Kẻ khùng

08:49 11/09/2009
HOÀNG THỊ NHƯ HUYĐiện thoại di động trong túi rung lên báo tin nhắn đến, Luân uể oải mở ra xem. Khuya rồi sao còn ai nhắn tin nhỉ? Một số máy lạ với một dòng tin lạ hiện ra: “Bạn ơi tôi không biết bạn là ai nhưng tôi muốn bạn biết tôi sắp lìa xa cuộc sống này. Tôi đang tuyệt vọng”.Đúng là đồ khùng! Đồ dở hơi!

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Luân vất máy lên bàn, nằm dài trên đi văng. Anh mở lớn mắt nhìn trần nhà suy nghĩ mông lung. Lẽ ra anh phải được hạnh phúc khi kết hôn với người đàn bà anh đã từng yêu đắm đuối thời sinh viên. Cả hai đều học giỏi, con nhà gia thế, thành danh trong nghề nghiệp. Cô ấy lại sắc nước hương trời... nhưng sao tình yêu kỳ lạ quá. Nó đến rồi đi mà không ai níu kéo được. Buổi chia tay tại Tòa đã diễn ra nhanh chóng nhẹ nhàng mà cả hai đều thở phào nhẹ nhõm. Ai đi đường ấy. Cô ấy lập lại cuộc đời ngay một tuần sau đó. Anh quay về nhà bố mẹ sống một mình trong căn phòng thuở còn chưa vợ.

Công việc giúp anh nhanh chóng lấy lại thăng bằng. Anh cũng chẳng biết mình buồn hay vui. Cũng chẳng quan tâm mình còn yêu nữa hay không. Luân nhắm mắt. Tin nhắn lại hiện về. Ai thế nhỉ? Con điên thằng khùng nào thế nhỉ? Nó chẳng biết mình là ai mà sao lại nhắn tin? Anh chồm dậy, mở máy hồi âm:

 “Đồ thừa tiền. Đồ khùng!”

Bên kia im lặng.

Anh nhắm mắt cố ru mình nhưng sao khó ngủ quá.

Hình ảnh những ca tự vẫn liên tục chở đến phòng cấp cứu nơi anh làm việc đã khiến anh hoang mang. Những kẻ tuyệt vọng đã tìm cái chết bằng đủ cách: nhảy sông, thắt cổ, uống thuốc... Khi được cấp cứu, có những kẻ phải sống nốt kiếp đời bất hạnh do di chứng từ thuốc ngủ quá liều, thuốc rầy quá lượng... Liệu kẻ nhắn tin này khùng điên sắp tự vẫn thật thì sao?

Anh thoáng lo âu nên nhắn tiếp một câu xoa dịu: “Bạn ơi khoan vội chết. Hãy nghe tớ hát tặng một bài mà bạn yêu thích đã nhé! Bạn thích bài hát nào nhất cứ yêu cầu đi!”

Bên kia giờ mới hồi đáp: “Thu quyến rũ”, rồi mở máy đợi chờ. Luân bỗng bốc đồng hát say sưa như anh đã hát bao lần. Giọng nam trầm, ấm một thời vang danh trong phong trào sinh viên cất lên trong đêm: “Anh mong chờ mùa thu. Trời đất kia ngã màu xanh lơ. Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa…” Anh hát mà lòng tưởng đến hạnh phúc đã qua. Mùa thu trên đất Huế, có ngọn gió heo may, có hàng cây đổ lá, có anh cùng người yêu ngồi trên bãi cỏ ở bờ sông. Sông Hương êm ả trôi... mặt trời chiều thu chiếu tia vàng dịu... quả là mùa thu đã quyến rũ hồn anh để anh mê say quên mất tình hư tình thật của cuộc đời này... Bên kia không biết người đang lắng nghe là nam hay nữ, Luân chỉ mơ hồ nghe tiếng thở thật nhẹ vọng sang rồi sau đó chỉ là sự im lìm. Anh tắt máy đi nằm. Đêm trôi qua trong tiếng mưa rả rích...


Một ngày mới bắt đầu. Anh tỉnh giấc bởi tiếng chuông nhà thờ Phủ Cam đổ. Trong đêm đen tiếng ngân nga vọng lại thật buồn. Ngoài khung cửa, trời vẫn còn bóng tối mênh mông. Có con dế nơi khe cửa cất giọng ca buồn. Anh chợt nhớ kẻ điên khùng đêm qua. Nó còn không nhỉ? Anh mở máy, gửi ngay tin nhắn: “Kẻ khùng ơi còn sống trên cõi đời này không? Hãy sống thêm để đêm nay nghe ta hát bài ta yêu thích nhé!” Bên kia nhắn tin đáp lại: “Vâng!”

Thế là tạm ổn. Hy vọng tên khùng này sẽ suy nghĩ lại để hết khùng. Luân thấy lòng vui lâng lâng. Anh băng ra trong bóng đen, đi tập thể dục như mọi ngày.

Công việc thường ngày ở khu cấp cứu lại cuốn hút anh.Những tiếng khóc, rên... những nét mặt lo âu làm anh quên hẳn chuyện tên khùng. Trên đời này có lắm tên khùng, bận tâm nó quá ta sẽ khùng theo. Nhưng quả thật những kẻ khùng cũng thật đáng thương. Họ khắc khoải điều ước mơ không toại nguyện, họ bị sa cơ lỡ vận, họ bị phụ tình... May mà mình có bản lĩnh chứ nếu không, trong vụ li dị vừa qua cũng dễ biến thành kẻ khùng. Luân rơi trở lại với nỗi ám ảnh về kẻ khùng. Giờ này có thể nó đang sống để chờ anh trở về đêm nay? Sau đêm nay rồi sẽ ra sao? Nó còn ý định chết nữa hay không? Sao ta không giúp cứu rỗi một số phận nhỉ? Anh lẩm bẩm hát bài mình yêu thích như một diễn tập trước giờ lên sân khấu. Bài yêu thích thì có lắm nhưng đêm nay anh sẽ hát “Về đây nghe em”. Nó là con trai hay con gái ta cũng xem nó như em mình.Ta sẽ giúp nó ổn định tinh thần để quay về cuộc sống.

 Áng hoàng hôn buông xuống, anh trở về sau một ngày mỏi mệt.Giờ này giá có người đàn bà anh yêu đang chờ anh về, dịu dàng lau cho anh những giọt mồ hôi trên trán với giọng hỏi ngọt ngào:

“Anh có mệt lắm không?”. Điều anh mơ thật dung dị nhưng quả khó kiếm trên cuộc đời này khi hai kẻ sống bên nhau đồng sàng dị mộng, nằm bên nhau song song như hai khúc gỗ vô hồn.

Anh trở lại phòng nằm dài trên đi văng. Cơm chiều mẹ nấu anh cũng chẳng buồn ăn. Đêm buông dần lúc nào anh không biết. Anh mê mệt rơi vào giấc ngủ cô đơn...

Tiếng reo nhắn tin lại vang lên trong đêm yên ắng gọi anh ra khỏi cơn mộng mị. Anh mở máy, nhận ra kẻ khùng: “Tôi chờ nghe anh hát”.

Uống một cốc nước lọc, thở sâu để lấy hơi, anh thầm thì hát như hát cho người anh đang mong ước: “Về đây nghe em, về đây nghe em, về đây mặc áo the đi guốc mộc. Kể chuyện tình bằng lời ngô khoai...” Anh quên mất hiện tại. Anh đang du hành về khung trời hạnh phúc cũ- nơi anh đang nói lời tình tự với người yêu... Giá cô ấy không phụ tình thì giờ này anh đang hát cho chính cô nghe. Kết thúc bài ca bên kia là sự im lìm. Anh trùm chăn dỗ mình ngủ tiếp. Nhưng đêm sâu khó ngủ vô cùng...

Sáng mai tỉnh dậy, anh vội mở máy nhắn tin: “Có còn không?”. Bên kia hồi đáp: “Vẫn còn”.

Thế là tốt. Anh lại tiếp tục một ngày như mọi ngày hôm qua.

Nhưng đêm nay khi trở về anh không hát nữa. Khùng như thế là đủ. Anh phải thoát ra cái thế giới ảo này để sống, để còn lập lại cuộc đời.

Anh lại trùm chăn. Đêm đen nghe tiếng anh thở dài. Anh muốn trỗi dậy hát cho tên khùng nghe nhưng rồi lại chế ngự được cơn khùng ấy.

Sáng ngày ra không cưỡng được mình, anh lại nhắn tin thăm hỏi: “Có còn không?”

Chuyện khùng kéo dài như thế suốt mùa thu.
 

Mùa đông đến.Trời mưa lê thê suốt mấy ngày liền. Anh thấy lòng khao khát một cái gì mơ màng không tả nổi. Buồn quá! Giá có bạn tâm tình cùng đi uống cà phê. Anh chợt nhớ tên khùng. Sao ta không rủ nó nhỉ? Ít ra ta cũng biết mặt mũi nó ra sao, nó là con trai hay con gái chứ? Luân nhắn tin trong máy: “Khùng ơi ta muốn mời bạn uống cà phê đêm nay, có được không? Bên kia đáp lời: “Được 8 giờ tối nay lão chờ ở quán Tranh nhé!”

Ối nó biết tỏng mình là con trai qua giọng hát nên gọi là lão.Lão là cụ già? Sao nó dám vuốt râu hùm thế nhỉ? Chuyến này gặp mặt ta sẽ trừng trị thẳng tay.

Đêm xuống, Luân đi bộ đến quán Tranh một mình.Anh chọn bàn khuất trong bóng tối để dễ quan sát. Ánh sáng vàng buồn tẻ hắt ra từ chiếc đèn lồng.Phía trên bục sân khấu ánh sáng tỏ hơn. Ca sĩ đang hát bài Tiếng xưa với phần phụ họa của đàn tranh. Anh nhìn lên. Cô ca sĩ mặc áo nâu gụ. Cô nhạc công đàn tranh cũng thế. Họ đang thả hồn theo từng giai điệu. Mái tóc dài che nửa khuôn mặt nên anh không nhìn rõ dung nhan.Nhưng dáng người thanh mảnh khiến anh tin đó là hai cô gái đẹp. Anh mê âm nhạc nhưng thực lòng anh không thích phụ nữ mang kiếp cầm ca. Nhất là phải đi hát trong đêm đen. Có một cái gì đó thật tội nghiệp, đáng thương.

Đã một giờ trôi qua không thấy tên khùng xuất hiện, Luân nhắn lại tin: “Khùng ơi ta đợi  đã lâu. Ta nổi cáu rồi đấy!”

Lập tức có tin trả lời:

“Ta ở đây, ta sẽ tặng lão bài “Giọt mưa Thu” đêm nay”.

Trên bục, người ca sĩ bỗng biến đâu mất, nhưng cô gái đàn tranh vẫn ngồi đó. Cô nghiêng người lướt tay lên từng sợi dây đàn, vọng lên giai điệu da diết của “Giọt mưa thu”. Mái tóc cô buông lơi trên đôi vai gầy. Mặt cô cúi xuống mơ màng trên từng sợi tơ đồng.Cả phòng trà im lắng lại chỉ còn tiếng đàn buông lơi: Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi...

Một luồng khí lạnh chạy qua người. Tên khùng đấy ư? Anh thấy đau nhói trong tim và mắt bỗng cay cay. Anh uống một cụm cà phê để chế ngự cảm xúc.

Trên bục, cô gái đàn tranh vẫn thả hồn theo cung đàn.Cô không nhìn anh.Cô không nhìn ai cả. Khi tiếng đàn dứt, cô theo lối sau đi về một mình trong màn đêm.Mưa đang rơi trắng xóa con đường.

Ngồi lại một mình cho đến khi quán đóng, anh âm thầm lủi thủi đi về trong đêm lạnh.

Đêm ấy, máy nhắn tin anh chỉ ghi:“Khùng ơi!”


Từ đó mỗi đêm về anh lại ngồi một mình ở quán Tranh.

Từ đó bạn bè gọi tên anh là lão khùng.

Huế mùa đông 2008
H.T.N.H
(246/08-09)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNG     Để tưởng nhớ nhà thơ Hoàng Cầm

  • PHAN THỊ THU QUỲVợ chồng Bình và Lựu đang sống ở Kim Long một làng ven sông Hương thơ mộng, nổi tiếng có quán ăn ngon, khách lui tới tấp nập. Cả hai người lòng buồn tê tái khi Bình có lệnh đổi vô Tây Nguyên. Tốt nghiệp đại học Luật xong Bình bị chính quyền cũ bắt vô lính, chạy mãi được làm lính văn phòng tại quê, nay phải đi xa thật lo lắng, buồn nản. Mai Bình phải lên đường cấp tốc. Ôi! Rủi ro, khác gì một hoạn nạn đến.

  • THÁI NGỌC SANSau khi trở về quê cũ một thời gian bà Phán trở thành trung tâm chú ý của mọi người. Trước hết là bọn con nít. Chúng cứ hô váng lên “mệ Phán muôn năm” mỗi khi bà mua kẹo vung vãi cho chúng.

  • PHẠM PHÚ PHONGTôi ngồi bất động, tựa như nuốt phải một cây gậy, người cứng đờ, im lặng, cho đến khi bản nhạc chấm dứt. Nguyễn Hương cũng im lặng ngồi đối diện góc tường, châm thuốc hút. Mới mấy năm không gặp, bây giờ trông anh đã khác hẳn. Đầu tóc hớt cao, lưỡng quyền nhô ra. Thời gian đã kịp cày xới, để lại trên trán anh những đường rãnh nhỏ.

  • PHẠM XUÂN PHỤNGĐúng ra, ông cụ Trần Bảo phải có đủ tám người con và người con cuối cùng phải có tên là VÈ mới đủ bộ. Bây giờ gọi tên bảy người con của cụ, nghe cứ thiếu thiếu chút gì: Đờn, Ca, Múa, Hát, Thơ, Ka, Hò. Chấm hết! Tức anh ách, tức nghẹn ngào!

  • NGUYỄN HỮU HỒNG MINH                Tặng anh Tạ Công ThắngMọi thứ, mọi tình huống có thể diễn ra bất cứ lúc nào như bản chất trôi chảy của cuộc sống cho dù bạn không hề mong muốn. Như truyện ngắn này, tất cả được phát hiện, ngắm rọi trong một ngày đẹp trời.

  • NGUYỄN QUANG LẬPĐời tôi có chi mà kể ông, sau khi thoát chết hàng trăm trận, vốn có chút ít kinh nghiệm tác chiến, được học qua học viện quân sự cao cấp, tôi về làm tư lệnh sư đoàn, thế thôi.

  • TRẦN THÙY MAIDường như chẳng bao giờ Hà Nội lại rét cắt da như mùa đông năm ấy. Tôi và Ngân chuẩn bị ra xuân sẽ cưới nhau.

  • LÝ HOÀI XUÂNChị Hạnh hơn tôi những mười tuổi; nghĩa là năm chị biết nhảy cò cò, chơi ô quan thì tôi “oa oa” cất tiếng chào đời. Nghe đâu khi tôi còn ngậm vú mẹ, thỉnh thoảng chị bồng tôi đi chơi nhà hàng xóm.

  • VŨ THANH HOA1. Bà thầy bói xòe bàn tay có các móng tô đỏ trầy xước, vuốt nhẹ những con bài úp lên nhau thẳng tắp, đoạn bà nhắm mắt, miệng khấn lầm rầm...

  • LÊ MINH KHUÊ- Anh thấy cậu như thằng bị điện giật ảnh hưởng não bộ thần kinh suốt mấy ngày ù lì ủ rũ. Sao từ hôm bay về Miami đến nay cậu đốc chứng thế. Thật khác hẳn mọi lần. Nghĩ đi nghĩ lại thấy thời gian cho mỗi đời người đâu có bao la bát ngát mà thấy thằng như cậu không tính đếm đong đo rồi yêu đời mà sống.

  • DƯƠNG THÀNH VŨTiếng súng đã ngưng bặt từ lúc trời sẫm tối. Bị kẹt lại ở khu vực giáp ranh ngoại ô thành phố, người lính ẩn mình vào hàng rào dâm bụt, ở góc vườn sau một ngôi nhà tường xây mái ngói theo kiến trúc cổ truyền.

  • LƯU QUANG VŨCả hai vợ chồng anh Tuyến đều rất yêu văn học. Điều đó khiến tôi cảm tình, nể trọng vợ chồng anh. Nhất là trong thời buổi này, tôi thấy quanh tôi chẳng còn được mấy người như vợ chồng anh Tuyến.

  • Nhà văn Dạ Ngân nghỉ việc công sở mấy năm nay, trở về tổ ấm của mình lặng lẽ “chép” lại những vết son trên chặng đời đã qua. Truyện gửi tới Sông Hương dưới đây là góc nhìn rất hẹp về chiến tranh song mở ra trước độc giả nhiều ngã rẽ với một Xuân nữ lỡ mang kiếp đào hoa mà bạc phận cho những người đàn ông từng “hành quân” qua cuộc đời chị. Trân trọng giới thiệu.S.H

  • CAO LINH QUÂNCó một con Dã Tràng sống ngoài bãi biển Nha Trang.

  • HÀ KHÁNH LINHĐàn ông tích khí là ngọc, đàn bà tích khí là tặc. Cha nói với mẹ như thế về cô, rồi khen cô suốt một đời trinh bạch, mà vẫn giữ được nết hạnh đoan trang, hiền hòa, dịu dàng và vui vẻ, chứ không khó tính như những phụ nữ có hoàn cảnh tương tự.

  • NGÔ THỊ KIM CÚCCó ba người bên trong căn phòng nhỏ ấy, căn phòng tập thể dành cho cán bộ độc thân, rộng không đến mười mét vuông. Cửa phòng đóng kín, để chỉ có họ với nhau, cùng những đồ dùng khiêm tốn.

  • ĐÔNG HÀThả xuống con đường đất đỏ lô hàng cuối cùng xong, tôi rồ ga chạy nhanh vào phía nhỏ hơn của con đường dài ngoằng từ đây về rẫy. Năm mươi cây số cho ba chục phút giữa hun hút rẫy rẫy và rẫy không khó, nhưng sẽ lớ quớ nếu tay lái chệch vào gốc cây đâu đó trong bóng tối chập choạng nhô ra. Nơi đó An đang đợi tôi.

  • HÀ KHÁNH LINHNgười lính canh chuyển dịch thế đứng của mình trong phạm vi một viên đá lát, khẽ ngửa mặt nhìn vầng trăng vừa ra khỏi đám mây đang dịu dàng tỏa ánh sáng xanh biếc xuống thanh đoản kiếm - chuôi nằm gọn trong lòng tay anh, mũi cắm xuống mặt đá.

  • NGUYỄN NGỌC LỢIVùng quê đó mấy năm nay có nhiều người đổi đời nhờ nghề mua bán đồ đồng nát. Sắt thép nhôm nhựa, mua đi bán lại cũng thành nhà thành xe... Người ta đập nhà cũ xây nhà mới, mua ô tô, lên đời xe máy... làng xóm đêm ngày rộn rịch chuyện làm ăn buôn bán.