NGUYỆT CHU
1.
Buổi chiều.
Trại trẻ mồ côi.
Trong phòng chờ khách.
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức
Hai tay gã mân mê tách trà nóng vẫn còn bốc lên những sợi khói gầy guộc. Mắt gã đảo quanh phòng tìm kiếm. Giật mình. Vẫn còn cái ảnh của gã từ hồi chín tuổi. Một đứa bé ốm nhách, cởi trần chìa ra những chiếc xương sườn, tay ôm một con chó bông cũ nát, đôi mắt cụp xuống như đang hối lỗi. Phía dưới là dòng chữ: trẻ mất tích. Gã đưa tay lên vuốt mặt. Mồ hôi rịn ra trên tóc và gáy. Gã thấy từ trong căn phòng mờ tối nhập nhoạng mở ra một buổi chiều của quá vãng. Một buổi chiều bị gặm nhấm nham nhở bởi muôn ngàn ngột ngạt, bức bối, một thằng bé đen đúa, gầy nhẳng đã trèo qua bức tường mảnh chai rồi lê đôi chân bật máu rời khỏi nơi này. Để bao nhiêu năm trôi qua, cái ánh mắt hoang mang như đang đặt ra câu hỏi “có hay không?” của con bé ấy như một lưỡi dao sắc lẹm lia qua đời gã.
Gã run run đưa tay nâng tách trà lên miệng rồi tợp một hơi. Một thứ mùi mốc mác, xưa cũ xộc vào làm gã bủn rủn. Gã vội nhổ toẹt vào góc nhà. Một vệt đỏ trên nền gạch bị tãi ra theo những tia nước rồi mau chóng dồn lại thành hàng và bình thản chuyển động. Gã nheo mắt nhìn vệt đỏ lan từ trần nhà xuống tường rồi xuống nền nhà và ra ngoài cửa. Một đàn kiến lửa! Gã rùng mình, đánh rơi chiếc chén xuống đất vỡ tan. Gã nhổm dậy rồi lùi lại. Đôi mắt xoáy sâu vào đàn kiến lửa một vệt sáng man dại. Có cảm giác chúng đã đánh hơi thấy và đang sục sạo bò lên gặm nhấm cái mẩu thịt thừa của gã. Những hàm răng nhọn hoắt, loang loáng như những tia lửa đang cắn ngập da thịt gã. Đau đớn, nhức buốt. Mồ hôi gã túa ra trên khuôn mặt trắng bệch như bị rút kiệt máu. Những nếp nhăn xô lại, ép vào nhau cuồn cuộn. Gã đưa tay lên vuốt mặt. Đôi mắt trợn trắng dã, long lên theo từng cơn đau rần rật. Gã không thể gắng gượng. Hai hàm răng đánh lập cập vào nhau và đôi môi tím tái. Gã khụy xuống.
Có tiếng chân người bước vào. Có người vực gã dậy. Gã run rẩy hoàn hồn qua một cơn đau khủng khiếp. Trước mắt gã là một người phụ nữ, chưa gặp bao giờ nhưng lại có cái gì đó quen thuộc, nhất là ánh mắt. Anh tìm tôi? Nàng ngạc nhiên hỏi. Cô là? Gã cũng ngạc nhiên không kém. Tôi là Phượng. Anh tìm tôi? Nàng nhíu mày hỏi lại một lần nữa. Cô là mẹ Phượng? Gã lắc đầu. Nàng giật mình rồi hiểu ra. Mẹ Phượng mất lâu rồi. Gã thở dài. Rồi nhìn nàng hoài nghi. Đôi mắt của nàng như một lưỡi dao xoẹt qua những tháng ngày xưa cũ. Gã lảo đảo đứng dậy ra về.
2.
Đêm.
Tầng 30 của khu chung cư M.
Căn hộ của gã như một cái chuồng chim cu mà bao năm rồi vẫn chỉ có tiếng gù của con chim đực. Đã có lần vì quá khát khao tình ái, gã không làm chủ được bản thân để rồi đã hiện ra trần trụi một cách thảm hại trước mắt người đàn bà. Gã đau đớn vì chuyện này. Gã chẳng thể gần gũi bất cứ người đàn bà nào nếu như còn cái đuôi dị hợm. Gã nguyền rủa cái đuôi. Gã cần phải cắt bỏ nó. Và gã đã đến một phòng khám tư để phẫu thuật. Bác sĩ nói gã sẽ ổn thôi. Vấn đề chỉ là chờ cho vết thương lành sẹo. Gã cũng nghĩ vậy. Và có phần yên tâm.
Gã vẫn mê man trôi trong cuốn sách đã đọc đi đọc lại biết bao nhiêu lần: “Chỉ đến khi lật sấp đứa hài nhi xuống, mọi người mới nhận thấy nó còn có một cái gì đó khác hẳn với mọi người đàn ông. (...) Đó là một cái đuôi lợn lòi.” Mọi khi, cứ đọc đến đó là gã lại thấy cái đuôi mình ngứa râm ran và có cảm giác mình đang tồng ngồng trước mắt mọi người để hứng lấy những cái nhìn khinh bỉ và phán xét. Nhưng hôm nay, gã không thấy động tĩnh gì nữa. Có lẽ bác sĩ đã nói đúng. Gã lật tiếp 2 trang sau của cuốn tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” và đọc đến những trang cuối với một vẻ mặt đau đớn.“Thế là anh nhìn ra đứa hài nhi. Lúc này nó chỉ còn là một bộ da phồng khô cứng mà loài kiến ở khắp trái đất đã kéo tới rồi nặng nhọc khiêng nó đi theo những lối mòn lởm chởm đá về tổ. Aurêlianô không thể cựa quậy được. Không cựa quậy được không phải nỗi sợ hãi kinh hoàng khiến anh ngồi yên mà vì trong phút giây kì ảo đó, những mã hóa chính xác của cụ Menkyađêt đã hiện ra trước mắt anh và thứ văn tự viết trên những tấm da thuộc kia đã được sắp đặt một cách chính xác trong thời gian và không gian của những con người: Người đầu tiên của dòng họ bị trói vào một gốc cây và kiến đang ăn người cuối cùng của dòng họ”.
Gã gục xuống trên trang cuối của cuốn sách. Mê cung huyết thống, con vật huyền thoại, cái đuôi và những đàn kiến lửa, gã ú ớ một hồi rồi bật dậy. Trang sách ướt nhẹp nước bọt. Gã hấp tấp châm một điếu thuốc, đi ra kéo cửa sổ rồi đứng đấy nhả khói. Thành phố dưới chân nhộn nhạo trong ánh đèn đủ màu. Gã vứt điếu thuốc đang cháy dở ra ngoài cửa sổ và lao vào bàn viết.
Hai người ngồi ở sân giếng. Bóng nắng chênh chếch. Chàng cầm gáo dừa còn nàng đang xổ tung mái tóc dài đến thắt lưng. Bên cạnh là nồi nước bồ kết và lá bưởi đang đưa hương thoang thoảng.
- Để ta múc nước gội đầu cho nàng.
Nàng gật đầu, thẹn thùng. Đôi má ửng hồng.
Một tay chàng cầm gáo dội nước còn một tay chàng chải vào mái tóc của vợ, vô tình chạm vào một vết sẹo.
Bỗng bàn tay gã run run như mình đang chạm phải vết sẹo ấy. Gã vò nát tờ giấy rồi vứt vào góc nhà. Vết sẹo! Gã nghĩ. Gã sẽ chạm phải một vết sẹo khác. Chắc hẳn là vậy. Đương nhiên nó sẽ thành sẹo. Mong là nó sẽ thành sẹo.
3.
Buổi sáng.
Phòng khám X.
Gã đến từ rất sớm để chắc rằng chưa có ai đến khám. Mà cũng chưa bao giờ gã bắt gặp một vị khách thứ hai. Hôm nay là lịch tháo băng. Trông gã khá căng thẳng. Toàn bộ căn phòng sáng lên một màu trắng nhức nhối. Gã nằm úp trên giường nhắm mắt chờ đợi. Giọng hát khàn khàn đầy ma quái vang lên từ một chiếc đài nhỏ: “Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây/ đã vui chơi trong cuộc đời này/ đã bay cao trên vòm trời đầy...”.
Gã thấy mình đang đứng trước bức tường cắm đầy mảnh chai nham nhở. Có cả những dây thép gai đã rỉ và gãy nát. Gã nhìn trân trân vào khoảng trời xám xịt lỗ chỗ qua những dây thép gai. Một người đàn bà chạy đến, dáng điệu vội vã. Cái thằng bé này, sao lại trốn ở đây? Mẹ Phượng vừa nói vừa túm tay gã và lôi về phía nhà tắm, càu nhàu. Sao lại không tắm chứ? Hừ! Người đàn bà một tay giữ gã, một tay vặn vòi xả nước. Gã giằng ra, vùng chạy. Thằng quỷ! Người đàn bà nhìn theo, hét lên! Gã chạy qua sân thấy những đứa con trai đang túm năm tụm ba ở đó. Chúng nhìn gã bằng con mắt tò mò và ngờ vực. Tiếng thầm thì nhỏ to phát ra đủ để cho gã nghe thấy: thằng đấy không phải người đâu, nó có đuôi đấy! Gã xông vào đánh nhau với chúng. Mẹ Phượng chạy tới. Tất cả ngưng lại, im bặt. Tiếng người đàn bà vang lên đầy uy quyền: Đi về phòng. Bọn trẻ tản ra, cun cút đi mất. Người đàn bà thở dài. Ta hiểu. Nhưng con đã sai. Gã ngước lên nhìn người đàn bà bằng bộ mặt thâm tím rầu rĩ. Bất cứ cái gì có mặt trên đời này đều có lý do của nó. Ta không nên và cũng không thể nào thay đổi. Hãy học cách đối diện và chấp nhận.
Người đàn bà quay đi. Còn lại mình gã ngồi thu lu ở một góc sân. Bất ngờ những con kiến lửa từ đâu bò đến tấn công gã. Gã nhảy nhót điên loạn một hồi để xua đuổi những con kiến. Đau dứt từng mảnh thịt. Có lẽ cái đuôi đã phồng rộp những vết kiến cắn. Có những con kiến say máu đã chết ngập trên da thịt gã sau khi cắn no nê. Bỗng con bé Phượng từ đâu chạy xồ ra. Đôi mắt sắc của nó chạm phải cái nhìn nảy lửa của gã. Gã lao đi, chạy khỏi ánh mắt như một dấu hỏi. Dưới chân là thảm cỏ dại và những bông hoa cuối mùa nhàu nhĩ. Trước mắt lại là bức tường đầy mảnh chai và những dây thép gai đã rỉ sét. Ta phải thoát khỏi nơi này. Một ý nghĩ đột ngột đến với gã.
Một vệt máu đỏ loang lại trên mặt đất như một đàn kiến lửa chậm chạp bò theo gã. Gã run rẩy ngoái nhìn trại trẻ mồ côi hun hút sau bức tường lởm chởm mảnh chai rồi lết đôi chân bị thương vào cánh rừng trước mặt. Bóng tối dần trùm phủ. Những ngọn gió vi vút trên những tán cây tạo thành thứ âm thanh ma quái. Cơn lạnh chạy dọc sống lưng, đến cái đuôi của gã...
Xong rồi, anh có thể dậy. Gã choàng tỉnh. Thấy toàn thân nhẹ nhõm. Vết thương của anh đang lên da non. Có thể sẽ rất ngứa. Nhưng không sao. Sau đó nó sẽ thành sẹo. Không đau đớn chút nào đâu. Chỉ là một cái sẹo thôi. Trên đời này, ai là người không có sẹo.
Đúng rồi, ai là người không có sẹo!
4.
Đáng lẽ gã sẽ không quay lại trại trẻ mồ côi nữa nếu như cái đuôi của gã đã thành sẹo. Nói cho đúng ra, nó cũng chỉ là một mẩu thịt thừa như bất cứ một phần thừa nào đó trên cơ thể gã, cần phải loại bỏ. Có phần thừa nào là có ích? Cũng như cả cái quá khứ của gã. Gã muốn đóng sẹo cái quá khứ vô thừa nhận ấy biết chừng nào. Nhưng có những phần thừa khó lòng mà loại bỏ. Nó cứ bám riết lấy con người ta như một dạng kí sinh trùng. Cái đuôi của gã cũng vậy. Nó không nghe lời vị bác sĩ đáng kính. Khi mà lẽ ra, sau khoảng thời gian ngứa như điên như dại, nó sẽ trở thành một vết sẹo như muôn vàn vết sẹo bình thường khác trên thế gian thì đằng này, nó lại hồi sinh như một mầm cây đâm chồi trong vỏ hạt già nua. Gã tá hỏa khi lấy gương soi, thấy cái đuôi lại nhú ra một màu trắng hồng hồng. Gã không thể để cho nó tiếp tục lớn lên như vậy được. Gã phải cắt bỏ nó, ngay từ bây giờ.
Ngay bây giờ thì không được. Vị bác sĩ lắc đầu. Anh vừa trải qua một ca phẫu thuật, mọi thứ vẫn đang cần thời gian hồi phục, không thể lại tiếp tục một lần nữa. Khi nào được, tôi sẽ báo anh biết. Đừng sốt ruột!
Không sốt ruột được sao? Khi mà ông nói nó sẽ chỉ còn là một vết sẹo. Nhưng tại sao nó lại hồi sinh? Nó lại vẫn đeo bám lấy tôi như một định mệnh nghiệt ngã? Ồ không, định mệnh nghiệt ngã hay tay nghề của ông còn khiếm khuyết khi chưa cắt được cái gốc rễ của nó? Đừng sợ tôi đau! Đằng nào cũng đau một lần, ông hãy làm cho triệt để đi. Hãy khoét cho thật sâu để lôi lên tất cả những gốc rễ của nó để tôi khỏi phải đau nhiều lần. Làm ơn đi!
Gã bị kích động mạnh. Cái đuôi mới nhú lên giật giật làm gã đau nhức, choáng váng. Xin hãy bình tĩnh! Anh càng kích động như vậy thì anh sẽ càng đau đớn hơn. Làm gì cũng cần phải có thời gian.
Gã lại lê bước ra về. Việc cắt bỏ cái đuôi thật không dễ dàng như gã tưởng. Và ngày càng khó khăn hơn khi gã đã chịu đau đớn đến lần thứ ba mà cái đuôi vẫn không chịu buông tha hắn. Mỗi lần cắt bỏ nó là mỗi lần vị bác sĩ lại khoét sâu thêm một phần da thịt gã. Phải khoét thật sâu thì mới cắt bỏ được những gốc rễ, mầm mống của nó.
Tôi rất tiếc. Nhưng cũng không hiểu vì sao. Vị bác sĩ thở dài.
Gã trở về cái tổ chim của mình ở giữa lưng chừng trời. Thấy tiếng đập cánh loạn xạ của những bầy chim đêm trên bầu trời thành phố. Những bầy kiến lửa rầm rập trong lòng đất. Những tiếng gặm nhấm xoàn xoạt. Cái đuôi giật giật liên hồi. Sưng tấy, đau nhức như trúng phải thứ nọc độc của hàng triệu con kiến lửa. Gã uống vội thuốc giảm đau kèm thuốc ngủ.
5.
Nàng đã biết gã là đứa trẻ ấy. Nhưng nàng không hỏi gã về cái đuôi. Hay nàng đã quên việc đó rồi. Có thể với nàng, đó cũng chỉ là trò đùa của bọn trẻ con mà thôi. Chọc ghẹo nhau, phá đám nhau chỉ để thỏa mãn sự ích kỷ của những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm. Giờ trong mắt nàng, gã là một người hùng. Một đứa trẻ đủ dũng khí trốn khỏi trại trẻ mồ côi và có thể khẳng định mình, hẳn không nhiều người làm được. Gã quan sát và thấy dòng chữ trẻ mất tích dưới cái ảnh của gã đã được xóa đi một cách khéo léo. Chắc chắn là nàng đã âm thầm làm việc ấy. Mà thực ra cũng chả ai còn để ý đến cái dòng chữ chết tiệt đó. Mẹ Phượng đã chết. Những đứa trẻ hồi ấy thì giờ mỗi người một nơi. Có kẻ thành danh nhưng cũng có kẻ vào tù ra tội. Chỉ còn nàng tiếp tục ở lại nơi này, làm một mẹ Phượng thứ hai của những đứa trẻ bất hạnh. Gã những muốn xóa sạch cái quá khứ u buồn đằng sau bức tường mảnh chai loang lổ kia như một sự chối bỏ. Gã cũng đã muốn chối bỏ cái đuôi của mình như sự chối bỏ quá khứ. Nhưng oái oăm thay, nó vẫn bám riết lấy gã như một sự hiện hữu tất yếu, như một phần không thể chia tách nổi của thân thể gã. Đến lúc ấy gã mới chợt nhận ra, cần phải truy tìm nguồn gốc của mình, biết đâu cái định mệnh nghiệt ngã ấy sẽ được hóa giải. Dù không chắc chắn nhưng đó là cách duy nhất lúc này có thể cứu rỗi được linh hồn gã. Và gã không thể nào không gặp lại nàng.
Nàng khệ nệ ôm ra hàng chồng hồ sơ cũ phủ đầy bụi. Hơn hai mươi năm đã trôi qua, rất có thể người ta đã tống hồ sơ liên quan đến gã vào sọt rác. Huống chi, gã lại là một đứa trẻ trốn trại. Nhưng không sao. Nàng vẫn kiên nhẫn ngồi lật từng trang giấy đã ngả màu xám xịt, mốc meo và nhiều trang đã rách nát. Một mùi ngai ngái, ẩm ướt xộc lên mũi làm gã hắt hơi liên tục. Những con ngậy trắng bạc béo mẫm và trơn nhẫy vội lẩn vào những mảnh giấy ố vàng.
Tống V. K. Được phát hiện ở mé rừng ngày n tháng n năm n.
Gã chộp lấy mảnh giấy trên tay nàng. Một đứa trẻ... và đang bị đàn kiến lửa tấn công. Gã nhìn vào mẩu giấy bị rách, mắt hoa lên. Gã liếc mắt rồi nhanh chóng di mũi giày lên một mẩu giấy nhỏ bị rơi dưới đất. Cái đuôi đang mọc lên ngứa ngáy, rấm rứt. Gã cảm thấy đàn kiến lửa từ trong mảnh giấy cũ đang ngoi lên và chuyển động, bò vào mọi giác quan của gã. Chúng bắt đầu tấn công và gặm nhấm cái đuôi mới nhú. Một mùi tanh sực lên. Gã thấy choáng váng. Nàng dìu hắn ngồi xuống ghế. Gã không còn đủ sức giữ mẩu giấy nhỏ dưới đế giày. Nàng không hề để ý đến mẩu giấy nhỏ đó. Trong lúc tất cả như quay cuồng trước mắt, gã kịp nhận ra mẩu giấy đã bị gió thổi bạt ra ngoài sân. Như một ảo ảnh vụt qua, gã bàng hoàng, chồm lên chạy theo nhưng không thể. Nàng nghĩ gã đang trong cơn xúc động nên kiếm vài lời ngọt ngào an ủi. Gã hụt hẫng như thấy một mảnh quá khứ vuột mất khỏi tầm với. Trong lúc ấy, gã ước ao được vùi vào ngực nàng mà khóc...
Gã tạm biệt nàng ra về. Nhưng gã còn đứng lấn cấn mãi ngoài sân. Gã muốn tìm lại mẩu giấy nhỏ ấy. Nó chứa đựng bí mật khủng khiếp mà gã muốn chôn giấu. Nó vẫn đang âm thầm hiện hữu và hành hạ gã. Gã không thể để cho nàng biết được.
Nhưng gã không thấy. Mặc dù gã cảm nhận được nó.
6.
Nàng nhiều lần chủ động tìm gặp gã. Mỗi lần gặp có vẻ là một lần nàng cung cấp cho gã thêm một chút thông tin về nguồn gốc của mình. Nhưng với bấy nhiêu cũng chẳng đủ để gã có thể truy ra gốc tích. Chẳng khó để có thể nhận ra rằng nàng đang thích gã. Nhất là khi bắt gặp gã tay cầm điếu thuốc và đang nhả khói bên ô cửa sổ của tầng 30 và đôi mắt đang lơ đãng về phía cánh rừng của ký ức thì tim nàng như thắt lại chẳng biết vì lý do gì. Những lúc ấy nàng thường từ đằng sau tiến lại và vòng tay ôm eo gã một cách nhẹ nhàng. Gã khựng lại một chút rồi để yên. Có lần gã đã quay lại, bế thốc nàng lên rồi ném xuống giường một cách say mê. Nhưng ngay sau đó gã đã chạy vào nhà vệ sinh và đóng sầm cửa lại, để mình nàng nằm trơ ở đó. Một lát sau đi ra với khuôn mặt sũng nước và nhầu nhĩ. Lúc này, nàng quay lưng vào gã. Những sợi khói thuốc bay ra từ phía khuôn mặt nàng. Gã thấy bờ vai nhỏ của nàng rung lên.
Gã không tiễn nàng ra thang máy. Gã vẫn đứng ở chỗ ô cửa mà tìm kiếm hay dõi theo một cái gì đó. Thành phố đã lên đèn. Gã nhìn trân trân vào bóng tối vi vút gió. Có lẽ giờ này nàng đã trở về bên trong bức tường mảnh chai và những dây thép gai nham nhở. Gã ném tiếng thở dài qua ô cửa rồi đi vào bàn viết.
Một tay chàng cầm gáo dội nước còn một tay chàng chải vào mái tóc của vợ, vô tình chạm vào một vết sẹo.
Chàng sửng sốt: Sao em có vết sẹo trên đầu vậy?
- À, vết sẹo từ nhỏ, khi em và anh trai đùa nhau, anh ấy đã vô tình làm em bị thương.
Chàng tay cầm gáo nước run rẩy, giọng như lạc đi: Anh trai của em? Giờ anh ấy ở đâu?
Nàng rầu rầu đáp: bỏ đi từ dạo ấy.
Chàng đánh rơi cái gáo dừa xuống sân giếng vỡ tan.
Buổi tối, bên ánh đèn dầu vàng vọt, hai cái bóng nhập nhằng trên vách. Nàng đang ngồi khâu áo, chợt kim đâm vào tay chảy máu. Nàng kêu lên một tiếng mà chàng vẫn ngồi im như cái tượng đá. Đôi mắt chàng đang thả vào hư không.
Nàng nhìn chồng hồi lâu rồi lại nhìn xuống bụng mình.
Gã nằm vật xuống giường. Mi mắt rớt xuống một cách nặng nhọc. Cảm giác mình là một bức tượng đá. Gã không thể cựa quậy. Có một bóng đen đi lại trong phòng, đến bên giường, ngồi trên đầu giường gã rồi đưa đôi bàn tay đen đúa và dài ngoằng như con bạch tuộc xiết lấy cổ gã. Gã càng vùng vẫy thì bóng đen càng xiết chặt. Gã phải dùng hết sức để quẫy đạp, kháng cự rồi cũng thoát khỏi cái bóng đen ấy. Toàn thân rời rã, không trọng lượng. Nhưng gã không thể nhổm dậy mà lại tiếp tục rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Cái bóng đen lại hiện ra và lởn vởn trước mắt gã. Nó làm gã nghẹt thở. Gã muốn co cẳng chạy nhưng đôi chân hóa đá. Tất cả ghìm chặt gã trong sự hoảng loạn. Bỗng nhiên nàng xuất hiện, nhẹ nhàng đặt bàn tay lên người gã, đánh thức toàn thân gã thoát khỏi bóng đen khủng khiếp. Gã vùng dậy ôm choàng lấy nàng nhưng nàng đã tan biến như một hư ảnh. Gã gọi tên nàng, đuổi theo hơi thở của nàng còn vấn vít trong khoảng không u huyền. Gã chạy mãi, chạy mãi đến khi định thần lại đã lạc giữa chốn rừng sâu tự lúc nào. Gã đã trở thành một con vật không thể gọi tên có cái đuôi dài khủng khiếp. Đoàn người cầm những bó đuốc rừng rực ầm ầm đuổi theo phía sau. Tiếng chân người mỗi lúc một nhanh hơn, tiếng thét man dại, tiếng cười khoái trá vang động khắp rừng đêm. Gã chạy đến bờ vực. Ngoái lại đằng sau. Đoàn người tiến sát gã. Giữa không gian hừng hực như một chảo lửa, đôi mắt nàng sáng quắc như một con dao sắc lạnh phạt ngang thân gã. Gã đau đớn nhìn nàng rồi quay lại nhìn xuống vực thẳm hun hút. Gã gieo mình xuống vực. Tiếng gã hòa vào tiếng gió u uất.
Gã giật mình choàng tỉnh. Cái đuôi buốt nhức. Cảm giác như có hàng trăm ngàn con kiến lửa đang tấn công gã. Gã lao vào nhà vệ sinh xối nước. Một dòng máu đỏ như một đàn kiến lửa ngoằn ngoèo đang bình thản chuyển động trước mắt gã. Mùi tanh tưởi sực lên. Gã bàng hoàng rồi ngất lịm.
7.
Nàng yêu gã. Gã biết điều đó. Gã cũng yêu nàng và với gã, nàng không phải một phụ nữ qua đường. Nàng đã trong lòng gã từ cái thuở hoa niên non nớt và run rẩy. Nhưng gã không thể gần nàng cũng như không thể để nàng gần gã. Làm sao để cho nàng hiểu những đau đớn ngấm ngầm đang ngày ngày hành hạ và giày vò gã. Gã như một con vật chỉ biết ở trong hang sâu tự liếm vết thương cho mình.
Đây là lần cuối cùng anh có thể phẫu thuật. Nếu như cái đuôi vẫn mọc ra, anh cũng không thể nào cắt bỏ nó được nữa. Cắt bỏ đồng nghĩa với việc anh sẽ chết. Bởi nó đã là một phần của cơ thể anh. Nó là một phần thừa không thể loại bỏ. Trừ khi… Trừ khi thế nào? Trừ khi, anh tìm được người hóa giải định mệnh. Đúng, định mệnh của anh gắn liền với khu rừng ấy, nơi có người đàn bà chờ chồng hóa đá. Anh là đứa con của mối tình oan nghiệt.
Gã tỉnh giấc. Một cơn mơ vừa qua. Có thể gã luôn bị ám ảnh bởi việc cắt bỏ cái đuôi và và việc hoàn thành câu chuyện đang viết dở mà gã móc nối hai sự việc ấy vào với nhau trong vô thức của mình. Nhưng gã chợt nghĩ, biết đâu, gã cũng được hoài thai từ mối tình loạn luân của cha mẹ gã để rồi gã đã phải gánh chịu hậu quả bi thảm. Hôn nhân cận huyết sinh ra những quái thai, điều này khoa học đã chứng minh. Cái đuôi của gã hay cái đuôi của đứa trẻ cuối cùng trong dòng họ cũng chỉ là một. Sự tấn công của đàn kiến lửa hay sự tấn công của cuộc đời đối với gã cũng chỉ là một.
Gã ngồi vào bàn viết và kết thúc câu chuyện của mình.
Nàng bồng con đi vào rừng. Nắng chiều đã tắt trên những tàng cây thẫm. Nàng đi mãi và tới một mỏm đá rất cao. Nàng trèo lên đó và nhìn ra xa.
- Mình đứng đây làm gì hả mẹ?
- Chờ cha con về.
- Bao giờ cha về?
- Sắp rồi con.
Đứa trẻ cũng nhìn theo hướng nhìn của nàng. Họ đứng chôn chân vào bóng tối. Chợt đứa trẻ giãy lên.
- Mẹ ơi con lạnh!
Nó quay lại nhìn mẹ. Toàn thân người mẹ đã hóa đá lạnh buốt. Nó giãy giụa để thoát ra nhưng không được. Một chốc, nó cũng trở thành một tảng đá trên tay mẹ nó. Một cơn gió mạnh thổi tới, cái đuôi của đứa trẻ rụng xuống rồi mau chóng tan vào đất nâu.
Gã thở dài. Đó là điều duy nhất lý giải cho việc đứa con của họ không có đuôi.
Gã nặng nhọc châm thuốc và nghĩ đến nàng, đến mẩu giấy nhỏ chứa đựng bí mật khủng khiếp của gã. Nàng có thể tìm thấy nó lắm chứ. Nhưng chưa chắc nàng đã biết nó là cái gì. Có thể nàng chỉ nghĩ đó là một mẩu giấy vụn ở bãi rác mà gió thổi tới, một mẩu giấy bất kỳ mà lũ trẻ con nghịch ngợm đã tạo ra. Gã chợt thấy mình đã hoài công khi lo xa. Gã cũng đã nhiều lần tìm ở khu đất trước cửa phòng tiếp khách của trại trẻ nhưng không thấy gì. Có lẽ người ta đã đốt nó cùng với rác rưởi. Nó cũng chỉ là rác rưởi. Trong những lần ghé vào trại trẻ, gã đã cố gắng đi vào cánh rừng đằng sau trại, nơi người ta đã nhặt được gã ở bìa rừng. Nhưng gã không thể đi vào quá sâu khi ánh mặt trời đã tắt. Gã cũng không gặp được ai để hỏi thăm, ví như một người dân nào đó sinh sống ở bìa rừng chẳng hạn. Chỉ là gió và những tàng cây. Lớp lớp chồng lên nhau. Gã tưởng tượng phía cuối cánh rừng này sẽ có một nàng Tô Thị. Nhưng làm sao gã có thể đi hết cánh rừng?
8.
Gã tìm đến bác sĩ. Hôm nay là lịch tháo băng. Vết thương của gã ẩm ướt và ngứa ngáy. Gã lo sợ cái đuôi lại mọc ra một lần nữa mà sự truy tìm nguồn gốc của gã, về người hóa giải định mệnh vẫn trong vô vọng.
Gã bước xuống điểm dừng xe buýt. Chiếc xe vụt qua làm bay những chiếc lá khô và hiện ra một đàn kiến lửa. Gã ngơ ngác nhìn bãi đất trống trước mặt. Gã những tưởng mình xuống nhầm điểm xe buýt nhưng không phải. Quang cảnh của con phố vẫn vậy. Vẫn bà cụ ngồi bán trà đá bên gốc sấu già. Vẫn những nếp nhăn xô dạt vào nhau và cái miệng móm mém nhai trầu đỏ loét hai bên mép. Nhưng phòng khám X đã biến mất. Nó chỉ còn là một bãi đất mấp mô đầy cỏ gà. Gã bàng hoàng nhìn tổ kiến lửa đùn lên đỏ quạch như một chậu máu đã thâm lại. Một con giun đất đang giãy giụa giữa đàn kiến lửa. Luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng gã, truyền xuống cái đuôi. Gã giật lùi lại vài bước rồi cắm đầu chạy. Cái đuôi trồi ra qua lớp băng mỏng, như con giun quằn quại đau đớn trong tổ kiến lửa. Nó bừng bừng như một ngọn lửa đang hừng hực cháy. Gã chạy qua những miền gió táp vào mặt rát bỏng. Những đàn kiến lửa rầm rập đuổi theo. Gã chạy mãi cho tới khi mặt trời khuất bóng chợt thấy bức tường loang lổ rêu phong cắm đầy mảnh chai và những dây thép gai đã rỉ sét. Nàng đứng đó với đôi mắt sắc lẹm xoẹt qua cái đuôi của gã. Gã lao về phía khu rừng. Chạy mãi, chạy mãi trong bóng tối của những tàng cây đen thẫm. Chạy về phía một nàng Tô Thị. Một cái đuôi rụng xuống tan vào đất nâu.
9.
Đêm gần về sáng, người ta phát hiện có một người đàn ông nhảy lầu tự tử.
Phố xá vẫn nhộn nhạo ánh đèn đủ màu.
Trên bàn làm việc của căn hộ 305, tầng 30 khu chung cư M, gió lật cuốn tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” đến trang cuối cùng.
Khi ấy, một người đàn bà trong trại trẻ mồ côi trở dậy, ném một mẩu giấy nhỏ vào đống rác và châm lửa đốt.
Một đàn kiến lửa chầm chậm bò qua.
N.C
(TCSH364/06-2019)
TRẦN KIÊM ĐOÀN Ngôi nhà một thời là tổ ấm trên đồi bỗng trở thành rộng gấp đôi, gấp ba và vắng vẻ như một tòa lâu đài cổ từ khi Bé Út dọn ra khỏi nhà để lên miền Bắc học. Đứa con 18 tuổi trên đất Mỹ nầy rời nhà đi học xa thường có nghĩa là đang bước vào đời, ra khỏi vòng tay cha mẹ, thật khó lòng về lại. Những bước tiếp nối là học ra trường, kiếm việc làm, chọn nhiệm sở như cánh buồm đưa tuổi trẻ ra khơi. Bất cứ nơi nào có thể an cư lạc nghiệp trên 50 tiểu bang sẽ là nơi đất lành chim đậu. Tuổi thành niên tiêu biểu của văn hóa Âu Mỹ là tự lập, gắn liền với vai trò chuyên môn và xã hội chứ không phải quanh quẩn với đời sống gia đình.
ĐỖ PHẤNĐêm rất khuya dưới chân núi H. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một con đò bằng tôn móp méo xác xơ. Chẳng hiểu ban ngày trông nó thế nào. Có lẽ đây là chiếc đò bị cấm lưu hành? Không thể có mặt ở bến vào ban ngày. Cũng là cấm làm phép. Dòng suối không có chỗ nào đủ sâu để có thể chết đuối.
ĐỖ KIM CUÔNGBây giờ bạn bè ít được gặp anh lang lang trên phố. Thảng hoặc dăm bữa nửa tháng, có khi hơn mới tóm được anh. Ấy là khi anh phải ra khỏi nhà đi nạp bài cho những tờ báo mà anh thường cộng tác, hoặc đi nhận nhuận bút một vài bài thơ lẻ in trên báo.
VŨ NAM TRỰC Truyện ngắn
TRẦM NGUYÊN Ý ANHÔng Nhâm bước chầm chậm theo con đường tráng xi-măng ngoằn ngoèo trong con hẻm nhỏ. Căn nhà ông ở cuối xóm, một trệt, một lầu... mới tinh. Cánh cửa sắt đóng im ỉm. Ông ngồi bệt xuống nền xi-măng vì chân ông đã mỏi. Lẽ ra, khi mấy đứa con ông chưa bàn nhau cất lại căn nhà, ông đã có thể đẩy cánh cửa rào bằng tre và đàng hoàng bước vào nhà mình.
XUÂN CHUẨNĐể rồi tôi kể cho ông nghe về lai lịch cái quạt, để ông ông khỏi coi tôi là Thằng Bờm có cái quạt mo. Cái thời quạt điện quạt đá, máy lạnh mà cứ bo bo cái quạt kè, thỉnh thoảng lại đạp phành phạch như mẹ hàng cá thách lên giữa chợ. Cũng chẳng có gì li kỳ, hay mùi mẫn rơi lệ, chỉ là chuyện đời tầm phào.Hai ông trải chiếu ngồi giữa sân, nhâm nhi chén trà, ông Thân nói với đại tá Tiến về hưu như vậy khi đại tá ngỏ ý thích cái quạt kè của ông.
TRẦN THỊ TRƯỜNG Bim chào đời vào lúc kém 19 phút. Trăng hạ tuần phun nhẹ màu đục của sữa vào bầu trời. Hôm sau trời lất phất mưa. Bố nói với bà ngoại trước khi đi làm: "Nếu không thấy con về thì bà giúp con cùng nhà con nuôi cháu". Câu nói ám ảnh làm trí tưởng tượng của bà ngoại nhiều lần thắt lại. Sau này nhiều khi bà ngoại sợ cả cái bóng của mình.
NAM TRUNG Ông Hãnh cứ đi tới đi lui trong phòng khách nhà ông, vừa đi vừa quạu cọ lẩm bẩm: thằng Hùng nó nói vậy là nó có ý coi thường mình, nó dám trứng khôn hơn vịt. Rồi mày sẽ biết tay ông. Ông sẽ cho mày còn lâu mới được vào Đảng, ông sẽ bác tất cả những đề xuất về mày...
HOÀNG THÁI SƠNKhi tôi lớn lên thì nội tôi đã mất từ lâu nhưng thỉnh thoảng dân làng vẫn nhắc đến người với niềm cảm mến về những chuyện không ít ly kỳ. Ông tôi rất khoẻ, người tròn vo, đen như sừng, tục danh Cu Trắt - phương ngữ vùng quê tôi nghĩa là nhỏ và rắn chắc. Ông ham mê võ thuật, thạo côn quyền, thuở trai thường đóng vai ông địa trong đám múa lân. Đám múa năm nào hễ thiếu ông là coi như nhạt trò, dân làng chẳng ai buồn xem. Người ta đồn ông tôi tài ba lỗi lạc, như có thể đi trên lửa, nhảy qua nóc nhà, còn những thứ chui vào hậu cung đình làng mà không cần dở ngói là xoàng... Kho chuyện về ông ngày càng dày do mồm miệng dân gian thêu dệt thêm, tuy nhiên trong đó nhiều chuyện là có thật.
PHAN XUÂN HẬUTôi trở về quê sau mười năm xa cách. Quê tôi nằm cuối con sông Vẹn, con sông này là nhánh của sông Dinh, bắt nguồn từ dãy núi Gám, chảy qua bến Dền. Nơi đây xưa kia là kinh đô của vua Dền. Vua Dền tụ tập lực lượng chống lại nhà Trần khi đó đang trấn áp nhà Lý. Vua Dền là hậu duệ của Lý Thái Tổ, ông không chịu sự chuyên quyền của vua tôi Trần Thủ Độ bèn lập căn cứ ở miền Tây Yên Thành, tức quê tôi, và Dền là kinh thành của ông, dân quen gọi ông là vua Dền.
NGUYỄN VĂN VINHTết Mậu Thân năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi. Soi gương, tôi thấy y xì một con bé tóc lơ xơ hoe nắng, xấu tệ.
CHÂU DIÊNĐơn vị của tôi đi bộ từ một tỉnh miền Trung, lên qua Mường Phăng thì Điện Biên đã giải phóng. Sau một tháng đi bộ nhưng gần như chạy bộ, chúng tôi được phép nghỉ lại hai ngày ở một bản, hồi đó bản này nằm khá sâu trong rừng, nhưng nay thì nó đã ở bên một nhánh đường mới làm dẫn ra phố huyện Tuần Giáo để nối vào con đường số 6 chạy tuốt lên Điện Biên Phủ.
NGUYỄN TRƯỜNGLàng Hạ nằm phía hạ nguồn sông La Ngà. Đất chật. Người đông. Đói nghèo thành nếp. Hồi hai bên đánh nhau, nơi đây là vùng địch hậu. Giải phóng hơn chục năm mà làng Hạ đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói. Không ít người bỏ làng đi xa chẳng thèm ngoái cổ nhìn lại. Vậy mà hơn mười năm lại đây, nhờ vực dậy cái nghề tơ tằm truyền thống vốn có từ xưa, làng Hạ đang trở thành một làng nghề giàu có nhất nhì trong vùng. Nhà cũ lỗi thời phá đi xây mới. Đường làng bùn lầy được thay bê-tông. Trường tiểu học tranh tre nứa lá hồi nào nay lên hai tầng. Điện lưới dọc ngang khắp làng đã đẩy năng suất ươm tơ kéo sợi lên cao chưa từng thấy. Chất lượng tơ tằm đạt chuẩn xuất khẩu. Hàng bán chạy hơn cả tôm tươi. Thu nhập người dân ngày một cao.
LÊ TRÂMNgồi với tôi và Kh là một đôi nam nữ còn khá trẻ. Chàng thanh niên, theo lời gã, vừa mới về từ Thái Lan sau khi trúng một hợp đồng béo bở. Gã là đại diện của một công ty xuất nhập khẩu nổi tiếng ở bên ấy.
NGÔ TỰ LẬPCó lẽ tôi đã ngủ rất lâu trước khi bị lay dậy một cách dữ dội. Tôi cố nằm thêm, mặc dù đó không phải là thói quen của một người lính cũ. Thường thì tôi bật dậy ngay. Trước khi tôi vào lính, cha tôi, một đại tá từng trải ba cuộc chiến tranh, chỉ dặn mỗi một câu: “Hãy chồm dậy ngay tiếng còi báo động đầu tiên!”. Lời dạy của ông tôi làm theo trong suốt thời gian tại ngũ và cả khi giải ngũ. Nhưng có những lúc ta không làm chủ được mình. Tôi thấy mình đau ê ẩm và phải một lúc khá lâu sau tôi mới chậm chạp mở mắt.
PHẠM THỊ CÚCTừ những ngày thơ bé còn cắp sách đến trường cho đến khi đã bước vào đời, con cái đã khôn lớn và trưởng thành, trong ký ức của tôi vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh sinh động và kỳ diệu của hàng ngàn con cò trắng rợp cả cánh đồng bát ngát, những cánh rừng và vườn cây trĩu nặng vô vàn chim chóc, hình ảnh chim cò thân thiết đậu cả trên vai người, trên đầu người, quẩn dưới chân người... là chuyện của Vùng Đồng tháp Mười qua những trang viết hấp dẫn của các nhà văn Sơn Nam và Đoàn Giỏi.
MAI NINHTrong khoảng giữa buổi chiều thăm viếng cơ sở và dạ tiệc, tôi chạy về nhà thay quần áo. Dưới vòi nước ấm, tôi nao nao xúc động nhớ lại từng khuôn mặt bạn bè. Ngoài một hai người thỉnh thoảng gặp nhau nhờ ở lại nơi này sau khi tốt nghiệp, còn hầu hết thì sau một phần tư thế kỷ đã qua đi, bây giờ mới tái ngộ. Làm sao không ngẩn người trước những tên bạn ngày xưa mặt mũi căng hồng tí tửng nhố nhăng, giờ đây làn da gấp nếp, râu ria đạo mạo, ra dáng sếp lớn sếp nhỏ cả rồi. Và dấu chân chim của thời gian càng rõ rệt hơn nữa, nơi những cô đầm bạn gái của tôi.
MAI NINH- Rối, Rối ơi! Dậy đi nào. - Nằm mãi đây cũng đừng hòng có ai lượm xác đem chôn. - Dậy đi! Rối ơi.
ANH DƯƠNGCòn sống đến nay, ông tôi phải hơn trăm tuổi. Trước ngày chết, ông kể cho tôi câu chuyện thương tâm này.
NGUYỄN XUÂN HOÀNG1. Từ Huệ nằm thiêm thiếp bên cạnh án thư. Tóc râu chàng bạc trắng. Đêm qua, ngoài trời mưa gió to quá. Chàng không làm sao ngủ được. Từ Huệ sợ mưa, sợ phải nghe thấy những âm thanh cuồng nộ của trời đất. Điệu luân vũ ấy là nỗi ám ảnh khi chàng còn là một anh khóa vô danh.