PHẠM HỮU THU
Ghi chép
Ngót nửa thế kỷ trôi qua, từ những chàng trai, cô gái giờ họ đã là những ông, những bà.
Lãnh đạo Thành ủy Huế, Thị ủy Hương Thủy, Huyện ủy Phú Lộc và Huyện ủy Phú Vang chủ trì Hội thảo
Dù tuổi cao sức yếu nhưng vì nặng nghĩa nặng tình với mảnh đất mà mình đã từng “vào sinh ra tử”, theo lời mời họ đã về Nhà văn hóa Lộc Bổn tham dự hội thảo “Địa điểm lịch sử cách mạng Hóc Mụ Bồi, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế” do Huyện ủy Phú Lộc phối hợp với Thành ủy Huế, Thị ủy Hương Thủy và Huyện ủy Phú Vang tổ chức hôm 24/3/2023.
Nhờ có cuộc hội thảo này mà những cán bộ nằm vùng và cơ sở hoạt động bí mật của xã Hưng Lộc năm xưa như Phan Viết Xã, Nguyễn Thanh Thiệt, Võ Đại Trưu, Phạm Hữu Chiến, Trần Nhẫn, Võ Đại Kham, Võ Chí Thân… đã có dịp gặp lại các ông Võ Nguyên Quảng, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Đình Kiên, Phạm Thành Long, Đỗ Xuân Bé, Lê Hữu Tòng, Nguyễn Việt Hùng, Hà Ngọc Chuyên và các bà Dương Thị Gái, Phan Thị Hiên… Họ là những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành ủy Huế và Huyện ủy Hương Thủy từng chiến đấu và công tác trên vùng đất Hưng Lộc trước đây nay là xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc.
Nhờ nguồn tư liệu sống của họ mà thế hệ hôm nay nhận được chân giá trị lịch sử mà thế hệ cha ông tạo dựng bằng máu nhằm giữ vững tuyến hành lang trọng yếu của Mặt trận Huế trong suốt những năm chiến tranh gian khổ và ác liệt nhất.
Tuyến hành lang ấy mang tên Hưng - Hải!
Hưng - Hải là tên ghép của 2 xã Hưng Lộc và Hải Thủy. Trong chiến tranh xã Hưng Lộc do huyện Hương Thủy quản lý.
Có chi tiết lịch sử cần lưu ý, từ cuối năm 1967 cho đến tháng 6/1971 cùng với Hương Trà và Phú Vang, Hương Thủy là một trong ba huyện vùng ven trực thuộc Huế, tức Đoàn 5.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968 làm chủ thành phố Huế 26 ngày đêm, các cơ quan, đơn vị của Đoàn 5 và của Quân khu Trị Thiên - Huế tăng cường đều rút về chiến khu bảo toàn lực lượng.
Trong khi đó, bằng sức mạnh hỏa lực của mình, đối phương liên tục mở các cuộc phản kích. Ở miền núi đánh phá kho tàng, đổ quân chiếm các mỏm núi, tung thám báo, biệt kích lùng sục. Còn ở vùng giáp ranh và đồng bằng chúng thiết lập các “vành đai trắng”, tiến hành “bình định cấp tốc” nhằm chia cắt và bóp nghẹt, đẩy phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế lâm vào thời kỳ đen tối nhất.
Trước diễn biến của tình hình, giữa năm 1968, từ khe Trái - Hương Trà, Thành ủy Huế quyết định chuyển hậu cứ vào vùng khe Đầy - Hương Thủy, do vậy mà lực lượng trực thuộc, kể cả các đơn vị độc lập của Quân khu Trị Thiên - Huế tăng cường cho Mặt trận Huế phần lớn đều trú đóng ở đây.
Ông Hồ Xuân Mãn, nguyên chiến sĩ của Tiểu đoàn An ninh vũ trang Huế, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết:
- Do bị địch ngăn chặn, bao vây nên mỗi cơ quan, đơn vị bám trụ chiến trường lúc này là tìm cách chống đói. Cán bộ, chiến sĩ muốn đánh địch, muốn hoạt động gây dựng phong trào, trước hết cái bụng cần phải no. Do hậu cứ cạn kiệt nguồn lương thực, thực phẩm (kể cả rau rừng) nên Thành ủy Huế chủ trương các cơ quan quân, dân, chính đảng đều phải tổ chức đội quân tìm về đồng bằng thu mua, cùi cõng và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu.
Đây cũng là thời điểm khiến cho nguyên Huyện đội trưởng Hương Thủy Lê Hữu Tòng luôn ám ảnh. Ông kể, sau Xuân 1968 tôi là cán bộ của Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn Đặc công 1 - Chị Thừa 1 Thành đội Huế. Trên đường hành quân từ dốc Thanh Niên (cao điểm 815) về dốc Công Sự - khe Vàng ở Dương Hòa cả đơn vị nghẹn ngào khi tận mắt chứng kiến cảnh thê lương, anh em mình có người nằm chết trên võng như ngủ, có người ngồi dựa gốc cây chết tay vẫn còn ôm súng miệng còn ngậm lá cây, có người nằm chết trong tư thế bò ở lưng chừng dốc.
Trong khi đó, theo lời của nguyên Trưởng ban Đường dây kiêm Đội trưởng Kinh tế Hương Thủy Phan Thanh Long, từ cuối năm 1968, do tuyến Mỹ Thủy (nay là phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) bị đối phương phong tỏa nên Hưng - Hải trở thành tuyến hành lang huyết mạch để các lực lượng ở hậu cứ tìm về đồng bằng Hưng - Hải thu mua lương thực, nhu yếu phẩm cung cấp cho cách mạng.
Thời điểm này hai xã Hưng Lộc và Hải Thủy bị kẹp bởi hai căn cứ quân sự lớn: phía bắc là Phú Bài và phía nam là La Sơn nên từ hậu cứ về đồng bằng mỗi cán bộ, chiến sĩ phải đối diện vô vàn hiểm nguy. Để ngăn “Cộng quân không có nơi ẩn nấp”, quân đội Mỹ đã tiến hành khai quang khi cho máy bay rải chất độc hóa học biến các vùng rú Trạng Cày, Phước Cừ, La Ngà… thành những đồi trọc. Cả vùng bán sơn địa rộng lớn nối dài từ cửa rừng cho đến tận ấp chiến lược của hai xã Hưng Lộc - Hải Thủy trở nên trống trải và hoang vắng đến thê lương. Với địa hình như thế, máy bay L.19 hay OV.10 dễ dàng trinh sát. Khi phát hiện dấu vết khả nghi, chúng xác định tọa độ hoặc ném lựu đạn màu để máy bay lao đến ném bom hoặc bắn pháo; lúc thời tiết không thuận, chúng tung thám báo lùng sục. Phát hiện dấu vết khả nghi chúng bí mật gài mìn hoặc tổ chức phục kích. Cái bẫy chết chóc luôn chực chờ.
Trong khi đó ở đồng bằng, song song với đàn áp, khủng bố, chúng tiến hành “bôi lem” gây nghi ngờ nội bộ và sẵn sàng tống ra “Côn Đảo những ai có liên hệ với Việt Cộng”! Để cắt đứt nguồn “tiếp tế cho Việt Cộng”, sau vụ Đông - Xuân 1969, ngụy quyền xã Lộc Bổn đã bắt dân thôn I và thôn II tập trung lúa vào vùng chúng dễ bề kiểm soát.
Hàng trăm người đã kéo nhau đến trụ sở phản đối. Họ chất vấn “ông Tỉnh trưởng lên đài nói là đã vãn hồi trật tự, Cộng quân đã bị đẩy lùi khỏi nông thôn, sao các ông lại bắt chúng tôi phải gánh lúa đi gửi chỗ khác. Mất mát, hư hao các ông có đền cho chúng tôi không? Nếu đền xin ông Xã trưởng viết giấy cam đoan cho tỏ tường!” Đuối lý, chính quyền địa phương buộc chúng phải hủy bỏ chủ trương này.
Thay vào đó, chúng tăng cường cảnh sát chìm, cảnh sát nổi; địa phương quân và nghĩa quân theo dõi, giám sát các quầy bán gạo; các chuyến xe lam, xe đò từ Huế, Phú Bài về và các tuyến đường dẫn vào các xóm. Khi phát hiện có người mua quá lượng gạo cần thiết, nếu không có nhu cầu chính đáng, chúng yêu cầu mang trả lại. Bất tuân sẽ bị đạp đổ hoặc tịch thu.
Thay bằng mua từng thúng, từng bao như trước đây, để đối phó các mẹ, các chị đã tìm mọi cách để qua mắt chúng. Thời đó bao cát (loại dùng để đựng đất, cát che chắn công sự của Mỹ) được sử dụng khá phổ biến. Gạo mua xong, các mẹ, các chị “xé lẻ” bằng cách chia nhỏ và cho vào từng bao cát, mỗi bao không quá 10 kg rồi nhờ người quen hoặc người thân mang về. Thậm chí có lúc không mua được gạo, các mẹ mua thứ khác thay thế.
Đến bây giờ ông Hồ Xuân Mãn vẫn không thể quên hình ảnh người mẹ ở xóm ga Nong. Ông kể:
- Đêm đó Tổ An ninh vũ trang gồm tôi và hai đồng chí: Dương Văn Khuông và Trương Văn Tự theo hẹn vào nhà một cơ sở để nhận hàng. Ăn cơm xong, tưởng có gạo cùi lên hậu cứ như mọi khi, nhưng thật bất ngờ khi biết hôm đó vì địch kiểm soát gắt gao, mẹ không mua được gạo nên đành mua mấy bao “bột xép” (lúa mạch sau khi nấu bia phơi khô làm thức ăn cho gia súc) thay thế! Đến bây giờ tôi vẫn nhớ lời của mẹ “Tau sợ chúng bây đói”!
Cũng vì sợ anh chị em ở trên hậu cứ đói nên có gia đình, sau thu hoạch kiên quyết không xay lúa mình để ăn mà chỉ mua gạo chợ “phòng khi anh em về có cái mà mang đi”.
Như để tri ân, ông Nguyễn Văn Cường, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thừa Thiên Huế kể, khi còn ở An ninh, có lần về thôn I, do cơ sở không mua được gạo nên cả nhà đã trút hết số lúa mới xay (chưa kịp dần sàn) cho anh em chúng tôi mang đi.
Có trải qua thời đoạn đó mới hiểu được tấm lòng mà nhân dân Hưng Lộc dành cho cách mạng qua từng lon gạo, hạt muối, mới cảm phục những tấm gương quả cảm và sự xả thân của mỗi cán bộ, chiến sĩ bám trụ chiến trường đúng vào thời kỳ cách mạng ở Thừa Thiên Huế gặp vô vàn khó khăn, gian khổ và ác liệt nhất!
![]() |
Đoàn đại biểu dự hội thảo về khảo sát địa điểm cách mạng Hóc Mụ Bồi |
*
Nhận rõ vai trò quan trọng của tuyến hành lang Hưng-Hải, cuối năm 1968, Huyện đội Hương Thủy đã cử một Đại đội về bám trụ ở đây.
Từ một chiến sĩ sau gần bảy năm lăn lộn, Nguyễn Trung Kiên đã là Trung úy, Đại đội phó Đại đội hành lang Hương Thủy. Ông Kiên cho biết, sau Xuân 1968 đơn vị của ông được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến hành lang từ cửa rừng xuyên qua địa bàn xã Hưng Lộc để về Phú Vang và các xã vùng sâu của huyện Hương Thủy. Có những thời điểm, đơn vị ông tập trung trinh sát, dẫn đường cho các đội công tác từ hậu cứ về đồng bằng, có đêm đưa cả nghìn bộ đội về xóm ga Nong thu mua, cùi cõng lương thực.
Để thâmnhập đồng bằng, từ vùng khe Đầy, khe Rộng, sau khi vượt sông Hai Nhánh và các con khe Chẹt, Dứa, Bòng…, xế chiều, các đội thu mua từ các hướng tập trung về đồi cây Xoài, lúc đó thường gọi là “ngã ba Cưa”.
Không ít mối tình nảy nở, nhiều đôi trai gái đã thành vợ thành chồng từ ngã ba chờ đợi này.
Hoàng hôn buông xuống, theo chân trinh sát, họ vượt vùng giáp ranh. Đến khe Trạng Cày, đợi đêm xuống, các Đội thu mua tách thành hai. Ai về Hải Thủy rẽ hướng bắc, về Hưng Lộc xuôi hướng nam!
Bà Phan Thị Hiên và Nguyễn Thị Nghi, quê đều ở huyện Phú Vang, thoát ly tham gia cách mạng từ năm 1967. Sau khi rút khỏi Huế, từ giữa năm 1968, các bà được cử về công tác ở Ban Kinh tế Thành ủy Huế. Đội thu mua của các bà đóng ở khe Dứa, quân số chừng 30 người.
- Do không có vũ khí nên trước khi về đồng bằng thường được ghép đi chung với bộ đội, vì là con gái nên chúng tôi thường được các anh “ưu tiên” cho đi sau. Có lẽ do nắm được quy luật hoạt động của các đội thu mua nên khi phục kích, địch thường đợi chúng tôi lên mới nổ súng. Lúc này mọi người đều cùi cõng nặng, chủ quan khinh địch, lại không có bộ đội bảo vệ nên hy sinh nhiều. Vì về Hưng - Hải thu mua lương thực mà hai đội trưởng: Nam Hải, Lê Văn Cử, các anh chị: Chắt, Trưa, Bé lần lượt hy sinh. Riêng tôi và chị Nghi nhiều lần may mắn thoát chết.
Tôi nhớ nhất là năm 1969. Đêm đó, chúng tôi được ghép đi chung với K32, tất cả 32 người. Từ khe Trạng Cày như thường lệ, chúng tôi lặng lẽ tiến về Hưng Lộc. Nhưng khi đến khu vực Đồi Lệ - Hóc Mụ Bồi, cả đoàn bị rơi vào ổ phục kích. Trong khi bộ đội chiến đấu, tốp chúng tôi đi sau chạy ngược về hướng khe Trạng Cày. Vừa đến nơi, chưa kịp thở, bỗng từ đâu pháo dồn dập ập xuống. Cõng cùi gạo trên lưng, lần mò trong pháo tiếp tục nổ, bỗng chị Nghi thấy người nhẹ tênh. Hóa ra, một mảnh pháo bay đến, găm trúng vào cùi gạo. Gạo đi thay người! Sáng hôm sau về đến đơn vị, hai chị em chúng tôi mới biết, trận phục kích đó có tới 30 đồng chí bộ đội hy sinh, chỉ còn 2 chúng tôi sống sót.
Trận khác, diễn ra giữa năm 1971. Hôm đó, Đoàn cán bộ của Thành ủy Huế có gần 15 người, trước khi về Hưng Lộc nhập đoàn với K32. Đêm tối đen như mực. Đang đi, khi đến khu vực Đồi Lệ - Hóc Mụ Bồi thì bất ngờ đụng phải xe tăng. Địch phát hiện, nổ súng. Nhưng do chúng tôi ở dưới tháp súng nên tầm đạn không gây sát thương. Lợi dụng bóng tối, chúng tôi chạy dạt sang phía Hóc Mụ Bồi. Dưới ánh pháo sáng, có lẽ địch phát hiện ra chúng tôi nên gọi pháo truy kích. Trận phục kích ấy, tôi không hề hấn gì nhưng đoàn công tác của Thành ủy Huế có tới 10 người bị thương, trong đó có Thành ủy viên Lê Phương Thảo. Riêng anh em K32, tôi biết hy sinh nhiều nhưng không rõ là bao nhiêu.
Đưa kỷ vật duy nhất mà mình còn giữ được, ông Phan Thanh Long (nguyên Trưởng ban Đường dây kiêm Đội trưởng kinh tế Hương Thủy) xúc động kể:
- Đây là bức ảnh do anh Xuân (không biết họ) chụp cuối năm 1968 ở Khe Xương Voi - Hương Thủy. Anh Xuân là sinh viên Hà Nội, thuộc Tiểu đoàn DKB32 (chúng tôi quen gọi K32) được tăng cường nhằm chuẩn bị lực lượng cho tấn công đợt 2 của Mặt trận Huế. Khi vào chiến trường anh có mang theo máy ảnh, trước khi chụp anh dặn dò như trăng trối với chúng tôi: “Sau chiến tranh đứa nào may mắn còn sống thì nhớ tìm thi hài những đứa đã hy sinh đưa về cho gia đình!”.
Kể về trường hợp anh Xuân hy sinh, ông Long cho biết, đó là chiều ngày 12/2/1969, từ cửa rừng cây Xoài (Ngã ba Cưa), đoàn chúng tôi gồm Đội thu mua của Thành ủy (do anh Ngô Viết Xão đảm nhiệm); Đội thu mua của K32 (do anh Xuân phụ trách) và đội thu mua Hương Thủy (do tôi phụ trách) hướng về đồng bằng thu mua lương thực. Chừng 8 giờ tối, đoàn chúng tôi mới đến khu vực Đồi Lệ - Hóc Mụ Bồi thì bị rơi vào ổ phục kích. Toàn bộ Đội thu mua 21 người của K32 hy sinh, trong đó có anh Xuân!
