Đứa cháu đích tôn

16:01 29/01/2010
NGUYỄN AN CƯVừa mới ra giêng, bà Năm đã lăng xăng chuẩn bị đám giỗ cha chồng vào cuối tháng tư tới. 

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Ông Năm - chồng bà - hưởng phần đất hương hỏa mấy chục năm nay. Ông chết rồi, bà và con trai phải thay dòng họ cúng giỗ ông bà. Bà Năm chỉ có một mình thằng Tư là con trai. Sau khi tốt nghiệp đại học, nó làm việc, sinh sống ở thành phố mấy năm nay. Đám con gái lớn bà Năm đã lấy chồng, đi tứ tán hết; chỉ còn lại con Út, đang học lớp mười một, ở hủ hỉ với bà.

Nói hủ hỉ chứ thật ra bà với con Út như nước với lửa, như mặt trời với mặt trăng! Hễ bà nói, nó đáp lại chan chát hoặc bỏ đi. Tối ngày bà Năm lui cui, quanh quẩn hết trong nhà lại ra ngoài giồng. Con Út hở một chút thì xách xe đạp chạy mất dạng!

Mấy hôm rày bà Năm đi chợ mua thêm lúa, xắt thêm chuối cây trộn với cám để nuôi thúc mấy con vịt xiêm đôn lông. Bà nói với con Út:

- Họ bày với vú, lấy dây thun siết đứt dần hai cánh con vịt từ nhỏ và nhổ hết lông đuôi thì nó sẽ mập dữ lắm. Vú cũng thấy người ta làm rồi, con vịt nó mập cùi cụi hà; nó chạy lặc lè, nhưng vì hổng có cánh nên té tới té lui hoài. Vú thấy làm như vậy tội quá! Người ta vì miếng ăn rồi tự cho mình có quyền sinh sát và làm khổ con vật. Ở đời hễ mạnh thì hiếp yếu rồi bày đặt bảo là “vật dưỡng sinh, vật dưỡng nhơn”! Vú hổng muốn như vậy và cúng như vậy ông nội bây ổng cũng hổng có chứng đâu.

Con Út gạt ngang:

- Má cứ thương vớ vẩn! Nó là con vật, đâu có tình cảm gì. Má không thấy bây giờ người ta nuôi heo trong chuồng ép, tối ngày nó chỉ ăn rồi nằm ngủ, không xoay trở được gì cả; không bị mất năng lượng nên heo ú ì. Còn nuôi gà, bình thường họ không cho ăn; cầm con gà nhẹ hoe, lông không hà. Lúc đem đi bán, họ cố nhét vào bụng gà cả nải chuối, đầy tới cần cổ, trợn trắng con mắt, cho thêm nặng ký lô.

Bà Năm le lưỡi la lên:

- Ý trời ơi! Ác dữ vậy ha con?

Con Út làm giọng tài khôn:

- Vậy chứ sao! Có vậy mới lời.

Bà Năm chặc lưỡi than:

- Đời bây giờ hết nói nổi! Vì đồng tiền mà người ta làm những chuyện ác nhơn thất đức không gớm tay!                       

Mấy ngày liền, bà Năm xin phân rơm của ông Bảy kế bên nhà, đem về lên liếp trồng mấy giồng khổ qua. Con Út cằn nhằn:

- Má không khoa học gì cả! Phân heo, phân gà nhà mình thiếu gì, hốt trồng tốt hơn phân rơm nhiều…

Bà Năm cười và giải thích:

- Vú biết chứ! Nhưng trồng hoa quả cúng ông bà, vú muốn trồng bằng phân rơm để được thanh khiết.

Con Út lại lắc đầu:

- Tư tưởng má thật cổ lổ xỉ. Giỗ quải là cho người sống ăn chứ có ông bà nào về ăn mà làm quá trịnh trọng!

- Ăn hay không gì vú không biết nhưng vú tin rằng có ông bà về, có thế giới tâm linh rõ ràng chứ đâu phải không. Không thấy người ta ở đâu đâu mà chỉ đúng mộ liệt sĩ đó hay sao? Hồi ông bà còn sống, vú đối xử như thế nào thì bây giờ vú cũng giữ như vậy cho phải đạo. Nói như con hễ ai hết thời hoặc khuất mặt khuất mày thì không kính trọng à? Ăn ở phải thuỷ chung như nhứt chứ.

Nắng tháng hai như trút lửa xuống giồng cát. Mới mấy ngày nắng gió, rau cải héo xào! Ngày nào bà Năm cũng tưới mấy giồng khổ qua hai ba lần. Bà quải cặp thùng thiếc xuống giếng hộc, múc lưng lửng rồi lệch bệch gánh lên. Mới hơn mươi đôi nước, bà đi băng xiên băng nai, miệng thở hồng hộc; cái vòi hoa sen phun nước chệch ra ngoài giồng hoài!

Chiều chiều, bà Năm réo con Út cùng bà ra bắt sâu, thả chà; quấn vòi khổ qua vào chà cho nó bò. Bà cắt tỉa bớt mấy cái chèo phụ, chỉ chừa lại vài ngọn chính cho trái khổ qua thật to. Bà lảm nhảm với con Út:

- Ông nội bây hồi còn sống thích ăn khổ qua hầm lắm. Mà ruột khổ qua phải dồn bằng thịt vịt xiêm, thêm chút tép đất bằm nhuyễn, trộn với lòng trứng trắng cho dai mới được. Ờ… con phải nhớ mua một số tiêu hột, mà tiêu sọ mới được nghen. Ăn khổ qua hầm mà cắn được hột tiêu sọ thì nó cay cay, ngon không sao nói hết.

Con Út nhăn nhăn cắt lời bà:

- Con biết rồi! Năm nào má cũng nói đi nói lại mãi có bao nhiêu đó chán chết! Vịt gà, bánh trái, rau cải… bây giờ người ta bán thiếu gì. Bữa đó ra chợ mua là xong. Tiện hơn nữa là đặt nhà hàng người ta nấu ít bàn. Ở đó mà nuôi trồng nấu nướng cho cực khổ! Còn má hổng biết, ruột khổ qua hay bánh mứt muốn cho dai, cho dòn, cứ bỏ thêm vài muỗng hàn the vào là được; cần gì phải trộn thứ nầy thứ nọ?

Bà Năm lại la lên:

- Ý! Đâu được. Ông nội bây là thầy thuốc bắc; ổng nói hàn the ăn bệnh chết. Đừng có làm ăn bất nhơn như vậy nghen hôn. Còn giỗ quãi, đồ đạc kẹt lắm mới đi mua. Gà vịt, rau cải… phải chăm chút nuôi trồng để gởi gắm cái tình vào trong đó con à. Đám giỗ mà đặt ở nhà hàng, cúng cũng ở nhà hàng thì còn ý nghĩa gì; ông bà biết đường đâu mà đến? Ờ… con cũng nhớ tìm mua một mụt măng Mạnh Tông và một cái giò heo để nấu một nồi hầm; chiều bữa trước cúng tiên thường nhen. Hồi đó, trước khi mất, ông nội bây cũng ăn giò heo hầm măng Mạnh Tông…

Chà! Năm nay cái mòi mưa muộn nầy hổng biết chừng nữa có măng mọc hôn đây? Vú nhớ mà thương ông nội bây, ổng cầm một cục giò heo hầm nhai rầu rậu rồi gắp mấy lát măng cũng trắng phếu nhai tiếp. Nuốt thức ăn xong, ổng bưng ly rượu trắng uống một cái ực nghe mà phát thèm.

Con Út ngắt trái khổ qua đèo ném thật mạnh xuống mương như tống đi sự bực mình:

- Thôi mà! Má cứ lo nắng lo mưa hoài, cứ nhắc ba cái chuyện đời xưa mãi, nhức cái đầu quá!

Bà Năm dịu giọng lại:

- Con nhỏ nầy kỳ hôn! Thì vú nhắc cho mà nhớ; sau nầy vú có chết, tụi bây nhớ nấu cúng mấy món đó cho ông nội bây ổng vui. Tụi bây là cháu nòi, cháu đích tôn mà. Vú nói… tội nghiệp ông nội bây; có năm nhà mình nghèo, cả năm không mua giò heo nấu cho ông nội bây ăn lần nào! Bây giờ nhà mình khá giả rồi, tội nghiệp ổng hổng còn sống nữa!

Bà Năm ngưng lại, vén vạt áo chùi nước mắt và hỉ mũi rồn rột. Bà tiếp tục vừa kể vừa hít hít mũi:

- Tại tụi bây hổng biết, vú nói… hồi đó ông nội bây thương vú, thương tụi bây lắm. Vú dở ẹt hà! Đâu biết trồng trọt gì. Cầm cây cuốc còn hổng được mà! Về đây làm dâu, ổng dạy vú. Hai cha con lọ mọ trồng hết thứ nầy đến thứ khác; vú quen dần, mới được như bây giờ… Ổng tằn tiện, chịu cực chịu khổ lắm; nhờ vậy mới mua thêm được mấy công đất đó. Ổng nói để cho đời tụi bây bớt vất vả. Tối ngày làm lụng cực khổ mà hễ rảnh tay một chút là ổng ẵm tụi bây hun hít chùn chụt. Ổng đòng đòng thằng Tư trên vai trên cổ. Thằng Tư ráng mắt, bứt râu, ghị tóc mà ông nội bây cũng cười hề hề.

Bà Năm như sực nhớ, lại nhắc:

- Ờ! Con đã đánh điện nhắc anh Tư bây ở thành phố về chưa? Vú nhớ nó quá. Cả năm nay hổng có tin tức gì về nó hết. Làm ăn gì biệt xứ vậy hổng biết! Ờ! Nói chị hai bây mua nếp, xay bột phơi khô đặng gói vài trăm bánh ít ngọt, bánh ít trắng cho anh Tư bây ăn. Tội nghiệp! Ở thành phố chắc nó ít được ăn bánh ít lắm. Nói chị ba bây mua thịt heo kho tàu. Luộc thêm vài chục hột vịt bỏ vô nồi kho. Ông nội bây thích lắm…

Dứt câu, bà Năm quay lại, thì ra con Út đã bỏ vô nhà từ hồi nào mất dạng!                            

Mưa đầu mùa được ít đám là đến đám giỗ ông Sáu Lầu - cha chồng bà Năm.

Bà xay bột, xé lá chuối chuẩn bị gói bánh ít. Bà mua giò heo và măng Mạnh Tông để hầm. Bà mua thịt đùi, hột vịt để kho tàu… Dặn cháu con là dặn cho có chừng chứ bà đâu để đứa nào mua! Để tụi nó mua bà không yên tâm.

Ngày giỗ ông Sáu, dòng họ tề tựu đông đủ. Bà Năm sai vặt hết đứa con nầy đến đứa cháu khác. Trông bà chẳng khác nào vị tướng tài giỏi, tả xung hữu đột. Đám con gái, con rể, cháu chắt trong nhà xúm xít từ chiều hôm trước. Cánh đàn ông, đứa mượn bàn mượn ghế; đứa dọn dẹp bàn thờ, chưng hoa, chưng quả. Cánh đàn bà, gói bánh ít, làm cỗ, làm bánh… Tiếng dao thớt, tiếng cười nói ấm cả mái nhà thờ.

Nói là đám giỗ ông Sáu Lầu, thật ra, theo tục lệ người Việt Nam, bà Năm đã dọn năm mâm cỗ; cúng từ trời đất đến ông bà cha mẹ và cúng cả ông Năm. Bà bảo: “Có trời đất mới có ông bà. Có ông bà mới có cha mẹ và có mình. Có món gì ngon, món gì lạ đều cúng; mời hết ông bà cô bác về ăn mới phải đạo”.

Bà Năm dọn ở giữa sân một mâm cúng trời đất, hai mâm ở bộ ván giữa cúng ông bà, một mâm ở bàn thờ ông bà Sáu Lầu và một mâm ở bàn thờ ông Năm. Bàn thờ chật cứng thức ăn mà bà cũng cố chất vào, không cho bỏ sót món nào.

Bà Năm mặc chiếc áo dài the đen đã sờn vai, đốt nhang đi từng bàn thờ, từng mâm cỗ, lâm râm cúng vái. Bà rót nước mời ông bà súc miệng, mời ông bà về ăn cơm; chốc chốc bà lại rót một tuần rượu và khoanh tay lim dim mắt đứng hầu.

Tàn hơn nửa cây nhang, bà cúng nước và trái cây. Bà kêu tất cả con cháu phải lên trước bàn thờ cúng vái ông bà. Mấy đứa cháu nhỏ của bà đứng mấy hàng ở phía sau, chen lấn, xô đẩy, xá vào lưng của nhau, cười khúc khích hoài. Có đứa cháu mới lên năm lên sáu cũng tròng chiếc áo dài của chị nó rộng thùng thình, tay áo dài thượt; miệng cười toe toét, trông giống như ông địa đang múa!

Trên bàn thờ, các mâm cỗ đã nguội ngắt. Cây nhang cao nghệu cũng đã tàn mà thằng con trai thứ tư của bà Năm - tức đứa cháu đích tôn của ông Sáu Lầu - vẫn chưa về. Bà Năm đi lên đi xuống; hết nhìn lên bàn thờ lại nhìn ra cổng. Bà quay tìm con Út, hỏi lại:

- Con đã điện nhắc đám giỗ cho anh Tư con chưa?

Con Út nhăn nhó:

- Con đã điện rồi mà! Má hỏi mãi!

- Mà có gặp trực tiếp anh Tư con hôn?

Con Út giậm chân, mặt nhăn như khỉ:

- Có! Ảnh còn hỏi “Vậy hả? Vậy mà tao tưởng tháng sau”.

Nhìn khách khứa đông đảo, bà Năm ái ngại, lảm nhảm: Cái thằng nầy! Đám giỗ ông nội mà cũng hổng nhớ ngày!

Bỗng có tiếng xe máy xình xịch ngoài đầu xóm. Mọi người nhốn nháo lắng nghe. Mấy đứa cháu kêu lên: “Chắc cậu Tư về tới”.

Đúng như thế. Chỉ vài phút sau, năm sáu chiếc xe máy bóng lộn chạy thẳng vào sân nhà. Xe Cup có, xe Wave có, xe Dream có… Tất cả năm sáu người đàn ông và hai ba người con gái…

Thằng Tư - con bà Năm - năm nay gần ba mươi tuổi. Nghe nói sau khi tốt nghiệp đại học, nó làm trong một công ty gì đó ở thành phố. Năm trước nó về bán mấy công đất của ông Năm để cất nhà. Năm rồi lại về bán tiếp mấy công đất hương hỏa để mua xe. Bà Năm cản hết sức cũng không được. Bà giải thích cho nó “Đất hương hỏa là đất chung, để thờ cúng, giỗ quãi ông bà. Bán đất hương hỏa mua xe riêng, lại xe đắt tiền, coi không được”. Ngặt nỗi từ khi ông Năm mất, thằng Tư đứng tên đất; bà khóc hết nước mắt vẫn không cản được nó!

Thằng Tư và các bạn dựng xe đi vào nhà. Mùi thuốc thơm của đàn ông và mùi nước hoa của phụ nữ thơm phức. Cả nhà đổ mắt về họ. Mấy đứa cháu gái bà Năm chăm chú, trầm trồ mấy sợi dây chuyền, mấy chiếc lắc lóng lánh trên cổ trên tay các cô gái. Bà Năm đốc thúc con cháu dọn bàn.

Thằng Tư giậm chân đùi đụi lên thềm cho rớt bớt mấy cục sình bám dưới đế giày. Nó càu nhàu: “Đường sá làng mình bây giờ tệ thật! Mới mưa mấy đám mà ổ gà ổ voi cả. Hổng biết mấy cha uỷ ban xã nầy tối ngày làm gì mà không lo tu bổ gì cả? Mời… mời các anh, các cô ngồi. Đấy!... Đấy!... Ghế nầy… Ghế nầy.”

Bà Năm xuống nhà dưới bưng dĩa trái cây nhớn nhác chạy lên. Bà dang tay định ôm chầm đứa con trai lâu ngày không gặp. Bà chợt khựng lại khi thấy thằng Tư mặc chiếc áo trắng tinh, trên cổ lại có thắt cái cà vạt lòng thòng. Bà lớ ngớ phủi hai tay như bà đã làm lấm áo con. Mắt bà ươn ướt, miệng lắp bắp:

- Con… con và… các cháu mới về? Mà sao con về trễ quá vậy?

Tư ngước lên nhìn mẹ, nhe răng cười:

- Hôm qua, nghe con Út điện nhắc nhà có đám giỗ, con mới sực nhớ. Sáng ra còn chạy lòng vòng mời mấy anh chị em đây, hơn chín giờ mới khởi hành.

Bà Năm khều vai Tư nói vào tai nó:

- Con nói nho nhỏ, mấy chú nghe được giận con đa! Đường sá quê mình như vậy là tốt hơn mấy xã khác rất nhiều. Mấy chú, mấy anh ở xã cực lắm chứ bộ. Trăm dâu đổ đầu tằm mà lương bổng có gì đâu!

Tư thấy mẹ mặc chiếc áo dài lượm thượm, bạc phếch vội cằn nhằn:

- Có khách khứa mà má cũng không chịu thay áo mới nữa!

Bà Năm vội chạy vào buồng thay cái áo, gỡ lại cái đầu rồi ra đứng sau lưng Tư. Bà nhìn chằm chặp vào lọn tóc xoăn của nó, chỉ chực đưa tay lên vuốt như thời thằng Tư còn bé. Thấy mẹ đã tươm tất, Tư liền giới thiệu những người lớn trong gia đình với bạn bè:

- Đây là má tôi. Đây là chú Tám, chú họ nội, phó chủ tịch uỷ ban huyện nầy. Đây là anh Bảy, đầu ông cố với tôi, trưởng phòng tài chính huyện. Đây là anh Sáu, cùng đầu ông sơ, phó phòng giáo dục huyện…

Tư đảo tay một vòng bạn bè, giới thiệu chung với gia đình – Đây là anh em, bè bạn làm chung công ty. Xin mời chú Tám, anh Bảy, anh Sáu ngồi chung bàn với tụi tui.

Bà Năm lại kề tai Tư nói nhỏ:

- Sao con hổng giới thiệu và mời anh hai, anh ba con và mấy cháu trai lớn cùng ngồi cho vui. Anh em, cậu cháu lâu ngày mới gặp. Tội nghiệp, tụi nó vất vả từ hôm qua.

Tư nhìn xuống bàn hai người anh rể và mấy cháu. Mấy cái tóc mới hớt, mấy cái áo trắng mới tinh không ủi càng làm lộ rõ nước da đen sì và vẻ quê mùa của họ hơn. Tư do dự rồi bảo mẹ:

- Thôi má à, bàn nầy không được đâu. Để mấy ảnh ngồi chung ở sau với mấy đứa nhỏ.

Bà Năm thoáng buồn, lẳng lặng nép sang một bên.

Tư trở ra xe, khệ nệ ôm mấy thùng bia lon vào và gọi lớn:

- Má bảo tụi nó mang ly và chặt nước đá giùm.

Bà Năm chỉ tay bảo:

- Ủa! Vú có mua rượu đế mà con.

Tư nhăn mặt:

- Ba cái rượu đế uống đứt ruột đứt gan hết!

Một ông bạn sồn sồn quay qua Tư đề nghị:

- Xin phép anh Tuấn cho tôi đốt cây nhang cúng ông bà.

Mắt bà Năm chợt sáng lên; bà vỗ vai Tư, cười móm mém nói:

- Vú thấy phải à Tư. Con cũng đốt cây nhang cúng ông nội và ba con.

Tư ra dấu cho người bạn ngồi xuống và bảo:

- Thôi, thôi. Khỏi mà! Hình thức cả.

Tư đứng dậy ghé vào tai bà Năm, nhăn nhăn mặt:

- Trời ơi!... Má bỏ giùm cái tiếng “vú” và cái tên “Tư” đi. Họ cười chết!

Bà Năm chợt nhớ, lấm lét nhìn các bạn của con rồi sượng sùng bụm miệng. Bà xoay qua bàn thờ, bưng hai dĩa bánh ít xuống, bảo:

- Các cháu ăn với bác mỗi đứa vài cái bánh ít. Hồi hôm bác thức tới khuya để hấp đó. Có ăn bánh ít mới đúng là đi ăn đám giỗ. Nhớ bánh ít trắng có râu nghen, bánh ít ngọt thì hổng có.

Tư nhìn hai dĩa bánh đưa tay ngăn lại:

- Không được đâu má. Dính tay và quần áo hết! Cũng đâu có quí giá gì mà mời không biết nữa!

Bà Năm xớ rớ một lúc, bưng hai dĩa bánh dẹp sang bàn kế bên…

Tư nhìn mâm cỗ cằn nhằn bà Năm:

- Má cũng làm hai cái món khổ qua hầm và thịt heo kho tàu nầy hoài! Con đã nói là nó xưa lắm rồi và con cũng không thích mà. Tư đứng dậy tiến đến bàn thờ lấy hai trái cam đang chưng đưa cho hai cô bạn gái lột.

Bà Năm thấy con không hài lòng nên buồn hiu nhưng cũng gượng làm vui bảo con:

- Ừ, để năm tới vú … í … má sẽ đổi món khác.

Bà lại vội vàng bụm miệng vì giật mình nhớ lại cách xưng hô mà Tư không vừa lòng. Hồi nhỏ, đám con bà Năm đều gọi bà bằng “vú”, mấy năm nay chúng mắc cỡ, đều tự động đổi lại là “má”, chỉ riêng bà thì chưa đổi được!

Tư lốc bốc khui mấy lon bia, ném vỏ ra sân và đứng dậy tuyên bố:

- Hôm nay nhân đám giỗ ông già, tôi mời các bạn xuống nhà dùng bữa giỗ, đồng thời cho biết nhà luôn thể…

Mấy đứa cháu nhỏ chỉ chờ có phút nầy là vội chạy ào ra sân giành giựt mấy vỏ bia. Bà Năm nghe con trai nhắc mấy tiếng “đám giỗ ông già” giật thót người. Bà đưa tay ra trước mặt Tư khoác tía lia tía lịa; miệng ú ớ mãi.

Tư không biết mẹ định nói gì. Nó đốc thúc bàn tiệc: “Xin mời anh em nâng ly! Trăm phần trăm nhé”.

Bà Năm trân trối nhìn con và khách, miệng lép nhép. Những tiếng “dơ, dơ” át mất tiếng lép nhép ú? của bà…

N.A.C
(251/01-2010)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Có thể cô gái ấy đã trồi lên từ thủy cung do thủy triều xuống quá nhanh. Một nửa thân hình của cô từ dưới eo trở lên, hoàn toàn khỏa thân nhô ra khỏi mặt nước.

  • Mặt trời như còn ngái ngủ. Cùng với cánh cò trắng từ đâu bay về sáng nay, tôi bần thần chờ đợi một điều gì đó. Nó mong manh và đằm thắm theo về với cơn gió lạnh. Như mặt trời vẫn thập thò, như đường về mệt mỏi, như hàng cây đìu hiu. Vừa gần gũi tưởng có thể ôm giữ được mà cũng vừa cách xa vời vợi.

  • Hôm qua nghe đài, có một cái tên giống hệt người thân của mình đã mất tích trong chiến tranh. Rồi một tên khác, kế tiếp một tên khác với hòm thư toàn những chữ số. Hai anh em tôi nhìn nhau. Đã biết bao lần anh em tôi nhìn nhau như vậy. Từ khi con bé thiên thần kia còn chưa biết khóc vì buồn.

  • ITiệc có vẻ sắp tàn. Nàng đứng lặng lẽ gần cửa ra vào đưa mắt bao quát căn phòng rộng. Đèn chùm sáng trắng. Nhạc êm dịu trong phòng hôn lễ đã giúp nàng tự tin hơn khi bước chân vào có một mình với bộ đồ xoàng xĩnh đang mặc.

  • Bây giờ thì Hồng sắp được gặp chị. Người chị mà suốt những năm tháng đi xa, ở đâu Hồng vẫn luôn nghĩ tới. Cứ mỗi lần như thế, một tình cảm thân thương choán ngập tâm hồn Hồng.

  • - Mẹ nếm thử xem. Con cho thêm một tý đường nữa nhé.Tôi ngừng tay bên rồ rau sống xanh um cầm lấy thìa nước chấm nhấm nháp lắng nghe vị vừa chua vừa ngọt vừa bùi bùi tan ra trên đầu lưỡi: - Một thìa nhỏ nữa thôi con. Ngon rồi đấy.

  • Bác Hai đang ngồi trước mặt tôi, lặng im như pho tượng. Đôi mắt bác đăm đăm không chớp, nhìn về một cõi xa xăm mà tôi đoán chừng là ở nơi ấy chắc chắn có những kỷ niệm vui buồn về người em trai của bác, chính là cha tôi.

  • Cuối năm, Đài truyền hình liên tục thông báo gió mùa đông bắc tràn về, miền Tây Bắc nhiệt độ 00C, khu vực Hà Nội 70C...

  • Tôi tạm xa Hà Nội một tuần. Cũng chẳng biết là phải xa hay được xa nữa. Bố mẹ phái: - Cho con Hạ đi ăn giỗ!

  • Tặng anh Hữu Ngọc, anh Đoàn, Lành - Ngọc Anh. Tưởng nhớ chị TâmHảo không có giấy mời. Có thể những người bạn cũ của anh ở Huế cũng đã nghỉ hưu cả rồi, hoặc giả họ bận trăm công ngàn việc nên cũng chẳng nhớ anh ở đâu mà tìm... Song điều ấy không quan trọng.

  • Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, nhận tấm thẻ thương binh, tôi trở về quê nhà. Để bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, tôi dã dành tất cả số tiền chính sách nhận được mở một quầy sách báo. Khách hàng của tôi khá đông.

  • Ông Biểu đột ngột nằm xuống. Tưởng như mọi cái đâu vào đấy. Như linh cảm trước, cuối năm con hổ, ông Biểu đã sắm cỗ áo quan dạ hương thơm nức. Xe cộ cần bao nhiêu chẳng có. Mọi thứ nếu muốn, chỉ sau một tiếng “alô” là tha hồ.

  • - Mẹ nếm thử xem. Con cho thêm một tý đường nữa nhé.Tôi ngừng tay bên rổ rau sống xanh um cầm lấy thìa nước chấm nhấm nháp lắng nghe vị vừa chua vừa ngọt vừa bùi bùi tan ra trên đầu lưỡi: - Một thìa nhỏ nữa thôi con. Ngon rồi đấy.

  • Nó tỉnh dậy. Sương lành lạnh, thời tiết thật khắc nghiệt, ban ngày trời nắng như thiêu như đốt. Khẽ co ngón tay, một cảm giác đau buốt suốt từ đỉnh ngón chạy vào tim, xương sống như có luồng điện chạy qua. lạnh toát.

  • Chuyện kể rằng ở xóm Đồng có một gia đình hiếm con lắm, chữa mãi đến năm chồng 45 tuổi, vợ 40 tuổi mới có mang.

  • Khúc sông lặng lẽ như thói quen của nó vẫn lặng lẽ vào mùa thu nước kiệt. Bây giờ, dòng chảy chỉ còn là một dải nông lờ, xuống đến tận mép nước mới nghe được tiếng chảy róc rách như tiếng nói thầm.

  • “Ai cũng biết rằng tạo hóa sinh ra đất, nước, cây cỏ, chim muông, thú vật... và con người. Động vật có trước con người có sau. Như vạy họ là tiền bói của con người. Đã không thờ kính tiền bối, lại làm điều ác với họ, con người phải gánh chịu lấy hậu quả. Âu đó cũng là lẽ trời...!”

  • Chủ nhật, tôi đến thăm một người bạn quen nhưng không thân lắm ở bên kia Cầu Kho, phía Tây Bắc thành phố. Đã dăm bảy năm nay tôi không gặp anh, mặc dù đã biết anh chuyển về dạy ở Đại học Nông Lâm khá lâu.

  • Truyện ngụ ngôn của TRIỀU NGUYÊN

  • Truyện ngắn “Sóng ngoài khơi” đã tránh được gần như tất cả những trò “dỏm” của nhiều người cầm bút hôm nay: Viết về tình dục với cung cách ồn ào như thể đây là món tân kỳ về tư tưởng và nghệ thuật nhưng thật ra chỉ cho thấy thói a dua thời trang và sự thiếu hiểu biết về văn chương đương đại. Với một bút pháp tinh tế, thông minh, và kiềm chế, “Sóng ngoài khơi” đã thể hiện được bản lãnh văn chương của một tác giả trẻ khi đụng tới đề tài nằm ngoài kinh nghiệm bản thân như Khánh Phương. PHAN NHIÊN HẠO