Hoài Thanh với Huế

10:08 15/07/2009
NGUYỄN KHẮC PHÊ giới thiệuNhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà phê bình Hoài Thanh (1909-2009)Chúng ta từng biết cố đô “Huế Đẹp và Thơ” một thời là nơi hội tụ các văn nhân, trong đó có những tên tuổi kiệt xuất của làng “Thơ Mới” Việt Nam như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên…; nhưng nhà phê bình Hoài Thanh lại đến với Huế trong một hoàn cảnh đặc biệt và có thể nói là rất tình cờ.

"Vợ chồng Hoài Thanh - Phan Thị Nga" những năm làm báo ở Huế

Vào lúc Hoài Thanh đang học Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An - Hà Nội), ông bị thực dân Pháp bắt giam, kết án 6 tháng tù treo. Trở lại trường, ông lại bị đuổi học vì chúng khám thấy trong tủ của ông có sách chính trị chống Pháp, sau đó nhờ Ngô Tất Tố giới thiệu, ông được vào làm việc ở tòa soạn báo “Phổ thông” và tờ “Le Peuple” (Nhân dân), nhưng chỉ được mấy số thì ông lại bị mật thám Pháp bắt và giải về quê (xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An) quản thúc. Đó là vào cuối năm 1930.

Nhắc lại giai đoạn cùng cực này của thân phụ, nhà phê bình Từ Sơn đã viết:

“…Hoài Thanh lại bơ vơ đi tìm việc. Tên chánh mật thám Vinh Billet gọi ông đến gạ làm tay sai cho nó. Ông một hai không nhận.

Một hôm đang lang thang trên đường phố Vinh, ông gặp ông Tôn Quang Phiệt đang dọn đồ ra khỏi nhà một ông chủ người Hoa vì không muốn làm gia sư ở đấy nữa, Ông Phiệt than phiền với Hoài Thanh rằng người chủ này đối xử tàn tệ: coi ông như người ở. Đang bí tìm việc làm, Hoài Thanh đành cắn răng thế chỗ ông Tôn Quang Phiệt.

Ông chủ người Hoa này là chủ khách sạn Cộng hòa ở Vinh. Hoài Thanh làm gia sư ở đây không lâu. Một sự tình cờ, ông Bùi Huy Tín, chủ nhà in Đắc Lập ở Huế, có việc ghé qua, biết Hoài Thanh có bằng tú tài Tây bèn thương lượng xin cho Hoài Thanh vào Huế làm thợ chữa mo-rát cho nhà in... Vậy là, từ năm 1931, hàng ngày chàng thanh niên Nguyễn Đức Nguyên từ ngôi nhà trọ lợp tranh ở gần miếu Âm Hồn trong Thành Nội lê chân trên đôi guốc mộc đi bộ đến nhà in Đắc Lập nằm trên đường Paulbert (nay hình như là đường Trần Hưng Đạo) gần một đầu cầu Tràng Tiền để cắm cúi chữa những bản in bằng chữ quốc ngữ hoặc chữ Pháp...”

Ông Tín nhận tú tài Nguyễn Đức Nguyên làm “mo-rát” (chữa bản in), không ngờ đã tạo điều kiện cho một nhà báo trẻ xuất hiện, về sau trở nên nhà phê bình nổi tiếng Hoài Thanh. Chỉ riêng với những bài báo ông viết hồi đó, cũng đáng tôn vinh là một “ngôi sao” của Huế. Chỉ trong hơn một năm - từ báo Tràng An số 4 (ngày 12/3/1935) đến số 131 (ngày 12/6/1936) là số báo đăng “thông báo” chia tay cùng bạn đọc của ông và vợ là bà Phan Thị Nga vì hai người bị thực dân Pháp cấm viết báo Tràng An - ông đã viết trên hai trăm bài báo đăng trên hai tờ Tràng An và tờ báo tiếng Pháp La Gazette de Hué. (Những bài viết trên tờ La Gazette de Hué cũng vừa mới tìm thấy, anh Từ Sơn đang cho dịch và sẽ công bố tiếp theo.)

Báo Tràng An được xuất bản ở Huế từ ngày 1 tháng 3 năm 1935. Báo ra hai kỳ một tuần vào ngày thứ ba và thứ sáu. Tờ La Gazette de Hué (tiếng Pháp) cũng xuất bản cùng thời gian này và cùng do ông Bùi Huy Tín, chủ nhà in Đắc Lập làm chủ nhiệm. Chủ bút tờ Tràng An do ông Phan Khôi đảm nhiệm. Đến đầu tháng 2-1936, ông Phan Khôi bị áp lực của nhà cầm quyền buộc thôi làm chủ bút. Có lẽ vì ông đã cho đăng nhiều bài gây khó chịu cho bọn cầm quyền thời bấy giờ.

Nhà phê bình Từ Sơn (theo sự “chỉ đường” của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân) vừa tìm lại được hơn một trăm bài báo của Hoài Thanh viết trên báo “Tràng An” xuất bản tại Huế trong 2 năm 1935-1936. Trong “Lời giới thiệu” về tập tư liệu này, Từ Sơn đã viết:

“…Lúc sinh thời, cha tôi thường tỏ ý tiếc là ông không còn giữ được những bài viết trên các báo trước 1945 và cuốn “Văn chương và hành động”(cuốn này bị Pháp tịch thu nên ông không dám giữ trong nhà)…Cha tôi thường nói ông rất thích kiểu viết theo lối notes có nghĩa giống như là tùy bút. Lối viết ấy cho phép người viết muốn ghi gì thì ghi, phóng bút mà ghi, không cần phải tính toán gì hết. Trên báo “Tràng An” và “La Gazette de Hué” ông viết theo kiểu ấy và đã để cho ngòi bút của mình động đến mọi thứ chuyện trên đời, trong xã hội mà người viết từng quan sát, nhận xét, suy nghĩ... mong sao được chia sẻ với người đọc để cùng sống đẹp hơn, hay hơn,đúng hơn…”

Quả là Hoài Thanh đã “động đến mọi thứ chuyện trên đời” qua hơn trăm bài đăng trên “Tràng An”; từ quan hệ Pháp-Đức trước thềm thế chiến 2 đến chuyện “Nước Tàu cải cách tệ chế”; từ nỗi khổ của nông dân dưới ách bọn cường hào hương thôn tự trị đến “Tình cảnh dân làm muối rất đáng thương”; từ chuyện giáo dục con trẻ đến thân phận vua quan Triều Nguyễn... Là tờ báo xuất bản tại Huế, nên những bài viết về đất thần kinh chiếm tỷ trọng lớn trong số hơn trăm bài báo vừa tìm lại được…

Riêng về lĩnh vực văn chương, ngoài những bài viết xung quanh cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh” đã được công bố trong một số sách nghiên cứu những năm qua, Hoài Thanh ngay từ khi viết báo Tràng An, đã tỏ ra là một cây bút phê bình có cảm thụ văn chương tinh tế và trung thực. Khi báo Thanh-Nghệ-Tĩnh mở cuộc thi thơ, hạn nộp bài trong một tháng mà nhận được non hai trăm bài dự thi, ông chẳng ngại đụng chạm đến các bạn đồng nghiệp và đồng hương, viết bài “Nước Nam có hai trăm thi sĩ!” với ý mỉa mai không che giấu: “…Tôi muốn nói là cái vinh dự vô song của nước ta sẽ sản xuất ra một lần hai trăm thi sĩ!” Và ông dẫn bài thơ được cho là xuất sắc nhất rồi chê thẳng thừng: “Tôi bực mình nhất là câu sau cùng, câu kết. Một bài thơ tám câu, còn thêm cho được một câu đạo đức mới nghe. Sao mà người ta tầm thường như thế? Cứ nói đến buổi sáng là tất nhiên phải lên giọng thức tỉnh người đời: “Bình minh không nhẽ cứ mơ màng”…” Chỉ qua lời phê bình một câu thơ, từ hơn bảy mươi năm trước, chúng ta thấy Hoài Thanh đã sớm có ý thức đặc biệt coi trọng tính thẩm mỹ của thi ca và chỉ trích lối phê bình xã hội học dung tục - một vấn đề của giới phê bình mà ở nước ta, sau Đổi Mới, mới dần được khẳng định. Đọc những bài phê bình trên báo Tràng An của Hoài Thanh, chúng ta còn hình dung được diện mạo hoạt động văn học thời đó: “Nhân xem quyển “Kép Tư Bền”: Nguyễn Công Hoan, nhà văn có nhiều hy vọng”, “Ông Phan Khôi với quyển “Chương dân thi thoại”, “Dứt tình của Vũ Trọng Phụng”, “Thế Lữ, thi sĩ của những người chưa yêu”, “Những câu thơ dễ thương - Nhân xem tập thơ của ông Phan Văn Dật”, “Cô lâu mộng, tiểu thuyết của ông Võ Liêm Sơn”... Hoài Thanh còn viết liền trên hai kỳ báo giới thiệu Henri Barbusse nhà văn cánh tả nổi tiếng của Pháp, tác giả tiểu thuyết Le Feu (“Khói lửa”, đã dịch ra tiếng Việt) được giải Goncourt, giới thiệu “Một quyển sách bạo - quyển Indochina S.O.S.” của bà Andrée Viollis”, một tác phẩm về sau đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam trích dẫn. Ông còn dịch và bình luận về bài diễn văn của nhà văn nổi tiếng của André Gide tại Hội nghị quốc tế các nhà văn tại Paris ngày 22/6/1935... Những điều vừa dẫn chứng tỏ trong mấy năm ở Huế (1931-1936), Hoài Thanh đã không ngừng cập nhật “thông tin”, mở rộng kiến văn, chuẩn bị những điều kiện để làm nên tác phẩm để đời “Thi nhân Việt Nam”.

Do khuôn khổ trang báo có hạn, chúng tôi trích giới thiệu với bạn đọc “Sông Hương” một bài báo ngắn “Sung sướng mới tự tử” tiêu biểu cho phong cách các bài viết tuy rất ngắn, nhiều khi là chuyện rất nhỏ nhưng lại gợi nghĩ đến những vấn đề có tính nhân bản sâu xa và bài phê bình tập thơ của ông Phan Văn Dật, một tên tuổi quen biết ở Huế; rút từ bản thảo cuốn “Hoài Thanh trên báo Tràng An - Huế 1935-1936” - NXB Hội Nhà văn sắp phát hành.

N.K.P
           

NHÀ QUÊ


Sung sướng mới tự tử

Cả thành phố Quy Nhơn lấy làm lạ rằng cô M.T.- xem thời sự Tràng An hôm nay - một thiếu nữ con quan, nhà giàu có học, có nhan sắc bỗng dưng tự tử. Người ta nói một người như thế đủ mọi điều kiện để hưởng hạnh phúc ở đời, không thể ước muốn gì hơn nữa.

Ấy chính vì sung sướng quá, vì không thể có hy vọng gì nữa nên thành ra tuyệt vọng.

Nghiệm mà xem, xưa nay những người tự sát đều là những người sung sướng. Sung sướng, quen sống trong khi sung sướng đem lòng chán nản đối với những điều người đời ước muốn, nên gặp sự bất như ý, việc nhỏ cũng thành việc to, chịu không được, chết.

Hàng ngày người ta nghe nói những thiếu niên đầy hy vọng tự sát. Trái lại, người ta chưa nghe nói một người cùng cực, một người ăn mày tự sát bao giờ.

