MAI VĂN HOAN
"Dư âm của biển" - theo tôi là cách gọi hợp nhất cho tập thơ mới này của Hải Bằng. Đặt "Trăng đợi trước thềm" chắc tác giả gửi gắm một điều gì đó mà tôi chưa hiểu được. Song với tôi "Trăng đợi trước thềm" có vẻ mơ mộng quá, tên gọi ấy chưa thể hiện được giai điệu cuộc đời của thơ anh.
Nhà thơ Hải Bằng - Ảnh: tư liệu
Cả tập thơ gần như là dư âm của một thời đã qua - một thời đầy sóng gió, đầy kỷ niệm, đầy ơn nghĩa nhưng cũng lắm tủi hờn và cay đắng. Ở tập thơ này Hải Bằng nghiêng về quá khứ, nghiêng về hồi tưởng, nghiêng về suy tư. Nếu thơ là cuộc đời thì thơ của Hải Bằng chính là cuộc đời của anh. Một cuộc đời chìm nổi, buồn vui khổ đau và hạnh phúc. Cuộc đời ấy để lại dư âm trong những vần thơ tâm huyết của anh. Như là:
"Trong chiều sâu tiếng hát
Lòng cây còn dư âm"
Bởi vậy, ta nghe trong thơ anh dư âm tủi nhục của thời nước mất, nhà tan:
Gió mưa tan vào chiều xế
Chảy một dòng nước mắt thuở sinh con
Đứng trước mộ mẹ, dư âm ấy như vẫn còn văng vẳng bên tai anh:
Suốt một đời lắng đọng
Trên một nấm mồ xanh
Tiếng gì còn vang vọng
Trong làn gió vây quanh
Ta còn nghe trong thơ anh dư âm của những câu mái nhì những khúc Nam ai, Nam bình, dư âm của "tiếng gõ vạn chài tinh sương kéo lưới", dư âm của những câu thơ Hàn Mặc Tử: "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Lá trúc che ngang mặt chữ điền". Huế của tuổi thơ cứ còn dư âm mãi trong anh:
Trời mọc nhà xưa ở hướng đâu
Tháng năm đi học nắng xoa đầu
Một câu thơ đã thành vô tận
Tiếng hát chiều chiều đứng ngõ sau
(Đêm mưa rơi)
Dường như Hải Bằng không để lọt mất một âm thanh nào của cuộc đời, và bao giờ anh cũng lắng nghe dư âm của nó. Lần dở từng trang thơ của anh ta vẫn còn nghe đồng vọng tiếng nhạc Sô-panh, tiếng chim sơn ca và cả tiếng ù ù của những "miệng lu tròn hơi thở". Trong những dư âm ấy có dư âm của một mối tình thầm lặng, một mối tình không được đền đáp, một mối tình đầy trắc trở như chính cuộc đời của anh:
Ai gọi em
em dạ
Đời gọi em
em vâng
Tôi gọi thầm cây lá
Vườn chỉ còn dư âm
Đọc những dòng thơ này tôi cứ ngậm ngùi cho anh, tìm thấy ở anh một "tâm hồn đồng điệu". Anh đã hé mở cho ta biết nỗi niềm thầm kín và số phận bất hạnh của anh. Có ít nhất ba lần trong tập thơ Hải Bằng dùng "dư âm" để đặt tên cho các bài thơ của mình: "Dư âm còn", "Dư âm ngày sinh" và "Dư âm"! Riêng hai chữ "dư âm" thì anh nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần. "Dư âm" một điệp khúc, một nốt luyến trong tập thơ của anh. Tôi cũng không biết đó là một dụng ý nghệ thuật hay một sự trùng lặp vô ý? Chỉ biết rằng gần đây anh có thú thưởng thức âm nhạc và nuôi chim. Có lẽ dư âm của tiếng chim, dư âm của những ca khúc trữ tình đã lắng vào hồn anh. Nên mỗi lần cầm bút những "dư âm" ấy lại bay đến cùng anh. Nhưng sâu xa là dư âm cuộc đời, dư âm của tiếng sóng trong những chiều động biển. Tên tập thơ là "trăng" nhưng hầu hết thơ anh viết về biển. Qua thơ anh ta có thể đoán biết có một thời anh từng gắn bó với biển. Anh là Vĩnh Tôn, dòng dõi Hoàng tộc nhưng đời anh là cuộc đời của CHIM BIỂN. Vì thế anh đặt bút hiệu: HẢI BẰNG! Ta gặp trong thơ anh biển của một thuở vui buồn; biển trong đêm giao thừa; biển trong bình yên của người thủy thủ... Biển trong thơ Hải Bằng không mấy lúc dịu êm. Trừ bài "Trăng Nha Trang" biển có vẻ mơ mộng một chút còn thì toàn bão tố, cuồng phong. Và ngay khi trời yên biển lặng, anh vẫn thấy nó đang ẩn chứa những làn sóng dữ:
Trên biển
Phía trước - trời xanh
Đằng sau - bão tố
(Trên biển)
Trong bài thơ "Một thuở vui buồn" ta vừa nghe "tiếng đổ nát chiến tranh" cùng với "tiếng sóng gầm bão dữ". Biển trong "Ba đầu đề họp lại":
Bão sắp lên rồi vẫn nhớ nhau!
Trên cái nền biển dữ dội ấy hiện lên bóng dáng con thuyền với đôi mắt vò võ: "thao thức hoài bên động bên yên", với mạn thuyền "hà xăm" và chiếc mỏ neo lầm lì, gan góc. Người xưa nói "thi trung hữu họa" điều đó rất hợp với thơ Hải Bằng. Khi anh vẽ thì tranh của anh in đậm chất thơ. Khi anh làm thơ thì thơ anh hóa thành những bức tranh sinh động. Hải Bằng đã thích cái gì thì anh "săn đuổi" đến cùng, thì anh bám sát đến cùng. Lúc anh khoái hai chữ "dư âm" thì "dư âm" được anh dùng mãi đến sốt ruột. Không biết anh có hiểu tâm trạng này của người đọc không? Tôi biết chiếc mỏ neo là hình ảnh mà anh tâm đắc. Trên tường nhà anh có treo bức tranh do chính anh vẽ: một chiếc mỏ neo hoen rỉ cắm sâu vào bờ cát. Có lẽ cũng chính vì tâm đắc với hình ảnh này nên anh cứ nhắc hoài, nhắc mãi. Tôi đã thử làm phép thống kê:
- Chiếc neo đi có gì mà lưỡng lự ("Ba đầu đề họp lại")
- Chạm chiếc mỏ neo trên ngực ("Tình yêu người thủy thủ")
- Chiếc mỏ neo như kim đồng hồ báo giờ gặp gỡ ("Tìm em")
- Cái đích của thuyền không hẳn chiếc mỏ neo ("Cái đích")
…
Tôi cũng không biết đó là sự lặp lại cố ý hay vô tình của tác giả? Mà dù cố ý đi nữa theo tôi, lặp lại quá nhiều như vậy là hơi lạm dụng. Trong tập thơ này ta còn bắt gặp khá nhiều lần anh dùng từ "níu". Trần Hữu Thung đã dùng từ này khá "đắt" trong câu: "lúa níu anh trật dép" (Thăm lúa). Hải Bằng dùng lại cũng được miễn là dùng đúng chỗ. Điều tôi muốn nói là vì anh hơi lạm dụng nên dù từ có "đắt" đến mấy cũng thành ra mòn sáo. Ví dụ:
- Bàn tay níu lo toan ("Em về mặc áo cho thơ")
- Bến níu lại ngây thơ ("Tôi hát về sông Hương")
- Cơn gió mùa không níu được bước đi ("Một thuở vui buồn")
Hải Bằng có mảng thơ thế sự rất đáng chú ý. Thơ thế sự của anh thâm trầm, góc cạnh. Anh vốn là một nghệ sĩ tạo hình bằng rễ cây nên anh thường mượn cây để nói chuyện đời. Trong bài "Cây si" anh viết:
Sáng nay
Cây si đứng ra khỏi chậu
Chậu vỡ đôi
Chỉ thế thôi mà có bao nhiêu ẩn ý đằng sau cái chi tiết có thật ấy. Bài "Ca khúc dân gian" cũng vậy, khổ kết bài thơ làm nhiều người phải giật mình:
Ngày ngày
Vẳng nghe
Vườn nhà bên chim hót
Anh nhớ cây đào, cây ổi, cây chanh.
