Không gian xứ Huế

14:56 18/02/2009
LÊ HOÀNG HẢICon người từ khi cảm nhận thế giới xung quanh là lúc cảm được sự xa vắng, ly biệt... Nhớ hồi thơ dại, đứng trên bến sông trước nhà nhìn sang Cồn Hến thấy sông rộng lắm cứ nghĩ khó mà bơi sang sông được. Mỗi lần đi bộ từ nhà lên cầu Gia Hội dù chỉ vài trăm mét nhưng lại cảm thấy rất xa. Càng lớn khôn cảm nhận về khoảng cách được rút ngắn. Nhưng lạ thay khoa học ngày càng khám phá không gian, vũ trụ thì chạm đến cõi vô cùng.

Thời gian đến với nhận thức của con người muộn hơn so với không gian. Và người ta thường nói thời gian là chiều thứ tư trong không gian chúng ta đang sống. Khi ta nhìn vào dòng lịch sử hào hùng của dân tộc, nhìn vào những thời đại xa xăm trên thế giới trong mỗi chúng ta lại dấy lên nỗi niềm vời vợi của kiếp phù sinh. Phải chăng điều đó làm nên cấu trúc tư duy của loài người chúng ta, để rồi từ lối mòn tư duy đó mà thế giới chúng ta đã xuất hiện các triết gia, những nhà khoa học, các đạo sĩ, nghệ sĩ, những tay khủng bố, những người bình thường, cũng từ vết tư duy đó đã gợi lên cơn xao xuyến, hãi hùng, niềm vui hạnh phúc và nỗi khổ đau mà mọi người đang trải nghiệm. Không gian của một xứ sở không chỉ là vùng trời mây, sông núi... mà còn có cả những nền văn hóa đang tiềm ẩn, hiện lên trên xứ sở đó.

Xứ Huế, một vùng miền thơ mộng đã đi vào trong thi ca, hội họa... một xứ sở được mệnh danh là “bài thơ đô thị”, quê xứ của “thanh sắc thi ca” đã được cả thế giới công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi quần thể di tích gồm hệ thống kinh thành, lăng tẩm, miếu chùa, đền đài... và cả một nền âm nhạc cung đình vừa được ấn chứng là di sản văn hóa phi vật thể. Nhưng không vì thế mà không gian Huế chỉ hiển hiện nơi những di sản đó. Ngoài những màu thông thường thì sắc màu của không gian Huế thay đổi theo bốn mùa. Mùa Xuân, không gian Huế nở rộ những gam màu của các loài hoa, nhưng đặc biệt nhất là sắc vàng rực rỡ của hoa Hoàng Mai, biểu tượng của mùa xuân, đã khiến thi nhân Cao Bá Quát phải đảnh lễ (Nhất sinh đê thủ bái hoa mai). Mùa Hạ, dưới nền trời trong xanh bạt ngàn mây trắng chợt điểm xuyết những mảng màu đỏ thắm của những cánh Phượng đang khẽ lay theo những ngọn nến lung linh. Mùa Thu đất trời xứ Huế chuyển sang gam vàng mơ phơn phớt của màu lá đang rơi pha lẫn chút sắc mờ trắng của màn sương ảo diệu và chút tim tím mơ hồ. Mùa Đông không gian xứ Huế như được phủ một màn mưa trắng đục lất phất buồn và tản mác đâu đó những điểm nhấn mang màu hoài cổ.

Một ngày đông những sợi mưa trắng buồn níu trời gần đất, gây nên cảm giác cô quạnh, lúc này không gian Huế như bức tranh thủy mặc u hoài, gợi cảm. Buổi sáng mù sương những làn da bỗng mát lạnh khi va chạm vào những hạt nước li ti đang lờ lững khắp phố thị tạo nên không gian ảo huyền, thực thực hư hư.
Những lúc ngồi bên hiên phố nhìn chiều buông mà thấy lòng yên ắng lạ thường, phía Tây xa xôi những ánh tà dương cuối cùng sót lại, lất phất những lớp bụi mỏng ửng hồng mơ hồ như đời người và phía sâu thẳm của dòng Hương văng vẳng điệu Nam Ai, Nam Bình sao mà thê thiết, bi ai, bùi ngùi cái chất thôn làng ngay giữa phố thị và trên dòng Hương Giang mờ ảo ẩn hiện bóng hình của con đò lênh đênh về phía trời chiều bất tận. Không gian Huế là không gian của hoài niệm, khung trời xưa sẽ hiện về khi đâu đó trong không gian ngân vọng một điệu hò, phải chăng trong thăm thẳm cõi không gian xứ Huế đang tàng ẩn những cung bậc của “Hò”, một thể loại đặc trưng của làng quê Việt Nam. Và thi thoảng ta lại thấy ngay giữa phố hội yêu kiều nhộn nhịp lại tái hiện những lễ hội tế làng truyền thống nơi những ngôi đình làng đang ẩn dật một cách khiêm cung trong nội thành và những miền ngoại ô phố thị.

Sau những ngày lang thang miền núi đồi xứ Huế trở về, bất giác ngước nhìn lên dãy Trường Sơn cảm nhận được sự hùng vĩ của một vùng trời và thấy con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên bí ẩn. Một chiều tà chớm thu ngồi bên sông Như Ý trong xanh như ngọc, hướng ánh mắt phía trước cầu Trường Tiền lịch sử đã tồn tại hơn trăm năm mà lòng bỗng ngậm ngùi theo những nhịp cầu. Ô hay! nhịp cầu và nhịp đời hay nhịp bước chân đi uyển chuyển với đôi quang gánh trên vai những mệ, những o... trông thật nhẹ nhàng nhưng đã khiến cho cõi lòng tôi nằng nặng một nỗi xót xa, bởi bên dưới những đôi quang gánh là vệt thâm tím ám ảnh cả một đời người. Rồi cái âm thanh của gióng, gánh níu nhau hòa vào tiếng bước chân khô khốc cứ gợi lên trong tâm tưởng tôi những tiếng ray nghiến oan nghiệt của phận người đang cam lòng chịu đựng nỗi khốn khó nghiệt đầy uy lực hứa hẹn những tương lai xán lạn của xứ sở thân yêu. Dưới bầu trời trong xanh là những áng mây trắng trôi bềnh bồng như đang khảm vào phía núi tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình. Có những dịp đi đây đó, khi bạn đến Huế thì cảm nhận đầu tiên có lẽ thời gian nơi con phố này chậm hơn những nơi khác? Và không gian ở Huế thật êm đềm. Đúng vậy, nếu ban mai khi bạn vừa tỉnh giấc và nghe một tiếng gà gáy vừa ngưng, bạn sẽ cảm nhận được một sự yên ả đến lạ thường. Tiếng gà không những báo hiệu cho ngày mới bắt đầu mà tàng ẩn trong âm hưởng đó là cả một vùng trời thơ mộng, một khung cảnh yên bình.

Có thể nhìn không gian của Cố Đô Huế như những cặp không gian đối ngẫu nhưng luôn bổ khuyết cho nhau. Ví như Huế không có dòng sông Hương mơ màng thì không ai nhắc đến núi Ngự Bình và sẽ không bao giờ xuất hiện hai câu thi sấm của Bùi Giáng thi sĩ:
            Dạ thưa xứ Huế bây giờ
            Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”
Phía Bắc sông Hương là kinh thành cổ kính, cùng những dãy phố cổ Chi Lăng, Bạch Đằng, Bao Vinh trông thật tĩnh lặng thì ngược lại bờ Nam sông Hương là phố hội với những ngôi nhà chọc trời, những trung tâm vui chơi giải trí nhộn nhịp Ngự Bình, Thiên An... Nhìn ở góc độ triết học, ta có thể cảm nhận được tính lưỡng nghi của đất Cố Đô đã tàng ẩn trong không gian Huế và điều đó còn được thể hiện qua những bức tranh của họa sĩ Bửu Chỉ với bóng hình nhật nguyệt và chiếc đồng hồ khuyết tật được bao trùm bởi không gian ảm đạm, thăm thẳm đè nặng lên phận người gầy guộc... hay trong một số ca khúc của Trịnh Công Sơn như “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt”, “Trời xanh trong mắt em sâu”..., trong nhiều câu thơ của Ngô Kha như “nhìn nếp nhăn bao la trên vầng trán mẹ", "khoảng hư vô như cánh tay gối đầu”...
Phải chăng không gian của đất thần kinh là không gian của thanh, sắc, thi, ca? Không gian của nỗi niềm tri âm, hoài vọng... được hòa trộn bởi quá khứ, hiện tại và vị lai. Không gian mà khi trời chuyển mưa thì đông về, chớm nắng thì hạ lên. Một vùng không gian rất nhạy cảm đã tác động đến tâm thức của con người xứ Huế.

Huế là xứ sở chịu nhiều sự khắc nghiệt của thiên nhiên như lụt bão và hạn hán hàng năm. Đã có không ít những cơn bão, trận lụt lịch sử đã gây bao tang thương và hằn sâu trong dân gian như: cơn bão năm Thìn (1904) và người dân Huế có câu vè: “Bão năm Thìn xô cầu Trường Tiền gãy bốn, cột cờ gãy ba”, trận lụt năm 53 (1953), lụt năm 1975, bão năm 1985 và gần đây nhất là trận lụt thế kỷ năm 1999 đã khiến cho cả thế giới phải hướng vào xứ sở lạ lùng này. Nhưng lạ thay dù phải chịu sự khắc nghiệt đến vậy mà xứ Huế vẫn được mệnh danh là một thành phố xanh. Khi nói đến thành phố xanh, người ta thường nghĩ ngay đến màu xanh của cây cối. Điều này cũng được thi nhân Hàn Mặc Tử nói đến trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ” qua câu thơ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”.

Nhưng không hẳn như vậy, Huế, ngoài những mảng xanh của cây cối, vườn tược... còn có cả màu xanh của bầu trời và dải lụa biêng biếc của dòng Hương Giang danh tiếng. Để có những mảng xanh như vậy một phần do người Huế rất yêu quang cảnh thiên nhiên, phần do sự sắp đặt huyền diệu của tạo hóa. Hầu như không có thành phố nào có nhiều nhà vườn như ở Huế. Mặc dù trước đây đã có nhiều trận lụt lớn nhưng người Huế hầu như rất ít xây nhà cao tầng. Cũng từ những ngôi nhà vườn tưởng rằng đơn sơ nhưng nó đã trở thành một trong những nét văn hóa của người dân Huế. Có thể nói “Vườn Huế”, một xứ sở của văn hóa tâm linh là cõi để mỗi người đối diện với không gian nội tâm của chính mình. Khi nói đến không gian người ta thường nghĩ đến cái khoảng trống vật lý. Thật ra, không gian là những gì đang hiển hiện trước mắt chúng ta như cảnh đẹp của thiên nhiên, khoảng trống của trời mây sông nước và nét đẹp văn hóa được người dân bản xứ tạo dựng nên. Và để có những không gian vật lý đẹp phục vụ cho các giác quan của chúng ta thì chắc chắn rằng bên trong mỗi con người của quê xứ đó phải có một cấu trúc không gian tâm lý độc đáo, thắm đượm bản sắc dân tộc. Đó chính là văn hóa, cái nôi của sự tồn tại và phát triển.

Tiếc rằng, không gian vật lý của đất trời Cố Đô thơ mộng đang dần dần biến dạng bởi những tòa nhà cao tầng, những khách sạn chót vót... với kiểu dáng “là lạ” và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến không gian tâm lý của con người xứ Huế và du khách thập phương.

Phú Xuân, 9/2002
    L.H.H

(nguồn: TCSH số 193 - 03 - 2005)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • LÊ HUỲNH LÂMCó thể gọi xứ Huế là thành phố của những tiếng chuông. Sự khởi đầu của một ngày, một ngày mai hun hút trong tương lai cũng như một ngày tận trong nghìn trùng quá khứ. Một ngày mà âm thanh từ đại hồng chung phát ra; vang, ngân, vọng và im bặt. Người ta gọi âm thanh đó là tiếng chuông. Vậy thì, im bặt cũng là một phần của tiếng chuông.

