Kẻ ăn mày

08:44 07/08/2020

NGUYỄN LỘC THÁI HÒA

Người thợ sửa xe đạp chậm rãi để tờ báo đang đọc qua một bên, ngước nhìn khi tôi dừng xe bước xuống.

Minh họa: Phạm Đại

- Chú em cần gì, vá hay sửa xe?

- Dạ thưa không ạ, cháu muốn gặp chú có chút chuyện.

- À... à có việc gì vậy, chú em ngồi xuống đây. Sau một chút bất ngờ, im lặng, người thợ vá xe với tay lấy chiếc ghế nhỏ và thấp có lẽ là cái ghế dành cho khách hàng ngồi để trước mặt tôi.

- Chắc hơn chín giờ tối rồi hả chú, xin chú thông cảm, nãy giờ có đi qua đây mà cháu không ghé vì thấy chú bận vá xe cho khách, quay lại lần này cũng may chú đang rảnh rỗi.

- Ờ công việc này thất thường lắm, có khi bận suốt chẳng ngưng tay, có khi ngồi không cả buổi. Mà hình như tôi mới biết chú em lần đầu tiên.

- Dạ đúng! cháu cũng mới biết chú thôi, em Đức con của chú đang học với cháu ở trường.

- A... a vậy thầy là thầy giáo của thằng Đức, thế thì hay quá, mời thầy vào trong nhà uống nước.

- Dạ được cháu ngồi ngoài này mát hơn, có cái mái che chẳng phải sợ sương đâu. Mà chú đừng gọi cháu bằng thầy cứ xem cháu như người nhà, con cháu thì vui hơn.

- Đúng là vậy đó, tôi gọi thầy đây là tôi gọi cái danh xưng mà xã hội, nhân loại đã rất trân trọng giao cho những người làm công việc đó. Thầy đừng ngại, còn tôi thứ năm tên Thiên thầy gọi sao cũng được.

- Dạ thưa em Đức đâu rồi chú?

- Nó mới vừa đi ngủ, để tôi xem nó có bỏ mùng cẩn thận không? Thầy ngồi chơi nói chuyện cho vui, bận quá đi chứ tôi cũng có ý đến trường gặp thầy về chuyện của thằng Đức lắm đó.

Nhìn chú Năm bước vào trong, tôi cảm thấy buồn buồn cho hoàn cảnh và cơ ngơi của ông. Cái nhà đúng hơn là cái chòi - chi độ khoảng mười mét vuông nằm lõm trong hàng rào của căn nhà gạch sang trọng. Cái chòi sát hè phố mà khi cánh cửa bằng thiếc được chống mở lên sẽ chiếm một khoảng lề đường. Nơi đó làm chỗ sửa xe mà cánh cửa chống lên đó sẽ che chút mưa, chút nắng. Dưới cái giường ngủ khuất một bên, treo trên vách... ngổn ngang những bộ phận xe đạp hư, cũ. Đáng chú ý nhất là trên cái bàn vuông nhỏ ngoài những quyển tập học trò bề bộn có độ chừng mười quyển sách dày được bao bìa và xếp ngay ngắn. Có lẽ chú Năm cũng thích đọc sách Iắm chăng? Tôi chợt nghĩ một cảnh đời, một cái nghèo nàn tồn tại hiển nhiên hoàn toàn trái ngược với những cái kể cận nó đồ sộ xinh đẹp sang trọng, và đó là cuộc sống chăng? Tôi nén tiếng thở dài khi chú Năm bước ra với hai cái tách nhỏ và chai nước nguội.

Vẫn giọng điệu tự nhiên vui vẻ chú bảo tôi:

- Thầy uống Iy nước mát chờ tôi một chút, mình làm vài chung rượu cho ấm lời tâm sự ngày mới quen.

- Dạ không thưa chú, cháu không dùng rượu được.

- Không sao đâu, rất ít thôi, tôi cũng không có thói quen uống rượu, người đôi chung cho vui vậy mà.

Cái bóng gầy của chú Năm đổ dài trên mặt đường dưới ánh đèn đêm vàng võ. Tôi khẽ lắc đầu. Hai năm đi dạy tôi đã nhiều lần đến nhà của cha mẹ học sinh. Như bây giờ vậy, tôi được vồn vã chân tình đón tiếp ngay từ ngoài cửa, có khi là thái độ quá ư lịch sự đến mức độ giả tạo, cũng có khi mình phải cố gắng dằn lòng trước cánh cửa sắt với năm ba lần hồi chuông điện báo để sau đó nhận được một thái độ hời hợt, lạnh nhạt. Mỗi lần như vậy là tôi nhận diện thêm một cảm giác, một hoàn cảnh sống khác nhau. Có lẽ điều đó làm cho người thầy giáo dạy cấp Một tuổi hai mươi quá trẻ của tôi có chút gì cằn cỗi. Tôi định tâm một lần nữa mục đích của mình khi đến đây hôm nay. Hình ảnh đứa học trò lớp bốn lầm lì, ít nói bướng bỉnh nhưng không vô lễ, có đôi mắt luôn nhìn thẳng vào mặt người đối diện, nhất là câu nói của Đức luôn lập lại trong tôi. Với tuổi mười hai em không thể nào tiếp nhận được vấn để mà chính tôi cũng chưa hiểu hết. Chú Năm xem ra không phải là người thiếu hiểu biết mà tại sao lại dạy cho con mình biết quá sớm những suy nghĩ ấy, có một điều gì đây...

- Đấy, thầy yên chí chưa, mình uống một chút cho vui thôi.

Chú Năm quay lại lấy một cái ghế để vào giữa làm bàn đặt lên nửa xị rượu thuốc và hai bịch đậu phộng rang. Nhấm nháp vị béo béo của hạt đậu, tôi chưa tìm được cách nào để mở đầu câu chuyện của mình. Chú Năm vẫn vui vẻ hỏi chuyện, nhưng bây giờ với giọng trầm và sâu hơn:

- Thầy chắc là người không phải sinh trưởng vùng này?

- Dạ đúng ạ, cháu người ở thành phố lên.

- Thì ra vậy, chứ nếu sinh trưởng ở đây thì chắc là biết nhau, tôi ở đây khá lâu.

- Cháu thấy hoàn cảnh của chú sao neo đơn quá! Tôi buột miệng nói điều hoàn toàn không chủ định.

Đang cầm tách rượu định uống, chú Năm để nhẹ xuống, nheo nheo đôi mắt và một thoáng lặng im.

- Trước đây tôi thường dùng từ thân phận - thân phận con người - mà không thích dùng từ số phận, vì nói số phận con người có một cái gì mặc khải, bi quan quá nhưng từ khi gặp biến cố gia đình tôi lại thích nói đến số phận hơn.

- Thế trước đây...

- Coi như từ bây giờ tôi và thầy đã làm quen và kết nghĩa nhau, nhờ thầy thương dạy dỗ giùm tôi thằng Đức, tội nghiệp nó, còn tôi thì ngày tối chạy vạy với cơm áo đời thường, với những nghiệt ngã của cái sống đâu có thời gian nhiều để chăm chút gì cho nó.

- Dạ chú Năm yên tâm, cháu sẽ hết sức lo cho em Đức.

- Tôi rất cảm ơn thầy.

Cả hai chúng tôi đều im lặng và ngẫu nhiên trùng hợp cả hai người đều cầm ly rượu đưa lên môi nhấm nháp. Con phố hun hút dài và vắng, thỉnh thoảng âm thanh nhanh gọn của những chiếc xe hon-đa vút qua. Vài chiếc xe đạp chậm chạp uể oải trôi đi nhập nhòa trong khoảng tối và lại hiện ra tạo một cảm giác xa thăm thẳm của khoảng nhìn. Đêm như có vẻ sâu hơn.

- Trước đây tôi cũng là thầy giáo - Chú Năm đột ngột phá tan sự im lặng.

- Chú cũng đã từng đi dạy học à?

- Tôi dạy triết ở các trường trung học trong thị xã này. Nói về mình là một điều rất khó và không nên phải không thầy? Nhưng với thầy tôi phải nói để ít ra một phần nào thầy có thể cùng tôi làm thay đổi một số phận con người, đó là tương lai của thằng Đức. Đúng, trước đây tôi là giáo sư dạy triết, ngay cả căn nhà gạch phía sau cái chòi này cũng là của tôi - Không, của vợ tôi là đúng hơn - Tôi ly tán xa quê từ nhỏ vào Sài Gòn sống tự lập để đi học. Giành giựt có mảnh bằng trong tay là để trốn lính thầy à, tốt nghiệp đại học tôi về đây dạy và gặp vợ tôi, một cô gái rất đẹp lại là con của gia đình khá giàu có. Sự nghiệp, nhà cửa, vợ đẹp, con ngoan... Tôi bước vào gia đình ấy như một số phận đã an bài và chỉ để chờ đợi riêng cho tôi. Sau ngày giải phóng tôi phải đi tập trung học tập vì tôi là sĩ quan biệt phái dù tôi chưa hề cầm súng một ngày nào. Thời cuộc mà, ai cũng vậy thôi. Ba năm, tôi đã cố gắng để sớm trở về với vợ con. Ít ai chịu khó đếm hạnh phúc của mình đã có tất cả được bao nhiêu, nhưng lại dễ dàng đếm rất cụ thể từng nỗi buồn đau của mình. Tôi có suy nghĩ ấy khi từ trại học tập trở về đứng trước căn nhà với cái tin là vợ tôi đã bán tất cả và đem hai đứa con cùng gia đình trốn đi vượt biên, chối bỏ Tổ quốc. Tôi đứng thật lâu trước những dấu tích cũ với nỗi cô độc, xa lạ và nhận thấy rằng chính tôi cũng xa lạ với chính thằng tôi qua tám năm sống trong căn nhà đó. Khoảng thời gian quá dài - tám năm - tôi làm kẻ ăn mày...

- "Không ai sống mãi với quá khứ nhất lại là một quá khứ đau buồn", cháu nghĩ cuộc sống...

- Tôi không bi quan và mất niềm tin đâu thầy. Cái ác có thế mạnh vì nó luôn bị cái thiện tiêu diệt, nó phải mạnh đến mức độ nào đó mới có thể hình thành mà tán phá chứ, nếu không nó bị tiêu diệt ngay từ đầu nhưng may là cái ác nó không nhiều và không trường tồn trong cuộc sống. Đó, chính tôi đó, đang chơi vơi tưởng chừng như ngã quỵ thì cái thiện đã kéo tôi đứng dậy. Ngay hôm đó, người chủ mới của căn nhà mời tôi một bữa cơm chân tình và giúp tôi một khoảng đất với tất cả vật dụng xây dựng một cơ ngơi này mà sống.

Tôi chợt nhớ đến mục đích của mình đến đây hôm nay:

- Vậy là chú Năm đã có lần nói với em Đức chuyện này rồi chứ?

- Không đâu thầy, thằng nhỏ đã khổ nhiều rồi, đừng chất chồng lên tuổi nhỏ của nó những điều không vui nếu không cần thiết phải không thầy?

- Nhưng sao lúc gần đây Đức nhiều thay đổi tính tình, hay đánh nhau với các bạn khác và nhất là suy nghĩ của Đức vượt xa hẳn so với tuổi của em.

- Cụ thể là sao hả thầy?

- Hôm qua tụi nhỏ đánh nhau, cháu đến can thiệp tìm hiểu mới biết là do các em khác nói thằng Đức là thằng ăn mày. Nhiều lần như vậy, Đức chưởi lại: “Ừ tao là thằng ăn mày, nhưng cha tụi bây cũng vậy. Tao ăn mày tiền để có sống, không chừng cha tụi bây đi ăn mày danh vọng và nhân cách”. Thế là cả bọn đánh Đức. Cháu hỏi, Đức bảo là chú nói cho Đức điều đó. Thế là sao hả chú Năm, điều đó có đúng không và, nếu có đúng đi nữa thì liệu rằng với tuổi của Đức ta có nên cho biết điều đó chưa chú?

- Ờ... ờ… không ngờ thằng nhỏ... vừa nói thì thầm chú Năm vừa gật đầu. Đó là chuyện thường xảy ra chung quanh phải không thầy. Tôi nghĩ "nếu không nói thật được thì hãy im lặng", tôi không có quyền nói dối nhất là đối với đứa trẻ.

- Cháu đồng ý với chú là ta không được lừa dối, làm mất lòng tin nơi thế hệ trẻ, nhưng sự tiếp nhận và hiểu vấn đề còn tùy từng độ tuổi, tùy trình độ từng người, ta sẽ có cách và có mức độ khác nhau chú à, nói không khéo lại phản tác dụng nữa là khác.

Như có cái gì đó nghèn nghẹn trong giọng nói của chú Năm:

- Thằng ăn mày, chính thằng Đức là đứa đã từng đi ăn mày. Cũng rách rưới, đầu tóc trần trụi, bù xù lê la khắp chợ, bến xe xin thiên hạ từng đồng từng chục để...

Tôi thấy như mắt chú Năm long lanh ngấn nước. Chú bỏ lửng câu nói, bưng ly rượu nhấp một chút như để ngăn cơn xúc động.

- Nó đi ăn mày để... nuôi tôi đó thầy.

- Trời! đến như vậy sao chú?

- Ờ đúng, nó đi xin ăn để nuôi tôi qua cơn bệnh nặng. Tôi nằm xuống có mấy ngày thì có chút dành dụm được phải buông tay. Hết thuốc, hết cả gạo, thằng nhỏ cứ ngồi bên tôi thút thít. Gần nửa đêm cố ngồi dậy sửa tấm đắp cho nó, tôi mới biết là nó vẫn chưa ngủ được. Sáng ra nó đi khá sớm, một chút sau mang cháo và thuốc uống về cho tôi, rồi lại đi. Hai ba ngày như vậy, tôi hỏi nó về tiền ở đâu có, nó chỉ cười. Tôi làm mặt giận không chịu uống thuốc, nó òa khóc tức tưởi "con không có đi ăn cắp đâu ba đừng lo". Sau mới biết, túng thế nó phải đi ăn xin khắp chợ để có tiền nuôi tôi, được đồng nào nó mua thuốc, mua cháo mua cam cho tôi, còn nó chỉ ăn toàn khoai lang đỡ đói. Đó, thầy coi, trời ơi, thằng nhỏ... Thằng Đức cũng không phải là con ruột của tôi đâu thầy, nó cũng biết điều đó nhưng suốt đời nó là con của tôi và tôi là cha của nó phải lo cho tương lai nó.

Ly rượu và gói đậu vẫn chưa vơi phân nửa, đó chỉ là cái nguyên cớ cho sự bắt đầu kết thúc hay những tình huống nào bất chợt. Như bây giờ chẳng hạn, tôi lại cầm ly rượu ghé nhẹ vào môi để ngăn một cái gì rưng rức quanh vòng mắt. Nguyên nhân chính là sự có mặt của tôi, người thầy giáo, mà cha đứa bé biết rằng đó cũng là người sẽ góp phần vào sự thay đổi phần nào những nghiệt ngã của thân phận con mình. Người nói, cần thiết phải nói. Người nghe, cần thiết phải nghe vì sự thờ ơ vô trách nhiệm trước một thân phận con người là điều vô cùng tội lỗi mà tôi lại là người thầy giáo với học trò.

- Giả dụ như có số phận thì chính sự ngẫu nhiên của cái gọi là số phận nó lại làm thay đổi số phận cho nhau - chú Năm trầm trầm tiếp tục câu chuyện. Một hôm, khi chuẩn bị sập cánh cửa này để đi ngủ tôi thấy một thằng bé khoảng bảy, tám tuổi ngồi dựa vào vách, chỗ này này, ngủ ngon lành. Hỏi ra mới biết nó chuyên đi lượm bịch nylon ở các bãi rác, tối tối về ngủ trên các sạp ngoài chợ. Hồi đó thằng nhỏ đói quá đến đây ngồi nghỉ rồi ngủ quên. Thế là tôi bắt nó về ở với tôi luôn rồi cho đi học. Tội nghiệp, quá tuổi mới vào lớp một không có hộ khẩu trường đâu có nhận tôi phải chạy nhờ người bạn quen còn đi dạy gởi mấy lần mới được. Nó khá thông minh nhưng về nhà nó phải phụ giúp tôi nên cũng không học giỏi được.

- Nhưng dù sao Đức vẫn chưa thể hiện cuộc sống như cách hiểu của chúng ta được.

Thế tôi phải làm gì trước những băn khoăn buồn tủi của thằng nhỏ? Chúng ta lại càng không thể im lặng. Đúng, tôi đã nói với nó điều đó. Một hôm đi học về với vẻ buồn lắm, chưa kịp ăn cơm nó hỏi: “Ba ơi làm thằng ăn mày xấu và nhục lắm phải không ba?" "Ai nói với con như vậy?" "Không ai nói đâu, hôm ba bệnh, con đi xin ăn, tụi bạn con thấy, vào lớp tụi nó cứ gọi con là thằng ăn mày. Có khi cả bọn cầm kẹo bánh bảo con: Mày làm thằng ăn mày, mày xin đi tụi tao bố thí cho. Ba ơi, có phải như vậy không ba?". Nói đến đó thằng nhỏ khóc. Tôi biết phải làm gì để xóa đi và xoa dịu nỗi mặc cảm đang ám ảnh nó? Thôi thì cứ nói cho nó nghe bản chất của cái gọi là ăn mày, người bố thí, có thể nó sẽ không hiểu nhưng vấn đề là phải cứu vớt cái điều mà tuổi thơ của nó không nên gánh chịu. Tôi bảo nó: "Nhục hay xấu còn tùy cách thức ăn mày con à.” Nó nói: "Nhưng ăn mày thì ít, kẻ bố thí thì nhiều, vậy hễ làm thằng ăn mày thì bị người ta khinh bỉ phải không ba?".

- Khinh hay không cũng còn tùy con à, ai cũng có thể trở thành thằng ăn mày và ai cũng làm người bố thí được cả. Ngoài những kẻ nghèo khổ đói rách, tàn tật phải đi ăn mày tiền bạc để có sống, còn có những người giàu có sang trọng vẫn làm kẻ ăn mày. Họ đi ăn mày danh vọng, nhân cách mà có khi con lại là người bố thí cho họ, những kẻ đó đáng khinh hơn.

- Con không hiểu gì hết. Vậy kể cả ba hay anh Cường chạy xe cúp đỏ nhà bên kia đường cũng có thể là ăn mày cả sao?

Thằng nhỏ trố mắt chờ câu trả lời của tôi. Đức không còn là trẻ thơ nữa đâu vì nó đã biết thế nào là đau khổ. Thôi đành vậy, đành nói với nó như nói với một người bạn. Tôi đành phải cộng vào nỗi buồn tủi của nó một ý thức về sự buồn tủi, dẫu biết rằng điều đó làm cho nó càng xa rời tuổi thơ của nó hơn nữa.

- Đúng đó con, con đã từng đi ăn mày và con đã gặp nhiều người bố thí cho con. Có khi gặp người nghèo chỉ cho con đôi chục đồng bạc lẻ nhàu nát nhưng kèm theo đó là một tình cảm chân thành, một tình thương, một nỗi buồn cho hoàn cảnh của con người. Như vậy người ấy xứng đáng là người bố thí và con đúng nghĩa là kẻ ăn mày. Con phải cảm ơn họ. Có khi con lại gặp người sang trọng giàu có thí dụ như anh Cường mà con nói chẳng hạn, đang đi với người bạn gái. Họ có thể bỏ vào cái nón rách của con rất nhiều tiền nhưng không phải là một tình thương chân thật mà với ý muốn tỏ ra cho người khác thấy mình là người giàu có, hào phóng rộng rãi, "biết thương người”... Họ cảm thấy hãnh diện, tự hào. Như vậy, những người ấy lại chính là thằng ăn mày, còn con lại trở thành người bố thí, vì nhờ con họ mới có nhân cách, mới tỏ ra được cái nhân cách mà bình thường họ không có. Con đã bố thí cho họ một danh vọng, một tính cách làm người của họ.

- Con biết rồi ba, con không buồn nữa đâu.

- Ừ.

Tôi ra về cùng với nỗi cô đơn của con phố khuya vắng lặng. Câu chuyện về cha con của người học trò cứ miên man, quay quắt lấy tôi. Ờ nhỉ, ai cũng có thể làm thằng ăn mày hoặc là người bố thí cả, có kẻ nghèo khó đi ăn mày tiền bạc cũng có kẻ giàu sang lại phải đi ăn mày danh vọng nhân cách. Cho và nhận, nhận và cho, cái lẽ của cuộc đời. Tôi chợt nghĩ đến công việc sáng ngày mai, tôi được trường phân công cùng với hội trưởng hội phụ huynh học sinh đi vận động ủng hộ cho các thầy cô trong ngày nhà giáo Việt Nam, ngày 20 tháng 11. Ngày mai, tôi sẽ làm người đi xin hay sẽ là người bố thí?

Tháng 11/1989
N.L.T.H.
(TCSH47/01&2-1992)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM THỊ HOÀI

    Ngày mười lăm tháng hai năm một ngàn chín trăm tám mươi bảy, tòa án nhân dân thành phố H. mở phiên tòa xử một trường hợp đặc biệt.

  • NHẬT CHIÊU 

    Đúng là công viên rồi. Nhà của nhà thơ ở gần đây thôi. Chỉ cần xuống trạm xe buýt gần công viên, đi bộ năm phút là đến nhà tôi, đó là lời dặn dò của nhà thơ mà tôi còn nhớ như in.

  • NHỤY NGUYÊN

    Tôi thấy mình như quả bóng bị hút vào khoảng không, dính lên trần nhà, thoáng nhìn xuống, chính lúc này tôi đã rú lên.

  • ĐỨC BAN

    Giáo sư Lê Văn đến công tác tại tỉnh H. Ở đó ông được nghe một câu chuyện về vị vua Hàm Nghi thời nhà Nguyễn, trước khi bị giặc Pháp bắt đưa đi an trí bên châu Phi xa xôi, đã để lại cho dân làng Gia Ninh heo hút trong rừng sâu ba con voi vàng và một bộ long bào.

  • PHẠM DŨNG

    Các đại biểu về dự hội nghị văn thơ đều biết chị. Vì chị là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng và cũng bởi chị có một cách sống, như nhiều người nhận xét, kiêu ngạo và trác táng.

  • LÊ MINH PHONG   

    Huế trở lạnh. Đó là một điều hết sức quý giá với tôi. Buổi chiều, tôi mông lung bước trên hè phố khi tiếng chuông nhà thờ đang bay như những cánh chim trên không trung. Tất nhiên đó là những cánh chim không rõ hình thù.

  • NGUYỄN HIỆP

    Bước đi của ông nghiêng bên này, ngả bên kia, bóng nhảy qua nhảy lại thành hai chiếc bóng của một người.

  • NGUYỄN HUY THIỆP

    1. Gây chuyện
    Trong số người quen của tôi, tôi rất nể phục nhà nghiên cứu văn học K. Anh am hiểu các vấn đề lý luận văn học ở ta, lĩnh vực mà thú thực tôi không hiểu gì mấy. Những bài viết của K. có thời được nhiều người ví như "ngọn roi" quất vào "con ngựa sáng tác văn học" giúp nó phi nhanh hơn và không trật đường.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ    

    1. Gã có thói quen mỗi buổi sáng thức dậy, gã thường tợp một ngụm Tequila và nhìn chăm chăm vào bức tường. Sau đó mới rời khỏi nhà, đến công sở. Nơi nào gã đến cũng có một bức tường tương tự như thế. Chỉ thiếu mỗi Tequila. Những bức tường xuất hiện ở khắp mọi nơi. Chỉ Tequila là không thể. Gã phải đến quán rượu. Ghé quầy bar của lão họa sĩ già.

  • LGT: Trần Bảo Định là một “tác giả mới”, từng là cựu sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt, năm 2014, tròn 70 tuổi, mới công bố tập truyện ngắn đầu tay Kiếp Ba Khía (Nxb. Văn hóa văn nghệ) với giọng điệu Nam Bộ khá độc đáo, nên sách vừa in ra đã bán hết.

  • NGUYỄN THANH ĐẠM 

    Ba ngày nữa kết thúc chương trình hợp tác một năm dạy tiếng Pháp tại trường Đại học Đà Lạt, Lavande bần thần trước thời gian vụt trôi nhanh quá.

  • TỐNG NGỌC HÂN

    Đường vào Sài Cang là một con dốc không có tên vì xem ra chưa có cái tên nào xứng với nó. Vừa cao, vừa dài, vừa hẹp, lại vừa quanh co gấp khúc.

  • PHẠM NGỌC CẢNH NAM

    Thay vì cúi xuống đặt mũi dao đúng vào nơi quy định, giữa lỗ tròn của tấm khăn mổ trắng lóa thì anh lại bất giác nhìn lên mặt bệnh nhân.

  • PHẠM THANH THÚY

    “Em mang thuốc đau đầu này. Anh uống đi.”
    Nàng đưa cho anh viên thuốc, cùng chai nước lọc.

  • THÁI NGỌC SAN

    Hình ảnh của Hảo trên sân ga làm cho tôi đau đớn. Nàng giống như một nữ tu kín trong ngày ép xác, cả người trùm kín trong chiếc áo khoác và tấm khăn choàng nỉ đen, hơi sương giá tháng ba như những mũi kim găm vào da thịt làm mặt nàng tím ngắt.

  • TRẦN THÚC HÀ

    Đoàn Mã Kỳ đã tìm thấy vùng núi thiêng. Đến được đấy còn phải đi một quãng xa. Mã Kỳ chọn đám đất trống, tầm nhìn quang, buông tay nải, tựa lưng vào gốc cây lớn, cởi dép cỏ, duỗi đôi chân sần sùi vết xước còn tươm máu nghỉ sức.

  • NGUYỄN THỊ KIM HÒA

    I.
    “Linh hồn tội lỗi hãy rửa sạch trong dòng nước thịnh nộ của các thần
    Trái tim tội lỗi hãy tẩy xóa trong luồng gió thịnh nộ của các thần.”

  • LÊ THỊ KIM SƠN  

    Dì luôn hỏi nó “Vậy có ác hôn con? Có ác hôn con? Lũ chim ngoài kia được bay tơi bời vui vẻ, mình bắt nhốt con này trong lồng vầy có tội nó hôn con?”.

  • TRIỀU NGUYÊN

    Ông Tự ngước mắt lên nhìn bàn thờ. Cái bát hương đặt chính giữa từa tựa chiếc bình sứ lớn, hình như được trang trí bằng một cái đầu con rồng thì phải.