Đường xưa lối cũ

09:31 12/01/2017

VÕ CÔNG LIÊM
     Tặng: Mai Ninh

Buổi mãn khóa ra trường ở Đại học Văn Khoa vào một sáng trời trong, gió từ sông thổi lên, len vào những mái tóc thề lả lướt, ướt mượt trông gợi cảm.

"Hôn" - Tranh Võ Công Liêm

Đêm liên hoan mừng tốt nghiệp, trai gái đan vào nhau xếp lên từng hàng như đợt sóng. Họ lộ nét hớn hở, vui tươi và cảm thấy hạnh phúc yêu đời, một cuộc đời đầy hứa hẹn. Tiếng cười, nói xôn xao át cả tiếng loa. Trang Thư ngồi cạnh Đức, lần này Đức nắm chặt tay nàng khác hơn mọi khi. Cả hai không còn nhớ là họ nắm tay nhau giữa lúc nào và ở nơi nào nhưng lần này họ cảm thấy rung động và nôn nao như thể báo cho nhau điềm lạ sắp đến. Trang Thư nghiêng đầu và mỉm cười âu yếm bên người yêu. Đức nhận được điều đó ở chính mình và qua đôi mắt đằm thắm, dịu dàng ở Trang Thư. Bao lần hò hẹn là cả ước mơ. Cuộc tình trôi theo thời gian một cách nhẹ nhàng và chẳng có một biến cố nào xẩy ra. Cả hai yêu nhau đậm đà và đầy hứa hẹn. Hôm hẹn nhau ở Ngự Bình là một dâng hiến cho tình yêu vào một buổi chiều mùa đông đầy mây xám, mờ cả lối đi về...

Rồi cuộc chiến bùng nổ, xẩy ra khắp nơi và ở nội thành. Phố xá khép cửa và nằm ngủ trong nỗi lo. Con sông đi ngang thành phố tuồng như tắt thở chờ vận nước. Không còn nghe tiếng ồn ào của xe cộ. Số phận con người giờ ở đầu ngọn súng, đâm ra nghi ngờ, mặc cả cuộc đời. Người ta hoang mang cho một cuộc chiến triền miên và dai dẳng khủng khiếp. Sau đó, dân tình trở nên bi quan cho phận số, kẻ còn người mất không biết rồi đây sẽ ra sao và ra sao. Tình cảm của con người cũng chi phối đôi phần và ảnh hưởng đến cả vật chất; bởi khi thiệt thòi một điều gì thì tình cũng thiệt thòi theo. Trang Thư mất liên lạc với Đức từ ngày vỡ mặt trận và không biết nay chàng ở đâu, sống chết ra sao, không một lý do. Mỗi người mỗi phương trời cách biệt. Họ rơi vào tuyệt vọng và không còn thấy nhau, chia xa nghìn trùng hay là cuộc đời đã dẫn độ họ vào ngõ cụt. Giờ đây chỉ còn tiếng vọng của nỗi nhớ.

Hai năm sau gia đình Trang Thư chuyển vào Nam. Nhờ đổi đời, gia đình nàng tạo dựng cơ nghiệp. Trang Thư có việc làm sau đó. Đất mới, người mới là tạo điều kiện thích nghi cho những ai vừa từ đáy vực trồi lên để đi vào tân thế giới mang lại sinh khí lạ hơn. Trang Thư lần hồi quên đi những quá khứ hồng và bắt đầu nhập cuộc ở một thị trường lắm thứ bon chen, xảo trá. Thế nhưng, đôi khi nàng quay về hoài niệm cũ của mối tình đầu. Những lần gợi nhớ là những lần mong được trở về nơi con đường xưa mà nàng đã đi lại lắm lần, có lẽ; gợi nhớ của một chiều đông năm nào ở quê cũ. Trang Thư nhìn vào gương trang điểm mỉm cười rồi lặng cười đứng dậy. Nhìn lại mình đã tới độ hai mươi tám. Về làm dâu nhà họ Đái được hai năm thì có một mụn con. Nhờ vậy mà nàng cảm thấy hạnh phúc, yêu đời. Bên đời nàng có Đái Đức Thúy là người chồng tốt và bình yên. Ra khỏi buồng ngủ; Trang Thư thở nhẹ nhõm. Căn nhà thu mình trong cô độc và nàng cảm thấy vắng đi một cái gì xung quanh mình.

Trang Thi sống ở đô thị và đuổi theo đời sống mới, học văn minh Âu Mỹ, tiếp giao đủ mọi thành phần trong xã hội. Ra trường; nàng là nhân viên tiếp thị thị trường. Trang Thi thường được mời dự những dạ tiệc có tính cách trao đổi thị trường xuất, nhập khẩu. Trong lần dự tiệc ở đại sảnh Hoàng Gia, nàng vụng tay đánh rơi ly rượu đỏ vào người thanh niên điển trai và lịch sự đứng cạnh nàng. - Ông không sao? Trang Thi nói. - Không! Không sao. Chàng thanh niên nói. Họ đã chạm vào nhau trong tình cờ đó. Cả hai có một cảm nhận lạ lùng, tợ hồ như đã quen nhau. Họ chào nhau bằng mắt rồi mỗi người mỗi góc. Hình ảnh người thanh niên vướng víu trong hồn nàng. Nàng đã tiếp xúc nhiều giới đàn ông trong bình thường nhưng họ nhìn Trang Thi là một ước ao chiếm đoạt. Nhưng, chưa một lần phục lụy ai. - Thế mà chàng này lại có một hấp lực và lôi cuốn lạ thường. Trang Thi tự nhủ. Người đàn ông trẻ tuổi lấy khăn lau những vết rượu loang trên áo, ngoảnh cổ nhìn người thiếu nữ trong bộ nhung phục màu hoa cúc cánh mối, màu tím hồng và trắng như một thỉnh cầu. Màu sắc và vóc dáng lôi cuốn chàng. Một ấn tượng lạ lùng, ghi sâu vào mỗi người như lời nhắn gởi. Họ nhận ra nhau với nụ cười đồng lõa rồi biến mất.

Không bao lâu, tình cờ họ gặp nhau ở cửa hàng ăn uống. Một bàn, một ghế. Và, một bàn, một ghế. Trong tư thế đó đưa họ đến gần hơn với những cảm thông mà tình yêu chờ đợi bấy lâu nay. Từ đó, giữa họ không còn ngại nghi, những lần gặp gở là những lần để lại dấu yêu. Họ thực sự rơi vào tình yêu.

Trần Trí, phó giám đốc công ty hải sản Miền Nam lên xe trực chỉ hướng về miền Trung để giỗ cha sau mấy năm vắng bóng, nơi sanh ra và lớn lên của Trí. Nơi đây người mẹ đã tần tảo nuôi Trí ăn học. Thành nhân thì mẹ qua đời. Trí nhận công tác xa cố hương là để quên đi những đau đớn mà gia cảnh Trí vấp phải, quên tất cả những gì chớm nở rồi vụt tắt. Trí tự tin ở chính mình như lời cha mẹ dạy thuở lên năm, lên bảy và từ đó Trí phấn đấu để đi vào đời bằng đôi tay, đôi chân trần trụi. Với Trí tình yêu trên tất cả. Về quê là lên nguồn đời mình. Trí đã tìm thấy những kỷ vật của cha trong hòm rương đầy bụi bám. Trong số kỷ vật để lại chỉ có tấm hình cha Trí chụp với người yêu hồi còn là sinh viên ở đại học. - Người tình của cha sao giống người tình của mình, như hai giọt nước. Nụ cười đó, vóc dáng đó và mái tóc lả lơi đó, sao có sự tương hợp lạ kỳ đến thế. Trần Trí ngẫm trong đầu. Nhớ lại, trong tai nạn lật xe, cha đã ôm Trí vào lòng và chết tức tưởi khi đầu cha đập vào tảng đá lớn. Theo lời kể: -Người không chịu buông tay để lấy tôi ra khỏi vòng tay siết đó. Hình như ông không muốn rời tôi. Giữa đêm tối trời người ta thấy vì sao xẹt ngang qua thi thể của ông. Trí nhớ lại. Trong số kỷ vật có một thư chưa gởi cho người mang tên T.T. Chữ viết đã xóa mờ, chữ mất chữ còn khó đọc. Trí cầm trong tay tấm hình cha chụp với người yêu Trí cảm thấy sung sướng và hình dung cuộc tình của cha mình thơ mộng và lãng mạn. So ra tình xưa của cha và tình của Trí hôm nay như có một sự gần kề. Tâm tư Trí chao động. Thật lạ lùng và khó tin.

Mùa hè ở miền Nam có sắc màu khác hơn ở chốn khác. Một thứ không khí lôi cuốn, hấp dẫn, một cái gì vừa úp mở vừa huỵch toẹt. Bản chất hay thói đời? Nhưng, Trang Thi và Trần Trí vẫn tồn tại đặc chất truyền thống cố hữu của lễ nghi trong tâm hồn họ. Lạ một điều bọn họ là những kẻ đồng hương xa xứ tợ như sếu đi kiếm ăn giữa đồng không mông quạnh. Con sếu có hồn cho nên Trang Thi mới có cái duyên kỳ ngộ này. Trần Trí như kẻ tái sinh từ cõi chết trở về trong hiện thực cuộc đời. Thế nhưng, cả hai chẳng tin vào điều này. Họ lấy tình chân làm kim chỉ nam vào đời. Vật chất có thể tìm ra được nhưng tình yêu thực sự khó tìm ra được. Đó là nghĩa vụ đối với cha mẹ nàng. Trang Thi không thể để mất người mẹ giống mình và mình giống mẹ. Đem tâm sự kể cho nhau nghe vừa bày tỏ, vừa dò xét. Họ đi bên nhau, đếm bước trên vỉa hè dưới những cao ốc vút cao, những ngọn đèn cúi đầu làm nhân chứng tình yêu. Trang Thi kê đầu vào vai Trí. Mỉm cười hài lòng. Trí đón nhận và mãn nguyện tình yêu đem đến. Tay cầm tay đi vào đêm; chỉ còn lại con đường trước mắt, hàng cây cơm nguội hai bên đường đang ngủ, những ngọn đèn chong mắt chờ sáng. Họ trao nhau nụ hôn say đắm. Hương của hoa từ đâu thổi tới, đêm đầy sao trên trời. Họ thật sự hạnh phúc hơn bao giờ. - Cuối tuần đưa anh về thăm gia đình em. Trang Thi nói. - Hiện diện của anh làm cho ba mẹ em không hài lòng? Chàng nói. - Em đã nói hết.

Hay tin con gái đến thăm. Đôi vợ chồng già mong đợi và sắp xếp một bữa ăn gia đình. Tiếng còi xe ở ngoài sân vọng vào. Ba mẹ Trang Thi đứng ở cửa đợi con. Họ mừng thấy con về trong tinh thần phấn khởi. Cây cối tươi vui, người tươi vui. - Thưa ba mẹ đây là bạn trai của con. Tụi con quen nhau đã lâu nay có dịp về thăm và giới thiệu ba mẹ. Tất cả đón chào trong niềm hân hoan. Phút chốc thấy sắc mặt mẹ nhợt nhạt, choáng váng. - Mẹ có bề gì? Trang Thi nói. - Không sao, mẹ bình thường. Bà mẹ nói. Cả nhà ngồi vào bàn, những món ăn bốc hơi thơm ngon. Trí ăn ngon miệng. Không thấy bà mẹ ăn chỉ ngồi nhìn Trí. Mắt bà sụp xuống trầm tư. Thúy tỏ ra nghi ngại, dục bà ăn, e sợ rằng món ăn không mấy ngon miệng. - Tôi nghĩ món bò xào hành là hợp khẩu tôi. Cha nàng nói. Ông tiếp tục pha trò, cả bàn ăn cười thích thú. - Cháu tên là Trí, vậy họ gì và sanh quán nơi đâu? - Cháu tên Trần Trí. Cha mẹ cháu gốc Huế. Sinh cháu ở Quảng Trị. Cả hai đã qua đời. Mẹ nàng tỏ ra bàng hoàng nhưng chưa rõ ngọn nguồn. - Tôi thấy cháu giống người tôi yêu cách đây gần bốn mươi năm. Người đó tên là Đức trước học cùng lớp với tôi. - Vâng, cha cháu tên Trần Đức, học ở Huế, có để lại nhiều kỷ vật. Trí nói. Tiếng cửa lớn đánh rầm, gió tuôn vào chao đi một số đồ trong nhà. Bà chủ nhà cảm thấy lạnh, đứng dậy đi vào buồng trong. Vì cơn gió thổi mà làm cho bữa ăn tẻ nhạt hay tại cái bàng hoàng, nhợt nhạt của bà mẹ già? Họ dọn bàn và ngồi uống trà. Đái Đức Thúy đứng dậy vào buồng cùng vợ. Ngoài bàn ăn Trí đã đưa tấm hình của cha cho Trang Thi xem. Nàng vô tư cười một cách hồn nhiên. - Người giống người là chuyện thường có chi lạ đâu. Nàng nói. - Nhưng người tình của ba anh giống em từ mọi chi tiết. Xem lại đi. Trí nói.

Đêm ở ngoại thành trông hiền lành và êm đềm. Chẳng một ai để tâm tới chuyện gió mưa. Mọi ngày như mọi ngày, chào nhau như đã biết nhau, thế thôi. Mẹ nàng đưa Trí đi thăm vườn nhà. Mộc mạc, đơn sơ nhưng tình tự. Trí luồng người xem chuồng nuôi gà, heo. Vô tình gai nhọn xé toạt vai áo. Bà hốt hoảng đưa tay xem có trầy da người bạn trai con gái mình. Bà chợt nhận ra trên vai trái của Trí có nốt ruồi ‘son’ to lớn. Bà khựng người nhận ra Trí giống người tình xưa, cũng hình hài đó, tiếng cười nói đó của một chiều đông cách mấy mươi năm ở Ngự Bình… có nốt ruồi son đó đậu trên vai trái của Đức. Sao có sự giống nhau đến thế hay tại mơ về mối tình đầu? Không! Sự thật đã cho thấy dấu vết của chốn cũ và giờ đây con mình đi lại trên con đường xưa đó. - Ôi nhân thế! Sao cuộc đời lại có những cái bên trong của cuộc đời kỳ bí mà ít ai biết tới. Đứng lặng trong đêm tối bà lẩm bẩm: - Đức ơi, đường tình đã dứt chưa hay là nhân quả của duyên nghiệp? Bà Trang Thư lặng lẽ đi vào nhà dưới bóng đổ dài trên nền đất.

Năm sau, Trần Trí thành hôn với Trang Thi. Đứng bên cạnh có cha mẹ nàng với một số người thân và đồng nghiệp của hai họ tươi cười chụp hình lưu niệm. May thay, lúc đó trời chưa mưa, mây đục đậu đợi trận mưa rào kéo tới của mùa mưa miền nhiệt đới. Mùa tưới mát cho những hàng cây chờ nước đứng hai bên đường của một thành phố rộn ràng, ồn ào xe pháo. Mọi thứ gần như đứng lại trong giây lát.

V.C.L  
(SHSDB23/12-2016)


 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • DƯƠNG PHƯỚC THU
                  Truyện ngắn dự thi

    Kìa, lão đang đứng trước mắt chúng tôi đây, tay ngửa ra xin của bố thí, và đợi chờ một chút ân huệ nhỏ nhoi...


  • TRƯƠNG QUỐC TOÀN

    Lạ quá. Mùi hương thoang thoảng từ đâu theo gió đến đây. Một ngôi nhà nhỏ vách và mái đều từ lá tranh có sẵn trên núi.

  • HÀ KHÁNH LINH

    Thuở còn tiệm đế, đức Thái Tổ Cao Hoàng đế đã bôn ba tạo dựng cơ nghiệp - Vào sinh ra tử, nằm gai nếm mật nhiều phen.

  • TRƯƠNG CÔNG DŨNG

    I
    Những ngày đầu ở thôn Phước Quả tôi không "bắt rễ" vào được một gia đình nào cả. Trước khi phân công tôi về đây, Trần Quốc Nghĩa - đội trưởng đội công tác kiêm Chủ tịch Uỷ ban Quân quản xã - cho tôi biết sơ bộ tình hình của thôn.

  • NGUYÊN NGUYÊN

    Chúng tôi vẫn tiếp tục rảo bước, dọc đại lộ hoang vắng, vẻ như nàng vẫn chưa có dấu hiệu muốn dừng lại. Bởi trước đó nàng nói, khi nào tới gần quảng trường thì dừng lại, nhưng chúng tôi đã đi qua quảng trường cách đây năm phút rồi.

  • PHÁT DƯƠNG

    Giờ ai còn rảnh rỗi ngắm mặt trăng nữa? Người ta bị giá đồ ăn và những thứ lặt vặt bủa vây.


  • NGUYỄN TOÀN THẮNG

    Đinh Tú nhiều năm đèn sách siêng năng, nhưng không hiểu sao thi lần nào trượt lần ấy.

  • DƯƠNG GIAO LINH

    Con dâu nhanh nhảu ra đỡ chiếc làn trên tay bà:
    - Nay mẹ có mua như con bảo không ạ?

  • CÁT LÂM

    1.
    Cảm giác thức giấc phải đối mặt với lo sợ hoặc buồn phiền thật là khó chịu. Giấc mơ đêm qua không nhớ nổi mình mơ gì.

  • BẠCH LÊ QUANG

    1.
    Mấy năm về hưu, cõi người chộn rộn, xa xôi, giáo Nghĩa dặn lòng, thôi thì, thân thoái, về với chim chóc, cỏ cây. Tự tâm, ông nghĩ, có khi, muông thú, tiếng chim, hoa và lá lại có chỗ hơn người.

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

    Mưa quất ràn rạt trên đầu. Mưa như xói cát vào mắt cay xè. Thanh nhoài mình ra cố nắm lấy hai bàn tay bé nhỏ mềm mại đang chới với đưa lên từ mặt nước. Con đò nhỏ mỏng manh chao đảo chực lật úp. Và mảng chớp lòa trước mắt kèm theo tiếng nổ khô khốc chụp xuống hất anh ngã nhào...


  • Hòa Vang - Luân Lâm - Dương Thành Vũ

  • PHẠM GIAI QUỲNH

    1.
    Đây là một nơi như thế, Viễn buông một câu không đầu không cuối khi xách hành lý của Khanh lên và dẫn cô vào trong nhà nghỉ tạm.

  • TÔN NỮ DẠ LY

    Ly cảm giác mình như bị xé toang da thịt. Bầu trời đêm như mọi khi, vẫn không vỗ về cô, nó để cô lạc lõng, cô đơn như những hạt mưa, như những cơn gió đông vẫn đang mải mê với điệu vũ của chúng ngoài kia.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Ngày cha mất, mắt mẹ buồn như cơn đông miền núi Khước. Tôi vân vê những trái sầu bám riết bên ngực, bất lực nhìn đó đeo bám suốt quãng đời từ khi mở mắt.

  • TRẦN QUỲNH NGA

    Tôi mở cửa, vứt cái ba lô to kềnh xuống sàn nhà rồi nằm vật ra giường. Tưởng sẽ ngủ được một giấc nhưng rồi không thể chợp mắt được.


  • MINH ĐỨC

    (Tặng Tác giả và dịch giả Thiền Luận)

  • HÀ KHÁNH LINH

    Giây phút của sự bí ẩn có khi lại bắt đầu bằng cả một cuộc đời được phơi bày trần trụi.

  • NGUYỄN THU PHƯƠNG  

    Vào lúc Tình sầu dứt, tiếng vỗ tay đây đó lác đác. Người đàn ông râu tua tủa ngồi ở cái bàn kê dưới gốc cây si rễ lòng thòng cách bàn chúng tôi chừng dăm mét vội vàng đứng dậy, đi nhanh tới khoảng sân nho nhỏ có mái che được quán thiết kế thành sân khấu, nghiêng người trao tặng hoa cho cô ca sĩ với vẻ trân trọng như một fans hâm mộ đích thực.