Minh họa: Ngô Lan Hương
I. Mỗi năm đều phải có Tết. Ai sinh ra chữ Tết mà lại ngụ kết nhiều ái ngại thế nhỉ? Tết về là phải dọn nhà, mua hoa, là quần áo, nấu nướng, treo lịch, sắp đặt lại bao nhiêu là thứ. “ Nửa đời nhìn lại”. Dạo xưa, lúc còn trẻ con mình thấy đời toàn những mầu hồng, áo đẹp, được mừng tuổi tiền mới tinh, lúc nào cũng chỉ mong Tết. Tết của người lớn khác rồi. Đến đêm Ba Mươi mới xong việc, coi như được nghỉ ngơi, cũng coi như hết Tết. Khi yêu nhau người ta đã vô tình chuẩn bị cho sự háo hức của đêm giao thừa hôn nhân. Sáng Mồng Một trở dậy mới thấy đời quạnh vắng. Tiếng cassette nhè nhẹ: “ Đời sao im vắng. Như đồng lúa gặt xong...” Câu hát nghe thấm thía, xót xa. Cả ngày Mồng Một người ta loanh quanh ở nhà trong sự mới mẻ của thời gian, trong sự ngỡ ngàng thiêng liêng của những quan hệ mới quen thuộc vừa được cải thiện, tân trang. Những rét mướt của đời đành đứng ngoài cửa theo gió lang thang trong hiền lành và thiếp ngủ của nhân gian. Khói hương cuối năm gợi cho con người nhớ về những cánh đồng tuổi thơ, về cội nguồn... Có tiếng chuông điện thoại. “A lô... Vâng. Hảo đây ạ. Anh nhầm máy rồi. Không sao...” Giọng nói nhẹ, nhiều thương cảm. Cái máy được đặt xuống. Những ngón tay thon, giản dị buông ra hững hờ, nghĩ ngợi. Mình ra ngoài thành phố dạy học, “ gõ đầu trẻ” đã mấy năm rồi nhỉ? Làm một cô giáo dạy văn cũng có nhiều cái mệt. Nhất là lại có chút nhan sắc. Bà Huyền chẳng hiểu độ này thế nào? Nghe bảo tay chồng loăng quăng suốt. Lại thêm cờ bạc. Đời chị có nhiều chuyện đáng thương. “ Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Những điệp âm sáng lòa ở câu sau như dắt díu nhau chạy mãi vào hút xa thời gian một kiếp người...
IV. Những ngón tay nâu gõ nhanh trên bàn phím. Rồi dừng lại. Cái đầu cúi xuống, lại ngẩng lên. “Cánh cửa được khép lại”. Câu này hững hờ, bị động, thiếu vắng tác nhân. Mỗi căn nhà là một thế giới riêng tư. Trong thế giới đó đồ đạc đã nói thay sự thiếu vắng chủ nhân. Balzac kĩ lưỡng bảo: “Trước khi con người xuất hiện, các đồ vật đã nói hết về họ”. Nhà văn hình như là người bắt buộc phải gắn bó với thế giới của mình nhiều nhất mà lại cũng hình như “thiếu vắng” nhất. Mỗi truyện ngắn là một mảnh đời sống. Giả Bình Ao bảo rằng chữ Tàu “ nhà văn” đọc lên cùng âm với “ngồi nhà”, còn “Tác hiệp” nghĩa là “Hội nhà văn” đọc lên lại cùng âm với “đóng giày”. Một bà già láng giềng với nhà văn chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao mới tặc lưỡi: Ồ, thì ra là anh “làm giày” Ây thế! Viết thì cũng cặm cụi, gù lưng như anh đóng giày thôi. Một công việc khốn khổ, nhọc nhằn, cả cô đơn nữa. Nhưng Ngồi nhà cũng có cái thú, cái thích. Suy nghĩ, đọc sách, rồi viết được cái gì thì viết. Nói vu vơ một tiếng. Lại cười thầm một tiếng. Rồi đi thổi cơm, quét nhà, rửa ấm chén, tiện tay thì lấy quần áo trong máy ra phơi cho đỡ “nhàn cư...” Tú Xương thác lời cho vợ đếm luôn cả chồng. Chồng cũng là một thứ con dại vẫn phải nuôi cùng với năm đứa kia. Sách để ở tầm với, đèn đặt đầu giường, tắt bật tùy ý. Đã lâu không có tin nàng. Xa mặt cách lòng. “ Đi qua khu nhà em/ Thấy mùa xuân còn đó/ Đường rộng nào em đi/ Đóa hồng nào trên tay...” Em có hạnh phúc không? Victor Hugo gọi con gái của Thénardier là “Bông hồng trong nghèo đói”. Những người khốn khổ, khổ trong tình đời. Chuyện đàn ông đàn bà lúc nào chả động đậy trong đầu mọi người. “ Nam động thì cứng, nữ động thì mở. Automatique. Chuyện này đã nói một lần rồi, bây giờ thì không nói nữa. Ra đến ngoài là tai nạn. Mỗi gặp gỡ là một tai nạn. Bây giờ xe cộ đi lại ghê quá. Gặp nhau rồi gần nhau. Gần nhau rồi thì phát sinh tình cảm. Có tình vui, có tình buồn. Cái sau nhiều hơn. Người đời cũng chóng quen. Làm gì có yêu đến một nghìn lần. Nói thế là để nhớ mà trấn át sự quên. Yêu thì không đếm, đếm thì không yêu. Yêu là tình, đếm là tính. Tình tính tang, tang tính tình... Cuộc đời như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao, như bóng đèn, như... phích nước! Cuộc đời là gì? Ao, cơm, danh vọng, địa vị, sức khỏe, tăm tiếng? Có ông chơi xổ số trúng cái xe Dream, được cả làng cả họ đến mừng, xong việc là tan xe, lại còn thêm nợ, thêm lục đục. Danh tiếng nào mà chả mang nợ, chả lục đục? Người ta có hai con người, ở nhà chểnh mảng, ra ngoài thiết tha. Tha thiết với của chẳng quen. Người Tàu bảo vợ chồng phải kính nhau như khách cũng có lí. Để không chểnh mảng, cũng chẳng còn thiết tha. Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng nói: “Đàn bà là nước. Đàn ông là bùn”. Nước trộn với bùn thì nhão nhoét ra, chả còn hình thù gì. Muốn còn hình thù thì phải ngay ngắn, chính đính, phải kính đấy. Hôn nhân làm hao mòn sức lực, làm con người trở nên mệt mỏi, vỡ mộng với tình yêu. Ở xứ nóng sự mệt mỏi dễ gây gắt gỏng. Nhưng vì đã trót bước vào rồi nên người Tàu mới nghĩ ra nhiều cách kính để nhắn nhủ thiên hạ đừng gắt gỏng với nhau. “ Môn thể thao ưa thích nhất của phụ nữ là đi chợ”. Cô nào hay ăn quà vặt cũng hay ngoại tình. “ Tình là tình nhiều khi không mà có...” V. Nhân vật của chúng ta cũng hay nghĩ ngợi. Bây giờ Hảo chỉ còn một mình nên nàng độc thoại triền miên. Như chúng ta đã biết, dòng suy nghĩ của con người lúc thì nhanh như dòng điện, lúc lại nhẩn nha, phẳng lặng như dòng sông thu quạnh vắng. Lúc khác nó lại ngổn ngang, rối bời, lộn xộn chả thể nào kiểm soát được. Người kể chuyện thấy là cứ nên “ thành thật” ghi tốc kí tất cả những ý nghĩa của Hảo ra để bạn đọc cùng tham khảo. Vả chăng, lý luận văn học cũng hay gọi nhân vật là “ đứa con tinh thần” của nhà văn. Mà đã là con cái thì cha mẹ nào không hiểu rõ tính tình? Chúng tôi thấy dòng tâm tư của nhân vật trung tâm rất đáng qúy và trân trọng vì những day dứt nhân sinh. Tình yêu, hạnh phúc, lẽ đời trái phải, những khổ đau, những phấn đấu, kể cả những bi hài kịch... của con người hiện đại nằm trong lẽ nhân sinh đó. Không hiếm trường hợp người đàn bà đã đẹp lại còn thông minh và cả chủ quan nữa. Tạo hóa đôi khi cũng không công bằng (2). Sau hôn nhân lại được mệnh danh là “bệnh viện của tình yêu” nhỉ? Thế tình yêu bị ốm à hay bị tai nạn giao thông? Hôn nhân mà là bệnh viện của tình yêu thế hóa ra gia đình là bệnh viện miên viễn ư? Bệnh viện đa khoa, bệnh viện nhi khoa hay bệnh viện tâm thần? Thế trong bệnh viện ấy người ta chữa cái gì, giải phẫu cái gì, khâu lại cái gì? Suốt đời con người phải sống trong bệnh viện thì khi xuất viện, đi đâu? Sự nhàm chán và thói quen là hai con bệnh trầm kha nhất của gia đình nhân loại. Có chuyện một ông đi thi lấy bằng xe máy. Cảnh sát mới hỏi: “ Từ khi đi xe đã bao giờ anh bị va quẹt hay tai nạn gì chưa?” Đáp: “ Có lần tôi cho một cô gái quá giang. Bây giờ cô ấy là vợ tôi. Chả biết đấy có phải là tai nạn không”. Thế thì đích thực tình yêu bị tai nạn giao thông rồi mới phải vào bệnh viện hôn nhân. Thực ra hạnh phúc là gì nhỉ? Đấu tranh là việc của đàn ông thôi. Hạnh phúc với phụ nữ có lẽ là cứ có chồng, có con cho giống mọi người cái đã. Nhà mới lau lại bẩn rồi. Phải luôn luôn đánh lau rửa lại những đồ đạc đã cũ rất mệt. Chậu hoa để thế này đã được chưa nhỉ? Thôi, tạm thế. Cái gì cũng cầu toàn cả chả được đâu. Phương là một đứa tốt mà chả mấy gặp may. Hình như có nhà văn nước ngoài bảo rằng cuộc kinh doanh vĩ đại nhất của người đàn bà là lấy chồng. Chán quá đi mất. Mình lóng ngóng thế này thì kinh doanh làm sao. Hình như ai cũng lạc loài ở một góc độ nào đó. Tí nữa phải đi lấy mấy cái bánh chưng đặt mới được. Có hoa đào, có bánh chưng thì mới ra Tết. Nào có ai ăn giúp cho đâu. Cũng nên mua một chai rượu Tây. Làm một nồi cá kho khô với gừng là hay nhất. Một ngày bây giờ người ta đi bao nhiêu cây số trong nhà, nói bao nhiêu câu nhàm cũ, đến lần thứ ba trở đi thì chỉ còn là tiếng ồn. Đàn ông dạy cùng chỗ mình hình như chẳng phải đàn ông. Đôi mắt đen, im lìm dừng lại trên một trang sách. “ Đàn ông lúc nào cũng muốn, nhưng không phải lúc nào cũng được. Đàn bà lúc nào cũng được, nhưng không phải lúc nào cũng muốn”. Sự đáo để xuân sắc mà làm gì. Cuộc đời hóa ra chẳng vô biên, thời gian hóa ra chẳng vô tận. Trang sách mở thở than và nghĩ ngợi. Mâm Gia tiên, Thần linh đặt thế này là được rồi. Chân hương năm cũ để đến giao thừa hóa một thể. Bánh chưng tí nữa lấy, ngủ quả đã bày, cơm cúng sới rồi... Năm nay mình xin gì nhỉ? Ngày xưa mẹ dạy: “Con chắp tay xin Thần linh, Ông Bà cho con chóng lớn, học giỏi đi” Trong không khí linh thiêng tỏa hương trầm ngào ngạt, con bé là Hảo lẫm chẫm ngày xưa chắp đôi bàn tay bé xíu đỏ hồng đứng bên mẹ lẩm nhẩm những điều như thế. Mẹ thương Hảo ôm vào lòng, mừng tuổi cho Hảo những đồng tiền mới tinh. Năm ấy còn pháo. Pháo nổ rộ vào đêm giao thừa như hùng hồn đáp lại, gom gộp tất cả những tiếng lẹt đẹt từ mấy hôm trước. Hảo nhớ chiếc áo mới ngày Tết. Hảo nhớ những đồng tiền mới sột soạt... Những kỉ niệm đầu đời chẳng thể nào quên được. Tuổi người, đã có mấy lần tinh khôi, nguyên chất như thế? Hảo khóc. Sao chị nỡ cư xử thế? Một nhà văn đã cho rằng đời người chẳng khác gì đường mòn, những năm đầu đời có bao nhiêu là chuyện phong phú, sau rồi cứ đơn điệu, phẳng phiu dần đi, chẳng thêm được gì. Bây giờ biết ước gì, xin gì? Cành đào thế để thế này là được rồi. Gốc to. Cành vươn rủ ra khắp sáng những nụ phớt hồng như mời gọi mùa xuân về. Dáng đẹp tự nhiên mà không uốn éo quá. Chị bán hàng thực thà độ năm mươi cứ xưng em với mình. Khổ lắm. Đời vừa trong trẻo vừa đục ngầu những trục lợi, xun xoe. Quanh năm mưa nắng bên gốc đào, cuối năm ngọt ngào chào mời mới bán được vài chục nghìn. Đời còn khốn khó áo cơm, đứng bán hàng với gió mưa nhợt cả môi cười. Thấm gì đâu... “ Chị cứ mua đi. Cây đào của em năm nay lắm lộc lắm đấy. Đảm bảo với chị, anh và các cháu ở nhà tha hồ phấn khởi”. Một nụ cười chua chát. Trả tiền. Gọi xích lô... Mưa bụi... Những chân người bùn đất... Những gương mặt ướt bết tóc... Huyên náo và hiu quạnh. VI. Trích thư: “ Hảo em, Tết về ở trong này vẫn nắng đẹp. Mọi người tưng bừng sắm sửa. Anh chị vẫn khỏe. Sắp nhỏ luôn nhắc đến dì Hảo. Việc ngày xưa đã qua lâu rồi chị không muốn nhớ lại nữa. Đôi lúc chị thấy ân hận vô cùng. Hạnh phúc không phải cứ giằng giật là có được. Nhất là đàn bà chúng mình. Anh chị luôn trân trọng em. Anh chị đã chuẩn bị quà mừng cưới cho em. Chỉ cần em điện vào là anh chị và các cháu bay ra. Cầu mong ngày đêm sẽ tới ngày đó với em... Tái bút: Đã lâu quá em không vào chơi. Dạy và đọc vừa thôi. Tuổi xuân có thì. Nhớ có tin gì cho anh chị biết ngay. À quên, sau Tết nếu em có về quê tảo mộ bà nhớ sửa sang mộ và thắp giùm anh chị vài nén nhang nhé. Thương em Chị Huyền”. VII. Thực ra, tên nhân vật cũng chẳng có gì quan trọng lắm. Đừng “phản diện” chói chang quá là được. Chốc nữa phải gọi điện hỏi ý kiến Hảo xem thế nào. Đàn bà họ tinh tai hơn chúng ta. Cái đầu đeo kính trắng tóc cắt ngắn mơ màng. Sự hồn nhiên của đời sống bao giờ cũng giản dị, hài hòa. Đời sống không cần đến sự bày biện, xa sỉ. Nó là trường sinh so với một cá nhân đơn lẻ. Mỗi cái tên là một kí hiệu, một số phận. Biết được sự hữu hạn của sinh tồn, mỗi số phận cần phải sống với đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình cũng coi như đã sống với sự giản dị và hài hòa của cuộc sống. Có một chữ Hòa viết Nho mực Tàu trên vuông giấy đỏ dán ở tường. Màu ấm cúng. Điếu thuốc cháy lên hoang dại, vẩn vơ. Thôi tạm kết thúc Ngày Tết ở đây. Lời kết sẽ có cả cảnh, cả tình, cả thời gian đậm đà thế này: “ Trời chiều trở lạnh, mây nhiều, mưa phùn ẩm ướt. Còn mấy trăm ngày nữa là sang thế kỉ hai mốt. Người ấy năm nay còn đón Tết? Bàn tay cầm con chuột dò dẫm, ngập ngừng. Con trỏ chạy lên File. Exit? Yes”. Hà Nội, 1998- 1999 Đ.D.H (133/03-2000) ---------------------- (1) Thưa bạn đọc, như các bạn đã thấy, nhân vật nhà văn Huy của chúng ta đang loay hoay sáng tạo. Anh ta là nhân vật của chúng ta nhưng cũng lại là nhà văn của những nhân vật khác do anh sáng tạo. Như vậy, chúng ta vừa có dịp quan sát anh ta, lại vừa được chứng kiến quá trình ra đời một tác phẩm phải vất vả như thế nào. Chúng tôi gọi chú thích này cũng như những chú thích khác nếu còn có trong quá trình kể chuyện là lời tác giả. Còn trên văn bản là lời người kể chuyện. Người kể chuyện sẽ cố gắng thật trung thành với tâm sinh, lý cũng như trình độ hiểu biết, vốn văn hóa, thói quen, cách nói năng, suy nghĩ...của mỗi nhân vật để tái hiện một cách chính xác nhất những người như Huy, Hảo, Phương, Huyền. Nhìn chung, họ đều là những người trí thức hôm nay. Và cũng xin thông báo trước rằng họ là những người tốt. Ngày Tết có thể tạm coi là một kiểu sáng tác của sáng tác. (2) Xin bạn đọc lưu ý: Phát ngôn "chúng tôi" trên đây cũng như những độc thoại ở các chỗ khác khi nhân vật nhà văn Huy xuất hiện là "của" anh ta. Người kể chuyện chỉ có nhiệm vụ thỉnh thoảng thêm thắt, "miêu tả" đôi chút về dáng hình, cử chỉ hoặc các đồ vật xung quanh anh ta và những nhân vật khác mà thôi. Tiếp theo đây lại là những độc thoại của Hảo do Huy "ghi tốc ký" ra. Trên văn bản, Huy cũng lại là một kiểu người kể chuyện khác.
|
NGUYỄN ANH NHẬT
Trong Thế chiến thứ hai, một đội quân điện thính viên có nhiệm vụ nghe ngóng điện đài của đối phương luân phiên nhau hàng ngày trời.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Những người già bảo chúng tôi ở Ái Tử có nhiều ma, ngày xưa chiến trận diễn ra liên miên, nhiều người bị chết mất thây. Những cuộn cát xoáy do gió cuốn lên mỗi lần mù mịt là ma đi kiếm ăn.
PHƯƠNG HÀ
Thằng Mạnh lẹ làng cắt quả bí đao đang lủng lẳng trên giàn. Nó nheo mắt lại vì nắng, trán lấm tấm mồ hôi.
VIỆT HÙNG
Chàng cho rằng mọi việc cũng chỉ tại những chiếc đồng hồ quay ngược.
VŨ NGỌC GIAO
Năm Luyến lên sáu tuổi cả nhà phát hiện nàng bị bệnh mộng du.
Cứ vào quãng gà gáy canh hai Luyến lại bật dậy vén màn, mở cửa lững thững đi ra vườn.
LÊ VI THỦY
Đêm.
Tiếng nhạc vũ trường khiến gã quay cuồng. Chai Armagnac vơi dần. Những cái ly được nâng lên hạ xuống cùng với tiếng cười rôm rả.
NGUYỄN QUANG HÀ
Ngay cả ở đất Cố Đô, không mấy ai biết ở chân núi Ngũ Tây có một vườn mai vàng. Chủ vườn mai ấy là hai cha con ông già mù.
VIỆT HÙNG
Khi ấy, là khoảng thời gian mà trong tôi, cảm giác trống rỗng đến ghê sợ đang xâm chiếm. Với tôi lúc đó, chẳng còn gì để đáng coi là đẹp...
NGUYỄN NGỌC LỢI
Đầm sen ấy có từ bao giờ, bà không thể biết. Nhưng bà biết đích xác ngày nó tàn, tận mắt chứng kiến cả một đầm nước loi thoi tàn úa những cọng, những tán lá mốc xỉn màu rỉ sắt đổ gục, mặt nước hồ bàng bạc những cuống lá buồn thảm. Và cái đầm sen ấy đã được kết thúc bằng những chuyến xe nối đuôi nhau ào ào trút đất.
PHẠM GIAI QUỲNH
1.
Đóng nắp hòm thư đã bong phần gỉ sét bên ngoài, cô nhét mấy lá thư vào trong nhà - qua khe cửa. Vì cô đã chốt khóa rồi nên không muốn phải mở cửa ra một lần nữa.
HƯƠNG VĂN
Màn đêm đã tràn ra mặt biển. Màu nước đen như màu mực, lênh loáng, mênh mông. Bãi bờ vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng thở của biển.
ĐINH PHƯƠNG
1.
Tôi nói với Vân về việc từ nay sẽ không nói đến cái chết của Ẩn nữa, chấm dứt một cơn mộng dài đẵng ai cũng phải quên đi.
LÊ KIM SƠN
Nàng biết không, ta đã nhìn thấu nàng từ rất lâu trước đó? Buổi tắm trăng ngơ ngác một mình, cái tinh khôi như đóa hoa mới hé, chỉ mình ta chế ngự được thời gian, cái khoảnh khắc lãng đãng muôn trùng, đã trói trái tim tội nghiệp của ta bên nàng mãi mãi.
HOÀI NAM
Người ta vẫn xì xào tới tai tôi rằng, tôi là một con ngốc. Thì đã sao! Tôi không cảm thấy bị xúc phạm mà ngược lại nó đem đến cho tôi cảm giác được an toàn yên ổn. Ai lại đi ganh tị, đố kị với một con ngốc? Làm thế chẳng khác nào tự túm tóc nhấc mình khỏi mặt đất.
HOÀNG THU PHỐ
1.
“Khi ánh sáng một lần nữa soi chiếu, ta bỏ lại tàn lụi thế giới này”.(*)
QUÁCH THÁI DI
Tôi đẩy nhẹ cửa bước vào một gian phòng khá lớn, cố gắng không gây ra tiếng động. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành đặt gần kệ sách rất cao, lắng nghe dòng suối âm thanh trong trẻo đang chảy ra từ cây đàn piano màu trắng.
VIỆT HÙNG
Tosenli bước vào tiệm cho thuê đồ "Con Ngỗng Vàng". Người chủ tiệm thấy ông, theo thói quen, chẳng cần hỏi, đi thẳng đến nơi treo đồ.
VIỆT HÙNG
Đêm tháng 6 của Hà Nội. Căn phòng 24 mét vuông như chật thêm. Giáo sư Sơn ngồi mơ màng nhả khói thuốc.
TẠ XUÂN HẢI
Cầu Sòng là một nơi hoàn toàn vắng vẻ. Nếu có công chuyện thật sự cấp bách phải qua sông, người ta đi vòng xuống phía hạ nguồn khoảng hai cây số, ở đó có một chiếc cầu khác.
PHƯƠNG HÀ
Tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, đầu vẫn còn đau. Trước mắt tôi là màu trắng toát của bốn bức tường bệnh viện.