Gã đười ươi

15:49 02/10/2009
GIẢN TƯ HẢIGã bước xuống xe ôm móc ví trả tiền rồi lững thững bước về con phố ven đê. Chiều thu ánh mặt trời vàng vọt trải dài lên cái thị xã vùng biên vốn dĩ đã buồn lại càng thêm vẻ mênh mang hiu quạnh. Giờ tan tầm đã qua, dãy phố ven đê hoặc có người còn gọi là cái chợ người vốn tập trung nhiều lao động chân tay cũng đã vãn dần. Thấp thoáng vài bóng chiếc ô tô qua lại. Gã chậm rãi vừa đi vừa nhìn trái ngó phải, chốc chốc quay lại nhìn như sợ bị ai đeo bám. Chân gã đi giày thể thao adidas mới cứng, vận chiếc quần bò cũ đã thủng lỗ chỗ như đạn bắn, phía trên khoác chiếc áo đại cán rộng thùng thình màu cứt ngựa, đầu đội mũ cối Hải Phòng kiêu hãnh một thời cũng đã sờn cũ và bong lớp vải để lộ cái lõi xám xịt.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Kiểu ăn mặc dị hợm của gã khác xa một anh lính phục viên giản dị, cũng chẳng giống vẻ tất bật lam lũ của những công nhân lao động bình thường. Gã cũng không thuộc thành phần lao động đường phố tự do như xe ôm hay ba gác. Có người tưởng gã là thợ hồ vừa bước ra từ công trường xây dựng loanh quanh đâu đó nhưng khi nhìn thấy chiếc đồng hồ rolex trên tay và đôi giày thể thao bóng lộn lại chứng minh điều ngược lại. Tóm lại gã chẳng giống ai. Có lẽ vì thế nên khi gã tiến gần lại đám cửu vạn đang lố nhố kẻ đứng người ngồi vì đói việc chẳng ai lao ra mời chào gã, chắc họ tưởng có ma mới đến nhập bọn, không có sự bủa vây tranh giành khách như thường lệ thay vào đó là cái nhìn dò xét, ái ngại. Gã ung dung bước lại trước đám cửu vạn, đưa tay khẽ dúi cái mũ cối nghểnh ra sau để lộ cái cặp mắt ti hí có vết sẹo dài từ đuôi mắt vắt chéo qua trán ẩn mình dưới cái vành mũ rắn chắc:

- Tao cần hai đứa chuyển nhà.

Đến lúc này, khi gã vừa dứt lời đám cửu vạn mới ùa ra không ngần ngại bổ vây lấy gã nhao nhao:

- Anh để em, để em....

Gã lạnh lùng nhìn qua rồi chỉ ngay hai đứa trẻ măng, to cao và đầy vẻ xông xáo.

Hai đứa xốc lại áo mũ cầm lấy dụng cụ bảo hộ lao động rồi tất bật đi theo gã.

Gã dẫn hai thanh niên lẳng lặng rời thị xã từ từ xa dần mấy con phố đã lác đác lên đèn đi về hướng đông. Vốn nằm hai nửa địa lí khác nhau, phía tây giáp với dãy núi đá vôi trùng trùng điệp điệp về đêm xuất hiện những đám người gồng gánh rồi lần lượt kéo nhau đi và mất hút vào khe núi, phía ấy là đường biên. Phía đông là dải phù sa xanh mướt bao la của một con sông lớn chảy xuyên mấy nước rồi về đây êm ái tuôn ra biển cả. Cái tên thị xã Mộc Lan mang vẻ lạnh lùng huyền bí và đầy quyến rũ tựa như một cô gái kiêu sa sống thu mình nơi rừng hoang trong tiểu thuyết nào đó.

Thấy đi mãi không thấy đến, hai thanh niên cất tiếng hỏi, đáp lại là giọng nói cụt lủn lạnh lùng của gã: sắp tới rồi.

Khi đến mép sông trời đã tối hẳn không nhìn rõ mặt người, trước mặt là con đò nhỏ cắm sào như đang đợi họ. Hai thanh niên bỗng đứng khự lại có ý quay về, như hiểu ý. Gã nhìn hai kẻ và rằng:

- Sang sông là đến nhà tao.

- Tụi em tưởng... hay để mai đi. Một tên nói lí nhí.

- Đã xuống đến đây còn về hả. Gã đưa ngón tay trỏ dúi nhẹ cái vành mũ cối ngả về phía sau cái mặt tối om vốn đã dài lại như dài thêm. Giọng gã nhẹ nhàng sao nghe như đe doạ.

Hai thanh niên nhìn nhau, phía sau họ là bãi lau sậy tối um xa hẳn khu dân cư không bóng người qua lại, nếu bỏ chạy e không xong với gã, nếu đi tiếp cũng hơi kinh nhưng qua giọng nói của gã không hẳn là kẻ xấu với lại đã hai ba ngày đứng mốc chân ở phố chợ người chẳng ma nào ngó tới. Vợ con đang thiếu tiền mua gạo làm cho chúng không muốn từ chối bất cứ công việc gì ở đâu. Gã giục xuống thuyền và dường như họ tuân lệnh một cách miễn cưỡng hơn là đồng thuận. Suy cho cùng nghề bốc vác thuê như tụi hắn, không xu dính túi không có gì để trấn lột, gã thanh niên chắc thừa hiểu điều đó. Lại là đàn ông con trai cũng không thể là đối tượng để kẻ xấu lợi dụng thân xác. Cả 3 bước lên thuyền, đích thân gã cầm chèo lướt đi, càng đi càng xa, dường như cách thị xã đến hàng mấy dặm, là nơi nào hai tên không thể hiểu. Chúng cũng đều dân tứ xứ đến cũng chưa lâu, mà cũng không cần hiểu địa lí làm gì. Ngoài việc săn đón được nhiều khách chẳng có việc gì để chúng cần quan tâm cả.

- Xuống nhanh đi. Gã giục khi con thuyền chạm vào bờ, trước mặt là bãi đất hoang cây cối lụp xụp. Lúc này hai tên cửu vạn càng thêm lo sợ, nhưng không ngoan ngoãn nghe lời hắn chắc cũng không có con đường nào thoát, cứ đi, hi vọng hắn là người tử tế.

Dọc đường họ không nói với nhau nửa lời, chỉ có tiếng bước chân loạc xạc trên lá khô.

Đến một khu nhà cấp 4 kiểu trang trại, gã bảo hai thanh niên vào nhà, ánh đèn dầu lù mù chiếu sáng căn phòng 3 gian rộng rãi thoáng mát, có bộ xa lông mây vàng óng đặt ngay ngắn giữa nhà. Góc nhà có treo mấy lồng chim chốc chốc lại vang lên tiếng lật phật vì hoảng sợ. Vừa vào đến nhà gã bắt tay ngay vào việc.

- Bê cái thùng gỗ này lên thị xã, sang sông thì mở số điện thoại này và làm theo hướng dẫn của người đàn ông trong điện thoại, giao xong quay lại đây tao thanh toán hai trăm ngàn mỗi đứa. Hai thanh niên nhìn theo hướng chỉ tay thấy một cái thùng gỗ đặt chềnh ềnh góc nhà đầy nghi hoặc.

- Cái gì đấy ạ. Một tên hỏi.

- Chúng mày không cần biết, cứ thế mà làm. Gã nói như ra lệnh.

Hai tên lò dò lại săm soi cái thùng gỗ cũ kĩ như cái cũi cũ có trỏ hai lỗ nhỏ cho một con ruồi có thể chui vô chui ra. Chắc là tổ ong, một đứa nói thế, thằng kia gật gù.

- Chúng mày sợ hả, yên tâm không có thuốc nổ hay ma tuý gì đâu. Chúng mày giao hàng xong cầm cái giấy xác nhận quay lại cho tao.

Nhìn kĩ dường như cái tổ ong, rải rác thấy vài vết mật và xác ong chết khô khắp nhà cũng như dính trên thành hộp, với lại khoản hai trăm ngàn mà gã hứa thanh toán xông xênh bằng hai ba ngày đứng đường như hắn.

- Đồ này quan trọng lắm đấy, lần đầu làm ăn để tin tưởng chúng mày để chứng minh thư lại tao giữ, giao xong tao trả lại.

Hai đứa bối rối rút ra cái thẻ công dân rồi nói:

- Chúng tôi chỉ có cái này. Gã cầm lấy hai cái thẻ nhìn qua rồi chỉ tay

- Mày là Phu còn thằng kia là Phổng đúng không. Hai đứa gật đầu.

- Còn tao cứ gọi là Thú cho nhanh. Thôi vào việc đi.

Chẳng cần cò kè so đo, chúng cúi xuống nhấc bổng cái thùng lên vai bước ra cửa rồi mất hút vào bóng tối.

Lấy con đò của gã đang neo ngoài bãi Phu và Phổng vác cái thùng gỗ nặng trịch đặt lên rồi chèo sang. Đến bờ bên kia Phu lấy số điện thoại Thú đưa gọi thì nhận được một giọng khàn khàn của một người đàn ông bảo họ đến bãi đất hoang trong nghĩa trang thị xã giao hàng. Thoáng chút sợ hãi nhưng hai kẻ cũng dũng cảm làm theo giao cho lão thùng gỗ. Trao xong lão bệ vệ cúi xuống dí mũi sát cửa thùng hít hít rồi soi cái đèn pin bé xíu. Thấy ổn lão đứng dậy trao một phong bì đen bịt kín đã chuẩn bị từ trước.

Trở về bước vào nhà Thú, hình như biết trước phi vụ hoàn thành gã vẫn thản nhiên đứng im góc nhà đút cho chim ăn phớt lờ có người đến.

Phu tiến lại trao phong bì cho gã rồi nhặt lấy 2 tờ polime đặt sẵn trên bàn. Lúc về Thú dặn dò ngày mai đến đúng hẹn, còn hai thùng nữa là xong.

Cầm tiền về đến nhà an toàn hai tên mới thực sự yên tâm và tin tưởng hoàn toàn với gã. Ngày hôm sau, góc phố cửu vạn như vắng đi đôi chút, cách đó không xa trong cái quán rượu nhỏ ven đường Phu và Phổng gọi luôn 2 be rượu và đĩa chân giò. Vừa nhấm nháp vừa đàm tiếu gã đàn ông tên Thú và công việc chuyển nhà kì dị. Phu gắp một miếng nhai nhồm nhoàm ngửa cổ húp tí rượu rồi nhìn Phổng:

- Nhìn y như giang hồ giải nghệ, trông cái sẹo mà kinh bỏ bố.

- Sao hắn giao hàng mà không đích thân đi cùng mà lại giao cho mình nhỉ, nhỡ mình lấy mất thì sao? Phổng nghi hoặc.

- Chắc đồ đạc không giá trị, chứ đáng giá thì còn lâu gã mới giao cho tụi ta.

- Với lại sao lại giao cho cái lão già mắt chột tại nghĩa trang mới kinh chứ. Không cẩn thận hàng lậu mà dính đến mình thì bỏ mẹ. Phu bỗng dưng ngừng nhai, thả cái chén không xuống bàn.

- Hàng lậu thì phải từ biên giới chuyển về chứ, đằng này chuyển từ nông trang nhà hắn vào thành phố thì có gì, mật ong hay khoai tây là cùng... Phổng phá lên cười.

- Thôi,việc của tao với mày là bốc vác, quan tâm làm đếch gì cho mệt hơi, nào cạn li...


Đúng 10 giờ đêm hai đứa đã lấp ló trước cửa nhà gã rồi bước vào. Trước cửa là cái thùng gỗ y hệt cái đã giao. Thú bộ dạng y hệt ngày hôm qua, ở trong nhà mà gã vẫn khoác áo đại cán với mũ cối trên đầu, hình như gã đội mũ là để che cái sẹo hơn là che mưa che nắng. Gã bước tới bước lui giữa những cái lồng chim góc nhà, hình như gã đang bón mồi tối cho lũ chim sáo. Hai đứa thấy vậy cũng không hỏi han. Như những kẻ thạo việc, hai đứa nhấc thùng hàng rồi đi thẳng.

Sẵn hơi men, hai kẻ băm bổ đi ra bờ sông, sang đến bờ bên kia, loạng choạng Phu vấp gốc cây ngã sóng soài, cái thùng rơi sầm xuống bờ sông lăn long lóc rồi bất ngờ vỡ tung. Phu và Phổng thất kinh khi có một bóng người té ra từ thùng gỗ rồi lồm cồm bò dậy. Hai tên khiếp đảm rú lên rồi ồm chầm lấy nhau, men rượu trong người tan biến. Chúng nhìn chằm chằm vào bóng người chưa hết vẻ kinh hãi. Bóng đen như bị bịt miệng chỉ ú ớ hai tay bị trói chặt ra phía sau nên vừa đứng chưa vững đã ngã dúi dụi trên đường. Định bỏ chạy nhưng thấy bóng đen kia đang bị hại bỏ đi không nỡ. Chắc tên Thú tàn ác đang tâm thực hiện mưu đồ bí ẩn nào đó. Trấn tĩnh lại hai đứa thận trọng mon men đến gần, lấy chiếc đèn pin mang theo Phu soi vào và nhận thấy hình thù kia giống loài khỉ hơn là người. Tay chân lòng khòng, nhìn kĩ y như mặc áo lông thú, chắc bị cướp của, tiến lại gần hơn 2 tên mới vỡ lẽ đúng là một con khỉ hay đười ươi thì đúng hơn. Hai chân trước và mệng bị khăn tay buộc chặt.

Hai gã lóng ngóng không biết xử lí ra sao, biết vận chuyển động vật quý là phạm pháp, nhưng trong tình huống này bỏ chạy thì không nỡ. Hai tên bàn nhau chỉ còn cách nhốt lại đi tiếp giao cho lão già coi như không biết rồi chấm dứt phi vụ. Chúng bê con khỉ đang vùng vằng bị trói nhét vào thùng gỗ một thằng đứng hẳn lên ép xuống thằng kia lấy gạch đóng lại. Chúng vội vã vác đi đến giao cho lão chủ y như không có gì xảy ra. Mọi việc suôn sẻ, về đến trang trại đã sang canh 3. Gã trung niên vẫn đi đi lại lại quanh mấy lồng chim chờ đợi. Thấy hai tên mang bộ mặt tím tái xuất hiện. Như biết trước sự việc gã lên tiếng khi mặt vẫn như dán vào cái lồng chim.

- Chúng mày biết hết rồi sao?

Phu và Phổng nhìn nhau gãi gãi tai định phân trần với gã nhưng dường như gã không quan tâm đến điều đó mà lại gần giật cái phong bì đen trên tay Phu rồi quay đi. Hai tên hiểu ý rồi nhặt 2 tờ bạc để sẵn trên bàn. Phu rụt rè cất tiếng:

- Anh cho em xin lại thẻ. Em về luôn.

- Bỏ chạy hử. Hắn rú lên cười ha hả, cái khuôn người dong dỏng trong áo choàng và cái mũ rung lên bần bật. Lúc này 2 tên mới cảm thấy ghê rợn cái giọng của hắn:

- Đười ươi nhà tao nuôi đấy, sợ gì. Còn một con nữa mai giao nốt.

Hai kẻ yếu bóng vía từ chối đay đảy quyết xin lại thẻ rồi cáo từ.

Lúc này gã trung niên mới quay lại, kéo họ xuống ngồi bàn xì xào vẻ bí mật một lúc rồi bắt tay tiễn cho hai đứa đi về.


Gã có một quá khứ trai trẻ tội lỗi. Sau khi thua bạc hàng trăm triệu, gã trắng tay không xu trả nợ rồi chạy trốn biệt tăm. Lang thang khắp mọi miền đất nước, gã quyết định ẩn giật trên một đảo hoang làm lại cuộc đời. Gã khai hoang trồng nhiều loại cây có giá trị. Một ngày trong khi phát rẫy gã phát hiện một tổ đười ươi đầu trắng đang đói sữa vây quanh con đười ươi mẹ đã chết tự khi nào. Gã mang về chăm bẵm nuôi chúng khôn lớn, nơi chốn đảo hoang vu gã chỉ có niềm vui làm vườn và nuôi chim chóc muông thú. Bầy đười ươi đã khôn lớn. Cho đến một hôm có một lão già chột bước lên đảo mang theo giấy viết nợ năm xưa trên tay. Lão chính là chủ nợ năm xưa mà gã mắc món nợ khổng lồ. Gã không ngờ bằng cách nào lão ta lại tìm được gã, và món nợ ngày xưa đã đến không thể chối bỏ. Toàn bộ trang trại trên đảo không đáng giá bằng mấy con đười ươi đầu trắng mà gã đang nuôi. Lão già nhất quyết đòi lấy bằng được, nếu không lão sẽ đưa cái tội bùng nợ mà kiện gã đến mọt gông. Gã không thể từ chối cũng không muốn lại một lần nữa chạy trốn, đúng hơn gã không muốn rời xa cái trang trại yêu thương đã gắn bó với gã ngót chục năm trời. Lão bảo gã giam động vật quý và phải nộp cho lão kèm theo điều kiện phải giao ban đêm không được giao cùng một lúc. Trong ba ngày liên tiếp gã phải xong và tuyệt đối không được tiếp cận lão lúc nhận hàng, phải là người trung lập, địa điểm giao thay đổi trước giờ giao 30’ mỗi ngày. Ngày thứ ba giao xong con đười ươi cuối cùng lão sẽ trao giấy kí nợ cũ và hai bên chính thức sòng phẳng. Nghe lão phán xong Thú choáng váng như búa bổ, nhưng đó là cách duy nhất để thoát nợ, nếu cự tuyệt lão hậu quả sẽ tệ hại hơn thế nhiều.

Ngày thứ ba:

Sau khi giao hai con đười ươi cái, còn lại con đực cũng là con to nhất khôn nhất bỗng tự dưng lăn ra ốm, có lẽ nó nhớ những đứa em đã bị bắt đi nơi nào xa xôi lắm không thể trở về nữa. Nó bỏ ăn cũng ngần ấy hôm, thân hình vạm vỡ hiếu động hằng ngày nay chỉ như người bệnh ngồi ủ rũ góc vườn chẳng thèm đoái hoài chủ nó ra sức săn sóc an ủi. Nó linh cảm rằng đêm nay sẽ đến lượt nó phải đi, bị giết hay bán đi đâu đó. Chốc chốc lại ngước cặp mắt oán hận nhìn gã chằm chằm.

 Chỉ còn hơn một tiếng nữa là Phu và Phổng đến mang nó đi. Thú bồn chồn đi đi lại lại quanh con đười ươi gầy rộc, ủ rũ. Kiểu này lão chủ sẽ không nhận hàng, mà không nhận coi như hai con trước cũng không còn giá trị và gã bỗng dưng mất trắng tất cả. Cái giấy kí nợ mãi mai vẫn trong tay lão già và lơ lửng trên đầu gã.

 Đúng như mọi khi, mười giờ tối Phu và Phổng đẩy cửa bước vào. Cái thùng gỗ to hơn mọi ngày nằm chềnh ềnh trước cửa chờ chúng. Gã vẫn đứng im lìm trước lồng chim bên cửa sổ, vẫn chiếc áo đại cán và cái mũ cối trên đầu như mọi khi, gã quay cái lưng về phòng khách và đứng trầm ngâm bất động.

Hai tên cửu vạn đã quen thái độ lạnh lùng của gã, chẳng cần hỏi han chúng nhấc lên vai rồi khiêng đi về phía bờ sông. Liên lạc xong với người nhận, lần này điểm giao là ngôi nhà hai tầng đang xây dở đầu thị xã. Họ mang đến đó phía dưới có một gã bảo vệ dò xét không có gì khả nghi gã ra hiệu mang lên tầng hai. Lão chột đang đứng chờ giữa nhà. Khi hai tên thả thùng hàng giữa nhà lão cầm cái đèn pin nhỏ xíu cúi xuống soi vào rồi dí cái mũi lên hít hít. Như nghi có gì không ổn lão đi về góc nhà cầm lấy cái búa đinh. Phú là Phổng lùi mấy bước sát mép cửa. Lão cúi xuống móc đầu búa vào nắp dùng hết lực bẩy ra. Chiếc nắp bật tung, con đười ươi to gần một người lớn bất thần nhảy xổ ra tung hai chân trước đạp mạnh vào mặt lão. Lão chột bị bất ngờ dính đòn ngã đập đầu vào thành bàn, chiếc búa văng lên va vào chiếc quạt trần vang lên chát chúa. Chiếc phong bì đen có giấy ghi nợ trên bàn tung bay ra cửa sổ. Con đười ươi hung hãn vội bật lên lao qua cửa sổ rồi biết mất. Hai tên cửu vạn kinh khiếp kéo nhau chạy ra cửa lao xuống tầng một rồi chạy thục mạng về phía bờ sông vắng. Chúng định bỏ trốn nhưng sực nhớ thẻ lao động còn nơi gã trung niên nên quyết định quay lại báo sự việc và xin lại thẻ. Với lại không quay lại e rằng gã sẽ hiểu nhầm và tìm cách trả thù. Người quái dị như gã khó nói trước được điều gì.

 Mò về đến căn nhà cấp bốn chơ vơ trên đảo hoang vẫn le lói ánh đèn như đang chờ đợi bọn họ. Hai tên lập bập đẩy cửa bước vào. Thấy gã vẫn đứng lặng im bên cửa sổ trước lồng chim, trên bàn để sẵn hai cái thẻ nhưng không thấy tờ polime nào như mỗi khi quay về. Phu và Phổng đoán ngay gã đã biết điều gì xảy ra, hai đứa đùn đẩy nhau đứa nào cất tiếng trước.

Phu mặt tái mét như kẻ vừa gây ra trọng tội bẽn lẽn tiến gần sau lưng gã rồi cất giọng run run:

-...Anh ạ... có việc không may xảy ra...

Mấy giây lặng thinh trôi qua, Phu căng thẳng hai tai hắn như ù lên tự khi nào. Hắn lại lắp bắp:

-...Anh ạ, có... có việc... báo anh.

Gã vẫn đứng sừng sững không mảy may nghe thấy.

Chắc gã biết hết sự việc vừa xảy ra nghiêm trọng đến mức nào nên đang điên đầu toan tính điều gì. Phu sợ hãi khẽ lùi lại một bước rồi vỗ nhẹ vai gã. Vừa chạm tay vào mảnh vai xương xương trong cái áo đại cán rộng thùng thình, lập tức chiếc mũ cối rơi xoảng xuống nền nhà, đàn chim hoảng loạn đập cánh phần phật. Khối thịt nặng trĩu bỗng đổ nhoài lên người Phu. Hắn khiếp đảm rú lên nhảy phắt ra phía sau. Tấm thân đổ rầm xuống nền nhà tung hẳn cái áo khoác để lộ xác một con đười ươi bị lột hết da đỏ lòm. Đôi mắt trắng dã lồi ra nhìn thẳng vào hai gã cửu vạn khốn khó đang xanh mét mặt đứng chết lặng như tự bao giờ.

G.T.H

(247/09-09)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÂM HẠ   

    Tôi có một mối giao tình kỳ lạ với Karen.

  • TRIỀU LA VỸ  

    Giừng có chửa!
    Bà giáo trề môi. Cả làng Vệ nhốn nháo.
    Tôi hớt hải chạy ra trại Nòn tìm Giừng.

  • TRƯƠNG THỊ THANH HIỀN

    Gã tự xưng là Quốc vương, phong ta làm Hoàng hậu, phong nàng ấy làm Hoàng phi. Gã từ sông La Vỹ đến đây, nàng ấy từ sông Thương nước chảy đôi dòng.

  • TRẦN BẢO ĐỊNH

    1.
    Hai Lượng tỉ mỉ chỉ cho Bảy Đặng cách bầu đất trộn tro trấu, bột xơ dừa để ươm hột măng cụt.

  • NHỤY NGUYÊN

    Đúng ra tôi chưa có ý định đi thăm thằng Xuân. Lần vừa rồi gọi điện vào cơ quan, nó réo: “Khổ quá. Đã bảo mày chỉ việc vào đây. Vào chơi chán rồi tao thuê riêng cho chiếc taxi chở về thấu cái am của mày”.

  • LÊ VI THỦY   

    Hiên lấy chồng. Ai cũng ngơ ngác ngạc nhiên. Con bé mới mười sáu tuổi. Cái tuổi vô tư hồn nhiên, cái tuổi cũng chưa đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Vậy mà lấy chồng! 

  • PHẠM NGỌC TÚY  

    1.
    Tôi sẽ không kể lại câu chuyện này nếu tôi không gặp lại Hồng. Câu chuyện ám tôi suốt mấy đêm trường, những nhân vật sống động tuồng như cùng một lúc trở về trong giấc mơ tôi.

  • NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ    

    Phố hôm nay ngập sâu sau một cơn mưa kéo dài từ tối hôm qua đến trưa nay, cô đang nhìn thấy điều ấy trên tivi. Cô hơi tiếc, giá như cô ra đó muộn hơn, dù sao thì đi trong mưa hay bơi trong mưa vẫn thích hơn là chạy trên chảo lửa nóng. Hà Nội tuần trước hơn 50 độ, hai chân cô sắp cháy.

  • DIỆU PHÚC   

    Tôi lại vào viện. Sốt không rõ nguyên nhân. Lần nào cũng thế, và tôi cũng đã quen dần với việc vài ba tháng lại phải nhập viện một lần.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ   

    1.
    Những đợt mưa xối xả từ tháng âm hồn vẫn còn rảnh rỗi kéo dài từng hơi thở tận đến cuối mùa thu vàng trong rừng cây vô sinh cô độc.

  • NGUYỄN VĂN UÔNG  

    Ông Bửu nằm gác chân lên vành chiếc chõng tre kê trước hiên nhà, mắt lim dim ngái ngủ giấc trưa. Chiều đã xế bóng. Gió nồm lao xao hàng tre trước ngõ, phớt nhẹ lên vầng trán lấm tấm mồ hôi.

  • LTS: Phạm Thị Ngọc Liên xuất hiện cuối những năm tám mươi. Tác phẩm đã in. - Vầng trăng chỉ một mình (Tập thơ - NXB Trẻ - 1969); - Biển đã mất (Tập thơ NXB Hội Nhà Văn -1990) và hai năm 1989-1990 đã đạt giải thưởng Truyện ngắn và thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Nhiều năm sau này Vũ nhớ về Giao khi hai người ngồi bên nhau trên ban công lồng lộng gió trăng. Ban công nhìn ra sân với hàng cau già nhuốm tóc trăng sáng bạc, là những hình ảnh cuối cùng của một miền quê sắp bị đô thị hóa.

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

    Cho đến khi chiếc xe buýt chở Dần khuất hẳn cuối ngã tư, Thuyền mới lững thững quay về. Đi qua trước quán bar, cô thấy me Tím cũng xách túi chui vào ô tô cùng với tiếng máy xe khởi động êm ru. 

  • ĐINH NGỌC TÂM   

    Đó không phải là một phòng trọ quá chật chội nhưng cũ rỉ cũ ri. Nước đọng rất lâu trong nhà tắm trước khi thoát hết.

  • ĐỖ QUANG VINH    

    Mọi chuyện bắt đầu với gói bưu phẩm, nó tới vào một ngày thứ tư nắng đẹp khi tôi đang ở chỗ làm. Người giao hàng đã bỏ nó lại trước cửa nhà mà không gọi điện thoại cho tôi, cũng không yêu cầu ký nhận gì.

  • NGUYỄN MINH ĐỨC

    1.
    Tảng sáng, bảy phát đại bác vội vã nã trống không xuống dòng Giang. Mặt đất rung chuyển. Bảy tiếng nổ liên hoàn kết thành làn sóng âm trong sương sớm.

  • DƯƠNG THÀNH VŨ

    Tôi lại thất nghiệp.
    Thượng Đế vốn nhân từ và công bằng. Ngài ban cho kẻ thừa tiền lắm của những lạc thú trần gian thì cũng ban cho cậu thiếu niên mười sáu tuổi đầu, không nơi nương tựa, sức chịu đựng bền bỉ, trí khôn đối phó với hoàn cảnh và bươn chải với đời.

  • BẢO THƯƠNG

    Một dạo chúng tôi hay bàn luận về một cây viết bí ẩn, anh ta dùng bút danh Super, nhưng chẳng bao giờ lộ mặt; chúng tôi gõ đủ trên Google về cái tên nghe như nhân vật của một đế chế trò chơi nào đấy nhưng rặt không biết. 

  • NGUYỄN VĂN HỌC

    1.
    Dễ đến sáu năm rồi, Hân có thói quen vừa xõa tóc bên hoa vừa nghe nhạc. Cô thích nhạc buồn, da diết nỗi niềm và ầng ậc nước mắt. Chả riêng dòng gì. Cô đắm vào đó.