Hôm nay có phải

09:58 28/10/2019

MCAMMOND NGUYEN THI TU

Cuộc sống là như bước chân lên một con thuyền mà nó chuẩn bị ra khơi và chìm
                                    (Shunryu Suzuki)

Mịnh họa: Nguyễn Duy Linh

Hôm nay có phải ngày đó không… Con chim bất chợt sà xuống giường, đậu ngay trên vai chàng. Mình xanh đầu đen mỏ đỏ. Chân nó giẫm cả lên tóc tôi. Tôi khiếp vía tung chăn bật dậy, cài lại khuy áo. Hôm nay có phải ngày đó không… Cái giọng tựa như bé gái lại lảnh lói từ vai chàng. Câm miệng! Chàng quát trong lúc kéo tôi nằm xuống lại. Con ác là phá lên cười ranh mãnh rồi phóng vút ra ngoài cửa sổ. Nó đi đâu làm gì trong đêm tối chàng không biết.

Nhưng chắc chắn nó sẽ không đi mất. Hơn ba mươi năm qua thư phòng của chàng là chốn đi về của nó. Bắt đầu là một sáng mùa đông khô lạnh, nó bỗng đâu bay vào phòng đậu lên vai chàng cất tiếng: Hôm nay có phải ngày đó không? Và từ đó ngày nào nó cũng líu lo với chàng mỗi câu ấy.

Tôi nhắm mắt. Sâu thẳm trong tâm can bùng lên một thứ ngọn lửa ái ân, dùng dằng trêu ghẹo. Nó thí dỗ đưa tôi lên chót vót của hoan lạc, nhưng đến khoảnh khắc tôi mấp mé chạm đỉnh, nó lại túc tắc dìu tôi trở lại thung lũng phủ đặc những đốm than hồng râm rực nỗi khát khao. Tôi cao vời. Tôi tận đáy. Tôi chới với dập dềnh, phó thác mình trên chuyến du hành phù thủy. Tôi hiện nguyên hình là xác thân, là con thú. Mỗi tế bào trong tôi trở thành tế bào dục tính. Chàng đã phù phép ném tôi trở về nguyên sơ, mông muội. Không giả vờ. Không vội vã. Không lo sợ. Không quy ước. Không thời gian. Trí óc biến mất. Cá thể biến mất. Chẳng còn chàng. Chẳng còn tôi. Hai nguồn năng lượng tách biệt ban đầu của hai chúng tôi đã tác hợp thành một vòng tròn. Cái Duy Nhất. Cái Một. Khác xa chuyện gối chăn dung tục mà loài người thường mặc định và bưng bít. Chàng bảo chàng đang làm công việc đánh thức Shakti trong tôi. Chàng đang ban truyền cho tôi, sứ đồ chàng đã chọn, nguồn năng lượng tâm linh bao nhiêu người đồn đại và mơ ước. Tôi buông xuôi, quy phục. Cùng chàng, tôi tan biến vào vũ trụ, bất tử.

Hôm nay có phải ngày đó không… Tôi mở choàng mắt. Con chim mình xanh đầu đen mỏ đỏ đã quay lại tự lúc nào. Lại chễm chệ trên vai chàng, sát ngay đầu tôi. Chàng ngủ như chết. Tiếng thở rin rít nghe như tiếng huýt gió kỳ quặc. Tôi rón rén nhổm dậy. Dưới ánh nến liu riu tôi cảm giác đôi mắt con ác là đang thóc mách ngó tôi. Chàng vẫn không cựa quậy. Mắt nhắm. Đầu nghẹo qua một bên. Âm thanh kỳ quặc cứ ríu lên từ cái miệng há hốc với nước dãi tràn ra. Là chàng?

Tôi biến như ma đuổi khỏi căn phòng bí hiểm đằng sau chánh điện ngày đêm thắp nến và ngao ngát hương trầm. Hôm nay có phải ngày đó không… Con ác là trên vai chàng giọng tinh quái hỏi với theo, và tôi dường nghe tiếng nó cười ngất ngưởng. Tôi định thần lại. Không phải. Chỉ có tiếng gà gáy từ nơi đâu. Rạng sáng. Tôi rảo bước về phía dãy nhà cho thiền sinh đến tu học. Lát nữa đây tôi lại sẽ lẩn trong đám người kéo vào chánh điện nghe chàng rao giảng.

*

Trên đỉnh đồi cao chàng đứng. Vầng hào quang sáng ngợi trên đầu. Tấm áo choàng thô màu trắng uy nghi. Chàng ngó xuống biển người lô nhô bên dưới. Tôi trong ấy, chết lạc giữa họ. Mọi người nối nhau bước đi trong một mê cung chằng chịt lối ngõ. Tôi bỗng chóng mặt, đứng khựng lại. Một thiếu phụ có gương mặt xanh mét và lo âu, hai tay dắt hai đứa bé hối hả băng qua. Các người đang đi đâu? Tôi giơ tay chặn lại. Người phụ nữ ngơ ngác nhìn rồi hất tay tôi ra, kéo hai đứa nhỏ đi tiếp. Tôi chặn thêm vài người nữa. Các người đang đi đâu, tôi cứ gào lên. Không ai trả lời. Tất cả như điếc. Họ gạt tay tôi, lướt qua. Mụ điên, một gã đàn ông cao to lầm bầm xong giương cùi chỏ thúc tôi ngã lăn. Dòng người không ngừng di động. Tôi ráng ngoi dậy nhưng những bước chân cứ giẫm lên tôi. Toàn thân đầy thương tích, tôi thoi thóp. Hãy thoát ra. Tiếng chàng như sấm rền từ xa. Chỉ có chàng mới biết lối dẫn tới cánh cổng bên ngoài mê lộ. Trong phút giây hấp hối, tôi trông thấy chàng nháy mắt ra hiệu.

Gặp chàng giống như được trở về nhà. Tôi cảm giác thảnh thơi, an nghỉ sau chuyến hành trình khó nhọc. Những vết thương hư nát sai lạc trong tôi dường như đã được rửa sạch và băng bó khi tôi dầm mình trong dòng sông mát rượi của chàng. Tôi chắp tay tạ ơn. Chàng bảo tôi đừng ngại, cứ tận hưởng dòng nước thật lâu như tôi muốn. Nhưng tôi biết cuối cùng thì tôi cũng phải lội ra. Nó không thể là chốn thường trú vĩnh hằng. Năng lượng từ sự hiện diện của chàng tỏa ra đặt tôi vào ngay giữa vũ trụ đã khai sáng. Tôi hỏi chàng về cái chân lý của cuộc đời người ta nói chàng đang nắm giữ. Chàng bảo không thể trao cho tôi. Tôi phải tự tìm. Nhưng chàng cho tôi nếm thử hương vị ngọt và thanh bình của nó. Thực tế hơn so với những triết lý to lớn khác, tôi gật gù. Những tiếng nói trong đầu tôi chậm dần lại, ý nghĩ bị xóa mờ đi, và tôi thấy mình bị bỏ lại với một không gian bên trong trống trơn.

Nhiều kẻ quỳ sụp khi chàng đi qua. Họ bảo theo chàng để biết bí mật của cuộc đời. Chàng tới đâu người ta cũng vây đến. Tận mắt thấy chàng, nghe giọng chàng, ngửi chàng, chạm được vào người chàng là một ân sủng. Thoạt tiên tôi cau mày nhìn những con người nghiêm trang xếp hàng chờ đến lượt được phủ phục chạm trán lên chân chàng. Không. Tôi thề lần này sẽ không cuồng nữa. Tôi đâu đã quên những kết cuộc ê chề từ các sứ mệnh tín đồ trước đây.

Nhưng số phận run rủi. (Thật là thuận tiện và dễ dàng biết bao khi đổ thừa mọi thứ cho số phận, chàng hay nói).

Tôi đã được chọn. Một quyết định được thực thi một cách tự nhiên. Sau này tôi hay tự hỏi nếu bấy giờ tôi có thể chối từ. Có phải bấy giờ tôi cũng như bao kẻ đã bị thôi miên bởi đôi mắt to sâu huyền bí rất ít khi chớp, và bởi ma lực trong giọng nói của chàng: Năng lượng của một người đã thức tỉnh và tìm thấy chân lý. Mọi ngờ vực ban đầu nhanh chóng tiêu tan, tôi ngoan ngoãn nhập vào nhóm môn đệ được chàng cẩn thận tuyển lựa. Những Người Tỉnh Thức Khi Thế Giới Đang Say Ngủ. Danh hiệu của nhóm chúng tôi. Chàng trao riêng tôi bức tranh chàng tự tay vẽ. Bóng dáng tôi, giống như chàng, đứng uy nghi trên đỉnh đồi cao nhìn xuống biển người ngược xuôi khốn khổ bên dưới. Tôi thổn thức, qui hàng.

Chàng ngồi trước một đám đông. Cặp mắt hiếm khi chớp của chàng đăm đắm vào khoảng không, hàng giờ. Ai nấy cũng ngồi nín thinh theo. Người ta nhẫn nại chờ khoảnh khắc chàng mở miệng để thu băng, ghi chép. Mỗi lời chàng nói ra tựa như sấm truyền. Hãy phá ngục! Cắt tan những xiềng xích nhà tù bấy lâu buộc trói mình. Trở về với chính mình. Là chính mình khi ăn, khi ngủ, khi làm tình, ngay cả khi hắt hơi hay lên cơn giận dữ. Người ta lăn ra khóc, cười, kinh ngạc, thấm thía. Không phải là câu chuyện cái bản thảo năm ngàn năm lịch sử tìm được trên những mảnh lá cọ như các vị sứ giả trước đây công bố.

Tôi đặt ảnh, băng đĩa và sách của chàng lên bàn thờ. Ngày ngày tôi vào mạng gõ tên chàng. Chàng có triệu triệu người theo dõi. Luôn là những tán tụng, tôn sùng làm tôi hả hê. Rồi ngày nọ có kẻ gọi chàng là tiên tri giả với những chiêu trò tinh vi lợi dụng tín đồ. Người ta săm soi chuyện chàng với những chiếc xe đắt tiền, những cuộc du lịch xa hoa bí mật, và đám phụ nữ mê muội cả tin. Màn hình trước mắt tôi nhòa đi. Thật tội cho bọn người còn lẩn quẩn trong vòng ngu muội. Nhưng chẳng phải cả thế giới này đang chìm trong cơn ngủ sao, như chàng vẫn nói.

*

Chàng nhập viện. Facebook loan tin.

Thực ra nếu chàng không liệt giường bỏ ăn cả tuần trước đó, thì đừng hòng ai ép chàng đi nhà thương được. Huyết áp chàng tụt tới mức nguy hiểm. Nó quên mất cái chỉ số ổn định trong suốt bao thập kỷ chàng lừng lững trong các giờ tập luyện tư thế bò cạp quặp đuôi hay trồng chuối một tay. Ngực chàng yếu ớt phát ra những âm thanh khò khè, chẳng còn ưỡn ra kiêu hãnh như khi chỉ bảo môn sinh cách điều khiển hơi thở mình. Đôi bàn chân từng được hàng vạn con người kính cẩn chạm và hôn giờ sưng phù với máu đen và hạch bạch huyết. Bác sĩ quyết định gắn máy trợ thở, máy lọc máu, rồi ống thông dạ dày. Chàng nằm im, không còn sức kháng cự.

Trong chánh điện chiều hôm ấy, lần đầu tiên tôi nhìn thấy vợ và các con chàng. Con ác là mình xanh đầu đen mỏ đỏ cũng xuất hiện. Tôi đứng thu người trong một góc nhìn đám đông kéo tới viếng thi thể chàng. Phần đông họ là phụ nữ đủ mọi lứa tuổi. Có người tôi quen, và rất nhiều gương mặt lạ. Bao nhiêu trong số họ, cũng như tôi, đã từng kiêu kỳ ngỡ mình là môn đồ duy nhất được chọn để chàng đánh thức Shakti trong căn phòng ấy? Tôi bất giác tự hỏi. Và có ai trong số họ đã bừng tỉnh và biến như ma đuổi, như tôi, sau cuộc hoan lạc chàng gọi là thiêng liêng ấy? Tôi cứ ngỡ mình đã đi đến cuối hành trình đi tìm sự khai sáng, mắt đã tỏ, đã thoát khỏi sự tối tăm, đã thức tỉnh khi thế giới còn đang say ngủ. Giờ đây sao tôi bỗng lại thấy mình thoi thóp chết lạc trong đám người ồ ạt chung quanh. Các người đang đi đâu? Môi tôi đột nhiên mấp máy không thành tiếng.

Con chim vẫn còn đang đậu trên đôi vai bất động của chàng. Mắt nó vô cảm chẳng thực sự nhìn vào ai. Hôm nay có phải ngày đó… Tôi đợi. Nhưng nó đã không cất tiếng như mọi lần.

Mexico City, 21/07/2019
McAmmond Nguyen Thi Tu   
(SHSDB34/09-2019)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBước ra khỏi lớp học ngoại ngữ anh bỗng thấy đầu óc quay cuồng như muốn ngã. Dắt được chiếc xe đạp địa hình ra khỏi trung tâm, anh cố gắng đạp một cách khó nhọc trên đường phố.

  • NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNNgười ta thường nói xem mặt đặt tên, nhưng điều này lại không đúng với thượng tá Kha. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ ông là người khô khan, thật ra ông lại là người rất đa cảm.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNGChấp me?Che muống! / Chấp me? Cuống sắc! / Chấp me? Sắc cạnh? / Chấp me? Hạnh bầu! / Chấp me? Hầu nhảy/Ăn cơm ai? Ăn cơm cha!Uống nước ai? Uống nước mạ!Hú ...Con mau về kẻo quạ tha đi!

  • HUỲNH THẠCH THẢO- Lành, về bảo bố mày ăn nhậu vừa vừa thôi, đừng như mấy ông mới ngấp nghé vào cấp xã đã phởn, bia ôm gái giếc có ngày...Tôi vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ sang sảng với con Lành, đứa con cậu út ở quê. Chưa hết, bà còn thêm hồi nữa nhưng nhỏ hơn, có lẽ nghe tiếng cửa mở bên ngoài.

  • NGUYỄN TRƯỜNGChiều xuống. Lúc mặt trời sắp lặn sau dãy núi phía tây cũng là lúc người ta thấy ông già xóm Chùa thường mon men tới thả câu ở cái bến sông này.

  • MÃN ĐƯỜNG HỒNGMùa Xuân lững thững về. Anh cũng lững thững đi ra phố chợ. Hai bàn tay trơ trọi của anh đút sâu vào hai túi quần rỗng trống buồn tênh. Anh mỉm cười thong dong bước đi, hòa vào dòng người nhôn nhao tất tả.

  • HỒNG NHUNói chính xác là chị dâu. Chính xác hơn, chị dâu thứ của vợ tôi. Thông thường những trường hợp như thế này, trong nhà em út chẳng ai gọi đầy đủ là chị dâu cả, mà chỉ là chị thôi. Ấy là chị Kim.

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Chuông điện thoại reo phải lúc tôi đang tiếp ông tổ trưởng dân phố. Biết tôi ở nhà một mình, ông nói gọn mấy câu rồi từ biệt. Ba chân bốn cẳng chạy như nước rút, tôi mới với được tới máy.

  • LÊ ĐỨC QUANGMột buổi sáng sớm mùa xuân, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Anh nắng vàng vừa rải đều khắp nơi. Gió thổi nhẹ, mơn man vào da thịt con người ta, thật mát mẻ dễ chịu làm sao. Dọc đường phố, cuối năm rồi, dòng người trở nên đông đúc và nhộn nhịp, kẻ thì lo mua sắm áo quần mới, người thì lo bánh mứt, kẻ thì mua những chậu hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa của mình sao cho thật đẹp. Mọi người ai cũng hối hả, vui mừng đón năm mới. Riêng lão xích lô, vẫn công việc bình thường như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì xong rồi đạp xích lô đến ngã ba gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, mặt cố gắng hớn hở, tươi cười, đón mời khách.

  • NGUYỄN VĂN NINHTôi được cơ quan tố tụng chỉ định làm luật sư cho một bị can.Tôi xin kể ra đây, hơi dài dòng một chút, không phải bị cáo mà là cha tôi. Trong cuộc đời làm luật sư, cha tôi luôn thích nhất câu: Thưa quí tòa! Thân chủ tôi hoàn toàn vô tội! Cha tôi muốn tôi sau này mỗi khi đứng trước toà đều nói câu như vậy.

  • QUẾ HƯƠNG                                                                                                                                1. Chị đi qua, tẻ nhạt và cũ kỹ như cái áo đề mốt thơm mùi long não lấy từ hòm gỗ ủ hương kỷ niệm. Khu cư dân tôi ở thì mới toanh, chưa tròn mười. Cơ ngơi phó giám đốc xí nghiệp gỗ sực nức mùi rừng.

  • PHAN VĂN LỢILTS: Cuộc làm người, khó thay! Dân tộc nào cũng sáng tạo cho mình một ĐỊA NGỤC để răn dạy con người không nguôi hướng đến cái CHÂN - THIỆN - MỸ.Nhuốm màu sắc của Liêu trai chí dị và Việt điện u linh..., câu chuyện là một phần của cuộc đời đầy ám ảnh. Vừa cuốn hút thương cảm với cái nhìn nghiêm khắc lột trần bản chất đời sống, vừa hoang mang đặt ra câu hỏi về ý nghĩa sống đích thực của con người.

  • (tiếp theo và hết)Chuyến du ngoạn địa ngục đã để lại trong tâm trí ông Thai một ấn tượng hãi hùng. Thật khủng khiếp nếu phải chịu cực hình rồi bị đày xuống đó muôn kiếp. Phải tìm cách tự cứu mình chứ chả lẽ chịu bó tay?

  • HOÀNG NHẬT TUYÊNI. Chuyện được bắt đầu bằng một quả trứng, thoạt nghe cứ tưởng chuyện cổ tích nhưng nghe rồi mới rõ, ấy là chuyện thời nay, và đúng thế, nếu tường thuật theo lối cổ điển, theo tình tự thời gian thì chuyện không thể bắt đầu bằng chỗ nào khác thích hợp hơn là từ một quả trứng- một quả trứng gà.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHọ là đôi bạn thân kể từ thời còn học ở đại học Sorbonne, sau đó, cùng chọn chuyên ngành khảo cổ học. Jabindu, người Népal; Robinson, người Mỹ. Thời trẻ, cả hai đều say mê công việc khô khan và vất vả của mình. Dấu chân của đôi bạn đã dẫm khắp những di tích lịch sử ở hai bờ sông Nile, sông Hằng, Trung Á, Con Đường Tơ Lụa và cả Nam Mỹ...

  • NGUYÊN QUÂNTôi đứng lại giữa vườn. Đêm mênh mông oà vỡ ánh trăng. Trăng trên thềm nhà, trăng trên ngọn lá, trên những tàng cây um tùm. “Điêu tàn, hoang vắng quá”- tôi than thầm. Hình như lâu rồi chẳng ai vun xới chăm sóc và hình như cũng lâu lắm rồi tôi mới về lại trong khu vườn đầy kỷ niệm này.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚQuán rượu của o Tam lúc nào cũng đông khách, phần lớn là khách quen. Quán ở gần bến, thuyền câu về cập bờ chỉ nhảy ba bước đã có thể cụng bát với nhau rồi.

  • NHẤT LÂMKhông biết duyên cớ từ đâu mà cô Ngọc ở Hà Nội chạy lên Thái Nguyên rồi dừng chân dưới chân đèo Nhe mở quán qua ngày.

  • NGUYỄN NGỌC LỢI Từ đường phố chính, lối rẽ chếch trái nghiêng thoai thoải. Đoạn đường tráng nhựa được xẻ xuống giữa hai bờ đất. Phía trên, không cao lắm là những biệt thự, những kiểu dáng kiến trúc lạ mắt. Trước mỗi ngôi nhà là những khoảng sân có bồn hoa, bồn tiểu cảnh và cơ man nào là các dò lan đua nhau khoe sắc.

  • TRẦN HẠ THÁP1/ Trong một lần lên Tây nguyên đã lâu... Câu chuyện dọc đường vẫn làm tôi thao thức mãi. Đấy là lần xe hỏng. Lùi lại Quy Nhơn hoặc tiến tới thị xã Plây Ku đều phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Bấy giờ, chỉ mới tắt mặt trời nhưng không hy vọng tiếp tục cuộc hành trình. Mọi hành khách đành phải qua đêm ở lưng chừng đèo An Khê...