Hoài niệm về một vị Trưởng lão Ni chúng

16:57 07/11/2014

Trong tất cả các Ni sư Phật giáo mà tôi được biết và chịu ơn hoằng pháp vô ngôn, có lẽ người gần gũi với tôi nhất trong đời là Cố Đại Trưởng lão Ni chúng – Sư Bà Cát Tường - nguyên trụ trì chùa sư nữ Hoàng Mai ở Thủy Xuân – Huế.

Thời sinh viên chúng tôi, đầu thập niên 60, anh chị em thường xưng tụng là "Sư cô Cát Tường". Khi nhắc đến "Sư Cô Cát Tường" hầu như ánh mắt của người gọi tên sáng lên, gương mặt thanh niên dù rắn rõi ngỗ ngáo đến mô bỗng dịu đi nơi khóe môi, và môi không thể làm khác hơn là vẽ nụ cười cảm mến. Điều ấy tôi thấy rõ nơi người em trai, hồi ấy còn là học sinh Phật tử, cậu ấy không… ưa xoắn xuýt ca ngợi người trên, nghi ngại nhiều điều, nhưng ở giọng xưng và nụ cười xa, thì biết tất cả  lòng tin đều đặt nơi vị Sư Cô có một thứ ánh sáng nhân hậu lạ kỳ có thể qui phục nhiều trái tim non. Mãi về sau niềm tin ấy vẫn không phai, những thập niên 70, 80, 90, những năm khó khăn gian khổ ở quê nhà, thư của Mạ tôi và của em đều nhắn nhủ hãy gửi quà cứu trợ về địa chỉ chắc chắn nhất: Sư bà trụ trì chùa Hoàng Mai, là Sư cô Cát Tường thuở ấy.

Nhắm mắt nhớ về, hình ảnh "Sư Cô" với gương mặt thanh tú mảnh mai vẫn sáng lên trong màn đen của ký ức. Nói ra e phạm thượng, thuở ấy đám sinh viên chúng tôi "chấm" Sư Cô Cát Tường… đẹp nhất trong quí Ni chúng, thì là lũ trẻ nông cạn còn ham ăn ham nói, dại mồm dại miệng mà! Dĩ nhiên tất cả các Sư bà, Sư cô đều đẹp trong vẻ đạo hạnh thanh đạm của người đã trút hết những sắc dáng bên ngoài,  nhưng ở Sư bà, người đến cúi đầu thưa vẫn muốn nhìn lên. Vẻ đẹp ấy khó diễn tả nỗi, thoạt tiên "khác" so với nhiều khuôn mặt đẹp của Huế, có một chút xa xăm đến từ đàng ngoài, ở sóng mũi cao thanh và đôi mắt hình thuyền, khắc khổ nơi khuôn mặt xương, nhưng lại được mưa nắng gió sương Huế làm thuần, mường tượng trái xoan, dịu nơi giọng nói và cử chỉ. Nét kiêu kỳ xứ Bắc đã được kinh kệ Huế làm tròn thành nét duyên sống động tinh nghịch mà đến tuổi gần một trăm, người đến hầu chuyện ngỡ ngàng nhận ra như gặp người thuở trước. Dù sao chút cội rễ miền Bắc vẫn còn lấp lánh trong suốt mấy mươi năm ở trần thế, lại làm sáng hoài sự tinh tấn khổ hạnh của một chân tu.

Lũ trẻ chúng tôi thời ấy ngưỡng mộ "Sư cô Cát Tường" trong niềm vui an lành, có được một ngôi sao mai tinh khiết trong vườn an nhiên từ bi bát nhã của xứ Huế, xứ của đạo Phật Việt Nam. Tuy Huế nổi tiếng là nơi đạo Phật được tu hành tinh tấn mẫu mực, nhưng ngay Cố Ni trưởng Thích nữ Trí Hải, trong một lá thư gửi cho Thầy của mình,  Sư Bà Cát Tường, đã cung kính ca ngợi tinh thần của đạo Phật ở miền bắc, nơi sinh trưởng của Sư bà, nơi cội nguồn vững chắc nhất của đạo Phật Việt nam mà Sư bà là một tấm gương mãi sáng, "đệ tử học hoài không hết" như lời trong thư. Ấy thế  thấm thoắt đã hơn 50 năm! Nay rất nhiều anh chị em đã nằm sâu trong lòng đất, Mạ tôi, chị tôi, Sư Cô Trí Hải, anh tôi, lần lượt  thuận thế vô thường, Sư bà đã từng độ cho những người qua bờ bên kia, giúp cho những người ở lại bớt đi nước mắt, nay cũng bước vào cõi vô sanh… Ngọn gió thời gian cứ thổi mãi chiều xuôi… ở nơi xa những khi nghe tin, bàng hoàng quặn thắt.

Có thể nói tôi được duyên may, tuy ở phương xa, nhưng lại được gần, được học nơi Sư bà nhiều hơn ở các vị trưởng lão khác, gần và học như một ngẫu nhiên chứ không phải cố ý tầm thầy học đạo, - những ngẫu nhiên ấy hóa ra lại là những lần được học đắc nhất trong cuộc đời. Lần đầu tiên khi đến thăm Tịnh thất Hoàng Mai sau mấy mươi năm trời xa quê. Hoàng Mai thời ấy, trong cơn gian nan nghèo khổ của cả nước, lại nổi tiếng là ngôi chùa "đẹp" – ở xa đã nghe lời đồn có tịnh thất Hoàng Mai là chùa sư nữ -  người Huế thường nói "đẹp" để tả điều gì hoàn hảo, trọn vẹn – và nên thơ. Cả hai chữ "đẹp và thơ" thoạt nghe như không ổn giữa lúc con người đang lao đao trong túng thiếu, còn chỗ mô để noái (nói) đẹp và thơ!? Bước chân vào cổng chùa – thuở ấy còn hai cột trụ đúc thô sơ quét xi măng màu xám, chứ không có cổng tam quan như về sau khi Sư bà viên tịch – khách đang "xa nghe cũng nức tiếng đồn" đột nhiên thấy lòng dịu lại sự hối hả khi bất chợt cúi đầu dưới những cành lá sum sê vào hạ hay dưới những đóa mai lộng lẫy trong xuân của hai hàng lão mai đứng nghiêm trang viền con đường đất cát mịn dẫn vào điện Phật.

Hoàng Mai có tên ấy từ những cây mai bốn mùa tĩnh lặng cùng tu với những vị sư nữ áo lam. Khắc khổ chịu sương gió, mai chùa Hoàng Mai rực rỡ lạ thường vào dịp Tết, tặng cho nước non đang buồn những bông hoa đẹp nhất. Khách thập phương xa gần dạo ấy thường lên Hoàng Mai ngắm hoa thưởng xuân và tìm được niềm an ủi nơi những bông hoa, nhưng đẹp nhất vẫn là ánh mắt đầy tình thương của Sư bà Cát Tường, Sư bà có chi cho nấy. Anh em sinh viên túng thiếu, thương phế binh, trí thức ra tù, người còn ở tù, người già yếu tàn tật, ai bệnh, ai đói đều lên Hoàng Mai. Ai không lên được, ai còn ở tù cải tạo thì được bới xách tận nơi, đến thăm tận nhà, còn nhớ thời các Thầy ngồi tù, tù cọng hòa rồi tù cọng sản, rồi bị bắt đi xa, Sư bà cùng các Sư cô lặn lội đường xa lên miền núi non để thăm nom, ở lại cả tháng trời dù không được vào. Kể ra e không xiết công việc từ bi độ sanh của Sư bà, nhưng nói chi đến kể, nỗi đi- về, thoắt đến thoắt đi trong chiếc áo lam phất phơ nhẹ nhàng, thầm lặng, tự nhiên như những đóa mai nở rồi tàn trên sân chùa đêm trước và ngày sau… có ai đếm đâu? Mà cũng không cần! Có chăng là cảm nghiệm "đêm qua sân trước một cành mai" nơi những đóa mai đang nở che kín trời và đang rụng đầy trên đất để trực nghiệm hạnh từ bi vô lượng như cát trắng sân chùa Hoàng Mai.

Tôi thích dừng lâu nhẩn nha trong sân chùa ấy, nơi có nhiều cội tùng cổ bốn mùa đón nắng và gió Huế, như từ một thuở xa xưa trong cổ tích nào đó, chiếu bóng trên cát trắng miền núi của chùa, đơn sơ như một bức tranh tĩnh mặc. Ở đâu mọi chùa ao ước sân lót gạch hay xi măng, riêng tịnh thất Hoàng Mai thuở ấy vẫn đơn thuần với cát núi làm nền, sỏi đá bao quanh, tạo nên vẻ sơ thái của một ngôi chùa thanh đạm. Vườn chùa Hoàng Mai thấm nhuần đạo vị và thi tứ của vị sư nữ trụ trì, được bao bọc bằng hàng rào trúc vàng và trúc xanh, nhiều đoạn được gia bồi bằng chè tàu lá nhỏ mức. Bóng tre và bóng chuối, vả, mít, nhãn cổ thụ theo gió và mưa mà xanh ngọc hay say nắng mà vàng hồng. Chánh điện và phòng sư trụ trì hay phòng ni chúng tuyền một màu lam ẩn nhẫn. Không gian thiền vị thấm đến từng cây cỏ, chỉ duy hoa trong vườn là đủ các sắc màu và dãy hoàng mai cao quí thỏa thích khoe bông. Có lẽ đó là niềm vui trong lành nhất khi đến vãn cảnh chùa.

Tôi viết như thế sẽ có người bảo, chị quên tương, chao của Sư bà và các sư cô chùa Hoàng Mai rồi răng? Quên sao được?  Tương chao chùa Hoàng Mai nổi tiếng ngon thơm nhất trong vùng, thật ra thì tương chao là món độc đáo của mọi chùa, chúng tôi hay dùng chữ "nhất" có vẻ thiên vị, nhưng tương Hoàng Mai có vị đậm đà của tay người làm từ phương bắc, được ăn ở chùa ngon chi lạ mà được cho mang về nhà thì ăn hoài và nhớ mãi…những lúc ngon nhất khi thật đói lòng. Cũng chỉ vì người cho tương là một bậc chân tu có một thứ duyên lạ thường của Bồ tát dưới trần.



Nhưng tôi đang nói về cái màu lam đặc biệt của ngôi chùa sư nữ ấy, mà trong mắt tôi nó có vẻ như cực đoan (extrême) một cách… thích thú… còn hơn "tương chùa". Cái màu như không màu ấy là nếp từ bi mà vị Trụ trì của chùa đã hành thâm, không những cho chúng sinh hữu tình mà rộng ban cho cây cỏ. Bước vào chánh điện, rồi vào phòng khách hay phòng nghỉ, chỉ thấy một màu lam nhũn nhặn, đến nỗi người khách như thấy mình thoạt tiên chạm tay một thứ hư vô, thế rồi lại thấy như mình đang ở trong một thế giới hay thiên đường ảo với những bông hoa… giả làm bằng nhựa (có thể là… rẻ tiền, gọi là hoa ni lông) trang hoàng tường và bàn tiếp khách. Thứ "giả" duy nhất trong ngôi chùa ấy. Hỏi ra mới biết Sư bà thương hoa tiếc cỏ ngoài vườn đến nỗi cấm không được hái vào chưng trong nhà, "tội cho hoa, đau cho cây" nên đi mua hay xin hoa giả về trang hoàng, còn hoa thật thì được ra vườn ngắm. Về phương diện thẩm mỹ, thú thật tôi không chia xẻ được điều gì nên thơ từ những bông hoa làm bằng ni lông, nhưng càng không đồng tình lại càng lạ lẫm về chuyện thương hoa tiếc lá, mà vì vừa thương vừa yêu, nên không thể thiếu sự kề cận bên hoa… dù là… hoa giả. Đến nay vẫn còn là lạ trong tâm khi nhớ về. Hóa ra vị Ni sư vẫn là cô gái mơ hoa chân tình hết mực với đôi môi đặc biệt hồng ngay cả ở tuổi 90.

Tôi xin cúi đầu đảnh lễ tạ tội đã dùng ngôn ngữ đời thường cho một Đại Lão Ni trưởng tăng ni. Nhưng kinh Phật cũng có nói về tướng tốt trang nghiêm là một trong những hạnh làm người toàn hảo. Có thể nói trong suốt quãng đời độ sanh hoằng pháp của một nhà sư, không có ai thuyết phục đệ tử nhẹ nhàng đầy nhân ái như Sư bà, nhẹ nhàng nhưng lại không lay chuyển nỗi một khi đã quyết tâm hành động. Mấy mươi năm thủ quỹ cho công việc từ thiện xã hội của giáo hội trước và sau này, chuyên cần và tinh tấn, duy nhất một lòng cho đạo pháp và độ sinh, minh bạch và độ lượng, hĩ xã và cẩn trọng, không phung phí hảo tâm của thiên hạ, cần kiệm của bố thí và rộng thương đến mọi người, chí tâm và chí thành trong công việc xây dựng Đạo Pháp đến cho chúng sanh, Sư bà không bao giờ quản ngại khó nhọc và khó khăn, thần thái vẫn ung dung tự tại với lòng tin vào lượng lừ bi của con người. Có lần Sư bà bảo rằng, Phật luôn độ Sư bà, vì mỗi lần quỹ hết tiền !!! là y như Sư bà lại gặp thí chủ hảo tâm bất ngờ, thế rồi lại có phương tiện đi hành đạo – Nói với một nụ cười thật tươi và tôi chợt nhận thêm hơn một lần, đôi môi đỏ ấy quả nhiên là nét son huyền diệu thu phục con người, cảm hóa nghiệp dữ thành lành. Đẹp biết mấy!

Có thể nói Ni chúng là một tập thể có niềm tin kiên cố với Đạo Pháp hầu như tuyệt đối. Quyết tâm xây dựng Đạo pháp để phục vụ chúng sanh của các ngài có sức mạnh vô song không ngờ. Từ chăm lo sức khỏe thể xác cho đến tinh thần của chúng sinh, họ đều xả thân thực hiện. Còn nhớ chính quí cố Sư bà Diệu Không, Diệu Trí và Cát Tường là ba vị Trưởng lão ni nhiệt tâm nhất trong ý tưởng xây dựng Phật Học Viện Huế. Từ năm 1995, các vị đã không nản lòng, chí tâm chí thành thuyết phục Ôn Hòa thượng Thích Thiện Siêu đồng ý, có khi quì lạy kêu xin.  Lúc ấy quỹ chưa có đồng nào cho việc ấy, và nói chung đất nước còn nghèo, khó khăn phức tạp về mọi mặt, nhưng các vị chỉ lấy tâm quyết chí ra mà hứa, hầu như với tay không. May sao việc thành lập Phật Học Viện đã thành công mỹ mãn 4 năm sau, như có phép mầu mà thành, phép mầu ở nơi duyên lành của thập phương, như Sư bà nhỏ nhẹ khiêm tốn bảo. Khi Phật Học Viện Hồng Đức khai giảng, Cố Trưởng lão ni Diệu Không viên tịch, chỉ còn Sư bà Diệu Trí và Sư bà Cát Tường tham dự với gương mặt sáng ngời và nụ cười thầm lặng.

Chính nhờ Phật Học Viện mà tôi có dịp được gần Sư bà trong nhiều năm. Bởi vì trân quí Phật Học Viện là nơi rèn luyện trí tuệ cho tăng ni sinh trẻ, tương lai của Đạo Phật, nên Sư bà rất quan tâm đến sự đóng góp của mọi tầng lớp Phật tử, cư sĩ. Dạo ấy tôi được Hòa Thượng Viện trưởng Thích Thiện Siêu (Ôn Từ Đàm) yêu cầu về giảng môn Triết học trong những khóa đầu ở Học Viện. Mỗi lần như thế tôi lại được Sư bà rất thương, thu xếp cho tôi ở lại tịnh thất Hoàng Mai vào buổi trưa, và ngay cả buổi tối, vì phải giảng khóa cấp tốc trong một tuần. Hoàng Mai và Hồng Đức kề bên nhau. Buổi trưa tôi được ni sư trẻ đón qua Hoàng Mai ăn cơm trưa. Thôi thì khỏi nói, những buổi cơm chay ngon dị thường trong không khí se lạnh của tháng chạp (dịp nghỉ Giáng Sinh ở Âu châu) làm sao quên được trong đời. Vườn trúc lá đùa trong gió, và lắm khi mưa rơi sàn sạt trên tàu chuối, có ngày mưa ngâu ru kinh qua cung tơ lá nhãn và tôi thì được săn sóc chu đáo bằng những nụ cười và ánh mắt hiền, cơm chay ngon lành. Nhớ nhất là món nấm mối đầu đông. Khi cơn mưa lụt đầu tiên rầm rập đổ xuống vườn chùa, vẽ nên những con suối nhỏ trong veo lên cát, dẫn đến phía hàng rào um tùm sau chùa, đã nghe các ni sư trẻ kháo nhau đi hái nấm mối trong mưa. Và trong đời, cho đến nay, chưa có món cao lương mỹ vị nào ngon hơn món xôi nấm mối và nấm mối hấp rau răm ở chùa Hoàng Mai dạo ấy.

Liêu của Sư bà ngăn làm hai căn nhỏ, phía trước thờ Phật (với hoa ni lông!) và phía sau giường nghỉ của Sư bà. Từ chối mấy cũng không xong, Sư bà nhất định nhường cho tôi sập nằm của Sư bà, lại còn mang thêm chăn ấm, săn sóc từng 5 phút một xem tôi có ổn không, cứ lo giường chiếu của người đi tu quá đơn sơ. Nhưng nhà sư có biết đâu kẻ tục lụy đang thấy mình như nhập vào chốn non bồng thoát tục.

Cho nên nằm xuống là tôi đã ngủ ngay, một phần vì trái giờ và đi xa mệt mỏi, một phần nhờ hơi ấm trìu mến bao bọc quanh mình. Khi thức dậy đã thấy nước chè xanh để sẵn, nhìn ra thấy Sư bà ngồi ở bàn chăm chú trì kinh. Những giờ phút đầm ấm trong đạo vị mở cho tôi thấy được thế giới hiền hòa, ngọt lành có thể có được trên thế gian đầy cay chua này. Cơm chay chùa Hoàng Mai lúc nào cũng thanh đạm với rau dưa, tương chao của chùa tự làm, vì tiền đâu mà có để mua các thứ chay giả mặn đóng hộp Đài Loan Hồng Kông, về sau thành mốt ở các chùa trong Nam ngoài Bắc và cả miền Trung, cả Huế nữa?

Triết lý sống thanh đạm và an lành của đạo Phật được hành thâm thật nghiêm túc dưới mái chùa ấy. Và bỗng nhiên việc đi về dạy học của tôi lại trở nên việc đi học đầy thú vị trong nhiều năm – Xin đừng hỏi tôi học điều gì cao xa. Có lần tôi dẫn một đoàn bạn Đức đến viếng Huế, sau khi đã đi khắp nơi từ Bắc vô Nam, thăm di tích thắng canh đền đài, ngày cuối tôi dẫn cả đoàn lên thăm Sư bà Hoàng Mai và xin ăn cơm chay của chùa. Sư bà lúc ấy đã hơn 80, vẫn hoạt bác và dí dõm trước đám người cồng kềnh to lớn như bạn quen lâu đời: "Tôi không nói được tiếng Đức nên phải nhờ chị Kim Lan dịch, còn các ông bà lại không hiểu tiếng Việt nên cũng nhờ chị Lan dịch, hóa ra cả hai bên chúng ta đều dở như nhau nhỉ!“ và khi tiễn khách ra về "Nếu các ông bà muốn hơn tôi thì hãy học tiếng Việt nhé". Suốt buổi thọ trai có nhiều tiếng cười. Lúc ra về, các bạn tôi bảo rằng, chuyến viếng thăm Việt nam, tiếp xúc nhiều nơi nhiều chỗ, nhưng chính ở Hoàng Mai họ gặp được một con người Việt nam đặc biệt, cuộc đi bỗng có ý nghĩa hơn. Hỏi tại sao, trả lời "họ đã gặp nhiều nhân vật của các tôn giáo khác nhau, nhưng chưa thấy có một người đi tu nào khả ái và nhân ái trong cùng một nghĩa trong suốt trọn vẹn như thế". Thú vị đầy ngạc nhiên của họ là qua cuộc diện kiến ấy, mọi định kiến từ góc nhìn Âu châu cho rằng đạo Phật yếm thế đã tan biến nhường cho ấn tượng sống động lạc quan nhập thế trong thong dong, trong giải thoát qua dáng đi, cách ngồi, tiếng nói, nụ cười, nhũn nặn tinh tế, ân cần nhân hậu của vị Sư nữ đẹp như cây lão mai già nhất trên sân. Tôi đã nghĩ đến màu hồng của đôi môi… và có thể đã chợt cười tự mãn một mình…

Nhưng nếu học Phật mà học ưu điểm, học toàn hảo, học màu mè như thế thì quả thật thiếu sót… bài học tôi nhận được bỗng quay chiều trả đũa lại tôi. Xôi nấm mối tôi đã được thưởng thức biết bao lần, mưa trên sân giọt ngắn giọt dài, lão mai thay lá đâm chồi, mai rụng rồi mai khai mấy độ, sự thọ ơn tri ngộ cứ nhân lên với tháng với năm.

Một ngày mùa đông, tôi đến Hoàng Mai như mỗi khi về nước lên hầu Sư bà, mới biết Sư bà vừa bị ngã nặng gãy xương cũng chỉ vì trong lúc bệnh không muốn làm nhọc thị giã thức đêm, tự dậy đi một mình.  Khá nặng, gãy xương bánh chè, lại thêm xương sườn, ống quyển, lúc ấy Sư bà đã 90. Tôi vào và giật mình. Vị lão ni ngày nào tươi mát nay gầy trơ xương, cái giường nhỏ bé bỗng rộng thênh thang vì người nằm trên đó như một khúc cây khô – tuy vẫn đẹp – đẹp lạ thường, da ấy, xương ấy trong suốt như ngọc, toát lên mùi hương trong lành khác hẳn với mùi bệnh tật, đến nỗi người bạn đi theo phải kêu lên ngạc nhiên. Lúc ấy Sư bà còn hôn mê. Ngày hôm sau trở lại, sự biến đổi làm ngẩn người. Lần này bộ xương đang rên la. Vì quá già nên các bác sĩ quyết định không giải phẫu và băng bột, để quá trình bình phục dần dần tự nhiên, có nghĩa là nằm yên và không được cử động nhiều. Đau ghê gớm! Khổ ghê gớm vì vừa bị cầm tù thân xác vừa bị những vết đứt gãy tra tấn từng giây.

Và Sư bà của tôi! Nơi đôi môi hồng ấy biến thành một cái hố nhỏ đen ngòm, từ thân thể trong suốt ấy trở thành nối đọa đày tột độ. Vì đau quá không thể ngậm miệng, mà buộc phải há miệng, - không còn đẹp chút nào nữa! - từ đó thốt ra không dứt tiếng kêu như một phản xạ tự nhiên. Người tôi chao đảo khi nghe những tiếng kêu thống khổ của nhà sư, tưởng đã tu luyện thành thép không còn biết đau. Không, không! tôi lầm khi đã nghĩ như thế. Điều tôi đã nghĩ phải khác đi chứ! Ai mà không đau? Sư bà của tôi kêu hàng tràng như thế này, rõ ràng mồn một: "ui chao đau quá quá! Nam mô A di đà Phật", "ui chao đau quá đau quá! Nam mô A Di Đà Phật!" liên tiếp kết thành một chuỗi, khá đều như hộp máy Đài Loan bấm nút là có tiếng Nam Mô A Di Đà. Nhưng chuỗi này khác cái máy không biết đau, vọng từ cái hang người- tấm thân ngũ uẩn vô thường sờ sờ trước mắt-, là tiếng kêu đau, mà đau quá đỗi.

Thoạt tiên xót lòng, muốn rớt nước mắt, nhưng cùng lúc bỗng chấn động tâm can. Lắng chừng mới thấy. Chưa bao giờ đau – khổ và Phật gần nhau đến như thế trong tiếng kêu này. Nghe như một chuỗi kệ nhập với nhau làm một, tuồng như Đau và Phật là một, trong cùng một hơi thở. Sư bà kêu đau như một em bé khóc la, mà tiếng niệm Phật của nhà sư cũng hồn nhiên vô ngại đầy trẻ thơ, như tuồng chưa có một lần tu luyện, làm cho người nghe chỉ thấy thương với thương đến vô cùng thương. Có khi đau làm con người độc địa dã tâm, có khi tu Phật làm xa người, chơi vơi thoát tục, có khi đau làm ta quên Phật, có khi tưởng TU là không còn biết đau, cả mọi trường hợp đều ít nhân tính. Ở Sư bà đau là Phật và Phật là đau. Tấm thân người phải đau mới có Phật, thấy Phật. Có phải đây là thủ đắc của một kẻ giác ngộ? Chỉ biết tiếng kêu đau và tiếng niệm Phật ấy từ đó luôn vang vọng theo tôi…

Tưởng e Sư bà không vượt qua nỗi lần chấn thương trầm trọng ấy, vậy mà một năm sau, Sư bà lành bệnh, có thể cử động và ngồi dậy được, nhưng từ ấy trí nhớ kém đi, mỗi khi lên thăm chỉ biết cầm tay nói vài câu rời rạc nhưng kim thân thì vẫn sáng ngời như cũ, đôi môi đỏ vẫn lại hàm tiếu như xưa – trong lúc này tôi đã đi được một bước xa hơn với tri kiến ngũ uẩn vô thường -  cho đến ngày Sư bà trở bước về cõi Tịnh. 

Lễ tang được cử hành thật trọng thể. Tôi về trể nhưng may còn kịp lên Hoàng Mai lạy Sư bà nhập tháp, nơi Sư bà đã từng dắt tay tôi đến xem chỗ trú ẩn vĩnh viễn của mình. Tịnh thất Hoàng Mai đã khác hẳn (quí sư cô đã bắt đầu xây dựng khi Sư bà lâm bệnh), cổng Tam Quan uy nghi và thành xây kiên cố, sân cũng được lát gạch quí phái. Riêng dãy hoàng mai lạc lõng đứng bơ vơ trong lúc chùa ngập hoa phúng điếu và hoa trang hoàng lộng lẫy chưa từng có. Từng tràng hoa lan diễm lệ vây phủ quan tài và lối đi. Nghi lễ trang trọng vô cùng. Người đến viếng đông nghịt chen nhau thảy vô số hoa tươi xuống huyệt thay lời tiễn biệt, chen chân không lọt.

Tôi băng qua sân, lẻn vào căn liêu cũ bỏ trống. May cảnh vật còn như xưa, vẫn màu lam u nhã lững lờ bôi xám không gian thành hư vô, sự im lặng vô cùng đột nhiên làm nghẹt thở, trên tường những cành hoa giả còn treo nguyên chỗ cũ, trên bàn bình hoa giả còn câm lặng hơn. Nhớ nỗi phản cảm đầu tiên vẫn còn đeo đuổi khi thấy chúng trong căn phòng mà tôi nghĩ lẽ ra phải được trang hoàng bằng những cành hoa hay bó bông tươi mát! Nay ngoài kia hàng vạn bông hoa thật, hoa tươi, đang vây phủ vị sư nữ mà tôi kính yêu. Bỗng như thấy đôi môi đỏ mấp máy cười: Giả và Chân, công án tìm CHÂN trong GIẢ và thấy được GIẢ trong CHÂN đã nằm sẵn từ lâu mà tôi u mê không biết, trong lúc hồn tôi, trong giờ phút ấy, bỗng nghiêng về cành hoa dấu kín dưới vẻ giả tạo bên ngoài lượng từ bi sâu thẳm và trí tuệ thẩm mỹ đầy nhân ái của người Thầy vừa giã từ cõi tạm…

Huế tháng 9 nhuận năm Giáp Ngọ
Nguồn: Thái Kim Lan - Tia Sáng

 


 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • BỬU Ý

    Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) từng sống mấy năm ở Huế khi còn rất trẻ: từ 1928 đến 1930. Đó là hai năm học cuối cùng cấp tiểu học ở nội trú tại trường Pellerin (còn gọi là trường Bình Linh, thành lập năm 1904, do các sư huynh dòng La San điều hành), trường ở rất gần nhà ga tàu lửa Huế. Thời gian này, cậu học trò 17, 18 tuổi chăm lo học hành, ở trong trường, sinh hoạt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của các sư huynh.

  • LÊ QUANG KẾT
                   

    Giai điệu và lời hát đưa tôi về ngày tháng cũ - dấu chân một thuở “phượng hồng”: “Đường về Thành nội chiều sương mây bay/ Em đến quê anh đã bao ngày/ Đường về Thành nội chiều sương nắng mới ơ ơ ơ/ Hoa nở hương nồng bay khắp trời/ Em đi vô Thành nội nghe rộn lòng yêu thương/ Anh qua bao cánh rừng núi đồi về sông Hương/ Về quê mình lòng mừng vui không nói nên lời…” (Nguyễn Phước Quỳnh Đệ).

  • VŨ THU TRANG

    Đến nay, có thể nói trong các thi sĩ tiền chiến, tác giả “Lỡ bước sang ngang” là nhà thơ sải bước chân rong ruổi khắp chân trời góc bể nhất, mang tâm trạng u hoài đa cảm của kẻ lưu lạc.

  • TRẦN PHƯƠNG TRÀ

    Đầu năm 1942, cuốn “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” của Hoài Thanh - Hoài Chân ra đời đánh dấu một sự kiện đặc biệt của phong trào Thơ mới. Đến nay, cuốn sách xuất bản đúng 70 năm. Cũng trong thời gian này, ngày 4.2-2012, tại Hà Nội, Xuân Tâm nhà thơ cuối cùng trong “Thi nhân Việt Nam” đã từ giã cõi đời ở tuổi 97.

  • HUYỀN TÔN NỮ HUỆ - TÂM
                                      Đoản văn

    Về Huế, tôi và cô bạn ngày xưa sau ba tám năm gặp lại, rủ nhau ăn những món đặc sản Huế. Lần này, y như những bợm nhậu, hai đứa quyết không no nê thì không về!

  • LƯƠNG AN - NGUYỄN TRỌNG HUẤN - LÊ ĐÌNH THỤY - HUỲNH HỮU TUỆ

  • BÙI KIM CHI

    Nghe tin Đồng Khánh tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập trường, tôi bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt... Con đường Lê Lợi - con đường áo lụa, con đường tình của tuổi học trò đang vờn quanh tôi.

  • KIM THOA

    Sao anh không về chơi Thôn Vỹ
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên        
          
                       (Hàn Mạc Tử)

  • NGUYỄN VĂN UÔNG

    Hôm nay có một người du khách
    Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên         
     

    (Xóm Ngự Viên - Nguyễn Bính)

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUY

    Tôi biết Vân Cù từ tấm bé qua bóng hình người đàn bà gầy đen, gánh đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, rảo khắp các xóm nhỏ ở Thành Nội, với giọng rao kéo dài: “Bún…bún…ún!” mà mẹ đã bao lần gọi mua những con bún trắng dẻo mềm.

  • LÊ QUANG KẾT                
                      Tùy bút

    Hình như văn chương viết về quê hương bao giờ cũng nặng lòng và giàu cảm xúc - dù rằng người viết chưa hẳn là tác giả ưu tú.

  • TỪ SƠN… Huế đã nuôi trọn thời ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu của tôi. Từ nơi đây , cách mạng đã đưa tôi đi khắp mọi miền của đất nước. Hà Nội, chiến khu Việt Bắc, dọc Trường Sơn rồi chiến trường Nam Bộ. Năm tháng qua đi.. Huế bao giờ cũng là bình minh, là kỷ niệm trong sáng của đời tôi.

  • LÊ QUANG KẾT

    Quê tôi có con sông nhỏ hiền hòa nằm phía bắc thành phố - sông Bồ. Người sông Bồ lâu nay tự nhủ lòng điều giản dị: Bồ giang chỉ là phụ lưu của Hương giang - dòng sông lớn của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa; hình như thế làm sông Bồ dường như càng bé và dung dị hơn bên cạnh dòng Hương huyền thoại ngạt ngào trong tâm tưởng của bao người.

  • HUY PHƯƠNG

    Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
    Mà mưa trắng đất, trắng trời Thừa Thiên         
                          
                                              (Tố Hữu)

  • PHAN THUẬN AN

    Huế là thành phố của những dòng sông. Trong phạm vi của thành phố thơ mộng này, đi đến bất cứ đâu, đứng ở bất kỳ chỗ nào, người ta cũng thấy sông, thấy nước. Nước là huyết mạch của cuộc sống con người. Sông là cội nguồn của sự phát triển văn hoá. Với sông với nước của mình, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường như bao thành phố xưa nay trên thế giới.

  • MAI KIM NGỌC

    Tôi về thăm Huế sau hơn ba thập niên xa cách.Thật vậy, tôi xa Huế không những từ 75, mà từ còn trước nữa. Tốt nghiệp trung học, tôi vào Sài Gòn học tiếp đại học và không trở về, cho đến năm nay.

  • HOÀNG HUẾ

    …Trong lòng chúng tôi, Huế muôn đời vẫn vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn thơ. Hơn nữa, Huế còn là mảnh đất của tổ tiên, mảnh đất của trái tim chúng tôi…

  • QUẾ HƯƠNG

    Năm tháng trước, về thăm Huế sau cơn đại hồng thủy, Huế ngập trong bùn và mùi xú uế. Lũ đã rút. Còn lại... dòng-sông-nước-mắt! Người ta tổng kết những thiệt hại hữu hình ước tính phải mươi năm sau bộ mặt kinh tế Thừa Thiên - Huế mới trở lại như ngày trước lũ. Còn nỗi đau vô hình... mãi mãi trĩu nặng trái tim Huế đa cảm.

  • THU TRANG

    Độ hai ba năm thôi, tôi không ghé về Huế, đầu năm 1999 này mới có dịp trở lại, thật tôi đã có cảm tưởng là có khá nhiều đổi mới.

  • TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ

    Có lẽ bởi một nỗi nhớ về Huế, nhớ về cội nguồn - nơi mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng trong những tháng năm dài khốn khó của đất nước, lại được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Khi đã mưa thì mưa cho đến thúi trời thúi đất: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên…” (Tố Hữu). Và khi đã nắng thì nắng cho nẻ đầu, nẻ óc, nắng cho đến khi gió Lào nổi lên thổi cháy khô trời thì mới thôi.