Hồi ức về một con đường, một ngôi nhà

10:30 13/01/2014

NGUYỄN CƯƠNG

Có nhiều yếu tố để Cố đô Huế là một trung tâm văn hóa du lịch, trong đó có những con đường rợp bóng cây xanh làm cho Huế thơ mộng hơn, như đường Lê Lợi chạy dọc bên bờ sông Hương, đường 23/8 đi qua trước Đại Nội, rồi những con đường với những hàng cây phượng vỹ, xà cừ, bằng lăng, me xanh... điểm tô cho Huế.

Quán "Nam Giao Hoài Cổ" hiện nay trên đường Điện Biên Phủ - Ảnh: internet

Nhưng con đường tôi sẽ kể sau đây lại đi vào lòng người với những ấn tượng khác bởi chiều sâu lắng đọng của nó. Đó là đường Phan Bội Châu nằm trên địa bàn 2 phường Vĩnh Ninh và Trường An, Thành phố Huế.

Tên đường Phan Bội Châu đã có từ năm 1977. Trước đó đã có một số tên khác: Trước năm 1955 là đường Van Vollenhoven, trước năm 1965 là đường Phan Bội Châu, trước năm 1976 là đường Nguyễn Hoàng… Trên con đường này có nhà thờ cụ Phan Bội Châu với biệt danh “Ông già Bến Ngự” mà không ai không biết nhà chí sĩ yêu nước này. Vừa qua bộ phim “Người cộng sự” giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cụ Phan Bội Châu.

Từ những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước khi tôi bắt đầu gắn bó với con đường này hàng ngày thì chỉ là đường rải đá cấp phối, đoạn phía trên chùa Từ Đàm là con đường đất chật hẹp, dân cư thưa thớt sớm chiều đều lắng nghe tiếng chuông chùa vang vọng và những người tu hành qua lại.

Tại sao con đường này lại đi vào ký ức của tôi với bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu? Chuyện kể như sau:

Ba tôi tham gia cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc bùng nổ 19/12/1946. Mẹ tôi, tôi và cô em gái phải sống dựa vào bên ngoại. Ông bà ngoại tôi có thuê một căn nhà trên đường Phan Bội Châu (phía trên dốc Bến Ngự) để ở trong nhiều năm. Bấy giờ trên con đường này phần lớn là nhà rường cổ và nhà vườn rộng rãi thoáng mát, rất ít nhà lầu. Qua quá trình đô thị hóa, hiện nay suốt dọc cả con đường qua nhiều ngã ba, ngã tư đã thay đổi rất nhiều bởi những nhà cao tầng và dịch vụ buôn bán phát triển khá nhanh. Nhưng ngôi nhà tôi ở năm xưa hầu như không thay đổi kiểu dáng, vẫn chỉ là một tầng, lợp ngói với vườn rộng và nhiều bóng cây to, trong đó có cây hoa ngọc lan tỏa bóng mát và thơm ngát hương ngào ngạt. Nhà này có nhiều chủ thuê trong đó có gia đình cô Quý Hương sau này là vợ của GS. Lê Tự Hỷ có con trai là Lê Tự Quốc Thắng, cả nhà đều giỏi toán.

Từ dưới dốc Bến Ngự đi lên bên phía tay phải có nhà thầy Tường là Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Giao, tiếp đó là nhà thầy Cầm trực tiếp dạy tôi. Năm 1975, sau giải phóng Huế tôi có gặp được thầy Tường. Thầy Cầm mất trước giải phóng, thầy Tường qua đời sau đó vài năm. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh của hai thầy khi đến trường mặc áo dài đen, quần trắng để dạy và chân đi dép hoặc giày da, trong cặp có cái thước gỗ để dạy và làm roi phạt học trò khi không thuộc bài, hoặc nghịch ngợm.

Nhà tôi ở gần hai chùa nổi tiếng ở Huế và khắp miền. Đó là chùa Từ Đàm và chùa Linh Quang. Ngoài ra còn có các chùa khác: Hải Đức, Phổ Quang, Từ Vân, Hiếu Quang... Tôi vẫn nhớ hàng năm vào dịp lễ Vu Lan và nhất là lễ Phật Đản (trước đây tổ chức vào ngày 8/4 ÂL) bà con Phật tử thập phương đi lễ chùa rất đông, chỉ có phương tiện đi bộ là chính trên con đường Phan Bội Châu. Đối diện bên hông chùa Từ Đàm là nhà thờ cụ Phan Bội Châu với nét trầm mặc, kín đáo. Trong nhà thờ có người nhà tá túc để hương khói. Tiếp đó có một ngã ba, đường rẽ đi ngang qua trước cổng chùa Từ Đàm (bây giờ có tên là đường Sư Liễu Quán). Đầu ngã ba có một cây thị khá xum xuê là bến xe buýt đưa khách đi chợ Đông Ba, tại đó có một cái quán tranh tre giải khát nhỏ gọi là quán “Mụ Thị”, bây giờ vẫn còn nhưng đã đổi qua nhiều chủ, do mụ Thị qua đời đã lâu. Từ góc quán nhìn sang bên kia thấy một tòa nhà 2 tầng, đó là trụ sở UBND phường Trường An được cải tạo nâng cấp bề thế (trước đây là một nhánh của Trường Tiểu học Nam Giao).

Từ quán “Mụ Thị” đi lên một đoạn nữa là trường Tiểu học Nam Giao (nay là trường THCS Trường An), bây giờ đã xây dựng lại to đẹp, khang trang trên nền đất cũ. Đây là mái trường tôi đã học cấp tiểu học vào những năm 50 của thế kỷ XX trước khi theo gia đình ra miền Bắc khi hòa bình lập lại và tiếp tục học cấp II, III. Hồi làm việc ở UBND Thành phố Huế phụ trách công tác văn hóa - xã hội, thỉnh thoảng tôi có lên trường cũ, thăm lại trường xưa bao ký ức, kỷ niệm lại ùa về trong tôi. Mới đó mà đã 60 năm rồi! Chính ngôi trường này, hàng ngày tôi thường xuyên đi trên đường Phan Bội Châu đến lớp học đã ghi đậm dấu ấn hằn sâu trong trí nhớ tôi. Sau giải phóng có một sự trùng hợp tình cờ, trên con đường Phan Bội Châu nhỏ hẹp này đã có nhiều chính khách, văn nghệ sĩ, trí thức sinh sống tại đây. Có chuyện không thể không nhắc đến, đó là gia đình ông bà bác sĩ Lê Đình Thám cũng đã sống ở đây (phía dưới dốc Bến Ngự nhiều năm) trước khi tham gia cách mạng, bác sĩ Lê Đình Thám là một Phật tử đã có nhiều đóng góp cho lịch sử phong trào Phật giáo nước ta. Ông nguyên là Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Thế giới của Việt Nam và đã từng giữ nhiều trọng trách khác trước đó.

Một số trụ sở cơ quan, hội đoàn cũng ở trên con đường này. Đặc biệt có nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị một điêu khắc gia nổi tiếng trước khi đi qua chợ Bến Ngự...

*

Ngôi nhà thờ bên ngoại của tôi hiện ở tại số nhà 215 đường Phan Bội Châu. Đây là một câu chuyện kể lại về gia đình và ngôi nhà rường cổ ở Huế để các thế hệ con cháu sau chúng tôi biết được về nguồn cội. Số là ngôi nhà thờ này trước đây tọa lạc ở số 129 đường Lam Sơn (trước giải phóng Huế năm 1975), rồi cũng vẫn số nhà 129 (sau giải phóng) và đến nay là số 321 đường Điện Biên Phủ, đối diện với chùa Lam Sơn, cách đàn Nam Giao chừng vài trăm mét.

Trước đây ngôi nhà rường này nằm trong khu đất vườn ở làng Nam Phổ (nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), nằm bên dòng sông thơ mộng đối diện với chùa Bà La Mật, gần bến đò chợ Dinh xưa và nhà của gia đình nhà thơ Thanh Tịnh.

Ngôi nhà vườn này là của Thượng thư Hồ Đắc Trung cho người con gái là Hồ Thị Phương làm của hồi môn khi về làm dâu Thượng thư Lê Trinh vào khoảng giữa thập kỷ 20 của thế kỷ trước cho đến những năm cuối thập kỷ 30, ông bà Lê Ngô (con cụ Lê Trinh) - Hồ Thị Phương tậu được một lô đất ở vùng Nam Giao như đã nói ở trên, tháo dỡ ngôi nhà ở Nam Phổ tạo dựng lại ở lô đất mới có diện tích gần 2.000m2.

Chủ nhân ở ngôi nhà này chưa được bao lâu thì có lệnh quân Pháp lấy đóng đồn và chỉ được trao trả lại khi quân đội Mỹ thay thế Pháp vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Cũng may là ngôi nhà còn gần như nguyên vẹn, chỉ sửa chữa đôi chút. Đây là nguyên nhân buộc ông bà ngoại tôi phải thuê nhà ở đường Phan Bội Châu.

Sau khi các con trong gia đình đi tham gia kháng chiến, bà mẹ chủ nhân ngôi nhà ăn trường trai, tu tại gia. Trong nhà luôn phải đề phòng có thể có sự trả thù nào đấy hoặc gây khó khăn, phiền phức trong cuộc sống. Ngày tháng cứ trôi đi trong lặng lẽ và chờ đợi, ngày ngày chỉ có tiếng tụng kinh vang lên và các Phật tử, sư thầy, sư cô ở các chùa lui tới. Có hai nữ tu danh tiếng đất cố đô là Sư Bà Diệu Không và Sư Bà Diệu Huệ (mẹ của nhà bác học Bửu Hội) là họ hàng ruột thịt của gia đình cũng thường có mặt.

Thế rồi ngày giải phóng Huế 26/3/1975 và giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975 đã đến! Niềm vui hân hoan và hạnh phúc ngày đoàn tụ ngập tràn. Người cháu ngoại của gia đình ở Trường Sơn về tiếp quản Huế là thành viên đầu tiên trong gia đình được đoàn tụ sau 20 năm xa cách. Tiếp theo sau đó là các con cháu ở miền Bắc lần lượt trở về sum họp. Ngôi nhà lại rộn rã tiếng cười vui với những kỉ niệm xưa thật êm đềm.

Theo quy luật tạo hóa, những người cao niên trong gia đình lần lượt ra đi. Ngôi nhà vắng dần bóng người thân. Vào khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi bàn bạc kỹ, gia đình đã đi đến nhất trí phải bán ngôi nhà này để trang trải cho cuộc sống khi đó đang gặp nhiều gian khổ và các thế hệ con cháu cũng không thể cùng chung sống đông đúc.

Ngôi nhà sẽ đổi chủ, đó là một quyết định đầy khó khăn. Nhưng rất may mắn, một người cháu trong gia đình đang sinh sống tại CHLB Đức sau nhiều cân nhắc đã đứng ra mua lại ngôi nhà này. Đó là cô Phạm Như Anh - người yêu thuở học trò của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong tác phẩm Mãi mãi tuổi 20 nổi tiếng và đã làm rung động thế hệ trẻ - Mọi người trong gia đình đều mừng vì ngôi nhà xưa vẫn là do cháu mình quản lý, trông coi chăm sóc như không có gì thay đổi.

