Góc rừng ấm áp

10:38 30/04/2018

NGUYỄN NGỌC LỢI   

Ở đại đội tôi, trong mấy người lái xe kéo pháo, anh Cư là người tôi thương và quý mến nhất. Anh củ mỉ cù mì, lẳng lặng sống, lẳng lặng công việc.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Nhiều lúc tôi tự hỏi sao lại có người hiền lành vô sự đến thế. Nhìn mặt anh, nhìn con người anh người ta rất dễ cảm mến. Và có lẽ cũng chính vì vậy mà khiến tôi giật thót khi thấy xe anh vừa dừng, từ buồng lái một cô gái cắp nón bước xuống. Tôi nhận ngay ra đó là Thanh vợ Sơn. Cửa phía bên kia, anh cũng bước xuống, trông thấy tôi anh cười. Một nụ cười trông thương đến xót xa. Anh gục gặc đầu rồi chỉ sang cô gái, nói như thanh minh: Cái Thanh vợ Sơn, cậu nhớ không?

Tôi gật đầu, em nhớ. Có thế chứ, anh lại gục gặc đầu nói tiếp. Nhận hàng xong quay về, chờ ở phà Danh thì gặp. Sao tình cờ mà may thế? Tôi nhìn sang vợ Sơn buột miệng. Cái Thanh đi bán nón ở đó. Anh nói. Tớ hỏi có vào thăm thằng Sơn không thì nó bảo, anh nói thật hay nói chơi để em chuẩn bị. Tớ cũng nghĩ là hỏi cho vui, ai ngờ... Anh đưa mắt nhìn sang vợ Sơn. Vợ Sơn cười tươi, em cũng định thử cho vui chớ mô biết anh cho đi thật.

- Thế là hai cái đùa thành một cái thật. Mà sao Thanh lại ở đó?

Tôi nhìn vợ Sơn. Cô chưa kịp trả lời thì anh Cư đỡ lời, Lữ không nhớ nhà Sơn gần đó à. Tớ bảo có đi thì nhanh lên, phà sắp sang rồi. Thế là cô nàng quay lui, bảo anh chờ em. Không ngờ nó đi thật. Tầm đâu nửa tiếng sau đã thấy nó có mặt và vừa lúc xe xuống phà.

Tôi nhìn anh ái ngại rồi nói nhỏ chỉ đủ nghe, anh chỉ mang thêm rắc rối.

- Thì phải thương chúng nó chứ, mới cưới nhau…

Tôi nói thế là bởi mới cách một tháng trước anh bị đại đội trưởng mắng té tát ngoài kia, dọa sẽ báo lên tiểu đoàn để kỷ luật do trả phép chậm. Chuyện trước chưa xong bây giờ lại rước thêm đàn bà con gái vào trận địa trong hoàn cảnh này.

Tôi và Sơn cùng khẩu đội. Anh Cư lính 65, trung sĩ lái xe, chuyên kéo khẩu pháo của chúng tôi nên anh em có điều kiện gần nhau. Sống với anh từ đầu năm ngoái, trước khi đi tham gia chiến dịch ở chiến trường Lào. Anh dễ tính, xuề xòa, chẳng cáu gắt bao giờ, đặc biệt anh tận tụy với công việc, với nhiệm vụ được giao. Xe anh hễ đi đâu về một lúc đã bóng loáng, chưa hề xảy ra tai nạn hay sự cố nào. Con người anh hơi lạ, đó là lời anh. Tuổi ngoài ba mươi, mắt nheo nheo, mồm meo méo, lưng gù ngực lép, người dặt dẹo. Đặc biệt anh có thói quen như đã thành tật là hay ngúc ngắc gặc gặc đầu, khi vui cũng như khi buồn, đặc biệt những lúc xúc động mạnh là đầu anh luôn cử động như để giải tỏa bớt sự bức bối trong lòng. Còn cả khuôn mặt anh nữa, khuôn mặt gầy gò xương xẩu và không cân đối khiến mỗi khi cười trông anh rất tội. Anh sống với bọn lính trẻ chúng tôi cực tốt. Anh bày dạy nhắc nhủ chúng tôi đủ điều về đời sống của người lính thời chiến. Quê anh ở vùng trung du Phú Thọ, anh bảo nghèo khổ lắm. “Nhìn tao thì biết”. Mỗi nhà một quả đồi nào sắn nào khoai… Nhà nọ cách nhà kia một tầm tiếng hú, dân làng lam lũ lắm, quần quật kiếm cho đủ miếng ăn rất vất vả. Nơi nghèo khổ nên gái làng cũng chẳng được cô nào nhìn cho ra hồn. Tôi bảo sao anh cứ toàn nói xấu quê mình thế thì anh bảo vì đó là sự thật.

Vợ Sơn lẩn đi đâu một lúc, quay lại cười lỏn lẻn hửng hẫy cả đôi má:

- Em cứ tưởng phải khuya mới tới, hóa ra chỉ mất hơn buổi.

Vị trí giấu xe của đại đội là một khe cạn có mấy lán nứa xiêu vẹo cạnh khóm săng lẻ cụt ngọn, cách trận địa độ cây số, đường vòng vèo qua mấy đồi vừa cỏ tranh vừa sim mua. Nghe đâu năm trước, khi Mỹ còn ném bom miền Bắc, vùng này nổi tiếng ác liệt. Quanh các chân đồi, trong các bãi tranh miệng hố bom hố đạn còn dày đặc. Trong mấy chiếc xe của đại đội chỉ mình xe anh Cư được cử ra Vinh mua hàng chuẩn bị cho ngày 22/12 sắp tới, số xe còn sau khi lau chùi sạch sẽ được phủ bạt, các bố “giặc lái” nhà ta lúc này đang chúi cả vào chiếu bài “tiến lên” trong lán. Từ trận địa vào, tôi vừa nói đến xin ít luyn thải, không cần quay lại các anh bảo cứ lấy, dưới gầm xe ngoài kia. Tôi vừa trút luyn vào cái hộp đạn 12ly7 thì xe anh Cư về tới nơi. Nghe tiếng xe anh Cư về và tiếng con gái họ cũng chỉ ngoảnh ra vẫy vẫy rồi mắt lại dán vào ván bài.

Vợ Sơn đưa mắt nhìn quanh vẻ nóng ruột. Anh Cư bảo tôi:

- Cậu dẫn Thanh lên trình đại đội hộ cái, để tớ đi giao hàng rồi rửa xe luôn. Anh Cư bảo tôi rồi quay ra với vợ Sơn bảo, cô đi theo nó, thằng Sơn trên đó.

- Dạ. Em đi đã..

Vợ Sơn đã nhanh nhảu chào rồi quay sang tôi có ý giục.

- Nhớ chồng lắm hả, vô mà trị cái tính đĩ mồm của nó.

Tôi nói thay cho câu chào. Thật sự thì tôi không khoái cái vụ này lắm. Một là nó sẽ gây rắc rối cho anh Cư, rắc rối cho đơn vị trong điều kiện thiếu thốn giữa rừng giữa rú, lại toàn đàn ông… Hơn nữa đại đội trưởng của chúng tôi hơi khó tính. Giờ đưa cô ta đến sẽ sao nhỉ. Tôi cố hình dung ra vẻ mặt đại đội trưởng Cưỡng lát nữa. Ông ta sẽ cười hay nạt um lên. Vẻ mặt mai mái, rắn đanh ấy có mấy khi cười đâu, có cười cũng chỉ nhếch mép rồi mím lại ngay. Ông rất khắt khe với lính, từ việc sắp xếp ăn ở đến kê chèn bánh xe, lau chùi khẩu pháo…

- Lạ chi tính anh Sơn nhà em, bộc tuệch, ruột để ngoài da mồm miệng như tép nhảy.

Mắt vợ Sơn lúng liếng, môi vểnh lên.

Anh Sơn nhà em, ghê thật. Tôi thầm nghĩ con gái mới có chồng mấy bữa đã có vẻ từng trải gớm. Đang nổ máy xe, anh Cư nhô hẳn đầu ra khỏi cửa nhìn tôi khi chiếc Zil 130 bắt đầu lăn bánh:

- Hai đứa đi đi, nhanh lên cho Sơn nó mừng. Tớ mang hàng lên tiểu đoàn cái đã.

- Vâng! Ta đi thôi. Nói rồi tôi xách hộp dầu đi trước, vừa đi vừa nghĩ, sao anh Cư không nhận ra sự nghiêm trọng của việc mình làm nhỉ? Anh quên chuyện buồn hôm đó rồi sao?

Số là đi chiến dịch ở Lào, về nước tạm ổn định ăn ở tiểu đoàn cho một số tranh thủ thăm nhà. Anh Cư nằm trong số anh em được về. Và hôm trả phép, anh bị quạt một trận ra trò vì trễ một ngày. Tối đó toàn đại đội tập hợp bốn hàng ngang trên một sân kho hợp tác, đại đội trưởng chắp tay đi đi lại lại một lúc mới cất tiếng. Ông phê bình anh Cư vô kỷ luật. Rồi nào là vì một người đàn bà mà coi rẻ danh dự… Trong ánh sáng nhờ nhờ của đêm trăng lu, cả đơn vị im phăng phắc, nhìn sang tôi thấy đầu anh gục gặc mãi. Đêm đó chẳng biết anh có ngủ được không. Trưa hôm sau, ăn xong anh lẳng lặng mang võng ra mấy cây xà cừ ngoài mé đồi. Thấy thế tôi cũng mang võng ra theo. Trên võng, anh nằm gối tay sau đầu thở dài thườn thượt. Hỏi thì anh bảo nhớ vợ quá. Khiếp, tưởng anh buồn vì bị phê bình chứ nhớ vợ đến nỗi thế, cứ như người hấp hối thì sợ thật. Tôi nói chắc chị đẹp. Anh bảo chúng mày chưa có vợ nên chưa biết được. Đàn ông đàn bà, khi đã trao xương gửi thịt, khi đã bén hơi nhau thì… Nói thế rồi anh lại thở dài. Tớ thế này làm sao lấy được vợ đẹp, mà thành vợ thành chồng rồi xấu đẹp có còn quan trọng nữa đâu. Cái chính là có thương nhau không thôi, vợ chồng cốt ở việc ăn ở đối xử. Mà Lữ ạ, vợ tớ ấy mà... cô ấy có tuổi rồi. Chị ấy bao nhiêu mà anh bảo “có tuổi”? Cô ấy hơn tuổi tớ. Hơn nữa, về làm vợ tớ cô ấy phải chịu khổ vì bố mẹ tớ già yếu, lại một bầy em. Thương lắm!

Tôi mắc võng sát bên võng anh rồi nằm xuống. Giữa trưa xóm làng vùng đồi im phắc. Một lúc không nghe anh nói gì, tôi nghển cổ ngó sang, anh nhắm mắt, hai gò má lăn dài hai giọt nước đặc quánh. Đột nhiên tôi rùng mình. Vì thương nhớ vợ khiến anh phải lặng lẽ khóc như vậy hay còn vì gì nữa. Một lúc sau như đã bình tĩnh lại, anh kể. Đợt tranh thủ vừa rồi chỉ được mười ngày. Đi bộ ra Vinh, chờ tàu ba tiếng, Vinh ra Hà nội mất một ngày, loay quay tìm xe lên mất hơn buổi nữa thế là mất đứt gần ba ngày. Đêm đầu về nhà chưa kịp thăm hỏi gì ông cụ đã gọi chú bác cô dì đến “ra nghị quyết” anh phải cưới vợ. Anh hỏi cưới ai thì ông chú bảo đã có rồi. Anh phải cho các cụ đứa cháu nội rồi muốn đi mấy năm nữa thì đi. Hỏi ra mới biết ở nhà đã cho người thăm dò cái người là vợ anh bây giờ hồi còn sinh hoạt thanh niên được anh gọi bằng chị. Rồi các cụ giục anh đi gặp chị Mơ để bàn bạc. Thế là anh phải đi. Gặp chị Mơ, anh làm liều hỏi. Chị… à…, đàng ấy đồng ý làm vợ mình à? Mắt chớp chớp một lúc rồi chị Mơ gật. Nếu được anh thương thật lòng thì em đồng ý. Thế là anh chị bàn ngay chuyện cưới và chỉ cách ngày nữa đám cưới đã diễn ra. Tôi nói làm sao chuẩn bị kịp? Có gì đâu, bốn năm mâm cơm sơ sài chú bác cô dì xúm lại góp vào. Thế anh chị chỉ được một đêm với nhau? Chỉ một đêm! Một đêm mà mãi gần nửa đêm mới lên giường, lại thêm cả tiếng đồng hồ Mơ cứ ôm lấy mình mà khóc, thương thương là…

Kể đến đây giọng anh nghèn nghẹn. Chưa sáng Mơ đã dậy, bảo em phải sửa soạn cho anh đi… Rồi chị theo anh xuống tận Hà Nội. Chuyến tàu Hà Nội - Vinh chậm gần bốn tiếng, gần một buổi ngồi cạnh nhau mà không hề động chạm, cứ ngồi thế cho thời gian trôi một cách phí hoài, tiếc tiếc là. Thế rồi mãi tới hơn bốn giờ chiều tàu mới lăn bánh. Tàu chạy, dưới đường chị chạy theo, vừa chạy vừa khóc gọi tên anh làm mấy bác ngồi cùng toa cũng rơi nước mắt…

Đầu tháng chạp rét buôn buốt. Những vạt cỏ tranh khô xác quanh các chân đồi. Vừa đi vợ Sơn vừa gợi chuyện. Anh Lữ vừa rồi có được về thăm nhà không? Thanh cũng biết tên mình à? Biết chứ răng không. Bữa mấy anh đến nhà em chơi, anh ra vườn chọc bưởi bị một quả rơi trúng đầu, đúng không? Chịu Thanh rồi. Vợ Sơn cười lỏn lẻn hỏi, còn xa không anh Lử?

- Cái gì xa?

- Là em hỏi chỗ anh Sơn nhà em.

Anh Sơn nhà em. Cái giọng tí tửng của vợ Sơn làm tôi thêm ái ngại. Ở giữa rừng giữa rú xa chợ xa làng, bữa ăn chỉ có rau muống, bí đỏ, cá khô. Mới vào lán trại đang tạm bợ, mọi việc đang búi xùi xùi, hơn nữa lính tráng toàn đàn ông, chỗ ăn ngủ sao cũng xong. Đàn bà con gái lạc vào đây là phức tạp, rồi vợ chồng Sơn ngủ ở đâu?

Tôi và vợ Sơn đã lên tới nơi. Đang đứng ở hầm chỉ huy, đại đội trưởng Cưỡng quay lại, khóe miệng giật giật, mắt mở to sửng sốt.

- Báo cáo đại đội trưởng, có cô Thanh vợ Sơn vào thăm chồng.

- Thăm thăm… Thăm gì lúc này!... Mà mà mà cô vào đây làm gì. Ai cho cô vào đây?

- Dạ dạ… Vợ Sơn xanh mét mặt, run lẩy bẩy.

- Dạ, cô ấy…

- Tôi chưa hỏi đồng chí. Mà ai bảo đồng chí dẫn người lạ vào đây? Ai cho phép, ai cho hả?

Bây giờ thì tôi cũng run. Tôi và vợ Sơn đứng như trời trồng chờ cơn thịnh nộ tiếp tục giáng xuống… Đơn vị chiến đấu chứ có phải là “chiêu đãi sở” đâu. Vô tổ chức, vô kỷ luật!

Tôi cứ đứng đực ra. Vợ Sơn vừa run vừa mân mê quai nón, hết tháo ra lại thắt vào chẳng biết đến lần thứ mấy. Mấy tay pháo thủ ở hầm pháo gần nhất cứ thập thò nhìn sang huơ tay lè lưỡi ra kiểu trêu tôi. Sơn bất thần ập đến…

Thế rồi Sơn ý thức ngay được vấn đề khi nhìn vợ và đại đội trưởng.

- Thôi, đưa nhau vào trong kia đi, không được ra đây nữa. Ở với nhau đêm nay thôi, sáng mai ra đường xin xe cho cô ấy về sớm. Còn láng cháng ở đây tiểu đoàn mà biết…

Nói xong đại đội trưởng mang vẻ mặt hầm hầm đi nhanh vào lán. Vừa vào đến cửa, chẳng biết nghĩ thế nào ông quay ra, giọng có phần dịu xuống. Thôi thì… Sơn này, vào báo với nhà bếp cho thêm suất khách tươi tươi vào. Bảo với anh Chiện là ông Cưỡng bảo nhé. Sơn vừa cất bước lại được gọi giật lại. Còn chuyện ngủ… Đại đội trưởng gãi gãi đầu, thế nào được nhỉ. Thấy vậy Sơn cười, cảm ơn anh, chuyện ngủ anh cứ để mặc em. Ừ, các cậu thông cảm vậy.

Chao ôi, tôi nhẹ cả người. Hóa ra đã là con người thì dù sắt đá đến mấy thì cũng phải có lúc yếu mềm. Sao có thể lạnh lùng tàn nhẫn cả với một cô gái chỉ vì nhớ thương chồng mà chẳng quản rét mướt, chẳng ngại đường sá xa xôi lặn lội vào tận nơi xó rừng giới tuyến này chứ. Hơn nữa, cũng đã có vợ, đại đội trưởng phải hiểu chứ.

Vẻ mặt đại đội trưởng Cưỡng lúc này thật lạ, ánh mắt như chứa một điều gì đó rất mềm yếu, rất dịu dàng. Tôi bỗng nhiên thấy thương ông. Cũng phải hiểu và thông cảm cho ông, đợt vừa rồi vẫn không được về thăm vợ. Từ bên kia trở về chân ướt chân ráo đơn vị đã phải cơ động vào đây để sẵn sàng vào chiến trường tiếp. Là đại đội trưởng ông phải chịu trách nhiệm trước tính mạng bao nhiêu con người, chịu sức ép của trên, của dưới. Lính trẻ chúng tôi quen mồm gọi là ông nhưng thực ra anh mới ba mươi ba tuổi, đi lính từ năm sáu mốt mà cấp bậc chỉ mới thiếu úy. Anh lấy vợ đã ba năm mà vẫn chưa có con, chẳng hiểu nguyên do gì. Lính tráng chúng tôi có ý nghĩ có lẽ vì thế nên anh khô khan cứng nhắc. Tính khí thế mà hôm nay có vẻ như đã chiều Sơn.

Sơn khá đẹp trai, và có duyên nhờ cái răng khểnh. Đặc biệt hắn là một tay láu cá rất đáng yêu, mồm mép phải nói nhất tiểu đoàn và tán gái thành thần. Trận địa về đâu, thả hắn ra ngoài là y như rằng, chỉ bữa trước bữa sau đã thấy có gái đến tìm. Còn nhớ, dạo còn ở Thường Xuân, Thanh Hóa, chập tối cơ động đến vị trí, sáng ra cử Sơn đi chặt ngụy trang thì cuối chiều đã có một cô to như cái thùng phi tìm đến cứ đứng đàng xa mà réo anh Sơn, anh Sơn ơi. Một hôm, đại đội trưởng chỉ thị cho chi đoàn đã đưa Sơn ra kiểm điểm, phê phán tác phong sinh hoạt thì Sơn cười khơ khớ. Tui có làm chi ảnh hưởng mô. Quen thân thì được người ta giúp đỡ chớ có chi. Thế rồi cười trừ. Mà Sơn nói đúng cả. Đến đâu, cần “dân vận” điều gì, nếu cử Sơn đi là y như rằng, mĩ mãn. Xin tre, xin rau, mua chó mua gà, nhờ lực lượng hỗ trợ đào công sự… Có bận có nhà còn sai con gái gánh hẳn một gánh rau cùng chè xanh đến ủng hộ nữa chứ. Anh em gán cho Sơn biệt danh là tay “gái vận” thật không oan. Mọi người cứ quen dần lối sống đó của Sơn. Ngay cả khi cô Thanh này tìm đến đơn vị… Nghe nói Sơn yêu Thanh nghiêm túc, hai đứa quyết lấy nhau thì đại đội trưởng vẫn chưa tin. Mãi khi vào trả phép Sơn báo đã cưới Thanh thì mọi người mới ngớ ra.

Vợ chồng Sơn đi rồi, tôi đang định đi vào lán khẩu đội thì đại đội trưởng gọi lại:

- Lữ vào đó có gì tìm cách giải quyết chỗ ngủ cho chúng nó cái.

- Vâng!

Thế là tôi vọt. Vừa đi tôi vừa nghĩ, hay là bàn với khẩu đội trưởng đêm nay tất cả sơ tán. Không được, như thế sẽ ảnh hưởng đến nhiều người. Hai đứa đâu được thoải mái, hơn nữa lại ở giữa trận địa. Đi chừng được nửa quãng đường tôi gặp anh Chiện gánh cơm ra trận địa. Anh Chiện bảo mày vào làm gì? Tôi nói việc đại đội trưởng giao. Anh Chiện cười cười, lo gì, mày vào đó ăn với vợ chồng nó cho vui, cơm tao phần cho khối, rồi anh ngúc ngắc gánh cơm đi.

Vào tới nơi thì chiều đã sâm sẩm, mấy anh lái xe đang ăn cơm. Riêng mình anh Cư đang tay bê tay xách. Thấy tôi anh ngẩng lên cười. Tối nay vợ chồng nó ngủ đâu đây anh? Tớ không biết. Kệ chúng nó. Ơ… mà nhìn nét mặt anh tôi hơi nghi nghi. Trên vai là tấm bạt và cái tăng gấp gọn, tay xách bình ắc quy, anh bảo tôi. Theo giúp tớ một tay. Thế là tôi theo anh đi. Vừa đi anh vừa đưa tay chỉ ra phía sau gốc săng lẻ chân đồi, cậu có thấy chỗ đó có cái xe xích kéo pháo hỏng bị bỏ lại không? Em biết rồi, nghe nói đó là chỗ trận địa tên lửa bị đánh năm trước. Ừ, đúng đấy. Thế vợ chồng Sơn đi đâu anh? Biết đâu đấy, chúng bảo trong lúc chờ tớ cùng ăn hai đứa loanh quanh đâu đó.

Đi đâu quãng hai trăm mét vòng vèo sau mấy lùm cây, tới nơi tôi phải kêu lên. Ôi, buồng hạnh phúc của vợ chồng Sơn đây rồi. Cái thùng của chiếc xe xích hỏng đã được rải dày một lớp cỏ tranh khô, bốn góc có bốn đoạn cây làm cột, có mái chăng bạt cùng bốn phía đã được quây tăng kín đáo. Chả trách gì lúc nãy tôi thấy một quãng dài cỏ tranh bên đường đã bị cắt. Và lúc này tôi mới thấy mấy ngón tay của anh rớm máu. Anh Cư thả tấm bạt, đặt cái ắc quy xuống chân, nói cậu thấy được không? Tuyệt anh ơi. Hóa ra công sức của anh từ chiều đến nay là thế này đây. Tôi giúp anh gấp gọn tấm bạt đặt lên cái nệm cỏ êm dày rồi phủ thêm lên cái vỏ chăn còn mới lên nữa. Xong xuôi, anh ngồi thụp xuống, hai tay xoa xoa, đầu lúc lắc nói, ổn chứ mày? Tôi nói quá ổn anh ơi. Vợ chồng Sơn có biết anh chuẩn bị thế này không? Không, tớ giữ bí mật chứ. Thế à, vậy để lát nữa em tìm cành hoa mua cắm lên cho thêm phần lãng mạn. Ừ, được đấy! Thôi, vào ăn cơm, chắc hai đứa về rồi đấy.

Mâm cơm anh Chiện để phần thật chu đáo. Nửa xoong cơm trắng, canh lá bứa, thịt hộp xào rau cải, cá khô rim mặn ngọt. Vợ Sơn lúc này tươi tỉnh quá. Dưới ánh sáng của ngọn đèn ắc quy ánh mắt cô cứ ngời lên long lanh… Chà, ăn thế ni sướng hơn ở nhà.

Anh Cư vừa ăn vừa tủm tỉm một lúc rồi nói. Chuyện ăn thế coi như ổn, còn chuyện ngủ… làm sao bây giờ nhỉ?

- Anh cứ mặc bọn em. Vẫn cái giọng bông lơn hàng ngày, Sơn đưa mắt sang vợ, ngủ mô cũng được… Thanh đỏ mặt tía tai đấm vai Sơn thùm thụp.

Có ánh đèn pin từ ngoài đồi đi vào rồi đại đội trưởng xuất hiện. Tớ vào xem các cậu giải quyết chỗ ngủ cho vợ chồng Sơn ra sao.

- Anh yên tâm, xong xuôi rồi. Anh Cư lại ngúc ngắc cái đầu. Lát nữa mời đại đội trưởng đi kiểm tra. Anh Cư nói làm vợ chồng Sơn ngớ ra.

Dọn dẹp xong, anh Cư bảo ra ngoài đó ta uống nước luôn thể. Nói rồi anh cúi xách phích nước sôi và bộ ấm chén đi trước và chúng tôi bước theo. Tới nơi, đại đội trưởng phải ở ra một lúc rồi kêu lên: Tuyệt, tuyệt!!

Sơn đứng ngây ra một lúc rồi quay qua vợ. Vợ Sơn hết nhìn anh Cư rồi nhìn sang chúng tôi, mắt rân rấn.

Anh Cư bước lên thùng xe bật công tắc đèn rồi cười. Khoang thùng xe bừng sáng. Anh mời mọi người bước lên. Một tấm gỗ sạch sẽ chẳng biết anh Cư chuẩn bị từ lúc nào được đặt chính giữa. Tất cả chúng tôi ngồi chung quanh. Tôi giúp anh pha nước rồi rót mấy chén. Vợ Sơn lúc này mới lúng túng mở túi đưa ra mấy xấp kẹo Cu Đơ, miệng lí nhí kẹo quê em. Đại đội trưởng Cưỡng hết nhìn người nọ sang người kia và dừng lại với anh Cư. Sự xúc động không thốt ra lời khiến vẻ mặt anh, ánh mắt anh long lanh cảm xúc. Ngoài trời đã tối đen và gió hùn hụt thổi mà không khí trong khoang thùng xe ấm áp vô cùng.

N.N.L  
(TCSH350/04-2018)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • KIỀU VƯỢNGĐêm giữa thu. Hà Nội se lạnh. Sao chới với nhưng mây vẫn vũ làm nền trời như khô khốc, nhạt nhòa. Một hồi còi tàu rú dài như thả thêm vào đêm luồng khí lạnh. Quang nhìn đồng hồ sân ga dã quá mười hai giờ khuya.

  • CAO HẠNHTôi sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Tôi là hạt máu đỏ rơi xuống bùn đất mọc lên một thằng người cùng với ngọn cỏ lá rau, cây lúa và những sinh linh khác. Tôi cùng chịu đựng chia xẻ với chúng ngọn gió Lào cát trắng và những trận mưa dầm dề của xứ miền Trung khắc nghiệt.

  • HỒ ANH THÁI Tác giả thấy cần phải tóm tắt chuyện cô bé quàng khăn đỏ trước, rồi mới kể tiếp phần hậu cô bé quàng khăn đỏ. Con sói đến lừa bà cô bé, nuốt sống bà, rồi mặc váy áo của bà, trùm khăn giả vờ làm bà. Cô bé về nhà, thấy bà rởm mà không biết, cứ hỏi vớ hỏi vẩn sao tai bà to thế, sao mắt bà to thế, sao mồm bà to thế. Sốt ruột. Con sói bèn nuốt chửng luôn cô bé. Nhưng rồi quần chúng tiến bộ tập hợp lại đấu tranh, con sói phải nôn cả bà lẫn cháu ra, hứa cải tà quy chính. Từ đây bắt đầu phần hậu cô bé quàng khăn đỏ…

  • PHẠM XUÂN PHỤNGHọ như không còn trẻ. Người lớn tuổi hơn có khuôn mặt thanh thản vì đã giãn mềm những nếp nhăn. Người trẻ tuổi khuôn mặt nhuốm già bởi màu từng trải và những nét khắc chán chường.

  • MAI HUY THUẬTNằm cuộn tròn trong cái rọ lợn Cuội mới có thì giờ ngẫm nghĩ về cái thân phận của mình. Cả cuộc đời dối trá, lừa gạt bây giờ bị tù hãm sau mấy cái nan tre tưởng như mong manh thế mà càng cựa quậy càng trầy da rách áo, không thể nào thoát được.

  • NGUYỄN VĂN VINH Thường thường, mỗi sớm tôi và các bạn gặp nhau ở quán cà phê vỉa hè. Ngồi vệ đường, không tiếng nhạc quấy phá phút tĩnh tâm để ngẫm ngợi sự đời, quả thú vị! Tôi biết các loại quán đều tiêu phí thời giờ của mình, nhưng quán cà phê ít tốn, ít nguy hiểm hơn quán bia ôm và các toan tính, bon chen trong vòng danh lợi gươm đao nên tôi không bỏ uống cà phê buổi sáng, ngày mình giết một tí, lại được chuyện vãn với nhau: nào thời sự, tin tức trên trời dưới biển, cũng vui!

  • LINH CHIKhi chỉ mới là giọt máu, sự kết hợp của hai nhiễm sắc thể XY bám vào dạ con của mẹ, nó đã không được công nhận. Chào đời, mẹ con nó ở với ông bà ngoại cùng các cậu, các dì cho đến năm nó tròn bảy tuổi. Nhà ngoại nó ở ven triền núi của vùng đồi miền trung du hẻo lánh độ chừng vài ba chục nóc nhà rải rác trên mấy quả đồi đầy hoa sim, hoa mua tím. Chiều chiều nó thường hay tha thẩn trước sân nhà ngắm nhìn những đàn chim bay về tổ, thả hồn theo những đám mây màu cánh vạc đùn lên phía sau dãy núi đối diện nhà ngoại và tưởng tượng, ước ao…

  • TRẦN CHINH VŨAnh nghĩ là mình có thể ngủ được trong đêm nay - ngủ ngon là khác nữa - Đêm qua anh đã ít ngủ rồi - Hơn nữa, cùng với cậu em trai anh lại vừa có cuộc đi chơi đêm ở công viên Đầm Sen, đến muộn mới về. Vậy mà cho đến lúc này, đã qua nửa đêm được ít phút, mắt anh vẫn cứ trơ ra, cứ như thể nó chưa biết khép lại bao giờ.

  • ĐÔNG TRIỀUMười hai giờ đêm.Tôi bước ra khỏi rào lưới sắt còn ngoảnh lại nhìn căn trọ, nơi cửa sổ vẫn phụt ra luồng sáng trắng bởi đèn điện. Tất cả đã im lặng. Tiếng cót két của đôi cánh cửa gỗ mà người thiếu phụ vừa khép lại hòa vào nhịp rơi lộp độp của những giọt sương trên lá, tiếng côn trùng trỗi lên cùng thanh âm mà con chim cú đâu đây vẫn bỏ tiếng rúc đều đều nghe rợn người.

  • PHẠM NGỌC TÚY“Ngày...tháng...nămDòng nhắn tin trên báo cho em biết rằng em đã tìm thấy anh. Cuối cùng thì chúng mình cũng nhận ra nhau. Anh thân yêu. Hôm nay trời không mưa và không nắng. Từ cửa phòng em nhòm ra có một cây trạng nguyên. Cây này nhô lên cao giữa khoảng trời xanh hiếm hoi. Những chiếc lá đến mùa, đỏ thắm màu xác pháo. Nó là cây hoa độc nhất ngoài cửa phòng em.

  • NGUYỄN BẢNHắn đến tôi, mặt thẫn thờ ngơ ngác như người vừa mất của. Tôi hỏi ngay:- Có chuyện gì vậy?- Không, không có chuyện gì.

  • ĐÔNG LA       Sài Gòn mùa mưa, trời lúc nào cũng âm u. Những tán cây sẫm hơn, không khí nóng rát của những tháng cuối mùa khô đã được làm nguội lại, dịu mát. Mấy ngôi nhà cao lênh khênh dường như chỉ cần kiễng chân lên một chút là có thể gội đầu được trong những đám mây sũng nước, là là bay trên đầu.

  • ĐÀO PHONG LAN         Tôi là đứa con gái duy nhất của cha mẹ, và trời cũng ban cho tôi một nỗi bất hạnh để tương xứng với niềm hạnh phúc của một đứa con chắc chắn được cưng chiều: Tôi bị liệt hai chân từ bé.

  • MAI HUY THUẬTCon tàu Thống nhất nhả Văn xuống ga Huế vào một trưa mưa tầm tã khiến Văn chợt thấm thía một câu thơ Tố Hữu:...“ Nỗi niềm chi rứa Huế ơiMà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên?”...

  • NGUYỄN VĂN THANHSau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi không ngờ được Ngọ hỏi làm vợ. Không giống như những cô dâu khác, ngày tôi về nhà chồng có dắt theo một đứa con riêng. Tên nó là Hòa. Ngọ rất thương yêu hai mẹ con tôi. Không có gì đáng trách anh ấy dù cuộc hôn nhân của chúng tôi không bình thường.

  • NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNHTôi xa nhà trọ học thành phố khác. Dịp nghỉ ngắn ngày không về nhà được, tôi đón xe về thị trấn men con nước nhánh sông lớn về nhà ngoại. Từ ngoài ngõ con Bơ sủa váng, Vinh chạy ra ôm bụi chè tàu nơi đầu bến nước, gọi mạ ơi, Sương về.

  • NGUYỄN HÙNG SƠN          Một buổi chiều cuối tháng ba trong lúc ngồi bón cháo cho chồng, bà Loan nhận thấy hôm nay Hào, chồng bà có những biểu hiện khác thường. Ông có vẻ suy nghĩ, ăn uống uể oải.

  • LỆ THANHBé Khánh Hạ - đứa con gái duy nhất của chị đã đi! Chiếc lá xanh độc nhất trên thân cây khô héo, khẳng khiu đã lìa cành. Ngọn lửa cuối cùng trong đêm dài trơ trọi của chị đã tắt ngấm trong bỗng chốc. Chị tưởng rằng mình sẽ không thể sống nổi trên cõi đời héo hắt này nữa.

  • HOA NGÕ HẠNHHọ Nguyễn ở Trung Lộc quê gốc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Gia phả ghi rõ, ông tổ của dòng họ theo chân Chánh đô An phủ sứ Phạm Nhữ Dực vào khai khẩn đất Thăng Hoa năm 1402. Ban đầu họ Nguyễn định cư tại Hương Ly. Đến đời sau, một nhánh trong tộc chuyển hẳn lên Trung Lộc, nằm ở thượng lưu sông Thu Bồn.

  • Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.