HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Mười năm trước đây, một sự kiện văn hóa diễn ra tại Huế đã khiến nhiều người ngạc nhiên và tự hào: Huế từng có Nhà xuất bản Tinh Hoa xuất bản các ấn phẩm âm nhạc sớm nhất toàn cõi Đông Dương, sự kiện Gala Tinh Hoa - Sông Hương nhằm tôn vinh Nhà xuất bản Tinh Hoa. Sự kiện đó đã làm rung động nhiều trái tim yêu âm nhạc, nhất là những ai mê lịch sử Tân nhạc Việt Nam.
Cụ bà Huỳnh Thị Cam trò chuyện với nhà nghiên cứu Bửu Ý (đội mũ) tại buổi Gala. Cạnh bà Cam là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ảnh: Thái Lộc
Sự kiện Gala Tinh Hoa - Sông Hương, tôn vinh Nhà xuất bản Tinh Hoa do Tạp chí Sông Hương tổ chức vào chiều 8/6/2010, trở thành sự kiện rất có ý nghĩa mà như một số tờ báo hồi đó viết: là một sự kiện đáng nhớ sau khi nhiều sự kiện khác của Festival Huế 2010 qua đi.
Có vài chuyện mà đã 10 năm từ đó đến nay, những người trong cuộc chưa hề kể lại.
Một ngày tháng 3 năm 2010, nhà thơ Phạm Tấn Hầu, lúc đó là thành viên của Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương, nhắc cho anh em biết về Nhà xuất bản (Nxb) Tinh Hoa chuyên xuất bản ấn phẩm âm nhạc đã từng xuất hiện ở Huế những năm 1940. Anh Phạm Tấn Hầu nêu ý tưởng cho Ban Biên tập Sông Hương phải tìm người viết về nhà xuất bản này. Người được chọn là nhà thơ, nhà báo Trần Bá Đại Dương, lúc đó đang công tác ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế (VTV Huế).
Cũng không phải dễ dàng khi thực hiện bài viết, bởi ban đầu, người con trai của ông chủ Nxb. Tinh Hoa, bạn thân của nhà báo Trần Bá Đại Dương không đồng ý. Chuyện đã đi qua hơn nửa thế kỷ, phía sau hào quang là những câu chuyện buồn mà gia đình không muốn khơi gợi lại. Thấy bạn vậy, anh Trần Bá Đại Dương cũng không nài ép. Nhưng anh Phạm Tấn Hầu không buông xuôi, anh nói phải tìm cách phủi lớp bụi mờ thời gian để đưa ra ánh sáng chân dung một nhà xuất bản từng góp phần hình thành nền tân nhạc Việt Nam. Giá trị văn hóa của Nxb. Tinh Hoa phải đặt cao hơn tất cả. Nhà báo Đại Dương lần nữa xắn tay áo, và bài viết “Nhà xuất bản Tinh Hoa - những điều tôi biết” hoàn tất. Sông Hương số đặc biệt tháng 5/2010 vinh hạnh đăng bài viết hết sức đặc sắc này, trong mục “Chuyện ít ai biết”.
![]() |
Nhà thơ Phạm Tấn Hầu, người đề xuất tổ chức Gala Tinh Hoa - Sông Hương. Ảnh: Phạm Bá Thịnh |
Báo ra, các nhà nghiên cứu Huế, những người yêu Huế mừng rỡ vì có dịp được tường tận về số phận một nhà xuất bản lạ lùng, với ông chủ Tăng Duyệt hồn hậu mà đầy kiêu hãnh đã tạo nên cuộc chơi nhiều cống hiến bậc nhất thời bấy giờ. Anh em Sông Hương vui mừng vì tạp chí lại được đông đảo bạn đọc đón nhận, nhiều blog, báo điện tử đăng lại. Không dừng lại ở đó, nhà thơ Phạm Tấn Hầu đề nghị: “Phải làm Gala Tinh Hoa - Sông Hương”.
Cái khó của việc tổ chức Gala là kinh phí. Với trách nhiệm người đứng đầu tạp chí lúc bấy giờ, tôi biết tổ chức Gala Tinh Hoa - Sông Hương là việc khó mấy cũng phải quyết tâm làm, muốn làm được thì phải kêu gọi nhiều anh em cùng tham gia. Nhà thơ Phạm Tấn Hầu, nhà thơ Trần Bá Đại Dương và một số anh em khác chạy ngược chạy xuôi. Nhạc sĩ Lê Phùng lúc đó là Chủ tịch Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế cũng vào cuộc. Anh vận động một người nhận trách nhiệm mời nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - nhân chứng sống - về Huế tham gia Gala. Một số anh em vận động được Nhà hàng Nam Châu Hội Quán tài trợ cho không gian sân khấu, trưng bày ấn phẩm âm nhạc do Tinh Hoa - Huế xuất bản. Anh em ở tạp chí lên kịch bản, mời ca sỹ, dĩ nhiên, phải là những giọng ca chuyển tải được tâm hồn và hát miễn phí, vì Tinh Hoa.
Bên cạnh việc tổ chức chương trình, có một việc phải lo nữa là trưng bày các ấn phẩm của Nxb. Tinh Hoa - Huế. Không phải dễ để có những ấn phẩm đã qua tuổi đời trên nửa thế kỷ mang đến Gala Tinh Hoa - Sông Hương cho công chúng thưởng ngoạn. May mắn, các nhà sưu tập: Danh Toại, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Đình Niêm, Hà Thị Lựu, Ngô Tuệ khi nghe tin đã tin tưởng trao nhiều ấn phẩm vô giá mà họ và gia đình đã giữ gìn suốt 70 năm qua để có thể tổ chức cuộc trưng bày. Ở đây có một chuyện hết sức cảm động. Nghe nhà thơ Phạm Tấn Hầu nói về việc tổ chức Gala Tinh Hoa - Sông Hương đang cần ấn phẩm âm nhạc Tinh Hoa để trưng bày, họa sỹ Nguyễn Thượng Hải đã mang cây đèn cổ rất quý gửi cho một nhà sưu tập để họ cho mượn 100 ấn phẩm Tinh Hoa. Đích thân họa sỹ Nguyễn Thượng Hải đã mang số ấn phẩm nói trên từ Tp. Hồ Chí Minh ra Huế, trao cho Sông Hương.
Buổi Gala Tinh Hoa - Sông Hương bắt đầu lúc 14 giờ chiều 8/6/2010.
Diễn văn của Phó Tổng Biên tập phụ trách nêu rõ: “Chúng ta ít nhiều đều nghe đến Nxb. Tinh Hoa - Huế. Nhiều người trong chúng ta vẫn còn giữ trong ký ức hình ảnh những ấn phẩm âm nhạc của Nxb. Tinh Hoa - Huế được in trên giấy cứng, với bìa trước được vẽ những nét minh họa đơn sơ mà gợi cảm, với những nốt nhạc tài hoa được viết nên bởi những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, gần như đa số chúng ta đều biết rất ít về Nxb này. Chúng tôi là những kẻ hậu thế băn khoăn và quyết đi tìm lại lịch sử của một Nxb mà tên tuổi của nó đã vượt cả không gian và thời gian. Người chịu trách nhiệm: nhà thơ, nhà báo Trần Bá Đại Dương đã làm rất tốt công việc được nhiều người kỳ vọng. Bài viết của anh in trên Số đặc biệt Tạp chí Sông Hương tháng 5/2010, đã hé mở cho chúng ta sáng rõ nhiều điều về Nxb. Tinh Hoa - Huế. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta có thể khẳng định một điều rằng, từ những năm 1940 của thế kỷ trước, Nxb. Tinh Hoa - Huế là nhà xuất bản âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, đã tổ chức ấn hành các tác phẩm của nền tân nhạc Việt Nam buổi sơ khai, tạo điều kiện cho các tác phẩm đó nhanh chóng đến được với công chúng yêu âm nhạc trên toàn Đông Dương lúc bấy giờ, khiến cho nền tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu được chắp cánh bay lên, để lại những ca khúc bất hủ mà đến tận bây giờ, sau 60 - 70 năm, chúng ta vẫn đang còn nghe và hát với một sự đồng cảm và yêu mến sâu sắc.
Sự xuất hiện và những đóng góp của Nxb. Tinh Hoa - Huế thêm lần nữa chứng tỏ rằng, một thời chưa xa, Huế đã từng là trung tâm văn hóa lớn trên nhiều lĩnh vực”.
Sau diễn văn tôn vinh, Ban tổ chức đã tặng bó hoa lớn cho cụ bà Huỳnh Thị Cam, vợ của ông Tăng Duyệt, cố Giám đốc Nxb. Tinh Hoa - Huế. Năm đó bà đã 88 tuổi. Vợ chồng nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cũng trân trọng dành lẵng hoa lớn để tri ân gia đình của ông chủ Tinh Hoa - Huế. Chương trình cũng nhận được nhiều lẵng hoa chúc mừng từ lãnh đạo thành phố Huế, từ các khán giả yêu âm nhạc...
Tiếp đó, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu sau khi tặng hoa cho cụ bà Huỳnh Thị Cam, phát biểu cho biết sau 65 năm, bây giờ ông mới được gặp lại cụ bà Tăng Duyệt. Ông kể ngày xưa, ca khúc “Đoàn giải phóng quân” của ông được ông Tăng Duyệt trả nhuận bút rất lớn, 800 đồng. Số tiền đó nếu để ăn cơm, ông sẽ ăn được suốt 5 năm liền, với những suất cơm tươm tất. Với số tiền đó, ông mua được cây đàn ghi ta cổ, được cho là của người Pháp tặng vua Bảo Đại. Ông sáng tác một thời gian dài với cây đàn đó, nó chỉ thất lạc khi ông lên chiến khu, để nó lại đô thành. Ông nói nếu không có Nxb. Tinh Hoa - Huế hà hơi tiếp sức, thì ông và các nhạc sỹ tân nhạc Việt Nam đương thời khó lòng sáng tác được những nhạc phẩm bất hủ mà hiện nay vẫn đang lưu truyền.
Nhà nghiên cứu Bửu Ý tiếp diễn câu chuyện: Nxb. Tinh Hoa có ảnh hưởng lan tỏa rất lớn, chính là “dấu mốc” để ra đời của những quán nhạc Tinh Hoa, tiệm nhạc Lâm Tuyền và tiệm nhạc Uyên Bác của Hà Thanh ở Huế đương thời. Không chỉ xuất bản nhạc, Nxb. Tinh Hoa do chính Giám đốc Tăng Duyệt trở thành người đồng hành và là mạnh thường quân của phong trào tân nhạc và các hoạt động có liên quan. Nhờ Nxb. Tinh Hoa mời đại nhạc hội do Hoàng Thi Thơ khởi xướng về Huế, lúc đó dân Huế mới biết được những tài danh miền Nam với giọng ca Trần Văn Trạch, các vũ sư Lưu Bình, Lưu Hồng… Tinh Hoa còn tổ chức được ba đêm nhạc để gây quỹ trùng tu nhà thờ Phan Bội Châu vào đầu tháng 4/1955. Thanh niên hồi ấy nhờ có Tinh Hoa và nhà sách Tân Hoa của cụ Tăng Duyệt mới có dịp sưu tập nhạc, tạo được không khí văn hóa thanh tao ở Huế. Không chỉ xuất bản nhạc và giúp đỡ người có tài, cụ Tăng Duyệt còn quan tâm và hỗ trợ những hiện tượng xung quanh như khai sinh ban nhạc thiếu nhi Tinh Hoa của gia đình, hỗ trợ ban nhạc Gió Mới (có sự tham gia của các nhạc sỹ Lê Gia Phàm và Nhị Hà…); hỗ trợ ban nhạc jazz ở Huế, ban kịch của Vũ Đức Duy và Vĩnh Phan… Do đó Tinh Hoa là địa chỉ thu hút của nghệ sĩ ba miền, ai đến Huế cũng tìm đến Tinh Hoa như về với gia đình để được hỗ trợ về tài chính và tinh thần. Chính người chủ xướng Tăng Duyệt luôn phát hiện tài năng, khuyến khích sáng tác và chịu trách nhiệm ấn hành… do đó được rất nhiều người trong giới nghệ sĩ mến mộ và tri ân” .
Bây giờ nói chuyện xuất bản nghe có vẻ bình thường, nhưng những năm 1940, quan niệm in từng bản nhạc rời là một quan niệm tiên phong. Điều này không chỉ độc đáo với thời đó, mà ngay cả bây giờ, khắp cả nước vẫn chưa có Nxb. nào làm được. Tinh Hoa - Huế đã quy tụ được nhiều tài năng âm nhạc trong cả nước thời đó: Phía Bắc vào có Phạm Duy với nhiều tình ca, Lê Thương với Hòn Vọng Phu, Dương Thiệu Tước với hai tuyệt tác Tiếng xưa và Đêm tàn Bến Ngự, Văn Cao với Thiên Thai... Từ Đà Nẵng trở vào Nam có Phan Huỳnh Điểu, Lê Trọng Nguyễn, Phạm Thế Mỹ, Phạm Trọng Cầu... Ở Huế có Ưng Lang, Nguyễn Văn Thương, Lê Hữu Mục, Đỗ Kim Bảng, Thu Hồ, Minh Kỳ, Hoàng Nguyên Cao Cự Phúc, Châu Kỳ, Văn Giảng (còn ký tên Nguyên Thông, Thông Đạt), Nguyễn Hữu Ba, Lê Cao Phan, Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh, Lâm Tuyền, Hồ Đình Phương, Lê Mộng Nguyên... Với sự xuất hiện của Nxb. Tinh Hoa - Huế, một lực lượng ca sỹ hùng hậu cũng thành danh. Phái nữ có Minh Trang (vợ Dương Thiệu Tước), Mộc Lan (vợ Châu Kỳ), Hà Thanh, Kim Tước, Tâm Vấn, Thanh Cầm, Hương Thủy. Nam ca sỹ có Tôn Thất Niệm (được xem là giọng nam ca hay nhất mọi thời), Dạ Chung, Lê Mộng Hoàng, Duy Khánh, Thiện Nhân... Các họa sỹ trình bày cho các ấn phẩm âm nhạc Tinh Hoa hồi đó là Phi Hùng và Duy Liêm. Phi Hùng vẽ theo phong cách cổ điển pha ấn tượng. Duy Liêm vẽ theo lối lập thể…
Chương trình văn nghệ với những ca sỹ hát bằng tấm lòng của mình đã khiến khán phòng ngập tràn không khí xúc động. Anh Châu Tài, con trai trưởng của cố nhạc sỹ Châu Kỳ không kìm được nước mắt khi nghe Ngọc Lan trình bày nhạc phẩm Thương về miền Trung của cha mình. Chị Tăng Bảo Thiều, ái nữ của ông Tăng Duyệt cũng đã hát một nhạc phẩm ngày xưa do cha mình xuất bản: Em đến thăm anh một chiều mưa của nhạc sỹ Tô Vũ. Nhiều người lúc ấy lặng lẽ đến bên gian trưng bày để lặng ngắm bản in bìa trước nhạc phẩm này. Trên đó, họa sỹ đã vẽ hình bóng người con gái xăn quần vén áo đi dưới mưa trên con đường ngập nước. Chương trình lần lượt thể hiện các ca khúc khác. Và khán phòng chợt lặng đi, khi bất ngờ nghe một giọng ca cao vút lần đầu được phát hiện trên sân khấu Huế: Nguyễn Thị Huệ với bài hát Bóng chiều xưa của Dương Thiệu Tước...
Cuối buổi chiều hôm đó Huế diễn ra Lễ hội Áo dài trong Festival Huế 2010, ấy vậy mà nhiều người vẫn ngồi lại, trong không khí tri ân, hồi tưởng, xúc động. Cho đến khi kết thúc, nhiều người vẫn chưa muốn về, họ ngồi lại đó để lắng nghe những ngày xưa… Ngoài kia dòng sông Hương thao thiết chảy.
Mười năm đi qua, cụ bà Tăng Duyệt cùng với một người con trai đã rời cõi tạm về với cụ ông. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu cùng một số khán giả có mặt hôm ấy cũng đã theo cánh chim vô thường về chốn vĩnh hằng. Với Tạp chí Sông Hương, dù về sau đã tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa cho Huế, song sự kiện Gala Tinh Hoa - Sông Hương vẫn là một trong những sự kiện đáng nhớ nhất. Tạp chí đã tri ân kịp thời một chủ thể văn hóa của Huế, và sự tri ân ấy đã được công chúng Huế cũng như nhiều người Việt Nam nhớ mãi…
H.Đ.T.N
(SHSDB38/09-2020)
NGÔ THỊ Ý NHI
Ở Huế, có những buổi sáng cứ thích nằm nghe tiếng con nít rủ nhau đến trường ríu rít như chim. Bình yên đến lạ! Thành phố nhỏ bé, nhịp sống không vội vàng, những con đường hiền lành, êm ả trẻ con dễ dàng đi bộ.
Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019)
PHẠM THUẬN THÀNH
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Năm Nhâm Tý (1672), chúa Trịnh xua 180 ngàn quân vào Nam, có ý vượt sông Gianh đánh chúa Nguyễn. Trấn thủ Bố Chính là Nguyễn Triều Văn hoảng sợ chạy vô Kim Long cấp báo với Hiền Vương (tức chúa Nguyễn Phúc Tần).
TÔN THẤT BÌNH
BÙI KIM CHI
Ngày xưa, cách đây 60 năm, ở đường Duy Tân Huế từ cầu Trường Tiền đi xuống, qua khỏi Morin (cũ), đi một đoạn, có một địa điểm mang cái tên nghe là lạ Ngọ Phạn Điếm. Càng lạ và đặc biệt hơn nữa, Ngọ Phạn Điếm chỉ đón khách vào ăn một bữa trưa (demi-pension) trong ngày là học sinh của Trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế mà thôi.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Bút ký
KỶ NIỆM 20 NĂM CƠN LŨ LỊCH SỬ 1999
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
NGUYỄN DƯ
Ngày xưa thi đỗ tiến sĩ… sướng lắm!
Nghe đồn như vậy. Ít ra cũng được vua biết mặt chúa biết tên. Được cả làng, cả tổng đón rước về tận nhà. Chữ nghĩa gọi là rước tiến sĩ vinh quy bái tổ.
PHI TÂN
Hồi trước, khi làng xã tôi còn đoàn đội tập thể hay hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì đàn trâu ở làng cũng của hợp tác luôn. Trâu được các hộ xã viên nhận về nuôi để ăn chia công điểm. Nhà mô có nuôi trâu thì con cháu trong nhà phải nghỉ học sớm để chăn trâu hàng ngày.
HOÀNG THỊ NHƯ HUY
Ngày thơ ấu tôi đã bao lần ngủ ngon giấc trong lời ầu ơ của mẹ:
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm Ngày mất của Người (02/09)
HỒ NGỌC DIỆP
Kỷ Niệm 72 Năm Ngày Thương Binh - Liệt Sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019)
PHẠM HỮU THU
DƯƠNG PHƯỚC THU
Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại làng Hội An, nơi xưa kia thường gọi là Faifô (vì làng này ở gần cửa Đại An nên quen gọi Hải Phố mà ra thế) nay Hội An đã lên cấp là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam; quê nội Nguyễn Kim Thành ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
Dáng thế của đồi Hà Khê như một con linh thú vừa tách khỏi đất mẹ, rời tổ uống mấy ngụm nước bên bờ dòng Linh Giang. Quay đầu hướng về quê mẹ, đất tổ Trường Sơn như một lời từ biệt, lòng rộn buồn vui. Một nhát gươm chí mạng của thuật sĩ Cao Biền, thân thú mang nặng vết thương vẫn còn hằn sâu ở chân đồi.
ELENA PUCILLO TRUONG
(Viết cho những người bạn cầm phấn)
Kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6
NGUYỄN XUÂN HẢI
ĐÔNG HÀ
33 năm đổi mới trong Văn học Thừa Thiên Huế
NGUYỄN ĐỨC HÙNG
Một chiều cuối năm 2018, tôi nhận được tấm thiệp mời nhân dịp Lễ mừng tuổi chín mươi của nhà giáo Trần Thân Mỹ và kỷ niệm 65 năm ngày cưới của ông bà Trần Thân Mỹ và Dương Thị Kim Lan. Nếu tính từ mốc tôi được ông đặt bút ký vào hồ sơ chuyển ngành từ Quân đội về làm việc tại Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) thành phố Huế là tròn 35 năm, trong đó có 7 năm (1983 - 1990) tôi được làm việc trực tiếp với ông trước khi ông nghỉ hưu. Ông là vị thủ trưởng khả kính đầu tiên của tôi, là người đã giáo dục, đào tạo và có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi.
VŨ SỰ
Ngày xưa, chuyện “chồng già vợ trẻ” cũng là chuyện thường tình. Xứ Huế đầu thế kỷ 20, cũng có những chuyện thường tình như thế. Nhưng trong những chuyện thường tình ấy, cũng có vài chuyện “không thường tình”, ngẫm lại cũng vui.