LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Đi qua miền sơn cước lớp lớp mây mù giăng trên những đầu núi, vượt đèo A Co, những cơn gió đông của A Lưới heo hút, lạnh băng xộc từ những hẻm núi sâu táp sa mặt mũi.
Người Pa cô vui tết Aza, ảnh LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Cái lạnh vùng sơn cước miền Tây rét buốt làm tê rần da thịt, lên hai bàn tay lỡ chạm nhẹ vào gió trời lao xao giữa đường vắng. Cái lạnh thơm hương của những đóa hoa rừng e ấp nở đâu đó trên rừng xa. Mỗi lần lên chốn này, bài hát “Nụ cười sơn cước” của Tô Hải ngân vang, gởi lòng hoa trắng không tàn với khúc nhạc xuân đồng điệu giữa cảnh sắc núi rừng.
Ngày những bông lúa cuối cùng đã được tuốt hết nơi nương xa, đem về phơi phóng bỏ vào kho, mùa lễ hội Aza - Tết mừng cơm mới, cũng bắt đầu rộn rã khắp các veel (làng) Pa Cô. Ngỡ như núi rừng A Lưới xích đến bên nhau, cùng nắm tay hòa điệu Pâr-lư truyền thống bên lửa ấm nồng, bỏ mặc cơn giá rét không ngớt rủa hờn mưa gió. Miền sơn cước A Lưới, thường vụ mùa kết thúc vào giữa tháng 10 Âm lịch khi tiết trời se sắt. Chúng tôi đến đón tết Aza tại làng Đụt, xã Hồng Trung, huyện A Lưới cùng đồng bào Pa Cô nơi đây.
Đường vào làng sũng nước, cỏ cây lướt thướt trong màn mưa dày dặc. Phía cuối làng, mây sà cả xuống ruộng nương, khiến lòng người như tiếc nuối cái màu xanh mới đây thôi còn phủ khuất những thớ đất nâu. Cứ nhìn mãi cảnh mưa gió ấy, tết cơm mới lẩn lụt đâu mất theo bước chân qua hàng dậu thưa. Vậy mà, càng sâu vào làng, lửa bếp ấm nồng thắp sáng những ngôi nhà nấp kín dưới bóng cây ướt. Khói xông từ nhà ra ngõ, từ ngõ ra đường, đường phủ sương. Chúng tôi háo hức hẳn lên, bước nhanh vào một nhà sát đường nơi có ông Quỳnh Hồ - Trưởng làng Đụt đương chờ.
Lễ Aza còn được gọi với các tên khác như: Tết cơm mới, Lễ tri ân cây lúa. AZa là một trong những truyền thống văn hóa đặc sắc của người Pa Cô, một cái tết của đồng bào khi kết thúc vụ mùa, là cái tết tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Lễ Aza một năm được tiến hành một lần, với đồng bào Pa Cô là để cầu mong nương rẫy xanh tươi, mùa màng bội thu, nhà cửa bình an, mọi người trong nhà khỏe mạnh, không ốm đau, năm mới phát đạt, no ấm, con cái học hành tiến bộ hơn. Tết cơm mới Aza cũng là tết đoàn tụ, người Pa Cô dù làm ăn, sinh sống ở đâu cũng cố gắng về quê, sum họp cùng gia đình, cùng veel như người Kinh về nhà ngày tết Nguyên Đán. Có lẽ vì thế, Aza mang màu sắc tết của gia đình, dòng họ và của veel.
Để có những lễ vật dùng để cúng tế trong lễ Aza, người làng phải chuẩn bị từ những ngày trước đó. Mọi công việc ở các gia đình đều được phân công chu đáo, người lên rừng, kẻ ra nương, người ở nhà lo liệu các việc. Họ đặc biệt chú ý nấu món bánh Aquâr bằng nếp thật thơm dẻo, một loại bánh ví như bánh chưng, bánh tét trong tết cổ truyền của người Kinh. Những con vật trong nhà nuôi lớn được như gà, vịt, heo, dê… tùy khả năng của mỗi nhà được làm thịt để cúng tế. Các thứ nông sản do gia đình thu hoạch được từ ruộng nương về. Ngoài ra, đồng bào còn phân công người lên rừng bẫy thú, ra khe suối bắt cá để làm món ăn cúng các Giàng.
Thường thì công việc chuẩn bị được tiến hành trước ngày Aza một vài ngày. Đến ngày đã ấn định lễ, đại diện hội đồng làng sẽ đánh lên những tiếng trống da dê để báo hiệu thời khắc Aza đã đến. Ngày nay, do điều kiện sinh hoạt, tiếng kẻng sắt đã thay thế cho tiếng trống ngày xưa. Sau tiếng báo hiệu, các nhà bắt đầu dâng lễ cúng mời thần linh về dự lễ Aza. Các thần linh được cúng trong lễ Aza bao gồm: Giàng Tro - giống như Thần Nông của người Kinh, đại diện cho cây trồng; Giàng Pơnanh - thần Chăn nuôi, đại diện cho gia súc; Giàng Panuôn - thần Buôn bán; Giàng Sưtarinh - Thần Đất, cùng các thần núi, thần sông, thần suối, cây cỏ, động vật… Rồi còn có lễ vật dành cho các thần làng, dòng họ, rồi ông bà cha mẹ… Như vậy, hầu hết các thần đều được cúng trong dịp Aza. Một lễ Aza đầy đủ thường qua các bước nghi lễ truyền thống như: lễ giao ước, lễ tẩy rửa lễ chuẩn bị vật chất, lễ cúng Aza, nghi lễ ăn tết Aza chung cả làng.
Mâm cúng tế ngày lễ Aza không nhà nào giống nhà nào, tùy thuộc vào hoàn cảnh vật chất và năng suất vụ mùa của mỗi gia đình. Đồng thời, sự khác nhau cũng bắt nguồn từ thần của dòng họ khác nhau của đồng bào. Những phẩm vật được mang cúng được chia làm 2 loại, thực vật và động vật. Thực vật bao gồm: lúa và nếp là lễ vật chủ đạo, được nấu thành cơm, hoặc làm bánh Aquâr; khoai, sắn, môn, mía, ngô… Các phẩm vật động vật là những con vật nuôi trong nhà như dê, lợn, gà, vịt hoặc thú rừng săn bắn được luộc hoặc nướng. Đặc biệt, hầu như nhà nào cũng cố gắng săn được một con chuột rừng để dâng lên các Giàng. Từ chuột rừng, người Pa Cô làm món Adut hay còn gọi là Alap là món trộn thịt chuột, nếp, sắn, đọt chuối và một vài gia vị khác. Đây là món đặc sắc của người Pa Cô trong ngày lễ Aza.
Đặc biệt, có một tín vật hết sức linh thiêng và không thể thiếu để thực hiện một nghi lễ trong quá trình tổ chức Aza là tâng-họt, được vót từ những cây tre nhỏ bằng cây đũa, tạo thành 3 tầng, y như những bông hoa bám lên thân tre. Chúng được cắm trên các lễ vật dâng cúng trong Aza. Sự đa dạng của lễ vật và món ăn được tăng thêm màu thiêng hóa bởi những bông hoa tre tâng-họt trắng trên màu tối của lễ vật, của không gian hành lễ.
Không gian của lễ cúng Aza trở nên lung linh, ấm cúng hơn khi những tấm dzèng treo quanh. Những tấm dzèng là phức hợp hoa văn vô cùng phong phú và đa dạng, tái hiện lại những chi tiết gắn liền với đời sống của đồng bào Pa Cô. Chúng thể hiện sự khang ninh của một gia đình, qua cách thể hiện lối tạo hoa văn bằng cườm một cách công phu, đầy sáng tạo. Các tấm dzèng được treo bên trên mâm tế hay treo quanh không gian bày lễ, tùy theo cách của mỗi gia đình.
Người nhà xông khói được lấy từ thân cây thông rừng, phả ra mùi hương dịu nhẹ, quyện không khí linh thiêng khắp nhà. Trong làn khói mờ ảo ấy, người chủ, đại diện cho cả gia đình ngồi bên mâm cúng tế tự mình xưng cầu những điều tốt lành, xung quanh con cháu chăm chú lắng nghe. Thi thoảng những tiếng chiêng, trống da dê vang lên đệm nhịp. Họ khấn rất lâu, chủ yếu là những lời tán dương các thần đã phù hộ trong mùa cũ, năm cũ, cầu mong các thần gia ân trong mùa mới, năm mới.
Xong lễ cúng, người nhà cùng nhau ném hoa tre tâng-họt lên rui nhà hoặc các vị trí cao như tủ, góc mái trong nhà. Tâng-họt đậu trên các vị trí ấy càng nhiều thì may mắn, thành công trong năm mới sẽ đến nhiều hơn với gia đình. Đây là phần nghi lễ tại nhà vui nhất, từ trẻ đến già mọi người đều phấn khởi lấy tâng-họt của mình để ném.
Người bạn trong chuyến đi của chúng tôi còn kể rằng, ở lễ Aza của đồng bào Pa Cô cũng có nghi thức giống đồng tiền âm dương sấp ngửa của người Kinh mỗi lần cúng vái. Đó là ở gia đình ông Ku Đanh, lâu lâu có 2 mảnh tre, được gọi là avõ-tâng-lân lâu lâu được ném lên sau mỗi câu xướng tên các giàng. Khi 2 mảnh avõ-tâng-lân rơi xuống, ông Ku Đanh nhìn chúng gật gù hay lắc đầu tùy vào cách rơi của chúng. Avõ-tâng-lân còn được các trưởng lão đem ra dùng tại Moòng chung hỏi những cơ sự của veel. Nghi thức này của người Pa Côcho thấy có mối tương đồng hoặc có sự ảnh hưởng từ dân tộc Kinh .
Sau khi tổ chức cúng các Giàng trong nhà xong, nhà nào cũng lấy một phần lễ vật mang đến nhà chung của làng để góp lễ chung vui với mọi người trong làng. Theo truyền thống, mỗi nhà tự giác góp chung lễ vật vào mâm lễ cúng tế của làng, không có sự phân biệt giàu nghèo. Lễ Aza của làng mang ý nghĩa cúng Giàng chung của cả làng. Đó là những vị thần bảo hộ cho làng và những người thành lập làng. Trước đây, khi chưa có Moòng chung, tức nhà sinh hoạt cộng đồng hiện nay, phần lễ vật giành cho làng sẽ được mang đến nhà dài, nhà sàn của trưởng làng để chung vui. Từ khi có Moòng chung, Aza của làng được tổ chức ở đây.
Lễ vật mang ra Moòng chung thường là những lễ vật ngon nhất của gia đình. Bóng dáng các em, các mẹ tay xách, lưng gùi lễ vật đi trong cơn mưa ướt át, giá lạnh trông rất thương. Con đường vào Moòng chung nhoèn nhoẹt đất đỏ, bùn lấm cả chân nhưng ai cũng tươi vui đi dự lễ.
Sau khi các gia đình trong làng tề tựu đến nhà sinh hoạt cộng đồng đông đủ, trưởng làng báo hiệu, bà con bắt đầu khấn nguyện sự yên bình, hòa hợp và no ấm cho làng. Trưởng làng và một vài vị cao niên đại diện cho làng, cho các dòng họ trong làng đứng ra làm lễ. Chốc chốc, dứt một lần tế với những câu xướng danh các giàng, một hồi chiêng nổi lên. Dứt hồi chiêng, việc cầu khấn lại tiếp tục. Sau đó, cũng như ở nhà riêng, ai cũng cầm hoa tre tâng-họt ném lên trần nhà sinh hoạt cộng đồng và vui cười.
Vậy là lễ Aza đã xong. Trưởng làng đánh chiêng báo hiệu sự mừng vui của làng cho mùa mới, năm mới bắt đầu. Khi Trưởng làng đánh chiêng, tiếng trống da dê cũng được cất lên hòa điệu chung vui. Đó là nghi thức đầu tiên, sau khi dứt giai điệu chiêng trống ngân vang ấy, nam thanh nữ tú trong làng bắt đầu đi vòng quanh nơi cúng giàng của làng và múa điệu pơchiêngcoon, điệu múa đầu tiên trong lễ Aza. Điệu múa tôn vinh thần mặt trời, vị thần mang lại sự ấm áp và xanh tươi của sự sống. Tiếp theo, các cô gái trong làng lại múa điệu tuốt lúa, tái hiện công việc nương rẫy của mùa đã qua và mong muốn một mùa mới bội thu. Đồng thời, đó còn là điệu múa mừng giàng Tro- vị thần nông nghiệp của người Pa Cô. Sự tôn vinh các thần qua từng nhịp điệu và qua trình tự các điệu múa tiếp diễn nhau.
Bên ché rượu cần, bếp lửa hồng, mùa đông tái tê như không còn ngự trị, dân làng ấm niềm vui trong ngày tết cơm mới. Khói xuân khi ấy từ đại ngàn tràn về chung hội cùng đồng bào. Khói ủ lên mái tranh, khói bay qua những vườn cây ướt lá, lan xa trong tiếng chiêng, tiếng trống mùa lễ Aza dưới chân núi Târ-coong.
bút ký của Lê Vũ Trường Giang
L.V.T.G
(SH312/02-15)
VĨNH NGUYÊN
Hồi ký
Boong tàu lau xong sạch bóng. Toàn thể mọi người tập trung boong trước ăn sáng. Ăn xong, tôi cùng một số anh em cụm lại (cũng ở boong trước) nghe đài tiếng nói Việt Nam. Hồi ấy, toàn phân đội, tàu nào cũng được phát một cái đài orionton để nghe tin tức, nghe chương trình ca nhạc vào những giờ nghỉ…
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Bút ký
Nếu có một biến động địa chất nào đó xảy ra thật nhẹ nhàng, khiến cho chỉ sau một đêm thức dậy, người ta bỗng thấy hai bờ sông Hương đã líp lại với nhau - nghĩa là thành phố Huế vẫn y nguyên, nhưng sông Hương không còn nữa...
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Nhìn trên bản đồ, vùng bờ biển của Huế là một dải đất hẹp, mỏng như lưỡi liềm.
LÊ HÙNG VỌNG
Bút ký
Buổi chiều sau giờ làm việc, hai chúng tôi thường tha thẩn đạp xe qua những đường phố cũ.
“Ký ức về nội” của Tâm Định Lê Văn Đại là một tạp ghi những câu chuyện mộc mạc ở một làng quê Cố đô Huế dưới dạng nguyên thô.
Tòa soạn trân trọng tính chân thật của người kể chuyện nên xin được trích đăng nguyên văn một số đoạn trong tập hồi ký nhỏ này, với mong muốn gìn giữ nếp nhà, nét văn hóa làng xã ngày xưa trước sức ép ngày một lớn của sự hiện đại hóa đời sống xã hội. Đây có thể là những đường viền rất nhỏ để bảo vệ sự thuần khiết, tính vĩnh cửu của đời sống văn hóa chúng ta.
VĨNH NGUYÊN
Cung đờn - nghĩa nôm này ở vùng này là tiếng gió. Mùa hè nóng bức, về phá Tam Giang, ngồi lên sàn nhà chồ của dân chài cắm giữa phá, ta mới thấy thắm thía tiếng gió ấy.
NGUYỄN KHẮC THẠCH
Lỡ chuyến đò có thể chờ chuyến đò sau. Lỡ mất cung có thể chuộc lại cung từ người nhặt được. Lỡ mất cái không biết tìm ở đâu đâu?
NGÔ ĐÌNH HẢI
Trên núi, có cây cỏ, chim muông. Có ngôi chùa nhỏ. Trong chùa có tượng Phật, có sư. Tất cũng có mõ chuông, tụng niệm.
NGUYÊN HƯƠNG
Nhớ có lần An Ni nói, nước một khi chảy sâu, sẽ không phát ra tiếng. Tình cảm con người một khi sâu sắc, cũng sẽ tỏ ra đạm bạc. Chính là sự giản đơn, cần kiệm. Ký ức cũng vậy. Nó không cầu xin sự chải chuốt kỳ cọ. Nó cần nguyên vẹn là mình.
TRU SA
Mùi khói, có khói. Ai đấy đốt lửa.
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Bút ký
Chưa cần đến âm nhạc, Huế từ trong tâm hồn nó đã mang sẵn một mêlôđy của riêng mình.
LÊ HƯNG TIẾN
NGUYỄN QUANG HÀ
Bút ký
Một cuộc hành trình chỉ có thời gian xê dịch. Còn con người thì cứ ở nguyên một chỗ, không đi đâu cả. Vẫn mảnh sân ấy, vẫn ngôi nhà ấy, vẫn khuôn vườn ấy.
BÙI KIM CHI
Ngoài trời bao la xinh tươi bao cô gái đẹp cười trông xinh như hoa. Lập lòe tà áo xanh xanh che bông tím vàng đẹp hơn tiên nga…
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Bút ký
Tiếng hát năm xưa bay vào không trung, se lại những mùa hoa vàng mấy độ. Trong màu xuân dát cả đất trời, người mở cửa bước ra, diễu chân qua từng ngõ từng nhà, lên đồi xuống phố, băng đồng sang sông…
NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI
Có một ngày nọ tôi nhẹ nhàng đến bên người và hỏi: Đã có bao giờ người đi lạc hay chưa?
LÊ BÁ ĐẢNG
Bài viết do Phạm Thị Anh Nga chuyển ngữ theo đề nghị của Đạo diễn Đặng Nhật Minh và bà Lê Cẩm Tế, nguyên Giám đốc Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, nhằm bổ sung cho cuốn phim tài liệu đang hoàn thiện về Lê Bá Đảng.
DƯƠNG THỦY
Tùy bút
Có năm hoa bằng lăng ở Huế nở hết mình. Khắp các ngả đường, cả vùng ven thôn quê, cây bằng lăng đơm hoa tím thẳm một màu. Chưa bao giờ bằng lăng xứ thần kinh nở dồn dập và tưng bừng đến thế.
TRẦN BẢO ĐỊNH
Một
Sông Bảo Định có nhiều chi lưu, một trong những chi lưu đó là rạch Bà Tàu. Thủy lộ con rạch lớn ròng tùy thuộc con nước rong kém và nó chảy cũng chẳng thẳng thớm gì cho lắm, có đoạn ngoằn ngoèo cong xoắn.
NGUYỄN ĐÌNH MINH KHUÊ
Tạp bút