rồi, tuyên bố giữa cuộc họp xóm là cắt đứt, tuyên bố trước các bà con bần cố là không dây dưa gì hết nữa...
- Chuyện gì vậy, em?
- Thì đã bảo là anh phải bình tĩnh mà!...

Tôi nhìn cô em, mơ hồ mong là em đang đùa trêu mình đây. Nó mới chưa đủ mười tám. Nó mới nhớn. trên nét mặt tơ căng tròn, vẫn tưởng như nó đang cùng tốp thiếu nhi hát múa ở sân đình. Tôi vẫn thấy như nó còn rất trẻ con. Tôi vẫn nghĩ là nó đang trêu đùa. Nhanh thật! Mới đủ lông đủ cánh thế mà đã xung phong xa nhà đi dân công chiến dịch.

- Thôi, anh van em đấy, có chuyện gì ở nhà thì nói cho anh nghe đi. Đừng làm anh sốt ruột nữa. Tốt nhất là đưa thư đây cho anh coi.
Cô em không nói gì, quay mặt sang nhìn tôi, mắt ngân ngấn nước. Rồi em ôm mặt khóc nức nở. Tôi đứng vụt dậy. Em ngừng khóc và lấy tay khẽ kéo tôi ngồi xuống.
- Nhiều điều lạ lắm anh ạ... Để em nói, anh đừng hỏi gì hết... Ôi, em thương anh quá... tội thân anh quá... Anh chẳng được ở nhà mà xem, mọi thứ hoàn toàn không giống như hôm anh ra đi đâu... Mà anh không biết cũng phải, thư từ chẳng ai gửi được... Có ai được đi khỏi nhà đâu?... Là nói bên phía nhà anh ấy... Nhà em may còn là trung nông nên cũng có tự do không bị bao vây, nhưng cũng chẳng dám chạy qua chạy lại, vì sợ bị quy là liên quan...

Tôi chẳng hiểu gì hết về một loạt những điều mới lạ cô em gái vừa nói ra. Nào bao vây, nào liên quan, nào trung nông, nào tuyên bố, nào cắt đứt, nào dây dưa...
Tôi ngắt lời cô:
- Mẹ anh thế nào hả em?
- Mự ốm nặng... Ốm đói...
- Thế còn chị dâu cả nhà anh đâu?
- Chị cả đã bỏ ra ở riêng. Anh cả ở bộ đội mãi đẩu đâu chắc là cũng chưa biết tin tức gì... Chị cả tuyên bố cắt đứt rồi. Cũng như cái cô Cảnh của anh ấy. Cũng cắt đứt rồi... Em chỉ thương ông nội... Ông nội đói lắm... Người nho nhã thế mà chiều tối phải đứng bên rào gọi sang nhà cháu dâu... Con lạy bà, bà thương con, bà cho con xin nắm sắn khô... Cả làng im phăng phắc, nghe rõ tiếng ông nói hừ hừ như người rên...
- Vậy là đã xảy ra chuyện gì ở làng?
- Em cũng chẳng hiểu hết nữa. Bố anh thì bị bắt..
- Thế là nghĩa gì?
- Em cũng chẳng biết nữa. Hôm nào chiến thắng giặc Pháp anh về anh khắc biết. Bây giờ, em chỉ biết báo tin cho anh đến vậy thôi.
- Vậy là em không mang theo thư từ gì hết?