Thăm lại chiến trường xưa, ông Phạm Thanh Long bồi hồi kể lại chuyện Đội phó Kinh tế Hương Thủy Đặng Văn Bé hy sinh.
- Đó là một đêm của tháng 4/1969, Đội kinh tế Hương Thủy tìm về đồng bằng Hưng - Hải thu mua lương thực. Đến Đồi Lệ, Đội tách làm hai. Nhóm ông Long đi Hải Thủy còn nhóm ông Bé đi Hưng Lộc. Đang đi thì tôi nghe tiếng súng nổ ở hướng Hóc Mụ Bồi. Biết bị phục kích nên quay lại mới biết đồng chí Đặng Văn Bé và 7 đồng chí khác hy sinh.
Trong ký ức của nhiều người, trong suốt 7 năm hình thành tuyến hành lang Hưng-Hải thì năm 1969 được xem là năm ác liệt nhất, bởi tại thời điểm này trên vùng giáp ranh với đồng bằng Hưng Lộc hầu như khu vực nào cũng có binh sĩ Mỹ. Ngày tìm các am, miếu trú quân. Đêm tiến hành phục kích mà trận ở Hóc Mụ Bồi diễn ra giữa năm 1969 đến nay vẫn còn ám ảnh nhiều người.
Hóc Mụ Bồi là tên dân gian đặt để tưởng nhớ công lao khai khẩn mấy thửa ruộng ở xứ Bàu Bàng nay thuộc thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn - Hưng Lộc. Cái hóc này nằm tiếp giáp với Đồi Lệ của thôn 8 xã Thủy Phù - Hải Thủy. Sau năm 1960, do các xóm La Ngà, Phước Cừ, Thuận Hòa bị ép vào sống trong ấp chiến lược của thôn I xã Lộc Bổn, đặc biệt là sau khi Mỹ đến, do nằm trong vùng “mất an ninh”, đạn bom tự do bắn phá nên ruộng ở Bàu Bàng bị bỏ hoang; còn Hóc Mụ Bồi trở thành nơi sớm chiều đi về của các đàn trâu, dần dà biến thành con hẻm.
Nhờ có sườn đồi cao ở phía bắc che chắn nên Hóc Mụ Bồi đã trở thành điểm dừng chân nghỉ ngơi của các Đội thu mua, đặc biệt là lúc cùi cõng hàng hóa từ đồng bằng lên hậu cứ. Quân đội Mỹ phát hiện và tổ chức mai phục.
Đêm đó, các “đội thu mua” từ đồng bằng lên, đợi đội hình lọt hẳn vào trận địa đã được bố trí sẵn, từ nơi ẩn nấp quân Mỹ điểm hỏa. Hàng loạt quả mìn định hướng Claymore từ hai bên sườn đồi chụp xuống. Ngoài 19 người hy sinh tại chỗ, dân làng còn nghe lính Mỹ bắt sống 1 người, người đó bị thương nên máy bay đã chở đi trong đêm.
Ông Trần Nhẫn, cơ sở cách mạng của xã Hưng Lộc kể lại:
- Sáng hôm sau vì tò mò muốn biết trong số anh chị em mình hy sinh có ai ở đơn vị C1 mà tôi đang làm liên lạc không nên tôi tìm lên Hóc Mụ Bồi; đến đây thì đã gặp người trong làng. Họ tìm đến để xem trong số hy sinh đó có ai là thân nhân của mình không? Lúc này có mấy tốp nghĩa quân xuất hiện. Họ bắt chúng tôi gánh thi thể anh chị em vào làng và sau đó dùng xe chở ra quốc lộ.
Ông Phan Thanh Long cho biết, chỉ tính trong 2 năm 1969 - 1971, Đội kinh tế Hương Thủy đã có tới 160 người hy sinh, chủ yếu trên tuyến hành lang Hưng - Hải, vì đây là con đường huyết mạch và duy nhất cung cấp hậu cần cho hậu cứ trong những năm ác liệt của chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.
Ông Hà Ngọc Chuyên, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 1 - Thành đội Huế kể:
- Tối 19/10/1971, đơn vị C3 cử tôi, Tùng, Thắm, Nguyên, Túy phối hợp với K32 về xóm ga Nong thu mua lương thực. Vừa ra khỏi khe Trạng Cày, chúng tôi bất ngờ bị lọt vào ổ phục kích của địch. Hai bên nổ súng. K32 có 2 đồng chí hy sinh. Tôi và Túy bị thương nhẹ.
