NGUYÊN QUÂN
Những lúc bứt thoát được những hệ lụy cuộc sống, tôi chỉ thích được lang thang lên mạng, mong bắt gặp một câu thơ, một dòng văn nào đó gần gũi với tâm trạng để ru dỗ mình bằng những phút giây đồng điệu.
Sự đồng điệu chẳng dễ gì gặp gỡ trong hiện thực quá ư chộn rộn chuyện cơm áo gạo tiền. Thường những lúc vậy, tôi hay lêu bêu vào trang giới thiệu tác phẩm mới của tủ sách Văn Tuyển, một trang mạng thuần túy văn học. Và rồi chiều nay… bắt gặp ở đây một thi phẩm mới toanh, mang cái tựa đề nhè nhẹ miên man Nỗi buồn pha lê, của nhà thơ Trương Nam Chi.
Tên của người, tên của thi phẩm và thể thơ lục bát, gần như cùng một lúc xui giục cú kích chuột. Vốn rất thích thơ lục bát, một dạng thức thi ca hoàn toàn Việt, là của người Việt, và hầu như chưa bị tác động, biến đổi gì nhiều trong dòng chảy thi ca đang ngồn ngộn tiếp nhận nhiều trào lưu thơ hiện đại, nên cái quốc hồn quốc túy luôn chảy xiết trong lòng câu thơ lục bát từ xa xưa cho đến bây giờ. Dù rất nhiều nhà thơ từ thế hệ này sang thế hệ khác trên thi đàn Việt, dày công vận dụng thi tài của mình để cải cách, nâng cao tính nghệ thuật cho thứ ngôn ngữ trực quan, giao tiếp nhưng mang đầy âm điệu, nhạc tính rất riêng biệt của người Việt, dẫu vậy, trước bao nhiêu biến tấu tài hoa của bao thế hệ thi nhân, thể thơ sáu-tám vẫn giữ được nguyên vẹn hình hài vốn có của nó, vẫn là thứ phương tiện gần gũi thân quen để người làm thơ chuyển tải tâm cảm đến với người yêu thơ, từ Tâm đến Cảnh. Dĩ nhiên với những lợi thế ấy, thơ lục bát đã được rất nhiều, rất nhiều nhà thơ chạm vào nên cũng dễ bị “bình dân hóa” sáo mòn cũ kỹ nếu nhà thơ không bị rũ quyến thật sự để gởi gắm hết hồn vía và luôn làm mới nó.
Trở lại với tập Nỗi buồn pha lê, từ cú kích chuột đầu tiên, dòng đầu tiên, trang đầu tiên tôi hơi bị giật mình:
Bớ
Hồn con chữ
Bơ vơ
Về đây
Xích lại
Cho thơ gieo vần…
(Gọi hồn)
Mới ghé vào, mới đặt nửa bàn chân vào cõi thơ của Trương Nam Chi, là chạm ngay một lối câu trúc khá đặc biệt, mới mẻ và một cảm giác khắc khoải thống thiết của người đang cầu hồn, cái hồn vía chữ nghĩa. Phải thừa nhận rằng cái hồn vía chữ nghĩa trong thế giới thơ hôm nay đang bị loãng tan mờ nhạt bởi sự xâm thực của đời sống lệch nghiêng về phía quá thực dụng. Sự tâm cảm giữa một người viết và một người đọc, có lẽ là cốt lõi thành công hay thất bại của một thi phẩm. Và tôi, người đọc. Người đọc thì bao giờ cũng muốn tìm thấy cái cảm xúc thật, trong mong muốn, ước ao tìm thấy phần hồn qua xác chữ. Sự đồng cảm ấy cũng đã xúi giục tôi bước đi tiếp dến tận cùng 99 bài thơ trong Nỗi buồn pha lê.
Đọc từ đầu đến cuối, rồi lại đọc… đọc, tôi đọc đến lần thứ ba và không thể không viết vài dòng cảm nhận khi tìm thấy cho mình một khoảng lặng đầy suy tư. Trong bài Chiếc lá, viết theo dạng thơ tứ tuyệt, chỉ bốn câu, bằng dung lượng của một bài hài cú, cũng đầy đủ yếu tố chiêm nghiệm và giải quyết rốt ráo tâm ý và tâm cảnh:
Ước là chiếc lá
Đong đưa
Mặc trời sáng
Nắng
Chiều mưa
Cũng đành…
Tháng ngày lấy biếc
Làm
Xanh
Lấy sương
Giữ
Nét long lanh
Dâng
Đời.
Hay trong nét phác họa chân dung rất lạc quan của Trương Nam Chi trong Cời lửa có thể trở thành một bài học cần thiết cho những người không dám trút bỏ thân phận nỗi buồn pha lê, trong veo, trắng ngần và dễ vỡ:
U buồn thổn thức
Gọi tên
Người đem xâu chuỗi
Phơi
Trên tro tàn
Mình tôi lóng ngóng
Cời than
Khơi lên đốm lửa
Dập tan muộn phiền
(Cời Lửa)
Dung dị, mộc mạc nếu không nói là rất đơn giản trong sử dụng ngôn ngữ, vậy mà câu thơ đã nói hết, nói bằng hết nỗi buồn sâu thẳm của tác giả trong hình ảnh rất đơn độc u uất một người, một mình ngồi cời than, lan man trong trầm tư liên tưởng hình ảnh, tôi cũng bị rơi vào một không gian hun hút cô độc đến kì lạ. Và cũng chính trong bức tranh tưởng chừng rệu rã ấy lại ẩn chứa bản lĩnh vượt thắng “…khơi lên đốm lửa/ dập tan muộn phiền…” của bậc trí giả.
Tôi không biết tiểu sử, không biết cuộc sống của Trương Nam Chi, nhưng qua vần thơ này, tôi cảm nhận chị phải trải qua nhiều thăng trầm trong đời thực mới nhận thức được cái chân lý bất biến là vô ưu, để cân bằng được nội tâm với khách thể.
Nhà thơ cũng đi trước cuộc đời mình một bước, vượt qua được cảm tính thông thường của một nữ nhân, khi xác thực sự hiện hữu chỉ là giai đoạn phù phiếm trong vòng chuỗi sinh diệt như một người ngộ đạo:
Ơ này! Nhan sắc gió mây
Có nghe tiếng gọi cỏ cây đang chờ
(Nhan sắc)
Hay trong Gánh buồn, Trương Nam Chi đã viết “Gánh buồn ngúng nguẩy rong chơi/ Vẩn vơ thiên hạ buông lời quàng xiên…/ Gánh buồn xốc lại xiêm y/ Kẻo bụi oan trái lắm khi bám vào…”.
Tôi càng đọc, càng thấy thích thú với cung cách thể hiện tâm ý của chị qua vần thơ sáu, tám tưởng chừng như quá cũ. Mỗi vần thơ như một lời độc thoại với nội tâm, với cuộc đời bằng thứ ngôn ngữ trực quan, không màu mè, không bóng lộn như rất nhiều người làm thơ khác, có lẽ chính sự đơn giản, mộc mạc trong câu chữ, sự cách tân ngắt câu, lật dòng mang hơi hướm của dạng hình thơ thị giác đã tạo nên phong cách riêng biệt và thành công trong cuộc chơi gọi hồn cho xác của nhà thơ Trương Nam Chi.
Huế tháng 10/2014
N.Q
(SDB15/12-14)
HOÀNG KIM NGỌC
Hồ Anh Thái thuộc số các nhà văn mà người đọc có thể “ngửi văn” đoán ra ngay tác giả. Bởi anh đã tạo cho mình được một giọng điệu không lẫn vào đâu được (dù nội dung kể ở mỗi cuốn sách là khác nhau).
NGUYỄN KHẮC PHÊ
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Nhân Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ vừa được xuất bản)
PHONG LÊ
Tính chiến đấu và chất thép - đó là nét quán xuyến trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, và cố nhiên bao trùm cả hoạt động viết của Người.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Nếu tôi không nhầm thì phần lớn bạn đọc chưa hề biết tên bà Cao Ngọc Anh; nói chi đến việc nên hay không nên dành cho bà một vị trí trong làng thơ Việt Nam.
VÕ QUÊ
Ngày hồng (Nxb. Thuận Hóa, 2023) như tên gọi tập thơ là cả một cuộc hành trình dài “kỷ niệm bốn mươi tám năm ngày thống nhất đất nước”, “kỷ niệm bốn mươi tám năm chuyến đò dọc hẹn ước của Duy Mong - Xuân Thảo”.
MAI VĂN HOAN
Nguyễn Đắc Xuân là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Huế. Đời thơ tôi (Nxb. Hội Nhà văn, 2022) là tập thơ chính thức đầu tiên anh gửi tới bạn đọc.
HỒNG NHU
(Bài nói trong buổi tổng kết, trao giải cuộc thi thơ 1996 do Hội VHNT TT. Huế tổ chức. Nhà thơ Hồng Nhu, trưởng BCK trình bày)
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Thật khéo, nữ sĩ Trần Thùy Mai trở về Huế vui xuân và gặp gỡ các bạn văn quen biết trong tòa soạn Tạp chí Sông Hương thân thuộc đúng vào lúc bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân ra mắt bạn đọc.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
1. Trong đời văn của Nguyễn Huy Tưởng có một ngày có thể được coi là trọng đại. Đó là ngày 8 Juin 1942. Ngày ấy ông chép lại vở kịch cũ Vũ Như Tô.
VƯƠNG HỒNG HOAN
Trong văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Bính là một thi sĩ được nhiều người yêu thích và trân trọng. Cuộc đời và thơ ông luôn luôn được nhắc đến trong bạn đọc nước ta hết thế hệ này đến thế hệ khác.
LÊ XUÂN VIỆT
(Nhân đọc hồi ký "Âm vang thời chưa xa" của Xuân Hoàng. Nxb Văn học và Hội Văn nghệ Quảng Bình 1996)
LÊ THANH NGA
Châu Âu - một không gian văn hóa mà nền dân chủ phát triển trước nhất trong lịch sử nhân loại - ngay từ thời trung cổ đã là trung tâm của lễ hội Carnaval (tiếng Việt: lễ hội giả trang).
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Đọc Chuyện cũ Tử Cấm Thành - Kịch bản tuồng lịch sử của Nguyễn Phước Hải Trung - Nxb. Văn học, 2022)
PHONG LÊ
Hơn 60 năm sáng tác và với tuổi đời ngoài 80, Tố Hữu là nhà thơ luôn luôn hiện diện trong sinh hoạt tinh thần của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
"Màu thời gian" là bài thơ nổi tiếng của Đoàn Phú Tứ; đến mức các tác giả "Thi nhân Việt Nam" đã từng nhận định: "không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế".