Giới thiệu chi hội nhà văn Việt Nam tại Huế - Nhà văn Tô Nhuận Vỹ

14:52 27/11/2009
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ tên thật là Tô Thế Quảng, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1941, quê ở Vinh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Anh đã kinh qua các công việc: dạy học, phóng viên, biên tập viên… Anh từng giữ các chức vụ: Tổng thư ký và Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, Giám đốc Sở Ngoại vụ, đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, Uỷ viên Ban kiểm tra, Uỷ viên Hội đồng văn xuôi và Ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ

Tô Nhuận Vỹ là tác giả của ba tập truyện ngắn: Người sông Hương (1971), Em bé làng Đảo (1971), Làng Thức (1973) và ba cuốn tiểu thuyết: Dòng sông phẳng lặng (1974), Ngoại ô (1982), Phía ấy là chân trời (1988). UBND tỉnh Bình Trị Thiên và tỉnh Thừa Thiên Huế tặng giải A, VHNT cho các tác phẩm Ngoại ô, Phía ấy là chân trời. Tiểu thuyết Ngoại ô được hãng phim Giải Phóng chuyển thành phim nhựa (1985). Đặc biệt bộ tiểu thuyết ba tập Dòng sông phẳng lặng tái bản đến năm lần, chuyển thành phim truyền hình 15 tập và đã được TƯ Đoàn TNCSHCM tặng huy chương VÌ THẾ HỆ TRẺ (1982). Lấy bối cảnh trước và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968), nhà văn tập trung ca ngợi tinh thần yêu nước của quân dân Thừa Thiên Huế. Sát cánh với các chiến sĩ giải phóng quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy là đông đảo học sinh, sinh viên, sư sãi, dân thường... Giáo sư Phan Cự Đệ nhận xét: “Tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng là bức tranh vừa mở ra một toàn cảnh hoành tráng có quy mô sử thi, vừa khám phá nhân vật qua những đoạn độc thoại nội tâm có chiều sâu tâm lý, với giọng điệu, ngôn ngữ và lối suy nghĩ mang màu sắc dân gian...”. Sau 1975, điều mà nhà văn Tô Nhuận Vỹ hết sức quan tâm là  việc giải quyết những xung đột trong xã hội miền Nam, xoay quanh tư tưởng “Ai không theo địch là TA, chứ không phải ai không theo ta là ĐỊCH”. Đó cũng là chủ đề chính của tiểu thuyết Ngoại ô và Phía ấy là chân trời.

Khi còn đương chức, công việc sự vụ, hành chính đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp cầm bút của anh. Và anh đã tìm mọi cách bù đắp những mất mát đó. Bằng chứng là chỉ một vài năm sau khi được nghỉ hưu, nhà văn Tô Nhuận Vỹ lại sắp sửa cho ra lò: Vùng sâu (tiểu thuyết), Nhà văn Việt Nam: đổi mới và hội nhập (nghiên cứu), Số phận khắc nghiệt (hồi ký) - Bạn đọc đang nóng lòng chờ đón những trang viết tâm huyết của anh.

MAI VĂN HOAN giới thiệu



TÔ NHUẬN VỸ

LTS: VÙNG SÂU, tiểu thuyết vừa hoàn thành của Tô Nhuận Vỹ (đã trích giới thiệu trên SH 11/2008 và được tặng thưởng tác phẩm văn xuôi hay năm 2008) viết về phẩm chất cao cả cuả tuổi trẻ khi đối diện với những éo le, bất công, thông qua bốn nhân vật chính của Hà Nội (Hoài cán bộ an ninh chi viện cho mặt trận Huế và Trinh, một cán bộ đối ngoại) và Huế (Thảo và Phước, hai chiến sĩ hoạt động nội thành). Theo nguyện vọng của tác giả, trong phần trích tác phẩm cho chuyên mục CHÂN DUNG,chúng tôi giới thiệu chương 3 tiểu thuyết VÙNG SÂU, in đậm không khí bi hùng của những ngày đánh B52 Mỹ mùa Giáng sanh 1972 mà tác giả đã chứng kiến, như một lời tri ân gửi đến Hà Nội anh hùng và thân thương với tên gọi Thủ đô đêm nay không ngủ.


Thủ đô đêm nay không ngủ

...

Cả một vùng mù mịt khói hương. San sát những nấm mô mới đắp, hàng dãy, hàng trăm dãy không còn đủ hoa để phủ kín chừng ấy nấm mồ, chỉ vài ba nắm cho mỗi ngôi và tiếng khóc than tức tưởi tràn ngập, đầy ứ đến cả bầu trời. Dù vẫn nghe loa phóng thanh báo tin máy bay địch đang xuất hiện trên bầu trời Tây Nam cách thủ đô bảy mươi cây số, dù người bảo vệ nghĩa trang đã mấy lần xin bà con hãy tản đến các hầm trú ẩn phía ngoài, không một ai nhúc nhích. Không một ai, cả người bảo vệ nhân ái, có thể bắt họ chấm dứt phút chia tay đứt ruột với những người thân máu thịt của họ. Bom có xáng xuống đây nữa cũng là hạnh phúc cuối cùng trời đất giành cho họ được trọn vẹn suốt đời với con, với chồng, với vợ, với người yêu… mà quỷ dữ đã trộm lén bắt đi. Người mẹ nào đang lao xuống hố sâu đào sẵn cạnh mộ con bà, thảm thiết cầu xin mọi người rủ lòng thương dập đất xuống, nhanh lên nhanh lên tôi tri ân ngàn lần các ông các bà cho tôi theo con tôi, chứ có ai nấu cơm chiều nay cho nó ăn... Lại một người hóa điên nữa. Đêm đã xuống, đây đó những ngọn nến, ngọn đuốc và cả lửa hương… bùng lên. Họ bất chấp Nichxơn, những ngọn lửa đêm bập bùng từ nghĩa trang như những tiếng hậc của buồng ngực ứ máu.

Hoài và Trinh vẫn lặng lẽ ngồi trước nấm mồ Tú. Ngọn lửa trên đầu bó hương bỗng bùng cháy. Nước mắt Trinh lại trào ra - “Chị ơi! Chị đang về đấy ư?” Trinh muốn kêu lên, nhưng không đủ sức. “Có cả anh Hoài đây nữa chị”. Nhưng Trinh vẫn yên lặng khi nhìn qua Hoài, thấy anh vẫn ngồi đó bất động, không khóc, không nói một lời nào như suốt cả buồi chiều nay, như suốt ba buổi chiều nay.

Anh ấy ngồi lặng như thế đã bao năm trời rồi, đúng thế, đã bảy năm trời. Thật tội nghiệp! Nhưng ai bắt anh cứ im lặng, mãi hoài đến thành tượng đá? Tự nhiên, dù ruột gan đang tơi bời thương nhớ chị, nhưng Trinh vẫn không nghĩ đến Hoài, đến cả mối tình đơn phương câm nín đến kỳ cục của anh. Và, cô thấy mình có trách nhiệm với anh, chính thế. Có một cái gì đó khiến Trinh thấy cô “người lớn” hơn anh, phải giúp thêm sức cho Hoài qua tiếp cái bước gập ghềnh này nữa. Cô khẽ kéo Hoài đứng lên.

Một ngọn gió lạnh buốt vụt tới, vụt qua như lốc, không kịp một cái rùng mình, nhưng nó đi rồi, người đã phát run lên. Chưa bao giờ Trinh thấy một mùa giáng sinh kinh khiếp như thế này. Lạnh buốt và chết chóc. Cả Hà Nội của Trinh chảy máu. Chết chóc đã nhảy vào chính giữa nhà Trinh. Bình thường thì mẹ đã có thể gục ngã, thậm chí có thể chết nữa, nếu gặp tai họa này. Mẹ chỉ có Tú và Trinh suốt bao nhiêu năm trời bên cạnh, hai đứa con “thiên thần” của bà như bà vẫn viết  như vậy trong những bức thư gửi ông, và hai đứa còn là hai người bạn gái bé nhỏ của bà. Còn anh thứ hai là Nam thì gần như cả đời ở Nga, như ăn các loại hạt vu vơ bí hiểm để mà sống ở tận cái thành phố Đup-na xa lắc ấy.

Nhưng ba đang ở Paris, hàng ngày vẫn ngồi “ở góc trái dãy bàn phía ta” nhìn Kitxingzơ, tên thâm hiểm kỳ tài ấy. Mẹ đã như thành một người khác hẳn, từ một con người yếu ớt thành một trụ cột trước thử thách thảm khốc. Cần phải có một chỗ dựa cho các con, trước hết cho bé Trinh - năm nay nó sẽ thi vào đại học - và chỗ dựa chính chồng bà ở tận bên kia chân trời.

Nhưng chính Trinh lại thấy mình phải là nơi neo giữ những con tàu tình cảm đang chao đảo giữa ngày bão dữ. Con tàu Mẹ, con tàu Nam, con tàu Ba và con tàu Hoài… Buồn thương mà Trinh vẫn tươi cười với mình như vậy.

Lạ lùng thế, cuối cùng gần như ai cũng cứng rắn lên, im lặng và chịu đựng vì nhau.

Giữa dập nát và tan hoang của cả một dãy phố, Trinh tưởng đến phát cuồng lên khi không còn nhận ra được chỗ nào nguyên là căn nhà của vợ chồng Tú nữa. May mà giữa những sọt cải, sọt su hào bầm nát, đen đúa Trinh nhận ra miếng tôn méo mó còn dòng chữ “Cửa hàng rau quả số15”. Cô lao tới đống gạch ngổn ngang ngay bên cạnh thì bất ngờ từ trong đống đổ nát đó Hoài chui ra, mặt mày xây xát máu me bụi bặm, đang bồng trên tay một người đàn bà thân hình mền nhũn.

- Tú ơi, chị đó ư? - Trinh chết trân

- Chị Tú đó em - Tiếng Hoài.

Ở từ nơi sơ tán, một làng quê thật hiền hòa và trù phú của Sơn Tây, suốt mấy đêm liền thầy trò lớp Trinh quằn quại đau đớn nhìn vóng về Hà Nội đang cháy rực phía chân trời. Cùng những cơn sóng rung chuyển mặt đất kéo dài như từng lúc bứt tung từng khúc ruột của Trinh. Thủ đô đã ròng rã mấy đêm không ngủ. Nhưng thầy trò Trinh có ai chợp mắt được chút nào trong những đêm nhức nhối như thế này. Tin máy bay B52 của Mỹ tới tấp rụng xuống đất Hà Nội, và lần lượt hàng xâu giặc lái bị điệu ra trước ống kính nhà báo… vẫn không làm nguôi đi nỗi đau bất lực của Trinh. Trinh không nén chịu được nữa.

Những dãy bom rùng rùng nối sau những chớp sáng nhay nháy như sóng giữa trời và sau đó là những tiếng kêu:

- Phía sân bay Đa Phúc

- Mạn Đông Anh, nhà ngoại tao rồi!

- Chắc Mễ Trì, Khương Thượng quá.

- Không, Khâm Thiên…

Trinh rùng mình như có một bàn tay vô hình rung sợi giây linh giác trong cơ thể cô. Trinh đã lén trốn thầy và bè bạn, đạp như điên suốt hơn ba mươi cây số trong hai giờ rưỡi. Con đường đêm sáng hừng như đêm trắng phương Bắc, ánh sáng từ bầu trời phản quang cả một thành phố bốc cháy. Càng về đến gần thành phố, trên đường càng dày đoàn người kẽo kịt xe thồ, xe đạp, xe máy, ô tô… đi ngược lại. Tất cả đều lặng lẽ, lầm lì, phần lớn là người già con nít, lúc lúc ngoái nhìn lại phía sau. Trinh chợt dừng xe lại, tựa lưng vào một gốc phi lao bên đường, nhìn đoàn cụ già em bé tản cư mà nước mắt trào ra. Họ ra đi cho người thân rảnh tay quần thảo với kẻ thù. Ôi chao, trái tim bé nhỏ của Trinh sao nó đập vô hồi, thương biết bao các đứa em Trinh kia, các người ông người bà của Trinh kia, là Hà Nội của Trinh kia, tất cả như một dòng chảy thần thánh, là dòng máu đang rần rật trong cơ thể Trinh đây. Trinh bỗng muốn đọc to lên trong đêm câu thơ nghẹn ngào ấy mà lần nào cất lên trước lớp cô cũng trào nước mắt… Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất,.Những buổi ngày xưa vọng nói về… Ôi, đất nước cơ hàn và đau đớn của Trinh.

- Đừng khóc cháu. Hãy cứng rắn lên.

Một ông già râu dài trắng như cước dừng xe trước mặt Trinh, vừa nói vừa như hỏi cô. Chiếc xe đạp đeo đầy bao, túi nơi ghi đông và phía sau là một chú bé khoác áo bông nõn tròn như một bao bột mì đang ngoái nhìn lui phía cửa ô.

- Không, cháu không khóc!

Trinh nắm cánh tay gầy của ông già rồi ôm lấy đứa bé, hôn lên đôi má lạnh buốt như nước đá của nó, khiến nó há miệng ra ngạc nhiên và nó càng ngạc nhiên hơn khi thấy cô gái lạ nước mắt thì ràn rụa mà miệng thì cười thật hiền. Rồi cô rướn lên đạp ngược về phía dốc Cầu Giấy. Trời cũng vừa sáng. Trinh theo đê La Thành đạp thẳng về phố Khâm Thiên và đã gặp chị Tú trên tay Hoài như thế. Linh giác kỳ lạ đã đưa Trinh về với chị ít ra là cũng còn kịp để lo chuyến đi xa của chị mình. Mười mấy năm nay chị đã cùng mẹ lo lắng chăm chút cho em. Những tháng ngày bé thơ nhõng nhẽo, em chưa một lần được tự tay chăm sóc và lo lắng cho ai, với chị lại càng như thế. Trong nhà mình sao ai cũng tốt, ai cũng lo, ai cũng chăm sóc em, không để cho em một phút nào là người lớn. Bây giờ em lớn rồi, lần đầu em tự tay chăm sóc chị lại là lần chị đi xa, đi xa mãi mãi chị Tú ơi. Cái lỗi này em không bao giờ muốn…

Chính linh giác kỳ lạ cũng đã dẫn Hoài đến ngay khi trời vừa sáng, không nhầm lẫn mà len lách đúng vào căn phòng của Tú, khi thân hình cô đang còn nóng. Nhưng chính vì thế mà chân tay, cơ thể và trái tim Hoài phút chốc như đông thành đá. Trước giờ gây ra vụ thảm sát này của B52, cho đến gần 11 giờ đêm Hoài mới rời câu lạc bộ ở phố Hàng Dầu. Đêm nay một nhà khoa học nói chuyện chuyến đổ bộ xuống mặt trăng của tàu vũ trụ Alpolo của Mỹ. Cử tọa đông đảo và chăm chú. Suốt cuộc nói chuyện, không biết sao Hoài vẫn ám ảnh bởi ý nghĩ, biết đâu có ngày chính những người đã tạo ra con tàu Alpolo kỳ diệu ấy sẽ tải bom Patơnbơt lên ném tràn xuống mặt trăng, nếu… thì biết bao nhiêu chữ nếu có thể, như họ đã tạo biết bao cái cớ rất rẻ giá để ném bom xuống làng quê phố phường anh đây. Cũng chính trong cái đêm có những khoảnh khắc bình yên và nghịch lý như thế, ước mong đi vào chiến trường càng nôn nao trong lòng Hoài. Biết bao nhiêu đồng đội của Hoài đã lên đường. Và dù sao, Hoài cũng muốn tạm biệt Hà Nội một thời gian, nơi đã để lại cho anh một kỷ niệm buồn, dù đơn phương và chẳng dữ dằn gì, nhưng dù sao anh cũng muốn xa Tú. Ít ra thì để cô ấy sống thật thoải mái với hạnh phúc của mình. Trên đường về nhà, một đêm thật lạ lùng, trời đêm như sáng trắng ra, bình yên và trắng như một đêm hè phương Bắc, cảm giác phần nào giống như của Trinh trên đường về Hà Nội đêm ấy. Chính khung cảnh lạ lùng ấy, cùng với ý nghĩ mình phải rời Hà Nội nay mai…, khiến trong thoáng chốc Hoài chợt muốn tạt về Khâm Thiên thăm vợ chồng Tú. Anh tần ngần mãi ở đoạn đường Thanh Niên, nhưng rồi cuối cùng lại dứt khoát ra về. Nhưng đêm ấy Hoài không sao ngủ được, lòng dạ không biết sao cứ nôn nao thật khó tả. Hoài lại mặc áo quần ấm, đi giày và khoác cả măng-tô, chậm rãi trên con đường lát gạch cổ của làng hoa, đi về hướng bờ đê. Nhưng khi anh vừa đứng giữa con đê cao rộng và thoáng gió đêm sông Hồng thì đất dưới chân anh rung lên bần bật cùng lúc những ánh chớp nhoằng sáng liên hồi.

Trong mấy ngày nghỉ phép trước lúc lên đường, Trinh và mẹ mời Hoài tới nhà và bắt Hoài ở lại trọn vẹn một ngày. Đối với gia đình Trinh thì Hoài từ lâu đã là một người thân. Cảm tình đầu tiên mà Hoài có được là ở bà mẹ và có lẽ một thời gian dài chỉ có được ở bà mẹ mà thôi. Ba Trinh thì đi suốt. Ông là một cán bộ quan trọng ở Bộ Ngoại giao, thỉnh thoảng ông gặp lại Hoài hoặc mấy sinh viên trong lớp Tú thì với ông ai cũng như ai, không nhớ cụ thể một ai nhưng với ai ông cũng tay bắt mặt mừng và luôn dặn bà là phải chu đáo lịch sự với bạn bè của con. Mẹ Trinh có cảm tình với Hoài bởi một lẽ cũng giản dị: trong đám sinh viên vui nhộn và láu táu ấy, Hoài là một “cục đất”. Có những cuộc vui, mà những cuộc vui ấy Tú luôn tạo ra lý do để tổ chức tại nhà mình, gần như Hoài không nói một câu nào suốt buổi. Chỉ thỉnh thoảng cười cười, vậy thôi. Sự “sinh động” và bạo gan nhất ở Hoài là thỉnh thoảng đến chơi, Hoài có đem theo một ít hoa hồng, một bó nhỏ rất ít cành, nhưng lại là những bông hoa cực kỳ đẹp. Đó là mấy giống hoa hồng Pháp, có cả loại màu xanh biếc, mà nhà Hoài đã bao công phu mới gầy được. Những bông hoa ấy nở từ tốn và giữ vẻ đẹp suốt tuần, thậm chí đến mười ngày. Nó rụng cánh nào Trinh tiếc cánh ấy, nó rụng bông nào Trinh nhói trong tim bông ấy. Kỳ cục là lần nào, Hoài cũng cung kính “cháu tặng bác”. Có bữa Trinh cười vào mũi Hoài:

- Anh là loài thỏ.

Dĩ nhiên, cô bé Trinh thoạt đầu rất coi thường Hoài. Không phải gia cảnh và phong thái bên ngoài của anh. Với Trinh, sự rụt rè thiếu tự tin và không can đảm là những tính cách phải được khai tử trước hết ở người đàn ông. Còn Tú thì dĩ nhiên là không có một tình cảm nào dành riêng cho Hoài, chàng sinh viên hiền nhát và kém cô một tuổi. Cô vồn vã, nhiệt tình với tất cả bạn bè trong lớp. Kể cả có ai đó nối nhau “đặt vấn đề” với cô thì cô cũng cảm ơn, chưa nhận lời bất cứ ai, rõ ràng chứ không mập mờ, điều mà Trinh “chịu” chị nhất. Còn ai đó theo cô, thì cô thấy cũng là sự thường tình, vì cô đẹp và tự thấy mình là người tốt, lại học xuất sắc. Điều này thì Trinh không hẳn giống chị. Nhưng cô đã vài lần bị Tú nạt ào ạt khi Trinh tính “tham gia” đôi lời về Hoài. Quả thật, mãi sau này, Trinh mới mơ hồ nhận ra trong cái vẻ rụt rè, cái vẻ nhát gái của Hoài có một cái gì đó thật… khiêm tốn, thật sâu lắng. Chứ nó không thuộc phạm trù hèn, không phải sự nhát gan rất đáng ghét ở một người đàn ông. Nhưng lúc đó, hiểu biết của Trinh về người khác giới chỉ mới chừng đó. Sau khi Tú lấy chồng, bà mẹ mới vỡ lẽ là Hoài đã có tình ý nhưng nén kín trong âm thầm suốt bao nhiêu năm trời nay, cho dù cả Tú lẫn bà không hề ân hận về đám cưới, vì chàng rể cũng là một người giỏi nghề và chững chạc. Cho dù như vậy, bà vẫn thấy thương Hoài hơn. Trinh thấy gần gũi với Hoài hơn. Nghe Trinh rủ tới nhà chứ không phải lang thang đến những nơi thơ mộng ở ngoại ô như mọi lần, lại từ tốn thông báo “mẹ sẽ nấu các món đãi anh, còn em sẽ nói chuyện với anh”, Hoài hiểu rằng, bên cạnh chất trẻ con chưa hết, một cái gì đó thật đàng hoàng và tự tin đã lớn lên trong tâm hồn Trinh.

- Anh mong và chúc em thi vào Khoa tiếng Pháp đạt toàn điểm 10.

Khi đã ngồi vào bộ salon dạ của phòng khách sáng sủa mà ấm áp, Hoài bỗng thấy mình không nên góp thêm sự buồn bã vào nỗi đau nặng trịch đang ngự trị trong căn nhà, anh cố tránh để Trinh bắt gặp mình luôn nhìn về phía bàn thờ Tú nghi ngút hương đèn, nên lái câu chuyện qua việc học hành của Trinh. Chính ngay Trinh cũng muốn buổi chia tay này phải vui, ít ra là đừng buồn. Nên nghe hỏi như vậy, cô quyết định thổ lộ với Hoài một bí mật của mình.

- Em thi Tiếng Anh - Trinh nói khẽ.

- Sao lại tiếng Anh?

Trinh đưa tay bụm miệng Hoài, khẽ xuỵt, mắt nhìn lấm lét về phía bếp. Rồi Trinh rút trong túi ra một tờ giấy gấp bốn trải ra trước mặt Hoài và thì thầm nói cho Hoài hiểu cái lý do khiến cô quyết định thay đổi ước mong từ lâu của gia đình, nhất là ba Trinh, rằng Trinh phải học thật giỏi tiếng Pháp. Ai cũng hiểu đó là một định hướng có lý: một nền văn hóa sâu dày và mật thiết với văn hóa xã hội Việt Nam, ba Trinh lại phụ trách khu vực nói tiếng Pháp, tương lai của Trinh rõ ràng từng bước một, trên con đường rất dài… Hoài nhìn vào tờ giấy trước mặt. Đó là danh sách các phi công B52 Mỹ bị bắt, ra trình diện các nhà báo tại Câu lạc bộ báo chí quốc tế chiều ngày thứ hai mới đó.

1. Uyliam Walter Gonlee
Trung tá, điều khiển máy tính điện tử.
Số lính: 547-46-8958. Sinh ngày 10-5-35 tại Illinois
2. Robert Markham Hudson
Trung tá lái B52 – số lính 514-48-5304FV. Sinh ngày 6-9-1947 tại Kanzas
3. Carl Herbert Jepcoat
Thiếu tá, hoa tiêu B52 – số lính 428-64-277. Sinh ngày 2-2-36 tại Mississipi
4. James Wayne Gough…
….

Trinh giật lấy tờ giấy từ tay Hoài, dí ngón tay vào số hai.

- Cái thằng này, anh biết không, nó sinh cùng tháng cùng năm với chị Tú. Lúc ấy đi với chú Kỳ bên Vụ Báo chí, em muốn hét vào mặt hắn khi hắn bị dẫn qua ngay trước mặt em “Sao ông cũng như chị tôi mà ông lại đi giết chị tôi? Vì sao lại vô lý như thế, ông trả lời tôi đi! - Mắt Trinh long lanh, đôi môi run rẩy, mặt bỗng tái mét, Trinh úp ặp vào lòng hai bàn tay để tự trấn tĩnh - Lát sau Trinh ngẩng lên, nhìn Hoài rồi lắc đầu, nhắm mắt lại - Nhưng anh biết không, em xấu hổ quá: em không biết nói câu đó bằng tiếng Anh!

- Em có nói được tiếng Anh, người ta cũng không cho em nói đâu - Hoài xoa dịu sự xúc động của Trinh.

- Vì sao lại cấm em hỏi?- Trinh tròn mắt ngạc nhiên thực sự.

Hoài biết, đã có một quyết định chắc nịch đối với Trinh. Càng ngày tính quyết đoán và tự tin càng rõ ra ở Trinh. Tự nhiên, Hoài hình dung ra một cô Trinh có thể sẽ còn tuyệt vời hơn chị gấp bội: tự tin hơn, đẹp hơn và học giỏi hơn. Lúc đó anh còn lờ mờ một lý do thứ hai của việc Trinh chọn vào khoa tiếng Anh, mà sau này trong thư gởi vào cho anh ở chiến trường cô đã xác nhận, là Trinh muốn tránh khỏi cái ô ấm mát của người cha, cô muốn tự vạch cho mình một con đường riêng.

- Còn anh, trước lúc anh ra đi, anh phải hứa với em ba điều.

Trinh thân mật và tin cậy ấp cả hai bàn tay Hoài giữa hai bàn tay mình.

- Anh sẽ hứa tất cả những gì em yêu cầu, nếu điều đó nằm trong tầm tay với của anh.

- Anh cứ tin rằng là em hiểu anh. Anh tin chứ?

- Đúng như vậy Trinh à.

- Vậy thì: thứ nhất, viết thư cho em bất cứ lúc nào có chuyện buồn, vui - Nhất là chuyện buồn.

- Em muốn nói về chuyện riêng chứ?

- Dĩ nhiên, cả chuyện chung, nếu có thể - Và em sẽ trả lời ngay, chậm nhất sau một ngày.

- Anh hứa.

- Thứ hai: Anh không được… chết. Anh phải sống để trở về với… Hà Nội.

- Sao anh lại có thể…

- Không, anh không được từ chối điều này - Em và mẹ và cả…chị Tú muốn như thế! - Giọng Trinh như lạc đi.

- Anh hứa…

- Anh khá lắm! - Trinh thở hắt ra khoan khoái, cứ như tính mạng của Hoài đã được ký bảo hiểm với một hợp đồng tối thượng.

- Điều thứ ba, gặp cô gái Huế đầu tiên, anh hãy hôn cô ấy dùm em, nói có một người con gái Hà Nội tên là Trinh thương nhớ các bạn trong đó vô cùng. Đừng từ chối em, anh cứ kể hết điều em yêu cầu, cô gái không từ chối anh đâu.

- Sao em không yêu cầu anh thay em hôn một chàng trai Huế?

Trinh cười, đứng lên rồi bước về phía cửa. Cô nhìn qua khung cửa kính dán hoa phòng không dõi về tận đâu bên kia đường Cổ Ngư. Rồi Trinh lắc đầu, nói nhanh:

- Em không bao giờ yêu ai để có thể hôn người ta! - Anh hứa rồi đấy nhé! Lời giải thích của Trinh thật lạ khiến Hoài không băn khoăn gì. Hoài chỉ cho đó là sự giải thích giao đãi. Nhưng những tháng ngày về sau càng khiến anh ngẫm ra rằng, ở người con gái này cái gì cũng có cái lạ, chỉ riêng có ở cô. Những điều cô nói ra, kể cả lúc vui đùa, hình như đều là điều cô nghĩ thật như vậy. Trong lần sinh nhật mười sáu tuổi, một người bạn trai “thăm dò” Trinh đã hỏi:

- Trinh thích châm ngôn nào nhất?

Trinh đã trả lời ngay không chút do dự:

- Phương châm của chính mình là: không ai buộc được mình nói tất cả những gì mình suy nghĩ nếu mình không muốn. Nhưng những điều mình nói ra phải thực là những điều mình suy nghĩ.

Còn một điều Hoài không hề đoán biết, nói đúng hơn là mãi sau này anh mới hiểu ra: từ ngày Tú đi lấy chồng, nhất là từ ngày Tú mất, Trinh tự dặn mình cố gắng là một người bạn tốt của Hoài. Bởi vì, với Trinh, Hoài vừa mạnh mẽ lại vừa có một cái gì đó còn mong manh ở anh khiến cô không yên lòng. Thực ra, Trinh đã tự nhận một gánh nặng quá sức với đôi vai bé bỏng của mình. Cô phải đóng cả vai một người chị, thậm chí của một bà già, may ra mới làm nổi nhiệm vụ đó. Cô phải sống trước mười năm. Nhưng đang cần như vậy, thì với Trinh, Trinh không sợ, thế thôi.

