Lắm mồm nói chuyện tào lao

10:39 28/09/2009
LÊ BÁ ĐẢNGBạn của tôi rất nhiều. Năm ba bạn mà tôi nhắc nhở ra đây phần nhiều là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư còn nghệ sĩ thì chất cả đống.

HS Lê Bá Đảng giới thiệu tác phẩm “Mặc áo cho cây” với phóng viên SGGP - Ảnh: sggp.org.vn

Nhiều người trong nhóm bạn bè của tôi, ngoài địa vị trong xã hội, ngoài chuyện xã giao, lịch thiệp còn có khiếu thẩm mỹ và nhạy cảm rất hiếm có. Cái điều mà tôi thắc mắc nhất là vì sao nhiều bạn có khiếu thẩm mĩ phần lớn giống nhau. Thứ nhất là các bà. “Vàng tìm vàng làm bạn” hay là ngọc tìm ngọc sánh duyên. Tỉ dụ như có bạn nào mua được cái chi tốt thì mấy người khác đều kiếm mua cho được như bạn mình đã có. Và bạn kia có một thì mình phải có hai. Bà A có cái nhỏ thì bà B phải tìm cho ra cái lớn hơn. Cho đến đỗi có khi bà kia có người tình là ông thầy tu (vì thích áo cà sa, đầu trọc lốc) thì bà này phải kiếm cho ra ông cố đại, màu áo đen, dài, đeo chuỗi vàng mới dược, mà có ít lắm thì cũng phải anh nhà giòng áo trắng và còn trinh.

Cặp vợ chồng anh Liên là bạn khá thân, anh chị có nhiều sáng kiến và nhiều khi hứng lên hay có ý kiến về tranh, tượng của tôi. Mấy lượt anh ghé chỗ làm của tôi chơi. Thói quen của tôi là ai đến chỗ làm là tôi mở chai champagne, lúc Liên ngà ngà thì tha hồ mà vẽ bằng lỗ miệng.

Tranh nào của tôi cũng bị thay vài màu, ba bốn phối là ít. Qua lỗ mồm của anh thì tranh tôi thành ra tranh của anh. Như vậy anh mới thích. Vừa rồi anh chị mua một bộ ghế bàn xưa (Louis 14) mới làm, nhưng xem như cũ thật, lại mua thêm cái tủ sắt hiện đại để đặt chúng với nhau mới đặc biệt, ít ai có. Còn về tranh thì cả hai đều thích tranh phong cảnh hay tranh nhà thờ Đức Mẹ bán ở hai bên bờ sông Seine. Thứ tranh này khách du lịch thích lắm, thảm thì mua thảm của mấy anh Á rập vừa bán vừa rao, mang thẳng tận nhà, cái thứ thảm nhiều màu sắc mà không đắt. Lúc đặt vào giữa căn nhà, khách chưa vào cũng đã thấy thảm, mà sự thực ra có tốn kém bao nhiêu đâu. Nhiều khi anh chị cũng thích tranh của tôi và mỗi khi có ai đến nhà là anh chị khoe khoang về tôi về tranh tôi, nhất là tranh tôi biếu. Nhiều khi hơi quá đáng và có vẽ tỏ ra mình biết chơi tranh, nhưng mà đã là bạn bè thân thì phải nâng đỡ nhau, chứ có đâu như con mẹ Lít Đổ, cứ mở miệng ra là nói xấu chỉ trích đủ thứ không có gì lịch sự, thiếu giáo dục và có vẻ ghen tuông nữa. Anh chị thích nhất là thứ tranh biếu. Anh chị nói tranh biếu mới có tình cảm, còn tranh mua thì anh chị không thích lắm vì có giá tiền, nhiều hay ít cũng giảm mất tình cảm, và hơn nữa màu sắc không hợp với mùng, màn hay mấy cây đèn sơn son thiếp vàng. Anh chị Liên hay mời chúng tôi xơi cơm vì bà xã tôi hay khen là chả giò chị làm sao mà ngon đến thế!. Chính là thứ chả giò mà đi đâu cũng phải bị ăn, các thức ăn mua ở quận 13 do người Tàu làm nên nhiều đường nhiều mỡ, ít nhân. Nhưng đây là chuyện xã giao, dù không ngon cũng phải khen một tý. Vừa được biết anh chị thích thứ tranh đàn bà ở truồng mà mấy cháu mách, nên một hôm trước khi đến nhà anh chị, tôi cản bà xã đừng mang hoa để tôi trổ tài kín, vẽ cho vài cái mỗi cái mấy cô em, áo quần hớ hênh, béo thù lù, hai chân hảng ra, mắt lim dim, miệng hé mở, nằm ngửa nằm sấp là anh chị lên cung trăng (về chuyện này tôi cứ lưỡng lự không rõ là anh chị Liên biết chơi tranh hay tôi có tài vẽ loại tranh này). Nhưng dù sao cũng có kết quả hay. Tranh làm người ta sướng thuận vợ thuận chồng mới hay, mới thật là hoạ sĩ có tài. Bây giờ tôi mới biết vì sao mà anh chị thích tranh đàn bà ở truồng của tôi nhưng xin không nói ra đây. Mỗi khi mấy cháu nhắc đến chuyện anh chị đưa thứ tranh này ra xem kín là mấy cháu, sau lỗ khoá, cười đến ngất người.

