TRẦN PHƯƠNG TRÀ
Từ trên võng, tôi chồm dậy nhảy xuống sạp ngay sau những tiếng nổ đầu của loạt bom B52. Tiếng nổ khá gần làm rung chuyển cả những khúc gỗ lát căn hầm chữ A.
Minh Họa: Phan Chi
Một tiếng nổ to hơn cả như một cái dấu chấm hết loạt bom đầu. Chiếc võng vải dù láng cọ vào má tôi. Tôi quờ tay chạm phải chiếc võng kaki treo bên cạnh. Lúc này tôi mới hoảng hồn: Cu Xơ đi đâu? Trong lúc máy bay B52 đánh ở khu vực này, Cu Xơ không có trong hầm.
Chiều hôm kia, Cu Xơ đến bệnh viện để đón tôi về cơ quan. Hơn một tháng trước, trên đường công tác từ đồng bằng lên hậu cứ, tôi bị một mảnh pháo một trăm bảy mươi lăm ly vào đùi trái, phải vào nằm viện. Cu Xơ là một thanh niên dân tộc Ka-Tu, người thấp, chắc chắn. Mái tóc cắt ngắn làm cho khuôn mặt của cậu ta trông béo ra. Mang một khẩu súng AK báng gấp và một chiếc ba lô, Cu Xơ sung sướng chạy đến bên tôi, nói tiếng Kinh sành sỏi:
- Chú! Cháu đi khắp các lán trong bệnh viện mới tìm được chú! Chú đã lành chân chưa?
Tôi dùng đôi bàn tay nhắc chân trái từ trên võng đặt xuống đất và quàng lấy cổ Cu Xơ:
- Cháu có mệt lắm không? Chú tập đi đã được mấy hôm nay. Vết thương khô rồi. Nằm một chỗ lâu ngày nay mới đi lại nên còn đau. Đi rồi khắc quen. Cu Xơ ăn cơm chiều chưa?
- Dạ, cháu còn nửa gô đây - Cu Xơ vỗ vào cái túi giữa chiếc ba lô.
- Các chú, các anh ở cơ quan gửi thư và quà cho chú đây. Có cả thư của cô ở ngoài Bắc nữa đó. Thư mới vô bữa tối thì sáng hôm sau cháu đi về viện đón chú.
Cu Xơ nói liến thoắng và cười rất tươi. Trong số các anh em thanh niên người dân tộc thiểu số miền Tây Trị Thiên ở cơ quan tôi, Cu Xơ là một người hoạt bát và vui tính. Anh em vẫn hay kéo dài tên gọi của cậu ta thành ra Cu Xơ rơ... tiếng Xơ thành một âm rung lưỡi. Những lúc ấy, Cu Xơ chỉ cười, đôi mắt nhắm tít lại, không hề phản ứng gì cả.
Ngày nghỉ lại bệnh viện, Cu Xơ ra suối tắm giặt và giặt cả quần áo cho tôi. Đêm hai chú cháu treo võng nằm bên nhau. Cu Xơ kể những diễn biến ở cơ quan thời gian tôi đi vắng. Tôi quàng tay qua tấm võng, ôm ngang tấm lưng chắc nịch của Cu Xơ và nghĩ đến đứa con trai đầu của tôi năm nay kém Cu Xơ chừng bảy tám tuổi đang học lớp bốn ở ngoài Bắc. Những năm một ngàn chín trăm sáu sáu, sáu bảy, Mỹ rãi chất độc hủy diệt rừng núi miền Tây Trị Thiên. Nhiều dải rừng già trụi lá. Cha của Cu Xơ bị đói lại bị ngộ độc chết bên một dốc núi. Bà mẹ và đứa em gái nhỏ theo bà con trong thôn dời nhà qua nhiều ngọn núi, nhiều con khe. Cu Xơ vào bộ đội địa phương huyện rồi thành nhân viên của cơ quan tới hơn một năm nay.
Từ bệnh viện về, Cu Xơ mang hết mọi thứ và đi chầm chậm chờ tôi. Người giao liên đi trước bẻ lá làm dấu các con đường cấm. Tôi chống gậy lần theo con đường mòn. Đùi và bắp chân nhiều lúc tê cứng, tôi phải ngồi xoài trên một tảng đá hay một gốc cây bên bờ suối. Mãi gần tối, chúng tôi mới lần về đến trạm giao liên. Hai chú cháu quyết định nghỉ lại ở trạm một ngày cho sức tôi hồi phục. Gặp lúc vắng khách, người trưởng trạm nhường cho chúng tôi một căn hầm chữ A ở bên này suối.
Đi đường mệt quá, tôi ngủ thiếp đi cho đến khi loạt bom đánh thức. Chiếc đồng hồ dạ quang chỉ mười hai giờ đêm. Theo quy luật máy bay B52 ném bom, đúng mười lăm phút sau sẽ có một loạt bom nữa. Cu Xơ ở đâu? Có thể nó qua bên kia suối để trò chuyện với mấy người bạn dân tộc Ka Tu của trạm chăng? Nếu thế thì cũng yên tâm. Lúc này không thể "thoát ly công sự" chạy qua bên kia suối để tìm kiếm. Có gì cũng phải đợi sau loạt bom thứ hai. Ruột nóng ran, tôi phán đoán những tình huống có thể xảy ra cho Cu Xơ. Vẫn hy vọng Cu Xơ sang với bạn bè. Chả là lúc mới đến, vo gạo xong nó đã vào trong trạm nấu cơm.. Câu chuyện giữa Cu Xơ và cậu giao liên người cùng xã xem chừng sôi nổi và hào hứng lắm.
Những phút chờ đợi loạt bom B52 như kéo dài ra và thật căng thẳng. Tay tôi quờ quạng trên mặt sạp đan bằng nứa. Đất vun nham nháp. Chiếc thắt lưng có khẩu súng ngắn của tôi vẫn nằm ghếch lên túi trái ba lô. Không thấy chiếc đèn pin buộc cạnh khẩu súng ngắn. Một ý nghĩ chợt đến. Chắc gần đây có một thôn đồng bào dân tộc thiểu số nào nên Cu Xơ tranh thủ cầm đèn vào chơi và dò hỏi về mẹ và em gái của nó. Thấy tôi mệt ngủ thiếp đi, Cu Xơ không nỡ gọi tôi để báo cho tôi hay...
Tôi lần đến góc sạp và nhìn qua cửa hầm: bên ngoài vẫn một màu đen đặc. Không khí nặng nề trước một trận bom càng làm rõ sự yên tĩnh của đêm khuya giữa rừng. Lại những tiếng nổ kéo dài. Lần này hình như chếch về phía trái căn hầm của tôi và xa hơn loạt trước. Đất vẫn rơi lạo xạo xuống mặt sạp. Thế là khu trạm giao liên này an toàn. Một chốc nữa chắc Cu Xơ sẽ về. Không có đèn pin, tôi không thể qua bên kia suối tìm cậu ta lúc nửa đêm. Giờ tôi mới thấy đau ở chỗ vết thương. Bất thình lình nhảy xuống theo bản năng tự vệ lúc nghe tiếng bom, tôi đâu biết nên nhảy chân nào xuống trước. Thọc tay vào túi áo bà ba, tôi lấy bật lửa ra đánh. Tôi vén hai chiếc võng lên để soi. Không thấy khẩu AK của Cu Xơ. Tôi giật mình. Thế là chắc chắn Cu Xơ không sang trạm giao liên rồi. Cậu vào trong thôn nào đó. Thế này thì nguy to. Ngoài rừng vừa bị máy bay B52 đánh. Mong sao Cu Xơ không hề gì. Mà bao giờ cậu ta mới về đến căn hầm này? Tôi thấy cồn cào cả ruột gan. Năm, sáu giờ nữa trời mới sáng. Từng phút trôi qua nặng nề. Bất giác tôi nhớ lại rành rọt từng chi tiết một buổi tối ở cơ quan mùa đông năm ngoái...
***
Ba khúc gỗ dài, mỗi khúc có đường kính đến hai mươi lăm xăng-ti-mét được kê làm ba ông táo ở giữa nhà. Phía trên đặt một soong cháo to. Lửa đỏ rực. Vòng quanh bếp là ba chiếc võng mắc chéo những cột nhà. Mặc bộ bà ba màu cỏ úa, tôi ngồi trên một thân cây, hai chân bỏ ra hai bên như một người cưỡi ngựa. Tôi nhặt mấy thanh củi nhỏ bỏ vào bếp. Quân nằm trên võng, đầu gối lên hai bàn tay đan vào nhau đặt sau gáy, thỉnh thoảng thò chân xuống chọi vào nền nhà. Chiếc võng đưa mạnh, tiếng kêu cót két. Nhượng ngồi ở bên sạp mở sợi dây dù ở đèn pin buộc vào đôi chân con gà đã làm sạch, thả vào nồi. Hôm nay nhà ba chúng tôi nấu cháo gà liên hoan. Mấy hôm trước Nhượng đi công tác qua một thôn của người KaTu. Anh mang theo một cái hăng gô và một bộ áo quần kaki của anh em, đổi được ba con gà mái. Cũng đã có vài lần cả nhà liên hoan nhân một chuyện vui, như cả ba cùng nhận được thư vợ con ở miền Bắc, nhân một chuyến về công tác đồng bằng hoặc có cán bộ từ vùng sâu lên mang cho một món quà. Những lần như vậy được chúng tôi gọi bằng cái tên là "ca nhạc nhẹ". Ai có gì đóng góp nấy. Nhưng khi cả ba cùng có ba con gà như tối nay chẳng hạn thì chúng tôi lại áp dụng công thức CCGR. Cái công thức ấy người ngoài cuộc mới nghe khó mà hiểu nội dung nói lên điều gì. Vả lại còn cả hai chữ KAMA nữa. Có người nói đùa: "phải để nó lên thành một thứ "chủ nghĩa", "chủ nghĩa KAMA!" Tôi nhắc cái soong đặt xuống đất để đẩy ba khúc cây vào rồi lại đặt soong lên. Quân nhổm dậy, móc túi lấy ra cái hộp thuốc rời. Vừa vấn thuốc, anh vừa nói:
- Chẳng biết thằng cha nào nghĩ ra cái tên KaMa nghĩ cũng hay. Mình nghe hai tiếng ấy hôm đi qua một trạm giao liên. Tưởng là tên một thứ thuốc hay tên một hãng tư bản kiểu Plát-ma, Stăng đa. Hôm ấy vội cũng không kịp hỏi rồi quên mất. Không-ai-mời-ai! Kể ra thì cũng hơi kỳ kỳ nhưng mà rạch ròi như thế cũng tốt thôi. Hì, hì, anh ta cười rồi chặc lưỡi - Thời buổi ni mà...
Nhượng vội góp vào câu chuyện:
- Ở giữa rừng ni chỉ toàn rau rừng, nước suối. Có đâu nhiều thức ăn mà đem phân phát. Được chút gì cũng là dành dụm mà có đó. Này, trong chúng ta chẳng có ai không có một lần đi chùa. Các công có để ý không? Ở chùa có tượng mấy ông Bồ Tát, La Hán... ông nhịn ăn để mặc thì gầy nhom, ông nhịn mặc để ăn thì béo quay. Ta ăn con gà này cũng là theo gương các vị nhịn mặc mà ăn đó...
Quân nhón chân đưa võng và nhấc điếu thuốc ra khỏi môi, thả khói bay vòng tròn rồi tán thưởng câu nói của Nhượng:
- Hay! Đúng! Sức khỏe là việc hàng đầu. Có trụ lại được ở chiến trường, có chống nổi với các loại ký sinh trùng sốt rét trước tiên phải có sức khỏe đã!
Tôi châm lửa hút thuốc rồi ném thanh củi vào bếp:
- Thỉnh thoảng phải có chút chất tươi! Phải có "ca nhạc nhẹ" chứ hôm nào cũng cái món "Ma-gi-cô" thì gay lắm.
Nghe nhắc đến món ma-gi-cô tự nhiên Quân đang nằm trên võng vội xỏ chân vào dép đứng dậy hát:
- Cồ cồ mà-gi-cô... Cồ cồ ma-gi cô...
Chả là mấy lâu nay cơ quan của tôi thường ăn sáng vào hồi sáu giờ. Các nhà cho người mang rá, mang gô, mang soong xuống nhà bếp ở ven suối để nhận cơm sáng về cho anh chị em. Đúng vào lúc đó, máy thu thanh từ các căn nhà dưới những tán lá cây xanh cất lên điệu nhạc báo giờ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Cái nhịp điệu quen thuộc cất lên đúng vào lúc múc ra món ma-gi-cô hoà thành nước màu nâu lõng bõng của bữa sáng. Từ vài câu "ma-gi-cô", "ma-gi-cô" hát theo điệu nhạc báo giờ lúc đầu, bây giờ nó đã trở thành một điệp khúc khá gần gũi.
- Cứ ma-gi-cô mãi thì con người cũng phải cô rồi khô luôn - Nhượng cười cười bước đến bên bếp nói.
Ánh lửa bập bùng chiếu những bóng người lay động trên các tấm liếp đan bằng lá nón. Tôi bỏ vào bếp một thanh củi tươi. Củi nổ lép bép. Một tàn lửa vút bay ra chạm vào tay áo tôi. Tôi vội giơ tay phủi. Nhượng bấm đèn pin soi sáng soong cháo. Cháo sôi sùng sục. Bên mép soong thò ra ba sợi dây. Đó là sợi dây dù vốn dùng buộc đèn pin của Nhượng, sợi lạt của tôi và sợi dây gai của Quân. Ba người đều thực hiện nghiêm túc cái công thức CCGR. Quân đã thôi hát, cúi xuống bên soong cầm lấy sợi dây vàng rộm. Mặt nước xao động ánh sao. Anh ta lấy một chiếc đũa chọc vào đùi gà rồi cười to:
- Được rồi! CCGR đạt rồi các vị ạ!
Tôi cũng cười theo và đứng lom khom cầm lấy sợi lạt. Ba chúng tôi cùng kéo gà lên một lúc như những người đi câu cá cùng giật cần câu của mình. Tôi đọc một câu thơ của Nguyễn Khuyến - "Cá đâu đớp động dưới chân bèo!"
Nhượng bảo:
- Cháo chung gà riêng! Một phát minh độc đáo phải không các vị? Bây giờ có ít lá chanh thì tuyệt! "Con gà cục tác lá chanh" mà lị!
Tôi gạt đi:
- Thôi! Đừng nằm mơ giữa ban ngày nữa! Nơi thâm sơn cùng cốc này mà đòi đủ thứ gia vị!
Chúng tôi nhấc ba con gà đặt trong chiếc gô của mình. Cháo được múc ra. Quân lấy gói hạt tiêu chia cho mỗi người vài hạt. Phải nói là cậu ta kỹ tính và sắp xếp trong túi nhỏ bên ba lô đủ thứ gia vị cần thiết. Chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn tiếp tục làm nền cho buổi "ca nhạc nhẹ" của chúng tôi.
Trời vẫn rả rích mưa. Gió vặn các cành cây trong rừng già răng rắc. Lửa cháy bập bùng. Đêm nay, căn nhà của chúng tôi trở nên ấm cúng. Món cháo gà nóng béo ngậy làm cho câu chuyện thêm rôm rả. Bỗng cánh cửa hông bên trái hé mở. Một cây đèn ló làm bằng hai hộp sữa bò đầy muội đèn chui vào trước tiên. Tiếp đến, Cu Xơ lách mình vào. Chiếc mũ tai bèo ướt sũng, nước chảy ràn trên má, trên cổ. Nhượng đặt cái đùi gà xuống nắp gô, ngừng nhai hỏi:
- Gì đó Cu Xơ?
- Dạ, mấy chú có thuốc đau bụng cho đồng chí Cu Kết xin mấy viên. Anh Cu Kết đau bụng từ tối đến giờ, cứ ôm bụng mà la.
Tôi hỏi Cu Xơ:
- Đi ngoài mấy lần?
- Dạ, bốn.
Tôi chùi tay vào chiếc khăn, lục túi ba lô, mở mấy lớp ni-lông lấy ra mấy viên thuốc đau bụng đưa cho Cu Xơ:
- Nhớ cho uống bốn viên. Khuya không khỏi uống thêm hai viên nữa.
Cu Xơ choàng áo mưa lách cửa đi xuống phía chân đồi.
Lát sau, tôi cầm đùi gà lên thấy như nghẹn ở cổ. Tự nhiên những tiếng "cháo chung gà riêng" và "Kama" như ùa đến trách móc tôi. Mới ban nãy, tôi cũng đồng ý với bạn bè cho rằng đó là một ý hay, một phát minh độc đáo. Tôi cảm thấy như không nuốt nổi miếng thịt gà nữa. Tôi giận mình đã quá thờ ơ với cậu cần vụ trong cơ quan, một đứa thuộc hàng con em của mình. Sao mình không đủ thông minh để mời Cu Xơ lấy một tiếng? Mình vẫn tự phụ là đứa thông minh và đối đáp nhanh. Thế mà lúc đó thông minh lại đi vắng à? Tại sao mình có thể hy sinh nhiều thứ, xa vợ xa con, trèo đèo lội suối vào đây, bom đạn rình rập đêm ngày mình chịu được. Thế mà một miếng ăn... Kama? Chao ôi!
Nghĩ lại thấy xấu hổ quá! Ai đặt ra mấy tiếng ấy? Sau bốn chữ viết tắt ấy là những cái gì? Một thứ ích kỷ của chủ nghĩa cá nhân? Một sự ngụy biện? Một lối nói có vẻ văn hoa để che đậy cái nhỏ nhen xấu xa của con người? Có thể là tất cả...
Giờ này trong căn hầm ở trạm giao liên giữa trận bom B52 này, nghĩ đến nồi cháo gà KAMA năm ngoái mà lại là Cu Xơ lên xin thuốc cho Cu Kết, tôi mới thấy cái oái ăm dành cho tôi. Cu Xơ đêm nay đi đâu? Có mệnh hệ gì không? Kama! Chao ôi! Hai tiếng ấy như có ai ghé mồm vào tai tôi mà gào. Tôi tưởng như hai tiếng ấy được ai lại gọi to ở dưới suối. Tiếng gọi vọng vào vách núi và lan ra xa: "Ka ma!…ma... a a!..." Tôi lại nhìn đồng hồ. Một giờ sáng. Tôi nằm trên võng mong cho trời chóng sáng và Cu Xơ về với tôi. Càng nghĩ đến nó, nghĩ đến hai tiếng "Kama" và cái câu hỏi như một điệp khúc: "Cu Xơ đêm nay đi đâu?" Tôi càng thương nó. Mọi việc nặng nhọc như đào hầm, chặt cây, làm nhà, phát rẫy, gùi gạo, cơ quan chúng tôi phần lớn nhờ vào các đồng chí thanh niên người dân tộc thiểu số như Cu Xơ. Ngay đối với tôi, Cu Xơ cũng dành những tình cảm thật tốt đẹp. Không phải chỉ là sự kính trọng về tuổi tác hay vì cương vị ở cơ quan mà có một sự săn sóc ưu ái như người thân trong gia đình. Tôi nằm nghĩ miên man. Tiếng suối ở dưới chân đồi vẫn chảy ào ào trong đêm vắng... Nồi cháo gà Kama lại về ám ảnh tôi. Cây đèn ló rồi Cu Xơ lách tấm liếp vào nhà... mùa đông năm ngoái. Và giờ này Cu Xơ ở đâu trong đêm đầy bom đạn? Vừa lo lắng, tôi vừa trách mình đã có lúc nhỏ nhen...
Tôi nằm ngủ thiếp đi rồi choàng dậy khi có tiếng cành khô gãy lắc cắc bên ngoài. Tôi vội rời võng ra cửa hầm và bật lửa. Mùi mồ hôi quen thuộc của Cu Xơ thốc vào. Tôi ào tới và ôm chặt lấy tấm lưng ướt đẫm của Cu Xơ:
- Cu Xơ! Giọng của tôi nghẹn lại vì sung sướng.
Cu Xơ gục vào ngực tôi trong hơi thở dồn dập:
- Chú! Cháu biết là cháu đã làm cho chú lo suốt cả đêm.
Giọng tôi nói run run:
- Cháu về an toàn... Thiệt chú mừng quá!
- Cháu khuyết điểm to - Giọng của Cu Xơ ngập ngừng. Tôi nhận cây đèn pin trong tay Cu Xơ rồi đỡ khẩu AK đặt xuống sạp. Áo quần Cu Xơ ướt đẫm. Đôi chân trần lấp loáng nước. Tôi đưa cho Cu Xơ chiếc khăn mặt:
- Cháu lau người và thay quần áo đi!
- Dạ.
- Này, cháu uống tạm ca nước đường. Chắc cháu đói bụng lắm rồi.
- Dạ, cháu không uống.
- Sắp sáng rồi. Ta định ngày mai nghỉ lại trạm này nhưng khu vực này bị B52 đánh. Rời đây sớm an toàn hơn là ở lại.
- Lúc ở ngoài rừng cháu lo trạm giao liên này bị đánh trúng. Lo chú lại bị thương lần nữa. Dọc đường về đây, cháu cũng nghĩ như chú. Cháu chỉ sợ chú đau chân đi không nổi thôi.
- Chú đi được. Chú đi chầm chậm và sẽ cố gắng Cu Xơ ạ! Tối này cháu có gặp ai là người trong thôn, trong xã không?
Qua ánh đèn pin, tôi thấy hình như Cu Xơ hơi ngớ người chưa hiểu câu hỏi của tôi. Cu Xơ vội nói:
- Không, cháu không đi gặp người làng trong thôn, trong xã. Trạm này ở xa dân đến nửa ngày đường... có mà gặp ai!
- Thế lúc bom dội, cháu ở cách chỗ bị đánh xa hay gần?
- Dạ cũng gần. Cháu đang ở dưới suối, nó đánh trên bờ, cách cháu chừng trăm nước chân mà.
Tôi lo lắng hỏi dồn:
- Thế Cu Xơ núp vào đâu?
- Cháu nằm bên một hốc đá. Mảnh bom bay rào rào, cây đổ ầm ầm như phát rẫy...
- Cháu đi tận đâu mà mãi đến giờ mới về được đến trạm?
Cu Xơ kể tiếp:
- Sau loạt bom thứ nhất, cháu lần về phía bom mới nổ, nhảy xuống một hố bom. Cháu nghĩ là loạt thứ hai, nhất định không có quả bom nào rớt xuống cái hố cũ nữa, yên tâm nằm đó chờ cho thằng Mỹ đánh. Đánh xong là mình xuôi suối để về đây nhưng gay quá. Mới đi mấy trăm bước thì nhiều hố bom, cây gãy đỗ ngã nghiêng, phải đi vòng ra xa, cái đầu mình nó lung tung rồi bị lạc đường... May lại lần ra con suối... Cứ liều theo suối mà về thế mà trúng. Cháu làm chú đợi chú lo hung...
- Mà cháu đi đâu ngoài đó?
- Chú Tuyến ạ. Cháu thấy chú bị thương mất nhiều máu, nước da xanh như lá rừng, chú lại bảo ngày mai nghỉ lại trạm một ngày nên đêm nay cháu đi bắt ếch về nấu cho chú nồi cháo đậu xanh...
Tôi thẫn thờ quàng lấy cổ Cu Xơ:
- May mà bom đạn tránh cháu ra. Có chuyện chi thì chú ân hận lắm Cu Xơ ạ!
Đến bây giờ Cu Xơ mới lấy đèn pin rọi vào chùm ếch. Có đến mười lăm con ếch to tướng, đùi mập mạp bị buộc ở ngang bụng nằm lù lù ở đáy hầm.
Người tôi xốn xang và nổi da gà... Làm thế nào mà Cu Xơ hiểu được những suy nghĩ của tôi đêm nay và ngay lúc này đây... Tôi quay mặt và lấy tay áp lá võng vào má lau hai dòng nước mắt vừa trào ra...
T.P.T.
(TCSH51/09&10-1992)
NGUYÊN QUÂNTôi đứng lại giữa vườn. Đêm mênh mông oà vỡ ánh trăng. Trăng trên thềm nhà, trăng trên ngọn lá, trên những tàng cây um tùm. “Điêu tàn, hoang vắng quá”- tôi than thầm. Hình như lâu rồi chẳng ai vun xới chăm sóc và hình như cũng lâu lắm rồi tôi mới về lại trong khu vườn đầy kỷ niệm này.
NGUYỄN NGỌC PHÚQuán rượu của o Tam lúc nào cũng đông khách, phần lớn là khách quen. Quán ở gần bến, thuyền câu về cập bờ chỉ nhảy ba bước đã có thể cụng bát với nhau rồi.
NHẤT LÂMKhông biết duyên cớ từ đâu mà cô Ngọc ở Hà Nội chạy lên Thái Nguyên rồi dừng chân dưới chân đèo Nhe mở quán qua ngày.
NGUYỄN NGỌC LỢI Từ đường phố chính, lối rẽ chếch trái nghiêng thoai thoải. Đoạn đường tráng nhựa được xẻ xuống giữa hai bờ đất. Phía trên, không cao lắm là những biệt thự, những kiểu dáng kiến trúc lạ mắt. Trước mỗi ngôi nhà là những khoảng sân có bồn hoa, bồn tiểu cảnh và cơ man nào là các dò lan đua nhau khoe sắc.
TRẦN HẠ THÁP1/ Trong một lần lên Tây nguyên đã lâu... Câu chuyện dọc đường vẫn làm tôi thao thức mãi. Đấy là lần xe hỏng. Lùi lại Quy Nhơn hoặc tiến tới thị xã Plây Ku đều phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Bấy giờ, chỉ mới tắt mặt trời nhưng không hy vọng tiếp tục cuộc hành trình. Mọi hành khách đành phải qua đêm ở lưng chừng đèo An Khê...
NGUYỄN XUÂN HOÀNGĐêm dường như đã xuống từ lâu lắm. Chỉ nghe lao xao tiếng nước suối chảy như một khúc đàn cầm. Nguyễn ngồi một mình trong thư phòng. Đôi cánh tay dài quá gối để hờ hững lên thành ghế tựa được làm từ mây rừng Côn Sơn. Ông hướng đôi mắt sâu thẳm nhìn xoáy vào bóng rừng chập chùng một màu đen nhức mắt. Xa lắc trên cao vầng trăng thượng huyền nhỏ và mỏng như một nét mày duyên nợ.
VÕ THỊ XUÂN HÀTặng cậu tôiTập truyện thứ X bộ truyện "Những trang viết lạ" vừa phát hành, nhiều người đã gọi điện đến hỏi, cái truyện ngắn "Chuốc mấy nậm trường" moi ở đâu ra vậy? Tác giả Trần Sao là ai vậy? Nghe chừng có vẻ là tay viết trẻ mới xuất hiện? Hay thằng cha nhà văn nào chán đời núp bóng tên con để xả sú?
HOÀNG NHẬT TUYÊN(Chùm truyện ngắn mini)
PHẠM XUÂN PHỤNG(Tặng Hoạ sĩ Trần Hữu Nhật)Hắn là một hoạ sĩ.Gay cấn hơn, hắn còn là một hoạ sĩ trẻ!
XUÂN ĐÀIChúng tôi làm việc cho ông Gofhua-Marino đến nay đã là 12 năm 3 tháng. Ông người Mỹ này tuyển người không giống ai. Quảng cáo vỏn vẹn có mấy dòng trên báo: Cần hai chuyên viên giúp việc, tuổi từ bốn lăm đến năm lăm, viết và nói tiếng Anh, tiếng Pháp, thông thạo...
HƯƠNG LAN(Tặng mẹ)Mẹ tôi mất trong một lần sinh khó. Mấy tháng sau, đứa em gái bất hạnh của tôi cũng không sống nổi vì thiếu sữa mẹ. Năm ấy tôi mới được sáu tuổi. Rồi thầy tôi (tôi gọi cha bằng thầy) đi thêm bước nữa. Cũng như những phụ nữ muộn chồng khác, người mẹ kế của tôi tính tình luôn cau có khó chịu, hình như đó là tâm lý chung của họ.
NGUYỄN TRƯỜNGMưa. Màn mưa giăng giăng trắng đục cả bầu trời. Mưa dầm dề suốt tháng không có lấy một ngày tạnh ráo.Trong ngôi nhà gỗ ba gian tối tăm ẩm ướt những giọt nước mưa từ nóc cứ men theo đám rui mèn đã rũ mục rơi tí tách xuống nền nhà thành từng đám loang lổ nom đến chối mắt.
NGUYỄN KHẮC PHÊSân ga ngày giáp Tết đông đúc và huyên náo khác thường. “Tàu S3 xin đường rồi!” Tiếng ai đó thốt lên. Thế là đám người trên sân ga như được tiêm thuốc kích thích. Trước hết là các chàng xe thồ, xích lô, rồi người đưa kẻ đón chạy qua chạy lại, í ới gọi nhau.
NGUYỄN THỊ LÊ NA Chiếc Suzuki chồm lên trên con dốc ngoằn nghoèo ghồ ghề đất đá. Người đàn ông cố giữ lấy tay lái dù vậy vẫn không tránh khỏi quệt vào đám cây cỏ dại ven đường. Xe chạy chậm dần và dừng hẳn trước ngôi nhà tranh thấp lè tè nép bên ngọn đồi heo hút. Người đàn ông khoác chiếc túi xách căng phồng rồi đi thẳng vào nhà vừa lúc ánh chiều sắp tắt.
VIỆT HÙNGChuyện ghen tuông của phụ nữ ư? Có gì lạ đâu nhỉ? Vậy mà lúc nào cũng có thể trở nên những câu chuyện thời sự nóng hổi. Người ta túm năm tụm bảy; người ta quên ăn quên uống, quên cả công việc, nhiều khi cũng chỉ để ngồi mạn đàm tào lao quanh chuyện ghen bóng gió của ả A hoặc ả B nào đó.
NGUYÊN QUÂN Chiếc roi mây lên nước thời gian bóng loáng, vẫn im lìm trên vách tường ố vàng màu vôi cũ. Chính sự im lìm của nó đã vô tình làm hằn lên số phận tôi một chuỗi dài bấp bênh cay đắng... Thầy ơi! nếu ngày xưa thầy cứ nhẫn tâm quất xuống, dù chỉ một roi thôi thì giờ đây cuộc đời đâu thể quất lên người con lắm vết đau xé bầm tím...
DƯƠNG QUYẾNHuệ là một hoa khôi. Đài các, cao sang, quí tộc, tài năng, giàu có và hoang dã. Đó là nét đẹp trời sinh ban phát cho nàng.Huệ học rộng, đủ chất "cầm kỳ thi họa". Bốn môn cổ xưa ấy, môn nào Huệ cũng xuất sắc. Cô đỗ hai bằng đại học sử học, vi tính. Ngoài ra, cô còn đoạt luôn một bằng tiếng Anh tại Anh Quốc.
VŨ QUỲNH HƯƠNGLGT: Vũ Quỳnh Hương, tên thật là Nguyễn Vũ Quỳnh Hương, sinh năm 1957 tại Huế, hiện sống và làm việc tại San Jose, California (Hoa kỳ), đã có nhiều sáng tác thơ, văn trên các tạp chí Văn, Văn học và nhiều tuyển tập thơ văn ở hải ngoại. Tiêu biểu trong số đó là CUNG THỨC CÙNG THƠ MỘNG (thơ, in chung với Trân Sa, Lê Thị Huệ), MIỀN VĨNH PHÚC (truyện vừa)...
TRẦN THÙY MAIChúng tôi đến bản Tok, trời đã quá trưa. Người bản làm nương chưa về.. Dưới giàn bí, cô gái bản nằm ngủ hồn nhiên trên chiếc võng.
HỒNG NHU1.Ở độ cao ngọn núi trên một nghìn mét này, trong rừng sâu có lẽ chưa ai bước chân tới, dưới gốc một cây trâm già to cỡ hai người ôm tỏa bóng vòm hình thang chéo mỗi khi mặt trời chiếu thẳng góc, có một túp lều nhỏ lợp bằng tranh săng đã cũ trông như một cái nơm úp chụp xuống đất.