ĐOÀN THƯƠNG HẢI
Truyện ngắn dự thi 1993
Minh họa: Phạm Đại
LỜI KỂ CỦA NGƯỜI KHÁCH BUÔN.
Vào ngày mồng 4 Tết, khoảng 4 giờ chiều, tôi quyết định ghé Ngân hàng thành phố để rút số tiền mười triệu đồng chuẩn bị cho chuyến đi đầu năm. Khi ở Ngân hàng ra, tình cờ tôi gặp anh T, một người bạn cũ. Anh vừa mới từ Đà Lạt ra hôm qua. Anh còn tiết lộ cho tôi một cái tin bất ngờ: N.H vừa mới li dị với chồng và đang có mặt ở thành phố này. Nàng đã dắt con về Huế trước Tết và rất mong được gặp tôi. Cái tin bất ngờ đó đã khiến tôi xúc động lạ thường, đến nỗi tôi quên mất cái túi xách mười triệu đồng đang kè kè trên lưng tôi. Lẽ ra, N.H đã là vợ tôi nếu như nàng không quá tự ái và tôi không quá cộng trừ nhân chia. "Tình cũ không rủ cũng tới", tôi đã theo anh T. đi thăm N.H.
Thành phố lên đèn khá lâu, tôi và N.H mới chịu chia tay. Trên đường về, tôi không quên ghé lại Bưu điện thành phố để gửi một cái thư cho ông bác ở nước ngoài.
Lúc tới nơi, đã gần tám giờ tối, trời rét căm căm. Tòa nhà Bưu điện, đèn nê-ông sáng trưng, thứ ánh sáng trắng dịu dàng đến lạnh lùng. Trong bóng đêm nhờ nhờ ướt đẫm hơi mưa, tòa nhà như một khách sạn lớn, rực rỡ đèn và hoa.
Khi tôi đang loay hoay lục túi áo tìm phong thư thì một cô bé đến gần tôi lúc nào không rõ. Cô bé ngập ngừng rồi nhỏ nhẹ nói:
- Mời chú mua dùm cháu một hộp diêm, hộp diêm cuối cùng.
Cô bé ăn mặc đẹp, sang, kiểu cách nhưng lại đi bán diêm trong đêm giá rét cắt thịt cắt da và chỉ bán vẻn vẹn một hộp mà thôi. Tôi không muốn dây dưa với một đứa bé có vẻ "bất thường", lỡ có bề nào thì chỉ "đổ nợ".
Bưu điện lúc này vắng khách vãng lai, ngoại trừ một vài nhân viên trực ở các quầy, chỉ có hai người: Tôi và cô bé. Một cảm giác rờn rợn bò dọc theo sống lưng mình.
Tôi nói:
- Tôi không mua đâu, em đi chỗ khác mà bán.
Tôi nói và tôi nghe tiếng nói mình lạ hoắc, hình như đó là tiếng nói của một kẻ xa lạ nào khác. Để tránh rủi ro đầu năm, tôi vội vã "rút lui có trật tự". Nhưng khi tôi bước đi được mấy bước thì tiếng con bé lại đuổi sau lưng tôi:
- Chú ơi, chú quên bỏ thư rồi.
Tôi giật mình đứng lại. Cái thư vẫn nằm nguyên trong túi áo.
- À... Cám ơn em nhé.
Tôi bỏ thư vào thùng, óc tò mò lại xui khiến tôi buột miệng hỏi:
- Tại sao em biết tôi quên bỏ thư?
- Thường thường sau khi bỏ thư, trước khi đi hẳn, người ta thường ngoái đầu nhìn lại thùng thư một lần nữa. Đằng này chú bỏ đi thẳng.
"Người điên" có khi làm "người tỉnh" phải rùng mình vì sự thông minh nhanh trí của nó, nhất là giờ đây, trong đêm thanh vắng, ít người qua lại nơi này.
Làm theo lời cô bé, trước khi bỏ đi hẳn, tôi không quên ngoái đầu lại, nhưng không phải để nhìn cái thùng thư mà để tìm kiếm bóng dáng cô bé. Nhưng cô bé đã mất hút trong bóng đêm. Đến lúc này, tôi mới sực nhớ đến gói tiền mười triệu đồng. Gói tiền vẫn nặng trĩu trong túi xách mà tôi đang mang trên vai. Thật hú vía. Tôi tính nhẩm mười triệu đồng chia cho hai trăm đồng (một hộp diêm) vị chi bằng năm mươi ngàn hộp diêm. Nhưng chỉ với một hộp diêm, thậm chí chỉ một que diêm, con bé và "đồng bọn" của nó cũng có thể đốt năm mươi ngàn hộp diêm của tôi thành tro than. Tôi tự trách mình quá chủ quan, thiếu "đề cao cảnh giác". Có ai mang xách tiền mười triệu đồng mà lại đi lang thang bốn tiếng đồng hồ và không chịu về nhà, đặt nó vào két sắt như tôi?
* * *
LỜI KỂ CỦA NGƯỜI SINH VIÊN
Tôi là sinh viên Đại học Bách khoa Sài Gòn. Trong dịp Tết tôi về Huế thăm, ăn Tết với gia đình. Mấy ngày Tết đối với tôi thật là quí, nhưng phải thú thật rằng tôi vẫn thấy tâm hồn mình thiếu vắng một cái gì đó khó bù đắp.
Ngày mồng Năm, tôi đạp xe lang thang suốt ngày trên những nẻo đường quen thuộc. Tôi muốn thăm lại những ngõ ngách của thành phố, nơi đã chứng kiến một thời thơ ấu của tôi, nơi vừa làm tôi thương lại vừa khiến tôi ghét với cái dáng vẻ hững hờ của nó.
Tối chúng tôi họp mặt đầu năm bạn bè thân hữu cùng thời và chia tay khi tất cả bắt đầu ngấm men say. Đêm rộng mênh mông, dày đặc bốn phía. Đêm rét tê người đã giúp tôi tỉnh táo trở lại để nhớ rằng tôi còn phải vào Thành nội để thăm một người bạn cuối cùng. Ngày mai, tôi đã phải tạm biệt cái thành phố "ngàn năm câm miệng hến - yêu không nồng, ghét cũng không cay" của tôi để trở lại Sài Gòn.
Khi đi ngang trước Đại Nội, tôi đứng sững sờ hồi lâu trước cửa Ngọ Môn, nơi đã chứng kiến buổi làm quen của tôi với A.T. Hồi ấy A.T là một trong những "ngôi sao" của thành phố. Còn tôi chỉ là một học sinh nghèo. Ở lứa tuổi chúng tôi, có người nói ranh giới giữa tình bạn và tình yêu khó phân biệt. Nhưng tôi đã thiếu mạnh dạn. Đối với một người con gái Huế mà thiếu mạnh dạn có nghĩa là vô vọng. Giờ đây, kỷ niệm bỗng thức dậy trong tôi như những đợt sóng nhẹ vỗ vào ký ức chập chờn.
Trong khi tôi đang mơ màng thả hồn vào "cõi xưa", sống lại "một góc đời riêng" thì một cô bé bỗng hiện ra như trong truyện cổ tích. Cô bé chìa ra trước mặt tôi một vật nhỏ và nói:
- Xin chú mua dùm cháu hộp diêm để lấy hên đầu năm, hộp diêm cuối cùng đó chú.
Trông cô bé không có dáng vẻ của người đi bán dạo. Lại còn chưng diện áo quần, giày dép nữa chứ. Tôi thấy ngờ ngợ.
- Em đi đi, đừng làm phiền tôi nữa.
- Không, cháu phải bán cho kỳ được hộp diêm này thì cháu mới về.
Cô bé xuống giọng năn nỉ:
- Chú mua dùm cháu đi. Cháu và bạn cháu sẽ không quên ơn chú.
Cái gì? "Không quên ơn chú", lại còn "bạn cháu" nữa cơ chứ! Không có lẽ tôi lại rơi vào trò chơi kỳ quái của bọn trẻ con. Mặc cho cô bé kỳ cục nỉ non, tôi ca bài "tẩu vi thượng sách", nếu không có nguy cơ "rách việc".
Cô bé đã vô tình phá tan giấc mơ trở về thế giới hoài niệm của tôi, nhưng tôi không giận cô bé. Dù sao tôi cũng là một con người hạnh phúc vì tôi còn có một nơi chốn để tìm về, một hình bóng để tưởng nhớ, một kỷ niệm để không bao giờ quên.
* * *
LỜI KỂ CỦA NGƯỜI BÁN SÁCH DẠO
Cuộc sống của tôi gắn liền với những chuyến tàu xuôi ngược Bắc - Nam. Nhưng tôi không phải là nhân viên đường sắt. Tôi chỉ là người bán sách dạo. Mỗi ngày, với một bì sách khoác trên vai, một chồng sách báo trên tay, tôi liên tục có mặt trên các toa tàu, mang thực phẩm tinh thần đến cho mọi người. Nhờ một ít vốn liếng học thức thu lượm được qua bốn năm ở trường Đại học văn khoa, lại biết chịu khó đọc trước các cuốn tiểu thuyết mà tôi mang trên lưng, ôm trên tay, nên tôi có thể giới thiệu sách một cách duyên dáng, hấp dẫn, có khả năng thu hút cảm tình và sự chú ý của khách đi tàu. Nhờ đó tôi mới nuôi bốn đứa con đang tuổi ăn học. Nhiều bà, nhiều cô buôn chuyến đường dài thường gọi tôi là "Thầy". Các bà còn nói với nhau: "Ông thầy giỏi thật, gà trống mà nuôi con ăn học đàng hoàng, giỏi thiệt". Các bà, các cô thường mua sách dùm tôi, nhưng tôi biết họ không đọc mà mua về cho con cháu hoặc lấy giấy gói hàng. Tuy vậy khi bán sách, tôi vẫn cố chọn sách hay, hợp thị hiếu của người đọc. Nói đến chuyện bán sách, tôi đâm ra "thương hại" các nhà-văn-chân-chính-thứ-thiệt-một-trăm-phần-trăm, mặc dù họ sẵn sàng phỉ nhổ, huỵch toẹt vào cái "tâm" của tôi. Các anh các chị làm ăn nghiêm túc nhưng "Văn chương hạ giới rẻ như bèo - Kiếm được đồng lãi thực là khó".
Ngày mồng sáu Tết tôi trở lại với công việc mưu sinh. Tôi ra đi từ sáng sớm và trở về trong đêm tối. Con tàu Thống Nhất dừng bánh ở ga Huế muộn hơn thường lệ. Để tiết kiệm một cuốc xe thồ ba ngàn đồng từ sân ga về đến Thành nội, tôi quyết định cuốc bộ. Ngang qua nhà Văn hóa Thiếu nhi, tôi ghé quán cà-phê "Cây Si" uống một li chanh nóng. Quán vắng người hình như chỉ có một mình tôi. Không, còn thêm một người nữa - đúng hơn là một con bé. Tôi chưa kịp cầm li nước thì con bé đã sốt sắng mời tôi mua diêm. Dĩ nhiên là tôi có ngạc nhiên về cô bé. Đêm tối mù, trời lạnh. Bên ngoài đường cái vắng người. Bên trong quán, đèn sáng lờ mờ. Cô bé đi bán diêm vào giờ này, chắc là gia đình nó túng thiếu lắm. Tôi không cần diêm vì tôi đã có hộp quẹt gaz, nhưng tôi cũng đồng ý mua hộp diêm của cô bé. Cô bé chìa ra bao diêm, trong khi tôi lục túi tìm tờ giấy bạc. Tôi vốn dễ mủi lòng trước cái khổ của người khác, nhất là người khác ấy lại là một em bé gái mà tôi không nhìn rõ mặt. Trong ánh đèn vàng vọt của quán cà phê, tôi thấy bàn tay em run run, có lẽ vì trời quá lạnh. Bỗng nhiên tôi nghe cô bé kêu lên một tiếng thảm não. Cô đã vô ý đánh rơi hộp diêm vào li nước chanh của tôi. Sự việc đó cũng bình thường thôi, nhưng phản ứng của cô bé thật lạ lùng. Cô bé lại còn bưng mặt, hình như khóc. Tất cả những gì tôi thấy và nghe đã khiến tôi xúc động thật sự.
Tôi an ủi:
- Thôi cháu đừng tiếc nữa, tiếc gì một hộp diêm. Đây chú đền cho cháu hai ngàn đồng đây.
Tôi đưa tờ bạc mới tinh ra trước mặt nó. Nhưng tôi bỗng ngạc nhiên vì nó không nhận, nó lí nhí cảm ơn tôi và lủi thủi bỏ đi.
Trên đường về, tôi nghĩ ngợi mãi mà vẫn không hiểu tại sao chỉ vì một hộp diêm ướt mà con bé lại đau khổ như vậy. Tại sao nó lại không chịu nhận lòng tốt của tôi?
* * *
LỜI KỂ CỦA EM BÉ
Năm nay em mười hai tuổi, học lớp sáu. Thầy giáo dạy văn của em là thầy Bích. Cùng với sách văn, thầy Bích đã đưa em và các bạn vào thế giới kỳ diệu của những câu chuyện cổ. Những câu chuyện cổ tích đã cám dỗ em mãnh liệt.
Một lần thầy đã kể cho chúng em nghe chuyện “Cô bé bán diêm” của nhà văn Andersen, người Đan Mạch. Câu chuyện đã cuốn hút chúng em một cách kì lạ. Chúng em như tưởng tượng thấy được hình ảnh cô bé bán diêm nghèo khổ gầy gò vì đói, co ro vì lạnh. Khi thầy kể đến chỗ cô bé gục chết và sự vô tâm của người đời thì em và các bạn không nén được nước mắt. Chúng em đâm ra oán trách ông Andersen, oán trách ông sao lại để cho cô bé phải chết khi tuổi còn thơ. Tại sao không ai cứu cô bé? Tại sao không có một người hảo tâm nào mua diêm cho cô, cho cô sưởi ấm, cho cô ăn đưa cô về nhà? Tại sao mọi người phát hiện cái chết của cô mà vẫn thản nhiên? Một bạn em đã hỏi thầy chuyện cô bé bán diêm có thật không hay do người lớn bịa ra. Trước câu hỏi ngây ngô của bạn em, thầy cũng phải cười "ồ, cũng có thể có thật". Thầy lại cười và nói thêm: "Bao giờ loài người thoát khỏi cảnh nghèo đói thì những cô bé bán diêm mới có thể được đi học như các em". Thật ra em chưa hiểu hết lời thầy nhưng em tin rằng chuyện cô bé bán diêm là có thật.
Sau buổi học, em đã về nhà với một tâm trạng đầy thương cảm. Hai ba ngày sau, cái chết của cô bé bán diêm trong đêm giao thừa trời rét dữ dội của nước Đan Mạch vẫn còn ám ảnh tâm trí em. Cho đến một hôm em nằm mơ. Trong mơ, em thấy một cô gái xiêm y lộng lẫy, đầu đội vương miện ngũ sắc tiến đền gần em với nụ cười tươi tắn trên gương mặt hồng hào rạng rỡ.
Cô-gái-quí-tộc gật đầu chào em ra chiều thân mật:
- Chào em gái, em có nhận ra chị không?
Cô gái có vẻ quen quen, hình như em đã gặp cô một lần nào rồi. Em cố lục lọi trí nhớ, nhưng trí nhớ của em chẳng mách bảo cho em điều gì.
- Chị hổng phải là người xa lạ với em đâu, dù chị là người nước ngoài. Chẳng lẽ em hổng nhớ rằng em vẫn thường hay nghĩ về chị đó sao? Chị là... Em mừng rỡ kêu lên:
- Chị ơi, em nhớ ra rồi. Chị là cô bé bán diêm. Chị thay đổi nhiều quá, làm sao em nhìn ra được?
Phải rồi trước mắt em là "cô bé bán diêm" bằng da bằng thịt, em chạy vội lại cô gái, nắm hai tay cô. Nhưng em lại vội rút hai tay lui vì em sực nhớ "cô bé bán diêm" đã chết từ lâu lắm rồi:
- Ủa! Làm sao mà chị được sống lại vậy?
Cô gái cất tiếng cười khanh khách:
- Sao em ngây thơ quá vậy. Em hổng nghe người ta thường nói nhà văn là thượng đế đó sao? Ông già Andersen đã thực hiện lời cầu xin của trẻ em trên toàn thế giới nên ổng đã cho chị được sống lại. Đây, em hãy nhìn kỹ gương mặt của chị một lần một lần nữa đi. Có đúng chị là cô bé bán diêm không nào?
Em kêu lên mừng rỡ:
- Đúng rồi chị ơi, chị chính là cô bé bán diêm đã làm cho em phải ứa nước mắt khi thầy em kể chuyện về chị.
- Không những ông Andersen cho chị sống lại mà ông còn cho chị đi học, cho chị nhiều quần áo đẹp nữa, cưng à.
Cô gái quay một vòng, xiêm áo cô, vương miện của cô lấp lánh muôn màu trong đêm. Cô còn trang sức bằng những vòng ngọc đủ màu, hoa tai bằng vàng, giày nhung nạm bạc.
Em vẫn không nén được ngạc nhiên:
- Chị ơi, em chúc mừng cho chị, nhưng em sợ người ta không còn nhận ra chị là cô bé bán diêm nữa, chị đã trở thành công chúa mất rồi.
- Thế thì cưng cứ gọi chị là công chúa bán diêm cũng được. Nhưng tại sao mọi người lại hổng muốn cho chị được sung sướng?
- Không, không phải như thế đâu chị ơi! Nhưng chị phải nhớ rằng sở dĩ người ta mãi mãi còn nhớ đến chị vì chị là cô bé bán diêm và ông Andersen bất tử vì ông là cha đẻ của chị.
- Không, cưng đừng hiểu lầm chị. Trước sau chị vẫn là cô bé bán diêm, cô bé nghèo đói đã từng mơ ước cái lò sưởi, con ngỗng quay, cây thông Nô-en, mơ ước được theo bà bay vụt lên trời, nơi chẳng còn đói rét, đau buồn, trong cái đêm giao thừa năm ấy.
Công-chúa-bán-diêm ngập ngừng một lát như để nén cảm xúc, cô nói tiếp:
- Chị biết tuổi thơ trên khắp hành tinh này còn nhiều vất vả. Ông Andersen cũng biết thế, nên ông đang soạn thảo bức Thông điệp gởi Liên Hiệp Quốc đó cưng. Nhưng thôi chị báo cho cưng một tin mừng: lần này chị cất công qua Việt Nam là để giúp cưng thực hiện một ĐIỀU ƯỚC.
Em mừng rỡ kêu lên:
- Thật hả chị? Thế chị giúp cho ba em sống lại được không?
- Không thể được. Ông Andersen nói chỉ có vĩ nhân mới bất tử.
- Chị giúp em học giỏi có được không?
- Không thể được. Muốn học giỏi em phải tự lực, đừng dựa vào bất cứ ai ngoài bản thân em. Em hãy ghi nhớ lời ông Buýp - phông: “Thiên tài chỉ là một sự kiên nhẫn lâu dài”.
- Thưa chị em biết, ở nước em cũng có câu tương tự: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Em xin chị một ĐIỀU ƯỚC CUỐI CÙNG: Nhỏ bạn em bị tai nạn vì pháo. Đôi mắt nhỏ đang mất dần ánh sáng cuộc đời.
- Được, nhưng với một điều kiện là em phải bán diêm như chị trước kia. Em phải chọn một đêm trời rét để đi bán diêm và em phải bán được một bao diêm cho một người khách độc nhất còn sót lại tại một địa điểm thường đông người lui tới như chợ búa, nhà hàng chẳng hạn.
- Chị ơi, điều kiện của chị khó quá. Sao em làm theo cho được?
- Em ơi, không có thắng lợi nào nằm trong tầm tay của chúng ta cả. Chị cầu chúc em kiên trì thực hiện điều ước tốt đẹp nhất của chúng ta.
Nói xong, công-chúa-bán-diêm người Đan Mạch biến mất. Em giật mình thức giấc, cố nhớ lại giấc mơ và em tin lời công chúa dặn là có thật.
Em đã thực hiện lời dặn của công-chúa-bán-diêm. Đêm mồng bốn Tết. Một đêm rét nhất của Huế. Một đêm vắng khách vãng lai. Em đã may mắn gặp được ông-khách-độc-nhất Bưu điện. Rủi thay, chú ấy không chịu mua.
Đêm sau, cũng gặp một người-khách-độc-nhất trước cửa Ngọ Môn. Chú ấy đứng sững sờ, đôi mắt chú ấy cứ đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mắt. Em đến gần chú, mời chú mua diêm. Chú ấy bảo em đừng làm phiền chú, nhưng em vẫn nài nỉ vì em nhớ lời công chúa bán diêm dặn "phải kiên trì". Nhưng chú ấy đã phóng xe đi với một thái độ khó hiểu.
Sau hai lần thất bại, em tự nhủ mình phải kiên trì tiếp tục công việc một lần thứ ba nữa. Đêm mồng sáu Tết em ra khỏi nhà sớm hơn thường lệ. Em phải nói dối mẹ em rằng em đi thăm bạn em đang nằm viện, mẹ mới cho đi. Em còn hứa với mẹ là sẽ về sớm cho mẹ yên lòng. Em tự nhủ đêm nay là đêm cuối cùng. Đến ngày mai chắc em không còn được phép thực hiện điều ước cuối cùng nữa. Trong đêm này em đã may mắn gặp được ông-khách-độc-nhất ở quán "Cây Si". Phút trọng đại mà em chờ đợi mấy ngày nay sắp đến. Em sắp bán được hộp diêm duy nhất cho người khách độc nhất. Em nghe như có muôn tiếng hò reo, muôn ngọn lửa nồng phát ra từ hộp diêm mà em đang cầm trong tay. Hình ảnh nhỏ bạn em hiện ra. Kìa! Đôi mắt nhỏ đã sáng ngời trở lại! Quá xúc động đâm ra luống cuống, em run tay và hộp diêm... Trời ơi, em đã làm hỏng điều ước cuối cùng rồi. Nước mắt em dàn dụa.
* * *
LỜI CỦA NGƯỜI CHÉP TRUYỆN
Những ngày sau đó, trời vẫn còn rét đậm, nhưng tôi không còn thấy cô bé đi bán diêm nữa. Chắc cô bé đã nhận ra mộng, thực không thể trộn lẫn vào nhau. Nhưng tôi tin ước mơ cháy bỏng của em vẫn còn đó. Tôi chỉ sợ một điều là một ngày gần đây, trời sẽ ấm trở lại, lúc đó, điều ước cuối cùng của cô bé sẽ tan vào hư không.
Tôi khép lại câu chuyện với niềm tin chắc chắn rằng: Nhỏ bạn của cô-bé-mê-chuyện-cổ-tích rồi sẽ được sáng mắt trở lại vì một lẽ thường tình nhưng khó giải thích:
Lòng nhân hậu của con người có khả năng làm nên phép màu.
Thành Nội tháng 2-93
Đ.T.H.
(TCSH55/05&6-1993)
HOÀNG TÙNG
Năm 1442, vua Lê Thái Tông đi duyệt quân ở Chí Linh, đêm về nghỉ chân ở Lệ Chi Viên. Cùng đi với vua có người thiếp của Nguyễn Trãi tên là Nguyễn Thị Lộ. Đêm hôm đó, nhà vua băng hà. Triều đình quy tội Nguyễn Trãi thông đồng với Thị Lộ, âm mưu giết vua. Toàn gia họ Nguyễn bị tru di tam tộc.
DƯƠNG HOÀNG VĂN
Tháng bảy năm đó, miền Trung vừa trải qua một cơn lụt lớn. Một chuyến bay quân sự đưa tôi từ Sài Gòn ra vùng một. Chuyến đi đầy bất trắc về một miền đất dữ. Ở đó chiến cuộc đang hồi khốc liệt, bạn bè tiễn tôi với những đôi mắt chứa đầy thương cảm.
Tên: LÂM Vị QUÂN
Bút danh: Rio
Năm sinh: 1991
Quê quán: Đà Nẵng
Điều quý giá nhất tính đến hiện nay: tuổi trẻ
Mục tiêu: sống thanh thản
Hiện đang học ngành Communications ở Hoa Kỳ
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Đám người ngồi đứng lổm nhổm trên đỉnh núi, cao áp mây. Mặt trăng đã nhô lên như một mâm xôi vàng xuộm. Những cái đầu ngẩng lên, tay chỉ chỏ. Mặt trăng như cánh diều chững gió, thả ánh nhìn soi sáng mặt người cuồng nộ. Trời rất thanh. Gió chạy trên lố nhố mái đầu xòa đủ màu tóc.
TRẦN CẢNH YÊN
Chúng tôi về đến Phong Chương lúc mặt trời đã ngả chiều. An, trưởng ban trinh sát tỉnh đội đi cùng tôi như reo lên khi nhìn thấy một con thuyền nhỏ dưới bến. “Chiếc thuyền là của bà Tư đó, nhà ở ngay trên bến kia” - Một phụ nữ gặp chúng tôi ở bờ sông nhanh nhảu mách rồi chỉ cho chúng tôi lối rẽ vào một ngôi nhà nhỏ nằm phía trên bến sông.
TRUNG TRUNG ĐỈNH
Tôi không thể nhớ lại mạch lạc những cuộc hành trình của tôi đã diễn ra thế nào khắp thủ đô. Nhưng hôm nay, nhờ sự ưu ái của bạn bè đã xin giúp cho nhà tôi có chỗ làm - ít ra cũng được gọi như thế, khiến bây giờ tôi có cái yên tâm của người chồng mà bấy lâu tôi cứ tự cho là mình hỏng.
HẠO NGUYÊN
1.
Khi chiếc xe khách đã khuất phía cuối con đường, anh mới kịp nhận ra là mình đã thực sự tách khỏi cuộc sống cũ, những không gian cũ, những thói quen cũ, những quan hệ cũ, để bắt đầu một cái gì đó hoàn toàn chưa có tiền lệ.
THÙY LINH
Mùa thu đã đến, mùa đẹp nhất trong năm đối với tôi. Tôi có cảm tưởng vào tiết thu mát mẻ, dịu buồn, con người ta sống với nhau tốt hơn và xử sự đẹp đẽ hơn.
THÁI BÁ TÂN
1.
Biết tôi viết văn, một anh bạn hiện là kỹ sư lâm nghiệp ở lâm trường S.V miền Tây Nghệ An, có gửi cho tôi một bức thư. Trong thư anh kể chuyện con voi kéo gỗ duy nhất của lâm trường, để như anh nói, tôi dựa vào đó viết một truyện ngắn mà theo anh (nguyên văn) "có thể thu hút được sự chú ý của người đọc".
NGUYÊN QUÂN
Hắn rướn người về phía trước, hai bàn tay tướp máu, mò mẫm bóc từng lớp bóng tối trước mặt, hai đầu gối rách nát nhích dần trên nền đất đá lởm chởm tối đen. Ánh sáng còn ở đâu rất xa…
TRẦN ĐỨC TĨNH
Có người đã từng chửi tôi là đồ chó, chẳng biết tại sao mà họ lại chửi tôi thậm tệ thế?
TRẦN DUY PHIÊN
1.
Trần Việt Chiến là con ngựa chiến. Ai cũng thừa nhận như thế, kể cả những người không ưa anh.
LÊ THỊ MÂY
Anh đợi một cô bé từ bên kia lề phố bước sang, lên tiếng hỏi:
- Này cháu, cho chú hỏi, đây là phường Năm phải không?
LÊ MINH PHONG
“...Người là thánh nhân
Người đã sống trong chúng con
hôm nay và ngày sau
HOA HẠ
Chiều vội vàng kéo tấm lưới mỏng như voan màu đỏ tía choàng xuống vùng phá Tam Giang, gió mơn man thổi nhẹ mang theo mùi chua nồng của đất, mùi ẩm mốc bốc ra từ chòi ông Bảy, mùi món cá bống kho riềng thơm phức đặc trưng rất riêng của cô Hồng ở chòi cạnh bên, mùi nước lá thơm mà dì Tư chiều nào cũng phải có để tắm cho đứa cháu đích tôn mới sinh…
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG
Tôi làm vợ anh tròn ba mươi năm. Nhiều đêm chiêm bao thấy hắn, thấy lại vũng Cọp Rằn, tôi ú ớ kêu rên, tỉnh ra nằm khóc ấm ức.
PHẠM XUÂN PHỤNG
Cuộc sống quả thực đầy bất ngờ đến mức không thể tưởng tượng nổi. Cách đây mười năm, anh có một cái tên. Một ngày sau đó, anh mang một cái tên khác cho đến bây giờ: Ma-Niu-La.
PHÙNG TẤN ĐÔNG
Đời là thế. Hơi đâu mà phải hoa chân múa tay thanh minh trước bàn dân thiên hạ điều này điều nọ không mấy hay ho về mình.
PHẠM THỊ HƯƠNG
Ngay sau khi ông khỏe lại, việc đầu tiên ông muốn làm là từ mặt vợ chồng tôi. Mẹ chồng tôi là một người đàn bà cam chịu. Bà không ra phản đối cũng chẳng ra đồng tình. Bà lặng lẽ ngồi mép ghế, cúi đầu như người biết lỗi.
NGUYỄN VĂN
- "Hãy dẹp cái lối tự ái thỏn mỏn ấy đi"- Tôi tự dằn lòng mình bằng một câu như thế, trước khi đạp xe đi đến nhà hắn. Phải mất cả đêm thức trắng tôi mới có được cái quyết tâm như thế. Thực ra, cũng chẳng còn cách nào khác.