Gió ngàn

17:43 11/05/2010
NGUYỄN QUỐC ANHNgày ngày cuốc đất, gánh phân, cào cỏ. Ngày ngày đã diễn ra như thế, đơn điệu và buồn tẻ. Buổi tối, những đồi chè từ màu xanh chuyển sang màu xanh thẩm, những đêm đông thì đen đặc mông lung, vô tận.

Đi làm về, Quảng nằm dài trên phản gỗ, yên lặng nghĩ suy, những nghĩ suy thật vớ vẩn nhưng không thể dứt ra được, trở thành nỗi ám ảnh vô vọng. Rồi còn những đêm gió Lào nữa: gió trườn qua đại ngàn ào ào trên mái lán, nghe ràn rạt, như gần, như xa, như bước chân một đàn bò vừa đi vừa đùa nghịch, xô vào lán trại. Lại còn những đêm thu mênh mông cô tịch. Tiếng dế ngoài đồi não nùng, tiếng thú dữ rừng xa vọng về hoảng loạn, không phải tiếng thú hoảng loạn mà chính tâm hồn Quảng rối bời, một nỗi nhớ có tên gọi là nhớ rừng, thăm thẳm và da diết. Quảng khao khát đoạn tuyệt nó, nhưng sự thật mười mươi cứ diễn ra ngày ngày quanh anh, thật không thể dứt bỏ được. Tâm trí Quảng rối bời, lòng buồn tận đáy. Khóc, hình như tuổi thơ Quảng đã khóc nhiều, bây giờ nước mắt không còn nữa. Đời người có may rủi, nhưng Quảng chẳng hề có một điều may nào. Miếng cơm, manh áo, nụ cười... với Quảng là mồ hôi, nước mắt không ít lần phải đem sinh mạng ra đánh đổi! Điều may duy nhất với Quảng là vẫn còn sống, còn được sống đến bây giờ.

Bố mẹ Quảng lên sông Châu lập nghiệp mới hơn mười năm. Hơn mười năm ấy, sức lực của người lực điền với trí tuệ sắc sảo của một cô con gái nhà địa chủ vẫn chưa đủ cho họ “thay đổi kiếp người”. Khát vọng của cha mẹ dồn vào cho Quảng, nhưng vẫn mù mờ vô vọng lắm.

Từ miền xuôi lên sông Châu “ xây dựng kinh tế mới”, Quảng thất học lúc mười bốn tuổi. Anh theo bố đi bè, toan góp tiền mua chiếc xe đạp để theo học trường huyện. Nhưng bố mất Quảng trở nên bơ vơ. Rồi theo trai gái sông Châu, bỏ quê vào Kỳ Anh, xa ngót ba trăm cây số, tìm đến mỏ vàng, toan góp tiền mua xe máy về đi buôn để “ đổi kiếp người. Nhưng tranh nhau ăn, tranh nhau nói, tranh cười, rồi cướp của, hiếp người, chỉ nhìn thôi Quảng đã thấy bế quẩn lắm. Vật lộn chốn hang hùm chợ quỷ được vài năm, gom góp được một bơ (lon sữa bò), vàng cám, Quảng phải toan tính đường về. Vàng đã đủ sửa nhà cho mẹ, anh lại vào rừng chặt mía bán, thủ chí với non ngàn cùng cốc. Khát vọng chiếc Sim-sơn chạy buôn đường dài lại bị dập tắt. Thật buồn. Nhưng anh gặp may lần đầu trong đời, ấy là thoát nạn trấn lột của đồng bọn. Về nhà, huyện vận động thanh niên xung phong mở nông trường chè. Anh xin đi. Toan tính của mẹ nghe ra thiệt có lý: trồng chè tốt, sẽ có mặt nhà máy chè. Có nhà máy chè, nhà nước cần công nhân chăm bón và chế biến chè. Mẹ khuyên Quảng làm thật tốt để hy vọng ở lại với nông trường, làm người nhà nước, sống có tổ chức, “đổi được kiếp người” vậy. Bây giờ, nghe nói sống phải có tổ chức, dễ có người cười mũi. Nhưng một thời, mẹ anh là con địa chủ, vào Đoàn thanh niên cũng chẳng thể được. Sống giữa quê hương mà hình như người ngoại quốc. Chị lỡ thì con gái. Hài kịch đã xảy ra, cô nhận lời lấy người con trai sơn tràng chuyên nghiệp, chị hơn chồng những năm tuổi. Đôi vợ chồng cập kênh tuổi tác và sắc tài rủ nhau lên lập nghiệp bên dòng sông Châu này. Rồi, mẹ vỡ đất trồng khoai sắn, rồi thì chợ búa thêm vào, bố lại lầm lụi vào rừng sâu chặt mía, mót giang mây thêm vào chạy bè về xuôi bán. Vất vả, làm than, cầu mong nuôi con ăn học, mong đổi kiếp người, nhưng vời vợi lắm. Mẹ bảo Quảng đi Thanh niên xung phong là nuôi kỳ vọng “đổi được kiếp người”. Nhưng cũng vời vợi lắm. Dù đã hơn hai năm trằn lưng với đồi sim, cỏ dại, trồng lên cây chè xanh bát ngát những sườn đồi. Nhưng, sắp hết nghĩa vụ rồi, đơn vị có “vào” công ty không, ai đi học, ai đi làm, ai ở, ai về... vẫn là một câu hỏi thắc thỏm trong lòng Quảng. Nghe Quỳnh khoe sắp đi học, nghe Mỹ khoe sắp về tỉnh làm, nghe Lài về huyện là lòng Quảng tan nát. Chia xa, dù vất vả, va chạm, nhưng sẽ có bao bè bạn chẳng mong ngày gặp lại. Mẹ cũng tỏ ra thất vọng, nói: Thì xong nghĩa vụ, cứ về. Mẹ sẽ bán hết mua xe máy cho con chạy đường dài. Phi thương bất phú. Hồi ở quê, mẹ có chạy chợ vài buổi, bán rổ qủa, mớ hành cũng bị gọi là “gian thương”, đành bỏ lên rừng. Khổ, nhưng ngàn xanh núi cao, thưa người rộng đất, cũng dễ thở hơn. Mẹ chỉ thương trường huyện xa không mua nổi xe đạp cho con đi học cấp ba cho bằng bạn bè. Ây là thuở bao cấp, mọi vật phẩm hàng hóa trong tay nhà nước, mình lách ra kiếm sống thật khó. Xã hội bung ra, là mẹ lo được xe cho các em đi học. Con muốn đi buôn, mẹ sẽ bán hết gia tài, mua xe cho con. Mẹ nói vậy, nhưng Quảng nhẩm tính, nhà mình bán hết thượng vàng hạ cám cũng chẳng thể mua nổi một bánh xe! Muốn chuyển việc làm, muốn vay vốn trồng rừng đều phải có ô dù. Làm gì Quảng có những thứ ấy. Kiếp người lại hoàn nguyên bần cùng! Quảng buồn vô hạn. Tự nhiên Quảng chán bạn bè: Anh tránh những cuộc vui, bốc đồng, khoe mẽ. Thì ra, đi cuốc đất trồng chè mà đứa nào cũng ô dù kín trời. Tổng đội Thanh niên xung phong hóa ra là một ga tàu. Họ đến, dừng chân vài năm, để rồi đi xa hơn. Chỉ mình Quảng, quả thật, nhẩm lại chỉ mình Quảng, là phải trở về, dù muốn ở lại công ty cũng phải chạy vạy. Nhưng chạy vào đâu, lót tiền vào tay ai thì Quảng chịu. Quảng giống con gà, vừa ra khỏi chuồng, vừa đập cánh nhảy mấy bước đã lọt vào một tấm lưới lùng nhùng, quẩn cả trí. Nhiều bận bè bạn rối rít túm tụm chuyện trò, Quảng mắc võng nơi hai cây duối đầu nhà, nằm ngóng trời đêm xa xăm, ngắm sao đổi ngôi mà lòng muốn khóc. Càng đến ngày giải thể đơn vị, tâm trạng Quảng càng rối bời bời. Từ một đoàn viên kiểu mẫu trong lao động, anh bị ghép vào nhóm đoàn viên có “vấn đề tư tưởng” Quảng nghĩ: Cuốc đất, vã mồ hôi hột, gánh phân gập xương sống, cần gì tư tưởng, chỉ siêng năng là được. Kỳ thật! Kiểu phân loại vớ vẩn này, thà đi bè còn dễ sống hơn. Ở bãi vàng, chẳng đứa nào có “vấn đề tư tưởng”, cứ đào, bới, đãi, gom về chia đều cho nhau. Ai có công, thì tự bớt vàng mình cho. Xong.

Nghĩ là vậy, nhưng nói ra làm gì, một đám người bốc đồng, sống dưới bóng người khác để cầu thân. Thật buồn cười! Đi vào rừng lấy củi cho đơn vị sợ mót đái, nghe kể chuyện đào vàng thì há hốc mồm nghe như vịt nghe sấm sét: quác quác kêu mà làm gì? Vậy mà có được “ tư tưởng phấn khởi xây dựng đơn vị!”. Cái gì cũng lộn trái ra làm lợi cho mình. Đồ ăn hại cả...

Ấy là người kể chuyện chép lại để bạn đọc dễ hiểu. Còn tâm trí Quảng thì sôi sục, réo như thác ghềnh. Anh chửi tục thả dàn một mình, hầu mong nguôi quên những bất công, kệch cỡm đang ngày ngày diễn ra quanh anh, của đám người nhiều chữ hơn anh, mà sống lại như rong rều, bán cọc này rồi dạt sang cọc khác, vậy mà vẫn đầy tham vọng, tham vọng theo dòng sông ra bể. Những thân phận đáng thương và buồn cười quá thể!

Nhưng dịp may lại đến với Quảng. Đơn vị luyện tập quân sự một tuần thì bắn đạn thật, Bắn ba viên Quảng đạt ba mươi điểm. Oái ăm thay là Lài người bạn thân của Quảng lại bắn trượt cả ba viên. Cô òa khóc Quảng bước lại ngồi cạnh cô, âm thầm không nói, cùng cô chia sẻ điều không may. Lài nức nở:

- Mình hồi hộp quá.

Quảng vẫn không nói, đặt tay lên vai cô ấn nhẹ. Hai người ngồi bệt xuống cỏ. Lài úp mặt xuống hai đầu gối, khóc, rung rung đôi vai gầy. Quảng khẽ nói:

- Lặng đi, đạn đi ăn sim là tại không chú ý thao tác chuẩn xác.

- Kệ mình. Lài gắt gỏng, hờn dỗi. Cô biết, quanh mình anh em đã về ăn cơm rồi. Ngồi lại với cô chỉ còn mỗi mình Quảng. Lài chờ đợi Quảng cầm tay kéo đứng lên để về. Nhưng Quảng vẫn im lặng không nói, chờ Lài thôi nguôi nức nở để về. Trăng đã lấp ló đỉnh lèn Bảo Nhan, Lài đành trao tay cho Quảng bảo: “Kéo mình dậy với”

Quảng bối rối cầm tay Lài. Giang hồ tứ chiếng, nhưng đây là lần đầu Quảng cầm tay con gái, Lài vừa kịp đứng dậy, anh đã vội rút tay về.

Lài bỏ cơm tối, cuộn tấm chăn chiên lăn vào một góc giường. Quảng đem cơm về cho cô, lặng lẽ đặt lên bàn. Lãi vẫn im như thóc. Chợt cô vùng dậy nói: “Chết rồi” làm Quảng dật mình hỏi:

- Cái gì mà chết được.

- Đêm nay giao lưu văn nghệ với Đoàn xã. Đi thôi.

- Ăn đi đã.

- Kệ mình. Quảng đưa mình đi. Đi một mình, sợ lắm.

Lài đã ngồi dậy. tay quờ quạng thu chăn gối, Quảng vẫn đứng như trời trồng. Lài nói:

- Thì đi ra cho mình thay quần áo nào.

Quảng ngượng, máu chạy lên mặt bỏ ra đi thẳng. Lài vội vã chạy theo. Vừa kịp trách Quảng thì gặp thủ trưởng Phin đi từ sân làng về. Phin nói:

- Lài cứ ở nhà mà nghỉ. Anh đã bố trí Quỳnh lo cho tất cả rồi. Về, anh đưa em về.

Lài ngập ngừng một lúc, nói:

- Em phải đến đó, anh ạ. Không làm gì thì cũng để cho khuây khỏa.

Trong lúc đó, Quảng đã lặng lẽ bước. Được một quãng, Quảng nghe bước chân Lài gấp gấp chạy theo. Cô hổn hển, nói:

- Anh Quảng ác thế.

Lại trách. Đúng là đàn bà. Quảng nghĩ vậy nhưng chẳng nói gì. Khi Lài đấm vào lưng thì Quảng mới lên tiéng:

- Mình ác gì với Lài?

- Thì bỏ người ta giữa đường, không ác là gì.

- Thì ưng về với ông Phin thì phải để Lài đi, mình đi một mình.

- Lần khác là không được chơi ác nữa nhé.

Quảng chợt hiểu nói:

- Ông Phin chơi đểu à?

Lài im lặng. Quảng buồn buồn nói:

- Hết nghĩa vụ, Lài đi học hay về Tỉnh.

- Chẳng đi học, cũng chẳng về Tỉnh. Lài nói cộc lốc. Quảng nói:

- Sao thay đổi như thay áo thế?

- Mới hứa hão đã chơi đểu. Mình về quê, tham gia công tác Đoàn xã, vui hơn.

- Ông Phin đểu như thế nào?

Lài gắt gỏng nhưng không che giấu được giọng uốn éo, giận dỗi:

- Quảng muốn học đểu à? Hỏi xăng quay làm gì? Đểu là đểu, vậy thôi nhé. Cấm hỏi.

Hai người im lặng bước đến sân làng.

Minh họa: NGUYỄN THIỆN ĐỨC


Một tuần trôi qua. Từ hôm cầm tay Lài, kéo cô đứng dậy, Quảng mới cảm nhận sâu sắc sự dịu mềm của bàn tay con gái. Đi làm ngoài đồi về, qua Văn phòng, lòng anh xốn xang thường ngó vào Văn phòng Tổng đội, mong gặp ánh mắt Lài. Thật kỳ diệu, gần như có hẹn hò, lần nào trông vào, anh cũng gặp ánh mắt Lài nhìn ra: mắt Lài đượm buồn, xa xăm,...

Tin đơn vị được bắn lại đạn thật làm Quảng rất phấn chấn. Anh tin vào tay súng của mình sẽ làm Huyện đội thán phục một lần nữa. Anh vui vì sẽ có dịp được “ lăn lê bò toài” trên bãi tập một lần nữa. Trong bữa ăn sáng, Lài nói:

- Quảng giúp cho Lài bí quyết bắn điểm mười nhé.

- Đơn giản.

- Cái gì anh cũng “ đơn giản”. Nửa đơn vị không đạt yêu cầu, thành tích Chi đoàn ra cám rồi.

- Mấy đứa đào đất thì tay cứng như củi. Mấy đứa văn phòng thì ngực lép như dán. Đạn đi ăn sim là đúng thôi! Mấy đứa huyện đội thì lo tán gái, tập tành nhếch nhác vậy, giặc sang, chạy cũng không kịp, đánh đấm gì! Một lũ cứ nhao nhao như vịt, thì ăn cám thôi.

Nghe Quảng nói, cả mấy dãy bàn ăn đang ồn ào cũng lắng lại nghe. Lài nói:

- Quảng tập cho Lài nhé.

- Xong ngay. Lại đây.

Lài ngồi đối diện với Quảng. Quảng nói:

- Nín thở. Mắt anh chăm chắm nhìn vào ngực Lài. Anh nghiêm mặt nói:

- Đừng cười. Tập lại. Nín thở!

Lài làm theo răm rắp. Mặt cô căng thẳng đỏ bầm. Bỗng cô buông hơi, phả vào mặt Quảng, rồi phì cười.

- Làm lại đi. Cảm nhận được làm hơi con gái, Quảng thấy mềm lòng, nói dịu dàng hơn.

Ngót chục người xúm lại xem Quảng tập cho Lài. Anh nói:

- Ra bãi tập, tôi tập thêm cho. Nằm phải duỗi người thật mềm mại. Óc: Phải tập trung, đừng nghĩ vẩn vơ. Tay : thật thoải mái, cứ lên gân là rung vai. Thở: phải nín thật lâu, mắt mới nhìn chuẩn. Sai một ly là đạn ăn sim, nói chi đi một dặm.

Kết quả bắn lại, đơn vị được tuyên dương. Riêng Quảng được Huyện đội tặng giấy khen. Riêng Lài, vẫn buồn buồn. Một bận, cô hỏi Quảng:

- Sắp hết nghĩa vụ rồi. Quảng có xin đi làm không?

- Lấy tiền đâu mà xin việc? Ô dù mình cũng chẳng. Mình về vay vốn trồng rừng. Lài đi Đại học hay về Tỉnh đoàn?

- Về Huyện.

- Ông Phin nuốt lời hứa à?

- Ngược lại thì có. Ông ấy, lúc thì bàn mình về Tỉnh đoàn với ông. Mới đây, nghe nói tỉnh sáp nhập nhà máy chè đang xây lắp với chè của tổng đội ta trồng thành công ty. Ông sẽ làm Tổng giám đốc, lại hứa huyên thuyên giữ tổng đội làm Xí nghiệp trồng chè, không đoán được ông ấy bụng dạ ra sao được. Lài tính về Huyện, còn phải lo cho mẹ và em, cả con em làng Thái nữa. Bỏ đất Thái vượt chục ngàn cây số biển về Tổ quốc, đến nay chưa ai được vào làm nhà nước cả, con em chưa ai bén vào cửa trường Đại học. Ở Thái thì làm thuê, nghe bố mẹ kể cũng khổ lắm. Về nước có đất, có đồi, có hợp tác, nhưng không được học, không đi làm thì kiếp người vẫn quẩn quanh thôi. Khai thác rừng với đan lát mỹ nghệ thì túng đói lắm đã truyền đời rồi. Dân làng sống như nước quấy trong chậu khổ lắm. Lài nói lâm ly thống thiết dài dài về số phận về khát vọng đi học, đi làm càng gợi thêm sự đồng cảm của Quảng. Nhưng Lài nói xa xôi về việc Huyện hội Phụ nữa sẽ đưa Lài về làm cán bộ tuyên truyền lại gợi cho Quảng một khoảng cách mới về địa vị xã hội trong tương lai. Quảng thêm buồn, anh thường tránh gặp Lài, e Lài lại làm cho tâm trí anh thêm rối bời.

Phin đang chạy đua với thời gian. Đời thành đạt như trở bàn tay, tạo nên một con người thực dụng trong sinh hoạt, công việc và cả tình yêu nữa. Là một cán bộ đoàn cơ sở, lên huyện đoàn. Muốn có xe riêng, Phin “chạy” sang làm Tổng đội trưởng Thanh niên xung phong. Phin mua ngay nhà ở thành phố làm “căn cứ” giao tiếp với giới chức sắc và hưởng lạc. Nhiều lần Phin tạo cơ hội để Lài về thành phố “ghé chơi nhà anh”, nhưng cô thường lấy cớ “mẹ ốm”, nên không thành. Kế “ nhữ hổ ly sơn” Phin xếp lại. Gặp Lài, thay vào những lời ngọt nhạt, Phin đưa tay “ thăm hỏi”. Sau mỗi lần bị nhột người, cô hoang mang thảng thốt. Cô mong ngày mong đêm mau được thoát cảnh chim lồng, cá chậu. Trong lúc đó Phin càng áp vào. Những con số thống kê rối loạn trước mắt Lài. Phin không la lối, bảo cô tranh thủ làm đêm. Lài linh cảm sự chẳng lành. Cô dặn Quảng lảng vảng quanh nơi làm việc, khi “có biến” thì lên tiếng, ngăn cản Phin giúp cô.

Ngay đêm đầu thì “sự biến” đã xẩy ra. Từ một dãy lán đối diện, Quảng thấy Phin lẻn vào phòng Lài. Điện phụt tắt. Quảng chạy tới gấp. Quảng lên tiếng: “E hèm!”. Trong phòng tối, tiếng xô đẩy bàn ghế, Quảng đập tay vào cửa. Cửa không mở. Có tiếng phích vỡ, tiếng cốc chén rơi loảng xoảng. Tiếng Lài: “Em xin! Em lạy”. Tiếng Phin: “Anh yêu em”. Tiếng Lài: “Đừng!”. Tiếng Phin: “Anh muốn cưới em. Anh xin”. Tiếng Lài: “Em cắn lưỡi. Em chết!” Quảng nghĩ: Có lẽ Lài đã cắn lưỡi thật. Co cẳng đạp, cửa không mở. Quảng vụt ra sân vớ ngay được chiếc xà beng. Chỉ một thúc, cánh cửa mở tung. Phin đang ép Lài vào tường: cô run rẫy, ngòi dúm dó dưới chân hắn. Quảng thúc thẳng xà beng vào lưng Phin. Lài rú lên. Cô nhào tới để cản chiếc xà beng. Đầu cô thúc váo háng Phin, xô hắn ngã lệch vào góc tủ.

Tất cả chỉ diễn ra trong chớp nhoáng. Chợt thấy âó Lài rách tươm. Hai núm coóc- xê treo lệch lạc trước ngực. Mắt Quảng hoa lên. Anh ngượng chín mặt, bỏ ra sân. Luẩn quẩn một lúc quanh những lô chè, anh về nằm thao thức tận sáng.

Quảng dậy muộn. Anh giả ốm để trốn buổi tập thể dục. Phòng hành chính, Lài cũng cáo ốm. Cuối bữa buổi sáng thì “ Cưỡng còm” lại gần Quảng, hỏi Quảng, giọng lo lắng:

- Cậu lúc tối mò vào phòng con Lài?

- Ừ, thì sao?

- Thằng “Trương phổi bò” nói sáng nay. Cả đại đội nghe đấy. (Trương phổi bò là biệt hiệu của Trương Công. Lúc nào hắn cũng bô bô, anh em gọi vui là vậy)

Quảng trầm ngâm một lúc, hỏi:

- Lài nghe, nói sao?

- Lài cũng bỏ tập thể dục, nghe sao được.

Quảng nói cho mình nghe:

- Mẹ kiếp! Nó lộn trái chuyện để hại tao. Cuốc đất, gánh phân sướng nỗi gì mà cứ hại nhau. Rồi anh nói với Cưỡng còm: “Cậu nói với ông Phin xóa tên mình đi! Mình về đi bè đây”

Quảng toan ghé lán lấy quần áo để về thẳng. Nhưng chợt nhớ đến Lài, anh đi tới phòng cô. Lài nằm dán trên giường. Cô ôm mặt khóc. Mặt mũi hốc hác xác xơ. Thấy anh Lài kéo chăn trùm kín đầu. Tiếng nấc càng to. Quảng nao lòng toan vỗ về, nhưng anh không thể kéo tấm chăn cô đang trùm kín đầu. Anh kéo ghế ngồi cạnh giường. Quảng nói, giọng buồn buồn:

- Lài có biết chuyện gì sáng nay không?

Lài không nói. Vẫn khóc nức nở. Quảng thôi không nói gì thêm. Anh không thích nói lại những điều xấu, sợ bẩn miệng. Mẹ nói: ngậm máu phun người là không nên. Anh thấy anh đang rất cần cho Lài trong những ngày từ nay tới hết nghĩa vụ. Có anh Phin chẳng thể hại được Lài. Nghĩ vậy, anh đi thẳng lên đồi chè.

Câu chuyện Cưỡng còm nói riêng với anh sáng nay, Quảng xếp vào chuyện vớ vẩn, đôi lai đôi mách: “ Mồm thằng Trương chó nó chằng thèm nghe!”

Nhưng không đơn giản như thế. Xì xầm loanh quanh, nó cũng đến tai Lài. Vẫn thằng “Trương phổi bò” thêu dệt thêm: “Mờ sáng nay Quảng đến phòng Lài. Gần tám giờ mới đi làm”

Một nửa sự thật là rõ ràng. Còn một nửa sự thật đang mờ mờ. Người biết rõ thì sợ Phin không dám nói, người chưa biết thì dị nghị thêm. Kẻ cơ hội thì tấp “rác” thêm vào Quảng, hòng kiếm lợi nơi ông Phin.

Buổi tối, chi đoàn sinh hoạt cuối tháng. Lài không ngồi hàng ghế trên để giúp Bí thư điều khiển như thường lệ mà cô ngồi tận cuối phòng. Vấn đề “ Quan hệ bất chính giữa Lài và Quảng” là chuyện mục cuối buổi họp. Nhưng ai cũng muốn nghe trước, thành ra “ Báo cáo công tác tháng” được thông qua tức thì, không ai góp vào nửa lời.

Bí thư chi đoàn, anh Thái, nói ấp úng những “ dư luận nghe được”. Im lặng

Ngồi ở hàng ghế đầu, Phin quay đầu nhìn quét một lượt xuống cuối phòng họp. Phin đắc ý với quyết định bất ngờ tham dự họp với chi đoàn đêm nay. Có Phin, chắc chắn trấn áp được Quảng và Lài với một vài đứa đang rắp tâm “a dua” mượn gió bẻ măng!

Phòng họp căng thẳng. Không hề có tiếng xì xầm như thông lệ. Trêu đùa cũng không. Mơ hồ có một bản án tử hình đang sắp đọc. Phin sẽ tuyên án và sẽ tha thứ?

- Không ai nói thì tôi nói. Từ cuối phòng Quảng nói to. Rồi anh bước lên, tựa bụng vào hàng ghế đầu nói tiếp:

- Tôi cũng nghe dư luận như anh Thái nghe. Tôi nghe anh Cưỡng nói. Vậy anh Cưỡng nghe ai?

- Tôi nghe anh Trương Công nói. Anh Công bô bô, ai cũng nghe không riêng gì tôi.

- Tôi cũng nghe anh Công nói. Anh Công phổi bò, tôi không chấp. Chuyện vặt cả. Nhưng ai làm khổ cô Lài, ta phải làm cho ra. Hỏi, Anh Công nghe ai nói.

Trương Công cúi gầm mặt. Vai giật cục.

- Nói đi. Sợ ai ở đây? Anh không nói thì tôi lấy xà beng cạy mồm anh ra. Nói xấu người khác thì bô bô, nói sự thật thì sợ, Sợ ai? Hỏi, anh có sợ xà beng không?

Nghe nói đến cái xà beng làm mọi người giật mình. Nó lại đang nằm trước sân ấp úng:

- Thủ trưởng bảo tôi nói

Toàn thân Phi nổi da gà. Hắn nói:

- Tôi đùa vậy. Không nghĩ rằng thành to chuyện. Phin nói đệm ngay sau lời Quảng.

Thấy Quảng thò tay móc túi, cả phòng họp nằm rạp xuống. Trương Công chui tọt xuống gầm bàn, toan bò ra cửa, nhưng Quảng đã tấn cửa, đứng sẵn ở đó rồi. Mọi người chợt nhớ giai thoại lừng danh của Quảng ở bãi vàng Kỳ Lạc; Sau nhiều tháng đói rét đào bới vô vọng, băng của anh gặp được một ngoắt suối thật nhiều vàng cám. Mấy băng khác xông tới đuổi và cướp lại vàng cám của băng anh. Quảng im lặng chẳng nói gì, bước lại gần một đại ca dữ tợn nhất. Hai người áp vào nhau, Quảng nói:

- Mi muốn chết tau chết với mi.

Đồng bọn hắn sợ mất đại ca đã vứt vàng lại rồi bỏ chạy. Còn hắn thì xin Quảng cho theo hầu hạ. Luật chơi của giang hồ là vậy. Quảng được bầu ngay làm đại ca, Nhưng nhớ lời mẹ: Đừng tham vàng bỏ ngãi. Anh cho thằng đại ca mặt lưỡi cày vừa đàu hàng anh thay mình. Anh về. Anh nhớ mẹ và các em. Tham nữa, e có ngày toi mạng. Anh đã gom đủ vàng sửa nhà cho mẹ, ngãi là vậy đấy, là đền đáp công nuôi nấng của cha mẹ...

Câu chuyện trên đã theo Quảng về Tổng đội. Họ chợt nhớ vậy, mọi người rụng rời cả tay chân. Nhưng, Quảng không rút ra lựu đạn, mà đem ra từ trong túi một chiếc đinh mười phân và một chiếc búa đinh. “Quảng sẽ đóng vào đầu thằng Trương Công? Hay đầu ông Phin?” Ý nghĩ chạy nhanh từ đầu người này sang đầu người khác như một luồng điện. Bọn giang hồ trả thù là chuyện đổi mạng sống: Đóng đinh vào trán địch thủ rồi tự đâm vào cổ mình. Sách kinh dị đã kể. Nhưng đây là nhỡn tiền kinh dị thật. Cả phòng họp im như thóc, nghe rõ cả tiếng quạt trong phòng và tiếng dế trên đồi. Quảng nói:

- Các đồng chí biết, chuyện rõ như ban ngày lại bị lộn trái rồi. Anh Công đã nhận là dại mồm nói leo. Thủ trưởng nói: đùa! Đồng chí Lài bỏ ăn nằm khóc, xơ xác như ma đuổi. Chuyện vặt đã thành to chuyện rồi. Tôi nói: chấm dứt mọi chuyện tại đây. Cấm ai lẻo mồm nói ra ngoài, thiệt cho cả đơn vị, tôi đóng đinh vào đầu. Chấm dứt tại đây! Đơn vị đang được xét tặng Huân chương. Thủ trưởng sắp làm Tổng giám đốc Công ty chè. tổng đội ta sẽ thành xí nghiệp trồng chè. Ta sẽ thành công nhân xí nghiệp trồng chè. Bới đất có nhau. Nay vui đến nơi rồi ai nỡ dại hại nhau. Trò tào lao này chỉ khổ mình đồng chí Lài. Tôi đóng cái đinh này vào cột, để nhắc nhau mà nhớ đời: Phải ôm lấy nhau mà sống!

Bụp! Bụp! Bụp. Tiếng búa vang lên, đanh, gọn.

- Xong, Quảng nói

- Nghỉ họp. Thái nói.

Mọi người ra về lán trại của mình. Gió ngàn lồng lộng thổi trên những đồi chè. Nắng và gió Lào sẽ làm chè xanh sông Châu thêm đậm đà hương vị.

5- 2000
N.Q.A
(138/08-00)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HOA NGÕ HẠNHHọ Nguyễn ở Trung Lộc quê gốc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Gia phả ghi rõ, ông tổ của dòng họ theo chân Chánh đô An phủ sứ Phạm Nhữ Dực vào khai khẩn đất Thăng Hoa năm 1402. Ban đầu họ Nguyễn định cư tại Hương Ly. Đến đời sau, một nhánh trong tộc chuyển hẳn lên Trung Lộc, nằm ở thượng lưu sông Thu Bồn.

  • Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.

  • TRẦN NGUYỄN ANH Trong gia đình tôi, dì là người đến sau cùng. Dì thường bảo tôi: “Ô Mai à, hãy coi dì là bạn nhé”. Tôi thẳng thừng bảo: “Tôi chỉ có thể coi dì như kẻ thù”.

  • NHẬT HÀ      Lần đầu về thăm Đồng Tháp Mười, thú thật, tôi thấy có nhiều điều rất lạ, từ mảnh đất, sông nước, cây cối, chim muông tới các địa danh và nhất là con người.

  • CAO LINH QUÂN                Ăn mày là ai?                Ăn mày là...                                (Ca dao xưa)

  • LAM PHƯƠNGNàng không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc đời không cho phép nàng lựa chọn. Ngôi nhà lá sùm sụp xám xịt như con ốc ma. Ba chị em không cùng cha và chưa bao giờ biết mặt cha. Và mẹ nàng, người đàn bà có khuôn mặt nhầu nhĩ như tấm lá mục úa, bươn bả mót máy làm thuê một ngày dẫn người đàn ông xa lạ về.

  • HÀ HUỆ CHI1. Mong đợi từ lâu lắm một tiếng cười sum họp. Tôi muốn khóc. Tôi muốn chết. Khi cuộc sống chẳng có gì giống một điệu múa. Khi trái tim chẳng buồn đốt pháo.

  • Phan HuyỀn ThưLam thấp thỏm nghe ngóng tiếng còi tàu từ xa vọng lại. Cứ khoảng hai phút một lần, tiếng còi hú dài xa xăm. Trời mưa to, chui tọt vào cái quán cà phê sát đường tàu, Lam ngồi gặm nhấm những thù hận của mình.

  • TRẦN HỒNG LONG“Tao cấm mầy nói nó chết! Nếu mầy còn nói nữa, tao sẽ đuổi mầy ra khỏi nhà tao ngay!”. Chỉ cần nghe cái “điệp khúc” ấy là dân xóm Vàm Đinh đủ biết bà Hoài chửi chị Ngọt ở trên tỉnh về thăm. Và, không cho chị nói chuyện anh Mặn hy sinh, mặc dù giải phóng đã hai mươi năm rồi vẫn không có một tin tức nào về anh.

  • ĐINH DUY TƯ         Truyện ngắn “Chỉ vì thằng Mỹ, tao mới đến nông nỗi này. Ví như không có hắn, tao thành trạng lâu rồi”.Đó là tuyên ngôn của một trạng lính. Vâng! Hắn tên là Nguyễn Đăng Lính ở cùng làng với tôi. Hai đứa nhập ngũ một ngày, nhưng ngành nghề có khác nhau.

  • NGUYỄN THỊ THÁIVào hội Văn học Nghệ thuật được gần năm, đây là lần thứ hai tôi được đi thực tế. Lần thứ nhất cách đây hai tháng.

  • HOÀNG BÌNH TRỌNGGập tấm bản đồ địa hình lại và vừa kịp đút vào xà cột, thì trung uý Trương Đình Hùng nghe có tiếng chân người lội bì bọp dưới suối. Lách mình ra phía sau cái trụ chằng phủ đầy dây hoa lạc tiên, anh thấy một người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần, cao lớn, vẻ mặt thô tháp, cõng chiếc ba lô cóc phồng căng từ dưới dốc bươn bả trèo lên.

  • Y NGUYÊN     ... Những người muôn năm cũ         Hồn ở đâu bây giờ

  • GIẢN TƯ HẢIGã bước xuống xe ôm móc ví trả tiền rồi lững thững bước về con phố ven đê. Chiều thu ánh mặt trời vàng vọt trải dài lên cái thị xã vùng biên vốn dĩ đã buồn lại càng thêm vẻ mênh mang hiu quạnh. Giờ tan tầm đã qua, dãy phố ven đê hoặc có người còn gọi là cái chợ người vốn tập trung nhiều lao động chân tay cũng đã vãn dần. Thấp thoáng vài bóng chiếc ô tô qua lại. Gã chậm rãi vừa đi vừa nhìn trái ngó phải, chốc chốc quay lại nhìn như sợ bị ai đeo bám. Chân gã đi giày thể thao adidas mới cứng, vận chiếc quần bò cũ đã thủng lỗ chỗ như đạn bắn, phía trên khoác chiếc áo đại cán rộng thùng thình màu cứt ngựa, đầu đội mũ cối Hải Phòng kiêu hãnh một thời cũng đã sờn cũ và bong lớp vải để lộ cái lõi xám xịt.

  • NGÔ HỮU KHOADưới gốc cây Sau Sau, thứ cây có thân gỗ nhưng muốn mang đốt cũng không cháy, dùng làm gỗ thì nhanh mục nên mới được sống tươi tốt ở vùng rừng thường xuyên được dân sơn tràng lui tới. Dũng trong thế ngồi co quắp, hai bàn tay giấu dưới vạt áo mưa để vừa tự sưởi ấm cho cơ thể vừa giảm tiết diện để tránh những hạt mưa lạnh buốt lọt qua tán lá rậm rạp, những hạt mưa mùa không biết mệt mỏi cứ rơi và rơi…

  • NGUYỄN VIỆT HÀCó một ngày rất âu lo đã đến với thằng béo. Bụng bồn chồn tưng tức, giống như đang ngồi giữa một cuộc họp trang trọng bỗng mót tiểu tiện mà không thể đi. Trước đấy hình như duy nhất một lần cái cảm giác bất an này cũng đã đến. Láng máng không thể nhớ.

  • MA VĂN KHÁNGKhi những người U Ní ở vùng biên sau mấy tháng trời đông giá, ngồi trong nhà đánh cuốc, sửa dao, đan lát bước ra khỏi căn nhà đất dày kín như cái kén, đặt chiếc vai cày lên cổ con trâu, đi những đường cày đầu tiên, hoặc rủ nhau đi bán công khắp các nơi trong vùng thượng huyện Bát Xát, thì hoa gạo bắt đầu nở.

  • PHAN TUẤN ANH- Anh ơi lên xe đi, xe chạy suốt Bắc Nam đấy.- Có đi Vinh hả anh, bao nhiêu tiền vậy?- Ôi dào! mấy chục ngàn thôi, lên nhanh đi anh ơi.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUYĐiện thoại di động trong túi rung lên báo tin nhắn đến, Luân uể oải mở ra xem. Khuya rồi sao còn ai nhắn tin nhỉ? Một số máy lạ với một dòng tin lạ hiện ra: “Bạn ơi tôi không biết bạn là ai nhưng tôi muốn bạn biết tôi sắp lìa xa cuộc sống này. Tôi đang tuyệt vọng”.Đúng là đồ khùng! Đồ dở hơi!

  • HOÀNG TRỌNG ĐỊNHPhòng giam chật chội, tối tăm...  Gần trần có một lỗ thông hơi. Bên ngoài lỗ thông hơi là bức tường tôn xám xỉn. Khe hở dài chừng 10 mét, rộng chừng 3 tấc, nằm song song và gần sát với mặt đường bên ngoài. Đứng trong phòng giam, từ lỗ thông hơi nhìn qua khe hở của bức tường, chỉ có thể thấy những bước chân người đi.