Kỷ niệm với Nguyễn Đức Sơn

14:56 15/09/2020

BỬU Ý    

Ngược dòng thời gian, nhẩm tính lại, tôi gặp Nguyễn Đức Sơn lần đầu tiên lúc nào? Chắc hẳn là dịp tôi làm thư ký tòa soạn cho tạp chí Mai.

Dịch giả Bửu Ý, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn và họa sĩ Đinh Cường ở Bảo Lộc ngày 08/8/2011

Tôi tự gọi mình là thư ký tòa soạn, chứ không có ai gọi tôi như vậy, kể cả ông Chủ nhiệm tạp chí là Hoàng Minh Tuynh. Và trên bìa cũng như các trang tạp chí cũng không hề có chữ như vậy. Có bạn thịnh tình gọi tôi là Chủ bút. Thôi, thế nào cũng xong. Miễn sao làm được việc. Có điều chắc chắn và rõ rệt là ông chủ nhiệm gần như giao toàn quyền cho tôi trông coi mọi thứ để cho ông chuyên tâm viết bài chính luận cho mỗi kỳ báo.

Bởi lẽ tôi toàn quyền định đoạt, nên tôi quyết định cho đăng truyện ngắn “Cái Chuồng Khỉ” của Nguyễn Đức Sơn làm hai kỳ trên trang báo Mai. Giả như tôi có ý do dự, suy tính hoặc tham khảo ý kiến của Chủ nhiệm hoặc của ai khác, kết quả có thể không giống như nó đã xảy ra trong thực tế. Bằng chứng là chính những lời của Nguyễn Đức Sơn bộc lộ ra với tôi ngay buổi anh đến gặp tôi và biết tôi sẽ đăng truyện của anh: “Anh đăng truyện của tôi thì tốt quá. Nói thật với anh, truyện “Cái Chuồng Khỉ” của tôi đã gửi đi khắp cùng, không ai chịu đăng cho tôi cả”.

Không ai đăng truyện của Nguyễn Đức Sơn cũng có cái lý của nó, bởi lẽ anh viết thẳng thừng sống sượng chuyện khỉ làm tình với nhau và tác giả tỏ lộ sự khoái trá của mình qua đó. Về khoản này, Nguyễn Đức Sơn khá giống như nhà văn Nga Nabokov, cha đẻ của tác phẩm “Lolita” (1958) dựng lên một cuộc tình động trời giữa một cô bé mười ba tuổi với một người đàn ông già, truyện được viết ra sau khi tác giả đã mục kích một đàn khỉ trửng giỡn nhau. Riêng tôi nhận thấy anh có tài thao tác, nhập cuộc, chan hòa vào cảnh vật, tuyên phong tình cảm cho vật, nâng vật thành người lúc nào không hay. Những giao hoán, đồng hóa tình cảm này thổi vào bức tranh một sức sống động, cuốn hút không ngờ nổi. Những cảm tưởng này, tôi đem ra nói với anh. Anh lắng nghe, gật gù, ra vẻ thích thú. Nhưng anh đã nói ngang: “Chắc anh có nghĩ tới nhuận bút cho tôi?” Tôi méo miệng cười: “Anh thừa biết thủ tục của tòa soạn là trả nhuận bút sau khi đã đăng bài rồi chứ?” Nguyễn Đức Sơn tỉnh khô: “Tôi biết. Nhưng đây là ngoại lệ.” Khổ thân tôi, tôi chưa từng đụng ai nói năng ngang phè như thế này. Ngước mắt nhìn lại mặt mày anh, tôi không đủ sức tức giận anh. Tôi bảo: “Thế này vậy. Truyện của anh, tôi trả cho anh năm trăm, chia làm hai kỳ, và cũng đăng làm hai kỳ. Trước mắt tôi đưa cho anh ba trăm. Kỳ sau, đăng nốt, tôi sẽ trả hai trăm còn lại”. Nghe nói vậy, anh lụp chụp ngay: “Tính như vậy là hợp lý. Hợp lý lắm.” Xui khiến sao hôm nay tôi có ít tiền dính túi, tôi thi hành ngay. Anh lụp chụp tiếp: “Tốt lắm. Cám ơn”. Anh quay gót ra đi. Tôi gọi với theo: “Tôi muốn hỏi thăm anh ở đâu.” Anh dừng chân nói tỉnh queo: “Tôi chẳng ở đâu hết. Nay đây mai đó mà.” Tôi thuận miệng bảo: “Nếu anh muốn thì đến chỗ tôi ở. Anh không phải trả tiền”. Nguyễn Đức Sơn sáng mắt hẳn lên: “Thật không? Tốt quá. Nếu vậy thì tốt quá. Tôi đến anh ngay hôm nay.” Rồi anh bỏ đi ngay. Như thể vội lắm. Đầu chúi về trước. Lúc thúc, lúc thúc. Tôi nhìn theo một hồi rồi mới trở vào làm việc tiếp.

Như vậy là khởi đầu thời gian Nguyễn Đức Sơn ở chung với Bửu Ý ở chân cầu Trương Minh Giảng, gần chợ Trương Minh Giảng, ngay trên con sông nước đen Trương Minh Giảng.

Chỗ ở này của tôi, là do một anh bạn người Quảng Trị giới thiệu cho tôi: Được anh giới thiệu giữa một lúc loay hoay tìm kiếm, tôi cám ơn anh. Nhưng rồi đây tôi sẽ không dám đem nó ra giới thiệu cho một người nào khác nữa. Bởi lẽ, nó thuộc hạng… không thể nói thành lời. Đến ở đây, mấy món cần thiết đều có sẵn: giường bố, bàn, ghế. Tôi bao tiền chỗ ở cho anh. Anh tự túc chuyện ăn. Nguyễn Đức Sơn ăn ra sao, ăn những gì, ăn lúc nào, ăn mấy bữa, thật khó nói, và rất là thất thường. Thỉnh thoảng có miếng lá chuối gói xôi nằm dưới gầm bàn, hay vài cái vỏ chuối cạnh giường nằm. Tôi hiểu: mấy thứ vỏ này quá cảnh gầm bàn gầm giường một hai hôm trước khi được tung xuống con sông đen như thể ngầm ra hiệu với tôi rằng anh không phải hoàn toàn tuyệt thực. Anh thỉnh thoảng nằm đọc sách, nhưng lại thường xuyên ngồi vào bàn. Anh làm thơ hoặc viết truyện ngắn theo một cách riêng của mình: viết liền một mạch từ đầu đến cuối, xong vứt bút đứng lên ra khỏi bàn, thở phào khoan khoái. Có hôm tôi để ý thấy anh khởi sự ngồi vào bàn đúng lúc tôi ra đi và cuối buổi tôi về thì vừa thấy anh vươn vai huýt sáo miệng. Anh đâu có ngờ anh gián tiếp truyền cảm hứng cho tôi và bỗng dưng tôi muốn khao anh một cái gì đó. Anh bảo truyện ngắn hay thơ gì cũng vậy, chỉ cần phác thảo đôi nét trong đầu, là ngòi bút chạy, chạy tuôn trào, không ngừng lại được, mà cũng chẳng trở lui, đôi khi cảm thấy có thể sửa sai, nhưng rồi cũng chẳng cần sửa, cứ thế mà đi tới, rồi nắn nót lại, thêm một đôi nét, và câu chữ lại được thể sấn sổ, càn lướt mạnh khỏe. Rõ ràng câu chữ của Nguyễn Đức Sơn có sức cuốn hút, lôi kéo người đọc, như được phun ra, bắn ra từ một vòi sinh khí, hồng hào, tươi non, như không cần kinh qua sách vở, không phải thôi xao mắc mỏ. Viết, Nguyễn Đức Sơn không phải chỉ viết thơ và truyện ngắn. Một phần thời gian quan trọng trong đời mình, anh đổ ra viết Nhật ký. Tập Nhật ký của anh vuông vắn, dày dặn, đóng da đen, ngự một nơi riêng biệt trên bàn viết. Nó như cuốn kinh nhật tụng, được mở ra hàng ngày, để được đọc đi đọc lại và viết dùi mài. Anh viết đủ thứ vào đó, những ưu tư suy nghĩ của mình về thời thế, văn học nghệ thuật, có khi là một đoạn thơ, có khi là phác thảo một truyện ngắn, tóm lại là một loại Nhật ký