Còn anh Nhiêu giám đốc một xưởng lớn về máy điện tử. Chị là fác-ma-xiêng, anh chị cứ doạ mua tranh tôi, mua thật đấy, nhưng bao nhiêu cũng chê đắt cả rồi cứ hẹn rày hẹn mai. Cũng có lý vì anh chị là nhà toán học vừa là kinh tế học nữa thì cái tranh treo trên vách không mang lại tí lãi nào trước mắt cả, chứ tiền bỏ vào tiết kiệm thì đẻ ra ngay lời, không nhiều thì ít. Và sống không có mỹ thuật chưa làm cho ai chết cả mà có cần xem tranh thì cứ ra bờ sông Seine chán chi, cũng không cần vào bảo tàng làm chi cho tốn kém. Cho nên kinh tế học rất quan trọng, đã mấy lần tôi đề nghị bà xã tôi đi học ít kinh tế mà bà nhất định không chịu đi. Tiếc quá.

Còn anh chị Thăng thì biết chọn tranh, biết chơi tranh, biết nhìn tranh. Không những tranh mà trong nhà chồng chất bao nhiêu sách báo về văn học, mỹ thuật.

Cả hai vợ chồng thật tình muốn có tranh nhưng anh chị thì không giàu có cho lắm, con cái lại đông, bạn bè đến nhậu (chầu rìa) không ít, cho nên biếu tranh cho anh chị thì được chứ ai nỡ lấy tiền của anh chị ấy. Anh chị rất hiền và tốt. Cả hai vợ chồng đi làm vất vả, chủ nhật phải đi chùa, chiều về nấu cơm tiếp bạn, cho nên nhiều bạn xa gần đều khen chị có tài bếp núc còn anh thì có tài chọn rượu. Bán tranh cho anh chị không lấy tiền nhưng tôi yêu cầu anh chị biết giá và không nên nói lại với ai là tôi bán không lấy tiền. Như vậy có tốn kém gì đâu và tình cảm hơn nên anh chị thích nói gấp đôi gấp ba lần giá mua vì sự thực anh chị muốn tranh tôi có giá trị hơn đấy thôi. Tôi bày ra cái lối bán này rất thú vị, nhiều người thích, khen hay và có người muốn mua rất nhiều. Một lối bán rất tình người và khoa học. Cho nên nhiều người đồn là tranh LBĐ dễ bán như bán bánh mì đó mà. Có nhiều người chưa có hay chưa thấy tranh tôi mà biết được giá, đâm ra kính trọng nghệ thuật của tôi, nhã nhặn với tôi, trọng tôi và tin thật là tôi có tài (nhất là các cô). Độ này có nhiều người hay gọi hỏi thăm và có người còn hỏi dò thử nếu có một nửa số tiền của giá tranh (giá như anh chị Thăng cho biết) thì có mua được tranh không?

