Khói

15:10 17/04/2018

TRU SA   

Mùi khói, có khói. Ai đấy đốt lửa.

Minh họa: Nhím

Làn khói rất nhẹ. Tôi chỉ ngửi thấy thoang thoảng. Chắc ngọn lửa cháy ở xa. Lửa không lớn đến mức tạo thành hỏa hoạn. Mùi khói vô tình lọt vào gió, cũng vô tình tôi hít một cái, thấy cay. Lúc hít thêm một hơi nữa thì mùi khói đã không còn. Ngọn gió đã thoắt mất hoặc gió hớp kiệt mùi khói. Từ một mảnh giấy, khúc gỗ nhỏ, tấm ván, đệm mút hay miếng nhựa… Chỉ cần một ngọn lửa đủ nhiệt độ là hình thành một đám cháy, nhỏ thôi. Khói tỏa theo cái đuôi chuột lửa. Sáng hôm qua, tôi gom lá cây sau vườn đốt. Lửa bén, cháy cao dần và khói cũng bốc cột dài. Khói cay xè mắt. Giờ, cũng là buổi sáng. Lại có khói cháy từ đâu đó. Một ai đấy đang đốt lá cây. Hoặc, một ít sách vở cũ, vì không muốn bán đồng nát nên châm lửa.

Khói xộc cao từ mọi nẻo đường. Những ngõ phố đều có khói bốc. Không phải nhà ai cháy. Cũng chẳng phải đô thị quá nhiều lá cây rơi đến mức phải tổ chức nhiều cuộc đốt lửa. Nhà này đốt vàng mã cho ngày giỗ gia tiên, nhà nọ đốt hình nhân thế mạng, một nhà khác cũng gom giấy đốt trên sân thượng. Vàng mã, đô la hoặc chỉ là lá cây. Không thiếu những ngày mùa đông quá rét nên người dân phải đốt lửa ngoài vỉa hè. Những khúc gỗ thừa nơi công trường, một cỗ bàn ghế hỏng, các cành cây rơi vãi, rồi thì một cái cây nhỏ bị chặt đổ, nhiều khi là sách báo cũ đều thành nguyên liệu tạo lửa. Khói xì theo lửa, ám đen một phần, hoặc ám đen hoàn toàn ngọn lửa lẫn người đốt lửa. Tôi từng vừa sưởi lửa vừa ho. Bởi không hẳn trong đám lửa là gỗ. Có cả nhựa, vỏ nylon, mảnh sắt gắn trên thanh gỗ, những thứ gây nhiều khói nhất. Thứ khói khét lẹt, hăng hắc khiến tôi không ít lần ho sặc sụa.

Lúc đấy, một đoạn khói dài vẩn cao. Những bộ mũ mão, đôi ngựa, đô la và nhà cửa cháy tan nát và hóa khói. Nhiều bàn tay chắp lại, khấn trước đám khói dày. Người lẩm bẩm, người không. Vài cái bóng đứng ở xa, nhìn các cột khói từ mọi nẻo phố. Những dây khói, lúc ngắn, lúc dài, dày dần, mỏng dần, lúc bị gió cắt tan và cuốn đi, khi lại bay thành từng vòng như con rắn cuộn mình. Trong đền, miếu khói được triệu gọi từ ngọn lửa đốt sớ. Ngủ, rồi thức ngay vì chợt hít phải mùi khói. Chẳng phải thứ khói êm của cỏ. Mùi hơi khen khét, hoi nồng như mồ hôi hà mã. Nhiều khi đấy chỉ là mùi khói gây nôn nao, ói mửa. Loại khói dày và mất đi mùi hương nhẹ. Đơn thuần, chỉ là mùi khói đậm đặc. Hệt như con cóc phồng cổ và nổ tan xác. Tôi có thể mường tượng ra khói đen tràn ra từ các ống khói công nghiệp. Mọi người tỉnh ngủ vì khói chui vào nhà qua lỗ cửa và đuổi họ khỏi giấc ngủ. Sẽ chẳng ai bắt bẻ ai ngoài những câu thóa mạ hời hợt. Hôm sau từng người sẽ đốt vàng mã. Những cổng miếu, đền mở ra. Một lượng sớ, tiền vàng được đốt. Khói kết tụ nhanh như đám mây báo hiệu trời oi. Màn khói trắng mờ, rồi ngầu ngầu. Cột khói vươn cao trong ngọn lửa và uy thế hơn cả ngọn lửa. Trong một mẩu báo đốt vội để thành khói, tôi thấy một cáo phó.

