Giới thiệu chi hội nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên Huế - Nhà văn Nguyễn Khoa Điềm

15:52 04/06/2009
MAI VĂN HOANNguyễn Khoa Điềm đến với thơ hơi muộn nhưng đã sớm định hình một phong cách riêng. Qua các tập Đất ngoại ô (1972), Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974), Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986), Thơ Nguyễn Khoa Điềm (1990), Cõi lặng (2007) ta bắt gặp những suy ngẫm của anh đối với nhân dân, đất nước; những chiêm nghiệm của anh về đời sống xã hội, nhân tình thế thái. Những chiêm nghiệm và suy ngẫm đó được thể hiện bằng một giọng thơ trầm tĩnh, bình dị, sâu lắng và khá hiện đại.

Chân dung nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Ký họa của Hải Trung

Nguyễn Khoa Điềm xuất thân trong một gia đình trí thức cách mạng. Anh là cháu nữ sĩ Đạm Phương, con trai nhà văn Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn). Lên mười một tuổi, anh đã mồ côi bố. Thời thơ ấu anh lại sống trong “khu phố buồn đau”. Hàng ngày chứng kiến cái cảnh: Những người dân nghèo “như vỏ hến chiều chiều tấp lên các bến”. Có phải vì thế mà anh hay suy ngẫm về cuộc sống của những người dân lao động nghèo khổ? Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Hà Nội năm 1964, cùng một lứa với Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), Nguyễn Khoa Điềm được trở về quê hương, hoạt động ở chiến trường Thừa Thiên Huế. Trong một trận càn, anh bị địch bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ suốt mấy tháng trời. Mãi đến chiến dịch Mậu Thân (1968), anh mới được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Chính thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm mới bắt đầu làm thơ. Bài Đất ngoại ô chiếm một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp thi ca của anh. Nó mở cho anh một hướng đi riêng, một cách nói riêng, một giọng điệu riêng trong dòng thơ chống Mĩ. Đến trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm vẫn tiếp tục mạch suy ngẫm về nhân dân, đất nước bằng lối thể hiện tự nhiên, bình dị, phóng khoáng, hiện đại vốn có của mình. Thanh niên trí thức yêu nước ở các đô thị miền Nam lúc bấy giờ rất tâm đắc với bản trường ca này, vì họ tìm được ở đó những tâm tư sâu kín của mình.
Sau ngày nước nhà thống nhất, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lần lượt được giao nhiều trọng trách: Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin; Tổng thư ký BCH Hội Nhà văn khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương... nên ít có thời gian làm thơ. Tuy vậy, vào năm 1986, anh vẫn cho ra đời tập Ngôi nhà có ngọn lửa ấm. Chỉ một thời gian ngắn sau khi nghỉ hưu anh đã hoàn thành tập thơ Cõi lặng (NXB Văn học - 2007) thu hút sự chú ý của bạn đọc.

Nguyễn Khoa Điềm đã đóng góp cho nền thơ ca nước nhà một số thành tựu đáng kể. Những tác phẩm: Đất ngoại ô, Mặt đường khát vọng, Ngôi nhà có ngọn lửa ấm của anh đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ và chương Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của anh được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn giảng dạy trong nhà trường. Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ xuất hiện trong những năm chiến tranh chống Mĩ.

MAI VĂN HOAN giới thiệu


NGUYỄN KHOA ĐIỀM


Ngày về

           
Kính tặng chị Thuỳ Trâm

Ngồi lại nghe chị nói gì trong đất
Cùng cây giang, cây dẻ ngày xưa
Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt
Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ

Người bạn gái gục trước lằn đạn lửa
Một sườn đồi cháy nát dưới ban trưa
Giờ xanh ngắt một cánh rừng khép ngủ
Lá im che những đau đớn không ngờ

Dòng nhật ký cuối cùng đã viết
Giọt máu cuối cùng cũng trả lại đất đai
Thật bình thản, không có gì nói nữa
Cả chiến tranh và khúc hát ngày về

Giờ yên ả, thì thầm con suối nhỏ
Giờ buôn xa tiếng trẻ gọi trâu về
Giờ xao xác cánh cò mặt nước
Giờ nỗi buồn theo gió cũng tan đi...
                                Tháng 4. 2006

 
Những bài hát,

con đường và con người

Những bài hát không ai hát nữa
Đã vỡ trên môi anh ngọn gió dịu dàng.
Sẫm bên đường mỗi sợi cỏ hoàng hôn,
Nghe thương mến lại thắp từng ngọn lửa
Những bài hát không ai hát nữa
Đã vỡ trên môi anh ngọn gió dịu dàng...

Những con đường không ai trở lại,
Đã xuyên qua anh những mạch máu âm thầm.
Anh nghe đập những bước chân đồng đội,
Bao lối mòn chớp lửa chiến tranh
Những con đường không ai trở lại
Đã xuyên qua anh những mạch máu âm thầm...

Những con người không ai gặp nữa
Đã đặt lên vai anh gánh nặng cuối cùng.
Bao khuôn mặt gầy xanh mơ mộng
Như cánh rừng, đã thuộc về anh.
Những con người không ai gặp nữa
Đang sống cùng anh trọn tuổi xuân...


Tháng tư Trường Sa

Tháng tư mùa biển lặng
Những đảo xa ca hát
Lời thiếu nữ
Những đảo xa ngủ
Tóc đen dài
Tháng tư lính đảo
Nụ cười lấp loá nắng
Dưới hàng cây phong ba

San hô chập chờn đáy biển
Đảo phập phồng
Cát, lửa
Như trái tim tình yêu
Tổ quốc

Song Tử Tây
Sơn Ca
Nam Yết
Trường Sa lớn
Thuyền chài...
Hãy đọc thầm tất cả
Dù một lần
Trước sóng gió mịt mù
Bằng tiếng Việt
Buồn vui máu lệ

Người lính đảo nhìn đăm đăm,
Cô gái trẻ
Khóc
Về giây phút thiêng liêng
Chợt hiện ra
Giữa biển
Một tình yêu hơn cả cuộc đời
Một điểm hẹn phóng vào vô tận

Ngày mai
Những nàng mềm mại
Những môi hồng ca hát
Ra đi
Còn lại giữa đại dương
Một bờ cát sỏi
Những người giữ đảo sạm đen
Ngồi bên súng
Đón mặt trời
Mọc từ biển, lặn về biển
Hát
Một lời nguyền sâu thẳm
Ngàn trùng
 vạn lý
 Trường Sa...
                Tháng 4. 2003


Cánh đồng buổi chiều

Có một nhà thơ đi mãi vào cánh đồng buổi chiều
Lởm chởm những gốc rạ sau mùa cấy gặt
Mùi thơm lúa khoai thân thuộc
Nói gì hở tiếng reo cỏ may
Mùa thu vừa trở lại?

Nhà thơ cúi xuống tìm những hạt mồ hôi bỏ quên trên mặt đất
Bao người đã mất, đang còn
Sống âm thầm sau rặng tre khuất lấp
Không một dấu vết
Những mặt ruộng nứt nẻ

Chúng ta vẫn bưng bát cơm trắng mỗi ngày
Thật đơn giản, hiển nhiên, như hơi thở
Không còn nhớ có bao giọt mồ hôi trên mặt ruộng
Bao nhiêu bùn, bao nhiêu khổ đau
Khi mồ hôi trở nên quá rẻ
Kẻ ranh ma trở nên quá giàu

Đã lâu nhà thơ lại trở về với cánh đồng làng
Hít sâu hương thơm no ấm
Nhận ra trong mỗi khuôn mặt đen sạm
Những tháng ngày bỏ quên

Bằng bước chân chậm rãi
Nhà thơ lặng lẽ nối gót người nông dân đi mãi
Mặc cho ngôi sao hôm xa ngái dẫn đường
Thăm thẳm ngõ quê rơm rạ
Trái tim lăn tròn êm ả.
                       
 Ngày 5. 9. 06

(243/05-09)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM PHÚ PHONG

    Trong mấy thập niên gần đây, cái tên Nguyễn Thị Thanh Xuân không còn xa lạ với độc giả trong cả nước.

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH  

    Trong một tiểu luận bàn về Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại, học giả Trần Đình Sử xem “ngoại biên hóa chủ yếu là phương thức tồn tại thông thường của văn học”.

  • HỒ THẾ HÀ

    Mấy mươi năm cầm bút đi kháng chiến, Hải Bằng chỉ vỏn vẹn có 1 tập thơ in chung Hát về ngọn lửa (1980) ra mắt bạn đọc.

  • LÝ HOÀI THU    

    Trong bộ tứ bình bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, xuân là bức màn thứ nhất, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên. Đó vừa là không gian, vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của sự sống tồn tại và sinh sôi.

  • LÝ HOÀI THU    

    Trong bộ tứ bình bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, xuân là bức màn thứ nhất, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên. Đó vừa là không gian, vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của sự sống tồn tại và sinh sôi. 

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH  

    Trong thế hệ những nhà văn tuổi Canh Tý đương thời (sinh năm 1960), Hồ Anh Thái chiếm lĩnh một vị trí nổi bật. Càng đặc biệt hơn khi hình ảnh con chuột từng trở thành biểu tượng trung tâm trong văn chương ông. Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (2020), hãy cùng nhìn lại cuốn tiểu thuyết được ông viết cách đây gần một thập kỷ.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO

    • Để chọn được những áng thơ hay, những người thơ có tài, người ta thường mở các cuộc thi, và cuối cùng là giải thưởng được trao.

  • PHẠM XUÂN DŨNG

    Nhà thơ Tố Hữu là người xứ Huế nhưng lại có nhiều duyên nợ với Quảng Trị, nhất là đoạn đời trai trẻ, đặc biệt là với địa danh Lao Bảo.

  • TRẦN THÙY MAI  

    Đọc tập sách của Nguyễn Khoa Diệu Hà, với hơn 30 tản văn, tôi có cái cảm giác như đang ngồi trên tấm thảm thần Aladin bay về một miền mà không có xe tàu nào đưa ta đến được một miền thương nhớ đặc biệt “Ở xứ mưa không buồn”!

  • NGUYỄN QUANG THIỀU  

    Có không ít các nhà thơ lâu nay coi sứ mệnh của thơ ca không phải là viết trực diện về những gì đang xẩy ra trong đời sống con người.

  • VŨ VĂN     

    Một mùa xuân nữa lại về, mùa xuân của hòa bình, của ấm no và những đổi thay của đất nước. Nhưng đã có thời kỳ, những mùa xuân của dân tộc đến vào những lúc chiến tranh vô cùng gian khổ, trong lòng nhiều người từng sống qua những năm tháng ấy lại dâng lên niềm thương nhớ Bác, nhớ giọng nói của Người, nhớ những lời chúc Tết của Người vang lên trên loa phát thanh mỗi đêm Giao thừa.

  • ĐỖ QUYÊN  

    1.
    Du Tử Lê
    thường được xem là một trong bảy nhà thơ hàng đầu của nền văn học miền Nam Việt Nam trước năm 1975, cùng với Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Đinh Hùng, và Nguyên Sa. Cây thơ cuối cùng ấy đã hết còn lá xanh giữa mùa thu này.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ    

    (Nhân đọc các tập truyện của Trần Bảo Định vừa được xuất bản)

  • LƯU KHÁNH THƠ   

    Giai đoạn giao thời ba mươi năm đầu thế kỷ XX đã chứng kiến sự thay đổi vị trí xã hội của người phụ nữ. Từ “chốn phòng the”, một số người phụ nữ có tri thức và tư tưởng tiến bộ đã mạnh dạn vươn ra ngoài xã hội, bộc lộ suy nghĩ, chủ kiến riêng và thể hiện con người cá nhân của mình.

  • PHẠM PHÚ PHONG    

    Trong vô tận (Nxb. Trẻ, 2019) là cuốn sách thứ mười ba và là tiểu thuyết thứ tư của nhà văn Vĩnh Quyền.

  • HOÀNG THỤY ANH

    “Đá”(1) là tập thơ thứ 5 của tác giả Đỗ Thành Đồng. Điểm xuyết, vấn vương một chút dáng dấp của “Rác”, “Rỗng”, “Xác”(2), nhưng thần thái của “Đá” đã khác.

  • ĐÔNG HÀ

    Mỗi dân tộc có một số phận lịch sử. Và lịch sử chưa bao giờ công bằng với dân tộc Việt chúng ta, khi trải qua hơn bốn ngàn năm, luôn phải đặt số phận con dân dưới cuộc chiến. Vì vậy, để viết nên trang sử nước nhà, không chỉ những chính sử gia, mà các nhà văn, nhà thơ, người cầm bút, không tránh chạm ngòi bút của mình vào nỗi đau của dân tộc.

  • NGUYỄN QUANG THIỀU

    Khi đọc xong bản thảo trường ca Nàng, quả thực trước đó tôi không hình dung có một trường ca như vậy được viết trong thời đại hiện nay.

  • TRẦN HỒ  

    Lần đầu tiên Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật, với chủ đề “Công an Thừa Thiên Huế - Vì bình yên cuộc sống” chào mừng kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Ngày truyền thống lực lương CAND Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2019).