Ngay trong thư đầu tiên nhận được của Hoài, Trinh đã làm quen với một người tên là T, đó là người con gái Huế đầu tiên mà Hoài đã gặp và dần có quan hệ mật thiết trong công tác. Thoạt đầu thì Trinh không nén được tiếng cười khi anh nói thành thật có lẽ anh sai lời hứa với Trinh khi anh thật khó… hôn người con gái đó vì rất xanh xao yếu ớt. Trinh không ngờ Hoài lại… ngớ ngẩn né tránh bằng một lý do không ăn nhập vào đâu ấy. Nhưng Trinh đã thực sự khiếp đảm khi đọc tiếp và biết rằng trong ngục tù, quân thù đã xé nát đời con gái của chị T. Suốt bao đêm Trinh như mê sảng, hoảng hốt ngồi dậy, nửa khuya luống cuống bật hết tất cả các ngọn đèn, cứ như trong bóng tối, con chó Beczê gớm khiếp ấy có thể tận Phú Quốc nhảy vào căn phòng này của Trinh và lại thè lưỡi đầy zớt zãi, chực chồm lên như thế… Ngày hôm sau Trinh khẩn khoản xin mẹ mấy hộp thuốc bổ quý mà ba vừa gởi từ Paris về cho bà, nói là để gởi vào cho anh Hoài. Nhưng rồi cảm thấy việc nói dối ấy là tội lỗi, Trinh đưa phong thư kia cho bà đọc.

Những viên thuốc bổ đầu tiên mà Hoài đưa cho Thảo, Thảo đâu có ngờ rằng, nó tận Hà Nội gởi vào cho chính cô. Tiếp đó, còn biết bao nhiêu lần như thế nhưng Thảo đều không hay biết vì chẳng bao giờ Hoài mở miệng nói đến một điều gì mà anh cho là thuộc về riêng tư của mình. Mãi đến bao nhiêu năm trời sau. Khi mà chính Thảo gặp Trinh, trong những hoàn cảnh thật lạ lùng.
....

T.N.V

(248/10-09)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • THẠCH QUỲSuốt đời cần mẫn với công việc, luôn mang tấm lòng canh cánh với thơ, vì thế, ngoài tập “Giọng Nghệ” in riêng và bao lần in chung, nay Ngô Đức Tiến lại cho ra tập thơ này.

  • Trong đội ngũ những người hoạt động văn nghệ tại Thừa Thiên Huế, bên cạnh các Hội chuyên ngành trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (như Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc…) có một tổ chức gọi là “Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên Huế”(CHNV).

  • Hà Khánh Linh xuất thân trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng ở Huế. Tên khai sinh của chị là Nguyễn Khoa Như Ý. Năm 20 tuổi, đang học dở dự bị đại học Khoa Học Sài Gòn thì chị quyết định bỏ học để gia nhập quân Giải phóng. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu chị đã từng đi dạy, làm phóng viên Đài phát thanh Giải phóng, Đài phát thanh Bình Trị Thiên, làm biên tập, Thư ký Tòa soạn rồi Phó tổng biên tập Tạp chí Sông Hương. Chị quen biết và giao tiếp khá rộng từ các vị quan chức đến các vị đại đức, linh mục, trí thức... cùng những năm tháng gian khổ ở chiến trường Trị Thiên, những chuyến đi thực tế ở Căm pu chia... đã giúp chị có một vốn sống hết sức phong phú.

  • Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ra và lớn lên bên bờ sông Kiến Giang thơ mộng. Nhưng tuổi thơ của chị chứa đầy buồn đau và nước mắt: Mẹ không có cửa nhà/  Em đứa trẻ vắng cha/ Như mầm cây trên đá/ Biết khi nào nở hoa? Nỗi tuyệt vọng cứ ám ảnh suốt cả tuổi thơ của chị. Trong một bài thơ đầu tay chị viết: Tuổi thơ tôi như ráng chiều đỏ lựng/ Hắt máu xuống dòng sông đen.

  • Trần Thùy Mai bắt đầu được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế biết đến khi chị đang học ở trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng (1975). Tốt nghiệp vào loại xuất sắc, chị được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở trường đại học Sư phạm Huế. Dạy ở trường đại học Sư phạm Huế được một vài năm, chị chuyển sang làm công tác biên tập ở nhà xuất bản Thuận Hóa. Đây là một quyết định khá táo bạo và sáng suốt. Làm việc ở nhà xuất bản, chị có điều kiện viết lách hơn.

  • LÊ HUỲNH LÂM                 (Đọc Viết bên Hộ Thành hào - thơ Nguyên Quân -, Nxb Thuận Hoá, 2009)Giữa những đổ nát hoang tàn quá khứ và hiện tại, khi mà thang giá trị bị đảo lộn, những mảnh vỡ đang vung vãi mọi nơi, tác giả lại tìm đến Hộ Thành hào để nhìn ngắm cõi lòng đang hỗn hênh mọi thứ và như chợt nhận ra niềm hy vọng mỏng mảnh, anh đã Viết bên Hộ Thành hào.