Đó là những cây mà chủ vườn đã chặt vì không biết "trèo cây" không biết chọn mùa mà hái quả. Sự lười nhác và ngu dốt của người chủ vườn không chỉ gieo tai họa cho cây mà còn gieo tai họa cho cả chính mình. Thơ Hải Bằng thường có những câu kết bất ngờ và đột ngột. Anh đặc biệt thành công ở thể thơ tứ tuyệt. Có thể nói tứ tuyệt là sở trường của anh:
Chim vội qua sông hạ xuống cành
Nắng đi chầm chậm dưới trời xanh
Hàng cây ngả bóng cùng chung hướng
Riêng bóng em về ngả phía anh.
("Ngả bóng")
Như những người làm thơ khác, Hải Bằng cũng chịu sự chi phối của qui luật sáng tạo nghệ thuật. Lúc nào anh viết những điều máu thịt, tâm huyết thì thơ anh chân thực, xúc động, tự nhiên và mới lạ. Đó là những bài thơ anh viết về mẹ, về tuổi thơ về nỗi đau của chính cuộc đời mình. Nhưng khi nào anh lấy sự tìm tòi câu chữ để thay cho cảm xúc lúc đó thơ trở thành những cái xác không hồn. Ở những bài thơ ấy lộ rõ bàn tay của người thợ. Có người khen thơ lục bát Hải Bằng, riêng tôi, tôi thấy lục bát của anh bộc lộ rõ nhất nhược điểm thích dùng chữ nghĩa của anh. Kiểu như:
- Gió dồn chồi sóng mọc lên
("Trăng Nha Trang")
- Đi trong lục bát bay vào thất ngôn
("Xuân Diệu - thơ anh tôi đọc")
- Tôi se khúc nhạc trắng phau tiếng đàn
("Tiếng đàn")
- Nông giang - mùa lúa lên rồi
Bóng em thuở ấy lại ngồi sinh thơ.
("Qua Thanh Hóa")
Trong khi đó Hải Bằng viết những vần thơ về kỷ niệm lúc cùng đi với anh trai (cả hai anh em đều đã bạc tóc và sống xa nhau đằng đẵng mấy chục năm trời) trên đường phố Huế, giữa "đêm mưa rơi" thì ta không còn nhìn thấy câu chữ, chỉ thấy nỗi lòng da diết của anh:
Có thật là ta khóc phải không
Nghe như giọt nắng nhói trong lòng
Một mai ngã xuống chân thành cũ
Thơ vẫn gọi đò trên bến sông
Ta như nghe trong những vần thơ ấy dư âm của thời gian, dư âm cuộc đời, dư âm của một tâm hồn chung thủy với thơ ca với nghệ thuật mặc dù anh phải trả giá một cách đau đớn. Vì lẽ đó mà khi đọc xong tập thơ của anh tôi cứ muốn chữa "Trăng đợi trước thềm" thành "Dư âm của biển". Tất nhiên đó là ý muốn hết sức chủ quan, biết đâu "Trăng đợi trước thềm" là một ẩn ý sâu xa của tác giả mà tôi chưa hiểu thấu. Cũng như thơ của anh làm sao ta có thể hiểu hết vì làm sao ta hiểu hết cuộc đời và tâm trạng của NHÀ THƠ!
Huế, tháng 8-1988
M.V.H
(SH34/12-88)
----------------
[1]. Nhân đọc tập thơ "Trăng đợi trước thềm" của Hải Bằng - NXB Thuận Hóa 1988.
NGUYỄN THỊ NGỌC ÁNH
Đọc truyện ngắn Hồng Nhu, tôi có cảm tưởng như mình đang lạc vào trong một thế giới huyền thoại, thế giới của những lễ hội, phong tục, tập quán xưa huyền bí mà có thật của người dân đầm phá Tam Giang.
Bằng sự tinh tế và thâm trầm của người từng trải, Nguyễn Đình Tú đưa tới góc nhìn đa dạng về người trẻ trong tập truyện ngắn "Thế gian màu gì".
Qua đi, với những hoa tàn tạ
Hoa trong hồn ta, ai hái được bao giờ
Victor Hugo*
Nhà báo Phan Quang nghiên cứu, phân tích truyện dân gian để mang tới bức tranh văn hóa xứ Trung Đông trong cuốn "Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập".
Những độc giả từng yêu thích Nắng và hoa, Thấy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò... - những tập sách đã có một góc riêng sang trọng trên kệ sách tản văn Việt bởi góc nhìn uyên thâm, giọng văn ảo diệu của GS Cao Huy Thuần - nay vừa có thêm một tặng phẩm mới: Sợi tơ nhện.
Y PHƯƠNG
Trong một lần đoàn nhà văn Việt Nam đi thực tế sáng tác ở Bình Liêu, Móng Cái (Quảng Ninh), tôi nghe mấy nữ nhà văn lao xao hỏi tiến sĩ - nhà văn Lê Thị Bích Hồng: “Đêm qua em viết à?” Bích Hồng ngạc nhiên: “Không đâu. Hôm qua đi đường mệt, em ngủ sớm đấy chứ”.
HOÀNG THỤY ANH
Mùa hè treo rũ
Trong cái hộp hai mươi mét vuông
Ngổn ngang màu
Ký tự chen chúc như bầy ngỗng mùa đông
Ngày lên dây hết cỡ
Chật
Dâng đầy lên ngực
Chuông nhà thờ chặt khúc thời gian
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Lâu nay, đọc thơ của trẻ em, tôi thường có cảm giác, hình như các em làm thơ dưới ngọn roi giáo huấn mà người lớn thường giơ lên đe nẹt trẻ con. Cho nên khi cầm trong tay tập thơ Cái chuông vú của bé Hoàng Dạ Thi “làm” từ 3 đến 5 tuổi, tôi không khỏi ngạc nhiên.
NGHIÊM LƯƠNG THÀNH
Đọc xong Những đứa con rải rác trên đường, cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Hồ Anh Thái (Nxb. Trẻ 2014), thoạt đầu tôi có cảm giác trống vắng.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Anh Cao Việt Dũng hỏi: anh có biết Lưu Quang Vũ không? Anh nghĩ gì về thơ Lưu Quang Vũ?
CHÂU THU HÀ
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tinh hoa và cốt cách của Người là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ, nhà báo.
DÃ LAN - NGUYỄN ĐỨC DỤ
Cách đây mấy năm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội có cho phát hành cuốn TỪ ĐIỂN VĂN HỌC (1983 - 1984). Sách gồm hai tập: tập I và tập II đầy cả ngàn trang, với sự cộng tác của nhiều tác giả.
PHẠM PHÚ PHONG
Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984), hiệu là Lộc Đình, người làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thủ đô Hà Nội, là nhà văn, nhà nghiên cứu, biên soạn, khảo cứu, về nhiều lĩnh vực như văn học, triết học, sử học, ngôn ngữ học, đạo đức học, chính trị học, kinh tế học, giáo dục học, gương danh nhân…
Chuyện gì xảy ra trong ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn? Nhiều người đã viết về sự kiện này. Một lần nữa, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái - nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã lên tiếng, cùng với sự trợ giúp của vợ và hai con - Nguyễn Hữu Thiên Nga và Nguyễn Hữu Thái Hòa.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật cho ra mắt bạn đọc một số đầu sách về sự kiện lịch sử này, về lịch sử kháng chiến Nam Bộ và về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của toàn dân Việt Nam.
LÊ HUỲNH LÂM
Không khỏi bất ngờ khi cầm trên tay tập “Hôm qua hôm nay & hôm sau” của Vũ Trọng Quang do Nxb Đà Nẵng ấn hành vào tháng 1 năm 2006. Vậy là đã 9 năm.
PHẠM XUÂN DŨNG
Tôi và nhiều bạn bè sinh viên còn nhớ nguyên vẹn cảm giác lần đầu nghe bài thơ “Đêm qua” của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đêm cư xá Huế lạnh và buồn đến nao lòng tê tái.
Ý NHI
1.
Một buổi chiều, khoảng cuối năm 1989, chúng tôi có cuộc gặp gỡ tại nhà Trần Thị Khánh Hội, trong một con hẻm rộng, quận Phú Nhuận.
TRẦN HOÀI ANH
(Kỷ niệm 49 năm ngày mất cố Thi sĩ Nguyễn Bính 1966 - 2015)