NGUYỄN THU PHƯƠNG
Vào lúc Tình sầu dứt, tiếng vỗ tay đây đó lác đác. Người đàn ông râu tua tủa ngồi ở cái bàn kê dưới gốc cây si rễ lòng thòng cách bàn chúng tôi chừng dăm mét vội vàng đứng dậy, đi nhanh tới khoảng sân nho nhỏ có mái che được quán thiết kế thành sân khấu, nghiêng người trao tặng hoa cho cô ca sĩ với vẻ trân trọng như một fans hâm mộ đích thực.
Minh họa: Nguyễn Duy Linh
Lúc ấy, Thuần bạn tôi cũng lấy ra một tờ tiền, khéo léo vê tròn rồi nhét vào bông hoa vừa được cậu rút ra từ cái lọ trên bàn, xong đưa tôi:
- Việt lên tặng hoa cho cô ấy đi.
Tôi hơi rùn vai tỏ ý từ chối, khe khẽ dặm thêm với giọng kẻ cả:
- Thôi. Tôi thấy cô ấy hát cũng thường…
Thuần mỉm cười, ánh mắt rõ ràng đầy tính khích lệ.
- Thì cứ coi như Việt tặng vì tôi.
Nói tới mức ấy chẳng lẽ tôi còn cố cãi. Ở cái xứ thanh tao nền nã này tôi có bạn nào thân như Thuần đâu. Thêm một phần đã khá lâu tôi không có việc để về với Huế, nên lần này Thuần ra sức chiều chuộng tôi, ngoài những lúc cả hai đều bận việc thì hầu như Thuần luôn thu xếp không để tôi phải một mình, cậu luôn nghĩ ra chỗ nọ chỗ kia hay ho thú vị để đưa tôi tới. Quán Mưa tối nay cũng do Thuần chọn.
Lúc tôi mang đóa hoa có món tiền bo tế nhị nhét sâu bên trong lên tới chỗ sân khấu thì mới biết đôi chân của cô ca sĩ không nguyên lành. Có lẽ di chứng sốt bại liệt. Là do cô ngồi vén khéo và ôm cây ghi-ta, tự đệm để hát, nên nếu thấy cô từ phía khuất thì sẽ không biết được. Đôi nạng dựng ở phía tường gần chiếc dương cầm càng khẳng định thêm cho điều tôi mới phát hiện. Tôi hơi cúi người trao hoa và buột miệng tấm tắc với cô câu nói dối không hề định trước:
- Em hát nghe phiêu lắm. Bọn anh rất thích.
Cô nhỏ nhẹ cảm ơn tôi, vẻ biết ơn sáng bừng trong ánh mắt. Đôi mắt cô rất đẹp, nhưng ngay cả khi đang lóng lánh trông vẫn có gì đó hơi buồn bã ủ ê. Làn da cô trắng muốt và tóc dài thong thả buông lơi, liêu trai đến nỗi khiến tôi thấy vụt hiện lên ngay trong đầu câu hát của Ngô Thụy Miên: “da em trắng anh chẳng cần ánh sáng, tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân”… Tôi từ tốn gật đầu chào cô và trở về bàn, giả lả cười với Thuần ra cái điều ừ ta đã hiểu. Cậu bạn củ mỉ cù mì rất Huế của tôi, có bao giờ lại muốn “ép” tôi làm những việc vô nghĩa lý. Nhưng Thuần tỉnh bơ như kiểu đáng chi đâu, cậu hất mặt về phía sân khấu nhắc nhở tôi - hãy yên lặng đi, thưởng thức tiếp. Cô gái đang tự giới thiệu bài hát kế, tôi đoán vẫn là nhạc Trịnh.
Tôi đoán không sai, cô đã chọn Mưa hồng, rồi cả bài kế tiếp cũng Trịnh. Thật lòng mà nói cô hát rất ổn nhưng không đặc sắc, vì vậy tôi chỉ nghe theo kiểu lịch sự để không phật ý Thuần. Tôi hơi “gắt” khi âm thầm nghĩ rất có thể Thuần hay tôi, hay ông râu tua tủa ở cái bàn cách chừng dăm mét bên kia và không ít những vị khách khác đến quán hôm nay - họ thương cô, quý cô do cô xinh đẹp, dịu dàng, thùy mị, và nhất là vì đôi chân tật nguyền ấy chứ cũng không hẳn do mê thích cô vì giọng hát. Thôi thì tai không nghe, mắt vẫn nhìn ngắm - vừa ý thôi là được.
Quán sân vườn lưu niên, có những cây tàng rộng đeo từng chùm lớn lá tầm gởi. Tán cây biếc thẫm đan dày đến nỗi lúc mưa rải xuống những sợi mỏng manh thì người ta ngồi nguyên dưới bóng cây mà uống vì không bị ướt, ai nấy rất bình thản chờ người của quán đủng đỉnh bước ra, đủng đỉnh căng lên những chiếc dù che màu tím. Vào khoảng cuối của bài Biết đâu nguồn cội trên sân khấu thì tôi đành hỏi Thuần chỗ đi rửa mặt. Tự dưng buồn ngủ trĩu mắt, thật vô duyên chẳng ra sao, phải đổ hết tội cho mấy chai bia Huda dù bình thường tôi uống rất say cũng không buồn ngủ đến thế. Đi mãi tuốt tận sâu phía cuối vườn, băng qua lối rêu trơn vì Huế đang mùa mưa, băng qua chiếc hồ xi-măng cũ hình chữ nhật trồng đầy bông súng, lũ hoa đang khép mình thiêm thiếp ngủ, toilet ẩn giữa một vòm xanh chi chít những cụm dây leo dạ điệp, trầu bà, vạn niên thanh, thường xuân, và cả hoa cát đằng... Bồn rửa mặt ngoài trời là chiếc chậu màu xám hình dáng tự nhiên đẽo ra từ đá cuội, nước mát lạnh khiến tôi tỉnh hẳn. Tiếng hát dặt dìu của cô ca sĩ, tiếng ghi-ta bập bùng và cả tiếng chuyện trò của thực khách hầu như tắt ngoài kia. Không gian yên ắng, chỉ còn tiếng lũ côn trùng rỉ rả. Mùi hoa dẻ bỗng miên man dịu dàng tỏa đến vây bọc lấy tôi, tôi ngẩng cổ nhìn lên thì thấy ngay phía trên tầm mắt là một chùm hoa thanh nhẹ đung đưa. Từng cánh hoa thuôn dài màu vàng nhạt cong rũ, tôi hít đầy một hơi thấm thía, chợt nhiên nhớ có một vùng kỷ niệm rong rêu đã cũ, có người từng mắng tôi hoa dẻ không phải hoàng lan, cả hai đều rất thơm nhưng hương dẻ với người ấy dễ chịu hơn, thoang thoảng và thanh nhã. Còn tôi, vốn dĩ lúc ấy cũng không rành rẽ mấy các loài hoa nên đành thú nhận tôi chỉ biết hoàng lan là do nhà anh rể có một cây, anh thường hái hoa tặng chị tôi và chị cất trong áo gối để mong những thơm tho ướp đầy ăm ắp mỗi cơn mơ khi đêm buông xuống bình yên. Có thể nói không sai những chùm hoàng lan đó đã góp phần không nhỏ giúp anh chinh phục được chị tôi. Nên tôi đã vài lần bắt anh đinh ninh hứa, khi nào tôi có người yêu thì nhất định anh sẽ phải cung cấp hoa cho tôi thường xuyên để tôi mang đi “hối lộ” người yêu. Rốt cuộc đến khi tôi quen được em, thật không may vì nhà em có sẵn cả khu vườn rộng với cây dẻ rất sai, hoa của nó luôn đơm đầy cây, đủ ướp dịu dàng hương trong vô vàn giấc mộng qua suốt tuổi thơ em đến tận khi em lớn. Và không chỉ hoàng lan, tôi cứ hay bị thừa nhiều thứ em đã có nhưng lại thiếu bao nhiêu thứ em cần. Nên đó cũng là nguyên nhân khiến cuộc tình không hoa lỡ bước của tôi đã không mang lại kết quả gì.
…
- Tỉnh chưa? - Thuần vui vẻ hỏi khi thấy tôi quay lại.
Tôi gật, định nói thêm cũng nhờ cơn buồn ngủ rũ rượi mà tôi phát hiện ra cây hoa dẻ ở phía sau, và nói chung phần đẹp nhất, thơ mộng nhất của khu vườn lại chính là nơi ít có ai đặt chân. Hoặc cũng có thể với nơi chốn vắng thì thiên nhiên sẽ tự do hơn, thản nhiên hơn, như nhan sắc không cần ai ngắm thì vẫn tỏa hương thắm thiết, mê dụ ban sơ trong cốt cách tự thân vốn có… Nhưng tôi đang bị thu hút bởi căn nguyên khác, dòng âm thanh và tiếng hát vang lên những ca từ quá đỗi thân quen. Là sáng tác của chính tôi. Ca khúc này tôi viết đã rất lâu, hơn mười năm trước - thời thanh xuân với nhiều “phép thử” - thứ gì tôi cũng muốn làm cho biết, để rồi qua năm tháng bụi phủ mờ gần như đã bị quên lãng. Sao bây giờ lại có người hát nó ở đây. Vẫn là cô ca sĩ ấy, nhưng dường như giọng hát bỗng ma mị, chao đảo hơn…
Tôi ngồi thinh lặng lắng nghe, âm ba ký ức dội lên trong tâm thế bồi hồi. Đó cũng là tác phẩm duy nhất của tôi, Hương Dẻ, vì không có tính thị trường nên không ăn khách, không đủ sức làm cho tôi nổi tiếng hay hào hứng để đi tiếp con đường sáng tác nhạc. Dù thời đó cũng có vài ca sĩ thành danh đã chọn để hát trên các sân khấu lớn, nhưng không gây được tiếng vang, không ồn ã, không nóng lên thành bài hit, không lọt vào các top... Sau đó thì tôi rẽ ngoặt qua hướng khác theo đuổi công việc kinh doanh, trong lòng không cảm thấy hối tiếc. Đã lâu tôi quên bặt.
Thuần cứ cười cười, nheo nheo mắt nhìn tôi, im im kiểu rất khó đoán. Tôi chơi với cậu ấy khoảng bảy tám năm nay, cũng gọi là thân nếu dựa trên cái sự hợp tính và rất tôn trọng, quan tâm, chia sẻ với nhau - cho dù không gặp thường xuyên do xa cách về địa lý. Không rõ Thuần có biết vụ viết lách của tôi không, tôi không nhớ đã khi nào kể cho Thuần nghe… Tôi rút trong ví ra tờ tiền, bắt chước Thuần se nhỏ và giấu khéo vào trong đóa hoa lấy ra từ cái lọ trên bàn. Việc bình thường này, là khách nghe thưởng chút quà “bo” cho ca sĩ, sao bây giờ chỉ chút đổi ngôi là tác giả của ca khúc tự dưng tôi lại thấy hơi “thô”. Thuần vẫn chẳng nói gì, chỉ gật đầu khích lệ tôi. Có vẻ như cậu không biết thật. Cô gái vẫn hát, hẳn là cô rất thích nên đã đưa vào từng câu chữ khá nhiều tình cảm, một đôi chỗ giọng cô như bị khàn đi, đôi khi nức nở, và những ngân rung ngọt lịm... Hay vì tôi thiên vị bản thân nên mới ảo tưởng ra như vậy. Thuần đột nhiên giải thích: “Đây là bài tủ của Thiên Di, lần nào cô ấy cũng để dành hát cuối cùng!”. Thiên Di ư, tôi trầm trồ, tên cô ấy nghe hay.
Tôi chờ đến khi bài hát kết thúc thì đứng lên, cầm hoa bước về sân khấu. Có vẻ như vì là bài hát cuối nên người ta tặng hoa Thiên Di nhiều hơn, hay có thể vì bài này cô hát thật sự phiêu, xứng đáng được tỏ bày lòng hâm mộ. Tôi kiên nhẫn đợi mọi người giao lưu, khen ngợi cô xong, lúc đã không còn ai tôi mới tiến tới gần bên cô. Tôi hỏi từ đâu cô biết bài này, và cô đã hát nó lâu chưa. Thiên Di mỉm cười đáp lần đầu cô biết đã cách nay hơn chục năm, nhưng đi hát ở quán chỉ mới vài năm nay. Tôi trao đóa hoa cho cô và nói muốn mời cô lại bàn cùng ngồi chơi, nói chuyện. Trời đất ạ, con gái Huế. Thiên Di chắc là khó tính nhất trong những cô gái Huế, bất kể tôi năn nỉ ra sao, bất kể Thuần tiến lại cùng hòa sức với tôi cố thuyết phục cô, Thiên Di vẫn nhất định không nhận lời. Cô xin phép được giữ khoảng cách với tất cả mọi quý khách, cho dù chủ quán không yêu cầu ca sĩ phải như vậy.
Khi chúng tôi quay lại bàn, thấy tôi ngồi thừ ra Thuần thích chí cười trêu chọc, hỏi có phải tôi đã bị say nắng Thiên Di. Tôi không giải thích, tôi chỉ nhờ cậu cố giữ chân giùm cô ấy. Và tôi đi thẳng tới chỗ quầy để xin gặp ông chủ quán, theo lời Thuần thì chính là ông tua tủa râu. Thuần còn khẳng định ông cũng là chủ nhân của cả cái khuôn viên này. Ông râu tua tủa nghe tôi trình bày đề xuất, thoải mái đồng ý ngay. Ông sai cậu phục vụ băng qua lối rêu phong, qua cái hồ đầy hoa súng đang say giấc ngủ yên, đi theo tôi ra tuốt khoanh vườn phía sau, chỗ cây hoa dẻ. Cậu phục vụ đã dùng cây cù móc có cán cao để hái cho tôi chùm hoa đẹp đẽ, thơm tho, nguyên vẹn nhất... Sau này, mỗi khi nhớ lại cảnh tượng Thiên Di tròn mắt nhìn tôi lúc tôi mang tới tặng cô chùm hoa dẻ rất nâng niu đó, cẩn thận dặn cô nhớ đem về lồng vào trong áo gối để đêm gối đầu cho thơm, tôi lại tự giễu mình - trời ơi đã sến lại còn bất chợt ngây ngô. Thiên Di đến hát thường xuyên ở quán Mưa, nếu cô muốn có hoa dẻ thì chỉ cần dặn một tiếng với ông tua tủa râu, ông ta quý mến cô như vậy, chẳng lẽ nào không chăm sóc được cho cô chu đáo từng ý thích. Nhưng rồi tôi lại tự an ủi, việc tôi ngẫu hứng thực thi với những xúc cảm chân thành lẽ tất nhiên phải khác, chẳng thể đem so sánh những bông hoa được hái trong cơn bốc đồng như mua một tấm vé quay lại với tuổi thanh xuân đánh đồng cùng suy nghĩ chững chạc nghiêm ngắn kiểu gã đàn ông đã qua vài nhát kể từ cột mốc “tam thập nhi lập”.
Tối hôm sau Thuần có công việc bận nên tôi đến quán Mưa một mình. Tôi ngồi chờ cả tiếng đồng hồ rồi hỏi ra mới biết Thiên Di không tới, mỗi tuần cô chỉ hát ở đây có một đêm nên muốn gặp lại cô - tôi sẽ phải đợi tới thứ sáu tuần sau. Nhưng công việc của tôi ở Huế chỉ còn ba ngày nữa là xong, vé máy bay bay về tôi đã book. Tôi xin ông chủ quán địa chỉ của Thiên Di nhưng ông nói cô không đồng ý đưa cho bất kỳ người lạ nào. Thuần đã kể với tôi Thiên Di là người rất kín đáo, ngay cả quá khứ cô với nhiều đồn thổi ly kỳ không ai dám khẳng định có thật hay không, vì không phải được hé lộ ra từ chính cô. Theo lời Thuần, Thiên Di đã từng có cuộc yêu đương rất sâu đậm với chàng trai trẻ tuổi hơn, là con nhà gia thế ở đất Huế này. Chàng say mê cô đến nỗi luôn tìm đủ cách công khai tấm chân tình ở bất cứ đâu, và vật nài cha mẹ đòi đám cưới. Giống như trong nhiều câu chuyện tình éo le kiểu ấy, mẹ chàng sau đó âm thầm đến gặp Thiên Di. Bà khẳng định con trai chỉ vì thương hại đôi chân cô tàn tật chứ không phải là tình yêu, rồi năm tháng qua đi, khi sự chênh lệch tuổi tác và mọi thứ giữa hai người càng khắc sâu hơn chàng sẽ hối hận, rồi cô sẽ trở nên bất hạnh nếu như chàng thấy chán và muốn ruồng bỏ… Nhân danh sự sáng suốt và từng trải của người mẹ rất hiểu con, bà thật lòng khuyên cô hãy tỉnh táo rời xa mối tình chênh vênh trước khi quá lún thêm. Xứ kinh kỳ này không lớn, đi vu vơ loanh quanh dăm ba đỗi có thể chạm mặt nhau, muốn đứt đoạn luôn không bao giờ gặp lại ai - tính ra là rất khó. Ấy vậy nhưng Thiên Di đã làm bằng được. Chỉ có điều từ sau biến cố đó trở đi người ta tịnh không nghe thêm bất cứ chuyện tình nào của cô. Thiên Di rút sâu vào trong vỏ ốc thế giới riêng và trở thành nàng ca sĩ thầm lặng kín đáo bí ẩn nhất mà Thuần từng biết… Lúc nghe tới đó, đến lượt tôi hỏi lại có phải Thuần cũng từng say nắng Thiên Di không. Sao cậu tìm hiểu cuộc đời cô quá kỹ. Thuần mỉm cười nói nàng chắc cũng như hoa dẻ, cứ để nguyên trên cao mà ngắm có khi lại hay hơn, mùi hương lan tỏa man mác, thênh thang, tự nhiên trong trời đất - sẽ không phải như lúc mang về gói ghém, cất giấu riêng tư, gọn ghẽ trong chiếc gối. Tôi không đồng ý, tôi đùa bảo nếu hoa dẻ mà biết nói chắc sẽ cãi, một đời hoa như một kiếp người - có thể sống thênh thang cho cả thế gian nhưng cũng cần có lúc được tỏa lan hạnh phúc với riêng tư. Ấy là tình yêu, là nền tảng để tạo dựng nên những lứa đôi kết hợp nhau thành cuộc sống gia đình. Cứ bơ lơ bảng lảng trên mây trên gió, chẳng lẽ những người nghệ sĩ mãi phải đơn thân, chắt chiu hết tinh hoa phát tiết làm vui cho nhân loại, còn bản thân thì cô độc, quạnh vắng, lê thê thui thủi một mình hay sao… Thuần gật gù ngắm tôi mải miết sa đà trong cơn hùng biện say mê, cậu bảo cậu ngạc nhiên vì hai đứa tôi rất ít khi trái ngược quan điểm với nhau. Hơn nữa, cách mà tôi “diễn thuyết” rất tự tin và thấu hiểu, cứ như tôi cũng là một trong số những nghệ sĩ cô đơn ấy.
Ngày gần cuối chuyến công việc ở Huế tôi đi chợ Đông Ba để mua dăm thứ quà cho mẹ. Đúng ra tôi rất ngại việc mua sắm quà cáp, mang xách lỉnh kỉnh, nhưng tự ép bản thân càng ngại càng phải cố gắng làm cho được. Vì tôi biết mẹ tôi rất thích các con đi xa về có chút sản vật địa phương, để bà sẽ hào hứng khoe với mấy người bạn quen rằng bà luôn được con cái quan tâm này nọ. Vừa mới bước vào chợ, tôi thấy ngay dãy gian hàng bán các đồ đặc sản. Còn đang phân vân giữa những chào mời rặt âm điệu Huế du dương thì bỗng nghe một giọng Sài Gòn riêng biệt cất lên, rõ ràng rất quen, buộc tôi phải đi nhanh tới để nhìn cho rõ mặt. Thật cũng không thể ngờ sau hơn chục năm lại tái ngộ em với cảnh huống như lúc đó, người con gái trong Hương Dẻ của tôi. Vẻ mặt em vẫn còn phảng phất nét đẹp thanh xuân nhưng dáng vóc đậm đà hơn, khác xưa rất nhiều. Tôi cũng không thể tặc lưỡi nói “ôi, thời gian” vì chính tôi qua ngần ấy thời gian cũng đâu còn trẻ trai, xanh biếc, ngẩn ngơ vụng dại như xưa. Mười mấy năm tôi vẫn độc thân dù đã vững vàng hơn trong cuộc sống, còn em đã kịp qua tới lần đò thứ hai. Vì chồng sau của em là người Huế, đã quyết định rời Sài Gòn trở về quê sinh sống làm ăn nên em khăn gói đi theo. Họ cùng nhau gây dựng nề nếp mới ở đây và đang dần an ổn. “Em bây giờ chỉ nghĩ cứ bình yên là hạnh phúc”, em cười nói với tôi như vậy.
Em thoăn thoắt chọn quà cho mẹ tôi, chu đáo sắp soạn các thứ, đóng gói bao bì cẩn thận. Em tính tiền giá vốn, em có món gửi biếu mẹ tôi, có món gửi chị tôi và cả món tặng riêng tôi, còn tôi, trong cơn lúng túng chỉ biết ừ à theo những câu em dặn. Tôi không thể tránh không so sánh nàng con gái của hoa của lá của xuân của biếc của mơ mộng xa xôi năm tháng cũ xưa xa mà tôi yêu, đã thất bại không cưới được với người phụ nữ giỏi giang lanh lợi mua mua bán bán giữa chợ đời hôm nay. Em cười, anh sao vậy, cứ đơ hoài à. Chắc tại thấy em nhuốm màu thời gian, khác đi nhiều quá phải không. Ai cũng vậy mà anh. Ừ em, ai cũng vậy. Nhưng anh nghĩ em như vầy cũng hay… Tôi hỏi thăm sức khỏe cha mẹ em, gia đình em, hỏi thăm các thứ. Rồi tôi chợt nảy ra một ý. À, em có bao giờ đi nghe hát ở quán không? Em chưa, lu bu quá anh ơi. Ngoài việc mua bán em còn nhà cửa, con cái. Chắc chưa tới lúc được an nhàn hưởng thụ cuộc sống thong thả đâu, còn vất vả nhiều đó anh.
Cho dù em nói vậy nhưng tôi vẫn ân cần ghi lại trong phần “nhắc việc” ở điện thoại em - danh mục “Quán Mưa” bao gồm địa chỉ quán và thời gian tối thứ sáu hàng tuần, cùng cái tên cô ca sĩ Thiên Di. Nhưng tôi không gõ tên bài hát Hương Dẻ, cứ để tới lúc nghe em sẽ nhận ra. Trong tâm trí giàu tưởng tượng của tôi, tôi thậm chí còn hình dung đến cuộc gặp sau khi em đã nghe Thiên Di hát xong. Có thể với khách hâm mộ cùng là phụ nữ thì Thiên Di sẽ không từ chối ngồi cùng em và trò chuyện. Biết đâu cô ấy sẽ chịu hé mở đôi chút sự bí ẩn về căn nguyên tại sao cô thích Hương Dẻ và chỉ hát bài ấy khi kết thúc những đêm diễn, có sự tương đồng nào đó trong câu chuyện tình của riêng cô với nàng trong ca khúc hay không…
Tối hôm đó, tôi đã không quay lại quán Mưa. Tôi đi với Thuần cùng đám bạn quen. Chần chừ mãi rồi tôi quyết định không kể Thuần nghe câu chuyện về em, và Hương Dẻ, tự nại cớ với mình do chỗ nhậu là nhà hàng thủy tạ, cảnh cũng đẹp nhưng đông đúc ồn ào quá nên không có hứng. Giữa chừng cuộc nhậu thì mưa đổ xuống, thầm thĩ trên sông. Mưa không lớn nhưng dai dẳng, bầu trời đêm mịt mờ không một bóng trăng sao. Tôi ngồi nhìn ra những vệt nước loang loáng sáng, cố dùng sự tự tâm an tĩnh loại bỏ dần khỏi tri giác tất cả những âm thanh huyên náo, chộn rộn khắp xung quanh. Tôi nhớ những tán dù che màu tím ở quán Mưa ẩn dưới lớp tàng cây đan dày biếc thẫm. Nhớ cây hoa dẻ lặng lẽ nơi cuối vườn. Nhớ đã bỏ lỡ những câu tự giới thiệu trước khi Thiên Di đắm mình trong ca khúc Hương Dẻ của tôi, liệu có nên hỏi Thuần để được nghe cậu ta nhắc lại nội dung?
Hay có lẽ đừng khơi ra đến cạn cùng để thấu suốt tỏ tường mọi thứ. Cứ để những vướng mắc như mớ mảnh ghép lỗ chỗ chưa lấp đầy các vết trống. Vì ngay khi tôi vẫn còn đang ở đây, Huế chưa xa mà đã nhớ. Tôi biết mình sẽ có lúc phải tìm về...
N.T.P
(TCSH394/12-2021)
NGUYÊN QUÂNTôi đứng lại giữa vườn. Đêm mênh mông oà vỡ ánh trăng. Trăng trên thềm nhà, trăng trên ngọn lá, trên những tàng cây um tùm. “Điêu tàn, hoang vắng quá”- tôi than thầm. Hình như lâu rồi chẳng ai vun xới chăm sóc và hình như cũng lâu lắm rồi tôi mới về lại trong khu vườn đầy kỷ niệm này.
NGUYỄN NGỌC PHÚQuán rượu của o Tam lúc nào cũng đông khách, phần lớn là khách quen. Quán ở gần bến, thuyền câu về cập bờ chỉ nhảy ba bước đã có thể cụng bát với nhau rồi.
NHẤT LÂMKhông biết duyên cớ từ đâu mà cô Ngọc ở Hà Nội chạy lên Thái Nguyên rồi dừng chân dưới chân đèo Nhe mở quán qua ngày.
NGUYỄN NGỌC LỢI Từ đường phố chính, lối rẽ chếch trái nghiêng thoai thoải. Đoạn đường tráng nhựa được xẻ xuống giữa hai bờ đất. Phía trên, không cao lắm là những biệt thự, những kiểu dáng kiến trúc lạ mắt. Trước mỗi ngôi nhà là những khoảng sân có bồn hoa, bồn tiểu cảnh và cơ man nào là các dò lan đua nhau khoe sắc.
TRẦN HẠ THÁP1/ Trong một lần lên Tây nguyên đã lâu... Câu chuyện dọc đường vẫn làm tôi thao thức mãi. Đấy là lần xe hỏng. Lùi lại Quy Nhơn hoặc tiến tới thị xã Plây Ku đều phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Bấy giờ, chỉ mới tắt mặt trời nhưng không hy vọng tiếp tục cuộc hành trình. Mọi hành khách đành phải qua đêm ở lưng chừng đèo An Khê...
NGUYỄN XUÂN HOÀNGĐêm dường như đã xuống từ lâu lắm. Chỉ nghe lao xao tiếng nước suối chảy như một khúc đàn cầm. Nguyễn ngồi một mình trong thư phòng. Đôi cánh tay dài quá gối để hờ hững lên thành ghế tựa được làm từ mây rừng Côn Sơn. Ông hướng đôi mắt sâu thẳm nhìn xoáy vào bóng rừng chập chùng một màu đen nhức mắt. Xa lắc trên cao vầng trăng thượng huyền nhỏ và mỏng như một nét mày duyên nợ.
VÕ THỊ XUÂN HÀTặng cậu tôiTập truyện thứ X bộ truyện "Những trang viết lạ" vừa phát hành, nhiều người đã gọi điện đến hỏi, cái truyện ngắn "Chuốc mấy nậm trường" moi ở đâu ra vậy? Tác giả Trần Sao là ai vậy? Nghe chừng có vẻ là tay viết trẻ mới xuất hiện? Hay thằng cha nhà văn nào chán đời núp bóng tên con để xả sú?
HOÀNG NHẬT TUYÊN(Chùm truyện ngắn mini)
PHẠM XUÂN PHỤNG(Tặng Hoạ sĩ Trần Hữu Nhật)Hắn là một hoạ sĩ.Gay cấn hơn, hắn còn là một hoạ sĩ trẻ!
XUÂN ĐÀIChúng tôi làm việc cho ông Gofhua-Marino đến nay đã là 12 năm 3 tháng. Ông người Mỹ này tuyển người không giống ai. Quảng cáo vỏn vẹn có mấy dòng trên báo: Cần hai chuyên viên giúp việc, tuổi từ bốn lăm đến năm lăm, viết và nói tiếng Anh, tiếng Pháp, thông thạo...
HƯƠNG LAN(Tặng mẹ)Mẹ tôi mất trong một lần sinh khó. Mấy tháng sau, đứa em gái bất hạnh của tôi cũng không sống nổi vì thiếu sữa mẹ. Năm ấy tôi mới được sáu tuổi. Rồi thầy tôi (tôi gọi cha bằng thầy) đi thêm bước nữa. Cũng như những phụ nữ muộn chồng khác, người mẹ kế của tôi tính tình luôn cau có khó chịu, hình như đó là tâm lý chung của họ.
NGUYỄN TRƯỜNGMưa. Màn mưa giăng giăng trắng đục cả bầu trời. Mưa dầm dề suốt tháng không có lấy một ngày tạnh ráo.Trong ngôi nhà gỗ ba gian tối tăm ẩm ướt những giọt nước mưa từ nóc cứ men theo đám rui mèn đã rũ mục rơi tí tách xuống nền nhà thành từng đám loang lổ nom đến chối mắt.
NGUYỄN KHẮC PHÊSân ga ngày giáp Tết đông đúc và huyên náo khác thường. “Tàu S3 xin đường rồi!” Tiếng ai đó thốt lên. Thế là đám người trên sân ga như được tiêm thuốc kích thích. Trước hết là các chàng xe thồ, xích lô, rồi người đưa kẻ đón chạy qua chạy lại, í ới gọi nhau.
NGUYỄN THỊ LÊ NA Chiếc Suzuki chồm lên trên con dốc ngoằn nghoèo ghồ ghề đất đá. Người đàn ông cố giữ lấy tay lái dù vậy vẫn không tránh khỏi quệt vào đám cây cỏ dại ven đường. Xe chạy chậm dần và dừng hẳn trước ngôi nhà tranh thấp lè tè nép bên ngọn đồi heo hút. Người đàn ông khoác chiếc túi xách căng phồng rồi đi thẳng vào nhà vừa lúc ánh chiều sắp tắt.
VIỆT HÙNGChuyện ghen tuông của phụ nữ ư? Có gì lạ đâu nhỉ? Vậy mà lúc nào cũng có thể trở nên những câu chuyện thời sự nóng hổi. Người ta túm năm tụm bảy; người ta quên ăn quên uống, quên cả công việc, nhiều khi cũng chỉ để ngồi mạn đàm tào lao quanh chuyện ghen bóng gió của ả A hoặc ả B nào đó.
NGUYÊN QUÂN Chiếc roi mây lên nước thời gian bóng loáng, vẫn im lìm trên vách tường ố vàng màu vôi cũ. Chính sự im lìm của nó đã vô tình làm hằn lên số phận tôi một chuỗi dài bấp bênh cay đắng... Thầy ơi! nếu ngày xưa thầy cứ nhẫn tâm quất xuống, dù chỉ một roi thôi thì giờ đây cuộc đời đâu thể quất lên người con lắm vết đau xé bầm tím...
DƯƠNG QUYẾNHuệ là một hoa khôi. Đài các, cao sang, quí tộc, tài năng, giàu có và hoang dã. Đó là nét đẹp trời sinh ban phát cho nàng.Huệ học rộng, đủ chất "cầm kỳ thi họa". Bốn môn cổ xưa ấy, môn nào Huệ cũng xuất sắc. Cô đỗ hai bằng đại học sử học, vi tính. Ngoài ra, cô còn đoạt luôn một bằng tiếng Anh tại Anh Quốc.
VŨ QUỲNH HƯƠNGLGT: Vũ Quỳnh Hương, tên thật là Nguyễn Vũ Quỳnh Hương, sinh năm 1957 tại Huế, hiện sống và làm việc tại San Jose, California (Hoa kỳ), đã có nhiều sáng tác thơ, văn trên các tạp chí Văn, Văn học và nhiều tuyển tập thơ văn ở hải ngoại. Tiêu biểu trong số đó là CUNG THỨC CÙNG THƠ MỘNG (thơ, in chung với Trân Sa, Lê Thị Huệ), MIỀN VĨNH PHÚC (truyện vừa)...
TRẦN THÙY MAIChúng tôi đến bản Tok, trời đã quá trưa. Người bản làm nương chưa về.. Dưới giàn bí, cô gái bản nằm ngủ hồn nhiên trên chiếc võng.
HỒNG NHU1.Ở độ cao ngọn núi trên một nghìn mét này, trong rừng sâu có lẽ chưa ai bước chân tới, dưới gốc một cây trâm già to cỡ hai người ôm tỏa bóng vòm hình thang chéo mỗi khi mặt trời chiếu thẳng góc, có một túp lều nhỏ lợp bằng tranh săng đã cũ trông như một cái nơm úp chụp xuống đất.