  • MINH CHUYÊNCảnh làng mới Trà Tân cuối chiều mùa đông. Con suối chảy qua nước trong veo, róc rách. Phía tây con suối cách làng chừng nửa tầm mắt là rừng Sắc Rông, đủ các loại cây tầng tầng, lớp lớp. Cánh rừng đang chìm trong sương chiều. Rừng hoang vắng, huyền bí. Người ta kể sau ngày chiến tranh chấm dứt, rừng Sắc Rông càng trở nên bí ẩn. Người chỉ có vào mà không có trở ra. Vậy mà mấy tháng gần đây lại thường xuyên xuất hiện một người đàn bà ở đó.

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGNgày xưa nhà mẹ nghèo hung, cơm không có ăn, khố không có mặc, suốt ngày lang thang trong rừng đào củ mài củ sắn kiếm cái cho vào bụng. Có ngày không tìm được chi, bụng đói lắc lư.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTrước ngày Huế khởi nghĩa 23/8/1945, có một sự kiện khiến cả thành phố náo nức vui mừng: đó là việc lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ Huế ngày 21/8 thay cho cờ quẻ ly. Người chiến sĩ được đồng chí Trần Hữu Dực trực tiếp giao nhiệm vụ quan trọng ấy là chàng thanh niên 25 tuổi Đặng Văn Việt (ĐVV).

  • NGUYỄN QUANG HÀTạp chí văn nghệ của 6 tỉnh Bắc miền Trung gồm: Xứ Thanh, Sông Lam, Hồng Lĩnh, Nhật Lệ, Cửa Việt, Sông Hương có một cam kết thú vị, luôn luôn trong nỗi chờ mong là mỗi năm anh chị em trong tạp chí thay nhau đăng cai luân phiên, mỗi năm gặp nhau một lần, ở thời điểm thích hợp nhất do tạp chí đăng cai tự chọn.

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀOTháng bảy, nồng nàn hương lúa mới trên những ruộng lúc mới vừa mùa gặt tháng 5, mùi rơm rạ kéo tôi ra khỏi thế giới của những đường phố xênh xang, đầy bụi và chật người. Tôi leo lên một tầng gác và nhìn về hướng quê tôi, hình dung đủ thứ nhưng nhớ vẫn là khói lam chiều với dáng mẹ tôi gầy cong như đòn gánh.

  • VĨNH NGUYÊNPhải nói tôi có ý định dông một chuyến xe máy ra Bắc đã lâu mà chưa có dịp. Nay có điều kiện để đi song tôi vẫn băn khoăn, không hiểu chuyến đi này mình sẽ gặp những ai đây? Hay là phải thở dài dọc đường xa với những cảnh đời khốn khó? Thôi thì tôi chỉ biết đi và đi.

  • VÕ MẠNH LẬP                Ghi chépNhân vật Mười Hương nhiều người đã biết đến qua sách báo và đặc biệt là vùng đất Nam Bộ - Sài Gòn.

  • DƯƠNG THÀNH VŨTrong đêm mỏng yên tĩnh dịu dàng, một mình một cõi với ly rượu trắng, cùng mùi hương của hoa rộn ràng, huy hoàng phát tiết; tôi miên man nhớ tới cõi người đến- cõi người đi nơi xa chốn gần, thời gian tuyến tính lẫn thời gian phi tuyến tính.

  • NHẬT HOA KHANH Mười năm những mấy ngàn ngày... (Tố Hữu: Mười năm )

  • TRUNG SƠNĐoàn văn nghệ sĩ Thừa Thiên - Huế (TTH) lên đường “đi thực tế” một số tỉnh phía Bắc vào lúc lễ giỗ Tổ ở đền Hùng (10 tháng 3 âm lịch) vừa kết thúc. Tiền có hạn, thời gian có hạn chưa biết sẽ tới được những đâu, nhưng ai cũng “nhất trí” là phải lên Phú Thọ thăm Đền Hùng, dù lễ hội đã qua.

  • ALẾCHXĂNG GRINTại Luân Đôn, mùa xuân năm 1921, có hai ngài trung niên ăn mặc sang trọng dừng chân ở góc đường, nơi phố Pakađilli giao nhau với một ngõ nhỏ. Họ vừa ở một tiệm ăn đắt tiền đi ra. Ở đó, họ đã ăn tối, uống rượu vang và cùng đám nghệ sỹ của nhà hát Đriuđilenxky đùa cợt.