Thế là tôi biết cậu này có đến gặp anh chị Thăng rồi. Lẽ tất nhiên là tôi đồng ý, tình bạn bè quý hơn tiền bạc và hơn nữa tôi là nghệ sĩ thì cần gì tiền bạc. Nghệ sĩ nào cũng thế. Đối với người nghệ sĩ tiền bạc là cái chỉ làm cho nghệ thuật cao quý đi thụt lùi, người nghệ sĩ không bao giờ ngửa tay ra lấy tiền.

Nếu các bạn không tin thì cứ hỏi mấy người có tài là biết. Có tiếng đồn qua tận bên Mỹ: LBĐ là họa sĩ có tiếng không phải là có tài mà nhờ cái lối bán tranh không lấy tiền (chỉ lấy séc thôi). Lại có một nhóm Mỹ gốc Việt lại thích thứ tranh rất hiếm (nhưng bán khắp nơi) là tranh ê rô tíc. Mấy người này bàn tán với nhau là thứ tranh này mới đúng vị Á đông và những kiểu cách trong tranh rất dễ bắt chước. Cho đến mấy ông thầy tu cũng mua lui bán tới cùng nhau.

Bây giờ trở lại cậu muốn mua tranh vì đã gọi dây nói mấy lượt. rất quan trọng. Lúc tôi đồng ý thì cậu này muốn mua ngay, tranh chi cũng được nhưng phải lớn hơn và đẹp hơn tranh anh chị Thăng mới được. Một hôm cả hai vợ chồng hẹn đến xưởng xem và chọn tranh. Anh chị yêu cầu xem tranh nhiều màu sắc. Tôi soạn mớ tranh hoa phong lan kỳ lạ của tôi cho anh chị xem nhưng anh chị chỉ thấy cái nhẫn với hột xoàn lớn trên ngón tay trỏ của tôi thôi. Xem rất nhiều tranh nhưng anh chị không chọn được nên tin ở khiếu thẩm mỹ của tôi. Miễn là tranh lớn hơn tranh của Thăng và nhiều màu sắc hơn là được. Mấy phút sau không xem tranh nữa mà cứ căn vặn hỏi xem hột xoàn của tôi. Chả ngần ngại chi tôi lôi cái hộp nhẫn của tôi ra là câu chuyện sôi nổi đến mấy giờ.

Vài tuần sau, tranh đã vào khung, khung đã lên vách, anh chị mời chúng tôi đến dùng cơm cũng một nhóm bạn trí thức cao cấp và có anh bạn từ bên Cali qua nữa. Nghe đâu anh bạn này làm mưa làm gió ở Litthe Sài gòn. Anh chị khen anh này lắm (xin lỗi không nhớ rõ tên). Anh đã giàu lại có khiếu thẩm mỹ lại được bà vợ trẻ chiều chuộng, chịu khó buôn bán, còn anh thì thích chơi tranh, chơi banh. Vừa rồi về Việt Nam anh mua một mớ tranh, tranh đủ loại, nhiều nhất là tranh con gái. Nhà anh đầy cả tranh sơn dầu, tranh dân gian và cả sơn mài nhiều cẩn xà cừ nữa. Chị phục anh lắm vì anh rất gắn bó với quê cha đất tổ, nên trang trải đầy hình ảnh Việt Nam trong nhà, chỗ nào cũng có. Anh nói là sau này mấy cháu lớn lên, nhìn vào tranh là nhớ nguồn gốc vì trong tranh có cả tâm hồn, hình ảnh, tình cảm và tài nghệ của giống nòi. Như vậy không mất gốc, không cần phải nhắc nhở chúng như các gia đình khác làm chi.

Vợ chồng chúng tôi vừa bước vào nhà thì ông chủ nhà đưa ngay vào túi áo tôi cái phong bì kềnh càng và nặng nữa. Cái phong bì đầy tiền lẻ nên căng cái túi ra xem hơi kỳ cho nên các bạn có mặt hôm nay không nhìn râu ria cà ra vát, răng vàng của tôi mà cứ nhăm nhắm cái túi áo. Hơi kỳ một tý nhưng đây là kết quả của công việc làm ăn đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có. Vẽ ra tranh bán đắt cho bạn mua là có Tài còn đeo cà ra vát đi ăn cơm mời là TÌNH cho nên có chữ TÀI TÌNH là thế đó. Còn bà xã tôi thì níu tay áo tôi lại chỉ bức tranh, tôi làm dấu với bà xã là nên cẩn thận không nói gì cả để khỏi mất lòng. Tranh thì treo ngược và nằm trong cái khung chạm trổ thiếp vàng, lối chạm nổi che mất cả tranh mới nhìn vào chỉ thấy khung, tìm mãi mới thấy tranh, chữ ký tìm không ra vì tranh để ngược thế mà khi nào tôi cũng cẩn thận để chữ ký lớn chớn chừng phần ba tranh rồi đó. Chị cho biết là phải mất mấy ngày mới tìm ra khung đẹp như vầy và giá cả xấp xỉ gần như tranh đó. Hình như chỉ có anh bạn Cali là khen lên khen xuống còn các bạn khác giật mình nhưng chẳng dám nói chi.

Lẽ tất nhiên mỗi người một sở thích và hình như cái gu của xứ mình ở có khi ảnh hưởng đến sở thích của mình nữa. Cũng may cho tôi, hôm nay, mấy bạn có mặt đều khen tranh đẹp, dù mỗi người thấy một hình thức khác nhau. Anh đeo kính thấy cặp vợ chồng làm tình không không rõ lắm, anh bạn nhà thơ kia thì thấy núi non rồi sực nhớ đến một đèo một đèo lại một đèo như cảnh trong thơ bà Hồ (Hồ Xuân Hương) và hỏi tôi có bị ảnh hưởng chi thơ bà Hồ không? Ông bà hơi già kia thì thấy đàn bà không quần chẳng áo và hỏi hoạ sĩ lúc vẽ có đeo kính hay không và hai người đã là vợ chồng chưa? Thực ra thì trong tranh có gì đâu, toàn là phong cảnh núi đá và mấy hòn đá hơi giống hình người, chất lại với nhau đó thôi, cái bậy ở đây là tranh treo bị ngược và các bạn quá giàu tưởng tượng hơn tác giả và cái thẩm mỹ học quá cao cái cách nhìn cứ quay về một nẻo đấy thôi. Đến lúc các bạn xúm lại hỏi tôi muốn vẽ gì? Tôi chưa kịp trả lời thì may quá vừa thảo luận sôi nổi đến đây thì có hai bạn gõ cửa muốn gặp hoạ sĩ để mua tranh lớn hơn tranh ai hết.

Anh chị Sáu Cơn vừa đi Hồng Kông về. Vừa bước chân vào, chào hỏi xã giao cho xem ngay mớ ảnh những bàn ghế mới mua bên ấy mang về, ghế bàn toàn bằng gỗ nhuộm đen chùi láng bóng, chạm trổ rồng phượng rất hiếm có.

Anh chị có ghé qua Thái Lan, mua được rất nhiều thứ áo quần, vòng xuyến, đồng hồ có tên các nhà nổi tiếng mà rất rẻ, giá cả chỉ có một phần mười ở Paris thôi mà cũng sang vậy. Còn ở Việt Nam anh chị chỉ mua mấy tấm thêu, mấy bức sơn mài, con thuyền lơ lửng trên sông, đứa bé chăn trâu, có bức lớn ba ông Thiện Ác và Táo quân thì phải, ông nào ông nấy râu ria chiếm hai phần ba bức thêu. rất Việt Nam hiện đại như anh chị cho biết.

Còn tranh thì anh chị không thích cho lắm. Vì cái nào cũng giống cái nào. Tất cả tranh hình như một người vẽ, nhiều người ký tên. Anh chị muốn tìm mua tranh Bờ Hồ mà không có, không ai bán và không ai vẽ thứ tranh ấy nữa. Họ bảo về Paris tìm mua tranh Lê Bá Đảng cũng màu mè như tranh Bờ Hồ vậy.

Bạn bè đồn rằng từ ngày anh chị Sáu Cơn đi Việt Nam về có cái lạ là đi đâu gặp chó thì chó nó nhao lên sủa và muốn cắn nữa là đằng khác. Hôm nọ anh chị đi chung với hai người bạn Pháp, đi xem triển lãm chó. Vừa vào phòng triển lãm thì bao nhiêu chó cứ nhao chồm lên muốn cắn anh chị Sáu và sủa một cách kỳ khôi như hận thù chi. Ai cũng nhìn và không hiểu vì sao. Mấy phút sau anh chị phải bỏ ra về. Bây giờ mới biết duyên cớ là vì ngày về Việt Nam anh chị hay ra bờ đê sông Hồng, vào những quán thịt chó và nhậu luôn. Chỉ có hai bạn Pháp ngẩn ngơ không hiểu vì sao chưa vào đã phải bỏ triển lãm ra về, hai bạn Pháp cứ ngơ ngẩn buồn và phàn nàn với anh chị là có lẽ vì có mặt anh chị ấy chăng? Nên chị Sáu phải giải thích cho hai bạn Pháp nghe là anh chị theo đạo Phật và trong đạo Phật chết đi rồi tái sinh vào một xác khác, mà kiếp trước cả anh lẫn chị là mèo, cho nên chó không thích mèo lắm, Không biết hai bạn Pháp có tin vậy không?

Sự thực ra là đã ăn thịt chó thì mãi mãi có mùi và chó biết ngay vì chúng có cái nhạy cảm lạ kỳ. Nghe đâu hồi ở Việt Nam trở về anh chị có mang về Pháp một đùi thịt chó ướp sả tươi cho mấy cháu không về Việt Nam được.

Cho nên những lúc ngồi chung giữa bạn thân. Lúc nào cũng đưa chuyện văn hoá cổ truyền ra bàn và không bao giờ quên chuyện ăn nhậu, mà nghe đến ăn nhậu là anh chị Sáu khen thịt chó ngon, có lẽ là ngon nhất nhưng khổ là ở Pháp ít khi có, hay chỉ lúc nào có bạn nào bắt trộm được một vài con mà thôi và nấu nướng vất vả lắm, không dễ dãi như ở Việt Nam. Láng giềng Pháp hay phàn nàn vì mùi sả quá hăng, rồi còn những thứ không ăn được như đầu đuôi, chân, lông phải đưa đi xa chôn kín chứ bỏ vào thùng rác không được vì biết đâu hội yêu súc vật lục ra được thì nguy.

Anh chị Sáu Cơn là bạn rất thân của anh chị Nhân và hình như hai nhà có gu như nhau và bà con cô cậu với nhau nữa. Anh Nhân giáo sư đại học kinh tế, ngoài công việc trí thức cao cấp, anh còn có tài đặc biệt là nuôi rận trong mình anh. Đi đâu, nghe hát, nghe nhạc, hội họp chính trị, anh đều mang rận theo mà đến lúc anh không thích ai thì anh cho rận ra tấn công rất hiệu quả và thú vị. Chúng tôi hay đi chung với nhau và anh cho tôi biết cách đào tạo bầy rận như đào tạo một nghiệp đoàn, một phe phái đạo giáo hay chính trị, rất chặt chẽ và khoa học. Lúc đầu, tôi không tin nhưng sau mới thấy hiệu quả. Mỗi lúc rận ra tấn công thì chúng tôi tha hồ mà rúc rích cười thầm, có khi chảy nước mắt, đái trong quần nữa là đằng khác. Những ai bị rận tấn công là cứ gãi lên, gãi xuống, gãi trên đầu, gãi sau lưng, dưới háng, không một phút ngồi yên, nhiều khi phải bỏ chạy vào nhà xí. Nhất là các bà cứ bị rận nó chun vào chỗ hiểm, chui vào tóc tai, vào dưới háng, đỏ cả mặt xem rất tội nghiệp. Thấy mà thương hại. Hôm chủ nhật tuần trước, có ông Trần gì đó và sư cô Mông Lang nói chuyện Thiền và kỹ thuật Thiền trong xã hội ngày nay, anh Nhân và tôi không thích lắm. Nhân cho bầy rận xám ra tấn công ngay. Ông Trần vừa nói vừa gãi, sư cô cũng bắt chước gãi liên tục. Năm phút sau cả hai nhà thông thái mặt toàn chấm đỏ, xấu hổ bỏ chạy trốn, mà không ai biết cớ chi. Hai chúng tôi cười thầm vào nói với nhau là cái sức mạnh bí ẩn của Thiền thua kỹ thuật của rận nhiều.

Đấy là tài nghệ của Nhân - còn chị Nhân tên là Lin nờ, chị là giáo sư đại học, chị rất tiện tặn, áo quần toàn mua solde (hết mùa, đồ còn lại người ta bán rất rẻ) mà vẫn sang. Anh rất trọng chị vì chị có tài bếp núc, đem tiền về mỗi tháng và sắp đặt những kế hoạch gài bẫy những ai mà anh chị (cả tôi nữa) không thích. Kỹ thuật gài bẫy của chị rất khoa học, có đầu có đuôi, có chứng cớ rõ ràng. Ai mà mắc phải bẫy thì không thoát khỏi vòng vây rồi vợ bỏ chồng, cha mẹ đánh đuổi con, anh em đấm đá nhau, bạn bè thù hằn trọn kiếp. Chị có cả hai nền văn hoá Đông Tây và nề nếp gia đình nữa, nên những ai đã bị gài bẫy thì sẽ sa vào chốn nguy nan. Tôi không thích cái lối chị làm, nhưng rất phục tài xếp đặt của chị, rất khoa học thiếu tình cảm. Tôi kiêng chị đã đành mà còn sợ nữa. Kiêng ít sợ nhiều.

Cách đây vài tuần, không biết anh chị có chuyện chi, cãi cọ nhau hay sao đó mà một đêm gần sáng mớ rận của anh chạy qua tấn công chị một trận chí tử. Lúc thức dậy mặt mũi toàn chấm đỏ, cặp mắt sưng lên như hai cái trứng vịt lộn, không đi dạy được hơn một tuần. Cả tuần này anh đi làm về không có ăn, ăn cơm nguội, cá hộp, tự giặt lấy áo quần và phải ngủ riêng trên ghế nhỏ trong phòng tiếp khách. Anh thú thật với tôi là không phải tại anh mà tại thằng tướng rận hiểu nhầm. Còn chị thì không tin anh thề thốt chi cả và nói với tôi là anh trả thù vì bị cấm đi chơi đêm với thi-sĩ-Cô-Xê-xê nên trả thù rất bần tiện, đi xa nước đã mấy chục năm rồi, có địa vị trong xã hội văn minh mà trả thù như bọn tôm cá vậy.

Rồi chị bắt tôi làm chứng.

Cùng hôm nay, anh rủ tôi đi ăn phở (không cho Lin nờ biết). Hai anh em ngồi sau bát phở nóng, tướng rận đói hay sao mà lò mò ra và bò qua tôi. Đột ngột thấy con vật bé tí, đen thùi lùi, lông lá và hai cái răng dài, lò mò gần đến tay tôi, tôi cho cái muỗng phở lên đầu, tướng rận chết ngay, máu chảy như máu người, đỏ loét mà không nghe la ó chi cả. Còn anh Nhân thì nổi tức, bỏ phở, bỏ tôi ra đi. Tướng rận bị tử trận còn tôi phải trả tiền hai bát phở. Trơ trọi một mình lại còn sợ mất người bạn thân có tài kín đáo. Bây giờ lấy ai mà tri kỉ mà đi nghe nói chuyện, đi tán mấy bà có duyên và cười lên cười xuống.

L.B.Đ

(247/09-09)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • MINH CHUYÊNCảnh làng mới Trà Tân cuối chiều mùa đông. Con suối chảy qua nước trong veo, róc rách. Phía tây con suối cách làng chừng nửa tầm mắt là rừng Sắc Rông, đủ các loại cây tầng tầng, lớp lớp. Cánh rừng đang chìm trong sương chiều. Rừng hoang vắng, huyền bí. Người ta kể sau ngày chiến tranh chấm dứt, rừng Sắc Rông càng trở nên bí ẩn. Người chỉ có vào mà không có trở ra. Vậy mà mấy tháng gần đây lại thường xuyên xuất hiện một người đàn bà ở đó.

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGNgày xưa nhà mẹ nghèo hung, cơm không có ăn, khố không có mặc, suốt ngày lang thang trong rừng đào củ mài củ sắn kiếm cái cho vào bụng. Có ngày không tìm được chi, bụng đói lắc lư.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTrước ngày Huế khởi nghĩa 23/8/1945, có một sự kiện khiến cả thành phố náo nức vui mừng: đó là việc lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ Huế ngày 21/8 thay cho cờ quẻ ly. Người chiến sĩ được đồng chí Trần Hữu Dực trực tiếp giao nhiệm vụ quan trọng ấy là chàng thanh niên 25 tuổi Đặng Văn Việt (ĐVV).

  • NGUYỄN QUANG HÀTạp chí văn nghệ của 6 tỉnh Bắc miền Trung gồm: Xứ Thanh, Sông Lam, Hồng Lĩnh, Nhật Lệ, Cửa Việt, Sông Hương có một cam kết thú vị, luôn luôn trong nỗi chờ mong là mỗi năm anh chị em trong tạp chí thay nhau đăng cai luân phiên, mỗi năm gặp nhau một lần, ở thời điểm thích hợp nhất do tạp chí đăng cai tự chọn.

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀOTháng bảy, nồng nàn hương lúa mới trên những ruộng lúc mới vừa mùa gặt tháng 5, mùi rơm rạ kéo tôi ra khỏi thế giới của những đường phố xênh xang, đầy bụi và chật người. Tôi leo lên một tầng gác và nhìn về hướng quê tôi, hình dung đủ thứ nhưng nhớ vẫn là khói lam chiều với dáng mẹ tôi gầy cong như đòn gánh.

  • VĨNH NGUYÊNPhải nói tôi có ý định dông một chuyến xe máy ra Bắc đã lâu mà chưa có dịp. Nay có điều kiện để đi song tôi vẫn băn khoăn, không hiểu chuyến đi này mình sẽ gặp những ai đây? Hay là phải thở dài dọc đường xa với những cảnh đời khốn khó? Thôi thì tôi chỉ biết đi và đi.

  • VÕ MẠNH LẬP                Ghi chépNhân vật Mười Hương nhiều người đã biết đến qua sách báo và đặc biệt là vùng đất Nam Bộ - Sài Gòn.

  • DƯƠNG THÀNH VŨTrong đêm mỏng yên tĩnh dịu dàng, một mình một cõi với ly rượu trắng, cùng mùi hương của hoa rộn ràng, huy hoàng phát tiết; tôi miên man nhớ tới cõi người đến- cõi người đi nơi xa chốn gần, thời gian tuyến tính lẫn thời gian phi tuyến tính.

  • NHẬT HOA KHANH Mười năm những mấy ngàn ngày... (Tố Hữu: Mười năm )

  • TRUNG SƠNĐoàn văn nghệ sĩ Thừa Thiên - Huế (TTH) lên đường “đi thực tế” một số tỉnh phía Bắc vào lúc lễ giỗ Tổ ở đền Hùng (10 tháng 3 âm lịch) vừa kết thúc. Tiền có hạn, thời gian có hạn chưa biết sẽ tới được những đâu, nhưng ai cũng “nhất trí” là phải lên Phú Thọ thăm Đền Hùng, dù lễ hội đã qua.

  • ALẾCHXĂNG GRINTại Luân Đôn, mùa xuân năm 1921, có hai ngài trung niên ăn mặc sang trọng dừng chân ở góc đường, nơi phố Pakađilli giao nhau với một ngõ nhỏ. Họ vừa ở một tiệm ăn đắt tiền đi ra. Ở đó, họ đã ăn tối, uống rượu vang và cùng đám nghệ sỹ của nhà hát Đriuđilenxky đùa cợt.

  • PHONG LÊQuê tôi là một xã nghèo ven chân núi Mồng Gà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ Hà Nội, việc về thăm quê, đối với tôi không mấy khó khăn. Hồi là sinh viên thì mỗi năm hai lần, lần nghỉ hè lần nghỉ Tết. Khi đã là cán bộ, có gia đình thì mỗi năm một lần, cả nhà dắt díu về, với hai hành trình là tàu hoả từ Hà Nội vào Vinh, rồi là xe đạp từ Vinh về nhà.

  • NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ ông hay, nổi tiếng, nhiều người ái mộ. Thời buổi “nhuận bút không đùa với khách thơ”, kinh tế khó khăn, gia đình ông vẻ như cũng “rất ư  hoàn cảnh”.

  • ĐẶNG NHẬT MINHGia đình tôi ở Huế có một cái lệ: cứ vào dịp trước Tết tất cả nhà cùng nhau lên núi Ngự Bình quét dọn, làm sạch cỏ trên những nấm mộ của nhũng người thân đã khuất. Sau đó trở về nhà thờ của dòng họ, cùng nhau ăn một bữa cơm chay. Cái lệ đó người Huế gọi là Chạp. Ngày Chạp hàng năm không cố định, có thể xê dịch nhưng nhất thiết phải trước Tết và con cháu trong gia đình dù đi đâu ở đâu cũng phải về để Chạp mộ.

  • DƯƠNG PHƯỚC THUMùa xuân năm Đinh Mùi, 1307, tức là chỉ sau có mấy tháng kể từ ngày Công chúa Huyền Trân xuất giá qua xứ Chàm làm dâu, thì những cư dân Đại Việt đầu tiên gồm cả quan binh gia quyến của họ, đã rời khỏi vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã theo chân Hành khiển Đoàn Nhữ Hài, vượt qua ngàn dặm rừng rậm, núi cao, biển rộng đến đây cắm cây nêu trấn yểm, xác lập chủ quyền quốc gia.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGNhững ngọn gió heo may cuối cùng đã tắt. Nắng buổi sáng hanh vàng ngoài bến sông. Hàng cây trên phố Huế đã chừng như thay lá, lung linh một màu lá tơ non, mỏng như hơi thở của bầy con gái trường Hai Bà Trưng đang guồng xe đạp đến trường. Mùa xuân đã về bên kia sông. Đã về những cánh én nâu đen có đôi mắt lay láy màu than đá. Đã về những đóa hoa hoàng mai, vàng rưng rức như một lời chào ngày tao ngộ...

  • TÔ VĨNH HÀCon chó Giắc nhà tôi đẹp nhưng mà hư quá. Tôi hét nó nằm thì nó cứ giương mắt ra, rồi ngồi. Tôi không cho nó chạy vào nhà vì sợ nó làm bẩn cái nền nhà vừa lau thì nó đi vòng cửa sau, khi tôi ra cửa trước. Bực nhất là ngày lễ - nói chung là những ngày có việc, bất cứ ai vào nó cũng sủa rộn ràng. Tôi thì không muốn xóm giềng để ý. Vậy mà chó có biết cho tôi đâu...

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGGhi chép 1.Tôi tự đặt ra một “hạng mục” đinh cho chuyến đi thực tế sáng tác ở A Lưới lần này, và hạ quyết tâm thực hiện bằng được, đó là: phải lên được Đồi Thịt Băm!

  • LGT: Liên Thục Hương là một nhà văn Trung Quốc đương đại, tự ví mình là con mèo đêm co mình nằm trên nóc nhà, nhìn cuộc sống thành phố tấp nập đi qua đáy mắt. Liên Thục Hương còn ký bút danh Liên Gián, có số lượng bản thảo lên tới hơn hai triệu chữ. Năm 2003, “Bài bút ký đầy nước mắt” đã được post lên mạng và năm 2004 nó đã được dựng thành phim và bộ phim ngắn này làm tiền đề cho tác phẩm điện ảnh đoạt giải thưởng của Trung Quốc. Sông Hương xin giới thiệu câu chuyện này qua bản dịch của nữ nhà văn Trang Hạ.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNAnh em Nguyễn Sinh Khiêm - Nguyễn Sinh Cung sống với gia đình trong ngôi nhà nhỏ trên đường Đông Ba. Ngôi nhà giản dị khiêm tốn nằm lui sau cái ngõ thông với vườn nhà Thượng thư bộ Lễ Lê Trinh. Nhưng chỉ cần đi một đoạn ngang qua nhà ông Tiền Bá là đến ngã tư Anh Danh, người ta có thể gặp được các vị quan to của Triều đình.