Hương Bát Nhã

15:30 13/04/2009
THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.

Ngôi chùa vùng đất đỏ nằm ẩn trong ngút ngàn hoa sứ trắng. Chùa Sứ - cái tên đã giải thích rõ ràng, vậy mà tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng và bần thần trước một vùng trắng thơm bạt nắng...
Chú điệu nhỏ dẫn tôi vào phòng khách, chỏm tóc gọn gàng vắt qua vành tai đen đến nao lòng. Chú thoắt ra, thoắt vào với mâm cơm chay nhỏ gọn trên tay, lời mời cũng như vậy:
- Dạ, cô dùng cơm.
Tôi ngập ngừng hỏi:
- Này, chú ơi! bông sứ có ăn được không? - tôi xòe cho chú thấy một nắm bông sứ mà tôi vừa cẩn thận nhặt lên ngoài sân.
Chú không nhìn tôi, nụ cười hiền bẩm sinh. Tôi sợ chú tưởng mình hỏi đùa, liền nói thêm:
- Thiệt mà! Người ta vẫn ăn được bông điên điển, bông so đũa, bông huệ đó thôi?
Chú quay lại nhìn tôi, bất ngờ hỏi:
- Cô có thích hoa sứ không?
Tôi nhiệt tình:
- Ồ, thích lắm! Nhất là hoa sứ ở đây. Có hương, có sắc mà còn có cả thanh nữa đó, chú có thấy vậy không?
Ánh nhìn thân thiện đồng cảm làm tôi nghe người thật nhẹ. Tôi cười, chú cũng cười, một cánh hoa sứ nhẹ nhàng rơi ngoài cửa sổ, cũng ngoái vào gởi một nụ cười thơm ngát trong veo.

Dãy nhà khách nằm ngoài khuôn viên chùa, cách một bức tường cao, nhưng làn hương của những bông sứ thì không có gì ngăn cách. Gió hào phóng ban cho cả một vùng ngát dịu hương thơm. Một đêm thức trắng. Tôi nằm lắng nghe cách những bông sứ rụng, tôi vẫn nghĩ rằng mỗi bông hoa có một cách rơi rụng khác nhau. Trong tiếng chuông mõ công phu, tôi vẫn nghe rải rác đó đây những âm thanh rời cành thanh thản. Chợt nhớ và đồng cảm vô cùng bốn câu thơ trong bài "Thính vũ" (Nghe mưa) của Nguyễn Trãi:
"Cách trúc xao song mật
Hòa chung nhập mộng thanh
Ngâm dư hồn bất mỵ
Đoạn tục đáo thiên minh"...
(Qua bụi trúc tiếng mưa rơi khua
  vào cửa sổ đóng kín
Hòa với tiếng chuông đi vào
   giấc mơ nhẹ nhàng
Đã ngâm thơ rồi vẫn không
                  ngủ được
Nghe đứt nối cho đến khi trời sáng)

Thật diệu kỳ! Mới hay rằng sự đồng điệu của tâm hồn con người vượt qua tất cả, qua không gian, thời đại, con người và mọi qui luật của thế gian.
Tôi nằm mong đến sáng để được ra ngắm cảnh bình minh với những cánh hoa sứ rơi đầy trên mặt đất, hít thở không khí ban mai với mùi hoa sứ hòa cùng mùi khói hương phảng phất của cảnh chùa. Tôi mơ màng nằm lo, sợ phải bất ngờ nghe một tiếng chổi quét sân của một chú tiểu nào đó. Đừng! Xin đừng quét đi những cánh hoa, dẫu hoa khi rời cành thì đã là phận rác!

Ba cây kim đồng hồ chia vòng tròn thời gian ra làm hai nửa: sáu giờ đúng. Tôi choàng dậy, đi ra ngoài. Ơ kìa! Tôi không còn tin ở mắt mình. Mặt đất sạch trơn không còn bóng dáng một cánh hoa sứ nào cả. Tôi đã nghĩ rằng thêm một đêm, mặt đất sẽ trắng đầy những hoa sứ rụng, chiều hôm qua tôi đã thấy rất nhiều hoa sứ rụng rồi mà. Không nghe tiếng chổi khua, chẳng ai quét cả, thế thì sao hoa lại biến đi đâu? Tôi đứng tần ngần ngước nhìn những chùm hoa còn lại trên cành, rồi ngồi phịch xuống đất, những câu hỏi cứ bay lả tả trong đầu...
- Sao cô lại ngồi ở đây?
Tôi giật mình quay lại, chỏm tóc đen vắt qua vành tai cũng mang hình dấu hỏi. Tôi nói như mộng du:
- Những cái bông sứ rụng... đâu mất hết cả rồi?!
Vẫn nụ cười hiền bẩm sinh:
- Con lượm hết rồi!
Tôi đứng bật dậy, mừng rỡ, ngạc nhiên:
- Ơ! Chú lượm ư? Thật là tuyệt!
Tôi thầm nghĩ: chắc là chú cũng thương những cánh hoa ấy, sợ bị người ta quét đi thì tội. Ôi ở đâu rơi xuống cho tôi gặp được một tâm hồn tri kỷ tuyệt vời đến như vậy!
- Chú ơi, rồi chú để những cái hoa ấy ở đâu?
- Trên chánh điện.
- Chánh điện? - tôi bật hỏi - để làm gì?
- Cho nó nghe kinh
-...?

Một cảm giác khó tả tràn khắp người, tôi lại ngồi xuống như mộng du. Chú điệu nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, tay vu vơ vẽ những vòng tròn trên mặt đất, rồi chú thầm thì:
- Cô biết không, con cho những cánh hoa ấy nghe Pháp một ngày, rồi sau đó đem đi phơi nắng, phơi cho đến khô rang, con gói vào bao và cất đi. Cô có muốn đi xem chỗ con phơi những cánh hoa ấy không?
- Ồ, muốn lắm!
- Nào thì đi.

Chú dắt tôi len lỏi qua mấy lùm cây rậm rạp. Một lối mòn nhỏ làm bằng dấu chân của chú và chắc cũng chỉ có bước chân chú hằng ngày đi qua đây. Một vùng đất trống với vài tảng đá, trên ấy đầy ắp những bông hoa sứ đang phơi. Tôi đứng tần ngần nghe những tiếng chim hót hồn nhiên quanh mình. Âm thanh trong veo hòa vào làn hương hoa ẩn hiện... Thấp thoáng đây đó bên các lùm cây là những cành hoa dại, dường như cũng đang he hé mắt buồn nhìn những xác hoa khô...
Tôi đứng yên và chú cũng đứng yên. Chú không nói và tôi cũng không nói. Hình như sự im lặng đã nói lên tất cả, nói nhiều hơn và đúng nghĩa hơn bất cứ ngôn từ nào. Chắc chúng tôi đã đứng đó rất lâu, lâu đến nỗi khi bước chân quay trở lại chùa, tôi có cảm giác như mình đang đi trên hai bàn chân khác lạ.

Chú dẫn tôi vào chánh điện, lẳng lặng mở cho tôi xem cái "kho tàng" hoa sứ khô của chú cất dưới bệ thờ. Đến lúc này thì tôi không im được nữa:
- Rồi chú định sẽ làm gì với những "bảo vật" kia?
Đôi mắt trong veo nhưng thật xa xôi, lạ lùng:
- Sau này lớn lên, con sẽ tìm cách làm nhang bằng những bột hoa sứ khô ấy để dâng hương cúng Phật.
- Liệu có được không? - Tôi băn khoăn - hoa sứ khi còn tươi thì có hương thơm đấy, nhưng để khô lâu ngày rồi thì đâu có còn hương?!

Chú không trả lời tôi, lặng lẽ cẩn thận cất đi những bao hoa sứ vào dưới bệ thờ, rồi thong thả vuốt lại dấu hỏi đen nhánh trên đầu, đưa tôi ra trước ngôi Tam Bảo thắp hương quì lạy Phật. Chú nhẹ nhàng cung kính đánh ba tiếng chuông. Trong tiếng chuông ngân thanh thoát, tôi như nghe văng vẳng lời kinh: "Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc"...
Tôi bần thần đứng chôn chân nơi bệ Phật. Câu kinh Bát Nhã đã ngàn lần âm vọng trong tôi, nhưng chưa bao giờ thấm sâu và sáng lòa đến như vậy.
T.N

(200/10-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật

  • NGUYỄN QUANG HÀ

  • DƯƠNG GIAO LINH

    Bước chân Sinh sàn sạt trên đường cát giữa trưa oi nồng, thời tiết qua một trận mưa nước chưa thấm đất sau những ngày nắng nóng kéo dài.

  • NGUYỄN THU PHƯƠNG   

    Tôi biết bố tôi tận đến lúc này vẫn không thể vui, nhưng rốt cuộc ông đã liên tiếp nhân nhượng tôi.

  • NGUYỄN DẬU

    Chỉ một lần mà thôi
    Em hỏi, anh không nói
    Để cho em giận dỗi
    Đôi lứa thành đôi nơi
             
    Ê-XÊ-NHIN

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG    

    Tà dương bắt đầu trùm lên vùng núi đồi được phủ vô số bụi phong lữ đương trổ hoa đỏ thắm. Một mùi hương thầm kín cố hữu của một thành phố ven biển lan xa đến tận làng El Biar.

  • NGUYỄN LUÂN   

    Lâm có một thói quen vào những ngày cuối năm, thường tìm đến những vùng đất mới lạ thật xa nơi mình sống, để thưởng cái thú giao mùa của trời đất đang chuyển mình sang xuân.

  • NGÂN HẰNG    

    Tiếng gà gáy vang lên. Bầu trời vẫn một màu đen kịt. Hàng cau trước sân rì rào trong gió, những lá cau vững chãi vươn thẳng, thân cây nhẵn nhụi. Gió thổi mải miết trêu đùa, rồi ùa vào căn nhà tranh cũ kỹ. Ánh sáng le lói từ căn nhà hắt ra thành từng tia nhỏ qua những lỗ thủng trên vách.

  • PHẠM NGỌC TÚY

    Tin siêu bão đài báo trước đó mấy ngày. Cả nhà ngồi chờ bão đến, My đi chợ ngày chủ nhật, lai rai mua mỗi ngày một ít thức ăn.

  • PHẠM GIAI QUỲNH    

    Huyên giật mình tỉnh dậy trong đêm; cơn giật mình tới thường xuyên, kéo dài trong nhiều năm, khiến cô luôn rơi vào tình trạng thấp thỏm.

  • CÁT LÂM    

    1. Tôi bắt đầu không còn sợ bóng tối nữa, nhất định là không. Khi nỗi buồn dâng lên đến ngộp thở thì bóng đêm chính là nơi nương náu cuối cùng. Điều ấy luôn đúng với tôi, một cô bé chẳng thể đi đâu nếu không có sự giúp đỡ của người khác.

  • LÊ MINH PHONG    

    Mở mắt ra đi.

  • NGUYỄN NGỌC LỢI   

    Hỏng Phỉ - Dốc Ma bên sườn trái Pù Phỉ - Núi Ma. Rừng trên Pù Phỉ âm u rậm rạp lắm. Người Thái Lũng Xài già nhất cũng chưa đi hết cái Núi Ma ấy. Người ta không dám đi bởi nó âm u rậm rạp, bởi nó lắm hổ nhiều beo…


  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH


  • TRẦN NGUYÊN  

    - Mẹ ơi sao cha vẫn chưa về?

  • NGUYỄN BẢN

    Anh vừa ngồi xuống đi-văng, bỗng giật mình:

    - Hello, things, all right? (1)

  • LÊ THỊ HOÀI NAM

    Có ai đó đã quẳng vào hiên nhà tôi một con khỉ bị thương. Vốn là bạn chí thiết của ông chủ quán "cầy tơ bảy món", tôi liền nghĩ ngay đến món giả cầy bằng thịt khỉ.

  • NGUYỄN THÙY HOÀI DUYÊN  

    Uyên lại thức giấc lúc nửa đêm, cô nhìn vào những vệt sáng yếu ớt của đèn đường chiếu qua lớp kính cửa sổ. Uyên nhìn những giọt nước đang cố bám mình trên tấm kính nhưng cuối cùng chúng đều phải trượt xuống rồi vỡ tan trên mặt đất.