Cuộc đời càng khổ cực, càng điêu đứng bao nhiêu, người ta lại càng say mê vì nó bấy nhiêu. Người Tây họ gọi “la vie” cũng phải: cuộc đời là một người đàn bà, nó càng phản trắc, càng dày vò, càng bạc đãi người ta, người ta càng không lìa được nó, người ta càng thấy rõ cái kiều diễm, cái đáng yêu của nó.

Buổi chiều các ông ngồi ăn cốc kem gần mé chợ Đông Ba, các ông thấy những người mặt bủng, da chì trông không còn ra hình người, lê lết đến dưới chân các ông vừa lạy vừa xin các ông làm phúc. Các ông lấy làm lạ: người như thế còn biết sinh thú là gì mà víu vào sự sống. Trong ý các ông, chiều chiều có được ăn kem ở mé chợ Đông Ba, cuộc đời mới đáng sống. Các ông có ngờ đâu rằng trong những cái xác không ra hình người ấy, lòng yêu đời lại nồng nàn tha thiết hơn là ở các ông.

Tự sát là căn bệnh của người sang.

N.Q
(Một trong những bút danh của Hoài Thanh khi viết báo Tràng An)
(Tràng An số 25 ngày 24-5-1935)
(244/06-09)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • 1. Kawabata Yasunari (1899 -1972) là một trong những nhà văn làm nên diện mạo của văn học hiện đại Nhật Bản. Ông được trao tặng giải Nobel năm 1968 (ba tác phẩm của Kawabata được giới thiệu với Viện Hoàng gia Thụy Điển để xét tặng giải thưởng là Xứ Tuyết, Ngàn cách hạc và Cố đô).

  • (Thơ Đỗ Quý Bông - Nxb Văn học, 2000)Đỗ Quý Bông chinh phục bạn hữu bằng hai câu lục bát này:Đêm ngâu lành lạnh sang canhTrở mình nghe bưởi động cành gạt mưa.

  • Thạch Quỳ là nhà thơ rất nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin và chóng vánh tìm ra ngay bản chất đối tượng. Anh làm thơ hoàn toàn bằng mẫn cảm thiên phú. Thơ Thạch Quỳ là thứ thơ có phần nhỉnh hơn mọi lý thuyết về thơ.

  • Kỷ niệm 50 năm ngày mất nhà văn Nam Cao (30.11.1951-30.11.2001)

  • Có một con người đang ở vào cái tuổi dường như muốn giũ sạch nợ nần vay trả, trả vay, dường như chẳng bận lòng chút nào bởi những lợi danh ồn ào phiền muộn. Đó là nói theo cái nghĩa nhận dạng thông thường, tưởng như thế, nơi một con người đã qua "bát thập". Nhưng với nhà thơ Trinh Đường, nhìn như thế e tiêu cực, e sẽ làm ông giận dỗi: "Ta có sá gì đi với ở".

  • Nhà thơ Trinh Đường đã từ trần hồi 15g10’ ngày 28.9.2001 tại Hà Nội, thọ 85 tuổi. Lễ an táng nhà thơ đã được tổ chức trọng thể tại quê nhà xã Đại Lộc huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng , theo nguyện vọng của nhà thơ trước khi nhắm mắt.

  • Phan Ngọc, như tôi biết, là người xuất thân trong gia đình Nho giáo, đã từng làm nghề dạy học, từ năm 1958 chuyển sang dịch sách, là người giỏi nhiều ngoại ngữ. Hiện nay, ông đang là chuyên viên cao cấp của Viện Đông Nam Á (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia).

  • Có những con người mà ta chỉ gặp một đôi lần trong đời để rồi mãi nhớ, mãi ám ảnh về họ. Với tôi, nhà văn Trần Dần là người như vậy.

  • Trước tình hình số tập thơ được xuất bản với tốc độ chóng mặt, người ta bỗng nhiên cảm thấy e ngại mỗi khi cầm một tập thơ trên tay. E ngại, không phải vì người ta sợ nhọc sức; mà e ngại vì người ta nghĩ rằng sẽ phải đọc một tập thơ dở! Cảm giác ấy xem ra thật là bất công, nhưng thật tình nó quả là như vậy.

  • Những năm từ 1950 khi học ở trường trung học Khải Định (Quốc học Huế), tôi đã đọc một số bài thơ của Dao Ca đăng trên một số tờ báo như Đời mới, Nhân loại, Mới, Thẩm mỹ...

  • Tôi đến tìm ông vào một buổi sáng đầu đông, trong căn nhà ngập tràn bóng tre và bóng lá. Nếu không quen ắt hẳn tôi đã khá ngỡ ngàng bởi giữa phồn hoa đô hội lại có một khu vườn xanh tươi đến vậy!.

  • LTS: Rạng sáng ngày 11-7-2001, Toà soạn nhận được tin anh Đoàn Thương Hải - hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, sau một cơn đột quỵ, mặc dù đã được gia đình, bạn bè và các thầy thuốc Bệnh viên Trung ương Huế tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi, đã rời bỏ chúng ta an nhiên về bên kia thế giới!Tạp chí Sông Hương - Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế xin có lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến nhà văn.Sông Hương số này xin giới thiệu hai bài thơ cuối cùng của anh được rút ra từ tập thơ chép tay lưu giữ tại gia đình.TCSH

  • Thơ Đặng Huy Giang xuất hiện trên thi đàn đã nhiều năm nay; song thật sự gây ấn tượng với bạn đọc phải kể đến một vài chùm thơ mà báo Văn nghệ đăng tải trên trang thơ dự thi 1998 - 2000; đặc biệt sau đó anh cho ra mắt bạn đọc hai tập thơ một lúc: Trên mặt đất và Qua cửa.

  • Có lẽ với phần lớn không gian thơ Phan Trung Thành, làm thơ là trò chuyện ân tình với những bóng dáng cũ, thuộc về quê nhà.

  • Trong bài viết điểm lại văn học năm 2000, sự kiện và bình luận, tôi có nêu hai tác giả trẻ, cùng là nữ, cùng có tác phẩm đáng chú ý trong năm, một người tập truyện, một người tập thơ. Người thơ là Vi Thùy Linh.

  • (Đọc “Gặp lại tuổi hai mươi”(*) của Kiều Anh Hương)Ngay bài thơ in đầu tập “Vùng trời thánh thiện” có hai câu đã làm tôi giật mình, làm tôi choáng ngợp:            “Những lo toan năm tháng đời thường            Như tấm áo chật choàng lên khát vọng”

  • đầu tháng 4 năm ngoái, sau khi tuần báo “Văn nghệ” của Hội Nhà văn Việt Nam đăng truyện ngắn dự thi “Quả đồng chùy tóc bện” của Trần Hạ Tháp - một bút danh “mới toanh” trên văn đàn, tôi ghé tòa soạn “Sông Hương” hỏi nhà văn Hà Khánh Linh:- Chị biết Trần Hạ Tháp là ai không? Tác giả chắc là người Huế...

  • Trương Văn Hiến có sở học phi thường và mang trong người một hoài bão lớn lao: an bang tế thế bình thiên hạ.

  • (Qua “Sau tách cà phê” của Nguyễn Trác, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.)1- Sau năm năm từ “Chiếc thuyền đêm” (năm 1995), hình như  “đến hẹn lại lên”, nhà thơ Nguyễn Trác lại ra mắt bạn đọc tập “Sau tách cà phê”.

  • Thơ là một bức xúc của tình cảm và tư tưởng con người, buộc con người phải diễn ra bằng ngôn ngữ, âm thanh, màu sắc, đường nét, hình khối. Thơ là đòi hỏi, là nhu cầu của con người, nếu không biểu lộ được ra thì còn bức rứt khổ sở.