Huế - thành phố đáng sống

07:55 08/11/2016

LÊ VĂN LÂN

Xây dựng Huế trở thành một đô thị đáng sống, một thành phố lịch sử cổ kính, văn minh, hiện đại là mong ước của người dân và cũng là mục tiêu mà thành phố vươn tới.

Huế - những con đường xanh - Ảnh Phạm Bá Thịnh

Từ ngày thành phố giải phóng đến nay, không gian thành phố ngày càng mở rộng, hoang phế từng bước được đẩy lùi, những bức xúc trong phát triển đô thị từng bước được giải quyết. Và thành quả rõ nét nhất là đô thị lịch sử từng bước được bảo vệ, quỹ kiến trúc đô thị Huế được gìn giữ. Những khu nhà ổ chuột, người dân ở những vùng xung yếu ven sông được định cư. Thành phố đã không còn bị chia cắt trước những cơn lũ lớn. Cầu đường được xây mới, mở rộng, các đường kiệt được bê tông hóa… Có thể nói “Viên Ngọc Huế” ngày càng được gọt dũa, vẻ đẹp Huế ngày càng quyến rũ lung linh hơn.

Huế - Thành phố đáng sống

Huế là một trong năm thành phố cấp quốc gia, là trung tâm văn hóa - du lịch của cả nước. Huế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, là thành phố văn hóa ASEAN, là thành phố xanh quốc gia. Đây là những danh hiệu, những giá trị mà đất nước cũng như cộng đồng quốc tế thừa nhận… Sự thừa nhận đó trên nhiều phương diện thể hiện nội lực, tiềm lực cũng như khả năng phát triển của Huế. Đồng thời đây cũng là sự khích lệ, động viên, là cơ hội để thành phố nhìn nhận đúng về mình, hiểu rõ những thế mạnh, những hạn chế của mình, là sự nâng cao tầm nhìn khi so sánh khoảng cách giữa Huế so với những thành phố đáng sống trên thế giới. Và cao hơn hết là sự thừa nhận, sự hài lòng của người dân sở tại.

Trên hướng nhìn tích cực đó, người dân sở tại khó hài lòng khi hiện nay hạ tầng thành phố chưa thật sự ổn định, vẫn ngổn ngang nay đào mai lấp, vẫn còn nhiều trục đường mới mưa đã ngập… Không biết tình trạng này còn diễn ra đến bao giờ mới chấm dứt, và nếu có một tổng kết đầy đủ chắc chắn sự lãng phí trên lĩnh vực này không nhỏ. Đó là chưa nói lòng dân không yên bởi luôn sống trong ám ảnh bởi qui hoạch, di dời, đền bù, giải tỏa…

Ý thức thị dân cũng còn nhiều hạn chế, vẫn còn đó tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, sông hồ, hào, di tích… Đâu đâu vẫn còn diễn ra tình trạng xả nước thải, rác thải bừa bãi, đốt và rải vàng mã nơi công cộng, phát tờ rơi quảng cáo, rao vặt, viết-vẽ-sơn- dán quảng cáo tùy tiện… Vẫn còn đó tình trạng đeo bám, chặt chém, chèo kéo du khách… Tất cả ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị làm xấu đi hình ảnh của Huế đối với du khách.

Có thể nói, để Huế thực sự là một thành phố đáng sống còn nhiều vấn đề phải làm, nhưng tựu trung vẫn là hai vấn đề cốt lõi: Đó là phát triển hạ tầng đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Vấn đề tuy hai mà một, nó hỗ trợ nhau, bổ sung cho nhau, tương tác lẫn nhau. Không có hệ thống giao thông tĩnh thì rất khó lặp lại trật tự đô thị; không có hệ thống vệ sinh công cộng hợp lý thì khó chặn đứng tình trạng phóng uế bừa bãi… Thật ra điều này rất dễ nhận ra: Ai cũng thấy, ai cũng hiểu, nhưng thực hiện thì rất lúng túng. Vì vậy, mới đây thành phố tiếp tục ra nghị quyết một số vấn đề xậy dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn Huế giai đoạn 2016 - 2020, nhằm tập trung xây dựng và thực hiện các chuẩn mực ứng xử văn minh, chống các hành vi thiếu văn hóa, hình thành ý thức chấp hành kỉ cương pháp luật, trật tự, văn minh đô thị trong các tầng lớp nhân dân.

Để Huế trở thành thành phố đáng sống

Để Huế trở thành đô thị đáng sống, là niềm tự hào của người dân cũng như sự hấp dẫn đối với du khách, sự thu hút các nhà đầu tư; đòi hỏi Huế phải thực sự quyết liệt trên hai phương diện: Phát triển hạ tầng đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Một lĩnh vực đòi hỏi phải đầu tư lớn, một lĩnh vực đòi hỏi nâng cao hiệu quả công tác quản lí.

Trước hết là phát triển hạ tầng đô thị. Đây là lĩnh vực phải đầu tư lớn, đòi hỏi địa phương phải có thực lực, phải tập trung nguồn lực, phải tranh thủ nguồn lực trong nước và cộng đồng quốc tế. Chúng ta đều biết: Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch mở rộng thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Không gian thành phố được mở rộng, hạ tầng đô thị được đề cập khá cụ thể: Từ việc phát triển công viên, cây xanh đến việc thoát nước mặt, xử lí chất thải, nước thải; từ việc phát triển giao thông đến công tác trị thủy hình thành mạng lưới hồ điều hòa hạn chế lũ lụt, xây dựng hệ thống giao thông tĩnh. Quy hoạch này là cơ sở cho việc phát triển hạ tầng ổn định mà thực hiện được nó Huế thực sự là một thiên đường, một thành phố đáng sống.

Vấn đề đặt ra là Huế phải bám sát quy hoạch. Xây dựng lộ trình thực hiện, lộ trình đó phải bảo đảm tính kế thừa để công trình sau là để phát triển và phát huy hiệu quả công trình trước đó, chứ không phải đập phá công trình trước đó. Công trình xử lý nước thải Bỉ phá sản, nhưng chúng ta đã tận dụng được những gì để lại là một bài học đắt giá cho việc phát triển hạ tầng đô thị.

Quy hoạch mở rộng thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cần được nghiên cứu thấu đáo trong phát triển đô thị ở Thừa Thiên Huế. Lộ trình thực hiện nó phải được thể hiện trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố hàng năm. Làm được điều này sẽ hạn chế tối đa tình trạng nay đào mai lấp, tình trạng lãng phí trong xây dựng phát triển. Thực hiện đầy đủ quy hoạch, Huế mặc nhiên là một thành phố trực thuộc Trung ương mà chúng ta mong đợi.

Về xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Mới đây, Đảng bộ thành phố vừa ra nghị quyết một số vấn đề cấp bách về xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn Huế giai đoạn 2016 - 2020. UBND thành phố vừa ban hành quy định về đốt và rải vàng mã trên địa bàn thành phố Huế. Văn minh đô thị là vấn đề nhức nhối của Huế và lời giải cho vấn đề này vẫn đang còn lúng túng. Ngay từ những ngày đầu Huế mới giải phóng, Chủ tịch UBND thành phố Huế Hoàng Phương Thảo đã kí quyết định ban hành những quy định chung về văn minh đô thị. Từ đó đến nay hầu như năm nào thành phố cũng đặt năm đô thị là một chương trình trọng điểm. Chúng ta không phủ nhận những kết quả đạt được, nhưng vẫn còn ngổn ngang bao tồn tại ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị, làm xấu đi hình ảnh Huế đối với du khách và với người dân sở tại là sự không hài lòng.

Thật ra, xây dựng nếp sống văn minh đô thị khó mà không khó. Bởi vì đó là tâm tư, tình cảm của người dân sở tại; ai ai cũng muốn Huế mình là thành phố văn hóa và đầy sức quyến rũ. Vấn đề ở đây là phải nhìn rõ gốc rễ của nó, và phải giải quyết vấn đề từ gốc rễ chứ không phải bởi những khẩu hiệu chung chung; thành tích không phải bằng bao nhiêu hộ dân viết cam kết, bao nhiêu gia đình đạt chuẩn văn hóa, bao nhiêu tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Rõ ràng lâu nay chúng ta thường tổng kết theo kiểu phong trào. Và với kiểu tổng kết này cuộc vận động không biết đến bao giờ mới đến hồi kết. Phát động thì rầm rộ nhưng rồi đâu lại vào đó. Và để trốn chạy trách nhiệm chúng ta thường níu vào phao cứu “là do nhận thức của người dân còn thấp”, đổ lỗi hết cho người dân. Trong lúc đó vấn đề mang yếu tố quyết định nhưng ít được đề cập hoặc đề cập sơ sài đó chính là công tác quản lý.

Chúng ta đều biết lực lượng quản lý về văn minh đô thị của chúng ta rất đông đảo. Chỉ tính đội quy tắc thành phố cũng lên đến hàng trăm người, rồi đến lực lượng công an, quân đội, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, thanh tra văn hóa, cảnh sát môi trường… đó là chưa tính số nhân sự từ phường xã đến tổ dân phố. Những lực lượng này nếu được vận hành tốt có thể nói con kiến cũng khó qua lọt. Tuy nhiên lực lượng quản lý văn minh đô thị tuy đông nhưng không mạnh. Ai cũng có trách nhiệm nhưng trách nhiệm cuối cùng thì không có ai. Hoạt động lại cắt khúc, giao việc gì làm việc nấy, không giao không làm dẫn đến việc thực thi công vụ trở nên tùy tiện. Xử lý một sai sai phạm đôi khi nhiều công sức nhưng hiệu quả xã hội không cao. Đó là chưa nói các hiện tượng tiêu cực rất khó kiểm soát.

Có thể nói, trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giải pháp hữu hiệu nhất là việc xử phạt. Có dịp đến Seoul (Hàn Quốc), Singapore, đường phố hiếm gặp cảnh sát nhưng có ai dám xả rác bừa bãi đâu, có ai uống rượu say lái xe trên đường phố đâu. Bởi vì họ thực thi việc xử phạt một cách nghiêm túc. Ngay ở trong thành phố chúng ta, ở những tuyến phố văn minh khi nào tăng kiểm tra xử phạt thì đường phố trở nên trật tự, ngăn nắp hơn… Vấn đề ở đây là làm sao để việc xử phạt không quá rườm rà vẫn đủ sức răn đe, giáo dục; và khi thành phố chưa đi vào nề nếp thì việc xử phạt phải quyết liệt hơn nữa.

Ở đây, chúng ta nên bàn thêm về tính quyết liệt: quyết liệt nên được hiểu là trách nhiệm đến cùng của người thực thi công vụ. Khi nói về tai nạn giao thông, thành tích tăng giảm tai nạn là cần nhưng quan trọng hơn là triệt tiêu những nguyên nhân gây ra tai nạn. Thí dụ như tình trạng uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, chúng ta xử phạt đến đâu và khi nào chấm dứt tình trạng này. Xe quá tải trên đường phố phải hỏi anh công an giao thông sao còn có tình trạng này, vì sao không dẹp được có phải là quá khó không? Tại sao xây dựng trái phép vẫn còn xảy ra, chúng ta đã xử lý đến đâu và xử lý như thế nào thì anh thanh tra xây dựng phải trả lời. Chính quyền địa phương phải trả lời. Chúng ta xử lý việc quảng cáo rao vặt như thế nào chứ không phải lâu lâu huy động thanh niên đi xóa. Chúng ta xử lý như thế nào ở các ngã tư tờ rơi được rải tùy tiện và công nhân vệ sinh đi hốt. Chúng ta cấm đốt vàng mã trong công viên, trên hè phố mà người ta cứ đốt thì làm sao? Tương tự như thế khi môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng mới đánh giá tác động môi trường của các cơ sở sản xuất, trong lúc lẽ ra phải kiểm tra việc xử lý môi trường trước khi cơ sở đi vào hoạt động; và phải bảo đảm mới cho hoạt động, và ai là người chịu trách nhiệm trên lĩnh vực này.

Bàn về văn minh đô thị mà không thảo luận về việc xử phạt thì rất khó thành công. Chúng ta phải xem xử phạt là việc tuyên truyền giáo dục hữu hiệu nhất. Xử phạt là giải pháp hữu hiệu nhất để phát động quần chúng, luật pháp không nghiêm thì rất khó cho người dân hưởng ứng. Do vậy, chúng ta không ngạc nhiên người dân thờ ơ trước các tiêu cực trên lĩnh vực văn minh đô thị, bởi vì sự tích cực của họ không ai bảo vệ. Có những sự việc ai cũng biết như xây nhà trái phép chẳng hạn phần lớn được giải quyết nửa vời đâu lại vào đó. Do vậy, đừng trách người dân mà trước hết phải trách tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác quản lý, các cơ quan quản lý. Và cũng có thể nói nếu chúng ta thực hiện việc xử phạt một cách nghiệm túc thì lực lượng quản lý văn minh đô thị không cần phải đông đảo như hiện nay.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là sự gương mẫu của cán bộ đảng viên, chức vụ càng cao thì lại phải càng gương mẫu. Khi bàn về thực hiện văn minh đô thị ở một cuộc giao ban ở một Đảng ủy phường, một đồng chí Bí thư Chi bộ đề nghị: “Các đồng chí lãnh đạo nên viết di chúc rằng khi mất không để đám tang mình quá 3 ngày”; ai cũng cười, nhưng ai cũng thấy khó vì có đám tang nào trong gia đình các đồng chí lãnh đạo để dưới 3 ngày đâu. Không thể hô hào cả xã hội phải trật tự trong lúc mình đứng ngoài trật tự đó.

Huế là trung tâm văn hóa của đất nước, là thành phố của nhiều điều kiện và cơ hội để trở thành một thành phố đáng sống. Huế có cùng Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh tạo thành thế chân vạc của đất nước hay không chính là ở những điểm trên. Vấn đề còn lại là sự nỗ lực của chúng ta, sự phấn đấu quyết liệt của chúng ta.

L.V.L
(SHSDB22/09-2016)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • CHU SƠN

    1.
    Này, xa là những cảm nhận chủ quan hàm chứa một góc nhìn giới hạn, tương đối và hoàn toàn xa lạ với những khẩu hiệu thời thượng là vĩnh cửu, muôn năm.

  • TRẦN VĂN DŨNG

    Cùng với rất nhiều nghề thủ công truyền thống trên đất nước Việt Nam, nghề Kim hoàn được biết đến với sự sáng lập của hai vị tổ sư Cao Đình Độ và Cao Đình Hương ngay trên vùng đất Cố đô. Tài năng của các ông đã biến nghề kim hoàn trở thành một nghề thủ công độc đáo, mang đậm sắc thái Việt và được truyền bá khắp ba miền đất nước trong hơn hai thế kỉ qua.

  • LÊ VĂN LÂN

    Hằng năm cứ vào dịp 9/1 (ngày sinh viên học sinh), ngày 26/3 (ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và giải phóng Huế), những người hoạt động trong phong trào (người ta thường gọi là “dân phong trào”) lại họp mặt tưởng nhớ những người hi sinh, ôn lại truyền thống, chia sẻ những trăn trở trước thời cuộc và tự dặn mình phải sống xứng đáng với những người đã khuất, những đùm bọc thương yêu mà nhân dân đã dành cho mình.

  • ĐÀO HÙNG
    (Nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam)

    Hồi còn bé, đôi lần tôi được cha tôi là ông Đào Duy Anh, đưa đi chơi và có ghé thăm cụ Huỳnh Thúc Kháng. Rồi cũng có lần tôi thấy cụ Huỳnh đến gặp cha tôi ở ngôi nhà trên đường Hương Mỹ (nay là Chu Văn An), thành phố Huế.

  • LÊ MẬU PHÚ 
               Tùy bút 

    Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chạy dài hơn 60 cây số, qua nhiều rừng núi với thảm thực vật nhiệt đới đa dạng và nhận nhiều nguồn nước từ những con thác, rồi sau đó hợp lưu tại ngã ba Bằng Lãng thành một dòng sông, gọi là sông Hương. Từ đó, sông xuôi về biển thêm 30 cây số nữa.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    “Ơi khách đường xa, khách đường xa
    Dừng chân ghé lại Đông Ba chợ mình”

  • TRẦN NGUYÊN SỸ
                      Ghi chép

    Chúng ta thử hình dung Huế như một ngôi nhà cổ, mà con ngõ đón thập khách phía Nam là đoạn quốc lộ từ Thủy Dương xuống Phú Bài thì khỏi cần trả lời câu hỏi: Với Huế, Hương Thủy có quan trọng không?

  • HỮU THU - BẢO HÂN

    Không ít người ở Huế thế hệ sinh năm 1950 đã từng được ngắm cái điệu đà của rong rêu, sự bỡn đùa của từng đàn cá tung tăng theo chiều con nước sông Hương.

  • PHAN THUẬN AN

    Thái giám hay hoạn quan là những người đàn ông không có sinh thực khí, chuyên ở hầu hạ trong hậu cung của vua.
     

  • HỮU THU & BẢO HÂN

    Đường 12 được giới hạn từ ngã ba Tuần lên Bốt Đỏ. Chỉ kéo dài hơn 50 cây số nhưng đây là quãng đường không dễ vượt qua, bởi trước năm 1990, muốn lên A Lưới, từ Huế xe phải chuyển hướng ra Đông Hà, ngược đường 9, đến cầu Đakrong rẽ trái rồi men theo đường Hồ Chí Minh để vào. Thuở đó, đường xa, xe xấu nên cán bộ được phân công lên huyện vùng cao này ai cũng ái ngại và bỏ cuộc.

  • BÙI KIM CHI Tiên tổ phương danh lưu quốc sử Tử tôn tích đức kế gia phong

  • PHAN HƯƠNG THỦY Hệ thống lăng tẩm và Cung điện ở Huế luôn luôn là một đối tượng chính của các nhà nghiên cứu Mỹ thuật, và các nhà nghiên cứu lịch sử Huế đã để lại cho chúng ta những cái mà thời trước không còn.

  • Một số anh chị em ở Huế biết tôi có ghi chép được ít nhiều về Nguyễn Tuân, bảo tôi viết lại và gửi cho Tạp chí Sông Hương. Riêng tôi, muốn tạo một dịp để anh Nguyễn nói trực tiếp với bạn đọc Sông Hương, nên xin được hỏi anh Nguyễn chung quanh chuyện Huế, được anh Nguyễn nhận lời, tôi xin trung thành ghi lại toàn bộ cuộc trò chuyện đó.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANGHiếm nơi nào trên đất Huế có phong thủy hữu tình, trời, đất, nước, người cùng quyện hòa thanh thái trong một không gian xanh ngát xanh như đất thôn Vỹ. Đất này được dòng Hương Giang và phụ lưu Như Ý ôm trọn vào lòng như hai cánh tay của một người mẹ vỗ về.

  • TRẦN THÙY MAI Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế. Với tất cả mọi người, ai cũng thế, sau quê hương lớn là Tổ quốc Việt Nam, đều yêu và đều thích nói về quê hương nho nhỏ của mình, nơi đón tiếp mình từ lòng mẹ và cho mình những ấn tượng đầu tiên về thế giới. Hơn nữa, đó lại là một vùng đất hay được nhắc nhở và ngợi khen.

  • ĐỖ NAM Hàng trăm năm nay ai cũng biết đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có 02 cửa thông ra biển: Thuận An và Tư Hiền.

  • BÙI MINH ĐỨC (Tiếp theo Sông Hương số 267, tháng 5 - 2011)

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC(Kỷ niệm 95 năm ngày mất Thái Phiên - Trần Cao Vân: 17.5.1916 - 17.5.2011)                Bút ký

  • Bà Francoise Corrèze - đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, là một chiến sĩ chống phát xít, một người bạn của Việt Nam từ nhiều năm nay. Sau những chuyến đi thăm nước ta trong chiến tranh cũng như từ ngày đất nước thống nhất, bà đã viết nhiều tác phẩm về Việt Nam. Lần đầu tiên đến Huế đầu năm 1985, bà đã ghi lại những cảm nghĩ của mình. Chúng tôi xin giới thiệu một số đoạn sẽ được in trong cuốn sách viết về thanh niên Việt Nam bằng tiếng Pháp.

  • PHAN THUẬN ANNgọ Môn năm cửa chín lầu,Cột cờ ba cấp, Phu Văn Lâu hai tầng.