Lần khác, dù biết địch phục kích ở cửa rừng nhưng theo phân công của chỉ huy, tổ chúng tôi chấp hành về đồng bằng thu mua lương thực. Nhưng vừa tới cửa rừng khe Dứa (đoạn khe Chẹt) chúng tôi bị “dính” mìn Claymore. Hai đồng chí Thắm, Tình hy sinh tại chỗ. Còn tôi và đồng chí Túy sau khi bắn trả đã chạy thoát.
Sau khi dẫn 2 trường hợp cụ thể, người chiến sĩ đặc công năm xưa Hà Ngọc Chuyên khẳng định:
- Để lo cái ăn cho đơn vị, chúng tôi chịu nhiều mất mát, hy sinh. Riêng tôi đến bây giờ vẫn không thể nào quên các liệt sĩ: Hồ Trung Tính (quê Nghệ An), Đỗ Xuân Thắm (quê Thái Bình), Diêm Đăng Đoạn (quê Hà Bắc), Trần Thị Khá (quê Thừa Thiên Huế), Lý Văn Tè (quê Tuyên Quang). Họ là đồng đội của tôi, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc đã hy sinh mạng sống của mình!
*
Trở lại chiến trường xưa, những cựu chiến binh năm nào nay không còn nhận ra diện mạo của vùng đất -tuyến hành lang Hưng - Hải mà mình đã từng gắn bó. Thay cho những lối mòn giữa vùng đồi hoang heo hút là con đường nhựa - Tỉnh lộ 15B nối từ xóm ga Nong lên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan. Hai bên đường điệp trùng cây cối. Màu xanh ấm no đã phủ kín từng ngôi nhà.
Quả thật, nếu không có mấy soi ruộng ở xứ Bàu Bàng nằm ven con lộ mới này thì khó mà hình dung được Hóc Mụ Bồi năm xưa nằm ở đâu, vì trong chiến tranh, đây là vùng đất trống đồi núi trọc, thêm nữa do lên về trong đêm nên hình dạng thế nào không rõ, chỉ nhớ ở đây có con hẻm khá dài và rộng, các đội công tác thường chọn nơi này dừng chân để tránh đạn bom.
![]() |
Ông Võ Nguyên Quảng phát biểu tại Hội thảo |
Ông Võ Nguyên Quảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thừa Thiên Huế, trong chiến tranh ông là Chính trị viên kiêm Huyện đội trưởng Hương Thủy được phân công trực tiếp chỉ đạo các xã phía nam, trong đó có Hưng Lộc cho biết, từ hậu cứ, nhiều đội công tác đã vượt qua hiểm nguy, đêm đến tìm về đồng bằng của hai xã Hưng Lộc và Hải Thủy thu mua lương thực. Địch ngăn chặn điểm này, các đội thu mua lại chuyển sang điểm khác. Để có hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men cung cấp cho hậu cứ, máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã đổ xuống ở vùng giáp ranh, khe Trạng Cày, ở thôn 8, Đồi Lệ, ga Nong, Bàu Bàng, Hóc Mụ Bồi…
Khi biết phía đối diện Hóc Mụ Bồi là Đồi Lệ, nguyên Huyện đội trưởng Hương Thủy Lê Hữu Tòng mắt rưng rưng. Ông khẳng định:
- Chính khu vực này, đêm 20/10/1972, địch phục kích ở đây làm các đồng chí: Vũ Văn Vẽ, Hồ Trung Tính, Nguyễn Văn Ly, Đỗ Xuân Thắm hy sinh. Còn tôi bị thương. Cũng tại chính địa điểm này, đêm 19/8/1973 địch phục kích làm 23 đồng chí của các đội thu mua hy sinh; trong đó có chị Trần Thị Khá, quản lý của đơn vị chúng tôi!
Là người nặng tình với đồng đội, khi biết có cuộc hội thảo này, ông Lê Hữu Tòng đã lục tìm và cung cấp cho Ban Tổ chức danh sách 67 liệt sĩ hy sinh ở tuyến hành lang Hưng - Hải, trong đó có 17 liệt sĩ của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 9 hy sinh ở Hóc Mụ Bồi!
Ông Đỗ Xuân Bé, nguyên Trung đội trưởng Thu mua của Tiểu đoàn K32 cho biết: Năm 1968 ông là lính của Đại độ 12,7 ly Nhật Lệ, sau đó sát nhập vào Tiểu đoàn 32- K32. Hè 1958 khi về ga Nong thu mua gạo, Đại đội Nhật Lệ bị phục kích hy sinh 17 người. Còn khi về K32, do phân tán nên không rõ con số hy sinh là bao nhiêu. Riêng khu vực Đồi Lệ - Hóc Mụ Bồi ít nhất đã có 30 đồng chí hy sinh khi về đồng bằng thu mua lương thực, trong đó có Đại đội trưởng Mạnh và Đại đội phó Vui.
Riêng An ninh, thống kê sơ bộ, ít nhất đã có gần 10 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên tuyến hành lang Hưng - Hải; đó là ông Lê Văn Cử, Lê Hữu Kít, Lê Đức Lanh, Ngô Văn Khoái, Dương Hữu, Nguyễn Thị Hoa, Văn Viết Tấn, Đệ (không rõ họ)…
Ngót nửa thế kỷ đã trôi qua, những cán bộ, chiến sĩ may mắn còn sống sót, trong thâm tâm vẫn luôn nhớ về đồng đội và thương những người thân của họ ngày đợi đêm mong con em mình có ngày trở về dẫu thương tích. Nhưng đã có hàng vạn người mẹ, người vợ, người cha không hưởng được niềm vui đoàn tụ đó. Đó là sự hy sinh và mất mát quá lớn của mỗi gia đình, không gì bù đắp được.
Sau khi nghe Bí thư Huyện ủy Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh trình bày ý định sẽ xây dựng đền tưởng niệm tại Hóc Mụ Bồi, ông Lê Hữu Tòng xúc động cho biết, tôi đã thông tin cho các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ ở miền Bắc. Họ vô cùng xúc động và mong công trình sớm triển khai, tạo điều kiện cho thân nhân, đồng đội khi vào thăm chiến trường xưa có nơi dâng hương, tưởng nhớ về sự hy sinh của lớp lớp cha ông mình.
Hôm thăm lại chiến trường xưa, không rõ từ đâu gió thổi về.
Phía Hóc Mụ Bồi ai đó đã cắm một nén hương.
Gió mang hương thơm bay xa.
Ngoái lại, phía Hóc Mụ Bồi gió vẫn lưu luyến thổi. Những cơn gió mát lành.
P.H.T
(TCSH410/04-2023)
BỬU Ý
Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) từng sống mấy năm ở Huế khi còn rất trẻ: từ 1928 đến 1930. Đó là hai năm học cuối cùng cấp tiểu học ở nội trú tại trường Pellerin (còn gọi là trường Bình Linh, thành lập năm 1904, do các sư huynh dòng La San điều hành), trường ở rất gần nhà ga tàu lửa Huế. Thời gian này, cậu học trò 17, 18 tuổi chăm lo học hành, ở trong trường, sinh hoạt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của các sư huynh.
LÊ QUANG KẾT
Ký
Giai điệu và lời hát đưa tôi về ngày tháng cũ - dấu chân một thuở “phượng hồng”: “Đường về Thành nội chiều sương mây bay/ Em đến quê anh đã bao ngày/ Đường về Thành nội chiều sương nắng mới ơ ơ ơ/ Hoa nở hương nồng bay khắp trời/ Em đi vô Thành nội nghe rộn lòng yêu thương/ Anh qua bao cánh rừng núi đồi về sông Hương/ Về quê mình lòng mừng vui không nói nên lời…” (Nguyễn Phước Quỳnh Đệ).
VŨ THU TRANG
Đến nay, có thể nói trong các thi sĩ tiền chiến, tác giả “Lỡ bước sang ngang” là nhà thơ sải bước chân rong ruổi khắp chân trời góc bể nhất, mang tâm trạng u hoài đa cảm của kẻ lưu lạc.
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
Đầu năm 1942, cuốn “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” của Hoài Thanh - Hoài Chân ra đời đánh dấu một sự kiện đặc biệt của phong trào Thơ mới. Đến nay, cuốn sách xuất bản đúng 70 năm. Cũng trong thời gian này, ngày 4.2-2012, tại Hà Nội, Xuân Tâm nhà thơ cuối cùng trong “Thi nhân Việt Nam” đã từ giã cõi đời ở tuổi 97.
HUYỀN TÔN NỮ HUỆ - TÂM
Đoản văn
Về Huế, tôi và cô bạn ngày xưa sau ba tám năm gặp lại, rủ nhau ăn những món đặc sản Huế. Lần này, y như những bợm nhậu, hai đứa quyết không no nê thì không về!
