NGUYỄN HIỆP
Hé mắt lúc lâu mọi vật mới dần hết mờ nhòe, một không gian lạ hoắc với những vật dụng bằng gỗ cũ kỹ như trong thế giới cổ tích nào đó hiện trước mắt Sa.
Minh họa: Nhím
Cách chừng hơn sải tay là đường cong mềm mại đính đầy cát. Hạt trong suốt. Hạt mờ đục. Hạt vàng ánh. Hạt đen tuyền… Những hạt cát quả thật nhiều màu sắc. Lần đầu tiên trong đời Sa nhìn kỹ chúng đến vậy. Những hạt cát nhúc nhích lăn lăn làm cho tia mắt Sa lùi rộng ra, vội giật mình, Sa chớp mắt mấy lần liên tiếp căng mở hết cỡ con ngươi, để tin rằng trước mắt thật sự là con người bằng da bằng thịt, một người đàn bà với mảnh khăn che kín mặt. Mái tóc dài bị chôn vùi nửa phần trong cát. Tấm lưng nuột nà quay về phía Sa, anh nhìn thật lâu nơi bờ vai thon đang nhích lên nhích xuống nhẹ nhàng theo nhịp thở, rất nhiều cát dính chặt vào da, dưới tấm ván lót lưng nhô nhô dải cát đùn dọc dài theo cơ thể tựa như cát từ cơ thể ấy đã, đang rơi ra từng hạt, từng hạt, không ngừng. Giờ thì Sa đã ngửi thấy mùi đàn bà nồng nồng ngòn ngọt ngập ứ trong mũi. Sa hơi mơ màng lúc nữa chợt rơi vào trạng thái nghi hoặc, phân vân, không còn biết đâu là thật, mà cũng không rõ mình đang nhận biết thật sự mọi thứ hay chỉ là những hình ảnh, mùi vị lưu dấu trong hồn vía đã lơ lửng mông lung. Một người đàn bà trong căn nhà gỗ. Là ai? Người này có liên quan gì đến mình? Tại sao mình lại ở đây? Hay mình đã chết? Ảo ảnh mà thật đến mức này sao? Sa tập trung hết sức để nhìn thật rõ đám lông măng và cả những hạt cát, những dịch chuyển trắng vàng đen trên vùng sau cổ của người đàn bà và tự hỏi mình lần nữa về tất cả. Những hạt cát bay bay mơ hồ trong những xiên sáng, trong những lỗ chỗ, trong những lốm đốm nhảy múa càng lúc càng trở nên thật hơn. Người đàn bà với làn tóc xõa đầy cát cũng thật đến mồn một.
Trở mình, gượng ngồi dậy, những cơn đau ê ẩm lan ra khắp cơ thể, chợt Sa bàng hoàng co rúm người khi thấy cơ thể mình cũng đầy cát, anh đưa tay bụm vội giữa hai đùi, trước đây chưa bao giờ Sa phơi cơ thể mình như thế này trước người khác phái.
- Ngủ ở đây không được… mặc gì cả… để tránh bọ chét và mẩn ngứa…
Người đàn bà khe khẽ, tiếng nói nhẹ đến mức anh hình dung nó được phát ra từ một ụn cát bất kỳ nào đó trong khắp nền nhà. Sa bật dậy quơ đống quần áo lính dày cộp của mình ôm che trước bụng. Cát từ quần áo rào rào rơi xuống phủ cả hai bàn chân. Sa rút chân lên, vừa thụt lùi vừa dáo dác tìm thứ gì đó để tự vệ. Chân Sa đưa ra khỏi sàn ván, thụt xuống nền cát lún làm người anh chúi nhũi suýt té nhào. Cảnh cát. Người cát. Một thế giới đầy những hạt li ti, lạo xạo, bất động đó mà dịch chuyển cũng đó. Sa quay lưng về phía người đàn bà nhanh chóng xỏ quần vào.
- Cô là ai?
Tấm khăn che mặt được gỡ ra, người đàn bà giũ khăn, rũ rũ mái tóc cho cát rơi bớt rồi vấn gọn thành búi sau ót. Những đầu ngón tay phình to nhăn nhúm dị thường của người đàn bà đập vào mắt. Sa rùng mình. Anh đã đủ tỉnh táo để biết không phải ma quỷ hay bệnh nhân cùi hủi nhưng rõ ràng cảm giác bất an cứ chiếm lấy, nuốt trọn con người anh. Sa cảm thấy mình đang lạc vào một thế giới khác, lạ lẫm và biệt lập. Trừ những đầu ngón tay dị dạng thì đây là một người đàn bà rất đẹp, mắt to, mũi dọc dừa, da mặt trắng hồng, Sa lướt từ đầu đến chân, thầm nhận xét. Vẫn không nói gì, người đàn bà đi về phía mấy cái xoong móp méo, dùng cả hai tay cào ngọn một đống cát lớn, mở tấm ni lon bên dưới, lấy ra một chiếc gáo dừa đầy nước, ngửa mặt xúc miệng, đánh răng; rửa mặt xong, múc gáo nước khác đưa cho Sa, mặt vẫn không quay lại. Hóa ra dưới ụn cát đó là một thùng nước bị cát phủ kín. Sa ngạc nhiên quá sức. Trong khi người đàn bà mặc vào người bộ đồ bà ba đen bạc màu và quấn chiếc khăn rằn cũng đã bạc màu lên cổ, anh quét mắt xung quanh, không biết những ụn cát khác chứa những vật dụng gì bên trong nó; chợt mồ hôi rịn lạnh thái dương, Sa vừa hiểu quần áo này, khăn quấn cổ này... Một cơn dợn lạnh chạy dọc sống lưng lên tận ót.
- Nhớ gì không? - Người đàn bà hỏi lơ đễnh.
Sa ngơ ngác nhìn ra khung cửa của cái nơi nửa nhà nửa hầm này, bên ngoài vách cát loa lóa dựng đứng chắn ngang tầm mắt. Những hố cát, trượt, lộn, bò, trườn, nhích, leo vụt hiện vụt mất… Ngay lúc ấy, có gì đó đang chuyển động rất mạnh, người đàn bà chợt ngồi thụp xuống, giấu mặt giữa hai đầu gối, tiếng nói khe khẽ lại phát ra: “Úp mặt xuống!” Ngôi nhà rùng rùng chao đảo, mấy cái xoong móp méo cuối bức vách gỗ khua loong coong. Cát từ những tấm lợp lá dừa trên mái, từ tấm dù trắng của pháo hỏa châu căng giữa nhà tuôn xuống rào rào… Thất kinh, hốt hoảng, Sa nghĩ nhanh đến một cơn động đất. Bên ngoài cát mù trời… Sa đang hoang mang cực độ. Chợt tất cả dừng lại.
Đột ngột yên ắng. Sa khạc ra nền nhà một bụm cát và khạc không biết bao nhiêu lần như vậy. Người đàn bà vẫn chưa nhúc nhích, cát phủ dày quanh cơ thể, nhìn như pho tượng làm bằng cát, một pho tượng thu lu, cuộn tròn và bình thản.
*
…Tại điểm tập kết nghỉ đêm giữa cuộc hành quân, năm chiếc xe thiết giáp to kềnh càng nằm án ngữ thành một vành đai vòng cung chờ lực lượng đổ bộ quay lại, chợt sáng ra chỉ còn bốn, không ai giải thích nổi vì sao cả người cả xe không còn tăm hơi, hoàn toàn không để lại chút dấu vết nào. Bao nhiêu bấn loạn, truy tìm, suy đoán, kết tội xôn xao một thời.
Người ta phải điều đến trực thăng quạt nát mấy bìa rừng dương ven biển, nhảy toán xâm vụn đến từng tấc đất, từ vùng Cầu Xéo, Đá Nhảy ven biển đến Hồ Ma, Rừng Dương, những địa danh từng được hiểu “một đi không về”, nó đánh động cả những đường dây hoạt động tình báo dò la, giải mã bằng được bất cứ tín hiệu mật mã lạ nào trong vùng.
Im ắng khá lâu, tưởng hiển nhiên thua cuộc trước trò ảo thuật chiến tranh thì cây kim dưới biển chợt trồi lên, mấy thằng bé đen nhẻm con làng chài đi mót củi tình cờ phát hiện chiếc xe thiết giáp còn nguyên vẹn đứng trơ giữa hai đụn cát lớn, hai xác lính trong xe thúi khắm.
Đêm ấy, một đồi cát khổng lồ âm thầm dịch chuyển phủ gọn lên chiếc xe bọc thép cùng những người lính thiết xa vận xấu số, và rồi những đồi cát anh em khác đã dự phần tấp gối phả lấp kiến tạo nên một hiện trường bí ẩn giữa thanh thiên bạch nhật vượt ngoài khả năng suy đoán, phát hiện của con người.
Tôi chỉ biết vậy về chân dung của một thứ liên tục biến hình, về bãi trắng hàng trăm mẫu chạy dọc miền duyên hải này, về một loại đối tượng có đường kính chưa tới một milimet nhưng tạo ra cả một thế giới dị biệt, cô lập và có sức mạnh đến đáng sợ này.
Trong chiếc thiết giáp nạn nhân của cơn bão cát năm đó, ngoài hai xác chết để lại còn có một xa trưởng Huỳnh Sa, người đang thức trực, kịp thời chui đến trầy da trốc vảy ra được khỏi xe và như một con giun kiên gan Sa đã chui ra khỏi địa ngục cát đang dày ập lên từng giây từng phút, Sa đã thoi thóp trườn đi trong khát cháy, trong mê man hoảng loạn, trong cơn chuyển động rùng rùng của biển cát và đã rơi vào giếng cát định mệnh.
*
…Mùi khói bếp làm Sa thấy an lòng trở lại. Cơn sôi réo của dạ dày kéo Sa vào bữa ăn, một bữa cơm không thể ngon hơn, tuy thức ăn chỉ là con cá trích khô và chén nước muối. Anh và lia một hơi ba chén cơm trong khi người đàn bà lẳng lặng ngồi nhìn, nhận chén bới cơm, dịu dàng đưa cho anh bằng hai tay, rồi lại ngồi nhìn, khuôn mặt không biểu lộ gì, ánh mắt không biểu lộ gì. Vẫn không nói gì, người đàn bà lẳng lặng dọn rửa mọi thứ úp lên một bó cây sầm khô. Ở đây, vách ngăn, giàn nước đều kết từ những bụi chà sầm, loại cây bụi, thân vừa cứng vừa dai mọc nơi những vùng đất khắc nghiệt.
- Sao tôi tới được đây?
Người đàn bà thủng thẳng kể: Đang chôn thùng lấy nước thì phát hiện ra anh, hơi thở thoi thóp, sờ tay lên trán thấy người như cục than lửa, biết là chưa chết nên kéo vào nhà cho uống nước gạo rang, đắp khăn ướt. Anh đã nằm mê man bốn ngày trời... Lính thiết giáp à? Xe bị phục kích?
- Không. Chúng tôi bị bão cát. Tôi chỉ nhớ đến đoạn chui ra khỏi chiếc xe bị cát phủ, chạy loạng choạng một đoạn trong cơn bão cát rồi quỵ xuống bò lết, sau đó thì trườn đi và không còn biết gì nữa… Cô định nộp tôi cho du kích?
- Anh tính tôi phải làm sao?
- Xin thả cho tôi đi khỏi đây!
- Anh đi được sao?
Sa đứng bật dậy bước thụt lùi ra ngoài. Anh đi lòng vòng, mắt ngước ngó trân trân vách cát dựng đứng cao ngất xung quanh. Sa áp ngực vào cát trèo lên. Vừa nhấc chân chưa được ba bước thì vách cát nứt ra, anh lại bị tụt xuống. Sa nhào lên lần nữa, lần này lấy tay moi đất thành lỗ sâu rồi đặt chân vào nhưng cũng chỉ được ba bước, cả vạt cát lớn úp lên người làm anh lộn nhào xuống. Người đàn bà nãy giờ dựa cửa đứng nhìn không nói gì, khi thấy Sa lấm lem trong cát mới chạy ra đỡ anh dậy.
- Không đi được đâu, mà ra được khỏi đây cũng bị du kích bắt sống liền...
Sa nằm trên cát nhìn xoáy vào mắt người đàn bà.
- Vậy là cô định nhốt tôi?
- Anh biết đó…
- Cô lên trên kia bằng cách nào?
- Dây.
- Dây đâu? - Sa bật dậy chụp hai vai người đàn bà. Cho tôi mượn sợi dây!
- Mũi trưởng đang giữ - Người đàn bà thản nhiên như không.
- Mũi trưởng là ai?
- Là… Mũi trưởng. Đồng chí ấy phụ trách Mũi công tác ở đây. Anh biết đó, dây phải được thả từ trên xuống.
- Cô không sợ tôi giết cô sao?
- Tôi là người cứu anh kia mà… Mũi công tác phát hiện ra tôi đang chứa một tên địch ở đây thì anh chết đã đành, tôi cũng rắc rối to. Anh thoát thì bí mật của Mũi công tác bị lộ, không ai để anh còn sống mà đi…
- Cô làm gì ở đây?
- Dưỡng thương - Người đàn bà đưa hai bàn tay trước mặt Sa - Tôi bị biệt giam, bị đánh rách da bằng roi cá đuối khô, sát ớt vào, rồi bị dùng kềm rút móng tay, còn các ngón tay thì bị đóng đinh. Các xương đầu ngón tay tôi đều bị bể. May mà có đợt trao trả tù binh…
- Côn Đảo à?
Người đàn bà không đáp lại câu hỏi của Sa mà bảo:
- Anh vào nhà đi!
*
…Một ngày mùa đông… Người chết hai lần… thịt da nát tan…
Sa thức giấc lắng tai. Người đàn bà đang khe khẽ hát Ngụ ngôn mùa đông. Sa không dám thở mạnh, lắng nghe.
Sa giật mình vì tiếng gì đánh xạch ngoài cửa. Người đàn bà ngừng hát, bươn ra mang vào một bó cây sầm khô, mở dây buộc, bên trong là túm gạo, bó cá khô và gói nhỏ băng bông, thuốc tây. Người đàn bà khe khẽ: “Chúng ta phải dè xẻn, khẩu phần này chỉ dành cho một người.” Vừa gói ghém mọi thứ, người đàn bà vừa kể về cuộc thảm sát Cát Bay xảy ra vào đầu những năm năm mươi, một trung đoàn lính Âu-Phi đã đốt hơn hai trăm nóc nhà trong ngôi làng cát, trẻ con bị ném vào lửa, đàn bà bị hãm hiếp đến chết…
*
Cơn chấn động do vụ thảm sát Cát Bay rồi cũng lắng xuống, Sa nằm gác tay lên trán, nhìn trân trân lên nóc nhà, nhẩm tính từ lúc anh tỉnh dậy đến nay đã hơn nửa tháng, cuồng chân, cuồng tay, hàng chục lần những cơn quẩn trí đã làm Sa tự hét lên, đập phá, muốn thoát, đôi lúc điên loạn bò que bò càng. Bao nhiêu lần Sa tìm cách trèo lên cái vách cát dựng đứng ấy là bấy nhiêu lần bị lộn cổ xuống lại. Sa đã rình được cả khi sợi dây từ trên thòng xuống và người đàn bà đã lẳng lặng đặt những can nước đầy vào giỏ lưới ở đầu dây nhưng anh không biết phải làm gì và cũng không dám lộ mặt, không chỉ vì sợ mình mất mạng mà còn vì sự an nguy của người đàn bà đã cứu mình.
Chợt mắt Sa sáng lên, tấm dù lượm từ pháo hỏa châu căng trên nóc nhà, phải, nó vừa gợi trong đầu Sa một kế hoạch tẩu thoát. Người Sa nóng rực với những tính toán nhưng rồi lại giả như không, Sa lăng xăng lít xít nhào vô giúp người đàn bà đào những thùng nước trong cát, trút nước vào can, chôn thùng trở lại. Họ lấy nước bằng cách chôn thùng vào trong cát, căng tấm vải lên trên và phủ cát, vận dụng hiện tượng mao dẫn lấy nước là một bí mật của những người kháng chiến nơi bãi cát mênh mông này. Đột ngột nửa đêm, Sa bật dậy trói ké người đàn bà bằng sợi dây chuẩn bị sẵn và chằng ngang miệng bằng chính chiếc khăn rằn trên cổ của nạn nhân. Người đàn bà giãy giụa một hồi thì bất lực nằm còng queo nhìn Sa.
- Họ sẽ xuống mở cho cô! Sa vừa nói vừa trèo lên giật phăng các góc tấm dù. Dùng lưỡi dao duy nhất của người đàn bà dùng cho việc nấu nướng, Sa bắt đầu xé tấm dù ra và ngồi se nối lại thành sợi dây dài với những thắt nút theo từng đoạn như chiếc thang dây. Phá góc mái, Sa lấy mấy khúc gỗ, cần mẫn vót nhọn hai đầu, buộc thành chùm chông nơi đầu sợi dây. Sa đã học được bài học “leo núi” này từ thời ở quân trường, anh hớn hở trong lòng với sự sáng dạ đột xuất của mình.
Sa leo lên mái nhà, chân đạp một đầu sợi dây, dồn hết sức vào hai tay ném “trái chông” lên trên miệng giếng cát. Sau năm lần bảy lượt “trái chông” đều trượt xuống, nó không thể bám lại nơi mép cát. Sa mệt mỏi ngồi thụp xuống mái nhà. Chợt như được tiếp thêm sức mạnh khi nhớ đến vị trí của những người du kích thả dây xuống lấy nước, chắc chắn chỗ ấy là đất cứng và biết đâu có vật gì có thể làm “trái chông” vướng lại. Sa xoay về phía đó ném mạnh, một lần, mười lần, rồi đến vài chục lần mà “trái chông” vẫn cứ tuột xuống miệng cát, cho đến khi Sa không thể ném “trái chông” lên trên miệng giếng cát được nữa thì ánh nắng cũng đã chói chang, nóng rực. Mặt trời đã lên cao qua khỏi miệng giếng cả cây sào. Kiệt sức. Mắt nổ đom đóm, sợi dây dù trắng nhập nhòe lúc chùng lúc căng cứ hiện lên hết vị trí này đến vị trí khác xoay tròn quanh miệng giếng cát, nó như bông hoa trắng xoay xoay. Sa chỉ kịp thấy mọi thứ bắt đầu chao đảo thì anh đã trượt người xuống theo cái mái nhà lợp lá dừa đầy cát đó…
Tỉnh dậy lúc nửa đêm, thân thể đầy cát, người sốt hầm hập, anh ráng lê bước vào nhà, mở được dây trói cho người đàn bà thì Sa cũng lả người ra nền cát. Vừa vặn vẹo cơ thể vừa trạo qua trạo lại quai hàm vì bị buộc cứng cả ngày, người đàn bà lục tục bắt tay nhóm lửa nấu bữa cơm cho hai người. Nhấc nồi cơm vừa cạn nước ghế xuống tro nóng, người đàn bà lại bưng vào thau nước lau mình cho Sa, liền tay liền chân người đàn bà làm hết việc này đến việc khác mà không nói tiếng nào. Sa he hé mắt nhìn ánh sao đã dần mờ nơi góc trời mà người đàn bà vẫn ngồi bên cạnh với chiếc khăn chườm nước trên tay và cây đèn ló thụt bên cạnh đang tỏa ra thứ ánh sáng vàng đục. Sa chợt thấy ấm áp trong lòng. Anh lần tay mình đặt lên bàn tay người đàn bà, mãi lâu sau anh mới thều thào được mấy tiếng: “Cho tôi xin… lỗi…!”
Trời bỗng tối sầm lại, câu nói của Sa vừa dứt chợt ngọn đèn lụn xuống tắt phụp vì cát chèn nghẹt quanh bóng. Ngôi nhà chao đảo dữ dội. Sa bật dậy. Cát đổ rào rào không dừng, từ ngày có mặt ở đây Sa chưa bao giờ thấy cát tuôn xuống nhiều như vậy. Hai người phải vừa lom khom cho cát khỏi xối vào mặt vừa phải rút chân lên liên tục. Không còn tấm dù chắn, cát xối xuống từng vạt lớn, một cơn mưa cát khủng khiếp. Khối cát lớn đổ ập trúng ngay người đàn bà, Sa nhào tới ôm ngang ngực nhấc lên. Hai người bật ngửa ra, cơ thể vẫn còn chồng lên nhau. Ngay lúc ấy, Sa cảm nhận nhịp tim rối loạn của người đàn bà bởi hai bàn tay Sa chạm phải bầu vú ấm mềm. Hơi thở Sa chợt gấp gáp. Cơ thể người đàn bà chợt sốt hầm hập, lả ra trên tay Sa. “Để tôi phủi cát cho!”, Sa thì thào, bàn tay rạo rực, hấp tấp, quýnh quíu, lần khắp cơ thể người đàn bà. Hai cơ thể nóng rực đổ ập vào nhau, mắt nhắm nghiền lại. Sa đã đưa một phần cơ thể lấm lem cát của mình vào trong người đàn bà với tất cả sự ngất ngây, mê đắm. Hai con sóng dâng cao rồi lại ép sát nhau. Khi cả hai đã bợt bã, ẹp xoài người ra thì họ biết mình đã ngập ngụa trong cát. Ngôi nhà vẫn đang chao đảo dữ dội, đã nghiêng xẹo, mái lắc lư đung đưa như chiếc lá mong manh trong cơn bão cát. Cả khu vực quanh giếng cát đang chao lắc điên dại, cát rùng rùng đổ xuống, dâng cao đến quá nửa ngôi nhà. Sa đỡ người đàn bà leo lên mái, còn mình chạy ngược xuống lại tìm cây chống, góc mái nhà bị anh phá lấy gỗ giờ gẫy sụp xuống kéo theo cây kèo và mấy đòn tay. Mái lá dừa dựng ngược lên xổ tung theo theo từng cơn gió dữ.
Nằm trên phần mái lá còn lại vừa loay hoay chống chọi với cát vừa đợi, người đàn bà nóng ruột vì không thấy Sa quay lại nên lọ mọ leo xuống. Người đàn bà ào tới sụp xuống bên một nhúm tóc lòi ra trên nền cát. Không! Không! Vừa gào thét vừa dùng hai tay bới cát cật lực, bới tới được đôi mắt mở trừng trừng của Sa, người đàn bà giật thót, vết thương ngay thái dương bên trái của Sa làm máu tuôn ra vón cục một mảng cát. Người đàn bà sựng lại nhìn trân dại lên cái đầu kèo nhà. Càng lúc cát càng trút như ngọn thác lớn. Người đàn bà lần tay vuốt mắt Sa, vai rung lên, rung lên, co giật không ngừng, rồi gào rú trong cơn bão cát cuồng loạn.
Kiệt sức, người đàn bà ngửa đôi bàn tay dị dạng của mình lên trời và gục xuống, từng phần cơ thể rã ra biến thành dòng nước từ từ chảy lẫn vào trong cát, thấm- vào- trong- cát.
N.H
(TCSH325/03-2016)
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA
Công chúa Ngọc Anh bước ra khỏi cổng chùa Thiên Mụ thì dừng bước. Gót hài hoa di nhẹ lên bậc đá dẫn xuống đường. Nàng thẫn thờ nhìn dòng Hương xanh ngăn ngắt phía dưới đang lững lờ trôi. Giây lát, đôi mắt trong veo lại hướng lên phía dãy núi điệp trùng.
TRẦN HẠ THÁP
1.
Nguyên Biệt nhô đầu lên khỏi lèn đá thì sự cố xảy ra. Gã đang mang bầu nước lấy ở suối về. Một vệt màu sậm hình vòng cung bay ra như ánh chớp.
THÁI NGỌC SAN
Cách đây mười lăm năm tôi có viết một truyện ngắn về vợ chồng ông Lâm. Truyện ấy sau khi đăng trên một tờ báo văn nghệ Sài Gòn tôi liền nhận được một lá thư của ông. Lá thư vỏn vẹn chỉ có một câu như sau: "Cậu là một thằng mất dạy!".
HOÀNG THU HÀ
Không biết ai đã đặt tên cho cái hồ này như thế. Hồ nằm cách xa thành phố khoảng chín mươi cây số, dưới thung lũng của đồi núi mọc đầy cây dương liễu. Bấy giờ đang là mùa hè phương nam, gió thoáng đãng và ẩm ướt thổi từ đại dương vào khiến sự hoang vu của hồ càng xao động hơn.
HOÀNG LONG
LTS: Tác giả Hoàng Trọng Định (Hoàng Nguyệt Xứ, sinh 1959) là một nhà văn xứ Huế ít người biết đến đã vĩnh viễn ra đi từ hai năm trước, sau khi chọn cho mình một lối sống cô độc và chết trong im lặng, với một cái tên ẩn dật trong giới cầm bút. Truyện ngắn của Hoàng Trọng Định có cách tổ chức hình tượng nghệ thuật độc đáo và khác biệt. Tác phẩm của anh là kiểu dạng của một truyện ngắn ý niệm được chuyên chở bằng lớp ngôn ngữ đẫm chất triết học.
THÁI BÁ TÂN
Các bạn thử hình dung một chuyện thế này: Có đôi trai gái yêu nhau, rất yêu nhau. Cưới xong được ít hôm thì chàng trai lên đường ra trận, để lại người vợ trẻ ở nhà một mình vừa làm lụng vất vả, vừa mỏi mòn chờ đợi.
HỒNG NHU
Mỗi lần không vừa ý tới điều gì đó, với ai đó trong nhà hay nói rộng ra là trong thiên hạ, cha tôi thường buột ra một câu nói mà nếu không phải là người làng thì không thể nào hiểu được: "Cứ như là thằng Đô"!
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Khi chàng ngồi dậy giữa bãi chiến trường ngổn ngang xác người, chàng không còn nhìn thấy gì cả ngoài một vùng đêm tối tăm nhờ nhợ. Cái thứ đen đặc rộng lớn đó đã nuốt vào trong lòng nó những tiếng giục la, tiếng hét thất thanh, rên xiết giã từ sự sống, và cả nỗi đau khốn cùng của những kẻ bị thương, vô vàn sự tiếc nuối trong cuộc tử sinh vô nghĩa.
Trên mặt đất, trong bầu trời - Trái tim xôn xao
LÊ ANH HOÀI
Cùng với tiếng loảng xoảng của cái gáo tôn trên nền xi măng khu vệ sinh, tiếng lệt xệt dép nhựa là tiếng khan khan của cô Đ “Mày dậy chưa? Gớm, con gái con lứa gì mà ngủ ngáy ghê thế. Hôm qua mày lại mơ cái gì mà tao thấy mày cứ nghiến răng kèn kẹt. Khiếp quá, đêm nằm cứ nghiến răng thế sau này chồng nào chịu nổi?”
MAI NINH
Ông ta bị giục lên xe lúc 2 giờ chiều, không kịp nói. Người đàn bà leo sau chắn ngang cửa, che mất cô gái đứng dưới đường. Giọng cô lẫn giữa tiếng người gọi nhau và trong gió lùa dưới mấy tấm tôn đập mải miết:
- Ông nhớ nằm nghỉ và thưởng thức trà nhà vua đấy.
NGUYÊN QUÂN
Lão Đạo vẫn ngồi chò hỏ, kiểu ngồi đặc trưng đôi chân trần dính kết bùn đất trên giường ruộng của nền văn minh lúa nước. Hai khuỷu tay lòi cục, trơ xương, chống tựa lên hai đầu gối cũng lòi cục trơ xương. Bốn khớp linh động tỳ lên nhau, trở thành bất động.
ĐỖ NGỌC THẠCH
Hứa Tam Giang là dòng dõi Trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh ở làng Vọng Nguyệt (làng Ngọt) xã Tam Giang, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Giang.
NGUYỄN THỊ MINH DẬU
Thực ra mà nói, cái bức tường ngăn ấy nó chẳng có tội tình gì! Nhưng dưới con mắt của tôi thì nó lại là nguồn gốc của nỗi bất hạnh.
ĐOÀN LÊ
Cơn mưa, sầm sập đổ hồi suốt buổi chiều đó, nàng ngồi cạnh cửa sổ ngắm mưa qua làn kính. Tôi ngồi chếch phía sau ngắm nàng.
ĐẶNG NGUYÊN SƠN
Cây Đời. Cây là họ. Đời là tên. Cũng như bao loại Cây khác của dòng dõi nhà Cây trong cánh rừng nhiệt đới.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Cô ngồi trước ba máy đánh chữ, cái trước mặt màu kem đã sờn, hai cái xanh ngọc hai bên còn mới. Bàn làm việc hướng vào vách, bên phải là cửa sổ nhìn ra con đường tráng xi măng cũ gần bến đò.
VỊ TĨNH
Ngày xưa mái tóc mẹ xanh, bay trong gió làm vướng chân bao gã si tình. Mắt mẹ là một vườn quả chín, và đôi môi đỏ dù mím lại vẫn không giấu được men say chực trào ra làm chao đảo cả những trái tim sắt đá. Mẹ đã từng tự hào vì điều đó biết bao.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Nó bảo, mày và tao chơi trò âm dương cách biệt đi. Tao âm, mày dương.
Anh hỏi, để làm gì?
Thì là trò chơi, thử cho biết. Mày đeo cái mặt nạ này vào.