Vì lẽ gì mà em bé gái lạ mặt quen ném con gấu bông vào đám lửa. Con gấu Misa, lông vàng, tai buộc nơ với cái miệng cười bị nấu chảy từ từ. Bộ lông, với các khúc chân, tay, những sợi bông dạ cháy khét lẹt. Cái cúc đen, nhỏ hình hạt nhãn được đính thay mắt cũng cháy, chảy và biến khói. Màu khói đen nuốt chửng chú gấu và biến nó thành cục mủ đen chảy khét. Lửa bé thôi, đủ để nấu chảy mọi thú nhồi bông. Tất cả thành khói. Bé gái nhìn bãi khói. Em đứng thế cho đến khi đám cháy ngấm hết vào đất. Chỉ còn tàn vật là một đống đen nhão nhoét còn nóng và còn tỏa khói hắc.

Không ai biết một vật bị thiêu sẽ thành gì. Bắt đầu bằng một mẩu lửa. Rồi lửa cháy lan, to dần, hung hãn dần. Những cuộn lửa quấn vào nhau, liếm láp và cắn xé hình hài xấu số. Tàn trận, hoặc là một đám tro, hoặc một đoạn khói dài bốc nghi ngút như cây hương.

Khói được thổi lên từ lửa. Vệ đường, có người đốt vàng mã. Ngồi xổm mà đốt. Tiền vàng, rồi thì mấy cái khấn vái. Lửa riu riu, phụt cháy cao, hừng hừng bắn ra những mảnh lửa. Khói bốc cao, rồi cao mãi. Bên cái ngách nhỏ cũng ngửi thấy mùi khói. Không phải tiền vàng. Chỉ là những bộ xiêm áo thời phong kiến. Một đôi ngựa với thanh kiếm, thuyền rồng, ghế nạm vảy rồng chuyển sinh vào kiếp khói. Đã có người còn tống vào lò thiêu của miếu hàng chục hình nhân thiếu nữ. Những cô gái giấy, cửa Địa Phủ có mở cho các nàng không? Người âm nào sẽ đón nhận và ân sủng từng nàng như quân vương phương Bắc? Hay, kẻ âm kia sẽ mãi chịu án không siêu sinh. Cột khói đen đã chén sạch sành sanh các cô gái giấy. Rồi thì, các nàng sẽ xếp hàng xuống Địa Phủ, chuyển kiếp thành nữ tì tiên giới, bị cầm tù trong vương quốc khói, chết hẳn trong tro giấy hay sẽ vướng lại Dương gian như hồn ma bóng quế.

Khói nối đoạn, kết thành quầng lớn như lốc vòi rồng. Cột khói được đốt ở sân đền. Thầy cúng đứng quanh, vừa niệm vừa khều chỗ giấy vùi khuất để lửa bốc cao. Cột khói này, nảy mầm từ ngọn lửa ăn no căng sớ chữ nho. Người người khấn vái. Vái cao, vái thấp, quỳ mọp mà vái, dập đầu hoặc không dập đầu.

Lửa cháy xèo xèo, lập lòe như đèn nhấp nháy. Khói dâng thành cột và mọc dài, uốn mình dáng con rết trườn lên cung trăng.

Người ta đốt. Cháy hết. Thành khói hết. Những mâm lễ bằng giấy. Vẫn vàng mã. Vẫn hình nhân thế mạng. Đốt mũ mão ở đền, miếu, sân nhà hoặc một góc bất kì trong thành phố. Ở đây có người chết trẻ, một lí do… Ở đây từng có cây đa bám rễ một nghìn năm, một lí do… Ở đây trước cổng từ đường, một lí do… Ở đây sau cổng từ đường, một lí do… Ở đây tên láng giềng sát máu chết vào giờ lành, một lí do… Ở đây, chính là ở đây. Giấy vàng, mũ mão ở mọi nơi và cháy mọi nơi. Khói thốc cao, nghi ngút, xông đục cả góc trời. Bất cứ phân đường nào, đủ rộng để chất vàng mã đốt, người ta đều mang đến. Tàn giấy bay tứ tung, lắc rắc mưa phùn.

Đức thánh không ai thấy. Chỉ thấy cột khói dày chiễm chệ trên cao.

Em bé gái lạ mặt quen đứng trước một cột khói khét lẹt. Không còn chú gấu Misa. Một chú mèo Kitty, thỏ buộc nơ, cún tai cụp cùng nhiều gia đình búp bê bị chôn sống trong lửa, và thành con vật khói có mùi mồ hôi dầu khét lẹt. Em bé gái đứng thế. Khói phả lên mặt bé. Như một bàn tay không ngừng xòe rộng, khói cuốn lên mái tóc, luồn những ngón tay mềm nhão nhưng đầy sức mạnh vào mái tóc tơ. Mắt mũi em đi vào khói. Những con thú bông chảy nhão trong lửa, tiếp dinh dưỡng để khói thêm kềnh càng. Vệ đường xe vẫn phóng ngược chiều. Đống lửa còn cháy. Quầng khói ngả đen và bắt đầu chụp xuống em bé gái. Lần lượt từ cái cổ nhỏ, đến vai, rồi thân mình bé đều bị khói hít ngửi, sờ nắn. Một lọn khói ẩn trong gió và chui vào mắt tôi. Mắt tôi cay xè, ngứa ngáy và phải dụi mắt. Bẵng đi mấy giây, khi nhìn lại thì không thấy em bé gái đâu nữa. Quầng khói vẫn bốc cao vì còn lửa. Mùi cháy khét làm mũi tôi dị ứng, buộc phải hắt hơi. Đi về phía đám khói, tôi thọc tay huơ hoắng nhưng chẳng bắt được gì. Nắm vào khói thì khói tan rữa rồi tự liền lại. Không biết em bé gái kia đâu. Một cái xe sau đám khói đã đón bé đi hay cũng như số thú bông mà em bé gái đã vùi vào lửa, bé không bị lửa nấu chảy nhưng đã bị khói táp chửng, bị đẽo rữa, bị bào mòn và thành thần dân của vương quốc khói.

Căn nhà nọ bị lửa thiêu đốt dù chưa đổ nát. Mọi vật dụng đã ra tro. Nhà vẫn trụ lại. Trong ngày lửa cháy, cuộn khói xộc vào từng ngõ ngách, luồn lách như con rắn. Khói bốc ngùn ngụt cả khi lửa đã tắt. Lửa không đánh sập căn nhà. Khói phủ đen từng mảng tường, biến căn nhà một phiến đá đen mù. Nơi đấy, tôi sinh ra. Thuở ấu nhi, tôi nghe nôn nao người trong nhà kể rằng không hiểu sao đêm đó nghe tiếng cháy nổ, sáng dậy mở nắp hầm đi lên thì thấy nhà như bị hun khói. Hay ai lén vào nhà mình hóa vàng cho tổ tiên, lỡ tay để lửa bén… Một điều gì đó đang khởi sự - Jean Paul Satre viết, mùi khói hăng, đầy nhựa độc làm tôi ọc ọe nhưng chẳng có gì vã khỏi ruột ngoài cảm giác tanh tanh ghê ghê của nhựa chảy trong lửa.

Khói ngập vào từng góc nhà. Sân đền, miếu khói xếp tầng tầng và nối cao như tòa tháp. Tượng nám đen vì khói hương. Biết bao ngày, rồi tháng. Biết bao thẻ hương phun khói. Khói kéo cuồn cuộn và phủ chìm mặt các tượng thờ. Một ngày lành, Thánh sẽ nhập tượng lắng nghe trước khi xoa lên những phiền muộn người đời và rửa sạch trong cảm giác nhẹ thênh mái đầu. Mũ mão nhiều quá, nhà thánh đâu cần nhiều hơn một manh áo. Tiền vàng nhiều quá, bậc thánh ra đi với hai bàn tay không. Bùa sớ nhiều quá, cửa thiêng đâu phải đàn phép trừ yêu của pháp sư. Thánh đi rồi. Tôi không tìm thấy cây bồ đề. Tôi lần ra những cây đa, cây đại dính nhan nhản tiền trần thế cùng sớ phép yểm ma, triệu hồn. Tiếng bong bong, không phải chuông chùa, một đội diễu hành đang phăng phăng ngoài đường. Người người đổ rạp, cúng vái, hiến vật phẩm vào ngọn khói trong lửa. Sớ chữ Hán quắp mình trong lửa rồi cháy rụi thành các mẩu khói.

