Hương lục bình

09:06 14/02/2011
CHÂU TOÀN HIỀN(Sinh viên Đại học y khoa Huế)

Ảnh: Internet


- Nè… Coi chừng không thì té đấy. Ngó anh là cũng biết anh chưa hề biết bơi rồi…

Người con gái mỉm cười, đôi mắt cô ánh lên một nét ngỗ nghịch, vừa ngang bướng, vừa trẻ thơ.

Người con trai hơi luống cuống. Chiếc ghe nhỏ cứ tròng trềnh làm anh nghiêng qua ngả lại đến tội nghiệp. Đã vậy, lại thêm đôi mắt đen tròn kia cứ nhìn như giễu cợt. Còn tiếng cười nữa chứ…

- Tôi chưa hề đi ghe nhỏ lần nào và lại càng chưa thấy sông nào sóng to như sông nầy.

Gió chiều như đã kết thúc một ngày rong chơi nô đùa khắp thế gian, nay tụ về con sông này mà đùa giỡn, mà khuấy động mặt nước trong xanh thành những đợt sóng dập dành, chao đảo. Người con trai ngượng ngùng quay nhìn những con sóng. Anh hơi bối rối:

- Nè… coi bộ anh không phải người quanh đây phải không? Dân ở đây thạo sông nước lắm. Có đâu như anh…

- Còn cô thì chắc là dân vùng này hả?

Một chuỗi cười giòn lan trên mặt sông gợn sóng. Người con trai lại thấy mặt mình nóng ran.

- Anh ngoảnh lại đây đi. Không biết bơi ngó xuống nước chóng mặt lắm. Anh coi tôi có phải dân vùng này không?

Người con trai từ từ quay lại. Kể từ lúc xin đi nhờ ghe qua sông, anh vẫn chưa ngắm kỹ người chủ tốt bụng đã cho anh quá giang. Người con gái trước mặt anh ngồi thật vững chải, hai tay đưa nhịp nhàng mái chèo. Hai mái chèo chém ngọt vào lòng nước, nâng chiếc ghe lướt trên mặt sông. Gió chiều đến nô đùa với làn tóc người con gái, nâng nó lên, những ngón tay gió dịu dàng vuốt rời các lọn tóc của cô bay bay. Trong ánh nắng yếu ớt của buổi chiều, anh thấy một khuôn mặt thanh tú chìm trong mái tóc bay tung theo gió. Một đôi mắt to tròn, đen lay láy đang mỉm cười với anh. Người con gái dáng người thon thả, chắc lẳn. Trông cô thật thạo nghề sông nước, nhưng có cái gì đó cho anh biết cô không phải là người vùng này. Dường như đó là làn da trắng hồng bắt đầu rám nắng, là bộ áo quần công nhân gọn gàng, là chiếc cặp căng phồng giấy tờ nơi chân cô…

- Không! Cô không phải dân vùng này. Tôi biết.

Người con gái lại mỉm cười. Nụ cười thật tươi. Cô khẽ nâng đôi mái chèo lên một chút, tinh nghịch nhìn những giọt nước bắn tung lên rồi lại thong thả chèo tiếp.

- Cho là anh đoán đúng đi. Nhưng ít ra tôi cũng là người đang ở vùng này phải không? Có vậy anh mới qua được sông chiều nay chứ!

Cô ngừng một chút, tò mò nhìn anh rồi tiếp:

- Anh đến chỗ nầy làm chi vậy?

Người con trai đưa tay chỉ về mạn sông phía dưới. Trong ánh chiều, sừng sững chiếc cầu dài vươn mình qua dòng sông, trên cầu đầy những cái cần cẩu, máy móc hình thù kỳ dị.

- Cô thấy đó, tôi qua đây đã được mấy ngày. Đến khi trở về thì gặp cầu hư. Phà đưa khách lại nghỉ rồi. Không có cô thì chắc chiều nay…

- Thì chắc chiều nay lại lỡ hẹn rồi hả?

Cô lại cười. Người con trai quay đi, bối rối. Anh vốn ít khi nói chuyện với phụ nữ, do vậy đã rụt rè anh lại rụt rè hơn. Ngày còn học ở trung học, rồi đại học, bao giờ anh cũng bị bạn bè trêu chọc vì cái tính “nhát gái” ấy.

Chiếc ghe lướt đi mỗi lúc một êm ái hơn. Gió vuốt nhẹ mái tóc người con gái, vỗ êm những gợn sóng lăn tăn để người con trai cảm thấy mình có thể ngồi yên mà thưởng thức buổi chiều tuyệt đẹp trên sông.

Trôi ngược mặt nước ánh lên màu đỏ rực của bóng chiều, có những đám cây dại xanh lặng lờ lướt qua ghe mà xuôi về cuối dòng. Có đám chạm vào mạn ghe, cái thân lá tròn tròn ngữa ra, dập dềnh trên mặt nước rồi trôi tiếp.

- Đây là những loại bèo gì mà trông nhiều quá nhỉ? Người con trai ngập ngừng nói - tôi thấy chúng trôi xuống mãi…

- Không phải bèo đâu. Lục bình đấy. Anh đừng tưởng chúng chỉ mọc hoang rồi trôi bậy theo dòng nước đâu nhé! Của chúng tôi gây ra đấy. Lục bình mà ủ làm phân thì nhất.

Người con trai bạo dạn hơn. Anh quay lại nhìn cô gái. Cô đang nghiêng mình qua lòng ghe, đưa tay vớt một cánh lục bình nhỏ, ngắm nghía rồi lại thả xuống dòng nước.

- Loại này nhỏ quá, chúng tôi loại bỏ. Có dịp anh sẽ thấy những cánh lục bình to hơn nhiều.

- Vậy chắc cô là cán bộ nông nghiệp công tác ở đây hả?

Người con gái lại cười. Nhưng nụ cười thật hiền, thật dễ thương làm người con trai yên tâm. Anh muốn nhìn mãi nụ cười ấy.

- Thì anh chẳng đã nói tôi không phải dân vùng này là gì!

- Thế cô làm việc ở đây lâu chưa?

- Chỉ mới hai năm. Nhưng cũng đủ để thấy mình sắp trở thành một người dân thực thụ ở đây rồi.

Người con trai muốn chiếc ghe cứ đi mãi, đi mãi, cứ chơi vơi bềnh bồng. Anh thấy lòng mình thật nhẹ nhàng khoan khoái. Bao suy nghĩ đè nặng tâm tư anh mấy hôm nay dường như tan biến hết. Anh băn khoăn nhìn cô:

- Cô có mỏi tay lắm không?

Người con gái bỗng giật mạnh mái chèo. Chiếc ghe đột ngột lao mình lên, làm bắn tung tóe làn nước trước mũi.

- Không mệt đâu. Có khi cả ngày tôi vẫn chèo ghe đi đây đó, theo dõi các đám lục bình, rồi mỗi chiều lại phải chèo từ nơi làm việc về nhà như bây giờ đây.

Anh đưa tay ra đón một đám lục bình trôi xuống. Làn nước trước mũi ghe làm chúng xoay xoay, rồi lạng ra khỏi tầm tay anh. Anh chỉ với được vài giọt nước mát rượi. Những cánh hoa lục bình nho nhỏ, phơn phớt tím nổi bật trên những đám lá xanh, trông như những giọt nước mắt nhỏ long lanh dưới ánh nắng chiều.

Người con gái đưa tay chỉ những cánh hoa:

- Anh thấy những cánh hoa lục bình kia không? Chúng cũng có hương thơm đó.

Anh nhoài người ra khỏi lòng ghe. Chiếc ghe khẽ tròng trềnh, nhưng lần nào thì anh toại nguyện. Anh ngắt một cánh hoa nhỏ, màu tim tím đưa lên mũi ngửi. Mặc dù cố gắng hết sức nhưng anh chẳng cảm nhận được cái gì cả. Có chăng là mùi bùn ngai ngái toát lên từ cánh hoa trôi nổi này.

- Hương gì đâu? Tôi chẳng thấy gì cả.

Người con gái cười:

- Hương nó nhẹ lắm. Chỉ khi đi qua một bè lục bình thật nhiều bông anh mới thấy thoang thoảng thôi.

Cô ngừng một chút, hơi ngước mặt rồi bỗng reo lên vui mừng:

- À… có đấy? Anh nghe thấy không?

Một mùi thơm thoang thoảng, nhè nhẹ.

Người con trai quay mặt về những bè lục bình ven sông, cô cảm nhận một mùi hương mơ hồ. Nhưng anh chỉ nghe thấy mùi bùn ngai ngái hòa với hương lúa bên sông. Anh thất vọng:

- Đành chịu thôi. Chắc hương đó trốn tôi rồi.

Anh nhìn cô rồi bỗng hỏi:

- Quê cô có xa lắm không?

Người con gái “à” lên một tiếng, buông một mái chèo ra. Cô đưa bàn tay hồng hồng của mình lên cao, uốn cong lại trông như cánh chim vẫy vẫy:

- Ở xa… xa thật là xa… Chắc chắn là chẳng bao giờ tôi chèo về đến nhà nổi.

Những câu sau cô nói trong âm hưởng của tiếng cười. Lúc nào người cô cũng toát lên một nét gì đó rất trẻ trung, đầy sức sống.

- Sao cô không xin chuyển về nhà cho gần phải hơn không?

- Lần đầu cũng muốn, nhưng ở đây lâu rồi cũng quen. Tôi thấy mình dường như đã gắn chặt ở nơi đây.

- Gắn chặt ở nơi đây? Anh nhìn quanh. Có gì hấp dẫn trong những rặng tre xanh gai góc, trong những cánh đồng trắng nước kia. Công việc là công việc, có đâu nhiều những buổi chiều thanh thản dạo chơi trên dòng sông tuyệt đẹp như chiều nay?

Tiếng người con gái vẫn đều đều:

- Anh biết không, có những lúc sâu ăn lúa nhiều quá, đêm đêm chúng tôi phải đốt đuốc đi phun thuốc. Vừa vui vừa mệt…

Bỗng cô ngừng lại:

- À quên, tôi chưa hỏi anh làm gì. Hình như anh đến đây có việc?

Người con trai chợt nghe tâm hồn mình chùng lại. Buổi chiều đã hết đẹp. Anh thẩn thờ trở lại những suy nghĩ dằn vặt. Anh nhìn cô gái. Bỗng nhiên anh muốn nói hết với cô, nói hết tất cả…

***

Anh chẳng đến vùng này làm gì cả. Anh chỉ đi ngang qua để đến thành phố gần đây tìm người bạn. Từng lời đối thoại với Vĩnh sáng nay cứ vang lên mồn một:

- Mày nghĩ kỹ đi! Suy nghĩ cho thật chín chắn. Mày yếu đuối, tiếc rẻ là xem như mày đã chôn vùi cuộc đời mày trong cái xó xỉnh heo hút đầy cát bụi ở đâu đó rồi.

- Chứ mày còn nói tao suy nghĩ gì nữa hả Vĩnh? Tao có muốn như vậy đâu. Nhưng quyết định công tác đã có rồi. Tao hết lối thoát.

- Còn. Mà lại là con đường tốt đẹp cho mày nữa.

Vĩnh rút điếu thuốc thơm ra châm lửa mời anh. Hắn đập tay lên vai anh:

- Đừng có ủ rủ nữa. Tao lo hết cho mày.

Anh ngước lên. Khuôn mặt mập mạp, hồng hào của Vĩnh cúi xuống bên anh thì thầm:

- Đi với tao đi. Buôn thuốc tây, toàn lại đắt tiền. Mày là bác sĩ, chuyện thuốc men quen rồi. Lời “khẳm” đó nghe.

Anh ngỡ ngàng:

- Buôn thuốc tây à?

- Ừ! Và còn “bào chế” nữa. Bột mì, vài thứ dược liệu vớ vẩn qua tay tao là ra vàng rồi.

Hắn cúi xuống, ghi cái gì đó vào một mảnh giấy nhỏ, rồi đưa cho anh:

- Bây giờ mày đến địa chỉ này. Có Tân em tao ở đó, mày biết rồi chứ. Đợi tao vài hôm, xong việc là tao về đó ngay.

Rồi như để anh tin tưởng, hắn nói thêm:

- Mày thấy không? Tao ra trường rồi có nhận quyết định công tác đâu. Bây giờ thì tao có đủ mọi thứ rồi, tội gì phải ký cóp đồng lương ở mấy nơi hẻo lánh đó mày…

Lời của Vĩnh nhỏ dần, nhỏ dần, cuốn hút anh vào một vực thẳm chao đảo, tối đen…

***

Chiếc ghe lặng lẽ lướt đi trên mặt nước. Cả hai người đều im lặng một lúc lâu. Bỗng người con gái khẽ nói:

- Anh xem đây này.

Cô đưa bàn tay mình ra. Trên những ngón tay hồng hồng có những vết xước nhỏ, một lớp váng vàng như màu đất sét bám lên trên.

- Phèn đấy. Nếu anh muốn nói đây là nơi nước mặn đồng chua thì cũng đúng thôi. Chỉ có điều tôi sẽ ở lại đây làm việc. Anh hiểu không. Ở đây thôi. Nơi này cần chúng tôi.

Cô không nói gì nữa. Chiếc ghe đến bến. Cả hai người vẫn im lặng.

Người con trai bước lên mặt đường. Tâm tư anh nặng trĩu. Câu nói cuối cùng của người con gái vẫn văng vẳng. Anh ngước mặt lên. Trước mặt anh là con đường về thành phố, nơi có địa chỉ của Vĩnh. Còn phía tay phải là đường về trường, về nhà nơi anh đã có kết quả, sau bao năm tháng miệt mài học tập: một xó huyện miền núi đìu hiu không một nhà hát, không một chiều chủ nhật dạo trên đường phố.. Cả đời trai trẻ anh sẽ gội nắng mưa cho đến bạc đầu ở đó sao? Nhưng mà …

Anh quay lại phía sông. Bóng chiếc áo xanh vẫn còn lung linh trên mặt nước.

Trong làn gió, anh nghe thoang thoảng một tiếng hát lan dài trên mặt sông đã chập choạng. Tiếng hát thật trẻ trung, yêu đời.

***

Rồi nhiều buổi chiều đã xuống trên dòng sông này. Nhưng có một buổi chiều tuyệt đẹp, một buổi chiều tím những cánh hoa lục bình như chiều nào trên sông…

Chiếc ghe nhỏ lướt chậm trên mặt sông. Trên ghe là một người đàn ông trẻ. Khuôn mặt rám nắng vì cái nắng gió miền núi của anh trông thật rắn rỏi, cương nghị. Đôi mái chèo hồ hởi quạt nước. Anh vừa chèo, vừa đưa mắt nhìn quanh. Cảnh vẫn là đây, còn người đâu?

Anh đã về thành phố để báo cáo tại hội nghị khoa học về công trình nghiên cứu bệnh bướu cổ ở người miền núi. Trên mảnh đất heo hút anh đã cắm được trong sỏi đá những chiếc rễ vững chãi cho cuộc đời anh vươn lên. Trước lúc trở về nơi công tác, anh muốn thăm lại dòng sông xưa, nơi anh đã tìm ra hướng đi cho đời mình…

Chiếc ghe lướt nhẹ qua những bè lục bình xanh ngút ngàn. Những cánh hoa nhỏ bé, tim tím nhô lên trên nền xanh mơn mởn. Anh thấy lòng mình ấm lại. Bỗng anh hơi nhổm dậy. Một cái gì đó, rất mơ hồ, rất mới mẻ vừa ập đến với anh. Anh ngây người ra một lúc rồi chợt hiểu. Đúng nó rồi! Một cảm giác khó tả, nhẹ như sương khói nhưng rộn ràng như niềm vui bất ngờ thấm sâu vào hồn anh. Anh thì thầm:

- Hương lục bình…

Huế, 12-9-84
C.T.H.
(11/1&2-85)





Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • VÕ TUẤN ANHTà áo dài đượm màu tím biếc, nón lá nghiêng che thấp thoáng lúc sang sông ngập trán trong những giọt nước mưa đầu mùa trên đất cố đô. Những phong vị ấy dường như là mùi vị của Huế, nguyên sơ và thanh thoát đến lạ thường, tất cả hình ảnh đấy quá đỗi thân thương đối với những ai đã trót nặng lòng với Huế.

  • Kính gửi: Ban biên tập Tạp chí Sông HươngTừ ngày biết đến Tạp chí Sông Hương, cháu thường theo dõi và rất thích đọc, đặc biệt là những trang thơ. Gần đây cháu rất vui là tạp chí đã có những thay đổi về hình thức cũng như nội dung.Thỉnh thoảng cháu cũng làm thơ, nhưng chủ yếu viết cho mình đọc, cùng lắm là tặng cho bạn bè. Không dám gửi cho tạp chí nào cả, sợ họ cười.Lần này theo lời khuyên của mấy đứa bạn, cháu gửi  mấy bài thơ này lên Tạp chí Sông Hương để các chú các cô trong ban biên tập xem cho cháu.Cháu xin chân thành cám ơn và kính chúc các chú các cô trong ban biên tập khỏe, hạnh phúc.                                                                Q.L

  • LTS: Cái đẹp có khi phải hơi thiêu thiếu một chút mới gây được mỹ cảm ở người thưởng ngoạn... Có lẽ xuất phát từ quan điểm ấy mà Lãng Hiển Xuân viết truyện ngắn nầy với chiều sâu ý tưởng đầy chất nhân văn, nhưng người đọc cảm thấy vẫn còn thiếu một chút gì...Chúng ta vui mừng khi biết đây là trang viết đầu tay của anh. Xin giới thiệu với bạn đọc, và chờ đợi Lãng Hiển Xuân những sáng tác mới.SH

  • LTS: 17 bài thơ đầu tay làm thành tập "Mùa huyết phượng" 17 nốt nhạc xanh lưu luyến thổn thức chia tay với tuổi thần tiên.Sông Hương xin giới thiệu trong số 17 bài thơ ấy

  • TẠ XUÂN HẢI - ĐỖ THƯ

  • LTS: Trong những ngày đầu tháng 8, Sở GD-ĐT, Hội LH VHNT TT-Huế đã phối hợp tổ chức Trại sáng tác Thiếu nhi 2009 tại làng cổ Phước tích và Khu du lịch Thanh Tân. Trên 40 tác giả nhí đến từ các thôn làng, TP Huế đã cùng nhau viết về nét đẹp quê hương, về bốn mùa đi qua trong mắt, về những kỷ niệm đẹp trong đời và những khát vọng vươn lên... Do số trang có hạn, Sông Hương xin giới thiệu 2 bài thơ trong số rất nhiều tác phẩm có được từ trại viết ấy.

  • MINH CHÂU TRẦN             Truyện ngắnTôi sinh ra và lớn lên ở làng Tây Hồ, ngôi làng được ngăn cách với chung quanh bằng mấy luỹ tre rậm rạp và cánh đồng quê bát ngát. Làng chúng tôi cách làng Đông một cái gò và cánh đồng ấy. Trên gò là một ngôi miếu nhỏ nhưng cổ kính. Nghe bà tôi kể lại thì nó đã rất lâu đời rồi và linh thiêng vô cùng.

  • LTS: Cuộc thi sáng tác văn học “Trang viết học trò” do Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế phát động trong năm 2008 đã thu hút hơn hai ngàn bài dự thi của cả ba cấp học và đã tổ chức lễ trao giải thưởng ngày 15/5/2009 cho hơn 50 bài viết có chất lượng. Các nhà văn, nhà thơ Hồng Nhu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Mai Văn Hoan, Phạm Phú Phong, Nguyễn Khắc Phê đã được mời làm Ban Chung khảo cuộc thi. Tạp chí Sông Hương kỳ này vui mừng giới thiệu với bạn đọc một bài đạt giải trong cuộc thi này.

  • HOÀNG KIM NHI        (CLB Văn học Trẻ Thừa Thiên Huế)            Nhân đôi mắt, máu trái tim

  • Đêm Phước Tích

  • Khúc hát chị đi tìm

  • ...Mùa nắng hạn thèm được nghe tiếng sấmCha thở dài nhìn đập nước cạn khôCỏ cháy héo thương bầy trâu trơ mõmĐêm con cóc nghiến răng đến thẫn thờ...

  • DƯƠNG THÙY DƯƠNG                (Câu lạc bộ Viết Trẻ Thừa Thiên Huế)Lớp 3. Vào năm 198 mấy, tôi biết về những giao xúc yêu đương của người lớn. Phòng ngủ của mẹ tôi không có cửa vì  phòng ngủ của những người lớn lúc bấy giờ đều như thế, không có cửa. Một tấm rèm nhựa màu xanh lấp lánh như phòng ngủ của mẹ đã thuộc hạng sang.

  • Trần Vĩnh Liên, sinh tháng Tư năm 1975, vào thời điểm lịch sử dân tộc chuyển sang trang mới.Bạn viết trẻ của Sông Hương dù khá đông đảo nhưng tìm được một người chào đời vào cái mốc lịch sử ấy thì quả là hiếm!Sông Hương giới thiệu trang thơ đầu tay của Trần Vĩnh Liên với ý nghĩa đó.Ước mơ thời học sinh của Liên là sẽ theo học văn chương, nhưng như một duyên nợ, Liên lại là cử nhân ngoại ngữ (Khoa tiếng Đức - Đại học Ngoại ngữ Hà Nội). Thơ Trần Vĩnh Liên giàu ước mơ và dự cảm nhưng còn thao thức, phân vân giữa đường biên hư - thực; nhiều rung động muốn giãi bày nhưng lại giữ gìn, e ấp. Chính điều đó đã làm nên nét quyến rũ thầm kín, run rẩy của thơ Trần Vĩnh Liên.

  • Phan Danh Hiếu - Ngô Thị Thục Trang - Trần Đình Khuê - Nguyễn Thị Hương - Trần Văn Quyết - Nguyễn Đình Dương

  • LÊ THỊ PHƯƠNG HIỀN                                Truyện ngắnTháng bảy mưa ngâu ấy với Thuỷ là nhiều kỷ niệm nhất. Đúng dịp nghỉ hè của trường đại học, Thuỷ và Huy có thời gian quấn quít bên nhau bù lại những ngày bận tối mắt vì ôn thi. Huy chở Thuỷ trên cái xe đạp vẹo vọ, đợt ấy Hà Nội dầm trong mưa nhưng chẳng có ai cảm thấy chán đi chơi cả. Hai đứa chung nhau một chiếc áo mưa.

  • NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNHGió lạ“Huế vào đêm cuối năm mưa lùn phùn và những cơn lạnh ù ù miết vào da thịt tôi. Gió mỗi lúc một lớn. Tôi không nghĩ đêm 30 vẫn còn những cơn gió lạ lùng như thế. Mẹ tôi lúc còn sống bà thường nói rằng ông trời dung dưỡng tất cả con người sống trên mặt đất này.

  • NGUYỄN MẠNH TIẾN (*)“Thiên sứ đích thực của triết gia là điều chỉnh những điều chênh lệch; kiện tráng những điều chính nghĩa; thăng hoa những điều thánh thiện”. (Alcuin)

  • NGUYỄN KIM LOAN - NHỤY NGUYÊN

  • Lê Thị Phương Thảo - Hoàng Lan