độc đáo, bao gồm mọi thể loại văn chương tư tưởng… Tôi không ngớt khuyến khích anh viết, không những vì anh viết hay, mà vì anh viết thì tôi có thẩm quyền đăng sáng tác của anh lên tờ báo Mai của tôi và tiếp theo đó tôi có thể gửi nhuận bút cho anh, nhuận bút luôn cho thơ của anh, là một điều ít có tờ báo nào thực hiện. Đó là trường hợp bài trường thi “Mộng du trên đỉnh mùa xuân” dài 279 câu thơ, chẳng hạn. Anh vui lòng đón nhận những cảm xúc, thích thú, thiện cảm của tôi đối với thơ và truyện của anh. Tại ở chỗ này, có hôm một thanh niên tới tìm hỏi anh. Thoáng thấy thanh niên, anh đứng bật dậy, sấn sổ lao tới hét tung tóe: “Ai cho mày tới đây? Cút, cút đi ngay!” Trông anh rất dữ tợn, thanh niên kia phóng đi mất. Hỏi ra mới biết đó là người anh của Nguyễn Đức Sơn đã dò la tin tức muốn đến thăm em, may suýt toi mạng. Tôi được thể hỏi luôn: “Này, buổi chiều nhiều khi tôi có ngồi uống nước ở quán La Pagode đường Catinat, mấy lần bắt gặp một ông đi qua đó mặt mày, dáng đi rất giống ông, ông có biết là ai không?” Sơn trả lời ngay: “Ông bố của moa đó. Ông đang ở Saigon, thích lui tới mấy thư viện đọc sách như toa đó.” Tôi gần như reo lên: “Đúng mà! Mình đã nghĩ như vậy mà không nói ra thôi! Vậy ông có khi nào đến thăm bố không?” Sơn đáp ngoay ngoảy: “Có chớ! Có chớ!” rồi nói ngay sang chuyện khác. Thỉnh thoảng gạn hỏi thêm, tôi mới rõ bố mẹ của Sơn không còn sống với nhau nữa, Sơn dùng lời cay đắng đối với mẹ, nhưng vẫn còn nghĩ đến cha. Bằng chứng là về sau anh có công bố một lá thư dài gửi cho cha, qua đó ta đọc thấy tình cảm cha con và luôn cả nghệ thuật viết văn của mình: “…Trong văn chương kim cổ, chính cái giọng mới là cái quyết định, như ba thừa biết, chứ không phải tư tưởng này nọ. Tư tưởng này nọ, đổ xả rác, vì ai lại không thể không có.” (Trích “Thư gửi cha từ Blao ngày 19/8/1972”).

Về viết văn, cái riêng biệt và sáng giá của cá nhân, theo Buffon (một tác giả Pháp, thế ký 17), không phải là nằm ở tư tưởng đâu, người này người kia có thói tự mạn tự cho mình có tư tưởng thâm trầm như thế này, tư tưởng cao siêu như thế kia, họ không dè rằng mọi tư tưởng đều đã được phát biểu cách đây ba ngàn năm rồi, cái riêng biệt và sáng giá của cá nhân nằm tất cả ở cách viết, bút pháp, văn phong (style) mà thôi. Chính vì vậy Buffon mới bảo: “Văn chính là người” (“Le style, c’est l’homme”). Cho nên nhà văn nên toàn tâm toàn ý chăm lo cách viết của mình.

Đối với Nguyễn Đức Sơn, “cách viết” hãy còn to lớn quá. Có một thành phần trong “cách viết” đặc biệt quan trọng, đó là cái giọng (mà tiếng Pháp gọi là “leton”). Cái giọng mới thực sự là của riêng. Và cái giọng của Nguyễn Đức Sơn là phúng thế, tự trào. Một cái giọng du côn, lột trần.

Câu chữ của Nguyễn Đức Sơn: lặp lại, thăng giáng, đùn nhau, nôm lên nhau, dồn dập đuổi bắt nhau khiến người đọc vô tình tăng tốc theo, đọc hùng hục, nếu không đồng tình với chữ này thì có thể đồng ý với chữ khác, nhưng tất cả những chữ ấy đều được sang số, như thể cùng bò lên một con dốc diễn đạt.

Nguyễn Đức Sơn là nhà văn sống bặt tăm, xa rời người khác, xa rời xã hội. Giống như trường hợp nhà văn Mỹ Salinger, tác giả của “Bắt trẻ đồng xanh”. Anh là người dị ứng với phụ nữ (misogyne), là một kẻ hận đời (yếm thế, misanthrope). Tư thế sống đơn thân độc mã, dễ hấn khích của anh làm ta liên tưởng tới Cao Bá Quát đối với Mạc Vân thi xã đời trước.

Tiếc rằng Nguyễn Đức Sơn với tôi ở gần nhau không được lâu. Khoảng nửa năm, tôi phải rời chỗ ở này đến một nơi khoáng đạt hơn: Cư xá Chí Hòa, hẻm Bắc Hải, đường Lê Văn Duyệt.

Sau khi tôi đến chỗ ở mới, một thời gian ngắn tiếp theo Nguyễn Đức Sơn cũng bỏ đi đến một nơi khác, và lần này anh về Bình Dương, một nơi anh từng quen biết và nhất là tại đây anh đã từng bắt gặp một thiếu nữ mồ côi, có nhan sắc, hiện đang sống với một ông cậu tu hành trong một ngôi chùa ở đây. Anh tạm ngưng việc sáng tác thơ văn gửi đăng ở các báo, bù lại anh nung nấu dự định cho ra mắt một tờ báo riêng của mình lấy tên là “Mặt Đất”, đồng thời mở lớp dạy Anh văn cho học sinh Trung học. Như vậy cũng là một chương trình sinh sống có ý nghĩa và chiếm hết thời gian của anh.

Mấy năm trôi qua. Nguyễn Đức Sơn sống yên ở Bình Dương. Phần tôi cũng trải qua một số biến cố không thuận lợi cho lắm. Tôi lại còn thay đổi chỗ ở thêm hai lần nữa.

Năm Mậu Thân 1968, tôi đang ở Saigon. Vài tháng sau tôi mới về Huế. Chuyến này tôi định bụng ở quê nhà, vì cảm thấy nhà vắng vẻ, lạnh lẽo, và bố tôi cũng khá già, thui thủi làm vườn và thỉnh thoảng trộn xi măng trám trét mấy lỗ hổng ở sàn nhà. Đúng thời gian này, một vị thầy cũ của tôi mở tư thục lấy tên là Mê Linh ở đường Phan Đình Phùng vùng Kho Rèn. Thầy nhắn tôi đến gặp thầy. Tưởng là tôi yên tâm trở lại nghề cố hữu của mình là dạy học, nào ngờ mới được mấy tháng tôi nhận được một điện tín hỏa tốc yêu cầu tôi vào Saigon gấp để làm chủ hôn đám cưới, kèm theo lời đe nẹt nếu tôi không vào thì đám cưới sẽ hủy bỏ. Ký tên: Nguyễn Đức Sơn. Tôi buộc lòng tạ tội với Thầy không dạy tiếp được nữa, hộc tốc vào Saigon, trực chỉ Bình Dương làm chủ hôn đám cưới của bạn. Đây là đám cưới vô tiền khoáng hậu, độc nhất vô nhị, ngàn năm một thuở, về đủ mọi phương diện. Tôi bỏ dạy học, dù vạn bất đắc dĩ, vẫn không hối tiếc. Tôi làm một việc sét đánh ngang tai, nhưng là việc “một đời một lần” vì bạn, thủy chung vẫn vui lòng. Nguyễn Đức Sơn lên Blao. Sau đó Nguyễn Thị Phượng, vợ, lên theo. Hai vợ chồng sống trong khuôn viên trường Nông Lâm Súc, tại một căn hộ nơi ở trước đây của Trần Xuân Kiêm và Phùng Thăng. Thời gian này, Nguyễn Đức Sơn chủ trương biên tập tờ báo Mặt Đất 4 trang khổ lớn. Cả gia đình anh ăn chay trường.

Tờ báo Mặt Đất, số 1, trang 1, tháng 11/1965, có viết: “Đấu trường của bọn trẻ tự động và ý thức nhất. Chủ trương biên tập: NGUYỄN ĐỨC SƠN, vô gia cư, vô nghề nghiệp, vô địa táng. Tòa soạn lưu động tất hữu, và trường kỳ. Hiện tại không có địa chỉ liên lạc.”

Tôi ở lại Saigon cho đến đầu năm 1969 tôi trở ra Huế thì vừa kịp lúc một bạn của tôi mở tư thục Hưng Đạo và rất cần tôi chung tay góp sức.

Sau 1975, Nguyễn Đức Sơn đưa vợ con vào rừng, sống cách ly xã hội, không cho con cái đi học. Cả gia đình sống vô cùng khổ sở, thiếu thốn. Sáng sớm, anh thả con cái cho vào rừng hái lượm các thứ để điểm tâm. Chính trong cảnh này mà một đứa con trai của anh ngộ độc chết. Vợ anh may mắn thoát chết một phen. Anh ở vùng Đại Lào, Bảo Lộc, nơi Phương Bối Am của thầy Nhất Hạnh. Phương Bối Am là một vùng đồi ở Bảo Lộc, từ Saigon đi quốc lộ 20 lên Dalat, qua cầu Đại Lào, bên tay trái đi sâu vào xã Lộc Châu tới con dốc dẫn lên đồi Phương Bối Am. Thầy Nhất Hạnh đã cho xây một thiền thất giữa đồi thông. Sau năm 1975, thiền thất bị sập, cả vùng đồi tan hoang, chỉ còn lại cái bể cạn lớn, khô nước, trơ bốn vách tường xi măng. Nguyễn Đức Sơn cùng với vợ là Phượng và 9 đứa con (bảy trai: Thạch, Vân, Thảo, Thủy, Không, Lão, Yên, và hai gái: Phương Bối, Tiểu Khê) sống trong đó. Khoảng 1985, anh cùng với vợ canh tác và trồng hàng chục hecta thông.

Hình ảnh Nguyễn Đức Sơn (và luôn cả gia đình vợ con!) sống trong bể cạn khiến ta liên tưởng tới Diogène (Hy Lạp, thế kỷ 5 trước Công nguyên) mà người ta có thói quen cho là sống trong một cái thùng, thực ra là sống trong một cái bể đất nung. Hai người này giống nhau ở mấy điểm: bất chấp quy ước xã hội, sống một cách tự nhiên như giữa thiên nhiên, không tránh né cung xúc tu sỉ, nói năng bộc trực. Cái tính cách “xi - ních” này còn hàm chứa sự phóng túng trêu ngươi và ý hướng phô trương kham khổ. Bức tranh “Diogène sống trong chậu” vẽ năm 1860 của Jean-Léon Gérôme trình bày cho ta thấy nhân vật trung tâm là Diogène đang ngồi trong chậu lớn lau chùi cây đèn bão của mình với bốn năm con chó đứng ngồi chầu chực chung quanh. Trong đàn con của Nguyễn Đức Sơn, có Thạch bỏ ra đi từ lâu và có cuộc sống riêng. Thảo bị ngộ độc chết lúc nhỏ. Yên (sinh 1978) hai mắt rất yếu, gần như mù. Vân (sinh 1973) đi tu, làm thơ, làm nhạc, dốc sức nuôi các em, trong đó có Thủy đang theo học cao cấp Phật giáo tại Saigon. Hai gái là Phương Bối và Tiểu Khê cùng nhau về Saigon sinh sống.

27/1/1996. Sau một thời gian dài không nhận được tin tức, hôm nay, cuối năm Ất Hợi, xuất hiện trước cửa ngõ nhà tôi, ở Huế, một thầy tu cao gầy, trẻ tuổi. Mới nhìn qua biết ngay là con của Nguyễn Đức Sơn. Đây là Nguyễn Đức Yên đi cùng một sư cô tên Hòa. Yên ở lại nhà tôi 10 hôm, chỉ ăn được một món: rau luộc chấm xì dầu.

26/4/1996. Ba tháng sau, Nguyễn Đức Sơn cùng vợ là Nguyễn Thị Phượng đến Huế và ở lại 10 ngày, gặp gỡ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Thái Ngọc San, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao, Bửu Ý. Hai vợ chồng gầy yếu quá, nhất là Phượng cầm chén cơm không nổi.

5/6/2004. Nguyễn Đức Lão báo tin Nguyễn Đức Sơn được đưa vào bệnh viện Bảo Lộc, xuất huyết não và xuất huyết đường ruột.

1/8/2004. Sáng sớm Nguyễn Đức Yên xuất hiện, lần này chỉ ở lại một ngày rồi đi xe đò vào lại Lâm Đồng.

22/6/2005. Đinh Cường điện thoại cho tôi, bảo hai ngày nữa từ giã Việt Nam đi định cư ở Hoa Kỳ, và có ghé thăm “Sơn núi”, nói thêm rằng Sơn núi hiện nay sống chung với ba đứa con: một trai “dở người” và hai gái Phương Bối và Tiểu Khê.

13/7/2010. Điện thoại từ Saigon của Nguyễn Đức Vân muốn gặp Đinh Cường nhờ vẽ bìa cho tập thơ của mình. Thời gian này, Đinh Cường từ Hoa Kỳ về thăm Việt Nam.

26/6/2011. Nguyễn Văn Tòng, bạn của Sơn Núi, gặp tôi và bảo Sơn Núi vừa qua một trận tai biến. Anh em đã xây cho anh một cái nhà gạch. Trước đó, năm 2006, anh em góp tiền xây cho căn nhà gỗ nhưng rất hôi khai vì phải tưới nước tiểu nhiều để trị mối.

8/8/2011. Đinh Cường và tôi đi Đalat để Đinh Cường triển lãm tranh cùng với Thân Trọng Minh, Hoàng Trọng Bân và Phạm Văn Hạng.

Đinh Cường với tôi cùng đi Bảo Lộc thăm Nguyễn Đức Sơn. Gặp Sơn, Phượng và hai con trai Vân, Yên. Nguyễn Đức Vân đi tu, làm thơ, làm nhạc (Vân có thu đĩa một số nhạc phẩm của mình với những giọng hát khá nổi tiếng). Chính Nguyễn Đức Sơn cũng thích nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển Tây phương, anh thổi khẩu cầm (harmonica), thích Văn Cao (nhất là bài “Bến Xuân”), và đặc biệt mê giọng hát Hà Thanh.

30/11/2013. Sau khi khai mạc triển lãm tranh (Đinh Cường, Thân Trọng Minh, Phan Ngọc Minh) tại 22B Khu Hòa Bình, nơi làm việc hàng ngày của cô Đào Nguyên Dạ Thảo, đoàn người gồm Đinh Cường, Nguyễn Quang Chơn, Nguyễn Dương Quang, Nguyễn Sông Ba, Bửu Ý đi về Bảo Lộc thăm Sơn và Phượng. Sơn Núi yếu đi nhiều, chống gậy nhưng miệng vẫn văng tục dòn dã.

26/2/2018. Bạn Tâm Nhiên đến tôi, báo Nguyễn Đức Sơn yếu, vừa ra viện.

11/6/2020. Nguyễn Đức Sơn (Sao Trên Rừng) (Sơn Núi) qua đời ở Bảo Lộc.

B.Y  
(TCSH378/08-2020)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • HỒ DZẾNH
             Hồi ký

    Mai sau dù có bao giờ
    Đốt lò hương ấy, so tơ phím này

                                 NGUYỄN DU

  • LÝ HOÀI THU

    Tôi nhớ… một chiều cuối hạ năm 1972, trên con đường làng lát gạch tại nơi sơ tán Ứng Hòa - Hà Tây cũ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy thầy. Lúc đó lớp Văn K16 của chúng tôi đang bước vào những tuần cuối của học kỳ II năm thứ nhất.

  • PHẠM THỊ CÚC

    (Tặng bạn bè Cầu Ngói Thanh Toàn nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ)

  • Người ta vẫn nói Tô Hoài là “nhà văn của thiếu nhi”. Hình như chưa ai gọi ông là “nhà văn của tuổi già”. Cho dù giai đoạn cuối trong sự nghiệp của ông – cũng là giai đoạn khiến Tô Hoài trở thành “sự kiện” của đời sống văn học đương đại chứ không chỉ là sự nối dài những gì đã định hình tên tuổi ông từ quá khứ - sáng tác của ông thường xoay quanh một hình tượng người kể chuyện từng trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều thăng trầm của đời sống, giờ đây ngồi nhớ lại, ngẫm lại, viết lại quá khứ, không phải nhằm dạy dỗ, khuyên nhủ gì ai, mà chỉ vì muốn lưu giữ và thú nhận.

  • CAO THỊ QUẾ HƯƠNG

    Tôi được gặp và quen nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào những ngày đầu mùa hè năm 1966 khi anh cùng anh Trần Viết Ngạc đến trụ sở Tổng hội Sinh viên, số 4 Duy Tân, Sài Gòn trình diễn các bài hát trong tập “Ca khúc da vàng”.

  • THÁI KIM LAN

    Lớp đệ nhất C2 của chúng tôi ở trường Quốc Học thập niên 60, niên khóa 59/60 gồm những nữ sinh (không kể đám nam sinh học trường Quốc Học và những trường khác đến) từ trường Đồng Khánh lên, những đứa đã qua phần tú tài 1.

  • Nhung nhăng, tần suất ấy dường như khá dày, là ngôn từ của nhà văn Tô Hoài để vận vào những trường hợp, lắm khi chả phải đi đứng thế này thế nọ mà đương bập vào việc chi đó?

  • Tôi được quen biết GS. Nguyễn Khắc Phi khá muộn. Đó là vào khoảng đầu những năm 80 của thế kỉ trước, khi anh được chuyển công tác từ trường ĐHSP Vinh ra khoa Văn ĐHSPHN.

  • Năm 1960, tôi học lớp cuối cấp 3. Một hôm, ở khu tập  thể trường cấp 2 tranh nứa của tôi ở tỉnh, vợ một thầy giáo dạy Văn, cùng nhà, mang về cho chồng một cuốn sách mới. Chị là người bán sách.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    LTS: Trên số báo 5965 ra ngày 07/02/2014, báo Thừa Thiên Huế có bài “Vài điều trong các bài viết về Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, của tác giả Phạm Xuân Phụng, trong đó có nhắc nhiều đến các bài viết về Đại tướng đã đăng trên Sông Hương số đặc biệt tháng 12/2013 (số ĐB thứ 11), và cho rằng có nhiều sai sót trong các bài viết đó.

  • NGUYỄN THỊ PHƯỚC LIÊN

    (Thương nhớ Cẩm Nhung của Hương, Lại, Nguyệt, Liên)

  • BÙI KIM CHI

    Trời cuối thu. Rất đẹp. Lá phượng vàng bay đầy đường. Tôi đang trong tâm trạng náo nức của một thoáng hương xưa với con đường Bộ Học (nay là Hàn Thuyên) của một thời mà thời gian này thuở ấy tôi đã cắp sách đến trường. Thời con gái của tôi thênh thang trở về với “cặp sách, nón lá, tóc xõa ngang vai, đạp xe đạp…”. Mắt rưng rưng… để rồi…

  • LÊ MINH
    Nguyên Tư lệnh chiến dịch Bí thư Thành ủy Huế (*)

    … Chỉ còn hai ngày nữa là chiến dịch mở; tôi xin bàn giao lại cho Quân khu chức vụ "chính ủy Ban chuẩn bị chiến trường" để quay về lo việc của Thành ủy mà lúc đó tôi vẫn là Bí thư.

  • NGUYỄN KHOA BỘI LAN

    Cách đây mấy chục năm ở thôn Gia Lạc (hiện nay là thôn Tây Thượng) xã Phú Thượng có hai nhà thơ khá quen thuộc của bà con yêu thơ xứ Huế. Đó là bác Thúc Giạ (Ưng Bình) chủ soái của Hương Bình thi xã và cha tôi, Thảo Am (Nguyễn Khoa Vi) phó soái.

  • (SHO). Nhân dân Việt Nam khắc sâu và nhớ mãi cuộc chiến đấu can trường bảo vệ biên giới tổ quốc thân yêu tháng 2/1979. Điều đó đã thêm vào trang sử hào hùng về tinh thần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.

  • NGUYỄN CƯƠNG

    Có nhiều yếu tố để Cố đô Huế là một trung tâm văn hóa du lịch, trong đó có những con đường rợp bóng cây xanh làm cho Huế thơ mộng hơn, như đường Lê Lợi chạy dọc bên bờ sông Hương, đường 23/8 đi qua trước Đại Nội, rồi những con đường với những hàng cây phượng vỹ, xà cừ, bằng lăng, me xanh... điểm tô cho Huế.

  • HOÀNG HƯƠNG TRANG

    Cách nay hơn một thế kỷ, người Huế, kể cả lớp lao động, nông dân, buôn bán cho đến các cậu mợ, các thầy các cô, các ông già bà lão, kể cả giới quý tộc, đều ghiền một lại thuốc lá gọi là thuốc Cẩm Lệ.

  • PHẠM HỮU THU

    Với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời và Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đầu năm 1942, sau khi vượt ngục trở về, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có quãng thời gian gắn bó với vùng đầm Cầu Hai, nơi có cồn Rau Câu, được Tỉnh ủy lâm thời chọn làm địa điểm huấn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
    Để đảm bảo bí mật và an toàn, Tỉnh ủy đã chọn một số cơ sở là cư dân thủy diện đảm trách việc bảo vệ và đưa đón cán bộ.
    Số cơ sở này chủ yếu là dân vạn đò của làng chài Nghi Xuân.

  • TRẦN NGUYÊN

    Thăm Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, như được trở về mái nhà thân thương nơi làng quê yêu dấu. Những ngôi nhà bình dị nối nhau với liếp cửa mở rộng đón ánh nắng rọi vào góc sâu nhất.

  • PHẠM HỮU THU
           Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 - 12

    “Có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi” (Nhà văn Phùng Quán).