Nhưng chỉ được vài năm, cô Như Anh cũng không thể giữ mãi được ngôi nhà vườn này và quyết định đổi chủ lần nữa. Lại một lần may mắn nữa đến, người cháu chủ nhân chỉ chuyển quyền sử dụng đất vườn cho người khác, còn giữ lại ngôi nhà rường. Một thời gian không lâu sau đó, khoảng cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ngôi nhà được chuyển sang CHLB Đức đặt tại Thành phố Hanover để giữ gìn một kỷ vật của gia đình dòng họ cho đến nay và đã được sửa sang nâng cấp bề thế giới thiệu với bạn bè một ngôi nhà rường của Huế giữa lòng Châu Âu bên cạnh các ngôi nhà cũ của Lào, Campuchia, Thái Lan…

Trở lại khu đất vườn cũ sau khi đã tháo dỡ ngôi nhà thì chủ nhân mới đã xây dựng lại nhà rường vừa cổ kính vừa hiện đại với không gian cây cảnh hữu tình và lấy tên là “Nam Giao hoài cổ” đón khách thập phương tham quan du lịch, thưởng ngoạn.

Khi ngôi nhà rường cổ đã chuyển sang CHLB Đức, đất đã đổi chủ, con cháu lại mua một lô đất chừng 200m2 phía đường Phan Bội Châu để làm nhà thờ như đã nói ở trên. Hàng năm vào dịp Lễ Tết chạp kỵ, bà con nội ngoại đều có dịp gặp nhau ở ngôi nhà thờ này. Ngôi nhà thờ đối diện với khu đất xưa, hiện nay là “Nam Giao Hoài cổ” như đã nói ở trên. Những hoài niệm xưa lại sống dậy trong tình cảm sâu lắng của mỗi người.

N.C
(SDB11/12-13)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Ngày 18 tháng 9 năm 2015, được sự nhất trí của lãnh đạo tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập. Đây là một hoạt động có ý nghĩa lịch sử và cũng vô cùng giàu chất nhân văn, nhằm ôn lại những trang sử vẻ vang của một vùng đất giàu văn hóa - về một trung tâm văn hóa - văn học nghệ thuật tiêu biểu của nước nhà.

  • TRẦN BẢO ĐỊNH

    Thương nhớ chú Tư Sâm.
    Phải nói ngay rằng, hồi trai trẻ, tôi không thích giới văn chương, chỉ thích giới văn nghệ. Chẳng hiểu vì sao?

  • BÙI KIM CHI

    Thời thiếu nữ của tôi gắn liền với Thành nội. Nơi này tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi yêu Thành nội. Thành nội đã đi vào cuộc đời tôi với nhiều sắc màu.

  • THANH TÙNG

    Kinh đô Huế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, bầu trời u ám của xã hội phong kiến Việt Nam lúc mãn chiều xế bóng đã phát ra tín hiệu của một vì sao NGUYỄN TẤT THÀNH.

  • LÊ HUY MẬU

    Anh Điềm, bấy giờ còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW, nhưng đã sắp nghỉ. Anh ra thăm Côn Đảo. Trong đoàn tháp tùng anh ra Côn Đảo của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu có tôi.

  • PHẠM HỮU THU

    1.
    Cuối năm 1989, tôi cùng Trần Phá Nhạc ghé 47 C Duy Tân, Quận 3 - TP. HCM thăm anh Trịnh Công Sơn.

  • LGT: Hiện không nhiều tài liệu miêu tả miêu tả về đời sống, sinh hoạt văn hóa, xã hội của Huế vào thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước. Bản dịch dưới đây là trích đoạn từ cuốn nhật kí Adieu Saigon, Au revoir Hanoi (Chào Hà Nội, tạm biệt Sài Gòn - Nhật ký kì nghỉ năm 1943) của Claudie Beaucarnot.

  • DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ
                           Hồi Ký

    Ba mươi tháng tư. Tôi đang dùng bữa tối cùng gia đình thì chợt nghe tivi thông báo ông Thanh Nghị chết.

  • PHƯỚC VĨNH

    Hình ảnh Hồ Chủ tịch là nguồn cảm hứng sáng tạo đối với nhiều nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.

