Hàm Nghi yêu dấu

15:17 07/07/2015

BÙI KIM CHI 

Vào Thành nội, hai con đường nhỏ hai bên hông trường trung học Hàm Nghi có lá phượng bay, có vòm nhãn che đường làm nền cho ngôi trường uy nghi, bề thế nằm ở giữa. Trước cổng trường có con đường nhỏ chạy ngang qua với hai hàng mù u lấp lánh nắng vàng tươi chụm đầu vào nhau nghe và thủ thỉ chuyện học trò.

Trường trung học Hàm Nghi năm xưa - Ảnh: hamnghihue.com

Đây là ngôi trường mang tên vị vua yêu nước triều Nguyễn, tiền thân là trường Quốc Tử Giám của Kinh đô Huế. Trường được thành lập năm 1955. Đến nay đã tròn 60 năm. Sáu mươi năm với những đổi thay đáng kể của không gian lẫn thời gian nhưng trường vẫn giữ nguyên nét cổ kính; âm thầm, lặng lẽ dõi theo và ghi dấu sự thành đạt của bao thế hệ học trò Hàm Nghi.

Nhớ một sáng cuối xuân tôi trở lại Hàm Nghi - ngôi trường thân quen từ thời con gái với những chiều thu sau giờ con trai Hàm Nghi tan học, tôi cùng M.H con gái thầy hiệu trưởng Hồ Văn Lê (nhà ở trong trường) lang thang trong sân trường nhìn và đếm lá bàng rơi... Một chiếc lá thẳng đứng... một chiếc lá vàng lãng đãng trong gió chiều bàng bạc... một chiếc lá chao nghiêng với màu nâu pha đỏ, buồn... Tất cả lặng lẽ nằm yên trên đất. Cơn gió muộn cuối mùa chợt đến cuốn tất cả vào những nơi vô định. Hai đứa con gái cùng thổn thức. Một chút lãng mạn đáng yêu. Trường học của tôi thời con gái chỉ có lá phượng bay không có cảnh lá bàng ngập ngừng rơi. Sân trường đang xuân lá bàng xanh mướt giữa nắng xuân bắt đầu vào hạ. Hoa nắng xôn xao, rộn ràng trên sân. Cô gái ngày xưa không còn lang thang đếm và nhìn lá bàng rơi nữa mà... bắt đầu đếm thời gian làm cô giáo Hàm Nghi. Tôi chuẩn bị tư thế nhập cuộc với thế giới học trò chỉ toàn là con trai. Cô giáo cố gắng tạo cho mình một “thế đứng” vững chãi trước học trò. Mà cô nghiêm thật. Ít nói. Để dè chừng. Lớp cô làm hướng dẫn, lớn có, bé có. Nhưng tất cả đều sợ cô. Cô giáo trẻ nhưng nguyên tắc. Xin thêm điểm. Không cho. Lớp trưởng Trần Ngọc Phú học rất giỏi, ngoan hiền, mặt mày sáng sủa, giúp cô rất nhiều công việc trên lớp nên được cô thương, cô quý. Đặc biệt chữ viết của Phú rất đẹp. Cô ngưỡng mộ. Nguyễn Xanh da ngâm đen, lớn con. Nếu có ai “ăn hiếp” cô thì Xanh có thể bảo vệ được. Thế là cô yên tâm. Lê Hội có duyên, hát hay. Thường hát cho cô và các bạn nghe. Phong cách điệu nghệ nhưng dễ thương. Bước chân lên bục em nhìn cô - cười. Em hát cô hí! Bài chi cô hè? Rất ngây thơ. Tôi cười. “Tùy em”. Giây phút đó cả cô và các bạn lắng lòng theo tiếng hát trầm ấm của Lê Hội. Rất hay và truyền cảm. Lê Nguyên Chi là một chú tiểu. Thường hay bị các bạn chọc ghẹo. Tôi phải nhẹ nhàng dỗ ngọt. Hồi đó, vào lớp dạy thấy chú tiểu Nguyên Chi mặc đồ tu là tôi thương. “Tội nghiệp còn nhỏ quá mà phải đi tu”. Tôi nói với chị Hương Trà. “Phước duyên đó em”. Tôi dạ. Phạm Trung Long cao, điềm đạm, còn nhỏ nhưng có dáng vẻ nghệ sĩ, hay đạp xe đạp đi ngang nhà cô. Chỉ nhìn, không dám vào. Một lần Long được làm sơ mi môn Tập Làm Văn Nghị Luận Văn Học, tôi vui, tặng cho em tập nhạc của Tôn Thất Lập. Mừng lắm. Sau mấy chục năm không hiểu Long còn giữ lại không hay nó đã “buồn bã đi cùng thời gian”. Ngô Hiền rất nhỏ con. Cô nói. Răng ốm rứa. Dạ, em ăn ít thưa cô. Cô phán, không phải, em nghịch nên ốm. Hiền le lưỡi. Trần Đức Sơn rụt rè, ít nói. Hay lấm la lấm lét nhìn cô giáo vẻ sợ sệt. Ở một lớp khác có Dương Hội. Rất nhanh nhẹn. Trên lớp, cô nhờ việc gì là nhiệt tình làm ngay. Đôi lúc có nghịch nhưng là cái nghịch trẻ con. Chấp nhận được. Nguyễn Ngọc Bính ở cạnh nhà cô. Hiền lành. Cô hay nhờ Bính mang tập về nhà cho cô. Ngoài giảng dạy môn Văn thầy Trần Đức Võ, giám học còn phân cho tôi dạy môn Công Dân Giáo Dục lớp 6. Thế là ngoài tên của mình, tôi còn có tên “Cô Công Dân Giáo Dục”. Đó là tên gọi mà các em học trò lớp 6 đã đặt tên cho cô giáo. Thật xôn xao khi “Cô Công Dân Giáo Dục” vào lớp. Lớp này có Mai Văn Bôn và Nguyễn Minh Tuấn. Bôn và Tuấn đều học giỏi. Bôn có nước da trắng hồng, mắt sáng lanh lợi. Tuấn tròn người, ít nói, miệng cười có duyên. Cô gọi trả bài, hay đứng khoanh tay trả lời rất lễ phép. Một lớp khác nữa, hình ảnh của em Khai, tôi quên mất họ đã ghi dấu trong tôi tình cảm đặc biệt. Mãi đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ. Tập Làm Văn bị 1 điểm. Em nhỏ con, trắng trẻo, dễ thương lên đứng mãi ở bàn giáo sư đặt trên bục ciment cao. Khai đứng ôm một chân bàn, khóc. Khóc mãi. Xin cô cho thêm điểm vì sợ về nhà ba đánh. Cô thương nhưng không cho. Đảm bảo công bằng. “Lần sau em sẽ cố gắng”. Cô cũng không cho. Có lẽ lúc đó em ghét cô lắm phải không Khai? Nhưng rồi những ngày sau đó cô đã để công dành riêng cho em một khoảng thời gian sau khi tan học để hướng dẫn phương pháp Tập Làm Văn tả cảnh. Khai còn nhớ không? Còn Phạm Văn Sang và Lê Viết Ngọc tôi không nhớ là học với tôi lớp mấy. Hai em ngồi cạnh nhau. Thân nhau. Cả hai cùng ở trên một con đường và hai người cha đều là bác sĩ. Sang to con, mập, đen, nghịch ngầm nhưng không qua được mắt cô. Ngọc hiền lành, nước da trắng, mắt đeo kính cận. Cả hai đã bắt đầu ra vẻ thanh niên.

Học trò Hàm Nghi thời tôi dạy cách đây hơn 40 năm là các em học sinh chăm học, có em học rất giỏi. Vẫn có vài em nghịch nhưng là cái nghịch trẻ con và dễ thương của tuổi học trò. Không có trường hợp vô lễ với thầy cô. Tôi hay giải quyết: “Thưa cô, thằng Xanh kêu tên ba em”. “Thưa cô, thằng Hiền kêu em, mà hắn không kêu tên em lại kêu tên ba em”. Tức cười vì nhớ hồi nhỏ đi học mình cũng bị các bạn kêu tên mẹ mình. Tôi cố trấn tỉnh và nhẹ nhàng: Ui cha, bậy nà. Lần sau đừng kêu bạn như rứa. Vô lễ với người lớn đó nghe. Vậy là yên. Học trò học giỏi, chăm ngoan nên giáo sư hướng dẫn cũng khỏe chỉ toàn tâm toàn ý chăm lo việc học cho các em. Tình cảm của thầy cô và học trò dành cho nhau cứ thế lớn dần, lớn dần cho đến một ngày... trường Trung Học Hàm Nghi không còn nữa. Tôi bùi ngùi tiếc nuối. Theo thời gian, học trò Hàm Nghi sau này có rất nhiều người đỗ đạc cao. Đó là những tiến sĩ, bác sĩ, giáo sư, luật sư, kỹ sư, doanh nhân giỏi, có tâm có đức; những nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử nổi tiếng. Ôi, Hàm Nghi ơi! Rất đỗi tự hào. Trường xưa với đồng nghiệp, học trò thân thương đã làm cho tôi nao lòng mỗi khi có dịp trở về Huế và đi ngang qua. Nhìn. Lòng buồn bã mơ về quá khứ đã xa đang kết thành nỗi nhớ trong tôi. Những cây bàng ngày xưa không còn dáng vẻ điệu đàng dưới mắt tôi; âm thầm gọi hồn cô giáo trẻ dõi mắt theo những tán lá xanh rờn ôm ấp một khoảng không gian êm đềm, dịu ngọt của những mùa xuân rồi tiếp mùa hạ ghé qua. Những chiều thu bàng bạc lá bàng rơi và đông về, lạnh lùng mưa thả bong bóng dập dìu trên sân. Tôi vẫn như còn cảm nhận được cảm xúc rạo rực với những giây phút riêng tư đứng nhìn lá bàng tinh nghịch đuổi nhau trên sân trường...
 

Cầm tấm giấy mời “Hội ngộ 60 năm Trường Trung Học Hàm Nghi - Huế” trên tay do Ban Liên Lạc Cựu Giáo Sư và Học Sinh Hàm Nghi ở Huế gửi vào tôi bồi hồi, xúc động. Chương trình Lễ hội thật hoành tráng. Hàm Nghi ơi, Hàm Nghi ơi! Tôi sẽ về. Sẽ trở về. Nhất định về... 60 năm trôi qua với những buồn vui của nhiều thế hệ thầy cô và học trò. Đây là dịp “Về nguồn”. Tôi bỗng nhớ đến chị Đoàn Thị Yến, chị Nguyễn Thị Hương Trà, bạn Công Tằng Tôn Nữ Ái Hoa, một thời cùng tôi dạy ở Hàm Nghi. Các chị đã giã từ cõi tạm. Ở một nơi nào đó, mong các chị trở về trường Hàm Nghi để được cùng nhau ngồi trên những bậc đá thanh ở Di Luân Đường. Nhớ những buổi chiều tắt nắng, chị em mình ngồi nhìn mây màu khói hương bàng bạc ngang trời trong tiếng chim ríu ra ríu rít gọi đàn trên những cây bàng lá đỏ. Chị Yến nói: “Nơi đây, tổ ấm của tụi mình”. Nhất định các chị phải về. Phải trở về trong ngày kỷ niệm 60 năm thành lập trường...

Huế lễ nghi. Huế hiếu học. Học trò Hàm Nghi lễ phép, học giỏi, thành đạt. Huế có tình, có nghĩa. Huế lãng mạn, Huế nên thơ cho nên Huế có nhiều tình sử chuyện học trò. Hàm Nghi rộn rã tình thầy cô, tình bạn bè, tình yêu - thứ tình muôn thuở của tuổi học trò không bao giờ nhạt phai. Nhớ Hàm Nghi, tôi nhớ đồng nghiệp, nhớ học trò, nhớ mái ngói rêu phong cổ kính của Di Luân Đường, nhớ hai dãy lớp học cũ và mới đan kết tình thầy trò ngan ngát giữa không gian trầm mặc bên trong thành quách rêu mờ của một thời đã xa. Hàm Nghi yêu dấu, nơi đã giữ lại trong tôi một thời làm cô giáo, thấp thoáng nụ cười xinh bên đàn học trò con trai vừa học giỏi vừa chăm ngoan nhưng đôi lúc cũng “nghịch ngầm” đáng yêu.

B.K.C  
(SDB17/06-15)



 




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN KHẮC VIỆN
                    Trích hồi ký

    - 75 rồi đấy, ông ơi! Viết hồi ký đi. Chuối chín cây rụng lúc nào không biết đấy!

  • Chiều 15-4-89, 14 giờ. Phòng họp của Hội VHNT Bình Trị Thiên đã chật hết chỗ, nhiều người ngồi lên bậc cửa sổ.

  • HỒ VĨNH

    Nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh sinh ngày 15/6/1905 tại Phú Hội, thành phố Huế. Thuở thiếu thời ông là người ngay thẳng, vui tính, thích văn chương nghệ thuật; ông bước vào nghề báo từ năm 1929 và tham gia hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận Dân chủ tại Huế và hoạt động báo chí do Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Trong lịch sử xây dựng tổ chức văn nghệ trên đất Cố đô Huế 70 năm qua, nơi ghi dấu nhiều sự kiện, nhiều kỷ niệm nhất hẳn là ngôi nhà 26 Lê Lợi, bên bờ nam sông Hương.

  • Đó là đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điếu văn linh mục Phạm Bá Trực.

  • Từ Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn, cụ Bùi Bằng Đoàn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc, của chế độ cũ - mới để tham gia chính quyền cách mạng.

  • HOÀNG VŨ THUẬT
                    Bút ký

    Hồi ấy tôi cũng là ông giáo làng, sáng đi tối về. Chiến tranh như cái máy ủi đã san phẳng bất cứ thứ gì dựng lên trên mặt đất.

  • Văn Cao là một trong những nhạc sĩ thuộc lớp tiền bối của nền tân nhạc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn gắn chặt và hoà trộn với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Nhiều tác phẩm của ông đã trở thành di sản âm nhạc quý báu của nước nhà. Trong đó, có tác phẩm Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam – mà ông là tác giả.

  • PHAN QUANG
                Hồi ký

    Vua Hàm Nghi ghé làng tôi. Vua nghỉ lại ở nhà tôi. Điều đó xảy ra một trăm năm về trước. Và nhà ấy là nhà của ông nội tôi.

  • Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Ngân Giang viết như một dòng sông tuôn chảy điều hòa. Bà là một hiện tượng trên thi đàn Việt Nam: người làm thơ liên tục dài năm nhất (từ 1922 tới khi bà qua đời- 2002), có số lượng thơ thuộc loại nhiều nhất (hơn 5.000 bài) có nhiều bài được truyền tụng (như Trưng nữ vương, Xuân chiến địa...)

  • KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1949 - 2015)

    PHẠM HỮU THU 

    Trước khi ông Lê Sáu, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế qua đời, tôi may mắn được ông kể cho nghe nhiều chuyện, phần lớn là những ân tình mà đồng bào, đồng chí đã dành cho cách mạng trong những năm ác liệt của chiến tranh, nhất là những tấm gương lặng lẽ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

  • PHAN NAM SINH

    Thầy tôi mất trưa hôm 16/1/1959 tại số nhà 73 phố Thuốc Bắc - Hà Nội. Sau khi cùng các anh chị tôi lo xong đám tang cho ông, mẹ tôi thu dọn tất cả số sách báo, sổ tay ghi chép, di cảo... của ông để lại vào trong hai chiếc va li loại lớn được ông mang về từ lần đi Trung Quốc dự lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn.

  • Nhiều người Huế ngày trước thuờng ngâm nga câu hát: “ Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi/ Cô đi về đâu tan buổi học rồi?/ Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao/ Cô về Bến Ngự hay về Đông Ba / Cô về Vĩ Dạ hay ngược Kim Luông/… Tôi mơ một bóng khi về đơn côi/ Áo dài dáng đẹp tóc còn buông lơi/ Ghi một kỷ niệm cuộc đời trong tôi”.

  • THÁI KIM LAN

    Từ xa nhận được hung tin Thầy nhập viện trong tình trạng nguy cập, tôi nôn nóng muốn về, hi vọng được gặp lại Thầy.

  • HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 70 NĂM HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ

    LÊ TRỌNG SÂM

  • 90 NĂM BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM(21/6/1925 - 2015)

    THANH NGỌC

    Sự hình thành và phát triển của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thừa Thiên Huế kể từ khi ra đời đến nay đã gắn bó rất chặt với đời sống báo chí. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi những mầm xanh của VHNT rất cần được gieo trồng trên cánh đồng báo chí. Điều khác nữa, Huế - vùng đất từng là “thủ đô văn hóa” của cả nước, nơi báo chí phát triển cực thịnh mấy chục năm từ trước 1945 đến 1975, các nhà văn hoạt động mạnh mẽ trên lĩnh vực báo chí là lẽ đương nhiên.

  • TRANG ĐOAN

    “Một tiếng lôi đình kinh vũ trụ
    Tấm gương trung nghĩa động thần minh.”[1]

     

  • Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 19/5 kênh VTV1 đã trình chiếu bộ phim tài liệu: Hồ Chí Minh - Bài ca Tự do. Có thể khẳng định: đây là một trong những bộ phim tài liệu đặc sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi đã từng được xem.

  • NSND Trà Giang chia sẻ ký ức và cảm xúc về bức ảnh được chụp cùng Bác Hồ năm 1962.

  • Tháng 3-4/1975 Phó Cục trưởng Cục Quân nhu Từ Giấy và con trai Từ Đễ cùng hướng tới Sài Gòn bằng con đường khác nhau: người cha đi theo đường mòn Hồ Chí Minh, người con đi bằng máy bay.