Đồng Khánh - một khoảng trời riêng

09:11 22/03/2012

BÙI KIM CHI

Nghe tin Đồng Khánh tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập trường, tôi bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt... Con đường Lê Lợi - con đường áo lụa, con đường tình của tuổi học trò đang vờn quanh tôi.

Cổng trường Đồng Khánh năm xưa - Ảnh: TL

Thời Pháp thuộc, đường mang tên Jules Ferry, cái tên Pháp nghe cũng hay hay. Lề đường đẹp, sang trọng được lát bằng những miếng ciment đúc ô vuông. Hai bên đường là hai hàng long não xanh tươi với lá vươn cành rợp bóng mát, tạo dáng cho một con đường tình thơ mộng của Huế. Áo dài tím, áo dài xanh, áo dài trắng học trò tung bay một thời. Tôi ngậm ngùi, đứng ngây người thả hồn về nơi ấy, nơi có ngôi trường màu hồng bên bờ sông Hương nền nả, duyên dáng đã sống cùng tôi suốt thời con gái với tà áo trắng dịu dàng, thênh thang…

Trường tôi được thành lập dưới triều vua Khải Định. Tính đến nay, năm 2012 trường đã vào tuổi 95. Buổi đầu trường chỉ có bậc Tiểu học, sau có thêm bậc Trung học Đệ nhất cấp và kể từ năm 1956 trở đi trường trở thành Trường Nữ Trung học Đồng Khánh có học sinh Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp (từ lớp Đệ thất đến Đệ nhất). Kể từ đây đồng phục của nữ sinh trường tôi là màu trắng thay cho màu tím, màu xanh trước đây. Tôi cảm thấy vui và hãnh diện vô cùng vì mình là nữ sinh Đồng Khánh.        

“Cô nữ sinh Đồng Khánh kia ơi  
 Cô đi về đâu sau buổi học rồi?”…

Tiếng hát mượt mà của ca sĩ Hà Thanh, một cựu nữ sinh Đồng Khánh làm tôi nức nở. Trường xưa yêu dấu đang réo gọi tôi trờ về… Và… tôi đã trở về với “khoảng trời riêng” của tôi. Đồng Khánh ơi, Đồng Khánh!

Thùng… thùng… thùng… Ôi! giờ ra chơi đã đến, mời các bạn cùng ra chơi: Sân trường Đồng Khánh ngập trong nắng vàng của buổi đầu xuân. Cây lá xôn xao vào mùa. Màu xanh non của lá quyện trong nắng mai nhấp nhánh phản chiếu màu hồng của những bức tường làm cho ngôi trường đã xinh lại càng xinh và duyên hơn - nét duyên Đồng Khánh không một ngôi trường nào có được. Tiếng trống trường vừa dứt, ngàn cánh hạc trắng tỏa ra từ các dãy hành lang của lớp học rồi tung tăng lượn lờ dưới nắng sân trường… Giữa trời mây dịu dàng, trong sân trường con gái. Từ đằng xa các thầy cô mỗi người một vẻ khả kính với niềm tự hào riêng đang từ từ rời lớp học về phòng giáo sư ung dung, điềm đạm, khoan thai trước sự ngưỡng mộ của đám học trò con gái. Ngày ấy học trò Đồng Khánh mê cô giáo là chuyện bình thường vì cô giáo đẹp, duyên dáng và cao sang quá. Các bạn còn nhớ, cô Phương Lan có vẻ đẹp sắc sảo với cái miệng và nụ cười rất duyên nhưng trên gương mặt của cô lại thoáng hiện nét buồn của đôi mắt sâu, đẹp và biết nói của cô. Cô Hiệu trưởng Tịnh Nhơn có nét đẹp hiền hòa, dịu dàng, đằm thắm, đôi mắt vương nét buồn nghiêng. Cô có giọng nói nhỏ nhẹ nhưng rất thuyết phục, dễ dàng thu hút học trò. Cô Hà Như Nguyện rất đẹp, những chiều dưới mưa thu xứ Huế, cô nổi bật trong chiếc dù màu nâu non. Dáng dấp sang trọng cùng gương mặt khả ái trông cô nền nả như một cô gái Nhật. Cô Bích Đào duyên dáng, tươi tắn với nụ cười hồng nở trên môi cùng đầu tóc cắt ngắn muôn thuở rất hợp với gương mặt đẹp và đáng yêu của cô. Cô Quế Hương là lạ, tây tây với đầu tóc ngắn uốn ngả ra gần chấm vai. Cô có một nét đẹp rất riêng với đôi mắt long lanh linh hoạt cùng chiếc mũi, cái miệng nho nhỏ xinh xắn, hài hòa, kín đáo. Cô Diệu Tâm (dạy vẽ) có vẻ đẹp quí phái, dáng người cao cao, tóc bới thả lọn dài ngang cổ. Gương mặt cô thanh tú, rất ấn tượng với nữ sinh Đồng Khánh của thập niên 60. Cô Phương Chi có đôi mắt đẹp rất dễ thương và sang trọng trong chiếc xe Dauphin trắng mà cô thường tự lái chở đám học trò con gái của cô đi xem Ciné Châu Tinh và ăn bún bò Mụ Rớt ở Gia Hội. Đó là những ngày xanh, đẹp và dễ thương nhất của đám học trò con gái Đồng Khánh ở năm học cuối cùng sống với cô trong ngôi trường Đồng Khánh. Cô Diệu Hạnh đẹp có nét buồn ẩn sau đôi mắt có hàng mi cong biết vui, biết buồn của cô. Cô A. Trang, cô Tiểu Bích, cô Hồng Khuê duyên dáng và còn nhiều cô giáo Đồng Khánh đẹp và đáng yêu nữa. Các cô, mỗi người có một vẻ đẹp riêng đã thu hút học trò của mình nhẹ nhàng, dễ thương. Cô giáo có giọng nói dễ thương, nũng nịu cuốn hút học sinh trong những giờ Giảng Văn là cô Ngô Nga. “Cám ơn em” là câu nói đáng yêu và lịch sự cô đã dành cho học sinh sau khi trả lời câu hỏi của cô. Cô Hoàng Thị Doãn, cô giáo có dáng đi đẹp và quí phái luôn trong những bộ áo dài lụa trắng hoặc màu ngà cùng đầu tóc bới thả lọn rất sang. Một thời cô là thần tượng áo lụa của học sinh Đồng Khánh. Cô Mai Hương hiền lành, dịu dàng, nền nả trong tà áo trắng giản dị mà học trò rất thương. Cô Nguyễn Thị Tuyết dạy Thể dục, người có thân hình đẹp. Tiếng Sifflet của cô là hiệu lệnh. Bạn nào tập sai là cô phát yêu liền: “Đồ con yêu bánh nậm”. Rồi cô cười, nụ cười hiền lành và rất duyên. Thầy Phạm Kiêm Âu, một thầy giáo rất nghiêm nhưng rất thương học trò. Nhiều thế hệ học trò đã thương kính thầy. Nguyên tắc của thầy: Thầy đã vào lớp, học sinh nào đi sau thầy là đi trễ không được phép vào lớp. Nhưng… trên đường đi đến lớp, những bước chân của thầy rất chậm… rất chậm vì không muốn học trò của thầy vào lớp trễ. Thầy Châu Trọng Ngô một thầy giáo khả kính của nhiều thế hệ học trò,  người có phương pháp dạy Toán tài tình phù hợp với nhiều trình độ của học sinh. Thầy Võ Đăng Nam và thầy Nguyễn Quang Phong là hai thầy giáo dạy Toán rất hay và cũng rất nghiêm. Học sinh Đồng Khánh rất sợ hai thầy. Thầy Lê Nguyễn Bá Diên nghiêm nhưng tâm hiền như Phật. Đa số các thầy giáo Đồng Khánh đều nghiêm và dạy rất hay. Thầy Lê Quân Thụy, thầy Nguyễn Tuyến, thầy Thái Quang Toản, Thầy Lê Khắc Dòng, thầy Lê Quang Phú là những thầy giáo tận tâm và rất tình cảm. Thầy Nguyễn Mộng Giác, thầy Hà Thúc Hoan, thầy Trương Ngọc Phú, thầy Nguyễn Đình Hiển và cô Ngô Thị Vinh là những thầy cô giáo có những giờ dạy Văn, Sử, Địa và Công dân giáo dục sinh động, hấp dẫn, thu hút học sinh…
 

Nữ sinh Đồng Khánh, Huế 1931 - Ảnh: TL


Thầy cô ơi! Học sinh Đồng Khánh không bao giờ quên ơn các thầy cô và rất mong có ngày được gặp lại các thầy cô trong ngày hội Đồng Khánh … Tôi thầm cám ơn chị Tôn Nữ Giáng Tiên, Trưởng ban liên lạc Đồng Khánh ở Sài Gòn, chị Nguyễn Khoa Diệu Huyền, Trưởng ban liên lạc Đồng Khánh ở Huế và tất cả các chị trong Ban liên lạc Đồng Khánh của hai miền đất nước Huế - Sài Gòn đã tổ chức họp mặt thầy cô và học sinh hàng năm vào dịp đầu xuân. Rất mong tâm hồn các chị luôn tươi trẻ để tiếp tục tổ chức những buổi gặp mặt dễ thương, đầy hương và sắc của thầy cô và học sinh Đồng Khánh...

Ơ kìa, ở Préau các bạn lớp Đệ Thất, Đệ Lục, với chiếc huy hiệu xinh xinh trên hò áo dài, chỉ viền màu cam cho Đệ Thất và màu xanh lục cho Đệ Lục đang say sưa chơi trò chơi nhảy dây và ù mọi. Cả một đoàn áo trắng nhí nha, nhí nhố hai vạt áo dài được cột vào nhau, ngang thắt eo rồi rồng rắn ôm nhau, lôi kéo, vờn nhau hòa trong tiếng cười, tiếng la hét rộn rã, vui nhộn… Dọc hành lang, trước phòng Khánh Tiết, mấy nhóm bạn đang ngồi chơi đánh thẻ. Những bàn tay nhỏ xíu, dễ thương đưa banh và lượm thẻ nhịp nhàng, điệu nghệ… Các bạn ơi! Trong sân trường các bạn còn nhớ? Trên những đám cỏ xanh non, điểm li ti những cánh hoa tím đang thì con gái mà ngày ấy bọn con gái chúng mình đứa nào cũng thích mà không dám hái, không dám bước chân lên thảm cỏ sợ dẫm đạp lên những cánh hoa tím đáng yêu. Trong sân trường còn điểm vài cây Mimosa quí hiếm thuở ấy, một loại hoa vàng cánh nhỏ quyến rũ, dễ thương. Cây không cao lắm nên có bạn vừa đưa mắt say sưa ngắm sắc đẹp của hoa rồi len lén nhón chân, đưa tay vịn cành bẻ một chùm hoa nhỏ thu vào vạt áo dài rồi đi nhanh về lớp học để cùng các bạn thưởng lãm. “Bà Dần, bà Hoàng mà biết được thì chết cả đám”. Có bạn thầm thì. Còn đây, các bạn lớp Đệ Ngũ và Đệ Tứ xinh hơn, duyên hơn một chút với chiếc huy hiệu nền trắng viền vàng cho Đệ Ngũ và viền đỏ cho Đệ Tứ đang tập làm người lớn đã làm thành những nhóm nhỏ dạo quanh sân trường vừa làm dáng vừa để tìm ngắm người đẹp và các chị lớp lớn học giỏi. Thuở ấy, tôi cũng là một cô bé chuyên đi săn tìm và ngắm người đẹp trong giờ ra chơi ở sân trường. “Mình thích chị này”, “Mình thích chị nớ”. “Chị ni đẹp hơn chị nớ”. “Không, chị ni”. Rồi cãi nhau, rồi giận nhau. Háy, nguýt… Ôi! Đồng Khánh! Thất, Lục, Ngũ, Tứ là thế. Oai nhất là các chị lớp Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất. Các em lớp nhỏ cứ thế mà nhìn, mà ngắm, ái mộ những chiếc huy hiệu được viền ba màu dành riêng cho ba khối lớp: Tam xanh, Nhị hồng, Nhất tím trên hò áo dài trước ngực của các chị. “Chị nớ Đệ Nhất”, “Chị kia Đệ Nhị”. Các chị cứ thế mà hãnh diện, mà ra vẻ “Đàn chị yêu dấu của các em”. Làm dáng nhất trường vẫn là các bạn lớp Đệ Tam, vừa mới bắt đầu trở thành thiếu nữ cũng như vừa mới bước chân vào Đệ Nhị cấp nên các bạn có vẻ “làm le” và có nét tự tin riêng của lứa tuổi. Dưới những hàng phượng và mù u xanh đầu mùa mướt lá, các bạn yểu điệu ôm hoa nắng trong tay vừa đi vừa nói chuyện hoặc cùng nhau ôn bài. Tiếng Anh, tiếng Pháp rồi tiếng Việt nho nhỏ, to to… làm cho các bạn lớp nhỏ vô cùng ái mộ mong sao mình cũng chóng được như rứa. Ở dãy hành lang bên trái của trường, trên cũng như dưới lầu các chị lớp Đệ Nhị và Đệ Nhất vì sắp phải qua hai kỳ thi lớn là Tú Tài 1 và Tú Tài 2 vào cuối năm học nên giờ ra chơi của các chị không được vui và thoải mái bằng các em lớp nhỏ. Một số chị ngồi dưới gốc phượng ôn bài, hai tà áo trắng thả dài theo rễ cây nhẹ nhàng, xinh xắn như những cánh bướm. Một số chị gương mặt trầm ngâm đứng trước hành lang lớp học hoặc ngồi trong lớp trò chuyện, có nhóm ngồi giải bài cho nhau. Khổ cho các em lớp nhỏ tìm các chị học giỏi và đẹp ở sân trường không có phải rảo bước đến hành lang lớp học thậm chí đến đứng ở cửa lớp để nhìn trộm các chị. Mỗi thời có một số chị, một số bạn học giỏi, đẹp nổi tiếng từng làm nền cho giờ ra chơi trong sân trường màu hồng. Nữ sinh Đồng Khánh không ai là không có những phút giây bồi hồi xúc cảm khi nhìn ngắm các người đẹp và học giỏi của trường mình. Các chị và các bạn còn nhớ những bóng hồng trong sân trường Đồng Khánh giờ ra chơi? Lớp lớn thì có các chị Thu Sương, Phương Thảo, Nguyên Hảo, Trần Thị Ngọc Anh, Diệu Phương, Như Mai, Diệm My, Đông Thái… lớp nhỏ thì có Dao Ánh, Thanh Nghị, Túy Tùng, Đông Hải, Tăng Bảo Nga, Lâm Kim Cúc, Liên Thi… và nhỏ hơn nữa thì có người đẹp Trinh Tiên, Phương Lan, Xuân Phương… và còn nhiều, nhiều nữa những người đẹp Đồng Khánh. Học giỏi nổi tiếng làm cho các anh Quốc Học phải nể là các chị Thái Thị Ngọc Dư, Thái Kim Lan… Lớp sau thì có Cao Thị Kim Anh, Cao Thị Mỹ Lộc, Nguyễn Thị Xinh Xinh, Nguyễn Thị Mỹ Vân, Tăng Bảo Vân, Lê Thị Thu Nguyệt, Nguyễn Thị Mỹ Phương, Ngô Thị Nhân, Tôn Nữ Ái Mỹ… một thời đã làm nức lòng các bạn Đồng Khánh và cả những bạn không phải Đồng Khánh… Có lẽ các bạn vẫn còn nhớ Trần Thị Liên Như, Lê Khắc Ngọc Minh, Hồ Thị Ngọc Trang, Bùi Thị Hồng Xuân, Lương Kim Kê, Nguyễn Thị Kim Mai, Nguyễn Thị Diệu Thanh, Bùi Thị Thu Hương… mỗi chị có một vẻ riêng về tính cách, và trang phục thì là lạ đầy ấn tượng đã thu hút các bạn cùng lứa và các em lớp nhỏ luôn rảo quanh sân trường trong giờ ra chơi để tìm các chị mà nhìn, mà ngắm.

Còn nữa, các bạn ơi! Giờ ra chơi ở Đồng Khánh nhộn nhịp không kém ở sân trường vẫn là hàng O Bụi và chị Châu. Những dĩa bánh bột lọc trong veo để lộ cả miếng thịt ba chỉ và con tôm cùng chén nước mắm ớt đỏ au luôn hấp dẫn thị giác, vị giác của bọn con gái chúng mình. Ăn một dĩa bánh bột lọc hoặc một tô bún bò nho nhỏ rồi tráng miệng bằng một ly chè đậu xanh hay đậu váng nước đá mát rười rượi thì phải biết. Ngon ơi là ngon! Rồi… Tất cả vội vội vàng vàng vì: Thùng… thùng… thùng… Một hồi trống dài dồn dập, hối thúc vang lên… Các bạn ơi! Giờ ra chơi của ngôi trường màu hồng yêu dấu đã khép lại rồi. Tiếc quá! ngàn cánh hạc xa dần... xa dần… rồi khép lại trong sân trường Đồng Khánh…

Tôi bỗng ngỡ ngàng thốt lên: Đâu rồi? Đâu rồi? “Một khoảng trời riêng” của Đồng Khánh ngày xưa nay còn đâu? Văng vẳng bên tai tôi tiếng ai đó nhẹ nhàng dễ thương:         

“Đâu còn là chuyện ngày xưa         
Nữ sinh Đồng Khánh bây giờ là em”
                                    (Mai Văn Hoan)

Đúng, em là nữ sinh Đồng Khánh đang ở trong sân trường màu hồng duyên dáng, ấm áp cùng thầy cô bạn bè với một “khung trời thơ mộng” của tuổi học trò. Đồng Khánh ơi, Đồng Khánh! Thương quá đi thôi. 