Em ngước mắt nhìn tôi, cặp mắt trong veo như thể muốn nêu câu hỏi: hoá ra em nói với anh từ nãy giờ anh vẫn chưa hiểu gì cả sao? Cô đờ đẫn ngồi im một lát. Như thể cô chẳng còn biết cách kể nhiều hơn nữa sao cho tôi hiểu nhiều hơn nữa. Rồi cô nói, chẳng ra nói với tôi, chẳng ra nói với ai hết:
- Giời ơi là đất ơi, giá mà lúc nào cũng cứ vui như cái ngày tiễn anh đi tòng quân, làng nước sung sướng biết bao nhiêu!
Những ngày vui như cô em mới nhắc đến tôi đã quên rồi. Hay nói cho đúng, lúc vui thì chẳng để ý, bây giờ có người nhắc lại, bỗng thấy ngỡ ngàng. Ba năm trước, nó nhảy múa sòn la đố để tiễn đưa các anh trai lên đường. Chia tay mà vui như ngày hội. Vậy là đã từng có những ngày vui. Bây giờ đã là những ngày vui xưa, liệu có còn những ngày vui khác? Tôi không rõ. Tôi chỉ biết một điều, cô em đây, mười tám tuổi, nhớn nhao rồi, không còn nhảy múa như xưa, em sống giữa những biến cố, mà chỉ biết kể lể, ngoài ra thì không biết vì sao lại có những điều này nọ đã xảy ra. Sau này về già, tôi còn biết thêm một điều nữa, rằng cũng chẳng nên trách ai, vì chính tôi đây nào cũng có biết gì nhiều...

Buổi tối, vỡ diễn "Lâm thâm nước mắt ngày vui" vẫn phải ra mắt mọi người.
Tôi không biết nói với chính trị viên như thế nào để được thủ trưởng cho phép nghỉ diễn. Mà làm sao nghỉ được? Tôi như người chiến sĩ bị thương. Bị thương mà có điều kiện thì vẫn phải làm nhiệm vụ chứ? Tôi không thể vì việc riêng mà làm hỏng cuộc liên hoan của tất cả mọi người. Lửa trại hồng rực một góc rừng. Trên trời máy bay địch không bay đêm nữa. Vẫn cử người canh gác máy bay, nhưng chưa một lần nào tiếng kẻng phải gõ lên và nước phải giội vào đống lửa khuya bập bùng như mọi khi.

Tiếng nói yếu ớt của tôi trong vai cô Lụa khiến cho ai ai cũng cảm thấy tôi sắm vai nữ giỏi, đúng là cái chất giọng khoẻ nhưng bị hụt hơi của một cô gái đi dân công bị thương... Hết buổi diễn, có mấy người còn đến gần đưa tay sờ sờ vào vai tôi xem có đúng là con gái không...

Câu chuyện vừa kể có một chi tiết trong cuộc đời nhà nghiên cứu văn hoá họ Mai. Tết Giáp Thân, ông tặng tôi những bài thơ ông viết cách đây nửa thế kỷ. Tôi xin phép từ cuộc đời ông viết ra một câu chuyện khác, thì ông bảo:
- Cũng được, nhưng văn chương sao nói hết?
- Sau chiến dịch, ông về nhà chứ?
- Vẫn chưa về được. Xuất ngũ. Rồi công nhân thủy lợi. Sửa sai mới về. Cả gia đình đoàn tụ hết, có người chiến đấu ở Nam Bộ ra tập kết cũng về, cả chị dâu nữa, cùng đi bốc mộ ông nội. Mẹ thì già rồi, nhưng đi nhanh con cón...
- Thế còn cô Cảnh?
- Cảnh vẻ gì nữa...
- Quên, còn bố?
- Bố bị án tù chung thân, sửa sai thì được tha ngay, rồi đi tham quan Liên Xô, rồi được ra làm việc trở lại, cụ là một trong những đồng chí sáng lập Đảng hồi ba mươi ba mốt mà...
- Sao rồi anh thành nhà nghiên cứu văn hoá?
- Cũng như mọi người thôi. Làm công nhân một hồi thì nhờ bố được sửa sai thì con cũng được cho đi đại học. Mình chọn đi học Sử. Học cái mệnh lâm thâm nước mắt ngày vui ấy mà...

Biệt thự Nha Trang,
giữa tháng 2-2004
C.D
(183/05-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBước ra khỏi lớp học ngoại ngữ anh bỗng thấy đầu óc quay cuồng như muốn ngã. Dắt được chiếc xe đạp địa hình ra khỏi trung tâm, anh cố gắng đạp một cách khó nhọc trên đường phố.

  • NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNNgười ta thường nói xem mặt đặt tên, nhưng điều này lại không đúng với thượng tá Kha. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ ông là người khô khan, thật ra ông lại là người rất đa cảm.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNGChấp me?Che muống! / Chấp me? Cuống sắc! / Chấp me? Sắc cạnh? / Chấp me? Hạnh bầu! / Chấp me? Hầu nhảy/Ăn cơm ai? Ăn cơm cha!Uống nước ai? Uống nước mạ!Hú ...Con mau về kẻo quạ tha đi!

  • HUỲNH THẠCH THẢO- Lành, về bảo bố mày ăn nhậu vừa vừa thôi, đừng như mấy ông mới ngấp nghé vào cấp xã đã phởn, bia ôm gái giếc có ngày...Tôi vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ sang sảng với con Lành, đứa con cậu út ở quê. Chưa hết, bà còn thêm hồi nữa nhưng nhỏ hơn, có lẽ nghe tiếng cửa mở bên ngoài.

  • NGUYỄN TRƯỜNGChiều xuống. Lúc mặt trời sắp lặn sau dãy núi phía tây cũng là lúc người ta thấy ông già xóm Chùa thường mon men tới thả câu ở cái bến sông này.

  • MÃN ĐƯỜNG HỒNGMùa Xuân lững thững về. Anh cũng lững thững đi ra phố chợ. Hai bàn tay trơ trọi của anh đút sâu vào hai túi quần rỗng trống buồn tênh. Anh mỉm cười thong dong bước đi, hòa vào dòng người nhôn nhao tất tả.

  • HỒNG NHUNói chính xác là chị dâu. Chính xác hơn, chị dâu thứ của vợ tôi. Thông thường những trường hợp như thế này, trong nhà em út chẳng ai gọi đầy đủ là chị dâu cả, mà chỉ là chị thôi. Ấy là chị Kim.

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Chuông điện thoại reo phải lúc tôi đang tiếp ông tổ trưởng dân phố. Biết tôi ở nhà một mình, ông nói gọn mấy câu rồi từ biệt. Ba chân bốn cẳng chạy như nước rút, tôi mới với được tới máy.

  • LÊ ĐỨC QUANGMột buổi sáng sớm mùa xuân, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Anh nắng vàng vừa rải đều khắp nơi. Gió thổi nhẹ, mơn man vào da thịt con người ta, thật mát mẻ dễ chịu làm sao. Dọc đường phố, cuối năm rồi, dòng người trở nên đông đúc và nhộn nhịp, kẻ thì lo mua sắm áo quần mới, người thì lo bánh mứt, kẻ thì mua những chậu hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa của mình sao cho thật đẹp. Mọi người ai cũng hối hả, vui mừng đón năm mới. Riêng lão xích lô, vẫn công việc bình thường như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì xong rồi đạp xích lô đến ngã ba gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, mặt cố gắng hớn hở, tươi cười, đón mời khách.

  • NGUYỄN VĂN NINHTôi được cơ quan tố tụng chỉ định làm luật sư cho một bị can.Tôi xin kể ra đây, hơi dài dòng một chút, không phải bị cáo mà là cha tôi. Trong cuộc đời làm luật sư, cha tôi luôn thích nhất câu: Thưa quí tòa! Thân chủ tôi hoàn toàn vô tội! Cha tôi muốn tôi sau này mỗi khi đứng trước toà đều nói câu như vậy.

  • QUẾ HƯƠNG                                                                                                                                1. Chị đi qua, tẻ nhạt và cũ kỹ như cái áo đề mốt thơm mùi long não lấy từ hòm gỗ ủ hương kỷ niệm. Khu cư dân tôi ở thì mới toanh, chưa tròn mười. Cơ ngơi phó giám đốc xí nghiệp gỗ sực nức mùi rừng.