  • BỬU Ý

    Đinh Cường đã vĩnh biệt tất cả chúng ta! Một nghệ sĩ trong cái ý nghĩa toàn diện, cao đẹp nhất, một nghệ sĩ làm lan tỏa nghệ thuật ra chung quanh mình cho gia đình, cho bạn bè, cho cả đời sống, khiến anh trở thành tâm điểm cho những cuộc gặp mặt, những buổi hội hè.

  • PHAN NGỌC MINH

    1. Năm 2004, tôi triển lãm tranh tại Foyer du Vietnam - Paris, do ông Võ Văn Thận, là nhà thơ kiêm phụ trách quán bảo trợ. Tại đây tôi đã gặp gỡ được nhiều bạn bè Việt Pháp, trong không khí thân thiện ấm áp… 

  • PHAN NGỌC MINH

    1. Năm 2004, tôi triển lãm tranh tại Foyer du Vietnam - Paris, do ông Võ Văn Thận, là nhà thơ kiêm phụ trách quán bảo trợ. Tại đây tôi đã gặp gỡ được nhiều bạn bè Việt Pháp, trong không khí thân thiện ấm áp…

  • VÕ SƠN TRUNG

    Trong gần một thế kỷ qua, bạn đọc Việt Nam đã tiếp cận khá nhiều tác phẩm của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, trong đó có hàng chục tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói, tiểu luận, và thậm chí cả hồi ký của thi hào…

  • Lần đầu nói chuyện trực tiếp với họa sĩ Đinh Cường tại xe cà phê Tôn trước nhà thờ Tôn Nhân Phủ ở Thành Nội, tôi: “Thưa thầy!” Anh khoát tay: “Úi dà, bày đặt. Chỗ bạn bè anh em với nhau cả, thầy bà chi nghe đỗ mệt!”

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

    Thật vui mừng và xúc động khi cầm trên tay tập sách Rừng hát của cố nhạc sĩ Trương Minh Phương do gia đình tặng. Tuyển tập dày 1.328 trang, chia làm 4 phần, tập hợp những sáng tác, nghiên cứu văn học nghệ thuật trong cuộc đời của nhạc sĩ.

  • VÕ TRIỀU SƠN

    Ngay sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ra mắt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công cuộc kiến thiết đất nước được bắt đầu, trong đó có văn hóa.

  • VÕ TRIỀU SƠN

    Ngay sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ra mắt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công cuộc kiến thiết đất nước được bắt đầu, trong đó có văn hóa. Những ngày tháng đầu tiên của các hoạt động văn hóa nghệ thuật dưới chính thể Việt Nam mới diễn ra thật sôi nổi. Sau đây là lược thuật một số hoạt động trong mùa đông 1945, cách đây tròn 70 năm.

  • LỮ QUỲNH

    "Vì tôi là người Huế và đã một thời tuổi trẻ nặng nợ với sông Hương suốt những mùa hè nóng bức ngủ đò nên tôi nhìn sông Hương luôn luôn với đôi mắt của người bạn.

  • Sáng ngày 27-11-2015 tôi  đến nghĩa trang Père Lachaise để tiễn anh đến nơi yên nghỉ cuối cùng, sau khi hỏa táng, anh sẽ nằm trong ngôi mộ gia đình, đây cũng là nơi nhạc sĩ Chopin yên giấc ngàn thu nhưng trái tim thì trở về quê hương Ba Lan. Nguyễn Thiên Đạo cũng thế anh nằm ở Paris nhưng trái tim và tâm hồn anh từ lúc sống đến lúc chết luôn luôn hướng về Việt Nam.

  • HOÀI MỤC

    Vừa giải phóng xong ba tôi đưa cả gia đình từ thành phố về quê. Cuộc sống vất vả nhưng quá nhiều cái mới lạ nên đầu óc con nít của tôi khi mô cũng thấy háo hức.