Hô-vi-lô

15:22 08/09/2010
NGUYỄN KHẮC PHỤCÔng X nổi tiếng đến nỗi, chỉ cần tôi nhắc tên ổng trước mặt bạn, bạn sẽ ồ lên đầy vẻ háo hức và lẩm nhẩm hát ngay một giai điệu nào đó trong một bài hát nào đó của ông.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục - Ảnh: quandoinhandan.org.vn

Vì một công vụ, tôi buộc phải có mặt tại thành phố N. vào những ngày tháng sáu nóng khủng khiếp. Nóng đến nỗi, trước tám giờ tối, những công dân thành phố thích nấp dưới những bóng cây dọc con sông chảy qua thành phố hơn là trở về ngôi nhà nóng nảy của mình… May mắn thay, tôi được sắp xếp ở khách sạn K., một khách sạn không sang trọng gì so với các khách sạn khác trong thành phố. Nhưng nó lại nằm mấp mé bờ sông đoạn nối với biển nên gió trời thường xuyên thăm viếng các cửa sổ của nó. Bên cạnh cái hay bao giờ cũng kèm cái dở. Vì mấp mé bờ sông nên khách khứa trọ tại đây có nhiều dịp để thưởng thức mùi cá các loại từ khô, ướt, đến các mùi vị ươn nồng khác của cái bến cá tấp nập cho đến nửa đêm mỗi ngày… Và tôi được xếp phòng cạnh ngay căn phòng của ông X. Dĩ nhiên, như tôi vừa nói trên, cái hay và cái dở thường đánh bạn với nhau. Tôi được hưởng cái diễm phúc làm người hàng xóm với nhân vật nổi tiếng kia. Nhưng kèm theo lại có một tai họa. Ông X không mấy khi nhớ mở chốt cửa phòng vệ sinh sau khi đã sử dụng nó. Tôi cũng cần thuật lại một chút để các bạn có thể hiểu được cái bố cục kỳ khôi của khách sạn K. Để tiết kiệm diện tích và tăng thêm số phòng cho thuê, người thiết kế đã bố trí hai phòng ở liền nhau dùng chung một toa-lét. Bên này sử dụng thì mở cửa phần mình bước vào và khóa chốt của phần bên kia. Xong bao giờ cũng phải nhớ mở chốt cho láng giềng. Nhưng ông X lại ít khi dành thì giờ cho những chuyện lặt vặt như vậy. Đương nhiên sự đãng trí ấy của ông X gây cho tôi những trở ngại đáng kể trong sinh hoạt và không khỏi có lúc oán trách ông… Nhưng cứ hễ có dịp ngó thấy mặt ông đăm chiêu, tư lự, khi hân hoan nồng nàn khi trăn trở mở rộng với mái tóc muối tiêu lượn sóng duyên dáng đi dọc hành lang tầng hai khách sạn, tôi lại ân hận và xấu hổ trước những nỗi khó chịu tầm thường của tôi. Nghệ sĩ thì phải vậy chớ, ông đâu còn tâm trí để nhớ cửa toa lét cho mình một khi những con ong vàng vo ve bên tai ông những nốt nhạc thần thánh hay êm ái… Tôi còn được những nhân viên khách sạn long trọng kể cho hay rằng, ông là khách mời đặc biệt của địa phương. Và mọi người đều hồi hộp chờ đợi ở ông một sáng tác phẩm, cụ thể là một ca khúc tuyệt vời như ông đã có dịp làm cho những địa phương khác trước đây. Bạn thử nghĩ xem, bạn kiêu hãnh vì quê hương bạn, bạn xúc động mỗi lần quê hương bạn hiện lên trong phim ảnh hoặc được người ta ca tụng trên báo chí hẳn bạn sẽ hiểu nỗi háo hức của những người ở đây chờ đợi ca khúc của ông X viết về mảnh đất yêu dấu của mình… Trong đó họ sẽ bắt gặp những giai điệu hào hùng, mà lại đằm thắm âm hưởng quê nhà… Tôi còn biết thêm điều này nữa, ông X rất chú ý đến chiến công thời chống Mỹ của các chiến sĩ biệt động thành N. Ông dự tính phải viết bằng được một ca khúc tầm cỡ để ca tụng họ và thông qua cái sự ca tụng ấy bầy tỏ lòng biết ơn của nghệ sĩ đối với những người anh hùng, những người đã cung cấp chất liệu sống cho các nghệ sĩ cảm hứng và sáng tạo… Chỉ đến cuối tuần này ông sẽ tổ chức hát, trình bày bài hát đó trước đông đảo các vị đại biểu có thẩm quyền và hâm mộ âm nhạc nói chung, tài năng của ông nói riêng…

Vào một buổi chiều, có một chuyện đáng tiếc xảy ra trong phòng ăn. Từ trước tới rày, ông X thường ăn tiêu chuẩn 150 đồng một ngày. Không hiểu cô gái chịu trách nhiệm báo cơm nhằm đúng ngày có những xáo trộn về mặt trí nhớ báo lầm phần ăn của ông tụt xuống 50 đồng một ngày. Đứng ngay giữa phòng ăn, ông X mặt đỏ tía tai quát lên:

- Tôi là ai cô biết rồi chớ? Tôi có phải hạng người ăn thứ cơm 50 đồng không? - Cô gái báo cơm run lên, rồi rối rít xin lỗi và thật sự ân hận. Nhưng cơn giận dữ vì tự coi là cô gái cố ý làm nhục mình, ông X đùng đùng bỏ ra khỏi phòng ăn. Ông đi rồi, tất cả chúng tôi vội vã ngó vào phần ăn của mình để xem mình là hạng người nào. Hầu như tất cả chúng tôi đều là hạng ăn cơm 50 đồng một ngày…

Rồi cuối cùng ngày ông tổ chức trình bày ca khúc của ổng ca tụng các chiến sĩ biệt động mang một cái tựa đề khá gợi cảm và khái quát: “Hát về em, người nữ anh hùng biệt động”. Tôi không được vinh dự là khách dự buổi trình bày ấy nên không hiểu diễn biến cụ thể ra sao. Nhưng biết chắc một điều, buổi biểu diễn phải thành công lắm thì gương mặt ông mới rạng rỡ thế kia khi ông trở lại phòng. Và có lẽ ngây ngất trong vinh quang và xúc động, ông thấy cần chia xẻ chút ít với tôi, kẻ láng giềng bất hạnh của ông. Ổng nhẹ nhàng gõ cửa phòng tôi. Mở cửa trông thấy ông, tôi sung sướng mời ổng vào và long trọng khác thường mời ông dùng tạm ly trà Mai Hạc. Thế là quên bẵng nỗi buồn bị liệt vào hạng người ăn cơm bậc thấp nhất trong khách sạn, tôi rụt rè hỏi ổng: do đâu mà ông có thể viết bài hát tuyệt vời và chân thực đến thế. Ngạc nhiên vì sự thiếu hiểu biết và máy móc của tôi, ông trả lời hóm hỉnh: “Anh hãy yêu đi, anh sẽ hiểu bí quyết thành công của nghệ thuật!” Vừa lúc đó một đồng chí phụ trách văn hoá địa phương lên thăm và chúc mừng thành công của ông X bước vào phòng tôi. Chúng tôi nói nhiều chuyện nhưng chủ yếu xoay quanh việc ca tụng và thán phục tài năng của ổng… Bỗng nhiên ở căn phòng đối diện, căn phòng dành cho những nhân viên khách sạn trực đêm văng vẳng ra một giọng hát phụ nữ, hát sai nhạc nhưng khá cảm động. Đặc biệt hơn nữa, cô gái nào đó trong căn phòng ấy lại hát đúng bài của ổng vừa sáng tác và vừa trình bày. Hình như người hát mỗi lúc một say sưa, cho nên bên cạnh cái vụng về chính ông X cũng phải thừa nhận, “ca sĩ” nghiệp dư này hát có hồn hơn ca sĩ chuyên nghiệp nhiều… Đồng chí phụ trách văn hoá mở cửa bước ra và ghé mắt vào cửa sổ che rèm sơ sài của căn phòng ấy nhìn mặt “ca sĩ” và hào hứng trở lại:

- Các anh biết không, người đang hát dĩ nhiên phải có hồn hơn ca sĩ chuyên nghiệp vì một lẽ đơn giản: chính chị ấy là nữ anh hùng biệt động thành N. thời chống Mỹ. - Không để ý tới thái độ kinh ngạc của tôi và ông X., đồng chí ấy kể tiếp: - Và hiện giờ chị ấy làm một công việc hết sức khiêm tốn: chuyên báo cơm cho khách ở khách sạn này!

Không hiểu ông X nghĩ gì lúc đó, còn tôi, tôi nhớ đến gương mặt bối rối và thái độ cuống quít của người nữ anh hùng ngày xưa ấy trước mặt nghệ sĩ sáng tác bài hát ca tụng chính chị khi chị báo cơm lầm từ 150 đồng xuống 50 đồng một ngày… - Và các anh hãy lắng nghe, dưới đường vừa vọng lên tiếng gì đó mơ hồ như là: Hô-vi-lô… Tôi lắng nghe, vâng, quả thực là tiếng Hô-vi-lô của những người bán dạo hột vịt lộn trước cửa khách sạn. Tiếng rao ấy liên quan gì đến người nữ anh hùng biệt động và người nhạc sĩ nổi tiếng? Đồng chí ấy nói tiếp:

- Một trong những chiến công chói lọi nhất của chị ấy và đồng đội là trận đánh bọn sĩ quan Mỹ trong chính khách sạn này… (khi ấy đây là cư xá của chúng)… Họ đã dùng tiếng rao của những người bán hột vịt lộn làm khẩu lệnh tấn công… Hô-vi-lô… có giống ba nốt nhạc kỳ diệu không, thưa nhạc sĩ X?

Thành N ngày 20 tháng 9 năm 1983
N.K.P
(4/12-83)





Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN THÙY MAIKhi mới vào tu học, tôi được giao chăm sóc vườn hoa trước chùa. Tên vườn là Vô Ưu, nghĩa là không phiền não. Vậy mà tôi đã bắt đầu ưu phiền từ đó. Tiết mạnh xuân, thầy tôi cho dựng thêm mấy nếp nhà cỏ men hồ. Đệ tử dạo này đã hơn mười người, phải có chỗ để tĩnh tâm, tụng niệm. Mỗi nếp nhà được đặt một cái tên. Nhà tôi ở ngay bên khóm hoa súng tím, gọi là Lăng Hoa Cốc.

  • DƯƠNG ĐỨC KHÁNHCho đến thời buổi này, cái chợ làng Thanh vẫn đông một khúm lèo tèo dưới tán cây sen cổ thụ vào buổi chiều xế. Vẫn làng tàng, xập xệ như cái tên gọi xưa nay: Chợ Kệ!. Cái tên chẳng ăn nhập gì đến tên làng, tên đất nhưng nó gắn liền với bản chất xuề xòa, nhân hậu của những lớp người quê bao đời nghèo khó.

  • LINH CHI         Quê Hoàng, một làng quê chiêm trũng miền Trung, đẹp và yên bình. Hoàng rất yêu quê nhà không chỉ bởi vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn, mà bởi đó còn là nơi chắp cánh cho những ước mơ hoang tưởng non nớt thuở xa xôi của Hoàng.

  • NGUYÊN QUÂNNhững buổi chiều nắng ráo, gã thường ra ngồi ở đây, dọc theo hai triền sông, nở đầy những bông hoa dại - loài hoa vươn dài, xòe những chiếc lông màu tím như cái đuôi chồn. Trong bóng chiều dần dần ngả màu tối, gã vẫn ngồi ngắt từng cánh... từng cánh hoa ném xuống dòng sông.

  • VĂN ANMặt trời đã khuất sau rặng núi xa xa, bầu trời chỉ còn sót lại những vệt sáng yếu ớt như những chiếc nan quạt hắt lên từ phía chân trời.

  • NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ anh hay, rất nổi tiếng, nhiều người ái mộ.Năm 1975, anh cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Sài Gòn, trụ lại thành phố làm đại diện một tờ báo, chốt trực cơ quan. Ở rừng lâu, nằm lán, ngủ võng cũng quen, nay về phố thị, căn hộ hai ba phòng, tự nhiên thấy trống trải, trằn trọc. Hoà bình rồi, cần ổn định cuộc sống, việc đầu tiên là đón mẹ con nó vào.

  • ĐỖ KIM CUÔNGNấn ná mãi tôi mới quyết định đi thăm Hiền. Quãng đường hơn trăm cây số, vượt qua đèo Cả không có gì đáng ngại. Chỉ hơn ba giờ đồng hồ ngồi xe đò và hơn một giờ nữa trên chếc xe ngựa của ông Sáu cụt chân là tôi đã có thể tới làng Vĩnh Hiệp Nam, về ghềnh Đá Đỏ. Nhà cô giáo Hiền ở đó.

  • LÊ MAICơn mưa chiều sầm sập kéo tới, mưa đổ bì bộp xuống mái nhà; hạt mưa nặng đến nỗi Hoàng tưởng như những tấm tôn phải oằn rướn lên chống đỡ; nước từ các máng xối tuôn ra ào ạt kéo theo hàng đụn lá khô, cỏ rác tràn đầy cống ngoài đường. Mới có năm giờ chiều mà như tám giờ tối.

  • HƯỚNG DƯƠNGTruyện ngắnMùa đông năm ấy tôi phải đi công tác tại một thành phố nhỏ ven biển. Khách sạn tôi trú chân nằm trên một ngọn đồi, nó không sang trọng, bề thế như nhiều khách sạn khác. Nhưng bù lại, nó hướng mặt về phía đại dương. Địa điểm này thật sự lý tưởng cho khách du lịch vào mùa hè, còn mùa đông thì chỉ có những người đặc biệt hay những công việc đặc biệt người ta mới tìm đến đây nghỉ lại. Một người bạn thân đã cho tôi địa chỉ của nó. Tôi khá hài lòng nếu như bạn hàng của tôi không bắt tôi chờ bão tan rồi mới đáp máy bay đến ký hợp đồng.

  • TRẦN HẠ THÁP(thân tặng Ng.X.Hoàng)

  • TRẦN HẠ THÁP    (tiếp theo)

  • VÕ THỊ ÁNH HỒNGTôi vừa chạy vừa gọi chị trong tiếng sóng rì rào và tiếng lao xao của dãy phi lao. Như không nghe thấy tiếng tôi, chị vẫn thẫn thờ nhìn về xa xăm, chờ đợi...

  • PHẠM NGỌC TÚYĐó là một cặp vợ chồng trông rất đẹp đôi và hạnh phúc. Chàng cao lớn, mặt vuông. Nàng mảnh khảnh, xinh xắn. Khi lấy nhau, họ ở nhà tập thể của cơ quan. Sau khi cơ quan dời đi chỗ khác, người được phân đất, kẻ được chia nhà, lần lượt dọn đi. Chỉ trừ chàng. Chàng vì cô mà ở lại.

  • PHẠM XUÂN PHỤNGXưa có một người nông dân chất phác cần cù, nhà ở gần bìa rừng, làm lụng đầu tắt mặt tối bao năm mới dựng được ngôi nhà tranh ba gian hai chái. Trước nhà có cái sân rộng dùng để phơi lạc, loại nông sản chuyên canh của dân trong vùng. Hai vợ chồng có mỗi mụn con trai nên thường chăm bẵm, những mong sau này có được dâu hiền, phúc nhà đến độ, may chăng cháu chắt đầy nhà là mãn nguyện.

  • NGUYỄN NGỌC LỢICây mai dáng trực đặt nơi khoảng sân lát gạch đỏ của toà nhà ấy đã làm xôn xao cả phố. Gốc cây mai to gộc, u bạnh của nó bám đầy địa y mốc xanh mốc trắng.

  • TRẦN THÙY MAIThấp thoáng trong văn Trần Thùy Mai là sự phô phang hình hài của linh tự. Những linh tự tủi buồn bởi hết thảy chúng đều được hoài thai từ “độ chênh” của những mối tình khó lần ra hồi kết. Điều đó khiến mỗi truyện ngắn của Mai như là một miếng hồng trần nhỏ nhắn - chị lặng lẽ vấy vá bằng sợi tầm ma trước mỗi rạng đông...

  • QUẾ HƯƠNGTôi băng qua đường để lên cầu Trường Tiền. Thằng Tí kéo tay tôi lại: “Cậu qua đường mần chi, xe cán chừ!”. Tôi cứ qua. Đám trẻ con đang chơi ở công viên trước mặt ném đá vào tôi. Tôi chạy lên cầu. Đám trẻ réo: “Ông điên! Ông điên!”. Tí chạy theo, vừa thở, vừa nắm tay tôi: “Ai bảo cậu qua bên ni, dắt cậu thiệt mệt!”.

  • NGUYỄN NGUYÊN PHƯỚC Vào một buổi tối mùa thu, Đinh Hoài Viễn, một nhà văn trẻ tuổi, một người hoàn toàn vô danh trong văn giới, trong khi bóc phong thư mới nhận được vào buổi sáng ngày hôm đó, đã phát hiện ra ở mặt sau cái phong bì rỗng ấy một văn bản kỳ lạ trong hình thức của một truyện ngắn không đề tên tác giả.

  • ĐỖ KIM CUÔNGQuán cà phê cây sứ của vợ chồng Tư Hiền nằm ngay mặt tiền con đường nhỏ dẫn ra biển. Quán không trang hoàng đèn xanh đèn đỏ, không quầy két, không người chạy bàn, chỉ dăm ba bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền.