Hoa phù dung dưới núi

15:53 31/10/2008
TRẦN THÙY MAIKhi mới vào tu học, tôi được giao chăm sóc vườn hoa trước chùa. Tên vườn là Vô Ưu, nghĩa là không phiền não. Vậy mà tôi đã bắt đầu ưu phiền từ đó. Tiết mạnh xuân, thầy tôi cho dựng thêm mấy nếp nhà cỏ men hồ. Đệ tử dạo này đã hơn mười người, phải có chỗ để tĩnh tâm, tụng niệm. Mỗi nếp nhà được đặt một cái tên. Nhà tôi ở ngay bên khóm hoa súng tím, gọi là Lăng Hoa Cốc.

Giữa những sơn cốc nho nhỏ hiền lành là khoảng đất vừa khai hoang. Chúng tôi trồng những thứ cỏ cây mà khách hành hương đem tới. Một hôm tôi hỏi: “Bạch Thầy, người ta nói Phù dung sớm nở tối tàn, nó vô phước vô phần, không phải là hoa dâng Phật. Mình có trồng không?”. Thầy bảo: “Thế nào là hữu thế nào là vô, thế nào là sớm thế nào là tối, người đời có lý giải được chưa, sao lại đem gán cho hoa?”

Tôi vào chùa sau chót, ai cũng là sư huynh, ai cũng được hầu thầy còn tôi chỉ có việc loanh quanh trong vườn, không mấy khi lên chính điện. Hóa ra nhờ vậy tôi được gần thầy hơn ai hết. Sớm, chiều, thầy xuống thềm, thăm cây, có lúc cùng tôi tưới hoa. Rủi cho tôi, tươi tốt chưa bao lâu thì có lũ bọ  vàng từ đâu bay về. Giống này đặc biệt thích những cánh hoa mỏng và có vị ngọt. Hoa Phù dung hồng, hoa Nương tiêu tím bị chúng ăn như ăn rau. Một góc vườn đang rợp hoa, chúng bu lại nửa giờ sau chỉ còn một đám lá xơ rơ tơi tả. Tôi điên lên, cầm cái chổi tre, thấy con nào sán đến là vung lên đập. Những con bọ nát bét trên mặt đất, máu của chúng tím như nước mồng tơi bắn ra, dính cả vào áo tôi.

 Sư huynh Đăng Minh nhìn thấy, bảo: “Vì cái đẹp mắt trong một buổi, mà giết mỗi ngày mấy chục mạng, có đáng không?” Tôi đang tức, dang tay vun vút đập thêm cả chục con. “Thứ đồ phá hoại này, để làm chi hại đời”. Đập mãi không tiệt nọc, tôi hùng hổ vào gặp thầy, xin tiền mua thuốc trừ sâu. Các sư huynh  ngồi đấy đều cười. Tôi càng tức. “Con bọ có mạng sống vậy bông hoa không có mạng sống ư? Bạch thầy, xin thầy giảng cho con nghe phải làm sao? Giết bọ cứu hoa hay bỏ hoa để nuôi bọ?”. Thầy mỉm cười bảo tôi: “Việc có chừng đó con không tự ngộ được sao?”. Tôi thở hắt ra: “Con xin chịu!”. Thấy tôi bực bõ như vậy, thầy bảo thôi, ngày mai giao vườn cho người khác, tôi vào làm thư ký giúp thầy.

Thầy viết sách, soạn kinh, lúc nào cũng viết trên giấy trắng. Chùa xa không có điện, không có máy vi tính. Bản thảo của thầy, tôi đem xuống phố đánh máy cho người ta đem in. Nhiều khi thầy làm tôi buồn lòng. Tiền đánh máy đem đi bao nhiêu, đánh xong hết bao nhiêu, mỗi ngày thầy đều đếm trang, bảo tôi kê khai rõ. Thấy tôi buồn lộ rõ trên nét mặt, thầy hỏi. Tôi thưa: “Thầy giao cho Đăng Minh cầm tiền triệu đi mua sắm, không bao giờ hỏi. Chúng con đều là đệ tử của thầy, sao phân biệt như vậy?” Thầy đặt bút xuống, nhìn tôi. Trong chùa, chỉ có tôi là dám hỏi vặn thầy như thế. Thấy thầy không trả lời, tôi lại cố hỏi. Thầy bảo: “Con không tự biết mình, dù thầy có nói tại sao, chưa chắc con đã cam lòng”. Ngày mai, thầy để tôi tự ý, không xem xét gì nữa.

Có lần thầy hỏi: “Con ở chỗ sơn lâm, bây giờ ngày nào cũng vào phố, lên mạng, có bỡ ngỡ không?”. Thầy e bước vào một thứ phương tiện hiện đại mới mẻ như computer, tôi không bắt kịp. Đó là vì thầy không biết đó thôi. Trong cái máy tính kia còn có những thế giới huyền ảo xa xưa hơn cả mái chùa trong sơn ao này... Thầy không biết, những ngày này, qua phép màu của game online, tôi đang ẩn náu ngay trong Tàng kinh các của Thiếu Lâm tự.
Tên ác ma đã chạy rồi, nhưng Lăng Hoa Tử, tức là tôi, vẫn mải miết đuổi theo. Tiếng chân, tiếng hú của địch nhân vang dội trong núi rừng. Mặc. Tôi ráo riết. Không thể tha cho hắn. Mới vừa rồi  hắn đã khống chế cô gái tội nghiệp, bắt quắp vào nách mang đi.


Tôi vung kiếm. Hắn mặc  giáp sắt. Nhưng kiếm của tôi là thanh kiếm bén, đoạt được sau nhiều lần trừ gian diệt bạo lắm rồi. Máu tóe ra từ bụng hắn, đỏ bầm, tung tóe từng chấm lai láng trên màn hình tinh thể lỏng... Cô gái tạ ơn tôi. Cô ta xưng tên là Dung muội, cũng là một nữ kiếm thủ. Nhìn khăn áo và khí giới của nàng thì cũng biết là vào làng game thủ từ lâu rồi, dù bản lĩnh không bằng tôi. Nguy rồi, tình huống mới đã xảy ra, từ bốn nẻo rừng, bọn ác nhân bịt mặt đang túa ra. Dung muội bảo tôi: “Muội phải cắm vào sọ chúng nó mấy chiêu Cửu âm bạch cốt trảo. Huynh giúp muội một tay nhé”.
Lúc đó đã đến giờ về chùa. Dung muội rỉa tôi là đồ nhát như thỏ đế, thấy lũ bịt mặt thì hoảng nên chạy làng. Tôi phân trần một lúc mới out được... Về đến chùa, trời đã tối. Tôi ngồi ăn một mình trong Lăng Hoa cốc. Những chiêu kiếm loang loáng trong tâm trí. Thầy bước vào cốc mà tôi không hay. Thầy gọi: “Phước Tuệ!” Tôi giật mình, buột miệng: “Có tại hạ”. Thầy đến sát một bên rồi mà tôi vẫn còn thấy Dung muội cầm kiếm chạy băng băng trước tên ác ma. Mãi khi thầy vỗ lên vai, tôi mới sực tỉnh: “Dạ, thầy gọi con?” Thầy ngồi xuống chiếc chiếu trải giữa nền ván, gọi tôi đến ngồi trước mặt, niệm chú lâm râm rồi nhẹ nhàng đặt tay lên trán tôi. Thầy bảo: “Ngày mai là bắt đầu mùa an cư. Thời thầy mới xuất gia, ba tháng an cư không ai  được ra khỏi chùa, ai cũng phải an tĩnh để trì tụng. Nay khác rồi, có công việc thì đi, nhưng phải về chùa trước sáu giờ chiều”. Tôi nghe, nhướng mắt kinh hoàng, vẻ mặt tôi khi đó chắc nhuốm sắc khí mơ màng của người say thuốc.

Tuy vậy, tôi cũng giữ ba tháng an cư không sai phạm điều gì. Dễ lắm, những bài giảng Phật pháp của thầy, tôi thuê người ta đánh máy hết. Thời gian của tôi dành để lang thang hành hiệp, cùng Dung muội lên núi cao, xuống vực thẳm, có khi rơi vào hầm bẫy của bọn hắc đạo. Dung muội bản lĩnh còn non, bởi thế rơi vào cạm bẫy bọn ác tăng không biết bao nhiêu lần. Tôi thì cao tay hơn. Bây giờ, trong võ lâm giang hồ, nhiều thằng ác ma thấy Lăng Hoa Tử xuất hiện liền phải năn nỉ: “Lạy anh xin tha cho em”. Tha sao được, thằng này chính là thằng dâm tặc luôn đón đường bắt cóc Dung muội. Tôi mắng nó: “Tao chờ mày để giết lâu rồi”. Kiếm tôi vung lên, xọc ngay vào bụng thằng ác. Máu nó túa ra, bắn những giọt đỏ tươi trên màng hình tinh thể lỏng. Sao nó giống những tia máu màu tím mồng tơi của lũ bọ vàng tôi đã đập chết vô cùng. Một cảm giác cuồng hăng ào lên, tôi vung kiếm bốn phương tám hướng, xọc vào bụng tên này, chém rụng đầu tên kia, tôi dũng mãnh vô song, tôi là vô địch...

Giữa mùa an cư, thầy cho đệ tử họp lại trước chính điện. Chúng tôi được nghe tam quy và ngũ giới. Sát giới, sắc giới, tửu giới... Ha ha, có bao giờ thầy tưởng tượng được Phước Tuệ này đi dung dăng dung dẻ với cô bé Dung muội nẩy lửa từ núi cao đến vực sâu, chém rụng không biết bao nhiêu là cái đầu và nốc bao nhiêu bình mỹ tửu để luyện “túy quyền”... Nhưng đâu có can gì, đó là trò chơi mà, đâu phải thực. Sự thực tôi vẫn mỗi ngày trì giới ở đây, mỗi ngày từ chùa vào phố đến ngồi trước cái máy tính hiền lành, chiều lại về đúng giờ. Sư huynh Đăng Minh bạch thầy: Phước Tuệ siêng năng việc Phật sự, giữ đúng thanh quy, công việc đánh máy thầy giao chưa bao giờ trễ nải. Thầy nghe, lặng im không nói gì.

Sau này tôi tự hỏi: Lúc ấy sao thầy im lặng? Nếu lúc ấy thầy nói thì có thể chuyện sẽ khác đi? Nhưng thầy tôi vẫn bảo: Ngăn dòng nước chảy có ích gì? Lúc ấy, trong tôi không phải dòng nước, mà một dòng thác đang cuồn cuộn ập xuống.
Tôi dần dần nổi tiếng trên chốn giang hồ. Điểm chơi của tôi đã ngoài bảy trăm. Uy tín một cao thủ võ lâm đâu cho phép dừng tay gác kiếm mỗi lần đến giờ về Lăng Hoa Cốc. Mùa an cư chưa dứt mà giờ tụng kinh ở chùa dần dần vắng bóng tôi... Một chiều, mải chạy tìm tung tích Dung muội trong trại giặc, đến khi giải cứu được nàng, tôi thở phào một hơi dài, liếc ra ngoài trời, ngạc nhiên thấy trời hôm nay sao sáng lâu đến thế. “Bác ơi, cho cháu tính tiền giờ”. Liếc nhìn phiếu thanh toán, tôi ngạc nhiên, lúc này là 9 giờ sáng, té ra tôi đã chơi thâu đêm mà không hay! Tôi xô ghế đứng dậy, bỗng trước mắt đầy đom đóm, trong tai ù ù những tiếng thét khủng khiếp thất đảm của lũ môn đệ phái Độc Vật. Tôi ngã người ra sau, cảm thấy mình đang rơi xuống vực, mê man.

 Người ta chở tôi về chùa. Bây giờ thì cả chùa ai cũng biết tôi đi chơi games. Thầy thở dài: “Đời đã ảo, lại chơi trò ảo. Vậy là ảo đến hai lần”. Nghỉ ngơi mấy hôm, tôi dần hồi sức. Ngồi nhìn ra từ Lăng Hoa cốc, thấy những cây phù dung trong vườn Vô Ưu đã cao quá đầu, mỗi sáng nở đầy hoa. Đến trưa, hoa chuyển sang hồng thắm, xế chiều thì cuộn tròn đỏ thẫm màu sen. Trong đêm, hoa rụng âm thầm, sáng dậy thấy những cuộn tròn đỏ lác đác trên mặt đất. Trên cành lại hiện ra thật nhiều hoa mới, cánh trắng phớt hồng. Tôi thầm nghĩ: Không biết vì sao chẳng thấy lũ bọ vàng quay lại?
Vừa khỏe lên một chút, tôi liền quay lại với giang hồ. Vía tôi đã nằm trong thế giới đó, những gì ngoài đời này chỉ là cái bóng của sự sống. Những đêm dưỡng  bệnh trong Lăng Hoa Cốc, tôi nghe tiếng ai kêu thảm thiết trong những hẻm núi hư vô: “Lăng Hoa Tử!” Mồ hôi tháo ra đẫm áo, tôi vùng dậy, thấy cái vía mình chạy hoảng hốt lang thang dưới ánh trăng, trên những con đường mòn quanh co trong Thung Lũng Đoạn Hồn. Tiếng ai gọi tôi, thê thiết quá... Đúng rồi, tiếng của Dung muội, tôi đã bỏ nàng một mình, tả xung hữu đột với bầy ác tặc. Tôi vùng dậy, điên cuồng đi quanh bốn góc  chòi tranh. Đăng Minh đang ngồi bên chiếu. Sư huynh đã thức suốt đêm canh chừng tôi, nhưng lúc ấy tôi không nhìn thấy gì cả... Mở cửa liếp, tôi bước ra ngoài trời sương, lao mình theo tiếng kêu cứu của Dung muội. Sư huynh ôm ghì lấy tôi. “Em đang sốt, nằm xuống, đừng đi”. Trong đôi tay của sư huynh tôi vùng vẫy kịch liệt, rồi gục xuống, mắt dại đi...

Hôm sau, tôi trốn ra khỏi chùa. Đúng như linh cảm của tôi, Dung muội đã chết. Nàng bị Đông Hải Ma Đầu phóng kiếm trúng, ngã lộn nhào từ núi xuống đáy vực. Một mình nàng làm sao đương cự. Một mình nàng. Không có tôi...
Vậy nhưng trên Yahoo messenger, cái con người đã chết ấy cứ gọi tôi, tiếng gọi tha thiết và đầy âm vọng làm tôi điêu đứng. Tôi rã rời, không còn thiết quay lại chốn võ lâm nữa. Không có nàng, tôi cũng dừng bước giang hồ. Lăng HoaTử gác kiếm khi điểm chơi đã quá chín trăm, không có tay chơi nào trong võ lâm không nể mặt... Bây giờ, tôi mới biết Dung muội quan trọng đến mức nào, trong cuộc sống của tôi.

Cuối cùng, chúng tôi nhất định phải gặp nhau.
Trong góc quán ven sông, tôi gọi một ly rum , chờ nàng tới. Cả hai chúng tôi đều chọn cùng một dấu hiệu: chiếc khăn mua soa buộc quanh cổ tay. Thiếu gì cách làm dấu, nhưng tôi và Dung muội đều cho rằng cái khăn quấn quanh cổ tay trông có vẻ phiêu du lãng tử...
Nàng đến. Tôi thấy nàng dễ dàng từ chỗ ngồi hướng ra cổng. Bước xuống taxi, vừa đi nàng vừa nhớn nhác nhìn lui như sợ có ai nhìn thấy. Bây giờ thì nàng đang sải bước qua những khóm Bonsai trước quán. Tim tôi đập như vũ bão.  Nàng không giống hình ảnh của Dung muội trên màn hình, không có bộ ngực cương nở, không có kiếm đeo vai, không có đôi mắt to choán gần hết gương mặt. Nàng gầy mảnh, ẻo lả như hoa phù dung, da trắng xanh như chưa hề gặp nắng trời. Trong bộ quần áo rất mốt nhưng nhàu nát, nàng bước đi ngập ngừng như đang lạc vào một thế giới xa lạ, mắt ngơ ngác nhìn quanh với vẻ ngu ngơ xao xuyến đến não lòng. Không giống trên màn hình, nhưng cốt cách ấy chính là Dung muội của tôi: người nữ kiếm khách tuổi teen luôn níu lấy tôi nhờ chở che, vì có nàng mà tôi thành anh hùng, vì có nàng mà tôi thành vô địch. Tôi run run bước lại bên nàng. Nàng nhìn tôi, lặng phắt.
“Anh không phải là Lăng Hoa Tử!”. Thật bất ngờ, nàng kêu lên, cái miệng xinh xinh méo đi, đau đớn. Rồi nàng bật khóc, khóc tức tưởi.  Đôi mắt thỏ trong veo cứ nhìn, đầy vẻ trách oán. Ức quá, nào tôi có lỗi gì đâu?

Sau này tôi mới hiểu vì sao nàng thất vọng. Còn lúc ấy, chỉ thấy tức giận và hụt hẫng. Lúc đó tôi không thấy mặt mũi mình. Đôi mắt trõm lơ, gò má hốc hác, chiếc áo nâu cũ xốc xếch. Nàng khóc ròng như cha chết, làm nhiều người trong quán bắt đầu quay lại nhìn. Vụt cái, nàng quay lưng, như muốn bỏ trốn. Trong lòng tôi cuồng nộ bỗng nổi lên như lửa. Cơn cuồng nộ này đã thường xuyên đến với tôi lâu rồi, nó đã giục tôi xọc kiếm vào bụng, bủa gươm vào đầu những con người ảo. Nó cho tôi niềm sướng khoái của chiến thắng khi những giọt máu ảo văng tung tóe, chẳng khác chi thứ máu màu tím mồng tơi của lũ bọ vàng... Dung muội cũng là ảo. Cô gái đang chối bỏ tôi đây cũng là ảo. Cơn cuồng nộ cháy bùng,  tôi chộp lấy vai nàng, kéo lại. Tôi thà bóp chết nàng, chứ không để nàng bỏ tôi đi...

Nàng hét lên, dãy dụa vuột ra. Cuống cuồng, nàng lao vào những đám người trên phố. Trông giống hệt con mèo chạy trên đường lộ, chẳng biết chi đến những quy tắc của loài người. Cứ thoăn thoắt như đang  chạy thoát thân giữa những vách đá, trong Thung Lũng Đoạn Hồn...
Nhưng đây không phải là dãy Nga Mi với những cánh đồng hoa xuyên tuyết giá băng dưới chân núi.
Tôi hoa mắt. Một tiếng thét kinh người. Nàng ngã xuống giữa đèn xe nhấp nhóa. Tôi thấy máu. Máu nàng không tím, máu nàng đỏ. Không phải là máu ảo.

Một lần nữa, Lăng Hoa Cốc lại ấp ủ tấm thân rạc rài của tôi. Tôi thấy như mình chết rồi, như đang đứng trên cầu Nại Hà nhìn xác thân mình trôi bập bềnh dưới kia, trên sóng nước. Đăng Minh đút cháo cho tôi. Tôi không muốn mở miệng. Thầy cúi xuống, cầm tay tôi, lắng nghe mạch đập. “Gắng đi con. Không ăn làm sao sống?” “Con không muốn sống nữa. Trên đời chẳng có gì lôi kéo nổi con nữa rồi”. Thầy bảo: “Không còn gì lôi kéo được nữa, chính là giải thoát. Chết có khó gì, sao không can đảm sống để đi cho hết nghiệp chướng của mình?”.
Tôi nghe lời thầy. Mấy tháng trời, các sư huynh theo giữ, không cho tôi đi đâu. Tôi cũng không thiết đi đâu, ngày ngày cầm bình tưới theo Đăng Minh ra vườn Vô Ưu tưới hoa. Trong vườn, sắc màu dịu dàng chen nhau như những nụ cười hiền hòa dịu ngọt. Tôi cố tìm lũ bọ vàng, nhưng chẳng thấy chúng đâu. Nếu thấy, chắc tôi chẳng biết xoay xở làm sao. Bây giờ tôi sợ máu, sợ vô cùng.

Đăng Minh và các sư huynh khác loay hoay gỡ những vành rơm nhỏ xuống từ thân cây. Tất cả được gom vào trong bao, buộc lại. “Làm gì vậy?” Tôi hỏi. Đăng Minh bảo: “Trong mùa đông, côn trùng vào trốn rét trong những vành rơm này, chúng sống trong đó, đẻ trứng trong đó. Mình gom lại, mỗi lần lên núi đem theo, cho vào chỗ hoang dại. Khỏi phải dùng đến thuốc trừ sâu”. Tôi ngước nhìn phù dung nay đã thành cây lớn, sắc hồng rợp trời. Sắc hồng làm tôi bỗng đau lòng... Thầy ơi, con phải đi. Phải đi cho trọn nghiệp của mình...
Thầy cho tôi làm lễ cởi áo. Lòng nao nao, tôi quỳ trước mặt thầy. Thầy bảo: “Ta vốn biết  con không có căn duyên ở chùa. Nhưng ở đời mà sống lành, cũng là tu Phật”. 

Tôi đi tìm Dung, khi ấy đã được gia đình đưa về Bắc. Hơn hai tháng điều trị trong bệnh viện mà đôi chân bị cưa vẫn chưa lành hẳn. Những ngày tĩnh tâm đã khiến khuôn mặt tôi dần lấy lại được dáng vẻ nhân hậu của mặt người... Vậy mà Dung vẫn  lấy gối che mặt để khỏi nhìn thấy tôi. Mãi sau, nàng bỏ gối xuống, nước mắt chảy tràn trên  mặt. Không phải trong thế giới ảo, đây là cuộc đời thực cay đắng. Dung cứ sụt sịt khóc, còn tôi lặng đi không còn lời để nói.
“Không có ai chăm sóc em sao?” Tôi hỏi. “Hôm nay thì không. Ba và dì ghẻ em thay phiên nhau, mỗi tuần mới vào một lần. Có thuê một người nuôi bệnh. Vài ngày nữa bà ấy nghỉ, mấy hôm nay dì đang cáu vì  lo không tìm được người khác”.
Tôi thầm cảm ơn Trời Phật đã thôi thúc tôi đến đây đúng lúc.

Một tháng trời tôi cần mẫn chuộc tội bên giường bệnh. Mẹ kế Dung cứ ngỡ tôi là người làm thuê lấy tiền, nên thường xuyên bắt tôi nghe những lời than vãn. Con bé èo uột, con bé được ba nó cưng chiều quá sinh hư. Suốt ngày đóng cửa ngồi trong phòng với cái máy, lớn tướng rồi mà ngây ngô như ngỗng đực. Ai rủ rê mà nó đem chiếc xe đạp Nhật mới kít bán có hơn trăm bạc, mua vé xe tốc hành đi vào . Đi rồi vác cái thân què về, sau này phải nuôi nó cả đời. Dung nghe mẹ kế một cách lơ đãng, miệng lẩm nhẩm hát, hình như cô bé đã nghe nhiều lần lắm rồi, cái tâm hồn non nớt và dại ngộ đã sớm gan lì với nỗi đau. Về sau, gặp lúc vui vẻ, cô bé kể cho tôi nghe: lần đó vì chỉ đủ tiền mua vé xe nên dọc đường phải nhịn suốt, trời lại mưa, vừa đói  vừa lạnh, ngồi co ro như con mèo ốm. Vậy mà chẳng biết khổ cực gì cả, chỉ mong mau đến để gặp Lăng Hoa Tử.

Nghe nhắc đến cái tên ấy, tôi bật cười. Hai bàn tay Dung nhỏ bé , mềm và lạnh, đầy mồ hôi, ấm dần lên trong tay tôi. Giờ phút ấy tôi biết định mệnh của mình. Cả hai chúng tôi  đều rất đau, nên sẽ phải dựa vào nhau mãi mãi.
Mùa thu năm sau, chúng tôi dọn về gian nhà nhỏ trong thung lũng dưới chân đồi. Tôi trồng cây, khai hoang, lúc rảnh thì đi nhận hàng thêu cho Dung. Thầy mỗi lần xong bản thảo vẫn sai đệ tử  đưa xuống cho tôi. Bây giờ không như trước, tôi vừa đánh máy vừa suy ngẫm những điều thầy viết.
Đến rằm, mồng một, Dung cũng theo tôi lên chùa lễ Phật. Thấy tôi đẩy xe lăn cho Dung qua đường dốc gập ghềnh, các sư huynh cho đắp đá con đường lên núi. Qua ba con dốc dài, vườn Vô Ưu hiện ra... Dung ngước nhìn tôi, hỏi:
- Người ta nói phù dung sớm nở tối tàn, sao chùa lại trồng trong vườn hở anh?

Tôi cười, nhớ lại có lần mình đã hỏi thế. Tôi giảng giải cho nàng hay: So với những sinh linh chỉ hiện hữu trong một sát na, thì hoa phù dung là quá thọ. Và sự sống dù là mong manh thoáng chốc, cũng đáng cho ta nâng niu yêu quý vô cùng.
Trong sân chùa, tôi gặp lại các sư huynh. Ai cũng trêu đùa vợ chồng tôi. Tôi cũng tự trêu: “Ì ạch theo xe vợ thế này, càng lúc càng xa Niết bàn”. Thầy nghe, lại cười. Mùa xuân qua, thầy có hành hương sang đất Phật. Thầy bảo tôi: “Niết Bàn không phải là một địa danh. Ở xứ Phật, người ta bảo, để cho lò than niết bàn đi, để cho ly nước niết bàn đi. Không vọng động, không sôi sục, ấy là Niết Bàn ngay trong lòng. Nào ai biết giữa chúng ta, ai xa, ai gần nơi ấy?”.
Huế tháng chín 2008
T.T.M

(nguồn: TCSH số 236 - 10 - 2008)

 

 

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.

  • TRẦN NGUYỄN ANH Trong gia đình tôi, dì là người đến sau cùng. Dì thường bảo tôi: “Ô Mai à, hãy coi dì là bạn nhé”. Tôi thẳng thừng bảo: “Tôi chỉ có thể coi dì như kẻ thù”.

  • NHẬT HÀ      Lần đầu về thăm Đồng Tháp Mười, thú thật, tôi thấy có nhiều điều rất lạ, từ mảnh đất, sông nước, cây cối, chim muông tới các địa danh và nhất là con người.

  • CAO LINH QUÂN                Ăn mày là ai?                Ăn mày là...                                (Ca dao xưa)

  • LAM PHƯƠNGNàng không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc đời không cho phép nàng lựa chọn. Ngôi nhà lá sùm sụp xám xịt như con ốc ma. Ba chị em không cùng cha và chưa bao giờ biết mặt cha. Và mẹ nàng, người đàn bà có khuôn mặt nhầu nhĩ như tấm lá mục úa, bươn bả mót máy làm thuê một ngày dẫn người đàn ông xa lạ về.

  • HÀ HUỆ CHI1. Mong đợi từ lâu lắm một tiếng cười sum họp. Tôi muốn khóc. Tôi muốn chết. Khi cuộc sống chẳng có gì giống một điệu múa. Khi trái tim chẳng buồn đốt pháo.

  • Phan HuyỀn ThưLam thấp thỏm nghe ngóng tiếng còi tàu từ xa vọng lại. Cứ khoảng hai phút một lần, tiếng còi hú dài xa xăm. Trời mưa to, chui tọt vào cái quán cà phê sát đường tàu, Lam ngồi gặm nhấm những thù hận của mình.

  • TRẦN HỒNG LONG“Tao cấm mầy nói nó chết! Nếu mầy còn nói nữa, tao sẽ đuổi mầy ra khỏi nhà tao ngay!”. Chỉ cần nghe cái “điệp khúc” ấy là dân xóm Vàm Đinh đủ biết bà Hoài chửi chị Ngọt ở trên tỉnh về thăm. Và, không cho chị nói chuyện anh Mặn hy sinh, mặc dù giải phóng đã hai mươi năm rồi vẫn không có một tin tức nào về anh.

  • ĐINH DUY TƯ         Truyện ngắn “Chỉ vì thằng Mỹ, tao mới đến nông nỗi này. Ví như không có hắn, tao thành trạng lâu rồi”.Đó là tuyên ngôn của một trạng lính. Vâng! Hắn tên là Nguyễn Đăng Lính ở cùng làng với tôi. Hai đứa nhập ngũ một ngày, nhưng ngành nghề có khác nhau.

  • NGUYỄN THỊ THÁIVào hội Văn học Nghệ thuật được gần năm, đây là lần thứ hai tôi được đi thực tế. Lần thứ nhất cách đây hai tháng.

  • HOÀNG BÌNH TRỌNGGập tấm bản đồ địa hình lại và vừa kịp đút vào xà cột, thì trung uý Trương Đình Hùng nghe có tiếng chân người lội bì bọp dưới suối. Lách mình ra phía sau cái trụ chằng phủ đầy dây hoa lạc tiên, anh thấy một người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần, cao lớn, vẻ mặt thô tháp, cõng chiếc ba lô cóc phồng căng từ dưới dốc bươn bả trèo lên.

  • Y NGUYÊN     ... Những người muôn năm cũ         Hồn ở đâu bây giờ

  • GIẢN TƯ HẢIGã bước xuống xe ôm móc ví trả tiền rồi lững thững bước về con phố ven đê. Chiều thu ánh mặt trời vàng vọt trải dài lên cái thị xã vùng biên vốn dĩ đã buồn lại càng thêm vẻ mênh mang hiu quạnh. Giờ tan tầm đã qua, dãy phố ven đê hoặc có người còn gọi là cái chợ người vốn tập trung nhiều lao động chân tay cũng đã vãn dần. Thấp thoáng vài bóng chiếc ô tô qua lại. Gã chậm rãi vừa đi vừa nhìn trái ngó phải, chốc chốc quay lại nhìn như sợ bị ai đeo bám. Chân gã đi giày thể thao adidas mới cứng, vận chiếc quần bò cũ đã thủng lỗ chỗ như đạn bắn, phía trên khoác chiếc áo đại cán rộng thùng thình màu cứt ngựa, đầu đội mũ cối Hải Phòng kiêu hãnh một thời cũng đã sờn cũ và bong lớp vải để lộ cái lõi xám xịt.

  • NGÔ HỮU KHOADưới gốc cây Sau Sau, thứ cây có thân gỗ nhưng muốn mang đốt cũng không cháy, dùng làm gỗ thì nhanh mục nên mới được sống tươi tốt ở vùng rừng thường xuyên được dân sơn tràng lui tới. Dũng trong thế ngồi co quắp, hai bàn tay giấu dưới vạt áo mưa để vừa tự sưởi ấm cho cơ thể vừa giảm tiết diện để tránh những hạt mưa lạnh buốt lọt qua tán lá rậm rạp, những hạt mưa mùa không biết mệt mỏi cứ rơi và rơi…

  • NGUYỄN VIỆT HÀCó một ngày rất âu lo đã đến với thằng béo. Bụng bồn chồn tưng tức, giống như đang ngồi giữa một cuộc họp trang trọng bỗng mót tiểu tiện mà không thể đi. Trước đấy hình như duy nhất một lần cái cảm giác bất an này cũng đã đến. Láng máng không thể nhớ.

  • MA VĂN KHÁNGKhi những người U Ní ở vùng biên sau mấy tháng trời đông giá, ngồi trong nhà đánh cuốc, sửa dao, đan lát bước ra khỏi căn nhà đất dày kín như cái kén, đặt chiếc vai cày lên cổ con trâu, đi những đường cày đầu tiên, hoặc rủ nhau đi bán công khắp các nơi trong vùng thượng huyện Bát Xát, thì hoa gạo bắt đầu nở.

  • PHAN TUẤN ANH- Anh ơi lên xe đi, xe chạy suốt Bắc Nam đấy.- Có đi Vinh hả anh, bao nhiêu tiền vậy?- Ôi dào! mấy chục ngàn thôi, lên nhanh đi anh ơi.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUYĐiện thoại di động trong túi rung lên báo tin nhắn đến, Luân uể oải mở ra xem. Khuya rồi sao còn ai nhắn tin nhỉ? Một số máy lạ với một dòng tin lạ hiện ra: “Bạn ơi tôi không biết bạn là ai nhưng tôi muốn bạn biết tôi sắp lìa xa cuộc sống này. Tôi đang tuyệt vọng”.Đúng là đồ khùng! Đồ dở hơi!

  • HOÀNG TRỌNG ĐỊNHPhòng giam chật chội, tối tăm...  Gần trần có một lỗ thông hơi. Bên ngoài lỗ thông hơi là bức tường tôn xám xỉn. Khe hở dài chừng 10 mét, rộng chừng 3 tấc, nằm song song và gần sát với mặt đường bên ngoài. Đứng trong phòng giam, từ lỗ thông hơi nhìn qua khe hở của bức tường, chỉ có thể thấy những bước chân người đi.

  • NGUYỄN TRƯỜNGThấy tôi ngồi chăm chú đọc thư, miệng cứ tủm tỉm cười, vợ tôi mới giả giọng, hỏi đùa:- Có việc chi thích thú mà cười một chắc rứa?- Có chuyện vui bất ngờ đấy em ạ! - Tôi vừa trả lời vừa kéo tay vợ ngồi xuống, rồi đọc lại một mạch toàn văn bốn trang thư của ba tôi từ Huế mới gửi vào.