LÊ VIỄN PHƯƠNG
(Nhân đọc Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng của Nguyễn Đăng Điệp, Nxb. Văn học, 2014)
Cuối thế kỷ XX, người ta hân hoan chờ đón một thế kỷ sẽ kết thúc trong sự ổn định và thịnh vượng nhưng tiếc thay điều đó đã không xảy ra. Ngược lại, ngày nay, thế giới đang trượt trôi theo nhiều ngã rẽ mà chính con người không thể tri nhận hết được chứ chưa nói gì đến việc kiểm soát sự trôi trượt đó. Sự thật là chúng ta đang lưu trú trong một xã hội hoàn toàn bất định và đầy rẫy những hoài nghi.
Đi cùng với sự biến đổi không ngừng của thế giới khách quan là sự thay đổi trong quá trình con người nhận thức về thực tại. Trước một thực tại bung vỡ và gãy vụn thì nghệ thuật cũng trở nên đa diện mạo, khó nắm bắt. Ước mơ một sự nhận biết toàn diện về nghệ thuật hôm nay là điều không thể. Nghệ thuật đang trở lại phản tư chính nó. Nhà thơ dường như đang cố gây hấn với người đọc bằng những thử nghiệm của họ và ngược lại, người đọc cũng đang đặt ra những hoài nghi đối với cái được gọi là nghệ thuật của chính người làm thơ. Những câu hỏi mà ngày nay người đọc thường đặt ra đối với thơ ca đương đại là: Thế này cũng được gọi là nghệ thuật ư? Rốt cuộc cái đẹp nằm ở đâu? Nếu nghệ thuật mà như thế thì bất cứ ai cũng có thể làm được nghệ thuật? Nếu không khéo giải quyết những vướng mắc đó thì có thể thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung sẽ trở nên lâm nguy.
Sự xuất hiện của những công trình định hướng cho sự nhận biết những vận hành, biến đổi về tâm thức cũng như kỹ thuật của thơ ca hiện đại để người đọc tránh được những ngộ nhận cũng như loại bỏ đi những nghi ngờ về các giá trị có thực của thơ hiện đại là một điều hết sức cần thiết. Và công trình Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng của Nguyễn Đăng Điệp là một trong số những công trình như thế. Công trình này được chia làm hai phần. Phần một là Hiện đại hóa và những khúc quanh lịch sử; Phần hai là Những sinh thể thi ca. Nhìn một cách tổng quát thì đây là một công trình đưa ra những góc nhìn mới về tiến trình, sự vận hành, biến đổi của thơ ca hiện đại và đưa ra những lý giải xác đáng về các hiện tượng thơ tiểu biểu trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
Qua những tiểu luận của Nguyễn Đăng Điệp có trong công trình này, người đọc thấy rằng trong quá trình nỗ lực hướng tới “mỹ học của cái khác”, các nhà thơ đã đưa ra được những cái nhìn khác để lý giải cuộc sống và tìm đến cách thực hành nghệ thuật mới lạ để chạm tới những cấp độ sáng tạo thực sự của nghệ thuật hiện đại.
Sự thay đổi của một nền nghệ thuật được bắt đầu bằng những nỗ lực của các cá nhân đơn lẻ, những nỗ lực đó khi được hợp nhất rồi cộng thông với những thay đổi của văn hóa, xã hội, chính trị... sẽ đưa đến những bước chuyển đổi về hệ hình. Sự chuyển đổi về hệ hình không phải là sự thay đổi một cách nhanh chóng, sự chuyển đổi đó là cả một quá trình dài lâu, trong đó có sự kế thừa và sự bội ước của hệ hình mới với những khuôn mẫu, lề thói của hệ hình cũ. Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: Những đổi mới thực thụ trong lĩnh vực nghệ thuật bao giờ cũng gắn liền với sự đổi mới về hệ hình tư duy (paradigm), về cách nhà thơ khám phá, thụ hưởng và biểu đạt thế giới...(*) Hệ hình tư duy mới luôn chứa đựng trong nó những cái nhìn mới và cách suy tư khác về sự hiện hữu. Và hơn hết, trong cái nhìn của Nguyễn Đăng Điệp thì hệ hình mới sẽ có một hình thức tổ chức diễn ngôn mới. Đó là sự hợp thành của ngôn ngữ, cấu tứ, bút pháp, giọng điệu với nội dung tư tưởng của người làm thơ. Thiếu sự kết hợp này thơ sẽ tự nó đi tới những giới hạn như: thơ sẽ thiếu sự khai phá về hình thức thể hiện; không đưa ra được những kiểu thực hành thơ khác biệt so với hệ hình trước và nếu chỉ chăm chú quá mức về hình thức thì tất yếu thơ sẽ trở nên vô cảm xúc, thiếu giá trị biểu nghĩa thực sự.
Dựa trên những căn bản về lý thuyết hệ hình, Nguyễn Đăng Điệp đưa ra những lý giải về sự biến đổi của thơ ca hiện đại Việt Nam từ Thơ mới cho đến hậu hiện đại. Theo nhà nghiên cứu này, thì dường như sự thay đổi của thơ ca trong tiến trình biến đổi lịch sử của chính nó được thể hiện rõ nhất qua các phương diện: Từ mô hình phản ánh hiện thực đến mô hình suy tư về hiện thực, từ hiện thực biết trước đến “hiện thực của giấc mơ” nhòe mờ bất định; từ cái tôi cá nhân đến cái tôi trữ tình công dân thời kháng chiến và cái tôi bản thể đa tầng trong thơ đương đại; từ ngôn ngữ “trong suốt” đến ngôn ngữ “mờ đục”; từ sự đan cài giữa phong cách cao sang và phong cách suồng sã bình dân; từ độc thoại đến đối thoại; từ xác tín đến hoài nghi... Những thay đổi này luôn nằm trong sự va đập về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội cùng với sự va đập trong chính nội giới của người nghệ sĩ khi họ bị quẳng ném vào thế giới và bị/được trở thành những kẻ liên can và nhập cuộc với thế giới, họ không có khả năng và quyền hạn để vượt ra được sự liên can này.
Qua Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng, chúng ta có được một cái nhìn mang tính tổng quan về những bước đi của thơ ca hiện đại nhưng bên cạnh đó, người đọc cũng nhìn thấy những lý giải sâu sắc và nghiêm xác về các hiện tượng thơ, khuynh hướng thơ tiêu biểu của mỗi giai đoạn lịch sử. Việc nhìn nhận của tác giả không theo lối cũ mòn mà luôn dựa trên những hệ thống lý thuyết mới để nhìn nhận, khai phá những bề khuất lấp trong các hiện tượng, tránh lối viết cảm tính thường thấy trong phê bình văn học trước đây. Ví dụ, ngày nay nếu nhìn Thơ mới về phương diện tư tưởng, bút pháp thì có lẽ khó đưa ra được những cái nhìn mới mẻ và mang tính phát hiện. Vì thế Nguyễn Đăng Điệp đã đứng trên lý thuyết Sinh thái học (Ecology), một học thuyết nghiên cứu về nơi sinh sống của sinh vật, và đối tượng nghiên cứu của bộ môn này là tất cả các mối tương tác giữa cơ thể sinh vật và môi trường. Đây là một hướng đi mới mẻ và đầy hứa hẹn cho nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Bằng sự rọi chiếu của lý thuyết Sinh thái học, Nguyễn Đăng Điệp đã làm rõ những vấn đề mang tính phát hiện của cá nhân tác giả trong sự truy tìm những khía canh mới của Thơ mới như: Tấm mạng sinh thái trong Thơ mới Việt Nam; Vạn vật hữu linh trong Thơ mới... Theo nhà nghiên cứu này thì, những vần thơ viết về thiên trong Thơ mới cũng có ý nghĩa đánh thức sự gắn kết giữa con người với môi trường nhân tính của tự nhiên bằng chính ngôn ngữ của tự nhiên, bằng thứ ngôn ngữ trong trẻo và nhiều khi tràn đầy dục tính, vì bản chất của dục tính là “sức sống.” Đó là một lộ trình thanh tẩy, một phương thức tái cấu trúc nhân cách, ngăn cho con người không trượt vào con đường tha hóa...
Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng cũng là một bức tranh phục dựng lại những giá trị thơ mà vì những lý do nằm ngoài văn chương nên người ta đã nhìn không được đủ đầy và công tâm. Một trong những giá trị ấy nay được Nguyễn Đăng Điệp nhắc tới chính là thơ của Trần Dần, người đã vắt kiệt mình vì muốn tạo ra một thứ quả lạ trong thơ và phải chịu nhiều cay đắng từ thứ quả “trái mùa” ấy. Nói về Trần Dần, Nguyễn Đăng Điệp cho rằng đây là một nhà thơ có ý thức lao động thơ trước hết là lao động chữ. Cho đến nay, ý thức về lao động thơ trước hết là lao động chữ không nhiều ở người làm thơ nước ta. Có vẻ như người làm thơ hiện nay chưa thực sự ý thức được vai trò của ngôn ngữ trong việc sản sinh ra hữu thể, chứa đựng hữu thể. Nhà thơ muôn đời là những kẻ canh giữ ngôi nhà của hữu thể bằng chính ngôn ngữ của mình theo như tư tưởng của triết gia Martin Heidegger. Ngày nay, trước sự lên ngôi của triết học ngôn ngữ, người ta ý thức rằng ngôn ngữ không chỉ dừng lại ở chức năng là phương tiện của nhà thơ mà chính ngôn ngữ có vai trò sản sinh ra những vật thể giả tạo, những bản thế vì, nó chính là ngôi nhà của sự tồn tại và là đôi cánh để khai sinh ra những kiểu dạng hiện thực khác, hiện thực nằm ở phía bên kia của lý tính. Vì ý thức được điều này nên thơ của Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Giáng... thoát ra khỏi sự trơ nghĩa, nghèo nàn. Thơ của họ là những thử nghiệm táo bạo về hình thức nhưng đồng thời cũng là những quảng diễn về tư tưởng của thi sĩ, của những kẻ mang khát vọng kiến thiết lại ngôi nhà của hữu thể. Sự thiếu giá trị biểu đạt, sự trống rỗng của thơ ca mang lốt cách tân hiện nay cũng đến từ sự chưa ý thức được những điều nói trên. Có thể sẽ có một tương lai què quặt của thi ca đương đại nếu người làm thơ ngày nay cứ trượt trôi đi trong những kiểu bắt chước phương Tây nhưng thiếu căn nền trầm trọng.
Khi thế giới trở nên bung vỡ, hỗn độn, khi con người nhận ra rằng sự tri nhận toàn diện về thực tại và điều bất khả thì ngay lập tức người ta quay lại hoài nghi mọi thứ. Cảm thức hoài nghi chi phối sự nhận thức của con người trước thế giới. Không có gì là ổn định, bất biến hay vĩnh cữu. Sự vật luôn được soi xét từ nhiều chiều hướng khác nhau. Thơ Việt Nam sau 1975 cũng dần trôi vào cảm thức hoài nghi khi nhà thơ biết rằng cảm hứng sử thi chỉ là những gam màu của quá vãng. Điều này được Nguyễn Đăng Điệp làm rõ trong tiểu luận Thơ Việt Nam sau 1975 - Một cái nhìn toàn cảnh. Trong cái nhìn của nhà nghiên cứu này thì thơ ca giai đoạn này có sự chuyển đổi rất lớn về tư duy nghệ thuật. Các nhà thơ chuyển từ “bè cao” sang “bè trầm. Cái nhìn sử thi đã phai nhạt và thay vào đó là cái nhìn phi sử thi... Đặc biệt, từ sau 1986 ý thức cởi trói trong thơ được xác quyết một cách mạnh mẽ, từ đó sản sinh ra nhiều quan niệm mới về thơ, về cả tư tưởng cũng như cách thực hành thơ. Từ đây ý thức nhìn cuộc đời bằng cái nhìn tỉnh táo và thơ ca hiện ra như một hình thức tra vấn không ngừng về lịch sử. Tiếp đó là nỗ lực khám phá sự phong phú của cái tôi ẩn dấu dám phơi bày những bi kịch nhân sinh hoài nghi những giá trị vốn đã ổn định để đi tìm những giá trị mới... Giờ đây, nhà thơ hoan hỉ lao vào khám phá nội giới của mình, trình ra những bề khuất lấp của cảm thức cá nhân bị đè nén bấy lâu. Và có lẽ “giải thiêng” là trò chơi được nhiều nhà thơ tham dự. Một trong những thành tựu lớn về mặt nghệ thuật của giai đoạn này chính là nhà thơ đã ý thức được sức mạnh của ngôn ngữ khi họ xem thơ như một ngôn ngữ. Sự thay đổi lớn trong cách thi sĩ nhìn về thế giới đã làm nở rộ các khuynh hướng thơ khác nhau. Trước hết đó là xu hướng viết về chiến tranh qua những khúc ca bi tráng về số phận của dân tộc. Tiếp đó là xu hướng trở về với cái tôi cá nhân, những âu lo của đời sống thường nhật. Tác giả cho rằng đây là xu hướng nổi bật nhất của thơ ca sau 1975. Khi nhà thơ tự do đi vào thế giới bên trong và choáng ngợp bởi sự vô tận của thế giới ấy thì họ tự nhận thấy giới hạn của lý tính trong việc lý giải và nhận thức ngay chính bản thân con người. Nhà thơ cùng với sự mơ mộng trôi vào vùng mờ của lý tính để theo đuổi những giấc mơ không biên giới. Nguyễn Đăng Điệp gọi đó là xu hướng đi sâu vào những vùng mờ tâm linh đậm chất siêu thực. Xu hướng thơ cuối cùng mà tác giả chỉ ra đó là xu hướng hiện đại/ hậu hiện đại. Trong xu hướng sau cùng này, tác giả cảnh tỉnh rằng dù đổi mới thế nào đi chăng nữa, dù sáng tác theo chủ nghĩa nào đi chăng nữa thì thơ ca vẫn là tiếng nói hồn nhiên nhất, nguyên sơ nhất và giàu tính nhân bản nhất của con người về cuộc sống, vì sự cao đẹp của con người.
Sứ mệnh của sáng tạo là làm ra cái mới. Điều này bất cứ một nhà thơ nào có trách nhiệm với con đường của mình cũng đều ý thức được. Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng thông qua các tiểu luận và những bài viết đi vào thế giới của những sinh thể thi ca như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận, Trương Đăng Dung, Nguyễn Quang Thiều... và những điểm xuyết sơ qua về nhóm Ngựa Trời, nhóm Mở Miệng... đã trực tiếp bàn về vấn đề cái mới trong sáng tạo. Trước hết, theo tác giả thì không phải cái mới nào cũng hay nhưng chắc chắn, cái hay nào cũng mới. Nguyễn Đăng Điệp cho rằng cái mới trong thơ trước hết nằm ở cách quan niệm mới của nhà thơ, ở khả năng đổi mới cảm xúc và chiều sâu lý giải thế giới. Ở đây, cái mới luôn gắn liền với cái lạ và cái khác biệt cùng với những điều đó là sự biến thiên không ngừng của chính những cái lạ. Cái mới phải dựa trên những căn nền triết mỹ vững chắc để tránh cho thơ không trống rỗng. Qua đây, chúng ta biết rằng việc đội lốt cái mới để trưng ra những trò chơi lố bịch, những câu chữ vô hồn thiếu sự biểu nghĩa thực thụ đang làm cho thi ca đương đại trở nên hỗn loạn, tổn thương cho người làm thơ cũng nhiều và gây nên sự hoài nghi trong người đọc cũng không ít.
Một trong những điều đáng chú ý trong công trình này mà tác giả muốn gửi tới bạn đọc chính là những âu lo về văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc thơ nói riêng. Suy cho cùng, dù thơ có được sáng tạo theo hệ hình lý thuyết nào đi chăng nữa thì mối quan hệ giữa người tiếp nhận và văn bản tác phẩm luôn là một vấn đề được giới phê bình quan tâm. Dựa trên những kiến văn mang tính hàn lâm nhưng không ngừng gây hấn như lý thuyết liên văn bản (intertextuality) của Julia Kristeva, sự tuyên bố của Roland Barthes về cái chết của tác giả... Nguyễn Đăng Điệp đi vào phân tích những thay đổi trong mỹ học tiếp nhận của hiện đại và hậu hiện đại. Mối quan hệ giữa bạn đọc và tác phẩm thơ hiện nay theo nhà nghiên cứu này thì đang vấp phải những thách thức. Thậm chí trước những vấn nạn của sự thức nhận vai trò của nghệ thuật đối với con người như ở nước ta thì sẽ có nguy cơ dẫn tới cái chết của người đọc. Tác giả cho rằng: Trong thời đại ngày nay, chẳng mấy ai dành thì giờ để đọc, mà nếu đọc thì cũng chẳng mấy ai bận tâm về ý nghĩa sâu xa của tác phẩm nghệ thuật. Đây là một hiện trạng đầy “nhức nhối” đối với một đất nước chưa hình thành xã hội đọc như ở Việt Nam. Đây là một thực trạng có căn nguyên từ nhiều hướng, trong đó sự đánh mất ý thức về vai trò của văn hóa đọc đối với sự khai minh của xã hội ở nước ta hầu như không được xem trọng. Sự cô đơn của tri thức và những nỗ lực của những người mang khát vọng chấn hưng dân trí là có thật. Điều này sẽ tiên báo về một nền thơ ca đương đại Việt Nam không mấy khởi sắc và thậm chí sẽ mang màu sắc ảm đạm.
Thơ Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay vẫn tiếp tục nằm trong quá trình hiện đại hóa, chúng ta vẫn đang trên đà rượt đuổi theo sự chuyển mình không ngừng của thi ca nhân loại. Mà nói như Nguyễn Đăng Điệp đó là quá trình khởi từ truyền thống đến hiện đại, từ khu vực ra thế giới, từ thế giới đơn tuyến đến thế giới đa tuyến, đa kênh…. Để thơ Việt thoát khỏi sự trì trệ trong tư duy thẩm mỹ, thiết nghĩ rằng người làm thơ cần ý thức được sự cần thiết thực sự của một cảm thức sáng tạo dựa trên căn nền của lý thuyết mỹ học, triết học và hơn nữa là dựa trên những nỗ lực vượt thoát lối tư duy cũ kỹ, bảo thủ của hệ hình nghệ thuật đang tồn tại nhưng không còn tương hợp với sự chuyển mình của xã hội hôm nay.
L.V.P
(SH306/08-14)
---------------------
(*) Những chữ in nghiêng trong bài đều được chúng tôi trích ra từ công trình này của Nguyễn Đăng Điệp.
NGUYỄN THỊ NGỌC ÁNH
Đọc truyện ngắn Hồng Nhu, tôi có cảm tưởng như mình đang lạc vào trong một thế giới huyền thoại, thế giới của những lễ hội, phong tục, tập quán xưa huyền bí mà có thật của người dân đầm phá Tam Giang.
Bằng sự tinh tế và thâm trầm của người từng trải, Nguyễn Đình Tú đưa tới góc nhìn đa dạng về người trẻ trong tập truyện ngắn "Thế gian màu gì".
Qua đi, với những hoa tàn tạ
Hoa trong hồn ta, ai hái được bao giờ
Victor Hugo*
Nhà báo Phan Quang nghiên cứu, phân tích truyện dân gian để mang tới bức tranh văn hóa xứ Trung Đông trong cuốn "Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập".
Những độc giả từng yêu thích Nắng và hoa, Thấy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò... - những tập sách đã có một góc riêng sang trọng trên kệ sách tản văn Việt bởi góc nhìn uyên thâm, giọng văn ảo diệu của GS Cao Huy Thuần - nay vừa có thêm một tặng phẩm mới: Sợi tơ nhện.
Y PHƯƠNG
Trong một lần đoàn nhà văn Việt Nam đi thực tế sáng tác ở Bình Liêu, Móng Cái (Quảng Ninh), tôi nghe mấy nữ nhà văn lao xao hỏi tiến sĩ - nhà văn Lê Thị Bích Hồng: “Đêm qua em viết à?” Bích Hồng ngạc nhiên: “Không đâu. Hôm qua đi đường mệt, em ngủ sớm đấy chứ”.
HOÀNG THỤY ANH
Mùa hè treo rũ
Trong cái hộp hai mươi mét vuông
Ngổn ngang màu
Ký tự chen chúc như bầy ngỗng mùa đông
Ngày lên dây hết cỡ
Chật
Dâng đầy lên ngực
Chuông nhà thờ chặt khúc thời gian
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Lâu nay, đọc thơ của trẻ em, tôi thường có cảm giác, hình như các em làm thơ dưới ngọn roi giáo huấn mà người lớn thường giơ lên đe nẹt trẻ con. Cho nên khi cầm trong tay tập thơ Cái chuông vú của bé Hoàng Dạ Thi “làm” từ 3 đến 5 tuổi, tôi không khỏi ngạc nhiên.
NGHIÊM LƯƠNG THÀNH
Đọc xong Những đứa con rải rác trên đường, cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Hồ Anh Thái (Nxb. Trẻ 2014), thoạt đầu tôi có cảm giác trống vắng.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Anh Cao Việt Dũng hỏi: anh có biết Lưu Quang Vũ không? Anh nghĩ gì về thơ Lưu Quang Vũ?
CHÂU THU HÀ
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tinh hoa và cốt cách của Người là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ, nhà báo.
DÃ LAN - NGUYỄN ĐỨC DỤ
Cách đây mấy năm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội có cho phát hành cuốn TỪ ĐIỂN VĂN HỌC (1983 - 1984). Sách gồm hai tập: tập I và tập II đầy cả ngàn trang, với sự cộng tác của nhiều tác giả.
MAI VĂN HOAN
"Dư âm của biển" - theo tôi là cách gọi hợp nhất cho tập thơ mới này của Hải Bằng. Đặt "Trăng đợi trước thềm" chắc tác giả gửi gắm một điều gì đó mà tôi chưa hiểu được. Song với tôi "Trăng đợi trước thềm" có vẻ mơ mộng quá, tên gọi ấy chưa thể hiện được giai điệu cuộc đời của thơ anh.
PHẠM PHÚ PHONG
Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984), hiệu là Lộc Đình, người làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thủ đô Hà Nội, là nhà văn, nhà nghiên cứu, biên soạn, khảo cứu, về nhiều lĩnh vực như văn học, triết học, sử học, ngôn ngữ học, đạo đức học, chính trị học, kinh tế học, giáo dục học, gương danh nhân…
Chuyện gì xảy ra trong ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn? Nhiều người đã viết về sự kiện này. Một lần nữa, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái - nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã lên tiếng, cùng với sự trợ giúp của vợ và hai con - Nguyễn Hữu Thiên Nga và Nguyễn Hữu Thái Hòa.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật cho ra mắt bạn đọc một số đầu sách về sự kiện lịch sử này, về lịch sử kháng chiến Nam Bộ và về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của toàn dân Việt Nam.
LÊ HUỲNH LÂM
Không khỏi bất ngờ khi cầm trên tay tập “Hôm qua hôm nay & hôm sau” của Vũ Trọng Quang do Nxb Đà Nẵng ấn hành vào tháng 1 năm 2006. Vậy là đã 9 năm.
PHẠM XUÂN DŨNG
Tôi và nhiều bạn bè sinh viên còn nhớ nguyên vẹn cảm giác lần đầu nghe bài thơ “Đêm qua” của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đêm cư xá Huế lạnh và buồn đến nao lòng tê tái.
Ý NHI
1.
Một buổi chiều, khoảng cuối năm 1989, chúng tôi có cuộc gặp gỡ tại nhà Trần Thị Khánh Hội, trong một con hẻm rộng, quận Phú Nhuận.