Khái niệm “vè” trong nhan đề các tác phẩm thuộc thể loại cùng tên

10:08 13/08/2021

TRIỀU NGUYÊN

1. Hiện nay, “vè” là tên của một thể loại, thể loại vè, thuộc văn học dân gian Việt Nam.

Ảnh: internet

Có cần đặt “vè” trước tên gọi các đơn vị văn bản thuộc thể loại này không? Một số tác giả trả lời là có, nhưng cũng không ít người bảo ngược lại. Chẳng hạn, đọc tên các tác phẩm được một số tài liệu ghi chép chúng vào thể loại vè, như sau: 1) Tài liệu Văn hóa dân gian huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ: a) “Sai anh trẩy Trấn Hưng” (tr. 60); b) “Phong cảnh làng Hương Nha” (tr. 60), c) “Cảnh làng Dị Nậu” (tr. 64); d) “Vè bán đồng” (tr. 67); e) “Chạy giặc năm 1892” (tr. 69);…(1); 2) Tài liệu Văn học dân gian Thái Bình: a) “Vè Bùi Đá và Hoàng Sỏi” (tr. 288); b) “Vè Ba Vành” (tr. 299); c) “Vè chống giặc biển” (tr. 304); d) “Vè Tạ Hiện” (tr. 309); e) “Vè Bang Tốn” (tr. 311);… (2) giờ nhà Nguyễn đã hư” (tr. 225); b) “Hoàng triều nay đức Hàm Nghi” (tr. 228); c) “Gặp vận phong ba” (tr. 234); d) “Tây vô Cửa Hội” (tr. 236); e) “Tây vô đốt phá tả tơi” (tr. 240);…(3); 4) Tài liệu Văn học dân gian Quảng Bình: a) “Vè mùa đông binh sĩ” (tr. 262); b) “Vè đảm phụ quốc phòng” (tr. 267); c) “Vè trận Phù Trạch” (tr. 271); d) “Vè khuyên chồng” (tr. 273);…(4); 5) Tài liệu Vè Thừa Thiên Huế: a) “Vè bảo ban con gái (bài I)” (tr. 93); b) “Vè năm đói” (tr. 125); c) “Vè Tự Đức lên ngôi” (tr. 142); d) “Vè Lợi Nông” (tr. 295); e) “Vè đi Tây” (tr. 307);…(5); 6) Tài liệu Ca dao, dân ca, vè, câu đố huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa): a) “Vè mưa lâm râm” (tr. 429); b) “Vè các loại rau” (tr. 430); c) “Vè hạ thú thượng cầm” (tr. 433); d) “Vè chê thầy pháp”; e) “Vè ở mướn” (tr. 454);…(6); 7) Tài liệu Văn học dân gian Sóc Trăng: a) “Vè chạy giặc” (tr. 788); b) “Vè Việt Minh” (tr. 790); c) “Vè 25 tháng Tám” (tr. 793); d) “Vè tranh đấu” (tr. 795); e) “Vè đánh trận Xẻo Me” (tr. 806);…(7)

2. Có thể thấy: nếu cho số lượng tác phẩm vè được nêu ở các tài liệu là bằng nhau, thì kém nửa không ghi “vè” vào tên gọi, trong lúc già nửa kia lại có. Dù các nhìn nhận vừa nêu được rút ra từ thực tiễn, nhưng cũng cần giải thích, nhất là trường hợp sau. Chẳng hạn, việc ghi “vè” vào đầu tên gọi có cơ sở từ lịch sử văn học hay không?

2.1. Ở văn học viết thế giới, một số tên thể loại (chẳng hạn: kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn,…), có khi được nêu sau tên tác phẩm dịch sang tiếng Việt, như một chú thích. Thử đọc một số: 1/ Những tên cướp (tập kịch) - của F. Sinle (Đức), Tất Thắng và Nguyễn Đình Nghi dịch (1983), Nxb. Văn học, Hà Nội; 2/ Gatxbi vĩ đại (tiểu thuyết) - của Scott Fitzgerald (Xcốt Fítgiêrơn, Mĩ), Hoàng Cường dịch (1985), Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội; 3/ Ngõ hẻm dưới ánh trăng (truyện và ký) - của Xtêfan Xvaig (Stêfan Zweig, Áo), Phùng Đệ, Lê Thi, Dương Tường dịch (1984), Nxb. Thanh Hóa;… 4/ Mưa (truyện ngắn) - của Somerset Maugham (Xômơxét Môôm, Anh), Nguyễn Việt Long dịch (1984), Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội.

Bài viết tạm đặt các yếu tố thể loại trong ngoặc đơn để tiện trình bày, chứ các tài liệu được dẫn đều in chữ bé hơn số chữ của nhan đề sách, ở bìa chính và trang phụ bìa (mà không đặt trong ngoặc đơn). Theo cách hiểu: [nhan đề sách] thuộc thể loại x; như Mưa thuộc thể loại truyện ngắn (x = truyện ngắn), nên Mưa là một tập hợp gồm nhiều truyện ngắn (“mưa” có thể là nét nghĩa chung cho các truyện, hoặc trong số những truyện ấy, có một truyện tên là Mưa - điều vừa nêu thuộc trường hợp sau). Khi tên sách chỉ duy nhất một văn bản, thì x có thể đặt trước thể loại x của [nhan đề sách]: thí dụ, có thể viết “Gatxbi vĩ đại tiểu thuyết”, đồng thời, cũng có thể viết “tiểu thuyết Gatxbi vĩ đại”. Theo đó, việc đặt trong ngoặc đơn hay ghi bằng cỡ chữ bé, ngay sau nhan đề một sáng tác (được in thành sách) là nhằm chú dẫn về mặt thể loại của tác phẩm ấy (lưu ý: dù cỡ và màu chữ không có tác dụng thay dấu câu, trong đó có dấu chú thích, nhưng khi trình bày sách - bìa và trang phụ bìa - người ta thường cho là có thể thay thế được).

2.2. Trong nhan đề thơ thời kỳ trung đại Việt Nam, cũng tìm thấy một số tác phẩm thuộc thể loại hay kiểu dạng văn bản liên quan, như “phú”, “chí”, “ca”, “ngâm”, “hành”, “từ”, “khúc”,… ở tên gọi. Chẳng hạn, “Ngọc tỉnh liên phú” (Mạc Đĩnh Chi), “Hoàng Lê nhất thống chí” (Ngô gia văn phái), “Long Thành cầm giả ca” (Nguyễn Du), “Cung oán ngâm” (Nguyễn Gia Thiều), “Dương phụ hành” (Cao Bá Quát), “Hoán tỉnh châu dân từ” (Khuyết danh), “Tự tình khúc” (Cao Bá Nhạ),… Không khó nhận ra, các từ mang tính thể loại, kiểu dạng tác phẩm, được đặt ở cuối nhan đề bằng Hán văn. Những nhan đề này khi chuyển sang tiếng Việt, có thể giữ nguyên (như “Hoàng Lê nhất thống chí”, “Dương phụ hành”, “Tự tình khúc”,…), hoặc đưa lên trước (kiểu “Ngọc tỉnh liên phú” thành “Bài phú về hoa sen trong giếng ngọc”), có khi bỏ đi (8).

Trần Trọng Kim (1950), trong Đường thi (Nxb. Tân Việt, Sài Gòn), đã dịch nhan đề của 33 bài có “ca”, “ngâm”, “hành”, “từ”, “khúc”, là bài, (khúc) hát. Trong lúc, nhiều dịch giả (1988), trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Nxb. Văn học, Hà Nội), đã giữ nguyên, không chuyển “hành” thành bài hát như ở Đường thi (cả bốn bài có “hành” ở tài liệu này, như “Sở kiến hành” được dịch là “Bài hành về những điều trông thấy”, tr. 356). Cũng bài “Sở kiến hành” ấy, sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Huỳnh Lý chủ biên (1987), Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 470) dịch là “Những điều trông thấy”, tức bỏ “hành”.

2.3. Không khó nhận ra, nếu trường hợp đầu (việc chú thể loại ở văn chương bác học), chỉ có phần gần gũi, thì ở trường hợp sau (một số tác phẩm văn học trung đại, ghi “phú”, “chí”, “ca”, “ngâm”, “hành”, “từ”, “khúc”,… trong nhan đề), đã thực sự tương ứng với hiện tượng các bài vè có ghi thể loại này vào tên gọi.

Mỗi khi đã như vậy, tức vấn đề có gốc gác từ lịch sử, thì việc nhìn nhận ít nhiều cũng xuất phát từ đó. Nếu làm khác thì hoặc khiên cưỡng, ngụy biện, hoặc mắc lỗi với cha ông.

Cũng nói thêm, hiện tượng trước thì có tên thể loại, sau đó lại không, như một số tác phẩm có ghi “thi” (thơ) vào nhan đề (kiểu “Khải hành thi” (Bài thơ lên đường), “Vấn Hằng Nga thi” (Bài thơ hỏi chị Hằng), “Toạ nguyệt thuật hoài thi” (Bài thơ tỏ nỗi lòng lúc ngồi ngắm trăng),…, của Lê Thánh Tông (1442 - 1497), thế kỉ thứ XV, hay “Ngẫu thành thi” (Thơ ngẫu thành), “Cảm hứng thi” (Thơ cảm hứng),…, của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), thế kỷ thứ XVI,…), chừng vài thế kỷ trở lại đây, có hiếm hơn; hiện nay, trong thơ hiện đại, hầu như không tìm thấy. Ngay các tác giả vừa nêu, với vấn đề đặt ra, cũng chỉ có một ít (không phải bất kỳ một sáng tác thơ nào của hai nhà thơ đều vậy, như với Lê Thánh Tông, chỉ một số có ghi “thi” vào nhan đề, tập trung ở Chinh Tây kỉ hành - ba tác phẩm vừa ghi đều được trích ở đó).

3. Có thể nêu vài nhận xét để khép lại vấn đề như sau:

- Trường hợp một số tài liệu có hoặc không ghi “vè” vào tên gọi tác phẩm thuộc thể loại cùng tên: a) Các tỉnh, xứ thuộc Đàng Trong (từ Quảng Bình trở vào Nam) ghi “vè” vào đầu các nhan đề của bài vè cụ thể nhiều hơn các tỉnh, xứ thuộc Đàng Ngoài (từ Hà Tĩnh hướng ra Bắc); b) Khi ghi “vè” vào đầu các nhan đề của bài, thì có khả năng nó sẽ làm chủ ngữ cho cả tổ hợp, tức biến vai trò khái quát của thể loại thành một yếu tố cụ thể của tên gọi - như văn bản “Vè chạy giặc”, có thể hiểu: “Bài vè [về việc] chạy giặc”, tác phẩm “Vè khuyên chồng”, có thể hiểu: “Bài vè [về việc] khuyên chồng”,...; ở đây, chúng danh hóa các tổ hợp động ngữ (“chạy giặc”, “khuyên chồng”). Trường hợp dịch tác phẩm nước ngoài, các yếu tố thể loại (như thơ, kịch, tiểu thuyết,…) được nêu kèm nhan đề như một chú thích: do tách rời, nên các tên thể loại vừa kể, về lĩnh vực ngữ pháp, không thành một yếu tố của nhan đề, hòng biến vai trò thể loại thành một phần tử của tổ hợp tên gọi đặt ra.

- Nói rõ hơn, việc có hay không tên gọi thể loại, kiểu dạng văn bản trong nhan đề tùy thuộc vào vai trò, vị trí của thể loại ấy ở người sưu tập, người thưởng thức. Chẳng hạn, ở một xã hội chuộng thơ như nước ta, mà bài thơ nào cũng có từ “thi” (hay “thơ”) trong nhan đề, là không cần thiết; bởi người nghe/đọc chỉ cần sau vài dòng là biết ngay bài ấy là thơ (thậm chí, thơ của ai), thì cần gì phải ghi nữa. Nhưng cũng có một số thể loại, kiểu dạng mà nếu không ghi, e người đọc sẽ không biết thật; như một số trường hợp đã nêu, hoặc “chiếu”, “cáo”, “hịch”, “thuyết”(9),... của văn học trung đại Việt Nam.

- Việc nêu “vè” trong nhan đề của những tác phẩm thuộc thể loại cùng tên ở nước ta, cho thấy xuất phát điểm của vấn đề liên quan đến văn học trung đại Việt Nam. Ở đây, tên một số văn bản kiểu phú, chí, ca, ngâm, hành, từ, khúc, chiếu, cáo, hịch,… được ghi vào nhan đề sáng tác như vè. Người ta có thể dịch nó hay không; tương tự với việc, có thể gọi đó là “bài vè [về việc]…”, hay nếu thấy không cần thiết, thì cứ đi thẳng vào nội dung chính cũng được (theo lối đặt tên vè phổ biến ở các địa bàn thuộc Đàng Ngoài, đã ghi).  

T.N
(SHSDB41/06-2021)

---------------------------
1. Tài liệu Văn hóa dân gian huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (Dương Huy Thiện (Chủ biên) (2012), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 60-72) chép 8 bài vè, trừ “Vè bán đồng”, 7 bài còn lại không ghi tên “vè” ở nhan đề; theo đó, tổng số bài có ghi “vè” trong nhan đề chiếm 12,5%.
2. Theo Văn học dân gian Thái Bình (Phạm Đức Duật (Chủ biên) (1981), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 288-384 - năm 2012, sách này được Nxb. Lao động in lại, có sửa chữa, bổ sung).
3. Tuy tài liệu Kho tàng vè xứ Nghệ, 9 tập (Ninh Viết Giao (1999, 2000), Nxb. Nghệ An), so với sáu đầu sách còn lại (được dẫn ở mục này) chỉ chiếm một phần bảy, nhưng nó có đến hơn 1.100 bài vè (hầu hết không ghi “vè” vào nhan đề như thế), nên số lượng văn bản của tài liệu này vượt trội, là điều cần chú ý.
4. Theo Văn học dân gian Quảng Bình (Trần Hùng (Chủ biên) (1996), Nxb. Văn hóa Thông tin, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Quảng Bình kết hợp xuât bản, tr. 212-275).
5. Theo Vè Thừa Thiên Huế (Tôn Thất Bình (Chủ biên) (2001), Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế xuất bản, Huế).
6. Theo Ca dao, dân ca, vè, câu đố huyện Ninh Hòa (Khánh  Hòa) (Trần Việt Kỉnh (Chủ biên) (2011), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr. 428-463).
7. Theo Văn học dân gian Sóc Trăng (Chu Xuân Diên (Chủ biên) (2012), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 695-836).
8. a/ Trường hợp “bỏ đi”, được trình bày tiếp theo. Do “phú”, “chí”, “ca”, “ngâm”, “hành”, “từ”, “khúc”,... đặt sau các tên gọi tác phẩm Hán Việt, khi chuyển chúng sang thuần Việt thì từ tương ứng được đặt lên đầu nhan đề, là điều ai cũng biết, nên không cần thiết phải nêu; b/ Xem thêm: Triều Nguyên (2002), “Ý nghĩa của ca, ngâm, hành, từ, khúc trong nhan đề thơ cổ”, Tạp chí Hán Nôm, số 2 (51), tr. 36-40.
9. Như: “Thiên đô chiếu” (Chiếu [về việc] dời đô, Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ), 974 - 1028), “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn Trãi, 1380 - 1442), “Dụ chư tì tướng hịch văn” (thường gọi Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn, 1232 - 1300), “Thiên cư thuyết” (Bài thuyết về chuyện dời nhà, Cao Bá Quát, 1809 - 1854),...




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Sóng đôi (bài tỉ, sắp hàng ngang nhau) là phép tu từ cổ xưa trong đó các bộ phận giống nhau của câu được lặp lại trong câu hay đoạn văn, thơ, làm cho cấu trúc lời văn được chỉnh tề, rõ rệt, nhất quán, đồng thời do sự lặp lại mà tạo thành nhịp điệu mạnh mẽ, như thác nước từ trên cao đổ xuống, hình thành khí thế của lời văn lời thơ.

  • LTS: Trên Sông Hương số tháng 10 - 2007, chúng tôi đã giới thiệu về công trình “La littérature en péril” (Nền văn chương đang lâm nguy) củaTzvetan Todorov - nhà triết học, mỹ học và nhà lý luận văn học nổi tiếng của Pháp.

  • Theo định nghĩa hiện nay, trường ca là một tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình.

  • (Phát biểu ý kiến góp phần vào nội dung Đề án Nghị quyết về “Xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH...” của Ban Tuyên giáo Trung ương).

  • 1. Cuốn sách về nhà tình báo nổi tiếng - anh hùng Phạm Xuân Ẩn (PXÂ) của giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman, khi được xuất bản bằng tiếng Việt có thêm phụ đề “Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn”.

  • Lâm Thị Mỹ Dạ là một nhà thơ trưởng thành trong phong trào chống Mỹ. Nhắc đến thơ chị, người ta thường nhớ đến những bài thơ mang đậm âm hưởng sử thi như Khoảng trời, hố bom, hoặc dịu dàng, nữ tính nhưng không kém phần thẳng thắn như Anh đừng khen em, hoặc nồng cháy yêu đương như Không đề…

  • "Không có cách khác, thưa ngài. Tất cả cái gì không phải văn xuôi thì là thơ; và tất cả cái gì không phải thơ thì là văn xuôi"(Gã tư sản quý tộc, Molière). Trên đây là định nghĩa "thâm thúy" của thầy dạy triết cho ông Jourdain, người mà đã hơn bốn mươi năm trời vẫn sai bảo người ăn kẻ làm, vẫn hằng ngày trò chuyện với mọi người bằng "văn xuôi" mà không tự biết.

  • Trong những vấn đề mới của lý luận văn học hiện nay, các nhà nghiên cứu thường nói đến chức năng giao tiếp của văn học. Khi nói văn học có chức năng giao tiếp thì cũng có nghĩa cho rằng văn học ở ngoài giao tiếp.

  • PHONG LÊ …Không đầy hai thập niên đầu thế kỷ, trong những thức nhận mới của đất nước, nền văn chương- học thuật của dân tộc bỗng chuyển sang một mô hình khác- mô hình quốc ngữ, với sức chuyên chở và phổ cập được trao cho phong trào báo chí, xuất bản bỗng lần đầu tiên xuất hiện và sớm trở nên sôi nổi như chưa bào giờ có trong ngót nghìn năm nền văn chương học thuật cổ truyền…

  • Vừa qua bà văn sĩ Nguyễn Khoa Bội Lan ở Phú Thượng (Huế) đột ngột gọi dây nói cho tôi than phiền về những chi tiết sai với lịch sử trong bài Phạn Bội Châu với Hương Giang thư quán của  Chu Trọng Huyến đăng trên Tạp chí Sông Hương số 116 (10. 1998)

  • Chúng tôi cho rằng trong lịch sử văn học Việt chỉ có Chí Phèo mới là một hình tượng đích thực. Chí Phèo là hiện thân của sự tồn tại vĩnh cửu của bản ngã VÔ CAN. 

  • Đó là bản đàn Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lần cuối trong ngày tái hợp. Bản đàn chứa đầy những mâu thuẫn nghịch lý, bởi vì cũng như bao lần trước, lần này vẫn là bản “bạc mệnh” năm xưa. Nhập hồn Kim Trọng, Nguyễn Du bình luận:                Lọt tai nghe suốt năm cung                Tiếng nào là chẳng não nùng (*) xôn xaoTác quyền và nghệ nhân biểu diễn vẫn là nàng Kiều chứ không còn ai khác, nhưng thật lạ:                Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?Kim Trọng, tri âm và trong cuộc vẫn không khỏi "hồ đồ", huống gì chúng ta, những người đến sau Nguyễn Du muộn hơn hai thế kỷ? 

  • Có thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc. 

  • NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP1. Đội ngũ các nhà văn trẻ mà tôi nói tới trong bài viết này là những cây bút sinh ra sau 1975. Biết rằng trong văn chương, khái niệm trẻ/ già chỉ là một khái niệm có tính “tương đối” vì già hay trẻ đều phải nỗ lực để tạo nên những tác phẩm xuất sắc, vị trí của họ phải được đánh giá thông qua tác phẩm chứ không phải từ những chiếu cố ngoài văn học. 

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTrong văn chương, cách gọi “chủ nghĩa” này hay “chủ nghĩa” khác đều không ổn, thậm chí có hại vì vô hình trung như thế là cách buộc nhà văn theo “một con đường” vạch sẵn mà từ hơn nửa thế kỷ trước, Hải Triều đã lên án...