B.K.C
(SH277/3-12)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • PHẠM THỊ CÚC  

    Chú tên là Đô, người làng Thanh Thủy, nhưng không phải làng Thanh Thủy Chánh có Cầu Ngói, mà là Thanh Thủy Thượng, bây giờ gọi là Thủy Dương, cùng quê với nhà thơ Phùng Quán. Chú không phải là nhà thơ nên ngất ngưỡng kiểu khác, đặc biệt hơn.

  • NGÔ THỊ Ý NHI

    Ở Huế, có những buổi sáng cứ thích nằm nghe tiếng con nít rủ nhau đến trường ríu rít như chim. Bình yên đến lạ! Thành phố nhỏ bé, nhịp sống không vội vàng, những con đường hiền lành, êm ả trẻ con dễ dàng đi bộ.

  • Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019)

    PHẠM THUẬN THÀNH

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN

    Năm Nhâm Tý (1672), chúa Trịnh xua 180 ngàn quân vào Nam, có ý vượt sông Gianh đánh chúa Nguyễn. Trấn thủ Bố Chính là Nguyễn Triều Văn hoảng sợ chạy vô Kim Long cấp báo với Hiền Vương (tức chúa Nguyễn Phúc Tần).

  • BÙI KIM CHI   

    Ngày xưa, cách đây 60 năm, ở đường Duy Tân Huế từ cầu Trường Tiền đi xuống, qua khỏi Morin (cũ), đi một đoạn, có một địa điểm mang cái tên nghe là lạ Ngọ Phạn Điếm. Càng lạ và đặc biệt hơn nữa, Ngọ Phạn Điếm chỉ đón khách vào ăn một bữa trưa (demi-pension) trong ngày là học sinh của Trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế mà thôi.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG 
                       Bút ký 

    KỶ NIỆM 20 NĂM CƠN LŨ LỊCH SỬ 1999

  • NGUYỄN DƯ  

    Ngày xưa thi đỗ tiến sĩ… sướng lắm!
    Nghe đồn như vậy. Ít ra cũng được vua biết mặt chúa biết tên. Được cả làng, cả tổng đón rước về tận nhà. Chữ nghĩa gọi là rước tiến sĩ vinh quy bái tổ.

  • PHI TÂN  

    Hồi trước, khi làng xã tôi còn đoàn đội tập thể hay hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì đàn trâu ở làng cũng của hợp tác luôn. Trâu được các hộ xã viên nhận về nuôi để ăn chia công điểm. Nhà mô có nuôi trâu thì con cháu trong nhà phải nghỉ học sớm để chăn trâu hàng ngày.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUY   

    Ngày thơ ấu tôi đã bao lần ngủ ngon giấc trong lời ầu ơ của mẹ:

  • Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm Ngày mất của Người (02/09)

    HỒ NGỌC DIỆP

  • Kỷ Niệm 72 Năm Ngày Thương Binh - Liệt Sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019) 

    PHẠM HỮU THU

  • DƯƠNG PHƯỚC THU    

    Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại làng Hội An, nơi xưa kia thường gọi là Faifô (vì làng này ở gần cửa Đại An nên quen gọi Hải Phố mà ra thế) nay Hội An đã lên cấp là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam; quê nội Nguyễn Kim Thành ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

  • NGUYỄN THƯỢNG HIỀN

    Dáng thế của đồi Hà Khê như một con linh thú vừa tách khỏi đất mẹ, rời tổ uống mấy ngụm nước bên bờ dòng Linh Giang. Quay đầu hướng về quê mẹ, đất tổ Trường Sơn như một lời từ biệt, lòng rộn buồn vui. Một nhát gươm chí mạng của thuật sĩ Cao Biền, thân thú mang nặng vết thương vẫn còn hằn sâu ở chân đồi.


  • ELENA PUCILLO TRUONG  

    (Viết cho những người bạn cầm phấn)

  • Kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6  

    NGUYỄN XUÂN HẢI

  • ĐÔNG HÀ

    33 năm đổi mới trong Văn học Thừa Thiên Huế

  • NGUYỄN ĐỨC HÙNG   

    Một chiều cuối năm 2018, tôi nhận được tấm thiệp mời nhân dịp Lễ mừng tuổi chín mươi của nhà giáo Trần Thân Mỹ và kỷ niệm 65 năm ngày cưới của ông bà Trần Thân Mỹ và Dương Thị Kim Lan. Nếu tính từ mốc tôi được ông đặt bút ký vào hồ sơ chuyển ngành từ Quân đội về làm việc tại Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) thành phố Huế là tròn 35 năm, trong đó có 7 năm (1983 - 1990) tôi được làm việc trực tiếp với ông trước khi ông nghỉ hưu. Ông là vị thủ trưởng khả kính đầu tiên của tôi, là người đã giáo dục, đào tạo và có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi.