Hương Bát Nhã

15:30 13/04/2009
THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.

Ngôi chùa vùng đất đỏ nằm ẩn trong ngút ngàn hoa sứ trắng. Chùa Sứ - cái tên đã giải thích rõ ràng, vậy mà tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng và bần thần trước một vùng trắng thơm bạt nắng...
Chú điệu nhỏ dẫn tôi vào phòng khách, chỏm tóc gọn gàng vắt qua vành tai đen đến nao lòng. Chú thoắt ra, thoắt vào với mâm cơm chay nhỏ gọn trên tay, lời mời cũng như vậy:
- Dạ, cô dùng cơm.
Tôi ngập ngừng hỏi:
- Này, chú ơi! bông sứ có ăn được không? - tôi xòe cho chú thấy một nắm bông sứ mà tôi vừa cẩn thận nhặt lên ngoài sân.
Chú không nhìn tôi, nụ cười hiền bẩm sinh. Tôi sợ chú tưởng mình hỏi đùa, liền nói thêm:
- Thiệt mà! Người ta vẫn ăn được bông điên điển, bông so đũa, bông huệ đó thôi?
Chú quay lại nhìn tôi, bất ngờ hỏi:
- Cô có thích hoa sứ không?
Tôi nhiệt tình:
- Ồ, thích lắm! Nhất là hoa sứ ở đây. Có hương, có sắc mà còn có cả thanh nữa đó, chú có thấy vậy không?
Ánh nhìn thân thiện đồng cảm làm tôi nghe người thật nhẹ. Tôi cười, chú cũng cười, một cánh hoa sứ nhẹ nhàng rơi ngoài cửa sổ, cũng ngoái vào gởi một nụ cười thơm ngát trong veo.

Dãy nhà khách nằm ngoài khuôn viên chùa, cách một bức tường cao, nhưng làn hương của những bông sứ thì không có gì ngăn cách. Gió hào phóng ban cho cả một vùng ngát dịu hương thơm. Một đêm thức trắng. Tôi nằm lắng nghe cách những bông sứ rụng, tôi vẫn nghĩ rằng mỗi bông hoa có một cách rơi rụng khác nhau. Trong tiếng chuông mõ công phu, tôi vẫn nghe rải rác đó đây những âm thanh rời cành thanh thản. Chợt nhớ và đồng cảm vô cùng bốn câu thơ trong bài "Thính vũ" (Nghe mưa) của Nguyễn Trãi:
"Cách trúc xao song mật
Hòa chung nhập mộng thanh
Ngâm dư hồn bất mỵ
Đoạn tục đáo thiên minh"...
(Qua bụi trúc tiếng mưa rơi khua
  vào cửa sổ đóng kín
Hòa với tiếng chuông đi vào
   giấc mơ nhẹ nhàng
Đã ngâm thơ rồi vẫn không
                  ngủ được
Nghe đứt nối cho đến khi trời sáng)

Thật diệu kỳ! Mới hay rằng sự đồng điệu của tâm hồn con người vượt qua tất cả, qua không gian, thời đại, con người và mọi qui luật của thế gian.
Tôi nằm mong đến sáng để được ra ngắm cảnh bình minh với những cánh hoa sứ rơi đầy trên mặt đất, hít thở không khí ban mai với mùi hoa sứ hòa cùng mùi khói hương phảng phất của cảnh chùa. Tôi mơ màng nằm lo, sợ phải bất ngờ nghe một tiếng chổi quét sân của một chú tiểu nào đó. Đừng! Xin đừng quét đi những cánh hoa, dẫu hoa khi rời cành thì đã là phận rác!

Ba cây kim đồng hồ chia vòng tròn thời gian ra làm hai nửa: sáu giờ đúng. Tôi choàng dậy, đi ra ngoài. Ơ kìa! Tôi không còn tin ở mắt mình. Mặt đất sạch trơn không còn bóng dáng một cánh hoa sứ nào cả. Tôi đã nghĩ rằng thêm một đêm, mặt đất sẽ trắng đầy những hoa sứ rụng, chiều hôm qua tôi đã thấy rất nhiều hoa sứ rụng rồi mà. Không nghe tiếng chổi khua, chẳng ai quét cả, thế thì sao hoa lại biến đi đâu? Tôi đứng tần ngần ngước nhìn những chùm hoa còn lại trên cành, rồi ngồi phịch xuống đất, những câu hỏi cứ bay lả tả trong đầu...
- Sao cô lại ngồi ở đây?
Tôi giật mình quay lại, chỏm tóc đen vắt qua vành tai cũng mang hình dấu hỏi. Tôi nói như mộng du:
- Những cái bông sứ rụng... đâu mất hết cả rồi?!
Vẫn nụ cười hiền bẩm sinh:
- Con lượm hết rồi!
Tôi đứng bật dậy, mừng rỡ, ngạc nhiên:
- Ơ! Chú lượm ư? Thật là tuyệt!
Tôi thầm nghĩ: chắc là chú cũng thương những cánh hoa ấy, sợ bị người ta quét đi thì tội. Ôi ở đâu rơi xuống cho tôi gặp được một tâm hồn tri kỷ tuyệt vời đến như vậy!
- Chú ơi, rồi chú để những cái hoa ấy ở đâu?
- Trên chánh điện.
- Chánh điện? - tôi bật hỏi - để làm gì?
- Cho nó nghe kinh
-...?

Một cảm giác khó tả tràn khắp người, tôi lại ngồi xuống như mộng du. Chú điệu nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, tay vu vơ vẽ những vòng tròn trên mặt đất, rồi chú thầm thì:
- Cô biết không, con cho những cánh hoa ấy nghe Pháp một ngày, rồi sau đó đem đi phơi nắng, phơi cho đến khô rang, con gói vào bao và cất đi. Cô có muốn đi xem chỗ con phơi những cánh hoa ấy không?
- Ồ, muốn lắm!
- Nào thì đi.

Chú dắt tôi len lỏi qua mấy lùm cây rậm rạp. Một lối mòn nhỏ làm bằng dấu chân của chú và chắc cũng chỉ có bước chân chú hằng ngày đi qua đây. Một vùng đất trống với vài tảng đá, trên ấy đầy ắp những bông hoa sứ đang phơi. Tôi đứng tần ngần nghe những tiếng chim hót hồn nhiên quanh mình. Âm thanh trong veo hòa vào làn hương hoa ẩn hiện... Thấp thoáng đây đó bên các lùm cây là những cành hoa dại, dường như cũng đang he hé mắt buồn nhìn những xác hoa khô...
Tôi đứng yên và chú cũng đứng yên. Chú không nói và tôi cũng không nói. Hình như sự im lặng đã nói lên tất cả, nói nhiều hơn và đúng nghĩa hơn bất cứ ngôn từ nào. Chắc chúng tôi đã đứng đó rất lâu, lâu đến nỗi khi bước chân quay trở lại chùa, tôi có cảm giác như mình đang đi trên hai bàn chân khác lạ.

Chú dẫn tôi vào chánh điện, lẳng lặng mở cho tôi xem cái "kho tàng" hoa sứ khô của chú cất dưới bệ thờ. Đến lúc này thì tôi không im được nữa:
- Rồi chú định sẽ làm gì với những "bảo vật" kia?
Đôi mắt trong veo nhưng thật xa xôi, lạ lùng:
- Sau này lớn lên, con sẽ tìm cách làm nhang bằng những bột hoa sứ khô ấy để dâng hương cúng Phật.
- Liệu có được không? - Tôi băn khoăn - hoa sứ khi còn tươi thì có hương thơm đấy, nhưng để khô lâu ngày rồi thì đâu có còn hương?!

Chú không trả lời tôi, lặng lẽ cẩn thận cất đi những bao hoa sứ vào dưới bệ thờ, rồi thong thả vuốt lại dấu hỏi đen nhánh trên đầu, đưa tôi ra trước ngôi Tam Bảo thắp hương quì lạy Phật. Chú nhẹ nhàng cung kính đánh ba tiếng chuông. Trong tiếng chuông ngân thanh thoát, tôi như nghe văng vẳng lời kinh: "Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc"...
Tôi bần thần đứng chôn chân nơi bệ Phật. Câu kinh Bát Nhã đã ngàn lần âm vọng trong tôi, nhưng chưa bao giờ thấm sâu và sáng lòa đến như vậy.
T.N

(200/10-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HẠO NGUYÊN

    1.
    Năm đầu đại học, tôi tình cờ quen chị trên một chuyến tàu từ Đà Nẵng ra Huế. Mới nhìn đã biết chị lớn tuổi hơn tôi, dù có thể vẫn đang là sinh viên.

  • TRIỆU BÔN

    Có khá nhiều giai thoại về ông già Nhậm ở xóm Giếng. Một trong những giai thoại được truyền tụng lâu nhất là chuyện ông rèn thanh gươm báu, từ hồi Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

  • LÊ MINH PHONG
     
    * Như một thứ linh dược từ trời
    gửi tới Chocolateyram

  • ĐOÀN LÊ

    Cây lá héo rũ. Hơi nóng bốc rung rinh trên một mỏm lá xám. Cả hoang đảo say nắng ngất ngư tới tận khi mặt trời đỏ nẫu sắp rụng xuống gốc biển.

  • NGUYỄN HIỆP

    Hé mắt lúc lâu mọi vật mới dần hết mờ nhòe, một không gian lạ hoắc với những vật dụng bằng gỗ cũ kỹ như trong thế giới cổ tích nào đó hiện trước mắt Sa.

  • LAM PHƯƠNG

    Làng Ngát có dòng sông Ngát quanh năm nước tràn trề, đầy ứ, nhưng mùa nào nước cũng đùng đục, cáu đỏ như thể nước lũ.

  • DƯƠNG THÀNH VŨ

    Đội khai thác vật liệu và chuẩn bị mặt bằng xây dựng thị trấn đến huyện lỵ vào một sớm mùa đông núi rừng còn giấu mình trong màn sương và trên cao là ánh sáng trắng toát.

  • HẠO NGUYÊN  

    1.
    Không hiểu vì sao dạo ấy Huế có nhiều giếng đến thế. Đi ra đường, gặp giếng. Lên giảng đường, gặp giếng. Vào café, gặp giếng. Đến quán rượu, gặp giếng. Về nhà trọ, gặp giếng. Trong giấc ngủ cũng gặp giếng.

  • NGUYỄN THẾ QUANG

    Gió bấc thổi dài suốt mấy ngày nay, bầu trời Xứ Nghệ xám đục như đang hạ thấp xuống dãy Thiên Nhận. Trên ngọn Bùi Phong, trong Vọng Vân đình, hai ông già búi tóc củ hành đang ngồi đánh cờ. Thỉnh thoảng, một vài dải mây trắng từ đỉnh non lại lãng đãng trên hai mái đầu bạc.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ

    1.
    Nàng lọt thỏm và treo lơ lửng trong một khối hình thù kì quái, chẳng phải là một giấc mơ đẹp, có những khuôn viên tươi tắn đầy hoa cỏ như nàng vẫn hằng tưởng tượng.

  • TRẦN DUY PHIÊN

    Giữa năm học thứ hai, tôi mới để ý tới Công Tằng Tôn Nữ Phúc Hà - người bạn gái học cùng lớp. Kỳ thi cuối năm học vừa qua quá khe khắt, hai mươi giáo sinh nay chỉ còn mười ba. Phòng học bỗng dưng hóa rộng, vô tình chúng tôi bị gom lại, có lẽ vì vậy mà gần gũi nhau hơn.

  • QUÉ HƯƠNG 

    1.
    - Cô nhìn thấy nó khi bước lên sàn Cung Văn Hóa Tiên Sơn, giữa chang chang nắng.

  • NGUYỄN VĂN THIỆN

    Ai đi ngoài nội cỏ, bỏ quên mắt nhìn trong hang sâu! Ai ào ào nỗi nhớ, bỏ quên tai buồn trong đêm sâu!

  • NGUYỄN VĂN THIỆN

    Ai đi ngoài nội cỏ, bỏ quên mắt nhìn trong hang sâu! Ai ào ào nỗi nhớ, bỏ quên tai buồn trong đêm sâu!

  • VŨ THANH LỊCH

    Giầu ầu ầu... ở đâuuuuuuu... đá á á... ở đâuuuuuu...
    Để cau chín ín ín ín ín ínnnnnn... nẫu nầu nâu thế ế ế... này...

  • THU LOAN  

    Lúc nào bánh xe chạm ngưỡng cửa cũng là lúc công việc chen chúc hiện trong đầu. Nàng mau chóng sắp xếp sao cho thật hợp lý để hoàn thành chúng ít mất thời gian, công sức nhất.

  • ĐOÀN LÊ

    Tôi đọc đi đọc lại, có cảm giác như mình bị sỉ nhục. Nhưng rành rành hình trái đất đã được minh họa ở góc trang báo đó. Kèm theo hình vẽ là mẩu tin tức khoa học của một viện nghiên cứu nước ngoài công bố. Rằng trái đất chúng ta giống trái táo bị cắn nham nhở.

  • XUÂN ĐÀI

    Hẻm Đuôi Voi ngoằn ngoèo, gập ghềnh, sâu hun hút, mùa mưa lầy lội, mùa nắng hâm hấp như lò rèn. Cuối con hẻm, ở góc khuất, có ba con người cư ngụ. Thường tụ tập sau mười giờ đêm.

  • NGUYÊN QUÂN   

    Chuyến tàu bắt đầu chuyển bánh, hắn cúi xuống nhìn hai chiếc kim mạ vàng khảm dạ quang trên chiếc đồng hồ. Mặt kính bằng đá thạch anh cũ mòn trầy xước, khiến hắn nhíu mày.

  • HẠO NGUYÊN

    1.
    Năm thứ hai đại học, tôi chuyển từ ký túc xá ra thuê phòng trọ. Tôi và Y thuê một phòng nhỏ trong hẻm trên đường Nguyễn Sinh Cung. Từ phòng trọ có thể nhìn ra sông Hương đoạn qua Đập Đá. Mỗi tối thuyền chài về neo bến, neo cả những giấc mơ người buồn bã trên mặt sông lặng tờ.