  • PHAN VĂN LỢILTS: Cuộc làm người, khó thay! Dân tộc nào cũng sáng tạo cho mình một ĐỊA NGỤC để răn dạy con người không nguôi hướng đến cái CHÂN - THIỆN - MỸ.Nhuốm màu sắc của Liêu trai chí dị và Việt điện u linh..., câu chuyện là một phần của cuộc đời đầy ám ảnh. Vừa cuốn hút thương cảm với cái nhìn nghiêm khắc lột trần bản chất đời sống, vừa hoang mang đặt ra câu hỏi về ý nghĩa sống đích thực của con người.

  • (tiếp theo và hết)Chuyến du ngoạn địa ngục đã để lại trong tâm trí ông Thai một ấn tượng hãi hùng. Thật khủng khiếp nếu phải chịu cực hình rồi bị đày xuống đó muôn kiếp. Phải tìm cách tự cứu mình chứ chả lẽ chịu bó tay?

  • HOÀNG NHẬT TUYÊNI. Chuyện được bắt đầu bằng một quả trứng, thoạt nghe cứ tưởng chuyện cổ tích nhưng nghe rồi mới rõ, ấy là chuyện thời nay, và đúng thế, nếu tường thuật theo lối cổ điển, theo tình tự thời gian thì chuyện không thể bắt đầu bằng chỗ nào khác thích hợp hơn là từ một quả trứng- một quả trứng gà.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHọ là đôi bạn thân kể từ thời còn học ở đại học Sorbonne, sau đó, cùng chọn chuyên ngành khảo cổ học. Jabindu, người Népal; Robinson, người Mỹ. Thời trẻ, cả hai đều say mê công việc khô khan và vất vả của mình. Dấu chân của đôi bạn đã dẫm khắp những di tích lịch sử ở hai bờ sông Nile, sông Hằng, Trung Á, Con Đường Tơ Lụa và cả Nam Mỹ...

  • NGUYÊN QUÂNTôi đứng lại giữa vườn. Đêm mênh mông oà vỡ ánh trăng. Trăng trên thềm nhà, trăng trên ngọn lá, trên những tàng cây um tùm. “Điêu tàn, hoang vắng quá”- tôi than thầm. Hình như lâu rồi chẳng ai vun xới chăm sóc và hình như cũng lâu lắm rồi tôi mới về lại trong khu vườn đầy kỷ niệm này.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚQuán rượu của o Tam lúc nào cũng đông khách, phần lớn là khách quen. Quán ở gần bến, thuyền câu về cập bờ chỉ nhảy ba bước đã có thể cụng bát với nhau rồi.

  • NHẤT LÂMKhông biết duyên cớ từ đâu mà cô Ngọc ở Hà Nội chạy lên Thái Nguyên rồi dừng chân dưới chân đèo Nhe mở quán qua ngày.

  • NGUYỄN NGỌC LỢI Từ đường phố chính, lối rẽ chếch trái nghiêng thoai thoải. Đoạn đường tráng nhựa được xẻ xuống giữa hai bờ đất. Phía trên, không cao lắm là những biệt thự, những kiểu dáng kiến trúc lạ mắt. Trước mỗi ngôi nhà là những khoảng sân có bồn hoa, bồn tiểu cảnh và cơ man nào là các dò lan đua nhau khoe sắc.

  • TRẦN HẠ THÁP1/ Trong một lần lên Tây nguyên đã lâu... Câu chuyện dọc đường vẫn làm tôi thao thức mãi. Đấy là lần xe hỏng. Lùi lại Quy Nhơn hoặc tiến tới thị xã Plây Ku đều phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Bấy giờ, chỉ mới tắt mặt trời nhưng không hy vọng tiếp tục cuộc hành trình. Mọi hành khách đành phải qua đêm ở lưng chừng đèo An Khê...