  • PHONG LÊQuê tôi là một xã nghèo ven chân núi Mồng Gà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ Hà Nội, việc về thăm quê, đối với tôi không mấy khó khăn. Hồi là sinh viên thì mỗi năm hai lần, lần nghỉ hè lần nghỉ Tết. Khi đã là cán bộ, có gia đình thì mỗi năm một lần, cả nhà dắt díu về, với hai hành trình là tàu hoả từ Hà Nội vào Vinh, rồi là xe đạp từ Vinh về nhà.

  • NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ ông hay, nổi tiếng, nhiều người ái mộ. Thời buổi “nhuận bút không đùa với khách thơ”, kinh tế khó khăn, gia đình ông vẻ như cũng “rất ư  hoàn cảnh”.

  • ĐẶNG NHẬT MINHGia đình tôi ở Huế có một cái lệ: cứ vào dịp trước Tết tất cả nhà cùng nhau lên núi Ngự Bình quét dọn, làm sạch cỏ trên những nấm mộ của nhũng người thân đã khuất. Sau đó trở về nhà thờ của dòng họ, cùng nhau ăn một bữa cơm chay. Cái lệ đó người Huế gọi là Chạp. Ngày Chạp hàng năm không cố định, có thể xê dịch nhưng nhất thiết phải trước Tết và con cháu trong gia đình dù đi đâu ở đâu cũng phải về để Chạp mộ.

  • DƯƠNG PHƯỚC THUMùa xuân năm Đinh Mùi, 1307, tức là chỉ sau có mấy tháng kể từ ngày Công chúa Huyền Trân xuất giá qua xứ Chàm làm dâu, thì những cư dân Đại Việt đầu tiên gồm cả quan binh gia quyến của họ, đã rời khỏi vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã theo chân Hành khiển Đoàn Nhữ Hài, vượt qua ngàn dặm rừng rậm, núi cao, biển rộng đến đây cắm cây nêu trấn yểm, xác lập chủ quyền quốc gia.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGNhững ngọn gió heo may cuối cùng đã tắt. Nắng buổi sáng hanh vàng ngoài bến sông. Hàng cây trên phố Huế đã chừng như thay lá, lung linh một màu lá tơ non, mỏng như hơi thở của bầy con gái trường Hai Bà Trưng đang guồng xe đạp đến trường. Mùa xuân đã về bên kia sông. Đã về những cánh én nâu đen có đôi mắt lay láy màu than đá. Đã về những đóa hoa hoàng mai, vàng rưng rức như một lời chào ngày tao ngộ...

  • TÔ VĨNH HÀCon chó Giắc nhà tôi đẹp nhưng mà hư quá. Tôi hét nó nằm thì nó cứ giương mắt ra, rồi ngồi. Tôi không cho nó chạy vào nhà vì sợ nó làm bẩn cái nền nhà vừa lau thì nó đi vòng cửa sau, khi tôi ra cửa trước. Bực nhất là ngày lễ - nói chung là những ngày có việc, bất cứ ai vào nó cũng sủa rộn ràng. Tôi thì không muốn xóm giềng để ý. Vậy mà chó có biết cho tôi đâu...

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGGhi chép 1.Tôi tự đặt ra một “hạng mục” đinh cho chuyến đi thực tế sáng tác ở A Lưới lần này, và hạ quyết tâm thực hiện bằng được, đó là: phải lên được Đồi Thịt Băm!

  • LGT: Liên Thục Hương là một nhà văn Trung Quốc đương đại, tự ví mình là con mèo đêm co mình nằm trên nóc nhà, nhìn cuộc sống thành phố tấp nập đi qua đáy mắt. Liên Thục Hương còn ký bút danh Liên Gián, có số lượng bản thảo lên tới hơn hai triệu chữ. Năm 2003, “Bài bút ký đầy nước mắt” đã được post lên mạng và năm 2004 nó đã được dựng thành phim và bộ phim ngắn này làm tiền đề cho tác phẩm điện ảnh đoạt giải thưởng của Trung Quốc. Sông Hương xin giới thiệu câu chuyện này qua bản dịch của nữ nhà văn Trang Hạ.