LƯƠNG AN - NGUYỄN TRỌNG HUẤN - LÊ ĐÌNH THỤY - HUỲNH HỮU TUỆ
BÙI KIM CHI
Nghe tin Đồng Khánh tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập trường, tôi bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt... Con đường Lê Lợi - con đường áo lụa, con đường tình của tuổi học trò đang vờn quanh tôi.
KIM THOA
Sao anh không về chơi Thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
(Hàn Mạc Tử)
NGUYỄN VĂN UÔNG
Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên
(Xóm Ngự Viên - Nguyễn Bính)
HOÀNG THỊ NHƯ HUY
Tôi biết Vân Cù từ tấm bé qua bóng hình người đàn bà gầy đen, gánh đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, rảo khắp các xóm nhỏ ở Thành Nội, với giọng rao kéo dài: “Bún…bún…ún!” mà mẹ đã bao lần gọi mua những con bún trắng dẻo mềm.
LÊ QUANG KẾT
Tùy bút
Hình như văn chương viết về quê hương bao giờ cũng nặng lòng và giàu cảm xúc - dù rằng người viết chưa hẳn là tác giả ưu tú.
TỪ SƠN… Huế đã nuôi trọn thời ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu của tôi. Từ nơi đây , cách mạng đã đưa tôi đi khắp mọi miền của đất nước. Hà Nội, chiến khu Việt Bắc, dọc Trường Sơn rồi chiến trường Nam Bộ. Năm tháng qua đi.. Huế bao giờ cũng là bình minh, là kỷ niệm trong sáng của đời tôi.
LÊ QUANG KẾT
Quê tôi có con sông nhỏ hiền hòa nằm phía bắc thành phố - sông Bồ. Người sông Bồ lâu nay tự nhủ lòng điều giản dị: Bồ giang chỉ là phụ lưu của Hương giang - dòng sông lớn của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa; hình như thế làm sông Bồ dường như càng bé và dung dị hơn bên cạnh dòng Hương huyền thoại ngạt ngào trong tâm tưởng của bao người.
HUY PHƯƠNG
Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa trắng đất, trắng trời Thừa Thiên
(Tố Hữu)
PHAN THUẬN AN
Huế là thành phố của những dòng sông. Trong phạm vi của thành phố thơ mộng này, đi đến bất cứ đâu, đứng ở bất kỳ chỗ nào, người ta cũng thấy sông, thấy nước. Nước là huyết mạch của cuộc sống con người. Sông là cội nguồn của sự phát triển văn hoá. Với sông với nước của mình, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường như bao thành phố xưa nay trên thế giới.
MAI KIM NGỌC
Tôi về thăm Huế sau hơn ba thập niên xa cách.Thật vậy, tôi xa Huế không những từ 75, mà từ còn trước nữa. Tốt nghiệp trung học, tôi vào Sài Gòn học tiếp đại học và không trở về, cho đến năm nay.
HOÀNG HUẾ
…Trong lòng chúng tôi, Huế muôn đời vẫn vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn thơ. Hơn nữa, Huế còn là mảnh đất của tổ tiên, mảnh đất của trái tim chúng tôi…
QUẾ HƯƠNG
Năm tháng trước, về thăm Huế sau cơn đại hồng thủy, Huế ngập trong bùn và mùi xú uế. Lũ đã rút. Còn lại... dòng-sông-nước-mắt! Người ta tổng kết những thiệt hại hữu hình ước tính phải mươi năm sau bộ mặt kinh tế Thừa Thiên - Huế mới trở lại như ngày trước lũ. Còn nỗi đau vô hình... mãi mãi trĩu nặng trái tim Huế đa cảm.
THU TRANG
Độ hai ba năm thôi, tôi không ghé về Huế, đầu năm 1999 này mới có dịp trở lại, thật tôi đã có cảm tưởng là có khá nhiều đổi mới.
TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ
Có lẽ bởi một nỗi nhớ về Huế, nhớ về cội nguồn - nơi mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng trong những tháng năm dài khốn khó của đất nước, lại được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Khi đã mưa thì mưa cho đến thúi trời thúi đất: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên…” (Tố Hữu). Và khi đã nắng thì nắng cho nẻ đầu, nẻ óc, nắng cho đến khi gió Lào nổi lên thổi cháy khô trời thì mới thôi.