Tôi dội một chậu nước. Lửa tắt phần nào. Khói vẫn phù phù. Mùi khói đau lòng kinh khủng. Một cú sau gáy làm tôi gục xuống. Người ta tìm lửa. Chân tôi bị kéo. Người ta khấn vái. Khói bùng cao. Lửa không cháy, chỉ còn khói mang màu lửa đang lan rộng. Cháy và khoét hoắm khí thở như mũi dùi sát thủ.

Người ta hô dập lửa. Không có lửa. Chỉ có khói.

Người ta hô dập khói. Chỉ có khói. Chỉ có khói.

Trên trời, khói cuồn cuộn kéo dài từ bắc xuống nam. Khói phủ khắp nơi, xuyên vào mọi ngóc ngách. Khói ăn chữ, nhai giấy, thốc hết cả trời.

Khói đói, người người bốc hỏa. Khói đói. Chỉ có khói. Chỉ khói khói…

T.S  
(SHSDB28/03-2018)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Sông Hương xứ Huế đã bao đời miệt mài làm nên những nét tinh tế và độc đáo của văn hóa Việt Nam. Đó là dòng chảy giao hòa và dung hợp của nét văn hóa truyền thống dân gian với văn hóa cung đình với những con người Huế với những nét đặc trưng không lẫn với bất cứ nơi nào về giọng nói, tiếng cười, điệu hò và những món ăn Huế hấp dẫn.

     

  • ILIA ÊRENBUA
            Trích hồi ký

    Tôi đã viết, tôi đón đợi đại hội các nhà văn Xô-viết hệt như một cô gái đón đợi buổi vũ hội đầu tiên trong cuộc đời. Nhiều trong số những niềm hy vọng ngây thơ của tôi, có thể đã không được thực hiện, nhưng đại hội vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi như một ngày hội lớn, kỳ lạ.

  • HOÀNG LONG 

    Đây là một tiểu thuyết cực tiểu, gồm năm thiên. Và không có tên. Cũng như mọi thứ trên đời này đều như vậy. Tự thân không có tên. Chúng ta đặt tên cho chúng và ban cho vạn vật một ý nghĩa nào đó với chúng ta. Tất cả là do tâm tạo tác. Cái vọng tưởng đó của ta chẳng liên quan gì đến thế giới. Vì thế giới vận hành trong sự không tên.

  • NHÂN KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27/7/2013

    HỒNG NHU
              Bút ký

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                            

    Vừa mới hôm nào nhận thư Phong Sơn báo tin năm nay sẽ được mùa lớn. Lúa phơi màu rất đẹp.

  • VÕ NGỌC LAN

    Đi trong thành phố xanh này, ở đâu cũng thấy một màu xanh dịu mát. Có lẽ nhờ thế mà mưa nắng cứ đến rồi đi, cỏ hoa cứ bốn mùa làm xanh thêm cuộc hành trình mưa nắng.

  • BẢO CƯỜNG 

    Tiếng sáo làm bạn với con người ngay từ tuổi ấu thơ. Tiếng sáo gợi hồn quê hương dân tộc. Chỉ với một ống trúc giản dị, mục đồng đã chế tạo thành một ống sáo để thổi. Những ngày lùa trâu ra đồng các em ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo nghe réo rắt, vang xa đến tận cuối làng.

  • MAI VĂN HOAN

    Nhà thơ Hồ Chí Minh từng viết: “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Thơ xưa yêu cảnh thiên thiên đẹp). Có thể nói thiên nhiên tràn ngập trong thơ xưa - đặc biệt là mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông… Riêng về cỏ, các nhà thơ xưa rất ít nhắc đến.

  • NGUYỄN KIM CƯƠNG  

    Những ngày đầu Tết Mậu Thân 1968, quân dân ta tấn công và nổi dậy khắp các thành thị miền Nam, buộc lực lượng Mỹ và quân đội Sài Gòn phải phân tán đối phó.

  • CÁI NẾT  

    Trên cánh đồng lúa Mụ Dâu ngút ngàn, lạ thay, người ta không thấy màu xanh non của mạ, chỉ thấy một rừng hoa dài đến tận chân trời…

  • NGUYỄN THỊ THÁI  

    Bao lâu rồi dã quỳ nồng nhiệt, dã quỳ rủ rê, dã quỳ khắc khoải, dã quỳ đớn đau. Tây Nguyên thấp thỏm màu vàng, mỗi người có một lần đợi mong, người thiếu phụ mang trong ngực tháng mười mơ ước, nhập vào sắc hoa hoang dại mênh mang thương và nhớ.

  • NGUYỄN DƯ

    Đi đâu mà vội mà vàng
    Mà vướng phải hố, mà quàng phải xe

    Ngày nay, nhiều người sợ đi ngoài đường. Khác ngày xưa…

  • NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI

    Chiều hôm ấy mưa to lắm…
    Được cô cho nghỉ sớm, tôi rời lớp học thêm vật lý và đi dạo cùng đứa bạn thân. Thấy lề đường ướt sũng mà trái tim tôi cũng ướt theo. Nhìn qua thấy đứa bạn đang nói chuyện điện thoại với cha của nó… thì ra, hơn nửa tuổi thơ này… tôi đã không có cha! Trời hôm nay thật lạnh nhưng chỉ lạnh bằng một góc nào thật nhỏ của tháng ngày trước, cái ngày mà cha tôi ra đi… nỡ để lại trước mắt đứa con gái bé nhỏ của ông một cái xác không hồn…

  • HOÀNG HỮU CÁC

    Tiếng chân giày của trung tá Nguyễn Đình Sơn bước bồn chồn trên nền đất ẩm của căn hầm kiên cố dùng làm sở chỉ huy của đoàn B15 bộ binh là âm thanh duy nhất tôi nghe được ở đây trong chiều hôm nay.

  • THÁI KIM LAN

    Con thương yêu,
    Mẹ đang ở Huế, ngồi trong nhà của ngoại viết thư cho con. Con ơi, rời mùa Thu Munich về đây, lại thấy Huế cũng Thu.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
                  bút ký

    Hồ Tịnh Tâm lại đã đến mùa sen nở. Những cánh sen trắng khiêm tốn lấp ló giữa bạt ngàn lá xanh dịu. Mới đó, năm ngoái, sau cơn bão số 8, ngôi nhà lục bát trên hòn đảo giữa hồ bị đổ nát, cảnh hồ thật tiều tụy. Quy luật xoay vần của thiên nhiên quả là kỳ diệu.

  • TỐNG TRẦN TÙNG

    Xin được giải thích ngay cụm từ “đi mót” ở đây. Theo từ điển tiếng Việt thì nghĩa thứ hai của từ mót là “nhặt nhạnh của để rơi vãi hoặc bỏ sót”.  Tuy vậy, ở quê tôi, khi nói đến đi mót thì người ta nghĩ ngay đến đi mót ngày mùa, mùa gặt lúa, mùa cày khoai, mùa nhổ lạc…

  • THÍCH CHƠN THIỆN
                            Tùy bút

    Kinh Pháp Cú (Dhammapada), một bản kinh phổ biến nhất trong các nước Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền (Phật giáo thế giới) ghi: “Những người có đủ 36 dòng ái dục, họ mạnh mẽ rong ruỗi theo dục cảnh, người có tâm tà kiến hằng bị những tư tưởng ái dục làm trôi giạt hoài”. (câu 339)

  • NGUYỄN KHẮC THẠCH  

    Trên bàn tay Phật pháp vô biên hẳn còn nhiều hướng đi khác tích cực hơn và Tạ Thị Ngọc Thảo đã chọn phương pháp Vòng Thời Gian (hay Đạo pháp Calachakra) trong Mật giáo.

  • VIỆT HÙNG

    “Trên đỉnh Trường Sơn, ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu, anh giải phóng quân Lào biên giới đẹp sao...”*- Câu hát từ thời chống Mỹ, đã trở nên xa xăm, song giờ đây, thỉnh thoảng nó vẫn vang lên trên các sóng phát thanh...