BẢO THƯƠNG
Một dạo chúng tôi hay bàn luận về một cây viết bí ẩn, anh ta dùng bút danh Super, nhưng chẳng bao giờ lộ mặt; chúng tôi gõ đủ trên Google về cái tên nghe như nhân vật của một đế chế trò chơi nào đấy nhưng rặt không biết.
Minh họa: NGUYỄN THIỆN ĐỨC
Có người nghĩ, đến tòa soạn để hỏi, nhưng vô hiệu hóa, tòa soạn không tiết lộ, là ý của anh ta, chúng tôi nghĩ thế. Và Super vẫn thuộc về sự bí ẩn, kỳ bí, mà kích thích và vô cùng quyến rũ với những kẻ thích ngồi vỉa hè chém gió và bàn luận văn chương: một bác sĩ về hưu, một ông giáo già ngứa nghề viết lách, một gã xe ôm mang tâm hồn nghệ sĩ, và tôi. Chúng tôi tự giễu nhau bằng những từ như thế cho hài hước, nhưng kì thực viết lách cũng không đến nỗi tồi.
Nhưng dạo này chúng tôi có một địa điểm lý tưởng, đó là nhà họa sĩ L ở góc đường MK gần dốc VT nhìn ra sông Hồng. Thực ra chúng tôi cũng mới chỉ biết anh gần đây. Anh ở cùng người bố già và mảnh vườn có vài cây khế cổ thụ, thứ quả mà mấy chục năm trước rất có giá trị khi những thứ cây khác của các làng ven sông Hồng chưa nổi lên, thì tôi nhớ, bưởi Diễn và khế cao sản rất được ưa chuộng. Anh ta ở cùng người bố quanh năm đau ốm, tiếng ho của ông nhiều hơn những lần ông xuất hiện. Ông ở tịt trong nhà. Căn nhà âm u lùi sâu vào trong cái cổng tre, đi qua một đoạn ngõ dài hun hút, hai bên là hàng rào dâm bụt được cắt tỉa qua loa, nền đất lát bằng thứ gạch xỉ, đi hút một đoạn dài thì gặp ngôi nhà. Nó nằm ở cuối đường ngõ như muốn bảo, tôi là điểm đích, đi hết nỗi buồn tôi sẽ cho bạn một chút le lói niềm vui.
Không hiểu sao, cái ngõ và mảnh vườn hoang luôn là nỗi buồn cho chúng tôi, và ngôi nhà tưởng hiện diện của sự sống nhưng thực ra nó còn buồn thảm hại, bởi từ đó vang lên tiếng ho lụ khụ cả ngày đêm, khi ngừng âm thanh, thể nào cũng có một người đàn ông mặc quần cộc, áo ba lỗ, khẳng khiu cánh tay, đen đúa làn da, bù xù đầu óc, lọc cọc những khớp chân, và lộc cộc đôi dép tổ ong đi ra đón chúng tôi, thật ra chưa bao giờ gợn lên ở chúng tôi một niềm vui dù nho nhỏ khi đặt chân vào đây, dù bao giờ điểm hẹn hò của cả nhóm câu cuối bàn luận vẫn kết về địa chỉ này, thì không có nghĩa bạn không thấy ân hận ngay giây phút đầu khi lọt mình qua cái cổng bằng tre kia, nhưng có điều chỉ ngày hôm sau ta lại quên khuấy mất nỗi chán chường mơ hồ mà rất có đích đấy, để lại muốn lăn mình vào đó, để nhìn người đàn ông lộc cộc lê đôi dép tổ ong và thân chinh ra đón ta.
Đấy là L. L có cái vẻ muốn hoài cổ mà không được, bởi L mang dáng dấp của sự giao thời rõ nét lắm. Nếu chỉ nhìn đằng sau, ta thấy rõ sự dân dã của một lão làm vườn hoặc lấy vườn làm thú vui của các tri thức ẩn mình vào tao nhã mà quên khuấy những âm thanh rộn ràng của phố phường cùng những nhu cầu rất đỗi chính đáng và mang tầm thời đại. Nhưng dù sao khi quay lưng đi, L còn đáng yêu hơn gấp bội. Bởi đằng trước là cặp lông mày rậm rạp chảy trùm xuống hai mắt; cặp lông mày của kẻ lưu manh hoặc của những tên tội phạm giết người hàng loạt mà nhân tướng học nói nhan nhản trên các trang mạng khi tổng kết về sự vô nhân tính của con người gần đây. Dưới cặp lông mày rậm là sự đối ngược của đôi mắt làm người ta tức tối. Giá kể nó cứ láo liên, linh động, giảo hoạt, cho xứng tầm với đôi lông mày mà tạo hóa trót tạo ra, thì không sao, lại lờ đờ, nửa đục nửa trong, hấp háy như trời mưa dầm dề, một chút sáng của mặt trời không thể kéo sập được bầu trời ngã ra, để le được thứ ánh sáng nhỏ nhoi vào, đôi mắt hiếng và hấp háy của một kẻ như để cả cuộc đời tối thui và bí ẩn của mình vào đó, đóng lại vĩnh viễn và mãi mãi không bao giờ chịu mở ra, làm tôi tức mắt. Có lần tôi bảo, này cái mắt của anh chàng L trông như dây chão, lời tôi nói được phụ họa đồng loạt bởi những người còn lại, thế là chủ đề bàn luận về L được mở ra gay gắt, nhiều hơn là sự mỉa mai, dĩ nhiên không phải ở nhà L và dĩ nhiên chúng tôi vẫn muốn đến nhà L, như là thói quen, chỉ để ngồi dưới gốc cây khế bàn luận văn chương. Chúng tôi ngồi bên giàn khế từ trưa sang chiều có thể đến tối, chỉ để kể cho nhau tác phẩm nào đó nổi trội.
Và dĩ nhiên, chúng tôi nói nhiều hơn là về một gã Super nào đó, với cái tên nghe đã game thủ, nổi lên gần đây trên một số báo với những tác phẩm mang một phong cách rất hiện đại và khác biệt cũng đầy ám ảnh, và dĩ nhiên, có kẻ khen, người chê, nhưng lần này đối thủ nặng kí quá, khó mà không thừa nhận, nổi trội quá, khó mà phủ nhận, dù tôi biết chẳng ai không muốn lấy niềm vui phủ nhận để lừa phỉnh mình.
Thường, L chẳng nói gì, chỉ cần mẫn phục vụ và lắng, nghe, những lúc đó cặp mắt lờ đờ mới ngước lên và kéo được một phần ba cái mí xích lên một chút; thú thực, khi trời âm u, vườn khế tối thui, tôi nhìn mắt của anh ta mà tức không thể tả, cảm tưởng con người ấy, cái mắt ấy đã làm mình mất đi nửa cuộc đời vui sống vậy.
Một kho tranh đã mốc meo đến kì bán đồng nát, ấy là lời tâm sự buồn phiền của L. Ông già ốm mãi, chẳng khỏi, thời gian chăm ông đã cạn kiệt lấy đâu thời gian mà sáng tạo. Chúng tôi cùng nhìn anh thông cảm hoặc thương hại, không biết, dù câu nói ra đầy ai oán, khi đưa mắt nhìn vào cái kho ảm đạm, ẩm thấp, mà có lúc tôi đã nghĩ nó dành để nhốt một con vật nào đó hơn là phòng tranh, mà có lần anh cũng mời chúng tôi rúc qua vòm cây hoa giấy, qua cái cửa gỗ nặng trịch, đi sâu vào trong, mùi ẩm mốc bốc lên, bảng màu, giấy vẽ lăn lóc khắp mọi chốn cùng nơi.
Để thế này ẩm hết. Biết thế, nhưng chẳng còn chỗ nào, ngày nắng tôi cũng mang ra phơi. Và câu chuyện dừng lại ở đây, dù anh rất muốn chúng tôi bàn luận thêm về tranh, nhưng chúng tôi lại thích văn chương, thứ văn chương bay bổng.
Và ngày nào cũng vậy, thấy chúng tôi đến anh làm công việc kéo ghế, và đun nước pha cà phê, pha mì gói, kiêm luôn việc gọi xe ôm, ta-xi, hay mua hàng. Việc lăng xăng của anh, làm chúng tôi đáng phải nể vì sự hiếu khách lại đâm ra chút coi thường, cộng với sự coi thường kẻ ngoại đạo. Là chúng tôi đều là những cây bút được in trên các báo lớn, hay có lúc tự nằm mơ nghĩ mình là cây bút lớn, hai việc đó thực không khác nhau mấy, nên mặc nhiên việc pha cà phê và phục vụ là anh. Có hôm chúng tôi say khướt kéo nhau về, để anh với núi bát đũa, chậu thau, giấy rác, chai lọ và những bãi nôn, nhưng anh hình như cũng chẳng mấy khi phàn nàn, như thể chăm thêm các anh, chỉ như chăm thêm bốn lần ông cụ nhà tôi chứ có gì đâu vậy.
Và từ chỗ bắt nạt anh theo cách rất tri kỉ, bạn bè, đến chỗ chúng tôi coi thường ra mặt, dù bề ngoài chẳng nói ra, nhưng không có anh thì cả một sự kì thị nặng nề, kiểu như cả bốn thằng đều có niềm ẩn ức văn chương, khát vọng, nỗi đau thực tại, cả bất lực của thực tài, hoặc nỗi buồn vong thân, lạc loài của những kẻ cô đơn nghiệp vận muôn đời phải mang hay sao, mà thằng nào cũng muốn xả, nhưng có lẽ nhiều hơn, do trên văn đàn giờ có nhiều đứa lớn hơn mình nhanh quá, vượt mặt mình khiếp quá, phù phép như Phù Đổng Thiên Vương, mình giờ cỗi cằn và bé nhỏ, con đường đi lại sáo mòn cũ rích, biết thế mà không thể nào vượt qua nổi mình, biết mặc thứ áo chật muốn vươn người bứt ra mà chỉ làm đau thịt da. Đấy, niềm đau của thứ văn chương lụy phần dư đến tâm hồn vong thân chúng tôi. Nên cần có chỗ xả, là L rồi, bởi dường như chỉ còn cậu ấy là kém cỏi hơn, khi đang tập tọe nét bút để thi thố với đời. Cái thứ văn chương họa sĩ nửa mùa, thực ra chúng tôi đã biết thế nào, nên gã xe ôm thường cười khẩy, gã bác sĩ về hưu cười khùng khục và thằng tôi cũng bụm miệng vào, còn gã giáo già thì bảo, kẻo lại phải xây thêm một cái kho nữa; chúng tôi cười phá lên, dĩ nhiên có cả L, và cậu ấy chỉ nghĩ, chúng tôi vì quá thân tình mà đùa vui, nói những lời chân thật xuề xòa, bởi giữa chúng tôi không hề có khoảng cách.
Gần đây, những tác phẩm của tên Super nào đó, càng xuất hiện dày đặc trên mặt báo, mà thiên hạ thì săn lùng, chờ đợi, và nổ bùng những diễn đàn, kiểu như một hiện tượng ngàn năm có một, văn chương thời mạt vận nảy mầm ngôi sao.
Gần đây trang Văn nghệ được săn tìm ráo riết, như cô gái bao năm biết mình ế ẩm đến quên cả trang điểm, một ngày được hoàng tử cầu cạnh, trở thành một đóa phù dung rực rỡ, và dĩ nhiên tờ báo nào được anh ta chọn đăng cũng nổi như cồn. Thi pháp biến đổi, lời văn dung dị mà ám ảnh; nếu không cũng giễu nhại đến tức cả lòng, mà dư vị đọng lại vẫn xót xa, uất nghẹn, sau mỗi tiếng cười chua chát; nếu không thì huyền ảo như đánh đố người đọc, mệt trí tưởng tượng khi chạy từ hiện thực về thế giới mộng tưởng anh ta nghĩ ra, căng mắt theo những biểu tượng, những phúng dụ, những ẩn dụ, mà muốn gào lên, Super ơi, anh là ai, hãy xuất hiện và giải đáp cho tôi trùng trùng những mật mã anh dày công bày biện đi, tôi mệt lắm rồi, nhưng mai tôi sẽ lại đọc anh, bởi không có anh, đời còn quái gì giá trị nữa, không đọc anh thì có cái quái gì trên đời gọi là văn chương, bởi anh cho chúng tôi đủ cung bậc tình cảm, đau tim rồi đau cả dạ dày, đau họng rồi đau cả đầu thế nào, Super ơi.
Gần đây, chúng tôi chỉ bàn về cái lão Super nào đó đầy bí ẩn, sau cuộc tranh luận càng thấy mình bất lực, dù vậy, vẫn muốn tranh luận tiếp. Anh ta như con quái vật khổng lồ, tức mà đành phải phục, ghét mà đành phải nể, nhưng ghét cũng chẳng tìm ra lí do gì để hạ bệ. Nhưng tức mình hơn, bởi anh ta như một đối chứng hùng hồn cho thấy sự bé nhỏ ở mình mà chẳng ai dám thừa nhận, nên họ đổ cái tầm thường đó cho người khác, người ta càng cười cái anh chàng L tội nghiệp, có những vần thơ viết ngô nghê, buồn cười, hi vọng được nằm chềnh ềnh trên mặt báo để một sáng cả nước chạm mặt mình, nên chúng tôi được dịp hả hê cái thói thường bé mọn đó. Mỗi lần bàn về nhân vật khổng lồ kia, chúng tôi hỏi, anh hiểu gì không, hắn ta viết cây chuối ngả nghiêng bên bờ tường, rồi ụp xuống ào ào, đổ vào chuồng lợn làm chết cả đàn lợn con, cây chuối mà làm đổ được chuồng lợn chết cả đàn lợn con ư, là anh ta ẩn dụ cho một điều lớn lao, chỉ có điều cái lớn ấy, ai cơ hồ cũng cảm được, nhưng diễn tả cụ thể thì chẳng ai, văn của anh ta cũng thế, mơ hồ, huyễn hoặc, quyến rũ, lôi cuốn, tàn bạo, mạnh mẽ mà lại lắng sâu, cứ thế trôi dần, rồi lúc nào moi hết ruột gan ta mà không biết. Anh có hiểu không? Chúng tôi nhìn L chờ đợi, để đợi một trận cười, bởi chúng tôi tin cái thứ anh ta nói, chẳng khác tranh anh ta vẽ, ngoằn nghoèo, vô nghĩa, không ra lập thể, chẳng ra trừu tượng, không là tĩnh vật, cũng chẳng động vật, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ có thứ tranh rối rắm, quê mùa, khó chịu và tức mắt đến thế, may mà anh ta dừng lại, nếu không, mươi cái nhà kho cũng chẳng đủ chứa, bởi chẳng ma nào mua.
Anh ta chỉ bảo, ẩn dụ hay phúng dụ là gì, biết đâu chẳng có ẩn gì, mà các anh tự nghĩ ra thì sao.
Chỉ đợi thế, chúng tôi cười ầm lên, lão xe ôm vỗ đùi đánh đét, biết ngay mà, họa sĩ đọc văn chỉ có thế đơn sắc nhất nhất.
Và thế là cái thằng Super điên nào đó, vẫn cứ là nỗi thách thức với chúng tôi, khi tác phẩm của hắn ngày càng lên tay, văn phong ngày càng đổi mới, đề tài biến hóa đa dạng, và chẳng cần sự ổn định của phong cách mà vẫn ổn định, chẳng cần nét riêng mà cực kì riêng, khi đọc bất cứ tác phẩm nào của hắn người ta đều nhận ra, dù sau này hắn có kí dưới bút danh Lê Phương, Phong Cẩm, hay gì đi nữa, bởi phải chăng một phong cách ổn định nhất là hay, phải rồi, hay đến đếch chịu được, hay đến làm lòng người cồn lên vì ám ảnh, hay đến độ người ta muốn cầm bút viết nhưng rồi cắn nát nó mà chẳng ra nổi một từ, hay đến nỗi con người ngẩn ngơ, thẫn thờ, bởi bắt gặp chính tâm trạng của mình trên từng dòng chữ, mà mình là nhà văn còn chẳng gọi được đúng tâm trạng của mình, ngay cả lúc mình buồn nhất ấy. Phải rồi, hắn viết hay.
Và sự hay đó dĩ nhiên L như người ngoại đạo, anh ngồi nghe chúng tôi bàn luận với vẻ mặt bình thản của kẻ không biết gì, hay chỉ lấy nghe làm việc cổ vũ mà không mấy khi thẩm thấu được, bởi chúng tôi chỉ thấy anh lăng xăng với những công việc thường ngày, phục vụ. Điều đấy thực tình cũng chẳng làm chúng tôi vui, sự thụ động của một con người, đặc biệt sự ngốc nghếch của một con người len vào giữa bốn thằng đang trên đà ngáo văn say sưa thấy mình là vĩ nhân, là siêu nhân mang trong mình khát vọng đổi dời, muốn gánh cả sứ mệnh loài người lên đôi vai mênh mông của trí tưởng tượng và kỳ vọng, mà chúng tôi càng thấy sự rúm ró của anh ta chăng, nên càng tức, nhưng nằm ngoài sự tức của chúng tôi, anh ta vẫn cần mẫn công việc của mình, thi thoảng cố nhướn cặp mắt lập lờ cho nó thoát ra khỏi cái mí hụp hấp háy, như con đom đóm mờ, bị trụt xuống trời đêm.
Dạo này chúng tôi lại thêm niềm vui khác, đó cũng là cách thể hiện thường tình của con người, khi tự thấy mình khiếm khuyết điểm gì thì tìm cách lấp đầy ở điểm khác, thấy kém cỏi với người này thì tìm cách khẳng định với người kia. Khi anh ta viết, chúng tôi nhìn anh ta cười với nhau, bảo rằng, sự trải nghiệm của anh không nhiều, thật khó, mở rộng lòng với vang động đi, anh bảo thời gian chăm bố đã mệt, đâu có thể chạy xe rong ngoài đường như các anh. Kể cũng phải. Không thuyết phục được việc trải nghiệm là vốn sống cần có của người viết, chúng tôi lại khuyên anh nên đọc nhiều. Vị bác sĩ hùng hồn: anh cần đọc Âm thanh và cuồng nộ, cuốn đó đã cứu rỗi tâm hồn tôi, mở toang tôi ra với đời sống văn học, làm tôi sáng mắt và khai phóng, đời tôi không có cái tiếng nói bên trong cuồng loạn mà âm u, đui mù mà hỗn độn đó, không còn là tôi đâu.
Nhưng tôi thì biết, cái cách viết của anh ta rặt một thứ hiện thực trần trụi, tuyến tính đến rạch ròi, và rõ ràng đến độ người ta đếm được cả phía sau nó sẽ là những sự kiện gì tiếp theo, nó không hề ảnh hưởng bởi cái hỗn loạn, lộn xộn, bí ẩn, và quyến rũ của thứ văn chương u huyền, rubik, tôi gọi thế, lẫn lộn mà thống nhất, ở tâm hồn, vốn là thế giới bí ẩn mà William Faulkner luôn khát khao khám phá và thể hiện - nhưng tôi không nói gì, khi ông xe ôm già cũng hứa sẽ mang cho anh cuốn phê bình văn học của X, của Y, một sự trang bị đầy đủ để bước vào cuộc chiến văn chương, mà tôi biết ông ta viết văn trước khi làm xe ôm, và đọc các tác phẩm.
Sáng nay, chúng tôi quyết định rời bản doanh để chu du một chuyến ra phố. Cũng thú vị cho thời tiết chuyển dần sang đông, những cơn lạnh thổi vào hồn ta một cơn xao xác lạ, nó gợi dậy nhiều ký ức, nhiều khát khao, cả nỗi u hoài trong tâm hồn những mộng tưởng, nhiều niềm mơ, mà lực bất tòng tâm, ở những lão già quá độ như chúng tôi.
Cây lộc vừng trên đầu thả một chùm hoa sót vụ lơ lửng vào không trung, cái đuôi con chồn lúc lắc tung bay trong gió, thi thoảng tãi ra vài cánh li ti sắc hồng trên hè phố, sự việc thực chẳng có gì mà cũng gieo vào lòng người niềm bâng khuâng lạ, như thời tiết cộng với phố phường, cộng với cảnh sắc, cộng với nỗi niềm, cộng với những con người mà chúng tôi đang gặp, bằng đấy thứ cộng hưởng vào nhau làm đau thêm niềm đau nhân thế, tăng lên độ nhạy cảm, ẩn ức hơn nỗi niềm, ở những con người bất đắc chí, vì tuổi già, sự hạn hẹp đầu óc, khả năng bắt nhận kém, sự cập nhật khó khăn, hoặc hết vốn liếng, hoặc chai sần, hoặc cạn kiệt nguồn thương, hoặc lửng lơ giữa hai thời đại, làm chúng tôi ngồi lặng thinh nhìn ra phố, nhìn lên đuôi con chồn đung đẩy trước mắt, những chùm hoa màu hồng phấn theo gió rơi nhẹ xuống làm nền đất lấm lên màu nhạt, như người họa sĩ vảy mực vào nền giấy làm lấm tấm những chấm màu, trông cực kỳ quyến rũ. Gió trên cây thổi nhiều làm bay chiếc lá vàng xuống, nó đậu lại trên mặt bàn đá, vài cuống lá cũng theo gió mà rơi, ông bác sĩ lấy tay phủi đi, rồi tất cả lại ngồi yên lặng, dường như phố cũng lặng im, vạn vật lặng im, con người lặng im, tự chúng tôi cũng lặng im trước tâm hồn nhau, để nó tự hữu thanh và lên tiếng trong chiều sâu thẳm của mỗi cá nhân, bởi mỗi cá nhân theo đuổi một ý nghĩ, nó chạy dài đến đâu chỉ nó biết, nó hỗn loạn thế nào chỉ nó hay, nó bí ẩn đa chiều và độc ác, nó thánh thiện lương tâm và tối mờ, cũng chẳng ai có thể diễn tả được, trừ William Faulkner, nhưng ông ta chết rồi, chúng tôi ngồi yên lặng, L cũng ngồi yên lặng, dãy phố với những hàng cây dài xao xác và cơn gió mùa thổi dọc hành lang, thổi bay tà áo trắng nữ sinh, bay chiếc váy hồng cô thiếu nữ, bay bộ com lê của cụ già đang đội chiếc mũ phớt cổ điển, chống gậy ba toong, đi đôi giày da như từ thời Pháp thuộc, băng qua đường sang ngôi biệt thự gần như bỏ hoang bên đó, thời gian ngưng lại, nỗi niềm ngưng lại, lịch sử ngưng lại và quá khứ dừng lại ở đây.
Chúng tôi nhìn phố, nhìn cụ già, thầm như hỏi tháng ngày xưa dừng lại ở đây ư, để những tâm hồn nghệ sĩ sau những phút giây giông loạn, ghen ghét, tức tối, đố kị, tranh giành, cũng có lúc lắng lại cho mình, vì mình, lặn sâu vào mình, để đối diện, để cảm nhận, để hứng lấy thế giới ngoài kia, và cả thế giới tâm tư trong này, tâm hồn nghệ sĩ tự nó vang lên khi bắt gặp cảnh huống và môi trường. Tôi ngồi yên lặng, L ngồi yên lặng, ông giáo già ngồi yên lặng.
Thì bỗng nhiên từ bên tường kia lao đến một chiếc xe camry, nó đỗ cạnh chúng tôi chừng năm mét, trên xe bước xuống một người đàn ông mặc comple, ai cũng nhận ra đó là tổng biên tập một tờ báo lớn, sức ảnh hưởng của anh đến cả người thường cũng biết, chúng tôi đồng loạt đứng dậy, tuồng như anh quen biết một người trong đám, là ai, chúng tôi đồng loạt dơ tay chờ anh bắt, chỉ L ngồi, cậu ấy không biết, dĩ nhiên rồi. Anh nhìn chúng tôi cười, rồi bước lại phía L, lúc này cậu ấy mới ngước cặp mắt lập lờ lên, rướn thêm hai phần tư cái mí, để nó nhích lên cao, và cất cổ, góc nhìn xéo với cái đuôi chồn hoa chừng bốn mươi lăm độ và gần hơn với khuôn mặt người đàn ông kia đang cúi xuống.
“Chào anh”, hình như anh ta nói thế, và nói thêm những điều gì với L, chúng tôi căng tai cũng không nghe nổi.
Bàn tay L lúc này mới đưa lên cho hợp lẽ với tay người đàn ông đưa xuống; nắm chặt và lắc lắc. Họ nói gì, mà quên mất chúng tôi, bốn cái cây như bị trời trồng, ngắc ngứ và bất động, im lìm, như thể đạo diễn bắt đóng trong tư thế lặng phắc của một bộ phim hoạt hình, không hiểu nổi.
Phố xao xác thổi từng luồng khác lạ, cây me không còn xanh, cây liễu không còn tha thướt, mọi thứ mới lạ như mặt hồ không còn gương mà cồn lên từng đợt sóng, và lòng người cũng cồn lên những tỉnh thức vào một sớm tinh sương.
B.T
(TCSH353/07-2018)
KIỀU VƯỢNGĐêm giữa thu. Hà Nội se lạnh. Sao chới với nhưng mây vẫn vũ làm nền trời như khô khốc, nhạt nhòa. Một hồi còi tàu rú dài như thả thêm vào đêm luồng khí lạnh. Quang nhìn đồng hồ sân ga dã quá mười hai giờ khuya.
CAO HẠNHTôi sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Tôi là hạt máu đỏ rơi xuống bùn đất mọc lên một thằng người cùng với ngọn cỏ lá rau, cây lúa và những sinh linh khác. Tôi cùng chịu đựng chia xẻ với chúng ngọn gió Lào cát trắng và những trận mưa dầm dề của xứ miền Trung khắc nghiệt.
HỒ ANH THÁI Tác giả thấy cần phải tóm tắt chuyện cô bé quàng khăn đỏ trước, rồi mới kể tiếp phần hậu cô bé quàng khăn đỏ. Con sói đến lừa bà cô bé, nuốt sống bà, rồi mặc váy áo của bà, trùm khăn giả vờ làm bà. Cô bé về nhà, thấy bà rởm mà không biết, cứ hỏi vớ hỏi vẩn sao tai bà to thế, sao mắt bà to thế, sao mồm bà to thế. Sốt ruột. Con sói bèn nuốt chửng luôn cô bé. Nhưng rồi quần chúng tiến bộ tập hợp lại đấu tranh, con sói phải nôn cả bà lẫn cháu ra, hứa cải tà quy chính. Từ đây bắt đầu phần hậu cô bé quàng khăn đỏ…
PHẠM XUÂN PHỤNGHọ như không còn trẻ. Người lớn tuổi hơn có khuôn mặt thanh thản vì đã giãn mềm những nếp nhăn. Người trẻ tuổi khuôn mặt nhuốm già bởi màu từng trải và những nét khắc chán chường.
MAI HUY THUẬTNằm cuộn tròn trong cái rọ lợn Cuội mới có thì giờ ngẫm nghĩ về cái thân phận của mình. Cả cuộc đời dối trá, lừa gạt bây giờ bị tù hãm sau mấy cái nan tre tưởng như mong manh thế mà càng cựa quậy càng trầy da rách áo, không thể nào thoát được.
NGUYỄN VĂN VINH Thường thường, mỗi sớm tôi và các bạn gặp nhau ở quán cà phê vỉa hè. Ngồi vệ đường, không tiếng nhạc quấy phá phút tĩnh tâm để ngẫm ngợi sự đời, quả thú vị! Tôi biết các loại quán đều tiêu phí thời giờ của mình, nhưng quán cà phê ít tốn, ít nguy hiểm hơn quán bia ôm và các toan tính, bon chen trong vòng danh lợi gươm đao nên tôi không bỏ uống cà phê buổi sáng, ngày mình giết một tí, lại được chuyện vãn với nhau: nào thời sự, tin tức trên trời dưới biển, cũng vui!
LINH CHIKhi chỉ mới là giọt máu, sự kết hợp của hai nhiễm sắc thể XY bám vào dạ con của mẹ, nó đã không được công nhận. Chào đời, mẹ con nó ở với ông bà ngoại cùng các cậu, các dì cho đến năm nó tròn bảy tuổi. Nhà ngoại nó ở ven triền núi của vùng đồi miền trung du hẻo lánh độ chừng vài ba chục nóc nhà rải rác trên mấy quả đồi đầy hoa sim, hoa mua tím. Chiều chiều nó thường hay tha thẩn trước sân nhà ngắm nhìn những đàn chim bay về tổ, thả hồn theo những đám mây màu cánh vạc đùn lên phía sau dãy núi đối diện nhà ngoại và tưởng tượng, ước ao…
TRẦN CHINH VŨAnh nghĩ là mình có thể ngủ được trong đêm nay - ngủ ngon là khác nữa - Đêm qua anh đã ít ngủ rồi - Hơn nữa, cùng với cậu em trai anh lại vừa có cuộc đi chơi đêm ở công viên Đầm Sen, đến muộn mới về. Vậy mà cho đến lúc này, đã qua nửa đêm được ít phút, mắt anh vẫn cứ trơ ra, cứ như thể nó chưa biết khép lại bao giờ.
ĐÔNG TRIỀUMười hai giờ đêm.Tôi bước ra khỏi rào lưới sắt còn ngoảnh lại nhìn căn trọ, nơi cửa sổ vẫn phụt ra luồng sáng trắng bởi đèn điện. Tất cả đã im lặng. Tiếng cót két của đôi cánh cửa gỗ mà người thiếu phụ vừa khép lại hòa vào nhịp rơi lộp độp của những giọt sương trên lá, tiếng côn trùng trỗi lên cùng thanh âm mà con chim cú đâu đây vẫn bỏ tiếng rúc đều đều nghe rợn người.
PHẠM NGỌC TÚY“Ngày...tháng...nămDòng nhắn tin trên báo cho em biết rằng em đã tìm thấy anh. Cuối cùng thì chúng mình cũng nhận ra nhau. Anh thân yêu. Hôm nay trời không mưa và không nắng. Từ cửa phòng em nhòm ra có một cây trạng nguyên. Cây này nhô lên cao giữa khoảng trời xanh hiếm hoi. Những chiếc lá đến mùa, đỏ thắm màu xác pháo. Nó là cây hoa độc nhất ngoài cửa phòng em.
NGUYỄN BẢNHắn đến tôi, mặt thẫn thờ ngơ ngác như người vừa mất của. Tôi hỏi ngay:- Có chuyện gì vậy?- Không, không có chuyện gì.
ĐÔNG LA Sài Gòn mùa mưa, trời lúc nào cũng âm u. Những tán cây sẫm hơn, không khí nóng rát của những tháng cuối mùa khô đã được làm nguội lại, dịu mát. Mấy ngôi nhà cao lênh khênh dường như chỉ cần kiễng chân lên một chút là có thể gội đầu được trong những đám mây sũng nước, là là bay trên đầu.
ĐÀO PHONG LAN Tôi là đứa con gái duy nhất của cha mẹ, và trời cũng ban cho tôi một nỗi bất hạnh để tương xứng với niềm hạnh phúc của một đứa con chắc chắn được cưng chiều: Tôi bị liệt hai chân từ bé.
MAI HUY THUẬTCon tàu Thống nhất nhả Văn xuống ga Huế vào một trưa mưa tầm tã khiến Văn chợt thấm thía một câu thơ Tố Hữu:...“ Nỗi niềm chi rứa Huế ơiMà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên?”...
NGUYỄN VĂN THANHSau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi không ngờ được Ngọ hỏi làm vợ. Không giống như những cô dâu khác, ngày tôi về nhà chồng có dắt theo một đứa con riêng. Tên nó là Hòa. Ngọ rất thương yêu hai mẹ con tôi. Không có gì đáng trách anh ấy dù cuộc hôn nhân của chúng tôi không bình thường.
NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNHTôi xa nhà trọ học thành phố khác. Dịp nghỉ ngắn ngày không về nhà được, tôi đón xe về thị trấn men con nước nhánh sông lớn về nhà ngoại. Từ ngoài ngõ con Bơ sủa váng, Vinh chạy ra ôm bụi chè tàu nơi đầu bến nước, gọi mạ ơi, Sương về.
NGUYỄN HÙNG SƠN Một buổi chiều cuối tháng ba trong lúc ngồi bón cháo cho chồng, bà Loan nhận thấy hôm nay Hào, chồng bà có những biểu hiện khác thường. Ông có vẻ suy nghĩ, ăn uống uể oải.
LỆ THANHBé Khánh Hạ - đứa con gái duy nhất của chị đã đi! Chiếc lá xanh độc nhất trên thân cây khô héo, khẳng khiu đã lìa cành. Ngọn lửa cuối cùng trong đêm dài trơ trọi của chị đã tắt ngấm trong bỗng chốc. Chị tưởng rằng mình sẽ không thể sống nổi trên cõi đời héo hắt này nữa.
HOA NGÕ HẠNHHọ Nguyễn ở Trung Lộc quê gốc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Gia phả ghi rõ, ông tổ của dòng họ theo chân Chánh đô An phủ sứ Phạm Nhữ Dực vào khai khẩn đất Thăng Hoa năm 1402. Ban đầu họ Nguyễn định cư tại Hương Ly. Đến đời sau, một nhánh trong tộc chuyển hẳn lên Trung Lộc, nằm ở thượng lưu sông Thu Bồn.
Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.