  • HOÀNG DIỆP LẠCBất chợt giữa một ngày mưa gió, nhìn những hạt nước toé lên từ mặt đất như những đoá hoa mưa. Một loài hoa của ảo giác. Có thể trong tâm trạng như vậy, Lê Tấn Quỳnh chợt hỏi:Hoa vông vangCó hay không

  • ĐINH NAM KHƯƠNG(Thơ Tuyết Nga - NXB Hội Nhà văn 2002)

  • NGUYỄN VĂN HOA1. Cuối thế kỷ 20, tôi làm cuốn sách “Tuyển tập thơ văn xuôi Việt Nam và thế giới” cùng tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thiện (Viện Văn học Việt Nam), trong tập sách này gồm phần học thuật và phần tuyển thơ Việt Nam và Thế giới. Phần thơ Việt có nhiều tác giả sinh sống ở Huế, ngẫu nhiên-tình cờ có hai nhà thơ có thơ trong tập này, đó là Hải Bằng và Hải Trung.

  • NGA LINH NGA1. Xuất bản mười hai tập thơ, mười hai tập văn xuôi, một tập nhạc; viết mười hai kịch bản phim chân dung, hai mươi lời bình cho các phim khác, biên soạn hai mươi tập nhạc... điều thật khó tin ở một người nổi tiếng rong chơi, thích cao đàm khái luận, thường không mấy khi vắng mặt nơi những cuộc rượu của đám văn nghệ Hà Thành như Nguyễn Thụy Kha.

  • L.T.S: Trong vài năm lại đây, ở Huế, chưa có tập sách nào ra đời lại gây được “hiệu ứng ngạc nhiên” cho bạn đọc như một hiện tượng ngoài tập Thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa ấn hành vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Huế và Đà Nẵng vừa qua. Ngoài các bài viết giới thiệu, phê bình in trên nhiều tờ báo trung ương và địa phương, Sông Hương vẫn tiếp tục nhận được thêm các ý kiến cảm thụ về tập thơ này.Xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNG           (Đọc tập thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa)

  • YÊN CHÂU          (Đọc Thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa)Giống như những cây xanh bói muộn bất ngờ cho một mùa hoa trái, thơ Nguyễn Xuân Hoa xuất hiện đột ngột như vậy. Anh không cho in rải rác đâu đó, cũng không đọc thơ ở những cuộc gặp gỡ bạn bè. Im lặng, đùng một cái cho ra hẳn một tập thơ. Thơ Trà My của nguyễn Xuân Hoa đã đến với bạn bè như vậy.

  • BÙI ĐỨC VINH            (Nhân đọc tập thơ “Cho người tôi thương nhớ”-NXB Hội Nhà văn 2004)Có một chàng thi sĩ phong tình đi lang thang vô định trên nẻo đường mưa bay gió tạt, chợt lơ đãng nhận ra mình là kẻ bị tình yêu truy nã trong bài thơ “Nhận diện” anh đã tự thú với trái tim thổn thức của mình.

  • INRASARA           (Đọc Mang, tập thơ của Phan Trung Thành, Nxb, Trẻ TP.Hồ Chí Minh, 2004.)Dòng Seine và cầu Mirabeau, cuộc tình với người tình. Sông đi và cầu ở lại, cuộc tình tan nhưng người tình thì ở lại. Mãi mãi ở lại, cùng nỗi buồn ở lại.                Con sông nào đã xa nguồn                Thì con sông đó sẽ buồn với tôi                                                (Thơ Hoài Khanh)

  • THANH THIỆNBốn mùa yêu là tập thơ tình mang ý nghĩa "vật chứng" cho một biệt lập tâm hồn có tên là Lưu Ly. Người thơ này dường như luôn đắm mình trong giai điệu tình yêu muôn thuở giữa ba ngôi Trao - Nhận - Trả và đã chọn cách trả sòng phẳng nhất cho sự nhận của mình là trả vào thơ.

  • NGUYỄN VĂN HOA(Nhân đọc Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường)Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường và tôi cũng đã gặp ông trực tiếp đôi ba lần ở Huế và Hà Nội. Nhưng ấn tượng nhất là buổi hội ngộ của gia đình tôi với ông ở nhà nhà thơ Ngô Minh ở dốc Bến Ngự Huế.

  • HOÀNG VŨ THUẬT         (Thơ Chất trụ của Nguyễn Hữu Hồng Minh- Nxb Thuận Hoá 2002)Nguyễn Hữu Hồng Minh không làm cái phép phù thuỷ đưa độc giả tới một không gian rắc rối. Quan niệm về thơ của anh được trình bày rất nghiêm túc qua bài “Chất trụ”, lấy tên cho tập thơ. Tôi rất đồng tình quan niệm này, không mới, nhưng không dễ làm người ta chấp nhận.

  • HOÀNG NGỌC HIẾN(Đọc Dòng sông Mía của Đào Thắng)

  • TRẦN THIÊN ĐẠOCứ suy theo nhan đề, thì chúng ta có thể xếp các trang Viết về bè bạn - Tập chân dung văn nghệ sĩ (NXB Hải Phòng, 2003) của Bùi Ngọc Tấn cùng một loại với mấy tập sách đã ra mắt bạn đọc vài ba năm nay.